Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
732
115.982.950
 
Một góc nhỏ Cali…
Phan Chính

 

 

            Nếu chỉ mươi ngày qua một tour du lịch để biết nước Mỹ là không thể, vì mỗi một tiểu bang California thôi cũng phải vài tháng mới may ra hiểu được phần nào. Riêng đất Cali cũng đã rộng hơn Việt Nam gần cả trăm km2, mà dân số chỉ khoảng 38 triệu người. Tôi đến Cali được coi là nơi có ưu thế địa hình chiếm một phần bờ biển miền tây Hoa Kỳ. Đường bay từ Tân Sơn Nhất, quá cảnh Đài Bắc rồi đáp chuyến bay đi San Francisco (bắc Cali) và vòng về Việt Nam từ Los Angeles, thời gian trên máy bay mỗi lượt cũng mất 16 tiếng đồng hồ. Nếu đi theo tour thì chủ yếu đến được vài địa danh du lịch nổi tiếng như Cầu Cổng Vàng - Kim Môn Kiều, biểu tượng của thành phố San Francisco. Được coi là một k ỳ quan sánh với tượng nữ thần Tự Do của Mỹ. So với quy mô các cây cầu dây văng hiện nay, thậm chí so cầu Cần Thơ, cầu Coronado (San Diego) cũng không hơn gì nhưng cái giá trị độc đáo là về sáng kiến, trình độ kỹ thuật ở năm 1933 mà làm được quả là kỳ diệu. Tiếp đến là thành phố cổ San Francisco với Bảo tàng sáp, Bến Ngư Phủ và ngạc nhiên hơn với ý tưởng “hoài cổ” vẫn còn xe cáp điện cũ kỹ chở khách chạy giữa phố cao ốc hiện đại…  Phải rời tour thôi, nếu muốn biết Đập thủy điện Hoover Dam vĩ đại nhất nước Mỹ như thế nào hoặc quãng đường cao tốc băng qua sa mạc Radiatuun mênh mông để đến lãnh địa ăn chơi, cờ bạc Las Vegas giáp bang Nevada.

 

           Trên ô tô xuôi đường cao tốc về Los Angeles dài hơn 800 km với tốc độ trung bình130 km/giờ, trải nghiệm quang cảnh nông thôn, đồi núi của đất Mỹ để thấy không mấy xa với cảnh đô thị nhộn nhịp. Ngược lại cư dân sống địa bàn đồi núi và bờ biển là giới thượng lưu, có thu nhập cao, cần nơi yên tĩnh, trong lành. Những farm/ trang trại, những trại bò sữa, những cụm dân cư, nhà máy công nghiệp… ở đó có khác nhau là một không gian thoáng đãng, mênh mang.

 

           Tưởng chừng với một đất nước có nền công nghiệp hiện đại sẽ xem nhẹ giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng không, khu phố cổ San Diego, là thị trấn đầu tiên của thành phố San Diego, bản xứ của dân tộc Mexico vẫn giữ nguyên trạng các cơ sở tòa án, ngân hàng, trường học, nhà thờ đầu tiên của thành phố trên 1,3 triệu dân hiện nay, trở thành điểm đến du lịch. Làng Solvang của cư dân người Đan Mạch thuở xưa, vẫn hình ảnh mái nhà có cối xay gió và đặc trưng món bánh ngọt, rượu vang nho được xếp vào hàng đẳng cấp thế giới. Những gian hàng bán đồ mỹ nghệ, nhà hàng ẩm thực bằng gỗ cổ kính như tái hiện trong những bộ phim Mỹ cách đây trên nửa thế kỷ. Điều bất ngờ với tôi khi đến một bảo tàng đồ sộ nằm trọn trên ngọn núi có tên Getty Center, chỉ mới hoạt động vài năm gân đây. Đường lên bảo tàng bằng tàu điện, chỉ mất 15 Usd tiền gửi xe ô tô còn lại hoàn toàn miễn phí, có thể vào hàng trăm gian phòng trưng bày để thưởng lãm những tác phẩm có giá trị nghệ thuật bằng bản gốc và phiên bản thuộc lĩnh vực mỹ thuật, tranh thảm thêu, điêu khắc, cổ vật gốm sứ của các nước trên thế giới, có từ những năm trước thế kỷ 19. Đây là tài sản của một tỷ phú Mỹ lập sưu tập và sau đó hiến tặng cho chính phủ. Dọc bờ biển Hungtington 14 km, trên các đường phố thuộc quận Cam Orange lưa thưa hàng cây cọ dầu cao lêu nghêu, những cây phượng già trổ hoa màu tím mộng mơ… rất đặc trưng được coi đó là dấu tích của vùng đất Mexico. Khách du lịch có cái thú vị là được tiếp cận với không gian thần tượng nghệ thuật điện ảnh. Tương tự ở Hồng Kông, khách thường chụp ảnh lưu niệm bên những tượng đài tài danh điện ảnh võ thuật kiếm hiệp, áp bàn chân mình lên dấu chân của một tài tử từng ngưỡng mộ rải rác trên con đường cạnh khu phim trường, thì ở Cali có một khu phố tập trung cho giới hoạt động, dịch vụ và sinh hoạt của đạo diễn, tài tử điện ảnh nổi tiếng. Đó là Hollywood còn gọi là kinh đô điện ảnh, có Dolby Theatre nơi trao giải Oscar hàng năm, có công viên Universal Studios là trường quay các bộ phim lớn của thế giới.

           Thật sự tôi có nhiều cảm nhận khác rồi liên hệ, tất nhiên không so sánh với sinh hoạt xã hội ở đất nước mình do còn nhiều điều kiện hạn chế. Chuyện rác, tôi thấy mỗi nhà đều có ba thùng rác màu khác nhau. Vào đêm xe rác chỉ duy nhất một người vừa lái vừa vận hành đưa thùng rác trút gọn vào thùng xe. Lại một xe khác …tức mỗi xe chỉ lấy một loại thùng rác. Như vậy rác thải của từng nhà phải tự phân loại, rác thực phẩm, rác tái chế (chai lọ, nhựa, giấy) và rác cỏ vườn. Làm sai là chịu phạt bằng tiền. Ở Cali có lợi thế nhiều bãi biển đẹp như Long beach, Laguna, Balboa, Malibu …bãi cát phẳng rộng. Cặp bờ là thảm cỏ xanh mượt, có lò nướng thịt, bàn đá ngồi ăn, vòi nước ngọt, nhà vệ sinh…và rải rác nhiều thùng chứa rác. Người đi pic-nic, tắm biển, lướt sóng, đánh bóng có thể sử dụng không phải mất một khoản tiền nào. Một phần tạo ra sự thuận lợi cho biện pháp môi trường là việc quy hoạch các khu dân cư, khu thương mại, trường học, công viên… đã có từ trước cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, điện nước rất ổn định. Một người bạn chỉ cho tôi các đường phố khu cư dân Garden nói rằng cách đây 40 năm, khi mới tạm cư tập trung tại trại Thủy quân lục chiến Camp Pendleton, hàng ngày lên đây hái thuê táo, cam vì đây là đất trồng cây ăn trái  bạt ngàn nhưng lúc đó đã có đường sá rồi. Đến nhà ai cũng có mảnh vườn nhỏ trồng rau, cây cảnh và cũng giữ lại một gốc cam đang ra quả chín vàng. Đất này rất chịu giống cam nhưng lạt lẽo, tên quận Cam có từ vùng đất đó. Tôi khá lạ, ở các City- theo tổ chức hành chánh Quận có nhiều City (thành phố), như quận Cam có 29 thành phố,  không có nhà nào mang số “xuyệt” tức số đường hẻm. Cho nên tìm địa chỉ nhà rất dễ, chỉ cần bấm số định vị xe ô tô là tìm thấy hướng đường đến đúng ngay. Tôi để ý xe ô tô chạy đến đến ngã tư, ngã ba dù không tín hiệu đèn vẫn tự giác, dừng bánh. Quan sát nếu có xe đã đứng bánh trước thì nhường đường. Xe đậu trên đường có độ dốc dù ít cũng cài cặp bánh trước xéo vào lề để tránh sự cố tuột dốc. Còn việc không bấm còi, không nghe điện thoại, trẻ con có ghế nôi trong xe…là việc làm nghiêm túc. Dù nhà nào cũng có ga-ra để xe phía trước nhưng hầu như xe để nằm ngoài sân hay lề đường mà không sợ sứt mẻ mới hay.

           Có lẽ cư dân người Việt ở quận Cam (Oranger) là đông nhất ở Cali. Thường được gọi chung là Little Saigon- Sài Gòn nhỏ gồm các city Westminster, Garden Grove, Sata Ana. Quyền hạn của Thị trưởng nhiệm kỳ 2 năm rất lệ thuộc vào lá phiếu của cử tri, cho nên có những qui định riêng theo đặc thù cư dân và hiến pháp. Những tên chợ Phước Lộc Thọ, Thuận Phát và hàng trăm nhà hàng, shop thời trang, tiệm café, điện thoại… trên phố Bolsa đều mang chữ Việt và của người Việt cùng một ít người Hoa. Đương nhiên khách hàng hầu hết là người Việt. Cho nên có  nhiều người lớn tuổi đã nhập tịch Mỹ từ trên 30 năm nay chỉ lớt phớt đôi ba từ thông dụng, không nói thông tiếng Mỹ vì không có nhu cầu sử dụng tiếng Mỹ. Nước Mỹ có nền văn hóa đa chủng tộc và ngôn ngữ. Los Angeles là đất Mexico giành độc lập từ Tây Ban Nha, lực lượng lao động chân tay ở đây phần đông là người Mexico (còn gọi là người Mễ), họ làm việc rất khỏe và cần cù nhưng không biết tần tiện, dành dụm như người Việt ở đây. Từng có bộ phim nói về một ngày ở Mỹ không có người Mễ, có nghĩa nó sẽ tệ hại, trống trải như thế nào. Tôi cũng gặp nhiều người Việt định cư khá lâu, lúc đầu không đơn giản, sống nhờ tiền trợ cấp xã hội, bưng bê, lựa rác, rửa xe… nay có được cuộc sống coi là khá đầy đủ, cũng có nhà có ô tô và con cái thành đạt nhưng vẫn thốt lên câu nói vừa vui vừa ngậm ngùi, ở quê nhà mỗi người sinh ra, số mệnh nằm trong mười hai con giáp, nhưng ở Mỹ chỉ có mỗi một con giáp thôi- đó là con trâu. Mà con trâu có số phận như thế nào, ai cũng biết.Đành rằng trong xã hội Mỹ mọi hành vi đều phải biết lúc dừng, biết giới hạn không thì bị phạt, nhẹ là tiền nặng là tù. Nhưng nhìn vào cung cách ứng xử nơi công cộng, thái độ văn hóa xếp hàng khi vào tiệm ăn, siêu thị, đi xe bus, vào ra thang máy…và trong lĩnh vực giao thông, bảo vệ môi trường mới thấy ở họ đã trở thành một thói quen,có từ nhận thức.

 

 

           

 

Phan Chính
Số lần đọc: 2726
Ngày đăng: 15.06.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tản mạn về Huế - Huyền Chiêu
MỸ SƠN "Nhớ và quên" - Nguyễn Nhã Tiên
Ghi chép Március – Tháng Ba - 2015 - Nguyễn Hồng Nhung
Tọa đàm về tác phẩm của Hamvas Béla - Nguyễn Hồng Nhung
Ghi chép November 2014 - Nguyễn Hồng Nhung
Trổ Vang Cả Đất Trời - Nguyễn Hàng Tình
Ghi chép Oktober - 2014 - Nguyễn Hồng Nhung
Ta về với núi - Vĩnh Thông
Trôi Trong Đường Tàu Hư Ảo - Nguyễn Hàng Tình
Gửi Nguyễn Hòa cùng Văn Chương Việt - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Dinh Thầy Thím (tạp văn)
Chị (thơ)
(thơ)
Du xuân Tà Cú (văn hóa)