Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
683
116.546.868
 
Những Bình Minh
Tru Sa

 

 

 

 

 

 

     Ngày xửa ngày xưa…

     Mọi câu chuyện đều sinh ra từ dòng chữ này.

     Ngày xửa ngày xưa…Làng tôi thờ Phượng Hoàng. Ngày nay, làng tôi thờ Phượng Hoàng. Làng tôi là làng Phượng Hoàng.

 

     Chuyện kể rằng, làng tôi từ xưa bị bao phủ bởi đám mây nghìn năm tuổi. Ngày cũng như đêm, đều một màu om om. Một ngày, Phượng Hoàng từ phương xa bay tới, kịch chiến và xé tan đám mây ma. Một số người kể rằng nguyên hình của đám mây là một con rắn khổng lồ. Phượng Hoàng đã bắt rắn. Rồi thì, Phượng Hoàng nhổ lông để hóa phép xây nhà, Phượng Hoàng đuổi thổ phỉ hay Phượng Hoàng…Đại loại là làng tôi từng chịu ơn Phượng Hoàng nhiều năm về trước.

     Tượng Phượng Hoàng dựng chính giữa làng. Nơi đây là đường đất, cũng là con đường lớn của làng. Không ai biết người đã tạc ra tượng Phượng Hoàng. Tảng đá dùng để tạc hình Phượng, là nơi Phượng Hoàng đã bay đến. Quanh con đường có nhiều cây dại. Những cây cao quá, cỡ đại thụ đều bị chặt. Những cây tầm vóc vừa vừa, cỡ cây khế ba năm tuổi cũng đều bị đốn. Ngay đến những cây cao quá một mét cũng không được giữ. Nhờ thế đường cái rộng hơn. Dù còn lầy lội, nhiều lúc bị vấp, chảy máu chân vì những hòn đá cạnh sắc.

     Tượng Phượng Hoàng cao hơn một mét. Phượng Hoàng đứng khép cánh, dân làng kể nếu cánh Phượng mở ra, ngài sẽ bay mất. Cổ cao, giống với loài Hạc, mỏ Phượng Hoàng khép và cái đầu nghếch lên trời. Phượng Hoàng đứng trên một bệ đá. Cái bệ chẳng cao lắm nhưng khiến Phượng Hoàng cao hơn. Đôi chân Phượng Hoàng duỗi thẳng, theo thế đứng. Tôi đếm được năm móng chân vuốt sắc. Bốn hướng ra ngoài, ngón cuối cùng, to nhất thì quặp ở sau. Đuôi Phượng trải xuống, quét đất. Bức tượng được tạc đã lâu nên nhiều lớp bị nứt, bị rêu phủ và xạm đen. Nếu ai túc trực ở đường cái, sẽ còn có thể nhìn thấy mặt trời mọc và lặn theo hướng nhìn của Phượng Hoàng. Chính Ngọ là thời điểm mặt trời nắm mọi quyền bính. Lửa nắng phả xuống và dát lên tượng Phượng Hoàng. Đầu Phượng Hoàng chỉ lên mặt trời. Cái mỏ được tạc nhọn như mũi tên Hậu Nghệ. Nếu là mùa hè, những ngày trưa bốn mươi độ sờ vào mặt tượng sẽ bỏng tay. Mẹ tôi kể, vào một mùa hè có người đã bốc cháy trước tượng. Người đấy không cứu được, vì vừa bị cháy, lại thiếu nước trong hàng tiếng đồng hồ nằm ngất ngoài đường cái. Những lúc Phượng Hoàng tắm gội trong nắng mặt trời thì chẳng ai đến gần được. Lúc nắng dịu và tan chảy vào lòng đỏ mặt trời thì Phượng Hoàng lành và dễ gần hơn. Dân làng có thể đến gần tượng, để khấn vái, thắp hương. Khách thập phương có thể chụp ảnh hay vẽ truyền thần.

 

     Như mọi đứa trẻ con trong làng, em trai tôi mỗi lúc đi ngủ đều được nghe kể chuyện. Mẹ tôi kể. Nếu mẹ đi vắng thì tôi kể. Luôn là chuyện về Phượng Hoàng. Câu chuyện truyền thống mà mỗi người dân trong làng đều phải nằm lòng là về Phượng Hoàng đuổi mây đen. Em tôi có nằm mơ thấy Phượng Hoàng không? Tôi không hỏi. Em tôi cũng chẳng kể. Tôi vẫn thường mơ thấy được Phượng Hoàng chở trên lưng. Một Phượng Hoàng thứ thiệt, có thể vỗ cánh bay. Đấy là giấc mơ thời trẻ con. Giờ, tôi lớn hơn và chẳng bao giờ mơ thấy Phượng Hoàng. Họa hoằn có khi tôi nghĩ ngợi về thần thú quá nhiều. Một số người trong làng đã khăn gói để tìm kiếm Phượng Hoàng. Số khác thì vẫn ở lại làng, ngày ngày qua lại chỗ bức tượng để cầu khấn mong một ngày được mãn nhãn. Mẹ tôi cũng muốn được nhìn thấy Phượng Hoàng. Tôi không mong lắm, nhưng nếu ngày nào đấy Phượng Hoàng có bay qua làng, tôi sẽ là người đầu tiên nhìn lên trời.

     Người làng vẽ hình Phượng Hoàng vào mỗi dịp tết, lễ hội để treo bán. Quanh làng không thiếu những chỗ bày bán tượng Phượng Hoàng đẽo bằng gỗ, rèn bằng sắt, vẽ trên bình gốm, khắc hình mặt dây chuyền, vòng, nhẫn. Mọi hình ảnh đều theo khuôn đúc của bức tượng ngoài đường cái. Mỗi người trong làng đều có một bức tranh Phượng Hoàng trong nhà. Ai sùng tín sẽ nhờ thợ đúc tượng để thờ. Nhà tôi cũng có tranh Phượng Hoàng. Bức vẽ đã gần trăm năm, tính từ đời ông đến đời cha và tôi. Bởi đã lâu, nên tranh nhiều chỗ rách, mờ màu. Nhà tôi không thay tranh mới. Phần vì đây là bức tranh có tuổi. Phần khác do bức tranh treo trong phòng thờ, ít nhiều có linh khí. Nghe mẹ kể thì sau khi mua tranh, ông tôi đã đến tượng Phượng Hoàng để khấn vái.

 

   “Tại sao Phượng Hoàng không tung cánh.”

   “Phượng Hoàng sẽ bay đi.”

   “Phượng Hoàng vốn bay đi rồi.”

   “Ngài sẽ quay lại làng.”

 

     Vài người trong làng nói rằng đã thấy Phượng Hoàng. Đều là nói phét và chẳng ai tin. Cũng chẳng biết ai trong số những người đã bỏ làng đi đã thấy Phượng Hoàng. Chắc là không. Các câu chuyện cổ ghi rằng Phượng Hoàng bay đi nhưng không rõ ràng là về đâu. Phượng Hoàng bay về phía Bắc, xuống phương Nam, bay thẳng lên trời, biến mất giữa lưng chừng trời hay bay vòng vèo rồi biến mất, cũng lưng chừng trời. Ngày, tháng, năm cứ thế trôi và đóng dày thành nhiều mộ bia. Lúc các chứng tích bị thời gian phủ bụi, cạy xóa thì cũng là lúc các dị bản ra đời. Càng về sau tôi càng được nghe nhiều chuyện về Phượng Hoàng. Trong câu chuyện Phượng Hoàng đuổi mây đen, ngoài việc đám mây phát tích hình rắn hổ mang tôi còn được nghe về một trận đại dịch màu đen, bầy quỷ từ địa ngục…Còn có người nói Phượng Hoàng đã chết trong trận đánh với đám mây đen. Nơi dựng tượng là nơi Phượng Hoàng ngã xuống. Cái dị bản này đã được kéo dài thêm bằng một dị bản khác rằng “Phượng Hoàng bị thương, máu ngài đổ xuống bãi đá găm, tạo thành đường cái. Sau đấy Phượng Hoàng bay về trời. Nơi ngài bay lên, người dân tạc tượng để nhớ ơn…”

     Nếu nhìn thấy Phượng Hoàng, chết không đọa Địa Ngục. Máu Phượng Hoàng mang đến bất tử- Tôi nghe kể lại thế. Từng có vua chúa muốn săn lấy Phượng Hoàng. Những đế vương muốn hóa rồng bằng máu Phượng. Vua chúa nào thì cũng sẽ già nua và chết trong bệnh tật. Làng tôi từng có người mong được nếm thử máu Phượng Hoàng. Gã nói “Chỉ cần nửa giọt dính vào lưỡi, thế thôi.” Chẳng ai tán đồng và đã đấm vào mặt, đá đít gã khỏi làng. Liệu còn có thêm ai nghĩ như gã hồ đồ đấy không? Nhưng Phượng Hoàng. Đấy vẫn là nguồn sống của làng tôi. Một ông cụ làng tôi lúc chết đã không nhắm được mắt vì vẫn chưa được thấy Phượng Hoàng. Cuối làng có một thầy giáo dạy vẽ. Ông ấy cũng là người mê mẩn Phượng Hoàng. Vẽ rất nhiều tranh Phượng Hoàng. Vẽ trên giấy, trên vải, lên tường, mặt bàn, tủ gụ, cánh cửa, tự xăm vẽ lên thân mình…Người ta kháo rằng ông ấy có hơn một nghìn bức tranh vẽ Phượng. Nghìn bức tranh chỉ sao chép một Phượng Hoàng hay nghìn bức tranh là nghìn chim Phượng Hoàng? Người thầy giáo đấy đã hóa điên. Bởi ông ta đã canh ở đường cái một tháng trời. Không ăn không ngủ, ông ta chỉ mang theo bút và giấy. Hồ như, ông ấy muốn bắt bằng được thời khắc tượng chuyển mình. Chẳng nghe ai khuyên bảo, người thầy cứ ngồi trước tượng. Sáng sớm, người làng thấy ông liếm sương trên mỗi chiếc lá. Có người bảo ông còn hớp nắng sớm, nuốt gió, ăn ánh trăng để lấy sức. Sau một đêm dông chẳng ai nhận ra ông ấy. Tóc ông xổ dài chạm đất, những sợi mỏng, xám xịt như lớp vảy hoại thư. Mặt người thầy teo tóp và khô khốc như vỏ cây. Hai hàm răng người thầy đánh vào nhau và ăn nghiến như cánh cổng chốt nhiều lớp. Chỉ hai bờ môi bập ra bập vào. Trong đêm tối, người làng thấy ông thầy ôm đầu, chạy tứ tung. “…À…” – Chỉ một tiếng đấy. Tiếng bật vang như hơi nén trong chai đột ngột mở nút. Người làng đang tản mác liền được đánh động, cùng chạy đến nơi vang ra tiếng người. Người thầy biến mất. Tôi hỏi mấy người già và gom về một mớ các câu trả lời: Bị mây đen bắt, thấy tiếng không thấy người, rơi xuống vực, ngã xuống giếng, ngã xuống sông, chạy sang làng bên, Phượng Hoàng đã chở đi…Có người bảo nhìn thấy mẹ tôi trong đội tìm kiếm. Mẹ bảo chỉ đi ngó qua vì hiếu kì, tôi tin lời mẹ.

     Mẹ luôn kể cho tôi về Phượng Hoàng. Ngày bé, Phượng Hoàng dỗ tôi ngủ đêm. Lúc lớn hơn, tôi vẫn được nghe chuyện. Tôi thuộc làu rồi. Nhiều năm sau, mỗi buổi tối tôi kể chuyện Phượng Hoàng cho mẹ nhưng không hẳn chỉ cho mẹ. Ngày ấy, mẹ mang bầu. Cha tôi đã bỏ nhà đi khi tôi mười tháng tuổi. Ông đi tìm Phượng Hoàng. Vậy là ông trở, gây giống rồi lại đi. Những dèm pha chẳng nghĩa lý gì khi ngày ngày mẹ vẫn đến đường cái. Mẹ cúng vái Phượng Hoàng thật lâu, ngày này qua ngày nọ. Ngày mẹ trở dạ, bà đã trốn khỏi viện xá và hạ sinh em tôi ở đường cái. Tượng Phượng Hoàng thành bà đỡ. Em tôi chào đời dưới chân tượng và được tắm nắng mặt trời. Mẹ tôi bồng em. Người làng tôi đã đưa mẹ và em về nhà, và chăm sóc, cho sữa, cho đường. Không còn ai độc miệng với đứa em đã chào đời của tôi. Họ bảo mẹ đẻ được con giời.

     Ai trong làng cũng nhận mình là con cháu Phượng Hoàng. Tôi biết chẳng ai là máu mủ của Phượng Hoàng, đứa em tôi cũng thế, dù cho mẹ đã đặt tên em là Phương.

 

   “Phượng Hoàng không có mắt.”  

  “Có chứ!”

   “Không thấy tròng mắt.”

   “Một mắt mặt trời, một mắt mặt trăng.”

   “Mắt nào là trời? Mắt nào là trăng?”

   “Một mắt mặt trời, một mắt mặt trăng.”

   “Mặt trăng bên nào? Mặt trời bên nào?”

   “Một mắt mặt trời, một mắt mặt trăng.”

    “Mặt trăng màu gì? Mặt trời màu chi?”

 

     Đường cái. Tượng Phượng Hoàng khép cánh.

     Những tháng hè nắng đổ lửa tượng luôn nóng hôi hổi. Đông đến, đường cái hun hút gió. Bốn bề tượng lúc đấy lạnh băng. Người làng bảo rằng “Ban ngày Phượng Hoàng sưởi nắng mặt trời, đêm hong mình dưới trăng.” Mỏ Phượng luôn nghếch lên, chỉ trời và chỉ trăng. Người dân xếp hàng khấn vái. Lúc đông, lúc vắng, khi chen chúc, lúc xô đẩy, ngã lăn lộn, rồi về cả. Chỉ tôi đứng một chỗ, chẳng khấn vái xin xỏ gì. Tôi ngửa cổ nhìn tượng với nỗi mênh mang về một giấc mơ được thấy Phượng Hoàng bay. Nhiều tháng, nhiều năm trôi qua, tượng Phượng Hoàng vẫn đứng đây. Rêu mọc xanh quanh mình tượng. Phần cổ của tượng đen nhọ vì bụi bặm và khói hương. Việc nhang khói đều do người làng tự mang hương, tự thắp. Đến hôm sau, số que hương sẽ được nhặt đi sau khi đã chắp tay xin phép Phượng Hoàng. Những cơn mưa dềnh mặt ruộng, ngập đến đùi không rửa trôi hết được những uế tạp trên mình Phượng Hoàng. Bởi thời gian, dù là đá hoa cương cũng sẽ bị bào hóa. Đi vòng quanh tượng, thấy nhiều mẩu lông đã ram ráp, mòn đi hoặc rụng, vỡ. Mắt Phượng Hoàng chẳng có tròng. Thứ màu trắng lạnh trong mắt Phượng vốn là màu của đá tạc. chứ không Màu mắt nào thì hợp với Phượng Hoàng đây? Tranh về Phượng Hoàng cũng bỏ trống màu mắt. Người thầy giáo trước đó vẽ nhiều về Phượng Hoàng, liệu có điểm mắt?

     Ngoài số tranh vẽ biếu, bán hay treo trong trường thì chẳng còn bức nào. Một trận hỏa hoạn cuối năm nọ đã thiêu trụi cái nhà cấp bốn của ông thầy. Tranh trong nhà thành tro. Số tranh khác thì Phượng Hoàng chưa được chấm màu mắt. Mắt để trống, như bức tranh truyền thống về Phượng Hoàng được vẽ lại từ bức tượng tạc lại trong huyền thoại xửa xưa.

     Tôi mở sách. Kể cho em tôi về chuyện Phượng Hoàng.

     Hết chuyện. Em tôi ngủ, nhưng vẫn chưa ngủ.

   “Ngày mai lớp em có tiết kiểm tra họa. Vẽ tại lớp. Vẽ gì hả anh? Đề tự do.” – Em tôi nói.

   “Thích gì vẽ nấy.” – Tôi bảo.

   “Nhưng vẽ gì bây giờ.”

   “Vẽ Phượng Hoàng.” – Tôi bảo. Buột miệng.

     Tôi vờ ngáy. Em tôi hỏi thêm một hai câu. Rồi cũng ngủ. Chẳng biết nó có thật sự ngủ chưa vì chốc lát lại trở mình. Chăn của tôi bị nó kéo hết.

 

     Đường cái. Tượng Phượng Hoàng khép cánh. Mặt trời từ từ ngoi lên. Mỏ Phượng Hoàng khép nhọn như kim chỉ Nam nhích lên mặt trời.

     Người làng ra đồng. Họ đi qua tượng. Ai cũng khấn, mong đến một mùa bội thu.

 

     Cũng ở đường cái. Một người lạ mặt đi lòng vòng nửa ngày trời. Ông ta trạc ngũ tuần, râu để dài chùm như tiên ông. Người đấy khoác một bộ quần áo màu nâu đất, vai khoác túi vải thổ cẩm và tự nhận mình là thầy cúng. Người làng tôi đón tiếp ông ta rất chu đao, dù với tư cách khách du lịch hay người nhỡ đường. Nghe đâu, người thầy cúng này có thể gọi được Phượng Hoàng.

   “Sẽ được thấy Phượng Hoàng.” – Đó là lời kháo nhau. Tin lan khắp làng chưa đến nửa ngày. Dân làng tôi, từ trưởng làng, trưởng họ, người làm ruộng, kẻ mở cửa hàng, ông chủ cho thuê đất, thợ làm thuê, người làm cán bộ trên xã, thầy giáo, bọn học sinh, các cụ ông cụ bà tuổi thượng tuế…Đều nhao nhác. Đến bọn trẻ con mới sinh hoặc còn trong bụng mẹ, thành hình hoặc chưa thành hình đều biết chuyện. Họ nói với nhau. Dò hỏi. Rồi tìm đến ông thầy.

     Người trong làng kể cho ông thầy nghe giai thoại Phượng Hoàng. Ông thầy xem tượng, nói “Tượng bao nhiêu năm tuổi.”

   “Lâu rồi.”

   “Cụ thể?”

   “Chẳng biết. Lúc đẻ ra là thấy rồi.”

   “Trăm năm không hay vài trăm năm?”  

   “Chả rõ, từ ngày xửa ngày xưa.”

   “Chắc chẳng đến nghìn năm. Trăm tuổi là có linh khí rồi.”

     Dân làng tôi nhao nhao. Ai cũng rạng rỡ. Người đến ngày một đông. Đường cái chật cứng người. Trưởng làng phải cho người dàn xếp hàng lối. Bảo rằng bà con không được làm loạn. Mấy cụ già ốm yếu chẳng ngại trời trở gió vì rằng chỉ cần nhìn thấy Phượng Hoàng thì chết ngay cũng được. Ông thầy cần lộ phí. Dân làng chấp thuận. Ông thầy bấm bấm tay, nhẩm một mình rồi bảo lúc hoàng hôn sẽ làm lễ.

     Người làng mổ lợn, giết gà để khoản đãi ông thầy. Sáu rưỡi chiều, mặt trời bắt đầu đổ hoàng hôn. Chính lúc này, ông thầy làm lễ. Địa điểm là ở đường cái, nơi đặt tượng Phượng Hoàng.

 

     Dân làng đứng đông, tạo thành nhiều hàng dài. Ai cũng háo hức. Chẳng ai chịu im lặng. Người nào người nấy nói lớn tướng. Có người cười. Tôi đứng cùng em mình. Mẹ tôi ở hàng sau. Có người mang giấy bút để phác lại cảnh có một không hai. Mặt trời đã nguội lửa, chậm rãi lăn đi như cái nhích kim trên đồng hồ. Một giấc băng hà ngắn sẽ bắt đầu nhường trăng lên thiết triều.

     Tượng Phượng Hoàng vẫn khép cánh. Đầu hướng cao.

     Ông thầy đóng năm cọc tre quanh tượng Phượng Hoàng. Cọc tre đóng theo vòng tròn. Trước tượng, những cánh sao thành hình và đổ ngược, hằn sâu mặt đất thành cái đầu dê. Ông thầy vẽ bằng ngón út để móng dài. Một số cốc, bình, mấy nén hương được lấy từ cái túi thổ cẩm. Cốc, bình úp hết xuống đất. Đáy các cốc, bình được đục lỗ nhỏ. Ông thầy cắm ngược các que hương và đốt từ chân. Lửa nhai chân hương, lớn phổng một chốc rồi lịm tắt và hóa khói. Luồng khói nghi ngút, uống gió và bay quanh nghi lễ như con mãng xà trắng trườn mình. Ông thầy niệm tiếng chú. Vừa niệm, vừa đi quanh. Một cán gậy được buộc hàng mớ quả chuông vang inh ỏi. Cán gậy chúc lên trời. Ông thầy vẩy nước lên tượng rồi vừa đi lòng vòng vừa niệm chú. Chẳng biết bao lâu. Lúc đầu còn có người coi. Sau, số thì buồn ngủ, số thì lẩm bẩm.

     Ông thầy vã cả mồ hôi. Ông ta vẫn niệm vẫn vẩy nước, lắc chuông. Đốt thêm cả hương. Chẳng có gì.

   “Đồ bố láo.”

   “Có chó gì, thằng lừa đảo.”

   “Về thôi. Mệt cả người.”

   “Xéo khỏi làng tao.”

     Người này người kia hùng hổ. Ông thầy vẫn tiếp tục nghi lễ dù không gian đã xáo trộn. Mấy hàng người vỡ thành nhiều hàng nhỏ. Sóng người chen chúc. Chân nọ đạp vào chân kia. Đầu va vào nhau. Tiếng trẻ con khóc. Một cái cùi chỏ va vào mắt làm tôi nổ đom đóm. Một vài người nhặt đá ném ông thầy. Có người ném cả dép, cành cây, cả lõi ngô, củ khoai ăn dở. Trưởng làng hô hoán gì đấy. Không ai ngăn nổi dân làng đang giận đùng đùng. Trận phép bị đạp đổ. Tôi vẫn nắm tay em mình. Đám đông tràn như vỡ trận nên tôi chẳng thấy ông thầy đâu nữa. Không rõ ông ta còn kẹt trong đám người hay lẩn mất rồi. Đường ngày một chật bởi nhiều người chen chúc nhau để về. Do đông quá nên an hem tôi đứng nghỉ dưới một tảng đá. Em tôi ngáp ngủ và rúc vào vai tôi. Chưa bao giờ dân làng chen lấn như hôm nay. Trời chưa tối. Mặt trời còn lưng chừng núi. Hẳn phải bảy giờ chiều. Mặt trời vẫn bập bềnh như bị neo lại. Hoàng hôn đã tắt từ bao giờ. Ánh mặt trời giờ như ngọn đom đóm, tàn nhưng không mất.

     Một tiếng gì đấy bổ xuống làng tôi. Dân làng đang nhốn nháo bỗng im phăng phắc. Có người kêu lên, chỉ tay về phía tượng. Lại một người nữa. Dân làng đứng lại. Ai đang đi về cũng quay trở lại. Những nhóm lẻ nối thành hàng, dồn thành biển người rồi nhìn tượng.

     Tượng Phượng Hoàng đang nhúc nhích. Đôi cánh vốn khép chặt đang mở ra, dù rất chậm. Dân làng nín lặng. Đôi cánh chưa xòe lên. Tượng lay mình. Em tôi đòi nhìn. Tôi nhấc em ngồi lên vai. Có người lẩm bẩm cầu khấn. Ai quỳ thì níu người bên cạnh quỳ theo. Các cụ già mắt sáng quắc. Có người vái lên vái xuống. Vì vung tay cao nên đập vào người phía sau.

     Tượng lay mình vài cái. Đôi cánh khép xòe chầm chậm như cánh hoa nở để lộ nhụy.

     Chẳng phải tượng đá. Là Phượng Hoàng. Phượng Hoàng hiển linh. Phượng Hoàng thức giấc. Phượng Hoàng, đang ngày một to lớn.

     Cái đầu vốn nghếch lên trời hàng trăm năm, giờ khằm xuống. Tôi nhìn lên. Không hề thấy màu mắt Phượng Hoàng. Đôi mắt thần rất to, thậm chí to hơn cái đầu tôi. Chẳng thấy màu mắt. Cặp mắt đấy như hai cái hốc đen. Chỉ một màu đen, dày và hoăm hoắm như lối vào lăng mộ. Bộ lông Phượng Hoàng mọc dày thêm. Những sợi lông mới mọc chổng ra, đâm tứ phía. Bộ vuốt chân Phượng Hoàng ngày một dài, nhọn và khum cong. Cái mỏ vốn khép cứng giờ tách đôi, nhìn sắc như cây kéo. Lúc đôi cánh Phượng Hoàng xòe rộng chẳng ai còn thấy gì. Sau tiếng vỗ cánh, một cơn gió mạnh xốc đến, buốt lạnh đến đỉnh óc. Không ai thấy gì nữa. Phượng Hoàng cất cánh và đổ bóng đen xuống đường cái. Mặt trời đẫm đen như Nhật Thực. Một tiếng rú cao rồi chìm mất. Lại một tiếng rú khác. Tiếng vỗ cánh vẫn phần phật. Có tiếng kêu cứu. Tiếng từ dưới vọng cao lên. Một số người loay hoay. Rồi bị trượt ngã vì ngáng chân. Bị ai đấy va vào, tôi ngã văng. Không thấy đau, cũng không chạm đất vì tôi nằm ngã lên một vật mềm mềm. Sờ soạng hồi lâu, tôi nắn thấy những đốt ngón tay lạnh. Lúc các ngón tay co lại, nắm chặt bàn tay tôi thì tôi cố vùng ra. Tôi bò lồm cồm trong bóng tối. Mùi tanh sôi sục khắp nơi. Chợt, tôi nắm thấy một thứ dài như sợi dây nhưng trơn trượt. Nắn tay, tôi thấy thứ này lòng thòng, mềm nhũn và trơn ướt. Tôi kéo mạnh, thứ đấy đứt tung ra cùng một tiếng rên khẽ. Tiếng hô hoán không thoát khỏi màn đêm quá bao la như sa mạc. Tiếng kêu đổ lên nhau. Người người chạy đi nhưng chỉ va vào nhau. Rồi từng người một bị một vật sắc, với đầy sức mạnh nâng lên cao để lúc sau bị quẳng xuống khi đã nát bét.

     Tôi không tìm được em mình. Tôi ôm đầu chạy. Dân làng tôi cũng ôm đầu chạy. Chẳng ai thấy nhau. Thân người cứ va nhau bôm bốp rồi văng lăn lóc.

   “Đám mây ma.”

   “Phượng Hoàng, cứu chúng con.”

   “Con ơi…”

   “Mẹ ơi…”

   “Phượng Hoàng…”

    Chúng tôi kêu mãi Phượng Hoàng. Định quỳ gối cầu khấn nhưng chẳng ai còn nhớ tượng Phượng Hoàng đặt ở đâu, phương Nam hay phương Bắc…Bị trượt ngã vì vũng nước nhơn nhớt loang tràn mặt đất, tôi nằm lịm đi. Một lúc, tôi bật tỉnh vẫn vì tiếng gào thét của người làng. Ống quần tôi ướt nhẹp. Vuốt mặt để tỉnh táo hơn, tôi nôn thốc vì mùi máu tươi hôi hổi. Bỗng, tôi nghe thấy tiếng quạt gió. Thân người tôi bị bóp chặt trong một bộ vuốt khổng lồ. Xương tôi bị vò nát bét. Tôi hộc máu. Cả người tôi phóng vọt lên cao. Không phải tôi bay. Người tôi nát nhừ rồi. Tôi bị cắp.

   “…À” – Tiếng bên cạnh tôi. Lúc quờ tay, tôi nắm được một bàn tay bé xíu, hệt như tay em tôi. “…À” – Tiếng của tôi. Tiếng bên dưới cũng vang như thế. Những chữ “…À” vọt từ từng cái miệng dân làng tôi. Từng chữ nối nhau vang. Từng người nối nhau, để cái tiếng đấy chạy ra ngoài. Tiếng đổ ào ạt như con lũ bộc vỡ sâu lòng đất.

     Một cơn giật bắn người khiến tôi ngã khỏi giường. Đầu tôi cộc mạnh vào chân bàn. Cơn choáng váng vì đau làm tôi tỉnh lại. Lưng tôi ướt nhẹp, tỏa lạnh buốt. Cột xương sống sượng cứng, và lạnh toát như con rết đóng băng. Ngoài trời thui đen. Dường như đêm vẫn còn. Nắm bàn tay rôm rốp, tôi gồng từ từ cốt gom đủ sức để tự đứng dậy. Tôi bật hết đèn, thắp đủ loại nến. Cái gì đốt được cứ đốt, miễn là đánh thành ánh sáng.

    Mẹ tôi dậy rồi. Em tôi cũng thế. Nhìn họ trắng bệch, run rẩy như vừa chui ra từ hầm  nước đá.

   “…”

     Ba mẹ con định nói gì đấy nhưng ấp úng mãi rồi thôi. Em tôi mếu máo, dường như định khóc òa lên nhưng rặn mãi chẳng thành tiếng nên đành chui vào trong chăn. Tỉnh ngủ đã được chục phút, quạt cũng đã bật thế nhưng tôi vẫn đổ mồ hôi lạnh. Chỉ một tiếng nói thật lớn, hoặc chỉ một câu hỏi có hoặc không vậy mà cũng khó thốt ra đến thế. Tính viết cái gì đấy để đưa cho mẹ, hoặc em tôi, nhưng tôi lại run tay. Cái run rẩy khiến gân xanh nổi hằn khắp mình mẩy.  

     Sau đấy, từng nhà trong làng sáng đèn. Bật điện, đốt đuốc, soi đèn pin. Làng tôi như chẩy hội. Người làng đổ ra đường. Mẹ tôi cũng cầm đèn pin rồi ra ngoài.

 

     Ngày hôm sau. Làng tôi tìm thấy một xác chết dưới ruộng. Không nhận diện được vì cái xác đã biến dạng. Xác thối hoắc và nhão nhoét cứ như bị ném vào cối giã. Cạnh xác chết, có một cái túi thổ cẩm. Trong túi rỗng tuyếch. Dân làng điểm mặt chẳng thiếu ai. Hẳn đây là khách vãng lai. Đêm hôm qua sét đánh qua làng. Dân làng kháo nhau. Quanh làng không có dấu vết của mưa, bão hay giông nhưng sét đã đánh. Sét giáng giữa đêm quang. Có khi nào người này bị sét đánh.

     Thiên Lôi không chỉ phóng một lần sét.

     Tượng Phượng Hoàng bị sét cắt trúng-Dân làng kháo nhau thế. Tượng Phượng Hoàng vẫn chiễm chệ ngoài đường cái. Tượng đen nhẻm. Không phải kẻ ngỗ ngược nào đã hất bùn, trát nhọ nồi hay đổ sơn đen lên tượng. Dân làng đã lau rửa bằng nước giếng, cả nước pha vỏ bưởi nhưng màu đen vẫn dày như bóng tối. Sấm sét không làm tượng vỡ hay sứt mẻ mà chỉ khiến bức tượng đen sì như nhuộm mực tầu. Nắng mặt trời Chính Ngọ cũng không làm mờ màu đen trên tượng. Tượng đen đổ bóng đen.

     Quanh tượng tìm thấy những miểng vỡ thủy tinh, một lượng lớn các que hương mất chân. Một tên điên nào đấy đã đóng cọc quanh tượng. Dân làng đã dọn sạch tất cả và hô hào để lung bắt kẻ đã phá hoại chốn linh thiêng nhiều đời. Chuyện tối qua không ai nhắc. Không ai gợi chuyện. Hoặc gợi rồi lờ đi.

     Cái xác lạ được dân làng mai táng. Vì không rõ danh tính nên không lập bia. Chỉ đào một cái hố thật sâu, quấn chiếu xác rồi chôn. Trên mộ phần có gieo ít hạt giống. Mấy năm nữa là cây sẽ xanh tươi.

 

     Người làng tôi bị khàn giọng. Chẳng phải dịch cúm, hay một bệnh truyền nhiễm về họng. Tiếng nói ra đặc sệt, ngắt quãng như hụt hơi. Một tiếng “À.” thốt ra rồi đứt phựt. Chữ À không ai nói nữa và dần lãng quên từ một buổi sáng. Có gì đâu mà phải à lên…

 

     Tượng Phượng Hoàng vẫn ngạo nghễ ở đường cái. Dù tượng giờ đây đã đen tới mức chỉ như một bóng chim Phượng Hoàng. Dân làng đi qua đường cái rụt rè hơn. Không ai trò chuyện to cả. Đi xe qua phải dắt. Trâu, bò đều phải rọ mõm. Lúc đi qua tượng ai nấy đều lúi húi, chân tay bủn rủn như sốt rét. Có người đánh rơi cả cuốc. Nhắc đến Phượng Hoàng, người già đến trẻ em đều ngắt ngứ. Trẻ con im lặng còn người lớn kể về giai thoại Phượng Hoàng đuổi mây đen. Kể nhát gừng từng câu từng câu. Người ta thờ Phượng Hoàng tại nhà. Nhang khói thường xuyên. Nhà tôi cũng thờ. Ảnh thờ là bức tranh cổ từ thời ông tôi. Mẹ thờ Phượng Hoàng trên ban thờ tổ, xếp gian giữa. Lúc qua đường cái, nếu đứng quá gần tượng Phượng Hoàng ai cũng mường tượng đầu không ngẩng cao, mỏ chỉ trời chỉ trăng nữa mà cúi xuống. Đôi cánh tượng xòe rộng…Phượng Hoàng vỗ cánh…Nghĩ đến đấy, và ai nấy đều vã mồ hôi. Tất cả cùng vuốt mặt bằng hai bàn tay để lau mồ hôi, và để biết mình vẫn lành lặn.

     Tiết kiểm tra vẽ tại lớp em tôi ăn trứng ngỗng. Lớp em tôi đều vẽ Phượng Hoàng. Em tôi cũng vẽ Phượng Hoàng. Cô giáo lớp em đã gọi điện và mời họp phụ huynh. Mẹ bảo đáng lẽ tranh em đẹp nhất nhưng cuối tiết em đã tô đen hình Phượng Hoàng. Em tô mạnh tay, màu in thấu cả trang giấy và dính nhớp mặt bàn. Phượng Hoàng mà em vẽ xòe cánh. Em tôi không vẽ lại, cô giáo nhắc nhở gia đình bảo ban về ý thức học của em.

 

     Dân làng gần đây mắc chứng khó ngủ vào buổi đêm. Ai cũng lăm lăm quyển sách để đọc cho dễ ngủ. Sách viết về giai thoại làng này : Phượng Hoàng. Người làng tôi đã tập hợp mọi chuyện về Phượng Hoàng và đóng quyển. Nhà nào cũng có. Đọc rồi ngủ. Hàng sáng, mắt ai cũng thâm quầng.

     Mẹ tôi ngủ sớm. Trước lúc ngủ, mẹ căn dặn tôi kể chuyện dỗ em ngủ. Tôi cầm sách. Trang về Phượng Hoàng được đánh dấu bằng nếp gấp nên tôi không cần phải dò. Em tôi lắc. Tôi chưa kể. Em tôi chui vào chăn, chùm kín người và nằm vo tròn trong lớp chăn.

     “Ngày xửa ngày xưa…”

     Đọc đến đấy, tôi chợt nghĩ đến người thầy giáo vẽ Phượng Hoàng. Nơi ông ta biến mất là ở đường cái, tượng Phượng Hoàng khép cánh.    

     Vì tay tôi lơi ra, nên quyển sách trượt rơi xuống. Trang sách về Phượng Hoàng mở toang dưới nền nhà. Mồ hôi tay tôi in dấu trên mặt giấy.

    Ngày xửa ngày xưa. Chuyện bắt đầu

 

 

 

Đã đăng trên Da Màu

Tru Sa
Số lần đọc: 1738
Ngày đăng: 22.08.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mất tích - Vũ Dy
Những truyện ngắn Nguyễn Đức Tùng - Nguyễn Đức Tùng
Người lấy ma - Thái Quốc Mưu
Khói - Tru Sa
Đôi chim câu trên cây bàng - Trần Văn Bạn
Quả bong bóng lợn - Nguyễn Hồng Nhung
Trâu già mà... - Thái Quốc Mưu
Đảo gọi - Phan Trang Hy
Đánh dấu - Trần Băng Khuê
Caffeine - Nguyễn Thỵ
Cùng một tác giả
Kẻ không nương náu (truyện ngắn)
Khói (truyện ngắn)
Những Bình Minh (truyện ngắn)
Bản âm (truyện ngắn)
Tường Sắt (truyện ngắn)
Vật Choàng (truyện ngắn)
Bóng đèn (truyện ngắn)
Tháo Mắt (truyện ngắn)
Người gù (truyện ngắn)
Chữ (ký)
Con Non (truyện ngắn)