Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
476
115.870.731
 
Nguyễn Minh Phúc "Nhắn quê xa lắc tiếng kêu thầm"
Lê Ngọc Trác

 

 

Nguyễn Minh Phúc và tôi chưa một lần gặp mặt. Chúng tôi thường đọc tác phẩm của nhau trên các website văn học. Ngày mùng 5 Tết Bính Thân, tôi nhận mail của Nguyễn Minh Phúc: "Nhớ quê quá ông ơi" và kèm theo bài thơ "Nhắn quê xa lắc tiếng kêu thầm". Ngạc nhiên. Xúc động. Tôi đọc một mạch bài thơ của Nguyễn Minh Phúc gửi Quảng Ngãi và bạn bè của anh:

 

"Ba mươi năm làm thân lữ thứ

Áo cơm xoay tít chốn thị thành

Lòng đâu lưu lạc mà xa xứ

Nên rượu giang hồ rót dửng dưng…

 

Tết đến- ngâm tràn câu tống biệt

Xé lòng câu hát buổi xa quê

Đời không ly biệt làm sao biết

Tiếng gọi đò ơi… lạnh bến về..

 

Rượu có say đâu , sầu lưng chén

Vẫn ướt đời, buốt dập đôi môi

Nhớ quê muốn khóc mà không được

Đành ngóng chân mây bật tiếng cười…

 

Ta có hay đâu đời kiêu bạt

Đâu dung hồn kẻ muốn ra đi

Quay lưng một buổi là lưu lạc

Ba mươi năm chẳng chốn quay về

 

Gửi quê cuộc đời ta lầm lỡ

Chỉ một lần cũng đủ trăm năm

Ngậm một trời đau nơi phố chợ

Nhắn quê xa lắc tiếng kêu thầm…"

Hay. Buồn quá! Đây là nỗi lòng của những người con xa quê hương mỗi khi Tết đến Xuân về. Những câu thơ tài hoa, phóng đạt của Nguyễn Minh Phúc làm cho nỗi nhớ quê trong tôi ngày Tết được nhân lên đến nẫu lòng! Tôi nhớ mùi Tết, mùi quê của miền quê sông Vệ ngày xưa... đến cháy lòng!

Đứng trước những câu thơ của Nguyễn Minh Phúc được viết ra từ nỗi nhớ quê hương tha thiết của anh, chúng ta không cần phải "bình giảng lý luận". Ai mà đi tìm lý lẽ của con tim. Chúng ta cứ đọc, thấm và đồng cảm với tác giả. Những người sống xa quê như thấy mình cùng cảnh ngộ, nỗi niềm...

Nguyễn Minh Phúc sinh năm 1957 tại Quảng Ngãi. (Nguyễn Minh Phúc gọi nhà thơ Minh Đường bằng chú - một trong những nhà thơ cột trụ của nhóm "Trước mặt" ở Quảng Ngãi trước năm 1975. Minh Đường (1937 - 1981) tác giả của thi phẩm "Dưới chân thành phố" (1967). Sau năm 1975, vì mưu sinh anh rời quê hương, định cư ở Kiên Giang. Hơn 30 năm sống tha phương, Nguyễn Minh Phúc vật lộn với cuộc mưu sinh đầy gian khổ ở xứ người. Và, anh kiên trì bước vào con đường văn chương. Đến hôm nay Nguyễn Minh Phúc đã xuất bản được 7 tập truyện ngắn, gồm:

- Bến tình ( tập truyện ngắn-NXB Mũi Cà mau- 1999)

- Người đàn bà điên ( tập truyện ngắn- VN Kiên Giang 2000)

- Mùi của đàn ông ( tập truyện ngắn- VN Kiên Giang 2002)

- Biển của một thời ( tiểu thuyết – NXB Mũi Cà mau 2004)

- Khúc lý chiều chiều ( tập truyện ngắn – NXB Văn nghệ 2005)

- Người khóc mướn ( tập truyện ngắn- NXB Hội nhà văn 2006)

- Người ở lại Hòn Me ( tiểu thuyết – NXB Văn nghệ 2007)

Anh đã gặt hái thành công. Năm 2004, Nguyễn Minh Phúc đạt giải 3 bút ký Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2005, anh liên tiếp đạt giải 2 truyện ngắn Cần Thơ và giải 2 truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long.

Sự nghiệp sáng tác chính của Nguyễn Minh Phúc là văn xuôi. Nhưng anh cũng thường xuyên làm thơ. Làm thơ như một cách giải tỏa nỗi lòng. Nguyễn Minh Phúc làm thơ "có nghề". Thơ anh nhẹ nhàng, truyền cảm, cô đọng. Cuộc sống và tình cảm đã đi vào thơ của Nguyễn Minh Phúc rất thơ. Ta bắt gặp Nguyễn Minh Phúc viết những câu thơ ngập tràn hạnh phúc trong tình yêu:

Gửi em ngàn cánh hạc

Bay về đây sớm mai

Nghe mùa xuân khẽ hát

Lời tình nồng mê say…"

(Trích bài thơ: Nghe mùa xuân khẽ hát)

Anh có những câu thơ phiêu bồng, lãng đãng giữa cuộc đời đầy ắp yêu thương:

Ngày cũng sẽ tàn phai từ buổi nọ

Buổi say mê tha thiết biết hôn người

Con bướm trắng bay giữa trời thương nhớ

Có ngậm ngùi đau một thưở tương tư

 

Ai mà biết buổi trăng về tàn tạ

Rớt đầy tay cơn mộng buốt câu chào

Chỉ còn lại một bóng ngày xa lạ

Chìm khuất dần theo buổi ấy chiêm bao

 

Thưở em về màu nắng cũng hanh hao

Trời bỗng lạ cả phương mù héo úa

Con sóng lạc bơ vơ chiều giông bão

Giăng kín sầu vào mấy nẻo thu xưa

 

Gió đã mang mùa thu ấy đi rồi

Tình cũng úa chênh chao chiều hắt bóng

Tôi quạnh quẽ giữa hiên đời sóng dội

Nghe cuối trời một nỗi nhớ bâng khuâng

 

Em giờ đây là mây trắng của trời

Làm sao níu khi chiều đầy gió cả

Ai ngồi đó mà nghe sầu vời vợi

Mấy phương trời ngơ ngác buổi mưa xa…"

(Bài thơ tặng HK của Nguyễn Minh Phúc)

Qua thơ, chúng ta thấy Nguyễn Minh Phúc nặng lòng với quê hương Quảng Ngãi. Có lẽ đây là chủ đề nổi bật trong thơ anh - nỗi lòng của Nguyễn Minh Phúc khi thương nhớ miền cố thổ:

"Tuổi thơ tôi và những ngày bé dại

Tắm dòng sông xuôi nước ngọt trong lành

Những con bống con don chiều bến bãi

Đã khi nào thành nỗi nhớ mông mênh

 

Phía bên kia xa xa bờ xe nước

Nhịp guồng quay quay mãi dưới sông chiều

Cầu Hà Nhai buồn mờ con mắt ướt

Vươn nhịp dài trao nặng mấy trời yêu

 

Đồi Thiên Ấn chập chờn mây giăng phủ

Gió lao xao bên cồn bắp xanh rờn

Có phải chăng con sông chờ sóng ngủ

Để ru đồi gối mãi nỗi cô đơn

 

Trà Khúc ơi giòng sông xanh thưở nhỏ

Cứ theo hoài trong ký ức hanh hao

Bao nỗi nhớ của một đời giông gió

Mãi êm trôi lời con sóng thì thào

 

Tôi ngồi lặng giữa buổi chiều đầy gió

Dưới chân cầu sông nước vẫn lao xao

Quê hương ơi bâng khuâng hoài nỗi nhớ

Sao đi hoài không hết khói chiêm bao…"

(Gởi sông Trà)

Ngày Tết đọc "nhắn quê xa lắc tiếng kêu thầm" của Nguyễn Minh Phúc, chúng ta bắt gặp người cô lữ giữa đất trời Kiên Giang mù xa, ngồi "đếm mộng nghìn sao":

"Đã chậm mất chuyến xe đời hư thực

Ngày mù tăm xa biệt mấy phương trời

Ôm mặt khóc nghe cõi tình buốt nhức

Ta một mình ngồi đếm mộng nghìn sau… "



 

 

 

 


 

 

Lê Ngọc Trác
Số lần đọc: 2225
Ngày đăng: 21.02.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảm nhận về tập thơ " Cứa nát muôn trùng " (Trần Dzạ Lữ) - Tương Giang
Lâm Thị Mỹ Dạ và sự ám ảnh về cái đẹp của tâm thức hiện sinh * - Trần Hoài Anh
Đọc "Nói chuyện học thuật bên kia bờ" của học giả Minh Di phê bình "Nhà sử học" Nguyễn Khắc Thuần - Thái Quốc Mưu
Luân Hoán với Giai Nhân ( phần cuối ) - Nguyễn Văn Thơ
Nguyễn Đăng Trình -Giọng Quảng và một hồn thơ rộng mở - Mai Bá Ấn
Luân Hoán với Giai Nhân ( phần 2 ) - Nguyễn Văn Thơ
Luân Hoán với Giai Nhân ( phần 1 ) - Nguyễn Văn Thơ
“Giật mình” với đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia - Phạm Quang Ái
Thế giới thơ lục bát biến thể của Bùi Giáng - Mai Bá Ấn
Bình thơ "Thời gian" của Văn Cao - Cao Thị Hồng
Cùng một tác giả