Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
599
116.535.022
 
Những khác biệt: Múa rối dân gian-Rối nước cung đình
Tuấn Giang

                                    

1.Nguồn gốc

            Múa rối ra đời từ tục thiêng, dựa trên cơ sở văn hóa xã hội tâm linh cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả khu vực đông Nam Á.  Khi con người tin vào vạn vật hiển linh, nhiều dân tộc tạc tượng người, hình chim muông thú để thờ, treo trước nhà, đặt vào lăng mộ trừ tà ma. Các cư dân nông nghiệp còn tục làm bù nhìn đuổi chim bảo vệ mùa lúa chín, hoa quả ngoài đồng. Tôn giáo tín ngưỡng tâm linh phát triển, nhiều thày mo lắp máy dây kéo con rối cử động tăng thêm vẻ thần bí tôn nghiêm chinh phục người mộ đạo.

            Dựa trên cơ sở giáo lý tâm linh, múa rối cạn ra đời trước rối nước. Múa rối cạn ngày càng phát triển từ miền Trung Du theo văn hóa những dòng sông xuống đồng bằng, hình thành hệ thống cấu trúc các loại hình nghệ thuật sông nước: Hát ví, Quan họ, Hò chèo đò, hát Chèo, Ca trù, múa Rối nước…Múa rối nước gắn với tín ngưỡng tâm linh thường diễn trước cửa đình làng, ý nghĩa những buổi diễn mang thông điệp con người đến các vị thần linh: Tạ ơn-Cầu xin điều lành. Các phường múa rối nước có tục trước khi diễn, nghệ nhân dâng lễ: Cơi trầu, chén rượu, thắp hương cúng khấn, xin phép tổ tiên người khai công nghiệp tổ để buổi diễn an vui. Đây là tục thiêng các phường rối cạn, rối nước thuộc những nước canh tác nông nghiệp khu vực châu Á. Theo nhiều nhà nghiên cứu GSTS Pempano Nhật Bản, Ngô Tử Mục Trung Hoa,  Tô Sanh Việt Nam nhắc lại thuyết múa rối từ Ấn Độ du nhập sang Trung Quốc đời vua Cao Tổ năm 206 trước công nguyên (sách Tầu: Nhạc phủ tạp lục). Lại theo sách Mông lương lục, Ngô Tử mục viết: Múa rối Trung Quốc ra đời cuối Nhà Tống (dịch ngang năm 990 vào Nhà Đinh bên ta). Thời ấy, Trung Quốc có năm loại múa rối: Rối que, rối dây, Rối thuốc pháo, Rối người, Rối nước. Một số giả thuyết nêu lên không đủ căn cứ chứng lý nói rằng múa rối nước xuất xứ từ Trung hoa dân quốc. Chỉ làm một phép khảo sát trải nghiệp đơn giản đến các phường múa rối làng nghề đồng bằng song Hồng sẽ thấy các nghệ nhân bảo tồn nhiều trò rối nước, bên cạnh đó còn những trạm khắc trên mái đình làng ghi công người sinh nghề tổ múa rối Việt Nam. Làng Đào Thục Bắc Ninh, nay thuộc Đông Anh Hà Nội còn tục thờ ông Đào Tướng Công, ghi đức ông tạo nghiệp múa rối nước năm 1773. Phường múa rối Bùi Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương tục thờ vị tướng Nhà Lý: Trương Công Tế, đình làng còn thờ ông Trần Bình lấy bù nhìn rơm đánh giặc Tống năm 1077. Đình làng Bồ Dương còn giữ bức trướng cổ  mô tả hai trò rối: Người cưỡi rồng, Tễu đấu vật. Tại chùa Thày tỉnh Hà Tây cũ lại thờ ba bức tượng phật, biểu trưng ba kiếp luân hồi của nhà sư Từ Đạo Hạnh. Bức tượng pháp bên trái, tay chân cử động như người. Tượng bên phải, biểu trưng ông hóa thành vua Lý Nhân Tông khoảng năm 1128-1138. Ngôi tượng chính giữa thờ khi ông thành Phật pháp. Dấu tích này còn chứng minh nhà sư truyền nghề múa rối nước tại làng Ra, từ đây thành vị thần bảo nghiệp các phường múa rối nước đồng bằng Bắc Bộ. Múa rối nước từ dân gian lên cung đình ghi tạc vào văn bia, là quá trình lịch sử còn sót lại trên bia Sùng Thiện Diên Linh năm 1121, nếu theo huyền thoại truyền thuyết từ khi xây Cổ Loa Thành đã xuất hiện múa rối năm 208 trước công nguyên. Còn nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc nói có múa rối nước, sao biến mất biệt tăm, chẳng thấy một chứng tích nào trên văn bia sử ký, trong văn hóa nhân gian lại không truyển tụng đến ngày nay?

 

            Qua đây, khẳng định Múa rối nước duy nhất sinh ra tại các làng quê Việt Nam với nghề trồng lúa nước cùng phong tục tâm linh, còn nguyên chứng tích văn hóa lịch sử tồn tại sống thực bên các hình thức hoạt động nghệ thuật dân tộc trong thời đại mới. Nguồn gốc múa rối nước ra đời trên cơ sở xã hội, điều kiện tự nhiên trong hệ thống hoạt động văn hóa nhệ thuật tinh thần nhân dân. Hình ảnh nhà Thủy Đình, nhân vật Tễu trở thành biểu tượng bất tử của múa rối nước Việt Nam trường tồn cùng nền văn hóa ngghệ thuật dân tộc vượt qua mọi thời đại.

 

            2.Bước phát triển múa rối nước dân gian

 

            Dựa vào lịch sử các phường múa rối nước Bắc Bộ, phường đầu tiên  có lịch sử gần tương đồng với ghi tạc trên bia Sùng Thiện Diên Linh 1121, thì phường múa rối làng Ra chùa Thày năm 1128 chênh lệch không bao xa. Qua nghiên cứu các trò múa rối dân gian thì các phường múa rối ra đời sớm hơn nhiều so với những tư liệu lịch sử, bởi các trò diễn trên văn bia là múa rối nước, rối cạn diễn cùng vũ công nghệ thuật cung đình. Các phường múa rối dân gian đã xuất hiện trước đó nhiều thập kỷ, từ dân gian lên cung đình hoàn thiện nghệ thuật múa rối mang tính chuyên nghiệp.

            Múa rối dân gian có quá trình phát triển dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, mở đầu phường múa rối làng Ra (ra quân), lan rộng khắp vùng Kinh đô Vua Hùng từ Phú Thọ có phươnhg rối Liên Minh đến phường rối Văn lâm-Nghệ An. Múa rối nước dân gian phát triển hoàn thiện các nội dung nghệ thuật: Cấu trúc trò diễn, tạo hình con rối tả thần, bộ máy điều khiển hành động con rối tinh xảo chuyên nghiệp, cử động như người. Múa rối dân gian hoàn thiện nội dung các trò, diễn trò nông: Cày bừa, Đi cấy, Dệt cửi, Trâu chui ống, Sỹ nông công thương…Diễn trò ngư: Câu cá, câu ếch, Xiếc cá, Riu tôm, Kéo vó, Úp cá… Diễn trò nhân vật lịch sử, huyền thoại: Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Kê tinh…Diễn trò chơi du hý: Múa Bát tiên, Kéo co, Đu tiên, Chèo thuyền…

            Dưới các triều đại phong kiến, múa rối dân gian phát triển 39 phường tại các tỉnh: Phú Thọ 01 phường, Phường rối Liên Minh, Hà Tây 05 phường, Bắc Ninh 05 phường, Thái Bình 07 phường…Múa rối nước dân gian sau đổi mới từ năm 1993 đến 2013 phát triển khắp Bắc-Trung-Nam, điều chưa từng diễn ra trong lịch sử múa rối nước từ ngàn xưa. Các tỉnh phía Bắc hiện nay có 18 phường múa rối dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ, 03nhà hát, 01 đoàn nghệ thuật múa rối. Miền Trung 02 nhà hát: Nhà hát múa rối nước Cô Đô Huế, Nhà hát Múa rối nước Nha Trang. Miền Nam tại Sài Gòn 02 nhà hát: Nhà hát Múa rối nước Rồng vàng, Nhà hát Múa rối nước đảo Ngọc- Phú Quốc. Ngoài ra còn 03 đoàn nghệ thuật múa rối nước, và một số nhóm, câu lạc bộ Múa rối nước diễn lưu động khắp các tỉnh đồng bằng Nam Bộ. Múa rối nước dân gian, dân gian đương đại nhiều thay đổi nội dung phản ánh, hình thức nghệ thuật biểu diễn. Nhằm khẳng định những khác biệt múa rối dân gian với múa rối cung đình, bài viết chỉ phác thảo những nét cơ bản nội dung phản ánh, nghệ thuật múa rối nguyên xưa.

Nội dung múa rối dân gian phản ánh đa dạng đời sống sinh hoạt văn hóa người nông dân, đồng bằng Bắc bộ với nghề trồng lúa nước. Múa rối dân gian chân thực hồn nhiên, mô hình nghệ thuật mở, diễn tích trò dân dã phóng khoáng hòa nhập thiên nhiên con người văn hóa làng xã đồng quê. Đây là nét văn hóa đặc trưng nhiều người yêu thích múa rối nước dân gian, nhiều khách du lịch nước ngoài muốn xem múa rối nước. Múa rối nước lưu giữ nhiều nét bản sắc văn hóa con người Việt Nam chân thật, mộc mạc tình người nhân văn cao cả, sống động hồn nhiên mà nhiều môn nghệ thuật khác chưa thể biểu tả hết.

3.Những khác biệt múa rối cung đình

  Múa rối cung đình, điều lâu nay chưa đề cập đến trong hầu hết các công trình, bài báo nghiên cứu múa rối nước. Nguyên nhân, tư liệu lịch sử ít còn sót lại về múa rối nước cung đình. May thay chỉ duy nhất các trò múa rối cạn, múa rối nước ghi tạc trên bia đá chùa Long Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Đây là chứng lý múa rối cung đình gồm các trò: “Rùa phun nước” (tác giả đặt tên), “múa điệu múa Hồi phong” (ghi trên bia đá), “Chim nhảy múa”, (theo lời chú trên bia), “Hươu non tung tăng múa”  (lời chú trên bia), “Rùa vàng kính bái”, “Những bác tiều phu dương cung bắn”, “Chim phượng có sừng hợp đôi”. “ Tất cả múa phô diễn”.

Qua lời chú văn bia, ghi lại một buổi diễn múa rối nước, rối cạn. Mở đầu trò Rùa phun nước, trên bờ là đội vũ công cung đình, tiếp theo các trò múa rối cạn, kết thúc cùng nhảy múa tổng hợp hòa ca mừng thọ vua. Tổng số các trò diễn: 08 trò múa tổng hợp gồm đội vũ công người múa, rùa làm trò phun nước, chim muông thú, các chàng trai múa săn bắn chim muông thú rừng. Một chương trình biểu diễn tổng hợp phong phú vui nhộn, nghệ thuật kinh điển, thời nay chưa thể vượt qua.

Múa rối cung đình khác múa rối dân gian mô hình khép kín gẫy gọn trang trọng tôn nghiêm, ít tính dân gian hòa nhập con người với thiên nhiên hoang dã. Dù buổi diễn mô tả nhiều cảnh thiên nhiên thi vị, tiên cảnh bồng lai, thơ mộng lãng mạn đẹp đến nao lòng nhưng cảnh trí ấy do con người sắp đặt, bố cục vào nghệ thuật buổi diễn. Sân khấu bị hé lộ khi miêu tả sau tiết mục  Rùa phun nước, “những cánh cửa của các hang động mở ra. Thế là các nàng tiên xuất hiện, múa điệu Hồi phong”. Đây một buổi diễn nghệ thuật hỗn hợp mang chủ ý sắp đặt, liên kết liên tục các trò diễn múa rối, người múa không ngừng nghỉ thật chuyên nghiệp trang trọng trong không khí vui tươi rộn ràng. Điều nhiều đạo diễn chuyên nghiệp thời nay khó thành công hoàn hảo một chương trình sạch sẽ, nghệ thuật cao đẹp sang trọng thanh nhã như thời xa xưa. Múa rối cung đình khác múa rối dân gian tính chuyên nghiệp, tính kinh điển nghệ thuật khúc triết chuẩn mực cấu trúc nội dung chương trình, trò diễn trang nghiêm. Sự khác biệt nội dung tao nhã, không phản ánh đời sống xã hội mà vui chơi du hý, cung chúc mừng thọ đức vua giống như nhiều loại hình nghệ thuật cung đình từng diễn trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Múa rối cung đình còn nhiều chương trình biểu diễn khác nhưng không thể sưu tầm được, bằng vốn trò diễn không nhiều trong chương trình múa rối nước cung đình để lại ấn tượng sân khấu một thời đại, một phương thức tổ chức, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Múa rối cung đình để lại bài học giá trị nghệ thuật kinh điển trang trọng, thiêng liêng cao quý. Khi các triều đại phong kiến xụp đổ, nghệ thuật múa rối trở lại sồng trong nhân gian muôn đời bất tử. Múa rối dân gian sống mãi trong tinh thần dân tộc truyền lửa ngàn đời sau, là sức sống văn hóa tâm hồn Việt.

 

                                           Hà Nội: 13-2-2016.

Tuấn Giang
Số lần đọc: 3799
Ngày đăng: 23.02.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những thất truyền múa rối nước Dẫn đến sai lầm chết người - Tuấn Giang
Mô hình Phát triển làng nghề rối nước dân gian thời hậu hiện đại - Tuấn Giang
Đặc điểm ca nhạc rối nước. - Tuấn Giang
Múa rối nước nhiều tiết mục múa - Tuấn Giang
Bức tranh sắc màu múa rối Việt Nam (bản Tiếng Anh) - Tuấn Giang
Bức tranh sắc màu múa rối Việt Nam - Tuấn Giang
Đêm thu ở Hòn Bà - Phan Chính
Tế thu lễ hội - Phan Chính
Nên hiểu gật đầu và gật gù trong hai câu ca dao - Trần Đình Khiêm
Tính cách La Gi - Phan Chính
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)