Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
553
115.980.231
 
Tôi và Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa
Ngô Thị Mỹ Lệ

                

 

 ( Tiểu thuyết của Trương Văn Dân, Nxb Hội Nhà văn, 2011)

 

 

 

Tôi từng đọc đâu đó một hồi ức về Bùi Giáng của Lê Duy Đoàn, trong đó có đoạn ông viết nhà thơ này đã nói rằng : Thơ để cho, thơ để tặng, để chơi chứ không để làm gì cả. Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện việc đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là : muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác…”. Tôi rất mê thơ, và cũng đã từng làm thơ, đã từng mất ăn mất ngủ vì bao điều trăn trở khi đọc một bài thơ mà không tài nào dùng ngôn ngữ để thể hiện những trăn trở ấy…nên tôi rất tâm đắc khi đọc được ý này của nhà thơ Bùi Giáng. Nhưng khi tôi gặp anh Trương Văn Dân, được tặng và đọc Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa, một lần, rồi không thể không giở ra đọc lại lần thứ hai, thứ ba…, mỗi lần gấp cuốn sách lại, những gì tôi đã nói với anh (Trương Văn Dân) về cuốn sách này, bỗng như rơi vào trường hợp tương tự dù nó không phải là một bài thơ.

 

Tôi cũng không xếp cuốn sách này vào thể loại tiểu thuyết, mặc dầu ở ngay trang bìa trong, dưới cái tựa Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa, anh đã in hai chữ “tiểu thuyết”. Đó là điều anh, tác giả, có quyền xác nhận, còn tôi, người đọc, tôi cũng có quyền xếp thể loại những cuốn sách tôi đọc theo ý của riêng tôi. Rồi, lâu lâu, bất chợt lại đem ra sắp xếp lại theo những cảm nhận ngẫu hứng… Với cách xếp đặt của tôi, tiểu thuyết là một câu chuyện dài, dẫu có dàn trải trong không gian rộng thế nào đi nữa thì cũng phải mang tính chất liên tục, nhưng Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa không có tính chất này, nó có những nội dung riêng lẻ, không có trường độ, có khi còn rất ngắn. Và mỗi một nội dung lại làm ta phải lóe lên những nhận thức độc lập với nhau… Cứ thế, khi đọc Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa, những nhận thức trong tôi cứ riêng lẻ, vụt tắt, vụt lóe…như ánh sáng chuyển động của các vì sao, quay đều, quay tròn ôm lấy tâm trí… Nhưng lạ thay, khi đọc lại lần thứ hai, thứ ba…tôi bỗng vụt hiểu những cảm nhận tôi cứ tưởng mang tính chất riêng lẻ đó chính là cuộc sống quanh tôi đang chuyển động với tất cả những tốt, xấu mà nó vẫn có, nên mỗi một mặt trái, phải của nó qua ngòi bút của anh, hiện ra trần trụi, rõ ràng như những ánh đèn xe riêng biệt, nhưng nó làm thành một đường ánh sáng không thể cắt rời trong dòng chuyển động liên tục của chính nó. Tôi xót xa khi cảm nhận anh trăn trở cho xã hội nhiều quá, mà những điều trăn trở của anh có gióng lên một tín hiệu kêu cứu đi nữa thì cũng sẽ chỉ như một bàn tay nhỏ giơ lên dưới trời mưa lớn. Vậy thì tâm hồn nhạy cảm của anh sẽ bị vò xé như thế nào giữa cuộc sống đảo điên này ? Nhưng rồi tôi đã yên tâm khi Anh cho cô Gấm nói lên nhận thức cô hiểu được từ khi sống với người đàn ông của mình : “ …hạnh phúc không phải là điều gì to lớn mà nó đến từ những điều đơn giản…. Và điều quan trọng trong đời chưa hẳn là phải có những điều tốt đẹp mà chỉ cần sống tốt với những điều ta có…”(trang 45). Những mảng đa dạng của xã hội mà tôi đang sống cứ thế, lần lượt theo từng trang sách của anh hiện dần trong tôi một cách rõ nét. Anh quan sát cuộc sống kỹ lưỡng mà tinh tế, không nhấn mạnh, không hô hào, thậm chí không can thiệp cho những nhân vật của anh xác nhận một tư tưởng nào, anh cứ để mỗi một nhân vật đi vào dòng chảy tự nhiên của thời đại..Tôi mường tượng qua từng trang sách của anh một trái tim hiền hậu, tha thiết yêu thương nhân loại, qua cái nhìn đầy nghi ngờ nhưng vẫn khát khao hướng tới cái Thiện, cái Mỹ của cuộc sống, của con người : “Người ta nói nhiều về tình yêu nhưng lại yêu thương nhau quá ít…” “Mỗi người chúng ta đều có thể mang nhân quả, liên kết với nhau từ bao kiếp trước, hãy lấy tình thương mà bước qua khổ đau, oán hận…” (trang 112). Cứ thế, tôi dần dần nhận diện cuộc sống như nó vốn là… Và tôi cũng tập cách nhìn xã hội bằng cách nhìn của anh (theo tôi cảm nhận) : nhìn bằng một cặp mắt sắc sảo, nghiêm khắc nhưng không tàn nhẫn. Có thể như thế sẽ cảm thấy lòng vẫn còn tin yêu nhiều đối với cái trần gian điên dại này.

Nhưng nếu nói cái nhìn đầy lòng trắc ẩn nhất ở anh thì tôi đã thấy qua cái nhìn anh dành cho người phụ nữ. Cô Gấm với khát vọng sống, khát vọng yêu mãnh liệt có thể tìm thấy đầy rẫy quanh đây, trong nhiều tầng lớp của xã hội, nhưng để có một cô Gấm biết yêu, dám dũng cảm lao vào tình yêu để giành lấy hạnh phúc cá nhân, bất chấp mọi hoàn cảnh éo le, kể cả thời khắc đối diện với cái chết thì phải có một người đàn ông có ý chí mạnh mẽ cộng với một trái tim đầy thương yêu, nhân từ mới nâng được Gấm lên như vậy.Tôi đã từng cương quyết không xếp Nam Cao vào danh sách những nhà văn yêu thích của mình chỉ bởi vì Nam Cao đã tả nhân vật Thị Nở quá xấu. Một chút lòng nhân từ của phái mạnh đối với phụ nữ thôi cũng sẽ làm sự phán xét của họ về nhan sắc, về đạo đức của người phụ nữ nghe đỡ cay đắng đi nhiều, bởi vì bất cứ điều gì thuộc về người phụ nữ cũng vẫn bị đặt dưới sự phê phán, đánh giá khắc nghiệt hơn là thuộc về đàn ông. Đến như Boris Pasternak đã tạo ra được một Lara đẹp đẽ đến thế, tuyệt vời đến thế mà còn bắt Lara tự thú nhận với Zhivago : “Anh hiểu không, hai đứa mình hoàn cảnh khác nhau. Anh là đàn ông, anh được chắp cánh để bay lên chín tầng mây, còn em là phận gái, em phải sà xuống đất mà dùng đôi cánh che chở cho con chim non thoát nạn.” (Doctor Zhivago – Boris Pasternak). Cám ơn anh đã đưa Gấm đến với người đàn ông nhà báo hết lòng trắc ẩn với phụ nữ kia để Gấm có thể được nâng niu, được bao dung, được yêu thương chắp cánh giải thoát khỏi cái tầm thường khốn kiếp của phận đàn bà, vượt lên trên cái định chế ngu dại thường ngày, liều mình nổ tung ra trong hạnh phúc vì yêu và được yêu như một cái nồi hơi nổ trước áp lực quá mạnh. Tôi ngưỡng mộ làm sao tình yêu của Gấm và người đàn ông đó. Tôi ngưỡng mộ làm sao đêm ái ân huyền diệu của hai người mà tôi như cảm nhận được thế nào là sự kết hợp hài hòa của ước muốn tự nguyện dâng hiến, để từ đó thân xác nặng nề bị trì kéo bởi những quy luật tự nhiên bỗng uyển chuyển thanh thoát thành một thứ ngôn ngữ thần bí thiêng liêng trong trạng thái xuất thần….

 

Một điều cuối muốn nói với anh, với Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa, tôi đã theo anh vào một xã hội đầy mâu thuẫn, có những lúc tôi thấy nó đồi bại, thối nát tưởng chừng như sắp sửa lụi tàn, có lúc nó lại dằn vặt băn khoăn như chưa hề định hướng, thế nhưng mỗi góc cạnh, mỗi màu sắc của nó được anh trãi bày ra đều đượm một tình yêu tha thiết với con người, với cuộc sống, cả với cái chết. Và khi gập sách lại, tôi hay ngồi thừ ra một lúc, buồn lướt thướt như một bàn tay nhỏ dưới mưa.

 

Sài Gòn 20/10/2015

 

  

Ngô Thị Mỹ Lệ
Số lần đọc: 1577
Ngày đăng: 12.04.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phân tích tâm lý thuộc triết học tự nhiên - Võ Công Liêm
Kinh Tuyến Bắc Giải của Henry Miller* - Võ Công Liêm
Nét đối lập độc đáo với hình tượng biển trong một nhạc phẩm phản đề: Đừng Ví Em Là Biển - Bùi Đức Hào
Cái Tôi và cái Tôi thuộc về mình - Võ Công Liêm
Bản lĩnh của sự lựa chọn - Hoàng Vũ Thuật
Không có Thượng Đế - Võ Công Liêm
Về bản in lần đầu bài thơ "Bẽn lẽn" của Hàn Mặc Tử - Nguyễn Hùng
Vô thức và hữu thức - Võ Công Liêm
Thi ca đương đại - Võ Công Liêm
Nghệ thuật là chống lại sự khắc nghiệt của cuộc đời - Du Tâm Nguyện
Cùng một tác giả