Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
480
115.866.234
 
Các hình thức thử nghiệm Sân khấu cải lương
Tuấn Giang

                                                   

            1.Ngược dòng thời gian

            Lịch sử nghệ thuật cải lương đã ghi nhận vào những giai đoạn người xem suy giảm, mỗi ban hát tìm hướng thử nghiệm đưa khán giả trở lại. Mỗi ban hát cải lương ra đời, khẳng định một phong cách bằng tuyên ngôn tiêu chí nghệ thuật diễn: “Cải lương tuồng Tầu”, “Cải lương tuồng Tây”, “Cải lương Tuồng xã hội”, “Cải lương Pháp-Việt”, Cải lương Tuồng võ”, “ Cải lương kiếm hiệp kỳ tình”, “Cải lương tuồng Phật”, “Tuồng văn, hoặc Văn võ…” Những ban nào ăn theo tuyên ngôn nghệ thuật các ban ra đời trước sẽ tự tan rã, bởi không thể cạnh tranh tồn tại.

            Công cuộc tìm kiếm người xem doanh thu tồn tại, là những chu kỳ lịch sử diễn đi lặp lại. Mỗi hướng thử nghiệm chỉ tồn tại 10 hoặc 15 năm, có giai đoạn ào ạt chỉ sau 05 năm người xem đã “giã từ quá khứ”. Cao trào của những giai đoạn khủng hoảng người xem do nhiều nguyên nhân: Phương tiện kỹ thuật sân khấu biểu hiện cũ, Nội dung kịch bản chưa phản ánh tâm lý người xem, họ mong muốn đến sân khấu để tâm sự, giải tỏa bức xúc xã hội, Nghệ thuật biểu diễn không mới, Kinh tế suy giảm, Tình hình chính trị xã hội rối ren…Ngược dòng thời gian, nhìn từ lịch sử : Sân khấu cải lương đã thử nghiệm bao nhiêu hướng tìm lại người xem. Ngay những năm đầu thế kỷ XX, dưới thời thuộc Pháp các ban hát sân khấu cải lương đã thử nghiệm các hướng:

Cải lương văn học cổ điển, dân gian và hiện thực xã hội đương đại năm 1918-1925.

                        Cải lương Tuồng Tầu năm 1925.

                        Cải lương Tuồng Việt năm 1928.

                        Cải lương lãng mạn( Tuồng xã hội) năm 1933.

                        Cải lương Kiếm hiệp La Mã năm 1935.

                        Cải lương Kiếm hiệp kỳ tình năm 1935.

                        Cải lương Tuồng Phật năm 1936.

                        Cải lương tuồng Tây-opera năm 1940.

Cải lương Cinema năm 1942.

                        Cải lương nhảy đầm sex, ca tân nhạc năm 1943.

Những giai đoạn lịch sử ấy, còn xuất hiện cải lương đi vào diễn phòng trà, ca tân cổ dao duyên, đàn ca tài tử nhạc thính phòng, hát thu đài, thu đĩa bán ra thị trường. Đây là các hướng thử nghiệm tồn tại của nghệ thuật trước những khó khăn thách thức người xem, sân khấu cải lương chưa bao giờ dừng bước. Các ban hát cải lương đầu thế kỷ XX, tìm hướng thử nghiệm là gọi mời người xem đến với sân khấu nghệ thuật mới để doanh thu tồn tại, không phải thử nghiệm là một cuộc chơi? Kiểu như Vở Kim Vân Kiều, chi 1,8 tỷ đồng, năm 2007, Chiếc ao thiên nga, năm 2008 từ 02 đến 03 tỷ đồng chỉ diễn 01, 02 hoặc 03 show rồi chết lặng. Một số báo gọi hình thức sân khấu ấy, là: “Cuộc chơi”, bởi thử nghiệm thiếu tính thực lực của nhà hát, làm sao mỗi đêm diễn lại kéo nổi các hạng sao ca nhạc, tấu hài, xiếc, nhảy múa thời trang…để trả thù lao và doanh thu tồn tại. Những thử nghiệm này thất bại nhưng đã để lại bài học bổ ích:

 Không thể diễn cải lương hoành tráng bằng sự vay mợn, thuê mướn người ngoài nhà hát, việc làm ấy là một cuộc chơi, có chăng chỉ là tạm bợ.

Về lâu dài, mỗi nhà hát phải thử nghiệm tìm hướng mới bằng chính dàn diễn viên, trên sàn diễn sân khấu nhà hát của mình.

Điểm nhấn cuối cùng cuộc thử nghiệm ấy mất người xem, vì bản sắc sân khấu, nghệ thuật cải lương đâu?

Công chúng chẳng cần biết bản sắc nghệ thuật mỗi loại hình, nhưng với họ thích xem cải lương từ câu chuyện kịch mạch lạc, thắt nút ly kỳ, thân phận người đẹp: Tử biệt sinh ly, số kiếp tình đời éo le trắc trở, chia lìa gặp lại. Người xem thích nghe những bài ca hay, câu vọng cổ xuống hò của nhân vật chính phải mùi mẫn đẫm lệ. Những gu thẩm mỹ này hầu như quá sáo mòn cũ kỹ, nhưng đã là cải lương lại không thể khác. Nhiều ban hát cải lương xưa, bao giờ họ ra đời hoặc các tối diễn bình thường trước cửa rạp hát phải quảng bá tuồng tích hay ly kỳ, trưng ảnh các hạng siêu sao, hạng sao ví dụ: Phùng Há, Ba Mật, Chín Phót, Năm Phỉ, Tám Danh, Hai Giỏi, Hai Nữ, Bảy Nam, Kim Cúc, Năm Châu, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Lệ Thủy, Minh Vương…Ngày nay, các đoàn, nhà hát cải lương đang thiếu: 03 hoặc 04-05 siêu sao hoặc hạng sao bao gồm người đẹp, giọng ca như chuông, hát mùi mẫn ngọt ngào. Sân khấu cải lương mất người xem vì thiếu dàn diễn viên hạng sao, nghệ thuật diễn không như mong muốn, kịch bản chưa phản ánh những bức xúc tâm trạng con người xã hội hôm nay, nhiều hướng thử nghiệm lại xa rời đứt gãy truyền thống.

            2.Những khủng hoảng sân khấu.

            Sân khấu cả hành tinh đang khủng hoảng, tiêu biểu là sân khấu Mỹ. Kịch Broaway năm 2010 phải đặt vé trước 06 tháng, vào xem vở mới là một niềm kiêu hãnh. Nay bán vé ít người xem, ca nhạc, nhảy múa nhiều thứ nghệ thuật mất công chúng. Nguyên nhân: Kinh tế suy giảm, nạn khủng bố đe dọa nơi đông người, nghệ thuật chưa hấp dẫn mới lạ, nạn chèo kéo lừa đảo, ép giá khách du lịch múa vé xem nghệ thuật… Một số nhà nghỉ tại Mỹ đưa khách vào, bán vé kịch Broaway giá gốc 78USD khi thanh toán trả là 121-128 USD, có loại bán ra 121USD lúc thanh toán tại khách sạn phải trả 165-168 USD…Có lẽ đây là lối dao động toàn cầu hóa năm 2015-2016 chăng?  Bao nhiêu khó khăn thách thức doanh thu nhạc kịch Broaway ám ảnh các nghệ sỹ, nhà quản lý, làm gì để giữ vững truyền thống nhạc kịch Broaway. Với 39 nhà hát nhạc kịch Broaway tại đường phố mang tên loại hình sân khấu này ở New York, họ đã xoay sở nhiều hướng thử nghiệm gọi mời người xem:

            Diễn những vở nhạc kịch Broaway kinh điển ( tức là những vở thành công khi loại sân khấu này mới ra đời vào năm 1959, nguồn gốc từ nhạc kịch Opera như Người kéo đàn trên nóc nhà, La Boheme-Australia, Jellicle Song sfor Jelliclw Cast)…

            Những vở tình cảm tâm lý con người, câu chuyện thắt núi ly kỳ, nội dung hiện thực xã hội đương đại.

            Kịch tâm linh: Vở Giòng lệ âm thầm ( Loving The Silent Tears) công diễn năm 2012 tại Mỹ. Giới nghệ sỹ Mỹ đã thử nghiệm nhiều hướng như sân khấu hoành tráng, câu chuyện kịch tâm lý tình cảm, kịch kinh điển, đương đại…nhưng người xem cứ xa dần xa. Quần thể sân khấu giải trí vương triều Broaway từng thu lợi hàng tỷ đô mỗi năm, nay chỉ còn trong cõi nhớ.         

Trở lại sân khấu nước ta cũng đang khủng hoảng, người xem quay lương với Kịch nói, Cải lương, sân khấu dân tộc. Sân khấu kịch phía Nam: Hoàng Thái Thanh, 5B Võ Văn Tần, Sân khấu Kịch Phú Nhuận, IDecaf, Nụ cười hoa, Kịch Sài Gòn…diễn các loại đề tài : Kịch lịch sử giáo lý truyền thống như Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Bà Trưng khởi nghĩa, Chiếc áo Thiên Nga. Kịch tâm lý xã hội: Ai là tỷ phú, Bao giờ sông cạn, Người đàn bà uống rượu, Người mua hạnh phúc, Trò chơi tham vọng, Buồn ơi…Kịch kinh dị, các vở: Quả tim máu, Người mẹ ma, Mắt âm dương, Người tình trong đêm. Kịch tình yêu dị mộng: Tình như trang giấy trắng, Oan tình ai thấu, Kẻ nói dối đa tình, Cướp dâu…Kịch hình sự, các vở: Xóm lưu manh, Tên tội phạm đa nhân cách, Hồn ma báo oán… Hài kịch các tập Đời cười, hài kịch kinh dị: Ác báo, Ma sói, Mộ sống, Hồn trinh nữ, Người chết trở về …Giá vé trước kia từ 150.000đ đễn 300.000đ, nay các sân khấu Kịch Hồng Hạc vé cho các vở 65.000đ. Sân khấu Nụ cười mới, Trịnh Kim Chi, giá 72.000đ một số nơi 120.000đ…Vào dịp 30-4-1-5 năm nay, sân khấu kịch Sài Gòn đua nhau giảm giá thấp nhất để khuyến mãi người xem. Sân khấu Xã hội hóa thành phố Sài Gòn từng là điểm sáng để cả nước ngưỡng mộ -Sân khấu xã hội hóa thành công! Bắt đầu lâm bệnh năm 2013 đến nay báo động tắt đèn nhiều đêm. Nhiều đoàn, nhà hát diễn cầm canh bù lỗ, số vé bán ra chỉ 50% không đạt yêu cầu doanh thu tồn tại. Nguyên nhân chủ quan, khách quan còn nhiều, nhưng xuất phát từ cái gốc quan niệm “xã hội hóa” không đúng khái niệm. Xã hội hóa, là khái niệm nhân chủng học và xã hội học, không thuộc kinh tế nghệ thuật học. Xã hội hóa theo các nhà xã hội học định nghĩa: “ Là quá trình tương tác phát triển một hiện tượng xã hội, một con người thích nghi môi trường trong đời sống xã hội”. Mục đích Xã hội hóa nhằm hạn chế hành vi bản năng động vật của con người để mỗi người trở thành một thành viên thực thể xã hội, nhận biết các chế định hành vi đạo đức chung sống cộng đồng. Ông cha ta có bài đồng dao ít người để ý đến bản chất xã hội hóa của bài hát “Con voi”. Lời ca: “Con vỏi à con voi, Cái vòi đi trước, Hai chân trước đi trước, Hai chân sau đi à sau…” Cổ nhân đã dạy trẻ em có ý thức cộng đồng phải biết tuân thủ chế định xã hội: Cái nào trước, cái nào sau, không thể đảo ngược. Đây là trật tự hành vi sống thích nghi môi trường, khi một em bé có ý thức làm người chung sống với một cộng đồng xã hội. Mỗi người phải biết tôn trọng trật tự theo đạo lý: “Trên kính, dưới nhường”. Đó là con người xã hội và lối sống đạo lý người dân Việt. Khi vận dụng vào xã hội học kinh tế, nghệ thuật phải biết thích nghi môi trường kinh tế nghệ thuật thị trường, là cạnh tranh tồn tại. Do đó, mỗi đơn vị phải biết hay cần biết tiết chế hành vi chế định của quy luật kinh tế nghệ thuật thị trường. Việc bung ra vô tội vạ, không tiêu chí quy chuẩn đoàn, nhà hát nghệ thuật, không định lượng phong cách khuynh hướng nghệ thuật…đương nhiên sẽ đổ vỡ khủng hoảng, là quy luật dự báo trước. Trong vô vàn nguyên nhân khủng hoảng sân khấu hiện nay, một phần có lỗi của giới truyền thông thiếu giới thiệu các hướng sân khấu đương đại nước ngoài. Đến năm 2008 mới biết một chút về sân khấu một số nước, sang 2012 giới thiệu qua về kịch Broaway…Những cánh cửa sân khấu thế giới bị đóng kín, nếu có lại giới thiệu gậm nhấm những tác phẩm kinh điển: Kịch Sexphia, Kịch Nga…Năm 2000 một nhóm người sang Trung Quốc nghiên cứu xem họ diễn kịch Broaway, về nước chẳng mấy ai biết và quan tâm. Hiện nay năm 2016, ta chưa biết các nước Thái Lang, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Mỹ…họ đang diễn kịch theo xu hương nào? Nhạc kịch Broaway, kịch hình thể, kịch đối thoại, sân khấu kịch tổng hợp đồng hiện tư duy đa tầng… Nên khi các đoàn, nhà hát phát triển sân khấu muốn thử nghiệm mới bị mất phương hướng, không biết đi đâu, về đâu?

            Câu hỏi này chưa có lời đáp! Đến với sân khấu cải lương đang tìm hướng thử nghiệm lấy lại khán giả, doanh thu tồn tại. Sang những năm đầu thể kỷ XXI, các nhà hát, đoàn cải lương thử nghiệm những gì vì người xem? Năm 2011, Nhà hát Cải lương Hà Nội đưa cinema vào cải lương, điều này năm 1942, nhiều ban hát đã ứng dụng ( Trích LSCL trang 129 của Tuấn Giang-NXB Sân khấu năm 2008). Cách đưa cinema vào cải lương hiện nay, gọi là “mới người cũ ta”. Ngày xưa đưa cinema vào cải lương là cứu cánh mới lạ, thu hút nhiều người vào rạp vì tò mò xem cinema, sau một thời gian người xem lại quay lưng với cải lương. Ngày nay, cách làm này không phải giải pháp tìm kiếm người xem. Những hình thức chiếu phim lấp chỗ chống khi chuyển cảnh, giới thiệu nội ngoại cảnh vở diễn, không phải giải pháp chuyển đoạn sân khấu. Dù vở diễn tạo sự đột biến dư luận và người xem, một dấu hiệu tích cực nhưng chưa hẳn đắc địa. Ngày nay, nghệ thuật cần cảm xúc dâng trào liền mạch-Diễn viên: “Cháy-Đốt! Hết mình” trên sàn diễn. Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, các Đoàn Cải lương Đồng Tháp, Nhà hát Cải lương Cao Văn Lầu, Đoàn Cải lương Bến Tre, Đoàn Cải lương Tây Đô… từng diễn nhiều vở liền mạch, không chuyển cảnh, tắt đèn kéo màn để khán giả chờ đợi. Đây một hướng diễn cần phát triển, tồn tại. Vừa điểm qua một số hình thức cách tân thử nghiệm tìm cái mới trên sân khấu biểu diễn, nhưng không thể đáp ứng người xem thời hội nhập nghệ thuật toàn cầu. Các đoàn nhà hát đã đi sâu tìm hình thức thể hiện nghệ thuật biểu diễn cùng nội dung kịch bản văn học, tuy nhiên, lặp lại một số tuyên ngôn nghệ thuật sân khấu truyền thống, diễn chính kịch, hài kịch, lãng mạn trữ tình, hiện thực đương đại, kịch kinh dị, ca nhạc trẻ. Nhà hát Cải lương Hà Nội vở Yêu là thoát tội, Khi hoa nở trái mùa… Nội dung cốt truyện kịch nhiều tình tiết rất cải lương mang hơi thở nhịp sống đương đại. Nhà hát đưa dàn sao cũ, sao mới dốc hết lực vì vở diễn doanh thu và đứng trong dàn kịch mục trên sàn diễn. Sự thành công vở diễn từ cấu trúc tình tiết câu chuyện kịch, những lớp chuyển thể đặt bài ca đúng tình huống tâm trạng nhân vật, cuối cùng là dàn diên viên ca diễn đậm màu cải lương. Nhà hát cải lương Việt Nam vở Hừng đông, diễn ca, hát nhạc Rock đương đại, hát dân ca. Đây là vở thử nghiệm từ kết cấu kịch đến hình thức thể hiện dàn diễn viên trẻ…tôi cố ngồi mà không thể xem hết vở. Nguyên nhân, lúc đầu có chuyện kịch, nút mới hé đã mở. Sau biến thành các mảng minh họa sự kiện nhân vật, chưa kể những đọan hát dân ca, nhạc Rock chưa đủ đô không đạt, chưa đến ngưỡng cảm xúc, thời gian vở diễn kéo dài không hợp thời nay. Biết rằng hát dân ca, hát nhạc mới không phải sở trường diễn viên cải lương, nhưng là nghệ thuật thì những lớp diễn ấy phải chuyên nghiệp, để lại ấn tượng không phai mờ trong cảm xúc mỹ học người xem. Đây là một vở diễn đề tài cách mạng cần có trong đời sống sân khấu hôm nay-Vì thế hệ trẻ! Nhưng hãy ngắn gọn cô đọng, cảm xúc dâng trào, cần câu chuyện kịch rõ ràng, cải lương là phải đẹp. Một yếu điểm của sân khấu Miền Bắc nhiều vở: Yêu là thoát tội, Hừng Đông, Khi hoa nở trái mùa, Cạm bẫy và trừng phạt…trang phục không long lanh rực rỡ, thiếu cảnh diễn lâm ly mùi mẫn, sân khấu không trang trọng hào hoa tráng lệ. Biết nhiều người lý luận từng phê phán cải lương Nam là lạm dụng hình thức nhiều kim sa, kim tuyến lòe loẹt…nhưng thiếu cái đó sân khấu cải lương mất trang trọng linh thiêng hấp dẫn. Phải chăng đây là một phần bản sắc văn hóa cải lương? Chuyện sân khấu nguy nga tráng lệ, kim sa, kim tuyến đặt đúng chỗ không bao giờ là hình thức, mong sao sân khấu khấu hãy giữ cái văn hóa cải lương, không chạy theo hình thức bỏ quên nội dung. Cải lương Bắc cần mỹ lệ hóa nhân vật, hình thức sân khấu không ước lệ nghèo nàn sơ cứng… Từ khi sân khấu cải lương phát triển đến nay, câu nói bất hủ của cố Nghệ sỹ Năm Châu chưa thay đổi: “Cải lương phải đẹp, đẹp thải thật-Thật phải đẹp”! Ngay những vở thể hiện con người xã hội đương đại thì trang phục nhân vật chính sang trọng tân thời, đôi khi lăng ce mốt thời trang thành thần tượng người xem, giới trẻ ngưỡng mộ. Công chúng đến với cải lương là vẻ đẹp màn sương trăng, sân khấu ảo giác, qua những câu chuyện tình đẫm lệ, bài ca mùi. Thời nào diễn viên cải lương, hay sân khấu kịch phải lấy bằng được nước mắt của người xem để lại trong lòng họ ấn tượng, sâu sắc về một hoặc nhiều vai diễn, hay một lớp tâm tình cảm xúc mỹ học. Mỗi thứ cải lương đánh mất một chút truyền thống sân khấu, câu chuyện kịch…làm suy giảm tính hấp dẫn người xem.

            Vào Nam xem đồng nghiệp diễn gì? Vở Trong bóng tình yêu, Cuối cùng cho một chuyện tình, hoặc Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Vòng xoáy, Bông mận trắng… Những thử nghiệm đề tài cải lương xã hội lãng mạn tình cảm, kinh điểm hoành tráng, hiện thực đương đại, đề tài chiến tranh cách mạng…Hoặc trình diễn ca nhạc tân cổ, diễn trích đoạn, tấu hài, các chương trình Vừng trăng cổ nhạc, những cuộc thi Gia đình tài tử… nhằm nuôi dưỡng đời sống sân khấu cải lương trong nhân dân, phát hiện tài năng kế nghiệp nghệ thuật tiếp nối vào dòng chảy văn hóa nghệ thuật dân tộc. Là những thử nghiệm vì người xem, nhưng chưa thể tìm lại kỳ vọng doanh thu tồn tại.

Vở Giòng xoáy-Đoàn Cải lương Hương Chàm.

            Ngay những năm đầu thế kỷ mới, cải lương Nam tìm nhiều hướng tiếp cận người xem bằng các dự án, hoặc tự nghệ sỹ đầu tư thử nghiệm nghệ thuật cải lương không biết mệt mỏi. Hình thức diễn cải lương kinh điển hoành tráng không vay mượn diễn viên dàn sao bên ngoài, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vở Đời cô Lựu, quy tụ 30 diễn viên một số bên ngoài còn lại trong làng cải lương, kinh phí khiêm tốn 600 triệu đồng, lôi cuốn nhiều người đến rạp. Những người xem tâm sự qua facebook: Nhiều vai diễn xuất thần sâu sắc, ca hay. Đạo diễn NSND Trần Ngọc Giầu thực hiện khá chân thực bình dị, vở Đời cô Lựu từ trang trí đến cảnh chiếu phim 3D mở rộng không gian chân thực tĩnh lặng đẹp mắt. Sân khấu cải lương Nam đang phục dựng những vở kinh điển truyền thống và các vở cải lưng tâm lý tình cảm xã hội đương đại được công chúng, dư luận đồng tình. Đây là một hướng làm mới cải lương vì người xem nghệ thuật thời hội nhập quốc tế, cùng những khó khăn mất công chúng tiềm năng các thể loại sân khấu.

            3.Nguyên nhân và giải pháp.

            Sân khấu mất người xem từ kịch nói đến cải lương và các loại hình nghệ thuật khác đều suy giảm doanh thu. Nguyên nhân, các sao, siêu sao mới trên sân khấu ít như lá mùa đông, nếu có thì còn lâu họ mới bằng các hạng sao cũ về hình thức, giọng ca, xuất thần, nhập thần vai diễn, đôi khi diễn những kỹ thuật cơ bản còn mắc lỗi…Nghệ thuật thuật diễn không mới, nội dung kịch chưa đáp ứng người xem.

            Nguyên nhân nói hoài không hết, xin hãy nhìn lại thực trạng đời sống sân khấu hiện nay. Đầu tiên cơ sở hạ tầng, sự phát triển xã hội hóa sân khấu cả nước. Theo khảo sát năm 2015 của GSTS Nguyễn Minh Thuyết trả lời báo Nhân Dân cuối tuần-ngày 15-9-2015, nội dung cơ sở hạ tầng nghệ thuật các nhà hát, nhà văn hóa, cơ chế tổ chức, văn bản pháp quy, chế độ chính sách…nhiều bất hợp lý. Hiện nay, cả nước có 128 đoàn nghệ thuật Nhà nước, 200 đoàn tư nhân ( Nghệ thuật xã hội hóa), số sàn diễn trong nhà chỉ có 130 sân khấu, trong số này khoảng gần 100/% không đạt tiêu chuẩn, chỉ 02-03 nhà hát đủ tiêu chuẩn trong nước chưa so với các nước phát triển. Cơ sở hạ tầng yếu kém làm sao bảo đảm chất lượng nghệ thuật để nghệ sỹ, tác giả kịch bản, đạo diễn, họa sỹ thiết kế trang trí, âm thanh, ánh sáng, diễn viên thỏa sức sáng tạo thử nghiệm nghệ thuật hình thức kỹ thuật mới. Ngoài việc lệ thuộc cơ sở hạ tầng, thì trách nhiệm chính thuộc về nghệ sỹ, nguyên nhân hàng đầu:

            1.Hẫng hụt đào tạo đội ngũ diễn viên, tác giả, đạo diễn chuyên nghiệp tại nước ngoài và trong nước. Số người danh tiếng cạn vốn, “đường mòn lưu lạc ông đi mãi”. Họ đã “sắp hiu”, lớp trẻ còn ít chưa đáp ứng thực tiễn sân khấu.

            2. Thiếu kịch bản chuyên nghiệp về từng loại thể sân khấu. Cải lương. Kịch nói, múa rối…Những người có nghề quá ít, lại “sắp hiu” cả.

            3. Thiếu đội ngũ diễn viên ngôi sao, siêu sao vững chắc tay nghề diễn các loại thể nghệ thuật chuyên ngành khác, hát tân nhạc hoặc ca diễn, nhảy múa đương đại…Làm gì người diễn viên trên sàn diễn đều phải chuyên nghiệp và chuyên nghiệp hóa.

 

 

           

            Giải pháp hiện nay, Nhà nước tiếp tục đâù tư  các hoạt động văn hóa nghệ thuật vì đây là một trong ba mặt trận quan trọng phát triển kinh tế, quốc phòng, văn hóa nghệ thuật, chính trị xã hội. Nghị quyết TW V nêu xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế: “Con người là trung tâm phát triển kinh tế xã hội, tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, sản phẩm văn hóa minh bạch…Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng hoàn thiện thị trường văn hóa…Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam quảng bá ra thế giới, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.

            Đây là định hướng phát triển văn hóa nghệ thuật, tiếp biến văn hóa, tạo ra sản phẩm bằng những tác phẩm nghệ thuật sân khấu cải lương phản ánh hiện thực cuộc sống mới. Giải pháp cấp thiết là:

            1.Nâng cấp các nhà hát-Trang bị kỹ thuật chuẩn các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Xây dựng 03-04 nhà hát đạt chuẩn quốc tế.

            2.Bảo tồn sân khấu, nghệ thuật truyền thống cải lương. Xây dựng và phát triển nền sân khấu đương đại.

3.Đổi mới sân khấu cải lương, dựng vở phản ánh hiện thực đời sống con người xã hội đương đại.

Sân khấu cả nước phần lớn né tránh những hiện thực nóng, nhiều mâu thuẫn xung đột bi kịch đang diễn ra trong xã hội tiêu thụ của con người Việt Nam thời toàn cầu hóa chưa phản ánh vào cải lương. Nhiều kịch bản chạm đến những mảnh vỡ đời người nhưng chỉ là cái “hiện thực phải đạo”, nêu gương tình nguyện hiến nội tạng, đổ vỡ kinh doanh, tình nguyện làm giầu đứng lên từ làng, hoặc đề tài chiến tranh… Cần nhiều kịch bản nói thẳng nói thật như các nhà báo xung vào điểm nóng lòng dân bức xúc, những xung đột xã hội cả mâu thuẫn nhạy cảm...Nhưng cách phản ánh hiện thực mới, không phê phán bỏ lửng gây hiểu lầm kích động bạo lực…Phải đi đến tận cùng hiện thực, giải quyết mâu thuẫn xung đột theo truyền thống của người Việt Nam thể hiện trong công thức kịch bản cải lương là:

Tử biệt-Sinh ly-Chia lìa- Gặp lại.

Dù hiện thực có bi kịch đổ vỡ bao nhiêu nhưng kết có hậu, là thái độ ứng xử của nhiều tác phẩm nghệ thuật văn hóa, nhân văn, nhân loại. Nghệ thuật cải lương cần nhiều thử nghiệm về hiện thực mới, hướng đến xây dựng nền sân khấu cải lương đương đại vì công chúng. Đào tạo nuôi dững người xem tương lai bằng vở diễn hiện thực mới phản ánh đời sống tuổi trẻ, con người xã hội mới.

 

   Hà nội 4-5-2016.

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 2950
Ngày đăng: 06.05.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xây dựng nền nghệ thuật múa rối Việt Nam đương đại. - Tuấn Giang
Sự ra đời nghệ thuật múa rối nước - Tuấn Giang
Những khác biệt: Múa rối dân gian-Rối nước cung đình - Tuấn Giang
Những thất truyền múa rối nước Dẫn đến sai lầm chết người - Tuấn Giang
Mô hình Phát triển làng nghề rối nước dân gian thời hậu hiện đại - Tuấn Giang
Đặc điểm ca nhạc rối nước. - Tuấn Giang
Múa rối nước nhiều tiết mục múa - Tuấn Giang
Bức tranh sắc màu múa rối Việt Nam (bản Tiếng Anh) - Tuấn Giang
Bức tranh sắc màu múa rối Việt Nam - Tuấn Giang
Đêm thu ở Hòn Bà - Phan Chính
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)