Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
554
116.491.740
 
Hai mươi năm xem lại
Bích Ngọc

“Trước khoảnh khắc cuối cùng của cuộc chiến” là tập đầu của bộ phim tài liệu truyền hình nhiều tập đầu tiên ở Việt Nam, phát sóng cách nay 20 năm. Tại cuộc hội thảo tổ chức năm 1985, nhà làm phim tài liệu kỳ cựu là Nghệ sĩ Ưu tú (nay là Nghệ sĩ Nhân dân) Phạm Khắc cho biết lớp “hậu duệ” của Xưởng phim Giải phóng Tây Nam Bộ khiến bản thân ông “cũng phải giật mình và cảm thấy mình đã già rồi”. Bây giờ xem lại, vẫn ánh lên những giá trị không phai... 

MIỀN TÂY TỰ GIẢI PHÓNG

Ngay từ cảnh đầu của bộ phim 10 tập “Đất trẻ mười năm”, tổng đạo diễn Lê Châu – nguyên lãnh đạo Xưởng phim Giải phóng Tây Nam Bộ, nguyên Phó Giám đốc Đài truyền hình Cần Thơ - đã để Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam VN, nhấn mạnh: “Mùa xuân năm 75, nhiều nơi đã tự mình giải phóng được ấp, giải phóng được xã, giải phóng được huyện”. Và đó cũng là nhiệm vụ của tập đầu: Tây Nam Bộ không chỉ là nơi mở màn cuộc kháng chiến chống Mỹ mà còn kết thúc nó bằng lực lượng tại chỗ. Nhưng suốt 45 phút phim, tôi không thấy đạo diễn Trần Chí Kông, biên kịch Nguyễn Trung Hiếu trực tiếp đề cập đến điều đó mà tập trung mô tả mọi sắc thái của cuộc chiến tranh nhân dân.

“Sau 30 năm, dường như cả nước và thế giới vẫn nghĩ khi chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập là mọi việc đã xong” - tôi gợi chuyện. Biên kịch Nguyễn Trung Hiếu nói ngay: “Chưa xong đâu! Ngay khi mất Tây Nguyên, Nguyễn Văn Thiệu đã chọn Tây Nam Bộ làm nơi tử thủ, nếu thất bại sẽ chạy ra Phú Quốc, lập chính phủ riêng theo kiểu Đài Loan. Sáng 30.4.1975, tướng Nguyễn Khoa Nam - Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật ngụy – còn đi trực thăng lên Tây An Cổ Tự (thuộc địa phận xã Long Giang, huyện Chợ Mới, An Giang) là nơi co cụm tới hàng chục ngàn quân. Nhưng thấy đây chỉ là một đội quân ô hợp, y chán nản bỏ trực thăng, phóng xuống ca-nô trở lại Cần Thơ. Đêm đó, Nguyễn Khoa Nam tự sát”.

Từ màn hình, vang lên giọng đọc trầm ấm của đạo diễn Trần Chí Kông: “Trước lúc Sài Gòn thất thủ, Nam buộc phải tiếp xúc với đại diện Quân giải phóng. Ông Nguyễn Văn Thạch kể lại: “Vô tới nơi, thấy nó đang cầm cây gậy chỉ huy bên bản đồ, rồi gọi điện thoại cho các sư đoàn. Tôi nói trung tướng đang có 20 ngàn quân trong tay, có pháo, có máy bay, tôi biết hết, vì tôi theo dõi trung tướng đã lâu rồi mà. Nhưng quân của trung tướng hiện nay đã khác. Nếu không đi theo con đường hoà bình mà chống lại quân cách mạng thì cũng không có giá trị gì”.

Quả là “không có giá trị gì” bởi nhân chứng Lê Thanh Đờn kể tiếp: “Nội sĩ quan không, bắt sống trên 4 trăm tên, từ cấp úy cho đến cấp tá. Về binh lính, giáo dục tại chỗ trên 4 ngàn tên, thu toàn bộ súng ống, đạn dược. Khoảng 40 ngàn súng các loại, trong đó có 39 tàu, 25 xe quân sự. Đến 10 giờ trưa ngày 5.5, Chợ Mới mới hoàn toàn giải phóng”.

Cuộc chiến tranh nhân dân ở ĐBSCL đã được mô tả theo cách lạ: Chiến tranh không phải chỉ đấu súng; nhân dân gồm cả phía bên kia. Cái nhìn thấu đáo và nhân bản ấy tạo ra sự thuyết phục. Lần đầu tiên khán giả được thấy cảnh trẻ em vui múa bên đàn trâu trên cánh đồng giải phóng, cảnh nông dân quay trở lại làng xưa, đặt lư hương lên bàn thờ, rồi thắp nhang khấn vái ông bà, cảnh văn công hát tặng bộ đội bài “Trăng về Cần Thơ” sáng tác từ đầu năm Mậu Thân 1968 trước khi tiến quân vào “Tây Đô” như dự báo một mùa xuân đại thắng… Họ cũng được nghe tiếng nói phía bên kia. “Nhiều người ví đây là phim “Việt Nam  – một thiên sử được truyền hình” được xây dựng theo kiểu Tây Nam Bộ …” – tôi gợi chuyện. Biên kịch Nguyễn Trung Hiếu nói: “Không có gì phải tự ái cả! Vấn đề là mình sử dụng phương pháp làm phim tài liệu hiện đại để nói lên tầm vóc anh hùng của dân tộc mình có hiệu quả hay không”.

ĐIỀU THIẾU SÓT LỚN

Thật bất ngờ, sau 30 năm, người đang giữ kỷ lục thực hiện hơn 200 phim tài liệu nhận ra điều thiếu sót lớn: “Đã bao lần kỷ niệm, chúng ta vẫn chưa nói gì về những người ngã xuống trong ngày 30.4.1975. Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ cố gắng bù đắp bằng phim tài liệu “Ngày sinh tử”. Đặt tên như thế vì đúng là sinh tử thật: Giành giật với kẻ thù để ý chí thống nhất đất nước có từ thời Hùng Vương được thực hiện, dù giây lát nữa thôi là kết thúc chiến tranh. Còn những người sinh ngày 30.4.1975 đều đang tuổi “tam thập nhi lập”, họ có phải là lực lượng nắm giữ vận mệnh kinh tế của quốc gia?”.

Hoá ra, sau 20 năm, lớp “hậu duệ” của Xưởng phim Giải phóng Tây Nam Bộ vẫn không ngừng suy tư “trước khoảnh khắc cuối cùng của cuộc chiến”!

                 

Ảnh : Bộ phim “Đất trẻ 10 năm” được mổ xẻ tại Hội thảo phim tài liệu do Đài truyền hình Cần Thơ và Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức năm 1985. 

 

Bích Ngọc
Số lần đọc: 3989
Ngày đăng: 04.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng lòng từ vùng đất hoang - Nguyễn Trung Hiếu
Nghệ thuật góp phần hoàn thiện nhân cách - Nguyễn Thị Thu Thủy
Mỹ thuật truyềnthống: - Khuyết danh
Những người còn sót lại của các dòng tranh dân gian - Khuyết danh
Phù điêu - Khuyết danh
Nữ hoạ sĩ đầu tiên của Việt Nam - Khuyết danh
Món nợ của điêu khắc với không gian đô thị - Nguyễn Luận
Chùa ANG KOR RAIG BOREI - Văn Tưởng
Mẹ Tổ Quốc - tượng đài của thời gian - Thụy Anh
Cùng một tác giả