Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
770
116.612.010
 
Cái cột điện
Chế Diễm Trâm

 

 

            Lê về cái xóm nhỏ này đã hơn năm, may hay rủi, duyên hay phận cũng không hiểu nổi. Có lúc Lê thấy mình như chết đi sống lại, lắm lúc thấy buồn tủi ê chề. Cái xóm gồm tám nhà nằm nép vào một con đường có tên hẳn hoi nhưng không khác chi một khúc đường quành đi tắt cho nhanh. Con đường xe cộ khá nhộn nhịp nhưng cái xóm này ngày thì toàn đàn bà con nít, đàn ông lo đi làm thuê làm mướn, chiều tối mới lao xao chiếu nhậu, ì xèo karaoke tới khoảng chín, mười giờ là tắt đèn đi ngủ, lấy sức mai chiến đấu tiếp.

 

Chỉ có nhà anh em ông Hoàng là thức khuya nhất, ông em hơi ngơ ngẩn thì luyện phim chưởng, còn ông anh đọc đọc viết viết. Khi ông anh buông mùng, khoảng mười phút sau bắt đầu ngáy, là ông em mò qua gõ cửa phòng Lê. Ông em không có tiền để cho Lê như ông anh nhưng được cái thật thà, Lê biểu sao làm vậy. Ổng thương thằng nhỏ con Lê thiệt tình, thường đội thằng nhỏ lên đầu hoặc làm ngựa cho thằng nhỏ cưỡi, thấy cũng vui vui. Đã vậy, có chuyện gì của ông anh, ông em đều kể ngọn ngành cho Lê nghe, không sót chuyện gì. 

 

Lê con nhà nông dân. Năn nỉ ỉ ôi miết, ba má phải bấm bụng lòi ra một chỉ vàng cho lên thành phố học cái nghề làm móng, cắt tóc, gội đầu… mơ có ngày tự kiếm được đồng tiền mà chân tay không lấm bùn đất. Lê được giới thiệu tới cái tiệm của bà Lan, bạn của chị Tuyết, người cùng làng. Bà Lan hồi đầu chị chị em em ngọt như mía, hứa sẽ truyền hết nghề, còn cho Lê ở trông coi cửa hàng ban đêm cho khỏi tiền thuê trọ. Khỏi nói cũng biết Lê chịu ơn bà Lan như trời như biển, một chị hai chị, hết lòng chăm chút, lau dọn cho cái tiệm sạch bóng. Cửa hàng đông khách hẳn. Lê là đứa chăm chỉ nhứt, chịu khó nhứt trong tiệm, gội đầu kỹ lưỡng, làm móng sạch tưng. Khách thấy thương, bao giờ trả tiền cho bà Lan xong cũng boa cho ít tiền. Lê thấy đời mình cũng may.

 

Có cho vàng Lê cũng không tin nổi bà Lan bán Lê cho thằng cháu hoang đàng chi địa của bả cấn vô tiền cá độ đá banh. Bả cho thằng cháu chìa khóa tiệm uốn tóc, buổi chiều tối trước khi đóng cửa tiệm, bả cho Lê uống nước cam có pha thuốc ngủ.

Lê khóc hết nước mắt. Bà Lan dỗ dành, hứa trả lại cho Lê chỉ vàng học việc với điều kiện đừng báo công an. Thiệt tình, Lê cũng đâu dám đụng tới công an, sợ lôi thôi phiền phức ra. Bà Lan nói cái số em gắn với thằng cháu chị, nó thương em thiệt tình, hai đứa có duyên với nhau, nó hứa sẽ lo cho em ấm êm nó mới chịu.

 

Nó thương đâu không thấy, sau cái đêm đó, cái thằng đàng điếm quất ngựa truy phong biệt tăm biệt tích. Tới khi Lê thấy trong người khang khác, Lê khóc với bà Lan thì bả chửi Lê tơi bời. Bả đuổi Lê ra khỏi tiệm vì cái tội vu khống! Lê khóc như mưa như gió. May có chị Mai – khách quen của cửa tiệm – xót xa, ra tay làm phước, đưa Lê về cái xóm này, không ai biết danh tánh, sẵn coi nhà, dọn dẹp cho chỉ.

Nói là cái xóm chứ thật ra là một khoảnh đất nhỏ xoay quanh cái cột điện. Dưới những cái hộp công tơ điện lủng lẳng là dây dợ cột chằng những tấm bạt che nắng che mưa cho mấy cái hàng quán èo ọp cà phê, phở bình dân, bún cá… Cái cột điện mang trên nó hầm bà lằng đủ thứ, từ giấy bố cáo gia sư, bán nhà, bán đất tới những dòng sơn khoan cắt bê tông, hút hầm vệ sinh… Nhà chị Mai và nhà ông Hoàng sát nhau, giữa hai nhà là cái cột điện. Lúc nào quanh cái chân trụ điện cũng ầm ĩ mấy bà hàng quán cãi nhau chỗ ngồi, lũ chó đực gầm gừ, cắn xé tranh cái chỗ ghếch chân đái vô xác định lãnh địa.

 

Chị Mai nhận Lê là em họ từ quê lên giúp chỉ trông nhà. Ngôi nhà này là của ba mẹ chị Mai để lại. Lê được chị Mai cho ở nhờ cái phòng phía sau, hơi cũ kỹ nhưng được cái cũng sáng sủa nhờ cái cửa chính lấy ánh sáng từ đường luồng nối sân trước ra sân sau tạo thành cái giếng trời, thêm cái cửa sổ mở ra một vuông đất nhỏ có lùm nguyệt quế hoa nở trắng xóa, thơm nồng nàn nửa đêm về sáng. Cái vuông vườn ấy đêm đêm còn có tiếng dế ri ri, tiếng mèo hoang rên gào thảm thiết. Và cái vuông đất ấy thông sang cửa sau nhà ông Hoàng.

Ngôi nhà ông Hoàng cũng do cha mẹ để lại. Cô em có chồng theo chồng, ngôi nhà chỉ có ông em lơ ngơ ở nên bừa bộn, nhà trên luôn có mùi ẩm mốc xộc lên, còn nhà bếp lúc nào cũng có cảm giác tanh tanh. Một năm nay, ông Hoàng về ở nhà trên, ông em nhà dưới, ông em lo luôn chuyện cơm nước của hai anh em. Nghe ông em kể, ông Hoàng có chuyện buồn, bỏ vợ bỏ con về đây để trốn đời.

Trốn đời đâu chưa thấy, chỉ thấy ông Hoàng có khá nhiều bạn bè. Trước, bạn toàn đàn ông, gần đây thấy có cả đàn bà. Có khi ba, bốn, năm người, đàn ông có, đàn bà có, họ tới nhậu nhẹt, hát hò, chẳng bao giờ ở lại nhưng khi họ ra về, Lê thấy ông Hoàng lại có tiền. Những khi ông Hoàng tiếp bạn, ông em lo mồi nhậu xong là ra hè sau đùa nghịch với thằng bé của Lê hoặc đi đẩu đâu tận chiều tối mới về. Lê hỏi thì ổng nhăn nhó:

- Cũng phải cho tui đi chơi chớ, với lại tui ở nhà anh tui không thích!

Ông Hoàng không thích ông em cũng phải, hai anh em như hai thái cực: ông anh ra dáng học thức, ông em nhìn là biết có vấn đề; ông anh nói toàn chuyện đại sự đâu đẩu trên mây, ông em chỉ chuyện ăn uống, tiền bạc… Ông Hoàng có cái tật đại ngôn, một tấc tới trời. Câu chuyện của ổng hồi đầu Lê rất thích hóng: chuyện thành lập công ty trong nay mai, chuyện mấy miếng đất mua từ hồi còn rẻ nay nhà nước đang quy hoạch khu resort, sắp ngồi trên đống vàng… Lê tưởng thật, lựa lời dò hỏi ông em, ông em bực quá, gắt nhặng:

- Hơi đâu mà nghe ổng!

Dần dần, Lê hiểu ra. Người ta một khi thất bại, hoặc sẽ rất chán chường hoặc sẽ tự huyễn hoặc mình. Cứ nhìn cái tờ trăm đô gấp tư cẩn thận mỗi lần ông Hoàng nhờ Lê ra hiệu vàng bán giùm cũng đủ hiểu ông không nhiều tiền. Tất cả đều nhờ vào bạn bè. Ông sống khá tằn tiện, gửi tiền đi chợ cả ngày không quá năm chục bạc. Bạn bè ông tuy không giàu có nhưng cũng rộng rãi. Lúc nào ra về, họ cũng để lại cho ông ít tiền. Những khi đó, ông mò qua thảy cho Lê năm chục, một trăm, y chang một gái bao bèo bọt. Nhưng kệ, bói rẻ hơn ngồi không…

Khi thằng cu cai được sữa, Lê nghĩ đến chuyện làm cái gì đó để kiếm tiền. Không thể sống nhờ vào lòng thương của chị Mai và canh thừa cá cặn của ông Hoàng mãi được. Vốn liếng lận lưng ít ỏi, vả lại xe cà phê cóc đã có chủ, Lê đành sắm cái lò bánh căn sáng sáng bán trong xóm. Dăm ba ngàn đã có thể lót dạ vậy mà vẫn phải sắm cái sổ ghi nợ. Đúng là tội nợ!

Cái khoảnh sân con con trước nhà chị Mai sát bên cái trụ điện trở thành nơi cho Lê thả cái bàn và mấy cái ghế vẩn vơ, rồi dần thành nơi cho đám đàn bà con gái hóng hớt, trẻ con lê la. Tới lũ chó cũng theo chân chủ nghèo quanh quẩn, con nào tới đây cũng giở cái chân sau lên, đái vô đó một dúm. Nước đái chó khai rình, Lê đuổi như đuổi tà, nhưng đâu cũng hoàn đó. Thỉnh thoảng, lũ chó còn nhe răng cắn xé nhau, gầm gừ kinh động. Sau cuộc cẩu chiến, ít nhất cũng có con mất túm lông, chân tập tễnh. Nhưng kinh nhất là cái cảnh chúng dính lẹo vô nhau. Nhìn thì mắc cỡ, đuổi đi thì bó tay.

Từ ngày Lê ra buôn bán, đám đàn ông trong xóm hay buông lời chòng ghẹo sàm sỡ. Dẫu có nghèo túng, Lê vẫn là gái một con, “ngon xơi lắm cưng”… Thật buồn, nhưng chỉ biết ngậm đắng. Ông Hoàng tức tối nhưng bao nhiêu bực bội, dấm dẳng chỉ dám trút vô Lê. Rồi một ngày, ổng chửi Lê là đồ thúi tha. Cộng thêm cái sổ nợ không đòi được vì Lê không thể chửi bới, đòi cào nhà những đứa ăn quịt được, Lê đành dẹp cái hàng bánh căn đi.

Sống lay lắt, Lê đã có ý nghĩ về quê làm ruộng làm vườn. Nhưng sợ ba má đau lòng. Đành gắng gượng thời gian nữa xem sao. Lê tự dưng thấy mình không khác chi cái trụ điện. Chân cái trụ điện, không hưởng được vùng ánh sáng từ cái đèn hắt ra đã chớ lại còn là nơi chất rác, chỗ cho bọn chó đái. Nghĩ như vậy, Lê thấy cay cay giữa hai hốc mắt.

Dạo này ông Hoàng thường vắng nhà, nhưng có vẻ nhiều tiền hơn. Lê hỏi thì ông nói đang có dự án. Thế rồi khách dày hơn. Toàn đàn bà, nhưng họ tới một lần rồi không thấy trở lại. Những lúc thế, cửa nhà trên đóng im ỉm, nhất là cái cửa thông ra cửa sổ nhà chị Mai được chốt trong cẩn thận. Ông em biến đâu mất tiêu. Lê cảm được một nỗi ấm ức mơ hồ. Nhưng Lê tập quen dần không thèm để ý nữa, kệ họ.

Một ngày, một bà diêm dúa, nước hoa sực nức bước xuống từ một chiếc taxi, hất hàm hỏi Lê nhà “họa sĩ Hoàng”. Lê ngớ một lúc lâu mới hiểu ra cô ta hỏi ai. Theo tay Lê chỉ, cô ta dướn mắt có vẻ như Lê nhầm lẫn đâu đó. Ông Hoàng xuất hiện ở hàng hiên cười cười. Mắt cô ta tối lại. Không bỏ đôi giày cao gót, cô ta đỏng đảnh mang luôn vô nhà. Họ nói gì với nhau, nhạc mở to quá Lê không nghe thủng.

Đánh bạo, Lê quyết chạy ào vô, giả vờ mượn cái búa. Ông Hoàng đang ôm cô ta trong tay, giật mình rút tay về. Cô ta chau mày, mặt mũi khinh khỉnh nhưng rồi ngả đầu nhanh vô vai ông Hoàng. Ông Hoàng tái mặt. Nhưng lại cười, nụ cười ngượng nghịu. Không hiểu sao Lê thấy sự thất bại rất rõ, của mình. Vô duyên, nhưng rõ ràng là Lê chảy nước mắt.

 

Dăm ba phút sau, cửa nhà ông Hoàng lịch kịch khóa trái. Rồi khoảng nửa tiếng sau cô ta bước ra sân, cố tình cười nói ồn ã và ưỡn ngực đi ra đầu xóm đón xe. Đám đàn bà trong xóm nhìn theo, bĩu môi nhưng ghen tị. Khi đi ngang sân nhà chị Mai, Lê thấy cô ta khạc một bãi bọt.

Mấy ngày sau, ông Hoàng đổ ốm, người lúc nào cũng mướt mồ hôi. Ổng sốt, sốt nhẹ nhưng cứ dai dẳng. Ông em ngẩn ngơ phải cầu cứu Lê chỉ vẽ mua thuốc, cho uống thuốc, nấu cháo, đút cháo… Tịnh không thấy bóng dáng người đàn bà nào, kể cả cái bà diêm dúa, trở lại thăm nom.

Ổng cũng có khác chi cái cột điện mà đám đàn bà tranh giành chỗ một lần rồi lặng lẽ biệt tăm?!

 

 

Chế Diễm Trâm
Số lần đọc: 1695
Ngày đăng: 19.04.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những mùa thơm hoa bưởi - Lê Hoàng
Trong khoang tàu chật - Nguyễn Thị Lê Na
Cổ tích - Nguyễn Hồng Nhung
Tôi đã sống bạc như vôi - Bùi Thanh Xuân
Chuyện của anh T... * - Đặng Xuân Xuyến
Bạn văn và tôi - Võ Công Liêm
Cây mận - Nguyễn Hồng Nhung
Số mạng. - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Những phiến lá mục - Lê Hoàng
Em sẽ bay về trời - Lê Hoàng
Cùng một tác giả
Tạ Ơn (truyện ngắn)
Mép Nước (truyện ngắn)
Mỏng Như Cánh Chuồn (truyện ngắn)
Bìm bìm mãi tím (truyện ngắn)
Cái cột điện (truyện ngắn)
Họ Chế (tiểu luận)
Chạp yêu (truyện ngắn)