Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
548
116.537.048
 
Một tháng ở Nam kỳ-Phần II
Phạm Quỳnh

Bước xuống đất, ngoảnh lại chào cái tàu lớn kia đã chở mình  tới đây được an toàn trót lọt. Càng nhìn càng thấy to lớn thay! Ôi!  Ta từ biệt ngươi từ đây, mong rằng có ngày lại được gặp ngươi lần  nữa. Người đời đi chuyến đò còn nên nghĩa, huống chi là ngươi với  ta, trong mấy đêm ngày đã cùng nhau bềnh bồng trên mặt sóng!...  Ta từ biệt ngươi, ngươi có biết không, hỡi kềnh nghê bằng gỗ sắt?...

Khi đã ngồi trên xe kéo, chạy qua cầu Khánh Hội, hô hấp cái  không khí mát buổi sáng, mới bắt đầu tiếp xúc cái cảnh sắc, cái  khí vị đất Sài Gòn từ đấy. Ngay lúc mới đầu ấy đã biết ngay cái  cảnh sắc ấy là cảnh sắc một nơi thành phố tây, cái khí vị ấy là khí  vị một chốn đô hội lớn. Tạm để đồ hành lý ở nhà khách sạn, rồi đi  thăm các người quen thuộc, phần nhiều là quen tên thuộc tiếng  mà chưa từng tiếp mặt bao giờ. Nhân thể đi dạo chơi trong mấy  đường phố lớn. Đường có tiếng nhất ở Sài Gòn là đường Catinat.  Catinat nguyên là tên một quan nguyên soái nước Pháp về đời vua  Louis thứ 14, sau là tên chiếc chiến thuyền sang đánh cửa Sài Gòn  trước tiên cả. Nay đặt tên cho một đường lớn ở Sài Gòn là có ý muốn lưu một mối kỷ niệm cho người sau vậy. Kể to lớn thì đường  Catinat chưa phải là to lớn nhất ở Sài Gòn. Nhưng cũng tức như  đường Paul Bert ở Hà Nội là nơi người Tây đến lập phố trước nhất,  rồi sau mỗi ngày một bành trướng mãi ra, thành nơi trung tâm, đâu đâu cũng đổ xô về đấy, các đường mở sau đều tiếp phụ xung  quanh. Đông đúc phồn thịnh đến nỗi đã phải mở một con đường  chạy dọc theo, to lớn rộng rãi hơn nhiều, gọi là đường Charner -  tức là tên quan thủy quân phó nguyên súy coi chiếc tàu Catinat  vào đánh Sài Gòn - để rút bớt cái sức bành trướng đi ít nhiều, mà vẫnhằng ngày hằng phát đạt, không giảm đi chút nào. Các cửa  hàng lớn, hàng tây, hàng ta (phần nhiều người Bắc Kỳ), hàng Chà (phần nhiều người Bombay bên Ấn Độ), hàng khách, chen nhau  xin xít. Lại thêm có mấy nhà khách sạn lớn, nhà chớp bóng, nhà hát tây, nên chiều chiều cứ tự năm giờ trở đi kẻ đi người lại như  nước chẩy. Người sang trọng, kẻ thượng lưu, tất mỗi buổi phải dạo  qua đường Catinat một lượt mới là nền. Những trai thanh gái lịch  đất Sài Gòn lấy đấy làm chốn cực phẩm phong lưu. Trên đường thì  xe hơi không biết mấy trăm mấy chục mà kể, tiến lên êm như ru,  như vô số những làn sóng tự ngoài xa đưa lại, rạt cả bên bờ nhà “Đại lục khách sạn” (Hôtel Continental). Nhất là ngày chúa nhật,  sau khi tan lễ nhà Thờ Chánh, không cảnh tượng gì đẹp bằng  đường Catinat chừng hồi chín mười giờ. Đàn ông, đàn bà, con trai,  con gái, người Tây, người Nam, ăn bận rất lịch sự, ở nhà thờ ra đi  dạo qua các cửa hàng, lũ lượt như ngày hội. Thật là nghiễm nhiên  ra cái cảnh tượng một nơi đại đô hội, đương buổi quốc dân phong  phú, thiên hạ thái bình. Coi đó không ngờ rằng trong thế giới hiện  còn mấy nghìn vạn con người đương lầm than trong vòng máu lửa!

Người ta thường gọi Sài Gòn là cái “hạt báu của Á Đông” (la  perle de l'Extrême-Orient). Tôi chưa từng được biết những nơi đô  hội lớn ở Á Đông, như Hương Cảng (Hongkong), Thượng Hải  (Changhai), Tân Gia Ba (Singapore), nhưng chắc rằng những nơi  ấy tuy có lớn, có đông, có sầm uất phồn thịnh hơn, mà về cách sửa  sang sắp đặt, về cái qui mô các đường phố, các lâu đài, về cái vẻ chỉnh đốn sạch sẽ, mĩ miều khả ái, chơn chu mà sán lạn như hạt  châu mới rũa, thì còn kém Sài Gòn nhiều. Đường phố như vẽ bằng  tay, kẻ bằng thước, đều đặn, thẳng thắn, rộng rãi khang trang,  nhiều đường ở giữa lại để những khoảng rộng trồng cỏ, đặt những  tượng đồng kỷ niệm, chiều đến hàng trăm cái đèn điện lớn chiếu  sáng như một dẫy dài những quả ba lông lấp loáng thả phấp phới  ngay trên giữa đường phố, coi rất là ngoạn mục. Đẹp nhất, coi  trang nghiêm nhất là con đường đi thẳng vào phủ Toàn quyền (người Sài Gòn thường gọi là tòa Chánh soái). Hai bên có hai khu  vườn trồng những cây lớn, tối trông như hai đám rừng nhỏ, ở giữa  một con đường rộng chạy thẳng băng tự đầu tỉnh đằng kia cho tới  ngang cửa phủ. Coi thật là có bề thế, có vẻ tôn nghiêm, xứng đáng  với một nơi tướng phủ. Mà phủ Toàn Quyền ở đây, qui mô cũng  đẹp hơn ở Hà Nội. Phủ Toàn Quyền Hà Nội tựa hồ như một đống  gạch xếp vuông, trông có vững vàng bền chặt mà nặng nề biết bao  nhiêu! Ở Sài Gòn thì như hình chữ đinh J, nét ngang trên là chánh dinh, nét sổ dưới là các tơ tào. Mặt trước ở gian giữa có bậc  lên, hai bên hai con đường dốc quanh lại như hình bán nguyệt,  trông ra cái vườn rộng thênh thang, giữa có bãi cỏ phẳng lì như  một tấm thảm xanh, trên chỉ trồng hai khóm trúc in nhau như  hệt. Còn xung quanh thì vườn trại mênh mông, cây cối rậm rạp.  Những khi quan Toàn quyền ở Sài Gòn, tối đến trong dinh đèn  điện thắp sáng choang, trông xa tưởng tượng như một tòa lâu đài  bằng ngọc có trăng chiếu, chon von ở giữa khoảng rừng rậm tịch  mịch u sầu, khác nào như trong truyện thần tiên vậy. Khen cho  ông quan tạo tác nào kinh doanh cái phủ Toàn Quyền đó cũng  khéo tay.

Sài Gòn còn nhiều những dinh thự cùng các nhà công sở đẹp  lắm, như nhà dây thép, tòa án, dinh quan Thống đốc Nam Kỳ (tức  trong ấy gọi là dinh Phó soái), nhà hát tây, v.v... Nhưng đẹp nhất  là nhà Thị sảnh Sài Gòn (Hôtel de ville, trong ấy gọi là nhà “xã tây”, vì ông đốc lý thành phố tục kêu là ông xã tây). Kiểu đại khái  cũng giống như các nhà thị sảnh bên Tây, trên có cái chòi vuông  mấy từng cao chót vót. Mặt trước trông thẳng ra đường Charner  vừa dài vừa rộng, đi đằng xa lại, coi cũng có cái vẻ trang nghiêm,  xứng đáng làm nơi công sở của một chốn đô hội lớn như Sài Gòn.  Chẳng bì với nhà Đốc lý Hà Nội ta, thật so sánh mà thẹn thay. Mà Hà Nội lại là nơi thủ đô của Đông Dương! Hà Nội có cái nhà hát to  quá không biết dùng để làm gì, suốt cả năm bỏ vắng ngắt như  chùa bà Đanh, mà đến cái nơi công sở để hằng ngày lo công tính  việc cho ngót mười vạn con người, để phòng khi có quan sang  khách quí ở nước ngoài qua lại đón tiếp cho xứng đáng, thì coi như  cái nhà hầm, bốn bề kín mít, khí trời ánh sáng không lọt tới bao  giờ! Xin các ông hội viên phải lưu tâm đến sự đó, thật là có quan  hệ cho danh dự Hà thành ta. - Nhà thờ Sài Gòn tuy không có cái nền đá cao như nhà thờ Hà Nội, mà có hai cái tháp nhọn cao ngất  trời, những khi trời sáng sủa đi tự ngoài Vũng Tàu (Cap Saint  Jacques) cũng trông rõ. Lại nhà dây thép, trong gian giữa có cái  tượng đồng người đàn bà ngồi trên quả địa cầu, để biểu hiện cái  tin tức của người ta nhờ dây thép mà truyền được đi khắp thế giới,  coi cũng mạnh mẽ và có ý tứ lắm. Chỉ hiềm chỗ đặt khí tối, giá người nào bước vào vô ý không ngửng mặt lên thì không biết! Còn  Chợ Mới Sài Gòn cũng có cái nhà chòi ở cửa giữa thật là vĩ đại, vừa  cao vừa vững vàng lực lưỡng, coi như một cái pháo đài vậy. Mà trong chợ thì rộng mênh mông, chợ Đồng Xuân Hà Nội chẳng  thấm vào đâu.

Nói tóm lại, cái hình thức của thành phố Sài Gòn sánh với  thành phố Hà Nội còn hơn nhiều. Từ cách đặt đường phố cho đến  cách dựng cửa nhà, từ cách thắp đèn điện cho đến cách đặt máy  nước ở các nhà, cho đến cách tuần phòng vệ sinh trong phố xá,  nhất nhất đều có tiến bộ hơn Hà thành ta cả. Ở Sài Gòn thật là có cái cảm giác một nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối  tây. Vào đến Chợ Lớn thì lại ra cái cảm giác một nơi đô hội theo lối  tàu. Còn các châu thành khác ở Lục tỉnh, thì những nơi quan sở là tây mà chốn phố phường là tàu, phần An Nam thật ít lắm. Xét về phương diện đó thì những đô hội Bắc kỳ tuy coi cũ kỹ mà còn có cái  vẻ An Nam hơn. Người khách ngoại quốc nào sang du lịch đây, nếu  không có cái chủ ý quan sát phong tục người dân thì ở Sài Gòn  sướng tiện hơn, nếu muốn biết cái chân tướng sự sinh hoạt dân An  Nam thì cứ đi chơi qua phố phường Hà Nội cũng đủ làm một cái  kho khảo cứu không cùng. Tuy vậy, các tỉnh thành khác không nói  làm gì, mà Hà Nội đã là nơi thủ đô của Đông Dương thì về phần  hình thức mới cũng không kém Sài Gòn mới là phải. Nếu cái hình  thức mới cũng đủ mà các đặc sắc cũ vẫn còn thì mới thật là xứng  đáng vậy.

Ngay chiều bữa tới Sài Gòn, gặp ông chủ bút “Nam Kỳ tân  báo” (La Tribune indigène) là một tờ báo bằng chữ Pháp của mấy  ông danh giá trong Lục châu lập ra, và rất có thế lực trong các  hạng tân học ta. Thường đọc báo đó, biết tiếng các ông, phục cái  tài của các ông viết văn Pháp như người Pháp, khen cái chủ nghĩa  của các ông muốn bênh vực cho quyền lợi dân An Nam, vẫn ước ao  được tiếp mặt. Nay được gặp lấy làm mừng lắm. Chủ nhiệm “Nam Kỳ tân báo” có hai ông Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phú Khai,  nhưng đứng tên quản lý chỉ có ông Nguyễn mà thôi. “Quan bác vật  Bùi” thì trong Nam ngoài Bắc ai ai cũng đã biết tiếng. Nguyên  ngài có chức “nông nghiệp kỹ sư”, sung giám đốc các sở canh nông  Nhà nước, trong Nam kêu vắn tắt là quan “bác vật”. Ngài năm nay  đã đứng tuổi, đã từng ở Bắc lâu, ở Kinh cũng nhiều, cái học vấn đã sâu, sự kiến văn lại rộng, thật là xứng đáng làm một tay lĩnh tụ (leader) cho dư luận xứ Nam Kỳ. Lại thêm người ôn nhã, điềm  đạm, lễ độ, tiếp chuyện thật là vui. Ông Nguyễn Phú Khai thì  người còn trai trẻ lắm, cũng đã từng đi học bên Tây và có văn bằng  “Kỹ sư” (ingénieur). Người lanh lợi thông minh, cũng là một tay lỗi  lạc trong bọn tây học nước ta.

Ngay khi mới gặp, hai ông có cho biết bữa đó chính là ngày  kỷ niệm “Nam Kỳ tân báo” đã đầy năm và mời đến dự tiệc chiều  hôm ấy. Tôi lấy làm vui mừng mà nhận lời ngay, thật cũng là một  sự may mới tới Nam Kỳ đã được cái dịp tốt để biểu chút cảm tình  với bạn đồng nghiệp. Tiệc dọn tại nhà cao lâu khách ở Chợ Lớn.  Vậy 7 giờ chiều cùng ông Bùi và mấy người bạn nữa đi xe ngựa về Chợ Lớn. Nhân thể được ngó qua cái cảnh tượng Chợ Lớn buổi tối,  thật ngày thường như ngày hội, các phố khách Hà Nội Hải Phòng  chửa thấm vào đâu. Nhưng bữa đó mới đi lượt qua mà thôi, khi  tiệc tan rồi thì đã khuya, không thể dạo chơi các phố phường được,  định bữa khác sẽ coi kỹ hơn. Tiệc đông lắm, ước đến bốn năm chục  người, phần nhiều là những bậc tai mắt ở Sài Gòn và Chợ Lớn.  Cũng lại là một dịp may được gặp mặt các ông ấy để nối cái dây  thân ái kẻ Bắc người Nam. Bữa tiệc thật vui, có cái vẻ đậm đà thân mật, không có những lối kiểu cách như ngoài ta. Nói chuyện  toàn bằng tiếng tây, ông nào cũng nói giỏi, không những nói giỏi  mà đến cái giọng nói, cái cách cử động cũng hệt như tây vậy.  Trong các ông dự tiệc đấy, có nhiều ông đã vào dân tây. Coi đó thì  biết các bậc thượng lưu trong Nam Kỳ tây hóa đã sâu lắm, hầu  như không còn chút gì là cái phong thể An Nam nữa. Về đường đó thì ngoài Bắc Kỳ Trung Kỳ còn kém Nam Kỳ nhiều. Đến cách nghị  luận cũng đường đột mãnh liệt, trực mà không có những lối khép  mở xa xôi như các nhà cựu học ngoài ta. Hai cái tâm lý khác nhau  biết dường nào! Cái nào là hơn? Khó mà quyết được. Song thiết  tưởng nếu điều hòa được cả hai thì hơn nhất. Nhưng sự điều hòa ấy có thể thành được không? Đó là cái vấn đề rất quan trọng cho  cuộc tiến hóa dân ta sau này vậy.

Khi trở về Sài Gòn, vừa ngồi xe vừa nghĩ lan man về cái  tương lai nước nhà, thật có lắm sự hi vọng đáng vui mà cũng nhiều  cái hiểm tượng đáng buồn. Nhưng mà cái tương lai là cái tương lai,  ai là người dự đoán được bao giờ? Vả con đường tiến hóa của mỗi  dân mỗi nước là bởi lịch sử, bởi thời thế khiến nên; người ta dẫu  hết sức tư tưởng nghĩ ra đường này là hơn hay là đường kia là phải, cũng không thể nào đổi được lịch sử, chuyển được thời thế mà mong khuynh hướng cái cuộc tiến hóa kia về đường mình. Cho  nên nghĩ xa xôi lắm mà làm chi?...

Mấy bữa sau đi thăm các bạn “đồng nghiệp”, tức là các anh  em làm báo ở Sài Gòn. Gặp ông nào cũng được chuyện trò vui vẻ lắm, mới biết kẻ Nam người Bắc tuy ít dịp gần nhau thân nhau,  mà mỗi lần biết nhau, thật là dễ nên cái tình thân ái vậy. Cho hay  người một nước một nhà, dẫu xa cách mà cũng là anh em, miễn là đối với nhau lấy lòng thành thực, đừng có cái thói ghẻ lạnh người  thường, thì khó gì mà chẳng nên thân mật được? Huống bọn mình  lại cùng theo đuổi một nghề, tức là cái nghề khua chuông gõ mõ trong quốc dân, đem những lời hay lẽ phải mà bàn bạc với bạn  đồng bào, mong gây lấy một mối tư tưởng cảm tình chung, mưu  cho nước nhà giống nhà sau này được cường mạnh vẻ vang, có ngày mở mặt mở mày với thế giới, thì cái mục đích cao xa ấy há lại  không đủ khiến cho ta đồng tâm hiệp lực mà cùng nhau đạt cho tới  rư?

Ôi! Nếu hết thảy các nhà làm báo ai cũng hiểu cái nghĩa vụ của nghề làm báo thì còn nghề gì đẹp bằng, hay bằng, cao thượng  bằng, đủ khiến cho người ta tận tụy một đời mà theo đuổi cho  cùng? Đương buổi mới cũ giao nhau, cái tư tưởng quốc dân chưa  biết lấy gì làm chuẩn đích, bọn mình nên đề xướng những chủ nghĩa hay để dìu dắt quốc dân vào con đường chánh đáng, đừng để cho xa lạc vào những ngõ ngách hiểm nghèo. Về đường giáo dục, về đường xã hội, về đường chính trị, về đường phong tục, về đường  văn chương, về đường đạo đức, cái thế lực của bọn ta có thể bao  gồm hết thảy. Một lời công luận của ta có thể làm cho người ta bỏ đường tà mà theo đường chánh, hay là bỏ đường chánh mà theo  đường tà được. Vậy cái lời công luận đó ta chẳng nên quí báu lắm rư? Ta chẳng nên cẩn thận lắm rư? Ta há lại nên phản cái mục  đích của ta mà dùng lời công luận đó làm cái khí giới để công kích  lẫn nhau, bày ra một cái gương xấu cho quốc dân rư? Dám chắc  rằng các anh em trong báo giới ta không có ai hiểu lầm cái nghĩa  vụ đến vậy. Nếu quả được như vậy thì may cho nước nhà lắm lắm.  Bây giờ cần nhất cho dân ta chỉ có sự học, nhất thiết cái gì cũng  phải học cả, như đứa con nít mới đến tuổi vào trường vậy. Bọn ta  phải hết sức giúp một phần vào sự học ấy, cho cái trình độ quốc  dân mỗi ngày một cao thêm lên, cho cái tư tưởng quốc dân mỗi  ngày một rộng thêm ra, để có ngày đủ khôn đủ lớn mà ra tranh  đua với đời được. Chắc cái trách dạy dân không phải ở đâu bọn  mình, mà thực thuộc quyền Nhà nước. Nhưng mình có thể giúp  vào đó một phần to: Nhà nước là ông thày dạy dân, thì mình cũng  có thể đương được một chân trợ giáo. Có lẽ nhiều điều mật thiết  trong dân gian, Nhà nước không xét tới mà mình tường hơn, cái  công giáo dục của mình có khi ích lợi hơn Nhà nước nhiều. Thiết  tưởng hiện nay cái nghĩa vụ nhà báo phải như vậy mới là chánh  đáng, chớ những kẻ coi báo giới như một nơi tranh ăn nói, dành lợi  danh, hay là một chốn hí trường để đem những lời nghiêng ngửa,  truyện dâm bôn mà mơn man, mà khêu gợi cái dục tình sằng của  công chúng, thì thật là làm mất giá một cái nghề rất hay, rất cần,  rất có ích lợi cho nước nhà đương buổi bây giờ.

Báo giới trong Nam Kỳ thạnh lắm, phát đạt hơn ngoài Bắc  nhiều. Hiện nay có đến mười tờ báo bằng quốc ngữ. Không kể “Nam Kỳ tân báo” (La Tribune indigène) viết bằng chữ Pháp, - gần  đây báo ấy cũng mới xuất bản thêm một tập phụ trương bằng quốc  ngữ, mỗi tuần lễ một kỳ, đều là Quốc dân diễn đàn, - còn các báo  khác thì có những tờ như sau này:Nông cổ mín đàm, chuyên chủ về nông nghiệp, thương nghiệp, mở ra đã lâu, là tờ báo có tuổi  nhất ở Nam Kỳ, hiện ông Nguyễn Chánh Sắt làm quản lý và chủ bút, ông cũng là một nhà trước thuật có tiếng ở Nam Kỳ; -Nam  trung nhựt báo, chủ nhân là quan huyện Nguyễn Văn Của chủ nhà in Union, là một bậc thân hào danh giá ở Sài Gòn, sinh ra  quan hai Nguyễn Văn Xuân hiện tùng chinh bên Đại Pháp; chủ bút là ông Nguyễn Tử Thực, có ông Nguyễn Viên Kiều giúp; -Công  luận báo, quản lý ông Nguyễn Kim Đính, chủ bút ông Lê Hoằng  Mưu; - Lục tỉnh tân văn, của ông chủ nhà in Schncider, ông phủ Gilbert Trần Chánh Chiến làm chủ bút; Nữ giới chung (Femina  annamite) là tờ báo riêng cho các bậc nữ lưu, chủ nhiệm là ông  Trần Văn Chim và ông Lê Đức; -Nam Việt tề gia nhựt báo  (Journal de la famille annamite), của một bà đầm làm báo ở Sài  Gòn mở ra để riêng cho đàn bà con gái An Nam coi; -Nhựt báo tỉnh  (Moniteur des provinces), là một tờ công báo, dịch những nghị  định công văn của Nhà nước, đăng những tin thuyên chuyển trong  quan lại; -Nam Kỳ địa phận, là một tờ báo của nhà Trung. - Lại  gần đây nghe nói mới xuất bản một tờ Thời báo, một tờ đặt tên  nôm là Đèn nhà Nam. Đèn nhà Nam, cái tên sáng sủa thay! Ước gì  đèn được sáng tỏ mà chiếu khắp chốn kẻ chợ nhà quê, nơi hang  cùng ngõ hẻm, phá được cái thành hôn mê mà soi tỏ con đường  tiến bộ. Đó là cái mục đích chung của cả báo giới ta vậy. Mấy tờ báo trên đó là xuất bản ở Sài Gòn. Còn ở Long Xuyên có Đại Việt  tập chí, thể tạp chí, mỗi tháng một kỳ, của hội Khuyến học Long  Xuyên, cái chủ nghĩa, cái tôn chỉ cũng giống như Nam Phong vậy.  Lại ở Cần Thơ, có tờ An Hà nhựt báo, ông huyện Võ Văn Thơm  làm quản lý, có một phần chữ tây, một phần quốc ngữ, chuyên về nông nghiệp thương nghiệp.

Một địa hạt Nam Kỳ mà bấy nhiêu tờ báo kể cũng đã nhiều  lắm vậy. Cứ lấy cái “lượng” (quantité) mà xét thì thật đủ khiến cho  Bắc Kỳ Trung Kỳ phải thẹn với Nam Kỳ rằng về đường ngôn luận  còn chậm kém xa quá. Nhưng cái “phẩm” (qualité) có được xứng  đáng với cái “lượng” không? Điều đó thì chưa dám chắc vậy. Xưa  nay phàm cái gì muốn cho nhiều tất giá phải kém, không thể vừa  nhiều vừa tốt cả được. Muốn giữ cho cái “phẩm” cao, tất phải hạn  cái “lượng” lại mới được. Ấy công lệ từ xưa vẫn thế: nghề làm báo,  nghề làm sách, có thể ra ngoài được cái công lệ ấy không? Thiết  tưởng rằng không. Cho nên xét ra các đồng bào ta trong Lục tỉnh  hình như có ý trọng cái “lượng” hơn cái “phẩm” vậy. Đó cũng là một điều khuyết điểm trong học giới báo giới xứ Nam Kỳ.

Ta vừa nói nghề làm sách: nghề làm sách ở Nam Kỳ cũng  thịnh lắm, có phần lại thịnh hơn nghề làm báo nhiều. Tuy vài năm  gần đây đã bớt đi nhiều, mà trong khoảng năm năm mười năm về trước, cái số những sách quốc ngữ xuất bản ở Sài Gòn không biết  bao nhiêu mà kể. Thứ nhất là những bản dịch các tiểu thuyết tàu  cũ, như Tam quốc, Thủy hử,Chinh Đông, Chinh Tây, Phản Đường, Tùy Đường,Đông Châu, Phong thần, Đại Hồng bào, Tiểu Hồng  bào, v.v... nếu sưu tập cả lại thì làm được một cái thư viện nhỏ!  Những tiểu thuyết tàu tự tám mươi đời triều ấy văn chương đã chẳng ra gì mà truyện thì toàn những truyện huyền hoặc quái  đản, của mấy bác cuồng nho bên tàu đời xưa ngồi không bịa đặt ra  để khoái trá những bọn hạ lưu vô học. Thế mà dịch nhiều như vậy,  thịnh hành như vậy, nghĩ cũng khả kinh thay! Không trách cái tư  tưởng quốc dân những chìm đắm trong sự mê hoặc không cùng, có khi sinh ra những việc xuẩn động hại đến cuộc trị an trong xã hội  cũng vì đó. Có người nói việc phá khám Sài Gòn năm nọ cũng là bởi cái di độc của các tiểu thuyết tàu mà ra, tưởng không phải là nói quá vậy. Cả ngày cả đêm những ca tụng cái tài ông Tiết Đinh  Sơn, ông Tiết Đinh Qui, hay những ông tướng kỳ khôi từ đời hồng  mang nào, trách sao trong trí không loạn lên mà muốn làm thực  những việc mình thường đọc thấy trong truyện? Càng những bọn  hạ lưu hung hãn lại càng dễ nhiễm hơn cả. Coi đó thì biết văn  chương không phải là không có quan hệ đến nhân quần; các nhà làm sách há chẳng nên cẩn thận lắm rư? Chắc ai cầm bút viết  trong bụng cũng có cái ý tốt cả, và như các nhà dịch tiểu thuyết  tàu kia là chỉ chủ làm một món mua vui cho các bạn đồng bào  trong khi tửu hậu trà dư, lại vừa làm một mối lợi riêng cho mình;  nhưng phải nghĩ đến cái ảnh hưởng những truyện vô bằng ấy vào  trong óc mộc mạc của những kẻ ít học, chưa biết suy nghĩ sâu xa,  thường lấy hư làm thật, lấy giả làm chân, nó hại biết dường nào!

Ấy là cái tệ các tiểu thuyết cũ dịch của Tàu. Đến cái tệ của  phần nhiều các tiểu thuyết mới ngày nay thì lại thậm hơn nữa, vì  cách đặt để đủ làm cho bại hoại phong tục, điên đảo luân thường  vậy. Tôi biết có bộ tiểu thuyết cực là dâm bôn mà lại rất là thịnh  hành trong bọn phụ nữ. Coi đó thì biết cái hại sâu biết dường nào!  Gia đình tan cũng vì đó, xã hội nát cũng vì đó, cái tương lai nước  nhà nguy hiểm cũng vì đó. Các nhà làm sách có nghĩ tới không?  Hay chỉ chủ bán cho chạy hàng, thâu được nhiều bạc, còn những lẽ cương thường luân lý mặc quách cho ai? Ôi! Cổ nhân đã dạy: làm  người sĩ phu trong nước cái trách là phải phù cho thế đạo, giúp lấy  cương thường. Nếu những nhà làm sách lại cố ý làm nghịch thế đạo, đạp đổ cương thường, thì một nước như vậy sống làm sao  được? Thiết tưởng các bậc trí thức trong Lục châu ai trông thấy văn vận suy đồi như vậy, phong túc bại hoại như vậy cũng phải lo,  mà tìm cách duy trì cho kịp. Nên mau mau, kẻo cái tệ đã sâu lắm  rồi.

Song có một điều nên chú ý, là báo nhiều như thế, sách nhiều  như thế, mà bán được chạy, có nhiều người mua, thời cũng là một  cái chứng rằng dân Nam Kỳ có tính ham đọc sách và có tiền thừa  mua sách. Như vậy mà nếu có những báo thiệt tốt, sách thiệt hay  cho mà đọc thì ích lợi biết bao nhiêu. Chẳng bù với dân Bắc Kỳ Trung Kỳ, trăm người chưa được một người đọc thông chữ quốc  ngữ, mười người đọc thông chữ quốc ngữ chưa được một người  thích xem văn quốc ngữ, lại thêm dân nghèo, bỏ ra mấy đồng bạc  mua báo một năm đã lấy làm một món tiền nặng; đến những bậc  sĩ phu thì phần nhiều những quẩn quanh trong vòng danh lợi mà sao nhãng những việc văn chương; nghề làm báo làm sách thật  không được đủ điều tiện lợi như Nam Kỳ. Cho nên khá tiếc thay  cho những bậc trí thức trong Lục châu không biết khéo lợi dụng  cái cơ hội tốt ấy mà đặt để ra những sách vở hay có ích cho phong  hóa, nỡ để cho cái lòng ham đọc sách, ham mua sách của người  dân ấy ngập vào những sách vở hoặc vô vị, hoặc tầm bậy không ra  gì, thật uổng quá.

Nay nhân nói về nghề làm báo làm sách, nên xét qua cái tình  trạng văn quốc ngữ ở Nam Kỳ thế nào. Chữ quốc ngữ thì đã thông  dụng lắm rồi, đàn bà con trẻ thường biết đọc biết viết cả, nhưng  đến văn quốc ngữ thì xem ra chưa được phát đạt lắm. Trừ mấy  nhà văn sĩ có tiếng, còn thì cái trình độ quốc văn đại để hãy còn  kém. Sự kém đó là bởi nhiều lẽ. Thứ nhất là Nam Kỳ bỏ nho học  đã lâu, bao nhiêu cái văn điển cũ đã hầu mất hết không còn. Mà văn quốc ngữ ngày nay muốn cho thành văn chương, muốn cho  phát đạt được, phi nương tựa, phi tổ thuật cái văn điển cũ ngày  xưa thì không thể nào được. Lẽ đó tưởng tầm thường ai cũng hiểu,  mà thật nhiều người chưa hiểu rõ, là vì nhiều người đặt sai cái vấn  đề. Có người nói rằng nếu quả cần phải biết chữ nho mới làm được  văn quốc ngữ thì muốn làm văn quốc ngữ tất phải học lâu năm  chữ nho, tất phải trở lại những lối giáo dục hủ lậu ngày xưa, tất  phải ra công rùi mài kinh sử, nghiền ngẫm một cái “tử văn”  (lanque morte) vô dụng cho đời nay, như vậy thì chẳng uổng công  lắm rư? Nay ta được nhờ nhà nước Đại Pháp dạy dỗ cho ta, mở mang cho ta con đường văn minh học thuật mới, đã mừng thay  được thoát khỏi cái áp chế của chữ tàu trong mấy nghìn năm, có đâu ta lại mê cuồng đến nỗi lại đâm đầu vào cái chốn lao lung ấy  lần nữa! Những người nào nói thế là hiểu sai. Nước Nam ta học  chữ nho đã mấy nghìn năm, bất luận rằng cái cách học đời xưa  hay hay là dở, phải hay là trái, có một điều hiển nhiên, ai cũng  phải công nhận, là chữ nho đã tiêm nhiễm vào trong tinh thần ta  sâu quá rồi, cái vết nó đã in vào trong óc ta không thể nhất đán  đem mà gột rửa đi được, đến nỗi tiếng nói của ta ngoài những  tiếng nhật dụng tầm thường phải dùng quá nửa chữ nho mới  thành văn được, như vậy mà nếu bỏ hẳn chữ nho không học thì  sao cho thuộc hết tiếng nước mình được? Đã không thuộc hết tiếng  nước mình thì sao đặt cho thành văn chương được? Nhưng nói  rằng cần phải biết chữ nho, không phải rằng phải học chữ nho như  lối ngày xưa đâu; không phải rằng phải học cho làm được thơ, được  phú, được văn sách kinh nghĩa như xưa đâu; không phải rằng lại  phải trở về cái lối thi cử phiền toái, khảo cứu tỉ mỉ như xưa đâu.  Xưa học chữ nho là vị chữ nho mà học chữ nho, nay học chữ nho là vị quốc văn mà học chữ nho. Cái mục đích đã khác, cái phương  pháp cũng không giống. Xưa phải rùi mài kinh sử, từng trải Thiên  kinh vạn quyển mới thi đậu được một chân đại khoa, mới làm nổi  được một nhà văn sĩ có tiếng. Nay chỉ học cho đủ sự cần dùng về quốc văn mà thôi, chỉ học cho đủ hiểu hết một quyển Kim Vân  Kiều hay một quyển Lục Vân Tiên mà thôi, thì có khó gì? Trước  trăm phần nay không được một phần. Nhưng cái một phần ấy rất  cần, không biết thời không thể nào cầm ngọn bút mà viết thành  bài văn quốc ngữ được, dẫu tài giỏi khôn khéo đến đâu cũng không  làm thế nào ra cái “hơi” văn An Nam được, vì cái “hơi” ấy là tự mấy mươi đời truyền lại cho ta, không thể tự mình mà đặt lấy ra  được. Cho nên những người nào đã quyết không cho văn quốc ngữ là cần, đành bỏ vào cái địa vị yếu hèn, chỉ đợi ngày tiêu diệt cho  xong, thì không nói làm chi, còn ai đã có bụng thương đến tiếng  nước nhà, muốn gây dựng cho thành một nền quốc văn có thể sống  được ở đời này, thì phải noi theo lấy cái văn điển cũ của ông cha,  mà cái văn điển cũ của ông cha ấy ngoài chữ nho không kiếm đâu  cho thấy được. Nay ở Nam Kỳ cái văn điển cũ đã xa lạc đi mất rồi.  Tuy cũng có mấy nhà có chí muốn ra sức mà vãn hồi lại, nhưng cái  phần phản đối với chữ nho, cái phần khảng khái một cách sai lầm, muốn thị hùng ra tay tước hết những cái văn vẻ tốt đẹp thanh tao  của mấy mươi đời nho học đã di truyền lại cho tiếng An Nam  mình, để bày trần cái khí vũ bỉ li nôm na ra, cái phần ấy thì nhiều  lắm. Những người có chí kia thể nào mà chống lại cho nổi, thể nào  mà cứu vớt lại cho toàn được. Đó là một cái nhược điểm cho hậu  vận quốc văn ở Nam Kỳ vậy. Còn một cái nhược điểm to hơn nữa,  là hiện nay phàm những bậc thượng lưu, những người có học thức,  thông giỏi chữ Pháp, phần nhiều khinh rẻ tiếng An Nam, không  thèm nhìn đến, cho là một thứ chữ đê tiện để cho hạng tầm thường  dùng mà thôi. Như vậy thì quốc văn mong sao cho phát đạt được?  Những người mong cho quốc văn có thể phát đạt được là thứ nhất  trông cậy ở các nhà tân học ngày nay ra công giúp sức vào, đem cái  tinh thần của văn minh học thuật Thái Tây mà đúc vào cái khuôn  văn cũ của nước nhà, khiến cho thành được một nền văn thiết  dụng với đời, không phải chịu mang cái tiếng hư văn như xưa nữa.  Nếu những nhà ấy lại khảng tảng, không để bụng sốt sắng vào,  không những thế, lại khinh bỉ nữa, thì quốc văn còn trông vào đâu  mà sinh tồn, mà phát đạt được? Nếu cái nghề quốc văn chỉ riêng  để cho những ông lão hủ ngồi mà ngâm nga đẽo gọt với nhau thì  cái văn chương ấy sao cho thích hiệp với đời? Mà rồi những tay lão  hủ kia một ngày một mất lần đi, một hết dần đi, sau này ai kế nghiệp, ai giữ được cho cái văn An Nam kia còn chút thoi thóp ở đời? Nguy vậy thay! Hai cái nhược điểm trên kia mà không phá được thì thật khá buồn thay cho hậu vận quốc văn mình, biết bao  giờ cho ra khỏi được cái địa vị kém hèn.

Cái tình trạng văn quốc ngữ ấy không những ở Nam Kỳ, mà ở Bắc Kỳ Trung Kỳ cũng có cái hiểm tượng như vậy. Duy có ở Nam  kỳ là cái hiểm tượng ấy trình bày ra một cách rõ ràng hơn mà thôi.  Cho nên mỗi lần nghĩ đến cái vấn đề này mà như nóng lòng sốt  ruột, không biết giải quyết ra làm sao!...

 

hết 

Phạm Quỳnh
Số lần đọc: 2403
Ngày đăng: 10.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vĩnh biệt giáo sư Trần Quốc Vượng - Hồ Tĩnh Tâm
Vang dội Cái Ngang - Lê Tương Ứng
Dấu ấn Điện Biên Phủ : Tại sao Điện Biên Phủ ? - Lê Phú Khải
TRẬN ĐÁNH chỉ được THẮNG không được BẠI - Lê Phú Khải
Di tích lịch sử Côn Đảo - - Nguyễn Đình Thống
Tiềm năng biển và đảo - Nguyễn Trọng Tín
THỊ XÃ TRÀ VINH, XƯA & NAY - Trần Dũng
Xem “Những hình ảnh chưa biết về chiến tranh Việt Nam” - Minh Trường
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam-phần 2 - Khuyết danh
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam-phần 3 - Khuyết danh
Cùng một tác giả