Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
479
115.988.811
 
Hơi thở của quỷ truyện
Võ Anh Cương

 

 

Quê Sinh ở ấp Đa Lạc thuộc Đà Lạt thành nhưng nội tổ đã dẫn thân phụ Sinh bỏ xứ đi từ lâu lắm. Lúc lâm chung, nội tổ trối lại muốn thân phụ Sinh đem chút xương tàn về táng ở quê. Thân phụ  Sinh hứa với nội tổ sẽ cố gắng làm theo lời trăn trối nhưng do thời cuộc loạn lạc, nạn binh lửa tràn lan thânphụ Sinh không thực hiện được ước nguyện của nội tổ. Xương cốt của nội tổ phụ thân Sinh đành gởi tạm ở nghĩa trang Gò Dầu thuộc Tây Ninh thành. Lúc phụ thân  Sinh chết, ông trối lại ý nguyện được chôn ở quê nhà, cạnh mộ nội tổ Sinh. Khi Sinh đủ lớn, chiến tranh đã lùi xa nên Sinh không biết tai họa binh lửa là như thế nào. Sinh đi bộ đội rồi xuất quân, Sinh xin mẹ - giờ là một lão bà nhưng vẫn còn xuân sắc, cho Sinh về ấp Đa Lạc để tỏ tường chốn quê nhà đặng đến ngày tốt  đem hài cốt của nội tổ và thân phụ về  quê an táng theo như di nguyện. Thân mẫu đồng ý để Sinh đi, trước lúc lên đường bà sực nhớ ở trên Đà Lạt thành bà có người bà con xa nay làm nghề kinh doanh khách sạn lấy tên là Hoàng Gia. Trần tiên sinh là con kế út bà dì họ xa của mẫu thân Sinh, Sinh phải gọi bằng cửu cửu.

Khi Sinh đến Đà Lạt thành, trời sụt sùi mưa dầm rả rich suốt ngày. Sinh vừa đói vừa rét nhờ gã xe ngựa chở đến khách điếm. Gã xà ích hỏi:

-Ý cậu muốn đến nhà trọ phải không?

Sinh nghiêm nét mặt nói hãy gọi ta là công tử. Gã xà ích cười cười:

-Công tử chắc lần đầu xa nhà lên xứ lạnh này để tiểu nhân chở công tử đến khách sạn tiểu nhân quen, gì cũng có!

Gã xe ngựa nháy mắt với Sinh, Sinh gạt phắt bảo gã chở đến khách điếm Hoàng Gia nằm trên đại lộ XXX nhưng Sinh dặn gã ngày mai lại đến chở Sinh đi công chuyện. Không ăn được tiền dẫn mối nhưng lại có công chuyện làm ăn, gã xà ích vui vẻ xách hành lý cho Sinh đến tận chưởng quầy. Gã nhận  bạc từ tay Sinh miệng cám ơn Sinh rối rít. Sau khi thuê  phòng, Sinh hỏi thăm cô nương đứng trong quầy đề hai chữ “tiếp tân”:

-Cô nương, cho tiểu sinh hỏi thăm chẳng hay khách điếm ta có Trần tiên sinh, húy là Ngọc Trác, tự là Thạch Ngọc, nôm na gọi là Ngọc trong đá?

Thiếu nữ trố mắt nhìn Sinh, nàng nói:

-Anh muốn hỏi….chưa hết câu Sinh đã cắt ngang:

-Tiểu sinh là một văn nhân nàng gọi cho đúng phép!

Thiếu nữ che miệng cười bảo rằng đó là chủ nhân của khách sạn này nhưng chủ nhân có việc ra cố đô Huế nửa tháng nữa mới về.Trả lời xong thiếu nữ nhìn chăm chăm Sinh ra chiều khó hiểu. Sinh hỏi thiếu nữ sao lại nhìn mình như thế, thiếu nữ càng cười lớn hơn rồi nói:

-Tiện thiếp nhìn công tử cũng không ra vẻ gì là người hủ lậu sao lại gọi khách sạn của người ta là khách điếm? Đây là khách sạn tiện nghi gì cũng có công tử ơi! Rồi nàng cười ngất đến đỏ mặt tía tai.

Sinh bối rối đáp:

-Thì khách điếm  hay khách sạn gì cũng là nơi lưu lãng khách ghé qua nghỉ trọ vài đêm, tiểu sinh nói có đúng không, cô nương?

Sinh được bố trí ở lầu 2, phòng Sinh ở nhìn ra một cái hồ lớn nước trong xanh, xe cộ chạy tấp nập, coi bộ nơi này là nơi có nhiều du khách. Tối đó cô nương tiếp tân chỉ Sinh qua tửu lâu bên kia đường dùng bữa tối. Tiểu nhị dọn cho Sinh một mâm riêng có đủ sơn hào hải vị, đặc biệt nhiều loại rau Sinh không biết tên. Sinh uống hết một vò bồ đào mỹ tửu, quả là một loại rượu ngon, màu đỏ như huyết, vị chát, hương ẩn dưới đáy chung nồng đượm, rất thanh. Khi đã ngà ngà, Sinh hỏi lão bản tửu lâu về ấp Đa Lạc, lão bản cười:

-Thì công tử đang ở Đà Lạt đây mà, ở đây có nhiều ấp như Nguyễn Siêu, Hà Đông, Bạch Đằng v.v…nhiều lắm!

Sinh cãi, nói ấp Đa Lạc: Đa là nhiều còn Lạc trong lạc thú! Nghe vậy lão bản khoát tay bảo không biết… không biết….Sinh về khách điếm, gặp cô nương tiếp tân, Sinh lại hỏi về cố quận của mình. Thiếu nữ cười duyên đáp:

-Em…ý quên tiện thiếp nỏ biết mô, thiếp mới vào trong này có mười năm thôi! Nói xong cười nắc nẻ!

Sinh thất vọng, mặt buồn thiu. Đêm đó nằm mơ thấy nội tổ về báo mộng bảo Sinh ngày mai đi tới chỗ này… chỗ này… gặp một lão trượnghọ Trương hỏi thăm thì  biết. Tỉnh dậy Sinh thấy mồ hôi ra như tắm. Sáng hôm sau Sinh điqua tửu lâu điểm tâm, vừa về đến gã xà ích đã đánh xe tới. Sinh mừng rỡ bảo gã đánh xe đến chỗ này…chỗ này…như đêm qua nội tổ về mách bảo. Rất may cho Sinh gã xà ích là một tên thổ địa nên khi nghe Sinh tả gã biết ngay. Gã mời Sinh lên xe, cô nương tiếp tân và mấy cô hầu phòng bu lại chỉ chỏ Sinh leo lên chiếc xe ngựa cười khúc khích. Đó là một chiếc xe ngựa không có mui, ghế đặt hai bên bằng gỗ, bánh xe vừa to vừa thô…quả nhiên là một chiếc xe chuyên chở hàng thuê. Sinh không biết mấy ả cười chuyện gì, Sinh cũng cười đáp lại rồi giục gã xà ích lên đường. Xe chậm rãi chạy xuống hết con dốc trước khách điếm  là đến nơi. Gã xà ích bảo Sinh đi bộ vào một con hẻm lát bằng những tảng đá xanh, gã chờ ngoài này vì hẻm nhỏ xe ngựa không vào được. Sinh thả bộ vào hẻm, đầu hẻm một lão bà thấy Sinh bèn mời mua bánh nậm. Sinh khoát tay rồi đi tiếp. Sinh đi ngang qua một cửa tiệm, thấy nhiều vị phu nhân ngồi trên một chiếc ghế bọc da, trên đầu có một cái lồng ấp.Sinh ngạc nhiên hết sức không biết mấy vị phu nhân vì sao mà ai cũng có lồng ấp trên đầu nên ghé mắt vào xem. Một thiếu nữ mặc áo hồng thấy Sinh bèn cười cười:

-Eng ơi vô đây em gội trốt cho nì!

Sinh không hiểu ả muốn nói gì nên đứng ngẩn ngơ trước tiệm. Thấy vậy thiếu nữ càng làm tới, ả nắm tay Sinh kéo vào  nhà. Sinh sợ quá giật tay rồi bỏ chạy. Ngoảnh đầu lại không thấy ả rượt theo nên Sinh mới hết sợ, vừa đi vừa thở.Ngang qua một ngôi nhà, Sinh thấy cảnh vật quen quen, hóa ra đêm qua nội tổ dắt hồn Sinh tới chỗ này. Sinh nhìn vào bên trong, một lão trượng mặc một chiếc áo bào màu xanh dương che từ vai xuống tới gót chân đang ung dung đọc gì đó trong một tờ giấy khổ to. Sinh nhìn lão trượng biết mình tìm đúng người rồi. Thấy Sinh tần ngần trước ngõ, lão trượng đặt tờ giấy xuống bàn hỏi:

-Cậu hỏi ai?

Sinh chắp tay chào lão trượng:

-Tiểu sinh vốn từphương xa đến nhưng cố quận ở ấp Đa Lạc, thuộc thành này. Tiểu sinh thực hiện lời dặn của tiên phụ lên đây tìm về cố quận.Đêm qua nội tổ hiện về trong giấc mộng chỉ tiểu sinh đến địa điểm này tìm lão trượng họ Trương để hỏi thăm quê quán, chẳng hay lão trượng có thể chỉ giùm tiểu sinh người họ Trương được không?

Lão trượng trố mắt nhìn Sinh như người từ cõi khác, lão cười nhe hàm răng rụng gần hết chỉ còn 1 cái:

-Lão họ Trương đây, công tử cần hỏi điều gì?

Sinh mừng rỡ đem thắc mắc trong lòng ra hỏi nhờ lão họ Trương chỉ bảo.Thì ra ấp Đa Lạc bị xóa sổ từ lâu, hồi nội tổ Sinh còn sống nơi ấy người dân chăn gà, thả dê, làm vườn…rồi đem sản vật ra chợ bán. Địa điểm đó nay là cuối đại lộ Phan Đình Phùng, nhà cửa đông đúc xây cất trên những thửa vườn ngày xưa nay không còn diện mạo nào của ngày trước cả!Khi nghe xong chuyện, Sinh cảm tạ lão họ Trương rồi về.Lòng buồn rười rượi, Sinh bảo gã xà ích chở mình đến cuối đại lộ Phan tướng quân. Quả lão trượng họ Trương nói không sai, nhà cửa ở đó lô xô cái thấp cái cao, nhà này liền với nhà kia, cái làm cao lâu, cái mở kỷ viện, cái làm nhà hàng, hiệu buôn…đủ thứ cả. Gã xà ích dụ:

-Công tử có muốn vào đây chơi một chút không, các cô nương ở trong đó đẹp mê ly lại chiều khách nữa?

Gã giơ tay chỉ vào một kỷ viện ven đường, mới sáng mà đã có khách ra vào tấp nập, Sinh từ chối bảo gã chở về khách điếm.Sinh đưa cho gã xà ích tờ ngân phiếu, bảo ngày mai lại đến, chiều nay cho gã nghỉ. Buồn tình Sinh vào tửu lâu trước cửa khách điếm gọi thức nhắm:

-Cho ta một cân thịt bò xào cải làn, một vò bồ đào mỹ tửu, gà quay 1 con, cá chép chưng tương Dương Châu 1 con, một tô cơm trắng, một dĩa rau xào, mau lên!

Gã tiểu nhị trố mắt nhìn Sinh ấp úng:

-Cậu chờ chút …chờ chút!

Sinh nghiêm nét mặt dặn:

-Gọi ta là công tử, nhớ chưa!

Gã tiểu nhị cười cười:

-Dạ, công tử…nhớ rồi…nhớ rồi!

Rượu ngà ngà, Sinh tản bộ quanh hồ cho tiêu cơm.Đi ngang một bến du thuyền, Sinh thấy một hàng hoa loa kèn đang nở rộ. Thời quân ngũ, Sinh vốn là một lính thổi kèn nên thích loại hoa này lắm. Sinh muốn hái vài đóa hoa nhưng e ngại nhìn mấy tên hộ pháp to lớn, đội mũ da vễnh lên trời, chân dận ủng da, râu ria xồm xoàm …đi qua đi lại cạnh mấy con ngựa chiến màu đỏ như lửa giống y như con xích thố của Quan Công ngày xưa. (Phần ngoài truyện: đó là mấy tay cho thuê ngựa để chụp hình). Lựa lúc mấy tên hộ pháp tụm lại chơi đánh bài, chắc là tài xỉu, Sinh vội hái một đóa hoa rồi nhanh chân về khách điếm.Sinh để đóa hoa cạnh giường rồi ngủ hồi nào không rõ.

Tỉnh dậy, trong phòng tối om, ánh sáng lờ mờ từ ngoài chiếu vào phòng đủ để Sinh thấy một…cô nương đang nằm cạnh Sinh ngủ ngon lành. Sinh hoảng hốt muốn kêu thành tiếng, vội tụt xuống giường.Thiếu nữ mở mắt ra cười với Sinh.Sinh chết điếng vì cô nương này đẹp quá. Nàng hỏi:

-Sao chàng không ngủ nữa, tỉnh rượu rồi chăng?

Sinh vẫn còn sợ không vội trả lời, thấy vậy nàng ngồi dậy, nhẹ nhàng nàng bước đến bên Sinh:

-Chàng đừng sợ, thiếp chỉ vì mến mộ chàng mà đến với chàng thôi.

Sinh ngắm nàng: mắt bồ câu lúng liếng, miệng chúm chím  với hàm răng đều tăm tắp, mũi dọc dừa. Nàng không ốm không mập, da trắng,eo thon, mông nở chân dài…nói chung nàng là một mỹ nhân. Nàng đứng sát cạnh Sinh, hơi thở của nàng như lan như huệ. Sinh thấy tâm hồn chao đảo, hỏi nàng:

-Nàng từ đâu đến, sao lại vào phòng ta làm gì?

Nàng đáp:

-Thiếp vốn họ Hoa nhà cũng ở gần đây. Vì thiếp hâm mộ chàng là một văn nhân nên đến nơi này để cùng chàng đàm đạo văn thơ.

Sinh cũng có chút chữ nghĩa, thường sính làm thơ Đường luật: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt…và thường ngâm vịnh một mình. Nay thấy một người con gái đẹp muốn đàm đạo với mình, Sinh hứng thú vô cùng. Bèn nói:

            -Thế thì hay quá, mời cô nương an tọa!

            Nàng nũng nịu:

            -Chàng ơi, đàm đạo thơ văn phải có chút tửu mới gây hứng chứ?

            Sinh cho là phải, xuống nhà qua bên kia đường mua vò bồ đào mỹ tửu, 2 cái chung và không quên mấy món điểm tâm tinh khiết. Nàng thích thú khi Sinh khệ nệ mang các thứ về. Đêm đó cả hai đàm đạo văn thơ đến nửa đêm, tâm đầu ý hợp vô cùng. Lúc ăn, nàng cầm lên ngửi rồi đặt xuống bàn. Uống rượu cũng vậy, nàng chỉ hít vài hơi vậy mà thứ nước trong chung không còn mùi rượu nữa. Sinh mải mê đọc thơ của mình không chú ý đến điểm này. Canh ba, Sinh buồn ngủ, thấy vậy nàng nói:

            -Chàng ơi, chúng ta ngủ thôi, chàng ngáp dài ngáp vắn rồi kìa!

            Nói xong bá cổ Sinh, Sinh bế nàng lên giường. Khi cởi quần áo của nàng, Sinh thấy da nàng trơn tuột, tuy thơm tho nhưng mà…lạnh quá! Thấy Sinh đang hứng tình bỗng ngưng tay lại, nàng cười:

            -Chàng đừng sợ, chút nữa thôi em sẽ ấm liền mà!

            Nói xong nàng ôm chặt Sinh, môi nàng tìm môi Sinh áp vào. Sinh rùng mình, một làn hàn khí từ miệng nàng xuyên qua miệng Sinh thấu tận lục phủ ngũ tạng. Nhưng thân thể nàng hấp dẫn quá, Sinh quên ngay chuyện đó cùng nàng truy hoan. Đêm đó Sinh và nàng giao hoan đến bảy lần!

            Sáng hôm sau Sinh tỉnh dậy không thấy nàng đâu cả.Sinh cảm thấy trong người mệt mõi rả rời không muốn dậy.Bỗng nghe tiếng gõ cửa, gã xà ích hôm qua thò đầu vào. Sinh mừng quá, vói tay lấy tờ ngân phiếu đưa gã. Gã xà ích thấy bạc mắt sáng lên:

            -Công tử cần gì?

            Sinh bảo mình mệt hôm nay không đi đâu nhờ gã mua hộ thức ăn mang vào phòng. Gã ngắm Sinh một hồi, vạch mí mắt Sinh xem rồi nói:

            -Vì sao công tử mệt tiểu nhân biết rồi, chắc hồi hôm công tử truy hoan nhiều quá, sinh khí bị tổn thương đó thôi. Chuyện này dễ lắm công tử chờ tiểu nhân một chút nghe.

            Gã xà ích đi một hồi, ngoài thức ăn nóng sốt, gã còn bưng vào một cái cốc to chứa thứ chất lỏng vàng vàng, bảo Sinh uống ngay cho lại sức (phần ngoài truyện: đó là bia đánh với trứng gà). Gã nói tiếp:

            -Công tử ăn xong nằm ngủ, tiểu nhân đi mua một thứ nấm của người Dao đỏ tên là Ngọc Cẩu, bảo đảm không…cứng không lấy tiền, chiều công tử uống thứ nước này đêm nay mặc sức truy hoan!

            Quả nhiên chiều gã đến với một cái lọ đựng một thứ chất lỏng hối Sinh uống.Lát sau Sinh ngủ vùi, gã xà ích vui vẻ ra về.Sinh tỉnh dậy thấy người khỏe khoắn, sinh lực dồi dào. Trời đã tối, Sinhăn vài cái bánh còn lại hồi trưa, tâm trí thì nhớ đến tối hôm qua. Thình lình nàng vạch màn đi ra đến bên Sinh, bàn tay lạnh của nàng bịt mắt Sinh, miệng nũng nịu:

            -Chàng chờ em có lâu không? (Phần ngoài truyện: chỗ này thêm vào cho hợp lý, khách sạn Hoàng Gia không có treo màn).

            Sinh mừng rỡ ôm chầm lấy nàng mặc cho làn hơi lạnh của nàng, môi Sinh tìm môi nàng, cả hai hôn nhau đắm đuối. Đêm đó Sinh và nàng đàm đạo thơ văn, chủ yếu là mấy bài thơ chàng làm hồi trong quân ngũ, rồi cả hai vầy cuộc truy hoan đến phượng đảo loan điên. Sáng hôm sau cũng vậy, nàng về lúc nào Sinh không biết nhưng người Sinh thấy thấm mệt như không còn sinh lực. Gã xà ích lại đến, gã mang thứ nước nấu từ loại nấm Ngọc Cẩu cho Sinh uống và thức ăn cho Sinh. Trước khi ra về gã không quên nhét vào bọc nắm ngân phiếu Sinh đưa.

            Trong vòng nửa tháng, chuyện đó lập đi lập lại, Sinh không bước ra khỏi phòng nửa bước. Người Sinh gầy rạc, mặt bủng da chì như con nghiện, còn đâu vẻ phong lưu tiêu sái của một công tử hồi nửa tháng trước? Gã xà ích cũng ngạc nhiên và thương hại Sinh cho dù gã là một người ham tiền. Gã khuyên Sinh:

            -Truy hoan cũng phải có chừng mực thôi công tử, công tử nên bớt lại chuyện phòng trung!

            Sinh than:

            -Ta cũng mệt mõi lắm nhưng nàng không chịu giờ biết làm sao? Nói xong bèn kể đầu đuôi cho gã xà ích nghe

            Gã xà ích thương hại nhìn Sinh, bỗng nhiên gã nhớ đến một vị sư phụ trụ trì một chùa gần nhà có biệt tài trừ ma bắt quỷ bởi gã hồ nghi nàng là nữ quỷ.Gã bảo với Sinh để gã về hỏi thăm sư phụ cách yếm trừ xem sao.Chiều hôm đó gã trở lại bảo Sinh dán miếng giấy màu vàng bên trong giường trước khi nàng tới. Sinh làm theo, đang dìu Sinh lên giường (mấy hôm sau nàng thường chủ động, còn Sinh không làm như hôm đầu nữa), mới ngả lưng xuống giường, nàng hốt hoảng ngồi bật dậy:

            -Ôi chàng ơi trên giường chàng để trủy thủ sao, em bị đâm đau điếng!

            Sinh chối, nàng không tin tìm kiếm khắp giường.Khi cúi xuống gầm giương nàng phát hiện ra lá bùa của lão sư. Nàng sợ hãi tránh xa chiếc giường vừa khóc vừa nói:

            -Thôi rồi công trình của thiếp bấy lâu nay coi như công cốc, ai bày chàng dán lá bùa hại thiếp như vậy?

            Nàng khóc, nước mắt vắn nước mắt dài làm tâm Sinh mềm nhủn.Sinh thú thật chuyện gã xà ích xin bùa của vị sư phụ cho nàng nghe.Nghe xong nàng ngồi thừ suy nghĩ lung lắm. Cuối cùng nàng nói:

            -Thú thật với chàng, thiếp vốn là một cô gái chết oan thây vùi nơi cây hoa mà chàng hái mang về. Linh hồn thiếp phiêu phưởng quanh con đường ven hồ, gặp người thì nhát. Thiếp còn luyến tiếc cõi trần gian này lắm.Kịp khi người ta trồng cây hoa loa kèn lên chỗ thân xác thiếp bị vùi, cây hoa đó nhờ vậy mà mau tốt lắm.Hoa đó có tên là Hơi thở của quỷ, nguồn gốc từ bên Trung Mỹ đem về đây trồng.Người ta dùng hoa này chế ra thứ mùi hương chế trụ thần kinh người ngửi, cướp của mà nạn nhân không một chút phản ứng. Bọn đạo tặc rất thích nhưng chỉ những kẻ cao tay mới chế ra mùi hương dẫn dụ được thôi. Vậy nên loài hoa này có quỷ khí, khi cây ra hoa thiếp ngụ luôn ở đó đợi thời cơ. Chàng hái hoa, thiếp theo chàng về đây để dẫn dụ chàng, thiếp dùng dương khí của chàng để trở lại trần gian sống tiếp cuộc sống dang dở. Trong vòng 49 ngày thiếp sẽ hút hết tinh lực của chàng và phục sinh.Còn chàng chỉ còn cái xác thoi thóp thở.Thiếp xin lỗi chàng…bởi vì thiếp quá yêu cuộc sống mà hại chàng.Ngày đầu thiếp lạnh lắm nhưng dần dần hơi lạnh càng ngày càng bớt, dương khí của chàng sẽ hoàn nguyên thân xác thiếp.Nhưng quỷ tính không bằng trời tính, sư phụ đã làm hỏng chuyện của thiếp rồi.Thiếp đã nghĩ kỹ, làm hại người để mình được lợi không Trời Phật nào chứng cho thành chánh quả. Thiếp sẽ nương bóng cây bồ đề nghe kinh kệ mà siêu thoát!

            Ngừng một chút nữ quỷ nói tiếp:

            -Trước lúc chia tay thiếp xin có mấy lời gan ruột nói với chàng. Chàng suốt ngày vùi đầu vào những bài thơ Đường luật, bắt mọi người gọi chàng và chàng xưng hô với người ta theo kiểu cổ xưa khiến mọi người nực cười….

            Nàng đang định nói tiếp Sinh cắt ngang:

            -Nàng đừng nói nữa ta từ lớp ba đã học chữ của thánh hiền (phần ngoài truyện: là chữ Hán hay tiếng Trung quốc), ta đọc những áng văn của người xưa để lại như Kim Dung tiên sinh, Huỳnh Dị tiên Sinh, Cổ Long tiên sinh…nhân vật nào cũng đều xưng hô như ta hết, như vậy có gì sai?

            Nữ quỷ nhìn Sinh thương hại:

            -Thế mới biết tư tưởng nô lệ đã ăn sâu vào đầu óc anh rồi. Anh đừng có ngắt lời, em nói lần này nữa thôi rồi đường ai nấy đi, anh có nghe em không thì tùy!

            Ngưng một chút như để lấy hơi con quỷ mới nói tiếp:

            -Em không biết nhiều nhưng em thấy hệ tư tưởng anh được giáo dục nó làm người ta lúc nào cũng cúi thấp đầu mà biểu hiện là tục quỳ lạy và tuyệt đối làm theo người trên cho dù người trên sai trái cũng cúi đầu chấp nhận. Cái gì mà “quân xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” mà anh được nhồi nhét vào đầu. Ông vua cũng là con người như anh sao lại có thể tùy ý biểu anh chết anh phải chết? Còn cha anh cũng vậy, đồng ý cha anh tạo ra anh nhưng cuộc đời là của anh chứ có phải của ông ấy đâu mà có quyền bắt anh chết anh phải chết?Chữ trung và chữ hiếu được đưa ra để trói buột con người không cho phản kháng dù bề trên có sai trái đến đâu chăng nữa. Em chỉ lấy chuyện này ra làm ví dụ còn nhiều những điều khác nữa, nhưng chung quy đó là tư tưởng bắt người dân làm nô lệ cho bọn phong kiến mà đến giờ anh cũng tin theo kể cũng lạ. Họ muốn anh yếu nhược để làm tôi mọi cho họ đó biết không?

            Thấy Sinh có vẻ khó nghĩ, cô gái quỷ hỏi:

            -Anh thấy lời em nói ra sao?

            Sinh trả lời:

            -Nhưng đã lỡ rồi thì phải làm sao?

            -Không gì là muộn cả, ngay từ bây giờ anh phải bắt đầu bỏ cách xưng hô như cô nương, tiểu sinh, khách điếm, tiểu nhị…đi. Tiếng Việt ta có đủ để cho anh dùng mà. Thôi em đi đây, anh ở lại mạnh khỏe!

            Sinh cảm động với những lời gan ruột của cô gái quỷ, anh tiến tới ôm nàng.Cô gái để anh ôm. Bỗng nhiên Sinh thấy cô gái rùng mình rồi biến mất, trên tay Sinh là đóa hoa loa kèn màu hồng phấn!

            Sinh đang ngẩn ngơ thì có tiếng gõ cửa. Sinh mở cửa, một người đàn ông đứng tuổi bước vào phòng, ông vồn vã:

            -Cháu là Vương Sinh con của chị Hiền à, cậu mới từ Huế vô mấy đứa nói cháu đang ở đây.

            Đó là cậu Trác của Sinh.Đêm đó Sinh nói chuyện với cậu Trác tới khuya.Sinh kể tất cả chuyện xảy ra với anh nửa tháng nay cho cậu Trác nghe. Nghe xong cậu tắc lưỡi:

            -Cái con quỷ đó là một đứa có tấm lòng còn hơn cả nhiều người đáng để cho người ta khâm phục. Ngày mai cậu sẽ báo cho cơ quan chức năng xin khai quật chỗ cô gái chết để đưa vô nghĩa trang, cầu cho cô mau siêu thoát!

            Sinh cảm ơn cậu, anh hỏi cậu Trác vì sao lại đặt tên khách sạn là Hoàng Gia, điều mà anh thắc mắc khi đến trọ tại khách sạn này. Cậu cười khoái trá:

            -Hoàng Gia nói lái như người Huế mình là Già Hoang, già mà còn hoang đó cháu à. Nói chơi thôi chứ cậu tự răn chính mình: hoang chi văn thơ nhạc họa thì hoang còn sống phải đàng hoàng không thấy gái là sáng mắt ra đâu!

            Cả hai cậu cháu cười ha hả vang vọng cả phòng làm chiếc màn của sổ rung rinh…

            Sinh chợt tỉnh giấc, anh định thần một hồi mới biết mình đang ở nhà tại huyện Gò Dầu tỉnh  Tây Ninh chứ không phải ở trong khách sạn Hoàng Gia trên Đà Lạt. Hóa ra đó chỉ là một giấc mơ. Sinh mỉm cười, nhất định anh phải lên Đà Lạt du lịch một chuyến và phải tìm đến khách sạn Hoàng Gia, không biết khách sạn đó có thật hay không?

 

27/9/2016

            

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 1746
Ngày đăng: 01.06.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện ngủ - Đặng Xuân Xuyến
Quyền được rên - Lê Mai
Khoảng lặng - Bùi Thanh Xuân
Miệng con trẻ. - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Hình như trong sữa có máu - Lê Mai
Vechaibaođồngnát@mgsh - Trần Hạ Tháp
Giàng và ẩn ngôn thời đại - Trần Hạ Tháp
Con bẻm - Bùi Thanh Xuân
Như cánh hoa rơi - Nguyễn Thị Lê Na
Chiều hôm, một người khách lạ - Nguyễn Đức Tùng
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)