Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
676
116.543.376
 
Thơ bay trên phận con người
Bùi Công Thuấn

 

 

(Đọc tập trường ca LÒNG HẢI LÝ của Đỗ Quyên)

 

 

 

Tôi chần chừ mãi mới viết được những dòng này, bởi, với tôi, trường ca Lòng Hải Lý*) của Đỗ Quyên không dễ đọc. Và cũng bởi Đỗ Quyên là một tác giả có tầm vóc một công dân toàn cầu. Anh sinh tại Hà Nội (1955); Định cư tại Canada (1996); Giảng dạy ngành Vật lý hạt nhân, Ðại học Bách khoa Hà Nội (1977-1988); Cộng tác viên khoa học Viện Dubna, Nga (1988-1990); Làm báo ở Ðức (1990-1996), ở Úc (2004-2008); ở Canada (1996-đến nay); Học bổng khoa học nhân văn Rockefeller 2001-2002, Trung tâm William Joiner, Mỹ.

 

Đỗ Quyên vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình văn học; đồng thời là người say mê hoạt động văn học nghệ thuật. Đỗ Quyên cũng là khuôn mặt đặc sắc của văn học nghệ thuật hải ngoại Bắc Mỹ (Canada) bên cạnh những tài năng khác như Nguyễn Đức Tùng, Lưu Diệu Vân,…

 

  1. “THƠ THẬT KHÔNG CẦN PHÊ BÌNH”

 

Thơ thật không cần phê bình”, Đỗ Quyên bảo vậy. Anh còn dội một thùng nước lạnh lên đầu các nhà phê bình muốn đọc trường ca của anh:

Ta cũng nghỉ chơi khâu làm thơ đoản

từ nay

Cứ trường ca mà nã chương một, hồi hai

Cánh phê bình

bảo đảm chỉ đọc câu đầu, đoạn kết rồi gõ máy liên hồi

phán:

Ý tưởng đầy mình, nội công chắc sẵn

Ngữ vựng, từ căn… hàng lũ hàng đàn

Gia cảnh an toàn ..”

                    (Đống chữ - Thân 2)

Ý của anh là, không nhà phê bình nào có đủ can đảm đọc hết tập trường ca này, họ chỉ đọc câu đầu, đoạn kết rồi phán bằng những lời tụng ca. Cũng có thể anh “dị ứng” với những nhà phê bình phong trào. Vậy thì tôi còn biết viết gì đây!

Trước khi viết về tác giả hay tác phẩm nào, tôi có thói quen tìm xem các nhà phê bình đã nói gì. Điều này cho tôi cái nhìn thoáng về đối tượng, và quan trọng hơn, tôi sẽ tránh lặp lại những gì người khác đã viết. Hơn thế, nó có thể gợi ý hay kích thích tôi tìm kiếm những điều chưa ai nhận ra. Cũng có khi đây là dịp được đối thoại với nhiều người, cọ sát trí tuệ với những bộ óc thời đại, được vậy thì thật thú vị. Tôi thích đọc các tác giả khó là vì vậy. Phê bình, đối với tôi, là đồng khám phá, sáng tạo với tác giả.

Trong chuyên luận 40 năm thơ hải ngoại, Văn Việt có bài giới thiệu rất hay về thơ Đỗ Quyên [1]. Bài viết cho tôi cái thú vị được thưởng thức một bản văn hay cả về nội dung và văn phong, nhưng cũng gây cho tôi những điều nghi ngại. Tác giả của Văn Việt nhận xét: “...trường ca Đỗ Quyên mô phỏng một thế giới không đặc trưng, không có cốt tủy, thậm chí không cả trung tâm không ngoại biên. Thơ ấy không dùng được vào việc gì có ích, nhưng bỏ qua không được.”

Tôi tự hỏi, một người đa tài và thành đạt như nhà thơ Đỗ Quyên, đã dồn tất cả say mê tâm huyết đời mình để làm thơ, một người ý thức sâu sắc rằng: “Văn chương là chữ nghĩa được con người tạo tác bằng mồ hôi và máu đào, bằng cuộc đời và có khi cả sinh mạng”[2], vậy mà thơ của người ấy lại không dùng được vào việc gì có ích, thì chẳng lẽ, sự lựa chọn con đường văn chương của Đỗ Quyên là sai hay sao? Chẳng lẽ, những lời khen thơ Đỗ Quyên chỉ là trò quảng cáo?

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng lại có những nhận định khác. Trong buổi sinh hoạt văn nghệ hàng năm nhân dịp ra mắt tạp chí Người Việt Hải ngoại tại Vancouver, ngày 1-12-2007, Nguyễn Đức Tùng đã đọc một tham luận có những khám phá sâu sắc về trường ca Đỗ Quyên (Talawas đăng lại 2008) [3]. Ông cho rằng: Đỗ Quyên là người có kiến thức văn học uyên thâm... Nhà thơ, bằng tác phẩm của mình, hay đôi khi bằng cả cuộc sống của họ, mà trong trường hợp này, một cách hết sức thận trọng, tôi muốn nhắc đến ví dụ Đỗ Quyên, giúp chúng ta ý thức về đời sống - dòng chảy của mỗi người. Người đọc tìm thấy trong thơ tiếng nói của mình, qua những khúc quanh khác nhau của cuộc đời bí ẩn mà chỉ riêng họ biết mà thôi, một tiếng nói dịu dàng nhưng nghiêm khắc, kiêu hãnh nhưng nhân từ, đem họ trở lại với cội nguồn sâu thẳm của đời sống”.

Như vậy là thơ Đỗ Quyên có ích đấy chứ, nào phải không dùng được vào việc gì có ích!

Tác giả Phi Hà ghi nhận được nhiều ý kiến nhận xét về trường ca của Đỗ Quyên [4].

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Sau 1975 chúng ta đã có một mùa trường ca. Nhưng sau đó các nhà thơ của chúng ta gần như ít viết trường ca. Cho nên một cố gắng như của Trần Anh Thái ở trong nước, một cố gắng như của Đỗ Quyên ở nước ngoài là rất đáng quý và đáng được phân tích, đáng được nghiên cứu, được tiếp tục. Và tôi nghĩ cái này phải đọc chậm, sống chậm, như là Đỗ Quyên đã dành 25 năm trong 35 năm của anh ở nước ngoài để viết nên trường ca này.”

.

Nhà văn Hoàng Minh Tường, chia sẻ: “Tôi có cảm giác rằng, anh Đỗ Quyên là người đích thực sinh ra để làm thơ, một người yêu thơ đến tận cùng”.

 

Nhà văn Văn Chinh đọc ở Đỗ Quyên điều này: “Đỗ Quyên nhắc chúng ta nhớ rằng người sáng tác phải luôn luôn ra khỏi những phạm trù quen thuộc mà các nhà thơ mới, các nhà thơ thời chống Mỹ đã làm – vì họ đã ngôn ngữ đẹp lên nhưng cũng khai thác chúng đến cũ rồi. Đỗ Quyên dùng những câu thơ của mình trong Lòng Hải Lý, để đo khoảng cách mà các nhà thơ đã ly thân với chính bản thân mình, với những thói quen, mà tôi nhớ có câu là phải “đả đảo đất dưới chân mình”.

 

Nhà phê bình Văn Giá giải thích vì sao thơ Đỗ Quyên khó đọc: “Tạm gọi trường ca Đỗ Quyên mang tính tiểu thuyết, nghĩa là hướng vào cái cá nhân đời tư, thường ngày, dở dang, không hoàn kết... (theo lý thuyết M.Bakhtin). Do đào sâu vào nội tâm cá nhân, nên bút pháp nhất quán từ đầu đến cuối là suy tưởng. Bút pháp này có cái hay, nhưng đọc cũng nặng, người đọc phải cố gắng. Chính vì thế, nếu lấy cái khung soi ngắm quen thuộc về trường ca như lâu nay thì sẽ không đọc nổi trường ca Đỗ Quyên. Vì lẽ đó có thể nói rằng: Trường ca Đỗ Quyên sẽ không dễ dàng đi vào bạn đọc Việt Nam hiện nay, nó kén chọn độc giả.”

 

Nguyễn Đức Tùng cũng xác nhận tính khó hiểu của thơ Đỗ Quyên: “Đối với nhiều người, thơ anh vừa dễ hiểu vừa khó hiểu, đọc từng câu thì hiểu, đọc toàn bài thì không hiểu gì cả. Như thế là vì anh đi trước độc giả quá xa, hay vì tính đặc trưng của thơ anh là vượt thoát các cố gắng giải thích?” [3- đd] 

 

  1. TÔI ĐỌC THƠ ĐỖ QUYÊN

 

Xin trích một đoạn:

 

…Những đùi vế vút lên

sáng lại câu thơ cổ điển

Con đường sôi âm ỉ

ngút ngã tư già

Chế ngự từng thước tấc

phố nhà chưa lấn hết

Đường biên xấu hổ

cổng thành chúm chím gót chân

Nóc nhà thờ ngang cánh chim

thánh rỏ lệ mát bàn chân lữ khách

Những đứa con thừa cha

                             chạy ra

ném

       các đụn tuyết không tan…

               (Lòng hải lý - Tám)

 

Tôi đọc và không thể hiểu. Rồi viện kinh Kim Cang mà rằng, không hiểu ấy là hiểu!!! Tôi tự an ủi mình vậy! Cũng may, Đỗ Quyên bảo: “Thơ thật không cần phê bình”.

 

Thú thực là nhiều lần tôi định bỏ cuộc. Đọc trường ca của Đỗ Quyên vất vả quá, vất vả hơn đi cày, trầy trật hơn đánh vật. Đọc đi, đọc lại; đọc nhanh, đọc chậm, Thơ như bức tường thành chắn lối, không sao thâm nhập được vào thế giới chữ nghĩa của Đỗ Quyên. Đọc theo Thi Pháp học, tìm cái lạ hóa, tìm thủ pháp, nhạc điệu v.v… thì Thơ vỡ nát. Đọc theo lối “truyền thống”, tìm mắt thơ mà điểm, nhưng tìm hoài nào thấy đâu là mắt thơ. Thơ cứ ào ạt tuôn chảy, lớp lớp sóng dồi. Lại thay đổi cách đọc. Đọc theo Cấu trúc luậnGiải cấu trúc. Chữ nghĩa vẫn chênh vênh, vì thơ Đỗ Quyên rất lỏng lẻo về cấu trúc. Có thể đọc đoạn nào trước, đoạn nào sau cũng được; đọc cả đoạn hay đọc rời từng câu, vẫn có nghĩa. Đây là những câu rời:

 

Em bảo:

             Người đi biển không làm thơ

Anh bảo:

             Người làm thơ đi biển.

                         (Lòng hải lý - Ba)

 

- Em là bầu trời

cho thơ anh nở

 

Những bông hoa tươi nhờ nước mắt

                            (Đống chữ - Thân 7)

 

Không phải thơ Đỗ Quyên vừa dễ hiểu, vừa khó hiểu mà có những đoạn khó hiểu và có những đoạn dễ hiểu. Những đoạn anh viết theo kiểu thơ truyền thống (Lục bát, thơ Lãng mạn) là những đoạn dễ hiểu:

Thơ ai khóc gió trên trời

Thơ em khóc lá khóc người dưới mây

Xưa em đen cả tháng ngày

Nay em trắng một đời này em thơ

                     (Đống chữ - Thân 4)

Bạn có trong đời ba nỗi đau

Để riêng tận góc một lòng sâu

Lâu lâu gặp lại cho tôi nhận

Chung đỡ phần đang ở trong nhau…

               (Đống chữ - Thân 7)

 

Tôi căng mắt mà quan sát thơ, và nhận ra điều này. Thơ Đỗ Quyên là những dòng suy nghĩ miên man trôi đi, từ việc này sang việc khác, từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác, và trôi rất xa nguồn. Khoảng cách những câu thơ là những liên tưởng đứt đoạn, ẩn dụ nối tiếp ẩn dụ “cái biểu đạt” dẫn lối cho “cái biểu đạt” khác, khiến người đọc không sao theo kịp. Các hình ảnh thơ liên tiếp xuất hiện, phi logic. Các con chữ thuộc những trường nghĩa khác nhau đứng liền nhau. Tư duy ngôn ngữ và và quy tắc ngữ pháp Việt bị phân rã. Thời gian, không gian, nhân vật cốt truyện tạo nên cấu trúc không tồn tại. Không có một hiện thực nào được phản ánh để người đọc có thể dùng làm hệ quy chiếu qua đó xác lập ngữ nghĩa.

Với kiểu tư duy thơ này, tôi chỉ còn trông nhờ vào kinh nghiệm đọc dựa trên lý thuyết tiếp nhận hiện đại. Tôi nhận ra Đỗ Quyên sử dụng nhiều thủ pháp của văn chương Hậu hiện đại như, chen vào các yếu tố ngẫu nhiên, phi logic, sự phân mảnh, sự phi tâm, chất giễu nhại, tính chất trò chơi, xoá nhoà ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống thường ngày, tác phẩm tựa như một bức tranh khảm có nhiều chất liệu dị biệt… Từ đó tôi tái cấu trúc và giải cấu trúc tác phẩm, kết nối các liên tưởng, loại bỏ những yếu tố ngẫu nhiên, phi lý; giải mã các ẩn dụ, các biểu tượng (thí dụ: Đảo, đảo nắng đảo mưa, tấm-vé-đời, bàn chân, con đường, những nụ hoa không nở, ly café mồ côi…); kết tụ những mảng hiện thực bị phân mảnh; lấp đầy những khoảng trống văn bản và đọc cái nghĩa do chính mình tìm thấy trong tác phẩm. Ý nghĩa này có khi trùng với ý nghĩa của tác giả gửi trong tác phẩm, có khi khác biệt do tầm kỳ vọng (Hans Robert Jauss) của người đọc, hay do sự khác biệt của cộng đồng diễn dịch (Stanley Fish) mà người đọc mang theo khi đọc tác phẩm. Tôi đọc trường ca Lòng hải lý như đọc một tác phẩm mở (Umberto Eco). Và Đỗ Quyên nhắc tôi rằng: Bản chất của thơ cần có mặt mà chưa cần để hiểu(Buồn muộn cùng thế kỷ, Chương 3)

 

Chẳng hạn, trường ca Lòng hải lý có chín đoạn thơ và một Phụ lục. Chủ thể, nhân vật Ta, khi thì độc thọai, khi đối thoại với em, với mẹ, với bạn… (thực ra đó là sự phân thân của tác giả trong một cuộc đối thoại giả định). Trải suốt trường ca là một câu chuyện (có cốt truyện, tình huống, nhân vật, thời gian, không gian), câu chuyện về hành trình thơ, về làm thơ, về số phận thơ, tương lai thơ... Câu chuyện này bị xé ra thành những giải, những chi tiết, và ngẫu nhiên quăng vào các đoạn thơ. Có khi câu viết về Thơ nằm giữa những xô bồ suy nghĩ miên man khác. Nếu không tái cấu trúc câu chuyện này, loại ra ngoài những yếu tố không nằm trong cấu trúc chính và giải cấu trúc này, người đọc sẽ hoàn toàn bị lạc trong rừng trùng trùng điệp điệp câu chữ, sẽ không sao lần được lối ra.

Cũng vậy, cả 4 trường ca trong tập Lòng Hải Lý (Lòng hải lý, Đống chữ, Buồn muộn cùng thế kỷ, Bài thơ không thuộc về ai), cũng là một câu truyện dài về Thơ, về hành trình thơ, về thân phận thơ, niềm tin vào thơ…, cho nên không phải vô tình mà Đỗ Quyên sắp xếp 4 trường ca này vào chung một tập thơ.

Câu chuyện, có điểm mở đầu, có điểm cuối:

Khởi một điểm hành trình -

Chữ của ta mang Nghĩa của đời

                                                từ đó.

                       (Đống chữ - Thân 1)

Điểm cuối:

Tới gần rồi,

                  điểm cuối!

Đảo mưa trong anh

                               anh nắng trong em

Đường mòn đau thêm

thổn thức lịch trình xoắn ốc

Câu thơ treo ngửa

                             nấc

(Lòng hải lý - Chín)

 

Và đây là câu viết về thơ treo vào giữa đoạn thơ, lơ lửng, lạc lõng, rời rạc, không kết nối giữa câu chuyện nhà thơ đang nói với bạn:

 

Bạn chỉ có đảo này trong địa chỉ

Còn bến kia trên bức ảnh nhộn màu

Con lộ ấy như vạn ngàn con lộ

Tiếng còi tàu không vượt tiếng còi tàu

 

Bút dốc ngược thơ xuôi dòng chảy

Im lặng thay mỗi chiếc kim giờ!

Ta bỏ bạn trên các đinh địa lý –

tên những làng, núi, sông...

 

3. LÒNG HẢI LÝ

 

Thơ anh có nỗi buồn mênh mông của gió

Bay trên phận con người

         (Bài thơ không thuộc về ai - Kết số 10)

 

Chắc chắn đêm nay ba về và muộn

Việt Nam một vai, thế giới một vai

Ba dành hết. Phần cho nhân loại

những mùa thu có lá rơi đầy

                  (Buồn muộn cùng thế kỷ - Chương 3)

 

Lòng hải lý là tấm lòng của tác giả đối với Thơ và đối với đời. Thơ là trái tim hiện sinh như “Sóng vỗ một lần thôi/ Câu thơ hạ rồi/ và mãi”. Thơ là cuộc lãng du vô định. “Để giờ mãi lênh đênh/ Mẹ là gió/ Tình chúng mình làm sóng/ Thơ - trước mặt/  chân trời.” Thơ là niểm hoan lạc miên viễn:

Có sóng trên giấy

                          như có sóng trong lòng

Có gió bốc dưới mỗi bàn chân

                                  và trong từng ngòi bút

Mùi trang giấy viết tinh khôi

                                ngửi suốt đời không ngán”

 

Thơ là niềm đam mê mãnh liệt:

Bằng thơ anh định nghĩa đó là sự trọn vẹn của tự do

Mực cây bút đời của anh đang ứa màu cam vàng đỏ màu của mãnh liệt và đam mê cần để ngồi 12 tiếng không ăn uống không làm tình không vào hộp thư điện tử để trải kín 24 trang trường ca

                               (Buồn muộn cùng thế kỷ - Chương 3)

 

Người thơ có sự nhạy cảm khác thường: “Em biết thơ là bể khổ/ biết anh yêu thơ là khổ/ biết em yêu anh là khổ/ và biết anh yêu em là khổ kép khổ đơn.”

 

“Có khi một câu "Chó chết!"

đã làm thơ anh quẫy muôn lần

Có khi chỉ hắt đi trong ly trà đôi hạt bụi

là con tàu thơ anh lao”

                            (Buồn muộn cùng thế kỷ - Chương 2)

 

Thơ là hạnh phúc bất tử:

“Theo con sông chữ nghĩa trên những chuyến đò ngang

là hạnh phúc ngắn

Hãy theo những chuyến đò dọc

để đến thác đầu ghềnh và những bãi hoang đổ ra biển đời của văn chương

để chết trong hạnh phúc bất tử

                    (Buồn muộn cùng thế kỷ - Chương 4)

Thơ có giá trị như chính đời sống

Người sống, đống chữ

Người chết, đống chữ…

Những người thơ

đang sống-chết

Đi gom ngàn con chữ/ như gom ngàn cọng cỏ, nhánh lau....

Sẽ có/ trong một ngày mơ của mình

                             (Đống chữ - Chung)

 

Đỗ Quyên tích lũy những tấm -vé -đời làm vốn cho thơ, đó là những chặng đường đời, vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ mà nhà thơ đã trải qua

“Mình tích thủ các tấm - vé - đời/… Buồn vui, thành bại/… Chúng lóe ánh sáng kêu gọi…/ Chúng xếp hàng nhẫn nại/ chờ nhìn tấm vé cuối…/ tấm vé chưa nằm yên/ kích nới Lòng - Hải - Lý dài them/.trên các tấm vé mới

(Lòng hải lý- Bốn)

 

Đỗ Quyên luôn thôi thúc cách tân thơ trước sự ám ảnh về cái chết của Thơ, khi cuộc hành trình bị trì trệ, con thuyền nằm in một chỗ.

“Chết phi lâm sàng với bác sĩ

là chết lâm sàng của kẻ làm thơ và của kẻ độc hành

Đường hẹp lại khi hành nhân nằm mãi

Những con thuyền thêm một chốn bơ vơ”

                            (Lòng hải lý - Sáu)

 

Nhà thơ hôm nay không thể viết câu chữ nghĩa địa, ý tưởng mồ mả, nhịp điệu lên đồng, chủ đề quan tài, thể loại hóa vàng hôm qua

Để nghệ thuật sống tồn”

               (Bài thơ không thuộc về ai - Chương 3)

 

Chương viết về thân phận nhà thơ (Đống chữ-Thân 5: Mộ văn) là chương đầy bi thiết, bộc lộ sự tài hoa rất mực của ngòi bút Đỗ Quyên. Bên dưới sự giễu nhại khôi hài, Đỗ Quyên dành nhiều nước mắt cho những nhà thơ vì hoàn cảnh riêng mà phải tìm cái chết để sống, để khẳng định sự tồn tại một nhân cách. Từ xưa đến nay, từ đông sang tây, bao nhiêu là cảnh thương tâm: Lý Bạch, Essenin, Nguyễn Tất Nhiên, Maiacovxki, Hemingway? Nhất Linh đã chết (hay tự chết) như thế nào?”

            Ôi những cái thời anh hùng trong tấc gang/ hèn nhục trong choáng váng…”

…Nhất Linh trước sau cũng chết

                                                như một nghi án chính trị-văn chương

Tài mệnh cho ông

chọn Chết triết học -

như con dê giữa hai bó cỏ

Gió Canada sẽ thổi lên trời xanh những tiếng khóc của em

như hôm qua mưa phùn Bắc Việt làm ướt thêm những

trang văn ông trong mắt mẹ.

 

Không gian ngập tràn tiếng khóc:

Những trận mưa rào Bắc Mỹ không kỳ thị

nước mắt của những người phụ nữ da mầu

Mưa dài

cho mắt ai sâu

cho vai ai nặng những chiều thiếu quê

Những người phụ nữ di dân khóc để ngày kết thúc

trong khi những người phụ nữ bản xứ làm thế cho một ngày lên

Cái bồn tắm khóc để không ai còn bứt rứt

Keyboard khóc cho dân chủ thành hình

Tờ lịch khóc thì đời mới hết những thằng đốn mạt

Chiếc bút không khóc đến khi giá nhà chưa giảm

Ngày mai không bao giờ khóc cho ngày hôm nay

Chúng ta có còn khóc sau khi Thời gian là chủ nhân ông của vũ trụ  này?

                                                   (Buồn muộn cùng thế kỷ - Chương 1)

Đỗ Quyên cũng khóc cho chính mình.

Cho ta khóc một hệ người

                                    người là ta rồi đó

thơ cầm ngang lòng tay

tìm đau trong ngày mai

                    (Đống chữ - Thân 3)

 

Và mong một sự hóa thân:

Thường là nhà thơ không thể tìm ra câu kết cho một bài thơ chỉ còn chờ câu kết

Muốn thân xác mình lấp vào.”

(Bài thơ không thuộc về ai - Kết 16)

 

Thực ra đàng sau câu chuyện về Thơ, Đỗ Quyên trải lòng kín đáo và dữ dội về cuộc đời. Thơ Đỗ Quyên không phản ánh thực tại, có chăng là vài hình ảnh nơi ông đang sống hoặc vài chi tiết về gia đình (Đống chữ-Thân 8: Hôm nay đi tuyến Yonge-Spadina subway/ Tôi có Toronto với hai đường tàu điện ngầm…). Tuyệt nhiên không có hiện thực những năm ông sống ở Việt Nam, ở Nga, ở Đức…

 

Hiện thực trong thơ Đỗ Quyên là hiện thực tư tưởng, hiện thực hư cấu, tuy có thấp thoáng những mảnh đời thực, nhưng Đỗ Quyên chuyển hóa thành suy tư, thành nhận thức có phẩm chất triết học. Tuy vậy thơ Đỗ Quyên chưa đạt tới phẩm chất thơ tư tưởng, về căn cốt thơ Đỗ Quyên vẫn là thơ trữ tình.

 

Thấp thoáng trong dòng chảy trữ tình là sự lên tiếng nói. Khi là giọng sâu lắng đến tận cùng hiện sinh, khi là sự đối mặt quyết liệt với thực tại; khi là bài ca hào sảng trên đỉnh núi mây ngàn, lúc là giọng trầm thống như sóng gầm dưới đáy đại dương sâu thẳm. Về những vấn đề của đời sống không thể không lên tiếng.

 

Nhân loại bắt đầu vô nhân đạo

lúc mũi tên hiện đại hóa đạn chì

ngọn lao thành hỏa tiễn…

…quên cội nguồn, địa dư và sử ký

thực hành chức năng đồ tể

                                           quáng mù…

…Hãy khước từ những viên đạn

cũng như khước từ làm những viên đạn!

                       (Lòng hải lý - Bảy)

 

Thi thoảng lo lo

Tôi hay nhìn lại

Nguồn Chữ nghĩa của riêng mình số lượng đến đâu

và chất lượng ra sao

Sợ nhất là bị các tính từ xấu

(độc quyền, tha hóa, xuống cấp, mị dân, tham nhũng, bê tha,

chuôm chỉa, hối lộ, lạm phát, tham ô và sến)

đòi làm cha, làm mẹ!

                                (Đống chữ - Thân 1)

 

Nếu không Tàu, chúng ta đi về đâu?

Lời hỏi lớn

như hình nước Việt

cái móc câu dưới tảng thịt Trung Hoa

Bao giờ nước mình ngẩng mặt được

không vướng một tán cờ

                   (Đống chữ - Thân 5)

 

Con chung của chúng ta với Thời gian

sẽ là những đứa trẻ vạm vỡ

của Tự do

của Bình đẳng sẽ là những đứa trẻ duyên dáng

Hoàn cầu sẽ ế các cuộc chiến tranh -

cuộc chiến máu thịt hay cuộc chiến nước bọt, mồ hôi -

Tôn giáo quy về ba đạo chính: đạo Quá khứ, đạo Hiện tại, đạo Tương lai

bị lột trần truồng

triết lý, chủ nghĩa chỉ còn biết che phần kín của mình

Môi trường, Sida, Mafia và Đói cũng bị kỷ nguyên Thời gian xếp vào hàng

chuyện nhỏ

                           (Buồn muộn cùng thế kỷ - Chương1)

Sách Việt ngữ cho tụi con tìm ở đâu ba?

Ngoài dăm cuốn Hai Bà Trưng, một Ông Gióng... con thuộc từ ngày trong nước

Em con chờ các cuốn khác

nó vẽ lên lưng voi Hai Bà cái laptop và dí vào tay Ông Gióng cell phone

Tụi sắc dân khác bạn con không có vấn nạn nước non

nặng và ê chề đến vậy

Làm người gốc Việt thật nhiều điều đáng nói

vấn đề là nói làm sao

                             (Buồn muộn cùng thế kỷ - Chương 3)

Tình cảm với quê hương thật sâu nặng, những tứ thơ mới lạ giàu suy tư.

Những ai không còn quê hương

Sáng thức dậy theo giờ kẻ lạ

Chiều về những con đường xa

Đêm ngủ lưng không dính đệm

 

Những ai không còn quê hương

Cầm bút viết ra chữ huyết

Gặp mặt nhau lại thấy đau

Nhìn trời không thấy đáy đâu

 

Những ai không còn quê hương

Nghe lá rơi không còn nhẹ

Mây trôi là mây không về

Nước chảy đến cùng nước cạn

 

Những ai không còn quê hương

Bàn tay xòe không hết

Trái tim cong như trời cong

Con mắt chỉ nhìn thấy đất

 

Những ai không còn quê hương

Chồng vợ cái con bầu bạn

Một đời ngơ ngác chờ

Hai chữ quê hương về lại

            (Bài thơ không thuộc về ai - Chương 2)

Thực ra, có thể tìm thấy ở mọi câu thơ của Đỗ Quyên những ẩn hiện tư tưởng. Và suy tư day dứt nhất của Đỗ Quyên là suy tư về thời gian, về nỗi cô đơn hiện sinh. Buồn muộn cùng thế kỷ là nỗi buồn thấm thía về thời gian: “Chúng mình bỏ nước/ là bỏ Thời gian/ 25 năm ngơ ngáo cái ngáo ngơ của những bài thơ không có dấu…”. Bài thơ không thuộc về ai là tiếng kêu bi thương về Thời gian, vì thơ không còn những gì đời còn, cả những ai không còn những gì đời còn...  Những tư tưởng này kết đọng từ chính đời sống của anh. Dường như Đỗ Quyên cố ý tránh né “những vấn đề nhạy cảm” về chính trị và văn hóa. Cũng có thể, anh là người đã trải nghiệm bước chân trên mọi nẻo đường đời với tư cách một công dân toàn cầu, với tư cách “Những ai không còn quê hương”, thì những vấn đề anh quan tâm sẽ không giống với nhà thơ trong nước. Chẳng hạn:

Các phê bình gia thi ca lâu nay

(hẳn rớt môn tâm thần học?)

trong thơ

không đo thành thục độ điên

Phân loại thơ phiến diện vô ngần:

thơ cách mạng, thơ tình, thơ miền Nam-miền Bắc

thơ yêu nước, thơ hải ngoại, thơ trong nước,

thơ tỉnh lẻ, thơ chiếu trên, thơ toàn quốc,

thơ dada, thơ hậu hiện đại, thơ vân vân

Thiếu: thơ điên cấp 1, thơ điên cấp 2, thơ điên cấp cứu

Gọi thế e tranh chữ của y khoa

Nay đề nghị:

    lấy đơn-vị-điên-trong-thơ là một Bùi Giáng (viết tắt: BG)

 

Tôi hiểu đây là khát vọng hội nhập toàn cầu hóa thơ Việt. Đỗ Quyên từng nhận xét thơ Việt có 21 đặc điểm, và thơ Việt còn chậm so với thế giới. Nhưng những nhà thơ trong nước đa phần không quan tâm chuyện này. Bởi thơ trong nước được đặt trên một hệ tư tưởng và nghệ thuật khác, nên thơ mới được phân chia như Đỗ Quyên nhận xét.

 

  1. NHỮNG NỖ LỰC CÁCH TÂN THƠ VIỆT

Ở thời điểm này (2017), sự ồn ào về “cách tân” thơ Việt đã lắng xuống sau khi phong trào “thơ khó hiểu”, thơ trình diễn… của những người trẻ như Nguyễn Thúy Hằng, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh… đầu thế kỷ XXI đã trở thành quá khứ. Bởi người ta không thấy được những cách tân của “thơ khó hiểu” đem đến những giá trị gì? Đơn giản vì, nếu công chúng không hiểu thì ai sẽ đọc thơ? Và thật dễ hiểu khi ít năm trở lại đây, công chúng trẻ xô vào đọc những trang chưa thành văn, chữ nghĩa chỉ để mơn trớn vuốt ve cảm xúc của cái tôi thời @. Xin đọc:

“Nếu là cây

Ta muốn làm cỏ dại

Sống hoang sơ chẳng phụ thuộc đất trời

Ta nhỏ bé nhưng ngang tàng mạnh mẽ

Ta mong manh nhưng chẳng ngại đêm dài…”

                                                      (Nếu - Iris Cao)

“Chán rồi cây ạ nắng yêu mây

Còn mưa sao cứ đứng mãi chờ

Thôi thì ta biết khi mây ấm

Là lúc nắng lên mưa cúi đầu…”

            (Chán - Iris Cao)

 

Tôi sẽ chỉ nói về những cái riêng của Lòng Hải Lý bên cạnh thơ trong nước trước “đổi mới”. Từ đây, người đọc có thể nhận ra những đóng góp của Đỗ Quyên cho thơ Việt trong xu hướng hội nhập toàn cầu hóa.

Lòng Hải Lý không “phản ánh hiện thực” như thơ Xã hội chủ nghĩa. Đỗ Quyên không bám vào kỷ niệm, không nhào nặn lại những tứ thơ về làng quê, cánh đồng, con cò, giòng sông, hay những con đường Trường sơn mùa này đẹp lắm, như thơ trong nước, kiểu thơ “ăn mày quá khứ”. Đỗ Quyên sáng tạo một “hiện thực” tư tưởng-thẩm mỹ, xin đọc:

Những ai không còn nơi hẹn

Khi cái lò gạch cũ mới rồi

Chí và Thị tối ngày ăn cơm tiệm

Nằm salon xem vidéo đời lá chuối cháo hoa xưa

Đừng vào các trang website năm sao (tốn thời gian, tiền bạc hơn cả các khách sạn năm sao)

Thị dâm không phải là thương dân yêu nước

Quan dâm không phải là vì dân chủ tự do

Xưa sau ba lần hẹn mới có thể hành động

Hẹn là hành động

Bây giờ

Như mặt trời

Mọc lên tức là chiếu sáng

                  (Bài thơ không thuộc về ai - Chương 2)

 

Đoạn thơ có bóng dáng của hiện thực, nhưng nếu bám vào cái hiện thực ấy để đọc thơ, thì hiện thực lập tức vuột khỏi tay người đọc. Cấu trúc logic của đọan thơ bị phá vỡ, khác hẳn với thơ trước đây lệ thuộc vào cấu trúc. Vì thế không thể kết nối logic Những ai không còn nơi hẹn với, thị dâm, quan dâm, với thương dân yêu nước, với dân chủ tự do, với mặt trời/ Mọc lên tức là chiếu sáng. Chỉ có duy nhất một chữ “hẹn” làm nhiệm vụ giữ cho đoạn thơ không phân rã. Nhưng nếu vượt qua được ngôn ngữ tường minh của văn bản, người đọc sẽ thấy tư tưởng hiện lên.

 

Người đọc thấy rõ trong tập trường ca Lòng Hải Lý  một vài đặc điểm của văn chương hậu hiện đại. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng nhận xét: Cấu trúc, xét về toàn bộ, không phải là điểm mạnh của trường ca Đỗ Quyên. Các tác phẩm hậu hiện đại thường có cấu trúc đa chiều; nhưng đa chiều không phải là lỏng lẻo… Nói một cách dễ hiểu hơn, anh có xu hướng đi về phía chủ quan hơn là phía khách quan. Điều này thể hiện trên hai hình thức: trường ca của anh nặng về phía trữ tình, và nhân vật thu hẹp lại chỉ còn là một người, đó là người nói (speaker). Người nói hay người kể chuyện trong trường hợp này lại trùng với tác giả (author). Thứ hai là ngôn ngữ của anh, trong những đoạn thơ không thành công, nặng về tán thán, tuyên bố, kể lại, thiếu tính trực tiếp vốn là điểm mạnh trong mạch thơ Đỗ Quyên. “[6]

Tôi không rõ có phải nhà thơ Nguyễn Đức Tùng nhận diện hậu hiện đại ở xu hướng khách quan, thông qua ngôn ngữngười kể chuyện hay không? Tôi hiểu ngược lại, chính cấu trúc lỏng lẻo (như đã nói ở trên) của trường ca Lòng hải lý  là một đặc điểm hậu hiện đại. Hiện thực phân mảnh, sự xóa bỏ ranh giới giữa văn chương và đời thường, trộn lẫn thể loại, sự phi tâm hóa, ngôn ngữ xô bồ (cả thanh lẫn tục), sự giải thiêng những “đại tự sự” (Thí dụ, Đỗ Quyên giễu nhại về việc tự sát của các nhà thơ, về giá trị của thơ ca, về những chủ đề lớn như yêu nước, cách mạng, nhân đạo chủ nghĩa, tự do, nhân quyền, tôn giáo…) là dấu ấn rất đậm trong thơ Đỗ Quyên, khiến thơ Đỗ Quyên rất khác với thơ trong nước trước đổi mới. Dù vậy Đỗ Quyên biết giữ sự chừng mực cần thiết để thơ vẫn là thơ, kiểu thơ tư tưởng, không phải là “rác”. Đỗ Quyên cũng tự kềm chế diễn ngôn để tinh thần “giải thiêng” không gây sốc cho người đọc có não trạng quen ”thần tượng hóa”.

Nhân loại bốn loại người:

sợ và không sợ Sự thật,

biết và không biết Sự thật.

Đập tảng băng tập quán, rèm chủ thuyết,

                            ô giả dối được thiêng hóa

bằng chiếc cu trần

sẽ giết tiệt cái giả Sự thật.

               (Lòng hải lý - Phụ lục)

 

Đây là sự kềm chế:

Ơn ba mẹ sang đây

Con được chọn mình

chọn đất ở cho mình

Bà lẩm bẩm "Số chúng mày đỏ hơn ông cha!"

Những lời sánh so con rất ngại

Con có thời gian của con. Cha ông có của cha ông

So sánh là hủy diệt

            (Buồn muộn cùng thế kỷ - Chương 3)

 

  1. NHỮNG GÌ ĐỌNG LẠI

 

Tôi không bận tâm lắm về “truyền thống” hay hậu hiện đại trong trường ca Lòng Hải Lý của Đỗ Quyên. Điều tôi tìm kiếm là trường ca này có giá trị gì về tư tưởng và nghệ thuật. Và Đỗ Quyên có thể đóng góp gì cho thơ Việt đương đại?

 

Viết trường ca khó, trước hết là làm sao giữ cho được giòng cảm xúc luôn trào tuôn như núi lửa phun nham thạch, giữ cho được mạch tư tưởng dũng mãnh như sóng ngầm đáy đại dương và có được một vốn từ vựng như lúa chất đầy kho. Đỗ Quyên có dư thừa những phẩm chất này.

 

Nhờ sử dụng những “thủ pháp” của văn chương hậu hiện đại, Đỗ Quyên thay đổi liên tục cách thể hiện con chữ trên văn bản; thay đổi, trộn lẫn thể loại (thơ tự do, Lục bát, thơ Lãng mạn…); thay đổi nhiều giọng điệu trần thuật; đổi vai Ta nhiều lần trong đối thoại với Em, với Mẹ, với Con, với nhà thơ tự sátcánh nhà thơ chưa tự sát, với súng đạn, thòng lọng, và với đủ loại người nhà thơ gặp trên đường Hôm nay đi tuyến Yonge-Spadina subway.

 

Bỏ qua nhiều đoạn triền miên suy tư về những điều riêng tư, người đọc có thể gặp được nhiều đoạn thơ hay về tứ, xúc động về tình, trăn trở về tư tưởng; và một ấn tượng rất mạnh về chủ thể trường ca: Tác giả Đỗ Quyên. Bên dưới cái lạnh lùng như băng, cái lý trí căng như thép, chất trí tuệ khô khan, là con người tình cảm, yêu tha thiết cuộc sống, bi phẫn trước bao nhiêu cảnh đời đau thương, khao khát và tràn đầy một niềm tin lao về ngày mai, Sống và Thơ.

 

Và điều còn lại là một hồn thơ Việt thuần khiết

Chữ còn - Thơ còn

Còn tình

Là còn bạn còn ta

Còn vợ còn con còn cửa còn nhà

Dẫu có còn tha phương,

có còn ghim lòng một ngày về quê về nước

lạy mồ mẹ mả cha vái hồn cúng vía ông bà

tìm thăm khuôn trời cũ

hố rác nào xưa chứa bài thơ tình Số 1...

…Để ta còn Thơ

như mái chèo đòi sông nước,

như lá đòi thu

ngoài cửa sổ hôm nay.

              (Đống chữ - Thân 1)

 

 

Tháng 4 năm 2017

 

 

________________________________

 

*) Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2011

[1] http://vanviet.info/tho/bon-muoi-nam-tho-viet-hai-ngoai-46-do-quyn/

[2] Đỗ Quyên; Văn là chữ người viết mãi mà thành

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19560

[3] http://4phuong.net/ebook/48259157/truong-ca-do-quyen.html

[4] Phi Hà; Đỗ Quyên và trường ca, những ghi nhận bước đầu

http://trannhuong.net/tin-tuc-9520/do%CC%83-quyen-va%CC%80-truo%CC%80ng-ca-nhu%CC%83ng-ghi-nha%CC%A3n-buo%CC%81c-da%CC%80u.vhtm

[5] Iris Cao; Nếu - Người yêu cũ có người yêu mới, tr.126, Nxb Văn Học 2014, in lần thứ tư

[6] Nguyễn Đức Tùng; Trường ca Đỗ Quyên

http://talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12277&rb=0101

 

 

 

 

Bùi Công Thuấn
Số lần đọc: 1780
Ngày đăng: 05.06.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cung trầm tưởng, sự thăng hoa - Nguyễn Đức Tùng
Thơ Phan Trọng Tảo: giờ đã sang thu * - Yến Nhi
Tiếc cho miền yêu xanh biếc - Nguyễn Anh Tuấn
Tình yêu đẹp như vần thơ tuyệt bút - Nguyễn Thanh
Những giọt buồn tinh khiết và biểu tượng trăng - Nguyễn Anh Tuấn
Chim trắng bay về "vườn cũ" - Nguyễn Thanh
Chàng trai ấy bây giờ ra sao? - Đặng Xuân Xuyến
Võ Chân Cửu "Phủi bụi cho những con chữ long lanh rực sáng" - Lê Ngọc Trác
Hoàng Trần Cương, ngôn ngữ quê hương - Nguyễn Đức Tùng
Dran - khối tình trong thơ Trần Vấn Lệ - Kiều Minh Mạnh
Cùng một tác giả
Tiếng kèn sắc-xô (truyện ngắn)
Hạnh (truyện ngắn)
Về đâu hoa phượng (truyện ngắn)
Ở nơi băng tuyết (truyện ngắn)
Giải hạn (truyện ngắn)
Tiếng hát ru (truyện ngắn)