Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
781
116.542.340
 
Bút ký triết học số 2
Nguyễn Văn Thượng

 

 

Ngày 13 tháng 06, 2017

 

Mỗi lần chớp mắt nhìn lên trời, là khi công cụ có tên gọi là “đôi mắt” bắt một nhịp cầu cho nội tâm phóng suy nghĩ của mình lên nền thinh không và thu vào tâm hồn cảm hứng từ bên ngoài. Tuy nhiên, hình ảnh bên ngoài này  có thể lấp đầy cho nỗi khác vọng vươn lên bằng tất cả bản thể, chứ không phải chỉ “nhìn” và tạp niệm mông lung trong tưởng tượng vô thường. Vũ trụ tồn tại trọng điều kiện tự do, xác thể ta cũng là hiện thân của tự do, không ai có thể phủ nhận. Nhưng thân thể ta là hoàn cảnh giới hạn, là một thứ tù ngục, bởi vì hiện hữu là tự đặt vào hoàn cảnh thân xác một khoảng hẹp của trách nhiệm, sứ mạng, làng xóm, môi trường văn hoá, công sở, nói cách khác, bối cảnh hữu hạn ràng buộc ta vào vô số điều kiện khiến ta gần như bất động và khó giải phóng bản thể, ngay cả khi chết đi, huỷ hoại tù ngục này rồi sẽ ra sao? Xác thể hữu hạn ràng buộc trong sự yếu nhược không thể bay, không thể phóng xa, không hiện diện ở nơi mà ý thức có thể vươn tới. Thực chất của tự do không thể bay nhảy trong sự bất toàn khiếm khuyết, cho nên ta không thể đạt tới điều kiện của tự do như quan điểm cổ điển chủ trương.

 

Hoàn cảnh, trách nhiệm, phẩm hạnh, tính khí là những xác định riêng biệt cho một xác thể. Tự do là chân trời rộng lớn hơn thân xác và tự do có một khoảng cách vô hạn chỉ khi nào đạt đến tự do hoàn toàn, thân xác mới hoàn tất vai trò con thuyền cho bản thể sang sông đời. Tự do và ý chí con người cùng đồng tính chất trong nhiều phương diện với thế giới vật lý, nên thân xác luôn luôn vươn tới để trở thành tự ngã như toàn thể vũ trụ vật lý hoặc sinh học. Chính lúc thân xác đạt đến cao độ của tự ngã như trong hiện tượng ngụy tín chẳng hạn là lúc tôi tự thấy mình được mình tự do nhất. Mặt khác, chính lúc thân xác trở thành tự ngã là lúc tôi đạt đến cao độ của buồn nôn đối với thân xác tôi như lời Jean Paul Sartre. Ngụy tín hoặc buồn nôn là những sự kiện chứng tỏ hiện hữu tự do của tôi. Một đàng thì, nhờ hai bàn tay, tôi mới sờ mó sự vật, mới giao tiếp được với ngoại giới, đàng khác tôi lại cảm thấy nó không phải là tôi mà chỉ là một đồ vật vô duyên, trơ trẽn. Tôi không phải là hai bàn tay, tôi không phải là thân xác tôi, và do đó, tôi không là ngoại vật, tôi không là gì cả, tôi không có gì cả. Tôi là như vậy, tôi mất tự do trong những điều kiện ấy và trong hoàn cảnh ấy, và chỉ có trong hoàn cảnh ấy không tồn tại, mới tự do. Mặc dầu hoàn cảnh không mang đến tự do, nó chỉ khắc lên tâm hồn khát vọng tự do. Một lần nữa, tự do tồn tại bên trong và bên ngoài ngục thất xác thể, người sinh ra là đi vào ngục thất bất đắc dĩ ấy: “Những bàn tay tôi, đó là khoảng cách bao la làm cho tôi thấy được sự vật, và làm cho tôi bao giờ cũng ly khai với sự vật. Tôi không là gì cả. Tôi không ly khai khỏi thế giới, giống như ánh sáng chờn vờn trên mặt đá và nước, không một cái gì bám được vào tôi hoặc trát bùn lên tôi. Ở ngoài, ở ngoài, ở ngoài thế giới, ngoài thế giới, ngoài quá khứ, ngoài chính tôi: đó là tự do, tự do là lưu đày, và tôi đã bị kết án phải tự do” (x. Le Sursis).

 

Khả năng gặp gỡ, đón nhận là dấu hiệu của một tự do rộng mở tới tột đỉnh để có thể thực hiện những gì tốt đẹp nhất cho cuộc đời. Hành động tự do là hành động của một người đã thấm sâu trong đam mê vươn lên triền miên. Augustinô đã xác quyết: “Dilige et quod vis fac”: cứ yêu đi rồi làm điều bạn muốn làm. Đó là một tình yêu trọn hảo dám ban tặng trọn vẹn bản thân. Ở mức độ này, tự do trở thành luật lệ cho chính mình, và không còn luật lệ nào khác ngoài luật của tự do: “Anh em hãy nói năng và hành động như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do.” (x. Gc 2, 12).

 

Nói rằng tự do là tự động và cần thiết để hoàn thiện xác thể. Tự do không mục đích là tự do chết, tự do vô nghĩa, không thể quan niệm được. Trong vũ trụ ngoại cảnh và nội tâm, có sẵn những động lự tiến tới của tự do, và mục đích tự do chân thật, tuyệt đối ấy lại ở ngoài con người. Mục đích ấy được nhắm tới và có tác dụng giải phóng tự do. Vì thế, một con người khép kín trong bản thân sẽ là một bế tắc, không thể tìm được lối thoát. Duy ngã bế tắc chỉ tìm thấy một thú tiêu khiển tạm bợ trong vòng lẩn quẩn của vật chất và hoan lạc trần luỵ, dẫn tới vô nghĩa chứ không dẫn đến vô biên. Sự giải phóng của tự do chỉ có thể xảy ra trong sự gặp gỡ. Trong sự gặp gỡ này, ta nhận ra một giá trị vô biên, cũng chính là giá trị ta cảm thấy nơi mình. Khao khát tự do là khao khát một giá trị vô biên. Điều đó mời gọi ta nhận ra cái hiện diện vô biên đang ở trong mỗi con người. Nhờ sự gặp gỡ, mà người ta cho mình có quyền thực hiện điều mình muốn, vì đã giải phóng khỏi bản thân bằng việc mở ra cho ngoại giới, phóng chiếu cho tự do đích thật. 

Nguyễn Văn Thượng
Số lần đọc: 1831
Ngày đăng: 04.07.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bút ký triết học số 01 - Nguyễn Văn Thượng
Hư vô qua tư duy triết học - Võ Công Liêm
Albert Camus, 50 năm sau ngày mất (1960-2010). Ông hoàng của triết học Phi lí - Hiếu Tân
Martin Heidegger "Sự thật của hiện hữu" - Võ Công Liêm
Kant "Một lối phê bình triết học" - Võ Công Liêm
Tình yêu triết học - Võ Công Liêm
TRIẾT HỌC NGHỆ THUẬT - Võ Công Liêm
Hương vị khác biệt của triết học - Võ Công Liêm
Tính triết lý của nhân vị trong Tưởng tượng và dấu vết của Uông Triều - Trần Thị Ty
Reading and Critique of Heidegger’s Phenomenology of Intuition and Expression: The case of history (Phänomenologie der Anschauung und des Ausdrucks; Theorie der Philosophischen Begrifffbildung) - Nguyễn Quỳnh USA
Cùng một tác giả