Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
500
116.585.446
 
Người mù vẽ...người mù
Từ Sâm

 

 

 

Người sáng mắt vẽ người mù là bình thường. Người mù vẽ người mù là chuyện hiếm ở VN.

Họa sĩ mù, anh hùng LLVT, Lê Duy Ứng vẽ người mù Từ Sĩ Soán.

 

Cả hai cùng thời, cùng bạn, cùng quê.

 

Anh Từ Sĩ Soán, chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1969. Là người Tiếng hát át tiếng bom của thời Quảng Bình (QB) hai giỏi. Năm 1969 được thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng thưởng chiếc đài Orionton để nghe tin tức (là tài sản rất có giá trị lúc đó). Cùng lúc, Báo Tiền Phong và Đài Tiếng Nói VN về  Làng Nguyệt thực hiện phóng sự về anh. Là người học và viết chữ Brai (chữ nổi) đầu tiên của QB và đàn giỏi hát hay cả giọng nam và nữ. Anh đủ tiêu chuẩn phong tặng anh hùng, nhưng không được đề nghị xét vì...chưa Đảng Viên. Lý do, lý lịch gia đình (có chú ruột làm thông dịch cho Pháp trong thời gian...3 tháng), và một phần có sự hiềm khích của cán bộ địa phương lúc đó. 

 

Anh Lê Duy Ứng, họa sĩ chiến trường. Năm 1975 bị thương hai mắt. Lấy máu vết thương vẽ ảnh Bác Hồ. Anh còn là nguồn cảm hứng để vở kịch Nguồn Sáng Trong Đời và Đôi Mắt sáng đèn sân khấu một thời, là người “cầm kỳ thi họa”...

 

Họa sĩ mù vẽ người mù thế nào đây ?.

 

Cách đây 20 năm họa sĩ vào Nha Trang, tôi đến thăm. Anh nói, để anh vẽ em làm kỷ niệm. Tôi hỏi. Anh thấy gì không. Một mắt còn một phần mười. Một mắt không thấy gì. Tôi thương anh, nói. Thôi, đừng vẽ nữa anh. Tội anh lắm.

Nhìn bàn tay rờ rẫn của anh, tôi nhớ anh Soán. Khi tôi về nhà, nằm bên, anh rờ khuôn mặt tôi để biết mập hay ốm, buồn hay vui. Có lúc nước mắt tôi thấm vào tay anh, ướt đẫm, buốt giá như giọt sương mùa đông tan chảy. Thương một mình anh trong căn nhà trống lạnh ngày cũng như đêm ...chỉ có một màu đen duy nhất.

 

Lần này cũng vậy. Họa sĩ cũng rờ khắp mặt tôi, rồi nói. Mặt mi răng mà in thằng Soán. Thế là anh vẽ. Tôi ngồi cạnh anh. Nét chì lúc đâm, lúc nhạt, lúc chệch khỏi ô giấy như người mù lạc lối. Nét đen gầy guộc,  lúc mạnh mẽ, lúc nhẹ nhàng hôn vào giấy trắng. Tôi hiện hình như một cơn mơ. Cơn mơ của thế giới nghệ thuật đích thực. Bức họa quí giá lần đầu trong đời tôi được vẽ. Tiếc thay nó bị thất lạc  khi tôi bạo bệnh. 

 

Chuyện riêng của anh tôi biết. Anh bị thương, bị mù hai mắt. Không muốn làm người vợ tương lại khổ. Anh từ chối tình yêu. Chị bảo. Anh sẽ lấy vợ. Em sẽ lấy chồng. Nhưng khi sinh con người ta bảo con giống mẹ thì anh có tưởng tượng ra khuôn mặt con không. Dù sao anh cũng đã thấy mặt em, dù em có xấu đi chăng nữa...Chính câu nói ấy đã làm anh cảm động và đổi ý.

 

Anh ở Hà Nội. Thỉnh thoảng về thăm quê. Quê ngoại anh là Làng Nguyệt tôi. Quê nội ở Cổ Hiền cách vài cây số.

 

Năm rồi, chúng tôi gặp lại nhau dịp tảo mộ. Tôi dắt tay anh qua thăm nhà bà con. Bà bác tuổi hơn 90 mà nhìn anh rất rõ. Anh nhìn lại  bằng đôi tay, bằng làn sương mờ đục phủ kín đôi tròng mắt. Anh vân vui cười, dấu nét buồn nấp sau cặp kính, sau cuộc đời dâu bể. Bao thăng trầm, hạnh phúc và đắng cay 70 năm như bóng câu qua cửa. Niềm vui anh trao cho đôi mắt, nỗi đau lặn vào trái tim đã bao lần rỉ máu...

Sau vai tôi, bàn tay anh vững chải ấm áp. Như là tôi tựa vào anh, anh dẫn tôi đi trên con đường đời ngắn chẳng tày gang còn lại...

 

Anh vẽ tặng anh Soán bức chân dung thời lửa đạn. Chiếc loa thiếc và đôi mắt mù trong khói bom. Thời gian mà sự sống và cái chết là ranh giới mỏng. Tuổi thanh xuân của hai người đã qua những ngày gian khó, vất vả và tự hào. Nhưng cũng dẽ bị nhòa bởi quá khứ và lịch sử dần mai một, lãng quên ...

 

Một bức họa hiếm hoi. Người vẽ vẽ bằng trí nhớ, bằng kỷ niệm, bằng hồi tưởng, bằng cảm thương tình bạn cùng chung số mệnh. Một bức họa mà cả họa sĩ và nhân vật đều không chiêm ngưỡng được màu sắc hình khối, đường nét và cả khoảng trống không màu bị bỏ rơi trong khung vải ...

 

Họa sĩ vẽ bằng đôi tai với khoảng lặng của nhịp phách, bằng điệu hò khoan hò hụi, bằng ánh sáng trong bóng tối nghìn trùng, bằng  đôi mắt ở bàn tay. Nhân vật là người thực hay chiếc bóng của quá khứ hiện về. Bàn chân dẫm vào tê buốt đất sâu, ngẫng phía cao xanh biết tỏ cùng ai vời vợi...

 

Họa sĩ hoàn thành hai bức giống nhau. Bức chính tặng Bảo Tàng Mỹ Thuật Quân đội. Bức thứ hai tặng bạn như trao về hơi ấm của người  tri âm...

 

Bức tranh treo ở góc nhà, phía mắt trời mọc. Ngôi nhà tuổi thơ tôi. Dưới ngôi nhà ấy, anh em tôi lớn lên như bầy chim tự tha mồi, làm tổ...     

  

 

 

 

Từ Sâm
Số lần đọc: 1399
Ngày đăng: 09.07.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Khôi "Sáng ngời, nồng ấm, chân thật - Lê Ngọc Trác
Cái chết của linh hồn - Võ Công Liêm
Mộ Nguyễn Du - Trần Công Nhung
Ai đã bênh vực cho ông giám đốc Sở Văn Hóa dốt nát nói liều? - Nguyễn Anh Tuấn
Siêu hình hiện sinh và trừu tượng hiện hữu - Võ Công Liêm
Tuyên ngôn bất hủ và lời hứa thiêng liêng bị đe dọa - Nguyễn Anh Tuấn
“Việt Phương, chất nồng say trầm tích” - Nhã Thuyên
Nhận biết ý nghĩa của nghệ thuật - Võ Công Liêm
Nhà thơ Thành Tôn và những hình ảnh tận tụy với văn học - Trần Văn Nam
Những Dời Đổi Địa Hình và Mối Hoài Cảm Thi Ca - Trần Văn Nam
Cùng một tác giả
Luyến (thơ)
Làng (thơ)
Khuyết (thơ)
Ảo (thơ)
Nợ em (thơ)
Tôi (thơ)
Sắn (thơ)
Ghép (thơ)
Chị (thơ)
(thơ)
Thằng Tít-rằn (truyện ngắn)
Gánh (thơ)
Nụ hôn trầm tích (truyện ngắn)
Cổ phần đêm 30 (truyện ngắn)
Gửi trái tim (tiểu luận)
Văn nghệ khai Xuân (điểm sách)
Mùi của bếp (tạp văn)