Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
724
116.610.484
 
Nguyễn Hiến Lê với “Quan niệm sáng tác của Edgar Poe 5% là hứng”
Hoàng Kim Oanh

 

 

 

Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) từ rất lâu, đã được nhiều người biết tới như một nhà văn, một nhà báo, một học giả có kiến thức uyên thâm, một dịch giả sắc sảo, một nhà giáo dục và hoạt động văn hóa có uy tín. Ông cũng là người đầu tiên ở Việt Nam dịch trực tiếp bài thơ kiệt tác Con quạ (The Raven) và Triết lý sáng tác (The Philosophy of Composition) của nhà văn, nhà thơ Mỹ kỳ tài Edgar Allan Poe từ tiếng Anh từ rất sớm, năm 1956. Qua đó đưa ra phân tích một quan niệm sáng tác khác với các quan niệm truyền thống, góp phần không nhỏ vào việc rèn luyện cách viết văn cho thanh niên Việt Nam khi chữ quốc ngữ mới được đưa vào nhà trường. Đây là một điều mới mẻ, táo bạo nhưng có hiệu quả to lớn với người sáng tác lúc bấy giờ và cũng không hề lỗi thời trong sáng tác hiện nay.

                      Từ khóa: Nguyễn Hiến Lê, Triết lý sáng tác, Edgar Allan Poe

 

 

 

 

1.                Mở đầu

         

              Đối với người Sài Gòn trước đây cũng như bây giờ, đặc biệt là tầng lớp trí thức, tên tuổi Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) từ rất lâu, đã được nhiều người biết tới như một nhà văn, một nhà báo, một học giả có kiến thức uyên thâm, một dịch giả sắc sảo, một nhà giáo dục và hoạt động văn hóa có uy tín…Khối lượng 120 tác phẩm biên soạn và dịch thuật có giá trị thuộc đủ mọi lãnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký... khiến cho người cùng thời lẫn chúng ta ngày nay không khỏi quí trọng ông về kiến thức uyên bác, học thuật có phương pháp, quan điểm sáng tác rạch ròi. Nhất là một nhân cách, bản lĩnh bình dị mà cao quý. Trong gia tài trước tác đồ sộ và đa dạng ấy, ông còn để lại cho thế hệ trẻ những bài học quý báu trong loạt sách học làm người: gương tự học, tinh thần làm việc nghiêm túc, và nhất là nhân cách cao thượng của một người trí thức chân chính.

Nguyễn Hiến Lê cũng là người đầu tiên ở Việt Nam dịch trực tiếp bài thơ kiệt tác Con quạ (The Raven) và Triết lý sáng tác (The Philosophy of Composition) của nhà văn, nhà thơ Mỹ Edgar Poe từ tiếng Anh, năm 1956. Trước đó hai mươi năm, năm 1936, nhà thơ Nguyễn Giang, người đầu tiên, đã từng dịch kiệt tác này từ bản dịch tiếng Pháp của Mallarmé nhưng chỉ thuần là việc chuyển ngữ, chưa đi vào phân tích, phê bình và nêu quan điểm tiếp nhận có chọn lọc rõ ràng như Nguyễn Hiến Lê.

Cũng xin nói thêm vài lời, Edgar Allan Poe (1809-1849) được coi là “ông tổ” cuả truyện trinh thám, truyện kinh dị, truyện khoa học viễn tưởng Mỹ; người "mở đầu cho chủ nghĩa tượng trưng" (Symbolism) không chỉ ở văn đàn nước Mỹ mà còn ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến các nhà thơ lãng mạn Pháp như Charles Baudelaire, Mallarmé, Valéry…Nhà thơ, nhà lý luận Nga K. Pauxtopxki còn cho rằng “Những thiên trường ca Con quạNhững cái chuông của ông được coi một cách xác đáng là những kiệt tác thế giới xét về chiều sâu và về sức mạnh thi ca” (Edgar A.Poe, Truyện kinh dị, Hoàng Văn Quang dịch, Nxb Lao động 1989, trang 129) và đề cao "thơ ca của ông đã trở thành báu vật không chỉ đối với thơ ca Mỹ mà còn của thơ ca toàn thế giới“ (trang 128). Charles Baudelaire - người mở đầu cho thơ tượng trưng Pháp và thế giới, vẫn tự coi mình là môn đệ trung thành của Edgar Poe. Nhiều công trình nghiên cứu ngày nay còn khẳng định ảnh hưởng sâu rộng của thiên tài bất hạnh mà tác phẩm của ông đã trở thành nỗi ám ảnh lạ kì đối với bao tâm hồn biết rung động trước cái Đẹp và văn chương. Có thể nói, Poe là một trong những đại diện xuất sắc nhất của chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Mỹ và thế giới. Trong văn chương Việt Nam, Hoài Thanh từng phát hiện từ rất sớm “Chế Lan Viên đã đi từ Baudelaire, Edgar Poe đến thơ Đường, còn Hàn Mặc Tử đã đi từ thơ Đường đến Baudelaire, Edgar Poe…” (Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, trang 31-32)

 

           Ở Việt Nam, việc dịch thuật và phân tích mảng lý luận phê bình của Edgar Poe vẫn là một khoảng trắng dù cho đến nay, văn học thế giới đều thừa nhận rằng, đó là những sáng tác quan trọng có nhiều ảnh hưởng đến bộ mặt văn học thế giới. Đọc lại bài phê bình cách đây hơn nửa thế kỉ của Nguyễn Hiến Lê mở đầu tập Luyện văn II của ông, có thể rút ra ý nghĩa về mặt lý luận sáng tác văn học nhiều bài học giá trị độc đáo.

 

2. Quan niệm sáng tác của Edgar Poe 5% là hứng

 

Thông thường, nhiều nhà văn nhà thơ chúng ta vẫn quan niệm Thơ là tiếng nói của cảm xúc. Câu trích quen thuộc của nhà thơ Pháp thế kỷ XIX, Alfred de Musset đã gần như luôn có mặt trong các giáo trình, bài giảng về cảm xúc của chủ thể sáng tạo trong thơ: "Hãy đập vào trái tim anh, thiên tài là ở đó". Chỉ cảm xúc thôi. Nàng Thơ yêu kiều, nguồn cảm hứng của thi nhân Đông Tây biết bao thế hệ mãi là cái gì đó thiêng liêng, cao quý không sao lý giải được. Nhà thơ Tô Thùy Yên trong một bài thơ sáng tác năm 1960 còn cho rằng “bài thơ lọt vào người như kẻ trộm…” (Thi sĩ, Thơ tuyển, trang 10). Nghĩa là lý trí cũng không chi phối quá trình sáng tác của ông mà tâm hồn nhà thơ thả nổi theo dòng cảm hứng bất thần không biết trước dù bản thân nhà thơ không phải không ý thức trải qua quá trình vật vã: “Tôi giựt giành đổ máu với tôi. Từng chữ một” (Thi sĩ, Thơ tuyển, trang 9). Trong tiểu luận của mình, Edgar Poe đã chuyển tải thông điệp trái ngược chân lý tưởng như hiển nhiên đó khi đề cao lý trí. Ông viết bài Con quạ khi chưa có một đầu đề nào cả mà chỉ có ý muốn viết một bài thơ đẹp mà thôi. Ông cũng chưa hề nghĩ tới biểu tượng mà sau này sẽ và đã, đang trở thành kiểu mẫu của thi ca thế giới: Con quạ. Sau đó, E.Poe còn viết tiểu luận Triết lý sáng tác (Philosophy of Composition) để giải thích quá trình ông sáng tác bài thơ và minh chứng cho quan niệm sáng tác của mình. Việc chọn bài thơ ‘Con quạ’ để giải thích quá trình sáng tác của Poe có lẽ cũng là việc làm độc nhất vô nhị thời bấy giờ. E.Poe đã chứng minh “không có một điểm nào trong bố cục của bài thơ có thể quy cho sự ngẫu nhiên hay trực giác, mà tác phẩm đã phát triển từng bước một cho đến khi hoàn thành với kết quả chính xác và nghiêm ngặt của một bài toán” (I select "The Raven", as most generally known. It is my design to render it manifest that no one point in its composition is referrible either to accident or intuition — that the work proceeded, step by step, to its completion with the precision and rigid consequence of a mathematical problem. (Baym Nina, 1989, The Philosophy of Composition, NY, tr. 1321).

Là người tự học và chịu khó nghiên cứu một cách có hệ thống, Nguyễn Hiến Lê đã nhạy bén tìm hiểu và chọn dịch ngay tiểu luận này của Edgar Poe.

 

Giá trị những đóng góp của Edgar Poe với sáng tác Việt Nam có lẽ phần lớn bắt nguồn từ những ý kiến phân tích, nhận định của Nguyễn Hiến Lê trong chương mở đầu Luyện văn II của ông. Năm 1956 bài thơ Con quạ (The Raven) và tiểu luận nổi tiếng Triết lý sáng tác (Philosophy of Composition) của Edgar Poe gồm cả nguyên tác tiếng Anh và bản dịch được xuất bản và sau đó tái bản ở Sài Gòn trong bộ Luyện văn I, II, III của ông. Công trình này ra đời những năm 1952-1957 khi tiếng Việt trở thành chuyển ngữ chính được sử dụng trong các ban Tiểu học và Trung học, chương trình ở các nhà trường có thêm giờ Việt Ngữ. Song thực tế, tình hình sử dụng Việt ngữ của thanh thiếu niên lúc bấy giờ theo lời tựa cuốn Luyện văn I, Nguyễn Hiến Lê cho biết:

 

“Phần đông người ta viết tiếng Việt mỗi ngày một cẩu thả. Chúng ta đối với tiếng mẹ cơ hồ như một thanh niên xử bạc với tình nhân: chưa bén tiếng thì đeo đai, đã quen hơi thì lãnh đạm. Trong các trường học dầu có thêm giờ Việt ngữ thật đấy, nhưng học sinh ở Nam Việt này viết văn tệ hơn hồi xưa nhiều. Đọc những bài luận của các em bực trung năm thứ tư (Lớp 9 bây giờ- HKO), ta còn thấy đầy những lỗi chánh tả, những tiếng dùng sai và những câu không đầu không đuôi, huênh hoang vô nghĩa…”

(Nguyễn Hiến Lê, Luyện văn, trang 7)

 

Vì thế, mục đích Nguyễn Hiến Lê ra công soạn bộ Luyện văn này là giúp thanh niên, nhất là để học sinh, sinh viên “có thêm một tài liệu tham khảo trong cách nói, cách viết” để “chẳng những luyện văn và hiểu văn, mà đồng thời còn có thể tẩy rửa một cách gián tiếp những tác phẩm cẩu thả của những nhà văn non nớt” (Lời tựa, Nguyễn Hiến Lê, 1952, tr. 11). Mượn một kiệt tác nước ngoài, có quan niệm khá mới mẻ, thậm chí còn bị coi là lập dị để luyện cách viết văn như Nguyễn Hiến Lê đúng là một điều mới mẻ, táo bạo song lại có hiệu quả lúc bấy giờ. Tác giả đã dành hẳn một chương (28 trang) với tiêu đề Quan niệm sáng tác của Edgar Poe 5% là hứng khá ấn tượng gồm 4 nội dung chính: (1) Sự thực ở đâu? (2) Triết lý sáng tác của Edgar Poe. Bài thơ Con quạ. (3) Phê bình triết lý đó. (4) 5% là hứng. Chương này được phát triển từ một bài báo tám trang cũng của tác giả đăng trên Tạp chí Bách Khoa số 4 năm 1957 (trang 16-23) với nhan đề “Edgar Poe đã sáng tác bài thơ bất hủ “The Raven” (Con Quạ) ra sao?

 

Trung thành với mục đích của Luyện văn như đã nói ở trên, Nguyễn Hiến Lê đã giới thiệu hai tuyệt tác này qua tiếng Việt, dạng văn xuôi. Chuyện “văn chương tự cổ vô bằng cứ” bình tán vốn là thói thường xưa nay. Nguyễn Hiến Lê cũng rất tâm lý khi bắt đầu bài viết của mình một cách bình dị theo kiểu kể lại cuộc đời và hoàn cảnh, quá trình sáng tác kiệt tác Con quạ của Edgar Poe. Dịch mà như không dịch. Sau đó, học giả đi vào phân tích khách quan cái hay và hạn chế trong quan niệm, phương pháp sáng tác của Edgar Poe. Ông cũng giúp người đọc tóm lược được những điểm chính trong quan niệm sáng tác của Poe mà ngày nay, hẳn khi ta cầm bút cũng ít nhiều tìm thấy khuôn mẫu cho mình:

 

(1)              Bài thơ không nên dài quá, nếu dài quá đọc một kì không hết thì cảm tưởng của độc giả sẽ bị đứt đoạn, ngưng lại, mấtntính cánh nhất trí; mà cũng không được ngắn quá thì cảm xúc mới triền miên…

(2)              Cảm xúc phải là sự thích thú. Bản chất của thơ là phải đẹp. Mà theo ông, cái đẹp, khi nó tới cực độ thì bao giờ cũng làm người ta rỏ lệ, do đó, giọng thơ phải buồn. Cái chết cuả một người phụ nữ đẹp chính là đề tài nên thơ nhất của thi ca thế giới. “The death of a beautiful woman is, unquestionably, the most poetical topic in the world.” (E.A.Poe, Philosophy of Composition).

(3)              Bài thơ phải có một điểm làm điệu chính, có tính cách nghệ thuật, kích thích. Điểm đó sẽ là điệp khúc (refrains). Nhưng điệp khúc chỉ được đơn điệu về âm thanh, chứ không được đơn điệu về ý tưởng.

(4)              Điệp khúc khép lại mỗi đoạn phải là một tiếng có âm vang lên và dài… Poe đã xét hết thảy các âm của Anh ngữ và cuối cùng lựa hai âm O và R để diễn một ý buồn. Nevermore=không bao giờ nữa… chính là điệp khúc tuyệt vọng não nề Poe chọn cho The Raven.

(5)              Hình ảnh Con quạ được Edgar Poe tưởng tượng ra một đêm giông tố. Con quạ bạt gió, tìm chỗ ẩn, bay tới cửa phòng, đập vào cánh cửa đóng, làm cho chàng tưởng tượng như hồn người yêu về gõ cửa…Biểu tượng này mang nhiều ám gợi độc đáo.

 

Cuối cùng, Nguyễn Hiến Lê nhấn mạnh: “phương pháp sáng tác của ông như vậy: hình thức quyết định nội dung; mà hình thức thì được nghiên cứu một cách tỉ mỉ, từ số câu, số đoạn, đến sự dài ngắn của điệp khúc, âm thanh của các tiếng…ông đều định một cách toán học, y như một kiến trúc sư định kích thước, vẽ bản đồ, tính số vôi, sắt, gỗ cho một ngôi nhà vậy… (Luyện văn, trang 19)

 

Về cái hay, Nguyễn Hiến Lê viết: “Tôi nhận thấy khéo thì khéo thật, khéo lắm: trong văn chương Âu Mỹ tôi chưa từng gặp bài nào có mười tám điệp khúc ngắn, âm vang, ngân mà nghĩa lại thay đổi như vậy (…) bài thơ du dương và quyến rũ ta lạ lùng như một bài thần chú vậy.” (Nguyễn Hiến Lê, Luyện văn, tr.32). Nhưng không phải mù quáng đi theo xu hướng tôn thờ bất kì những giá trị phương Tây nào du nhập vào nước ta như số đông, cụ Nguyễn thẳng thắn nói rõ: “Cái triết lý sáng tác đó, không hợp với quan niệm của tôi”, và ông cho rằng “phương pháp của Edgar Poe chỉ có thể dùng để sáng tác những tiểu phẩm khéo mà không hồn, chứ không thể làm quy tắc chung cho nghệ sĩ”. Vì theo ông, “văn thơ phải xây dựng trên tình cảm và tư tưởng, tình cảm chân thành và tư tưởng thanh cao thì văn mới có khí, mới uyển chuyển biến hóa; nếu vun trồng trên khu đất của âm thanh thì dù có đâm được vài chồi tươi nhỏ, cũng mau héo hắt đi mà chết sớm.” (Nguyễn Hiến Lê, Sđd, 32-35). Kết lại, ông cho rằng “Hứng chỉ là nguyên nhân thúc đẩy ta viết, lựa đầu đề, âm tiết và hình ảnh”; nó chỉ quan trọng có “năm phần trăm, còn chín mươi lăm phần trăm nữa là công phu” (tr.38).

Gạn đục khơi trong, Nguyễn Hiến Lê cũng xem xét hoàn cảnh bi kịch của Edgar Poe, viết xong bài Con quạ thì vợ ông Virginia mất…, ông cũng không phủ nhận giá trị tư liệu có ích của nó. Có phải do rút kinh nghiệm từ người xưa, ông đã cho ra đời tập hồi kí có giá trị “Đời viết văn của tôi”? Ông còn nêu cụ thể “chỉ có trường hợp sáng tác là sai, còn phương pháp sáng tác vẫn đúng” (tr.37) và khuyên “người cầm bút nào cũng nên đọc nó và suy nghĩ” (tr.35).

 

Về việc dịch bài thơ Con quạ, đối chiếu với bản dịch năm 1936 của Nguyễn Giang (văn xuôi) và bản dịch năm 2004 của Hoàng Tố Mai (văn vần, văn xuôi), theo cảm nhận của chúng tôi, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê chuẩn xác nhất cả về ngữ pháp, phong cách ngôn ngữ, giọng điệu và ý nghĩa. Nguyễn Giang thì dịch thoát ý và giọng văn bình dân hơn nhưng có chỗ còn luộm thuộm không sát nguyên tác. Ở đây chúng tôi không có ý phê phán vì khoảng cách thời gian của hai bản dịch khá xa, độ lệch giữa hai văn bản là điều tất yếu cuả lịch sử. Tiếng Việt trong hai mươi năm đó đã đi một chặng đường dài.  Hơn nữa mục đích dịch thuật của hai tác giả cũng khác nhau. Quan điểm dịch thuật của Nguyễn Giang là “trong một bài văn thì ta có thể bắt chước được cái cách các ý tứ dàng* buộc nhau, chứ không thể nào bắt chước được từng đoạn từng chữ.” (*giữ nguyên từ dùng của Nguyễn Giang). Và khi dịch, ông chỉ “cốt làm sao dịch cho nó ra cái ý cảm động, yêu thương nồng nàn của đoạn đó là được rồi.”(Nguyễn Giang, 1936, Danh văn Âu Mỹ, H: Imprimerie D’Extrême-Orient, tr. 24). Vì vậy, nhiều đoạn có những từ khá ngộ nghĩnh và mang phong cách văn nói. Ví dụ như đoạn áp chót của bài thơ:

 

 “Thôi thôi! Ta “thủy thui” vào cái mỏ ngươi! Dù ngưoi là chim hay quỷ mặc dầu, lần này là lần cuối cùng ta nói chuyện với ngươi. Ngươi khá mau mau trở về nơi hàn cốc âm nhai là nơi ngươi thường ở. Ngươi khá đi ngay khỏi chốn này, mà chớ để lại đây một mảnh lông đen nào của ngươi gọi là làm ghi cái câu giả dối, lăng mạ đất trời ngươi vừa kêu đó! Ngươi khá để mặc cho ta sầu não một mình, ngươi khá đi khỏi cái tượng trên cửa nhà này, đừng ở lại mà moi móc ruột gan ta thêm nữa. Từ nay ta thủy thui vào cái mỏ ngươi. Con quạ nói: chẳng còn gì nữa hết.”

 

Nguyên văn:

"Be that word our sign of parting, bird or fiend!" I shrieked, upstarting—


"Get thee back into the tempest and the Night's Plutonian shore!


Leave no black plume as a token of that lie thy soul hath spoken!

Leave my loneliness unbroken! -- quit the bust above my door!


Take thy beak from out my heart, and take thy form from off my door!"


Quoth the raven, "Nevermore."

    (E.A.Poe, The Raven, 1845)

 

Mục đích dịch văn chương của Nguyễn Hiến Lê là để “luyện văn” nên rất chú trọng cú pháp, ngữ nghĩa của đoạn và phong cách của tác giả để tính bác học của bài thơ không bị mất đi:

Tôi đứng dậy, la lên :" Mi nói vậy thì thôi mi và ta phải xa nhau, mi , loài chim hay là bạn! Mi lại trở về trong dông tố và cõi âm đi! Đừng để lại đây một cái lông đen nào để đánh dấu lời dối trá mà hồn mi mới thốt ra đó! Để ta âu sầu một mình! Rời tượng bán thân trên cửa ta đi ! Mỏ mi đừng moi tim ta nữa, và hình mi ra xa khỏi cửa này đi! Con quạ đáp: "Không bao giờ nữa!"

 

Hoàng Tố Mai thì dịch kiệm lời nhất, chỉ có 70 từ, 304 mẫu tự:

 

“Tôi đứng phắt dậy gào lên:  Hãy quay về với dông bão và bờ Đêm địa ngục. Đừng bỏ lại một chiếc lông đen nào làm bằng cho lời dối trá mà hồn ngươi vừa phun ra. Cút khỏi pho tượng trên cánh cửa buồng ta. Hãy rút mỏ ra khỏi tim ta và mang hình hài ngươi biến sau khung cửa. Con quạ đáp lời: “Không bao giờ nữa.”

 

Văn bản trong nguyên tác của Poe chỉ có 68 từ, 301 mẫu tự. Nguyễn Hiến Lê dịch ra tiếng Việt 98 từ, 283 mẫu tự, còn Nguyễn Giang vì diễn ý trùng lặp nên đến 127 từ, 508 ký tự. Về ý nghĩa, cơ bản cả ba bản dịch không quá sai biệt so với nguyên tác. Điều ấy cho thấy Poe đã được ba thế hệ người đọc tiếp cận khá chính xác với sự đồng cảm cao, những sai biệt chỉ xuất phát bởi quan niệm chuyển tải của mỗi người cộng với khoảnh cách thời gian của một ngôn ngữ đang trên đường hoàn thiện và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của từng đối tượng người đọc qua những thời kỳ khác nhau…

3.      Thay lời kết

Trong Hồi kí Đời viết văn của tôi, học giả có uy tín của miền Nam này cho biết đây là bài đầu tiên ông góp mặt với Bách Khoa - một tờ báo có địa vị đặc biệt trên văn đàn Sài Gòn và miền Nam nói chung thời bấy giờ, “có lập trường đúng đắn, lý luận vững, ngôn ngữ đàng hoàng” (trang 188), được giới trí thức trong và ngoài nước ủng hộ. Xuất hiện trên Bách Khoa, thiết nghĩ Edgar Poe đã được đón nhận rộng rãi (theo Nguyễn Hiến Lê mỗi số in khoảng 4000 - 5000 bản) bởi một tầng lớp độc giả khá chọn lọc nhưng thành phần đa dạng về trình độ, tuổi tác, rộng mở hơn so với Luyện văn thuần chỉ trong phạm vi hẹp đối tượng thanh niên học sinh Trung học và Đại học.

Chọn một bài viết để ra mắt công chúng, người viết nào cũng mong được độc giả hoan nghênh đón nhận. Muốn được đón nhận chắc chắn phải nghĩ đến vấn đề nào đang được người đọc quan tâm, hoặc cái mới, cái hay, cái cần thiết đối với họ. Làm báo, có đón được tâm lý, thị hiếu của độc giả thì mới mong tiêu thụ được báo. Khôi phục lại tầm đón đợi của đối tượng người đọc thời điểm Nguyễn Hiến Lê viết bài nghiên cứu phê bình này có thể hiểu vì sao ông chọn thể loại tiểu luận phê bình của Poe mà không đi vào truyện kinh dị hay trinh thám, thể loại rất ăn khách đối với đông đảo độc giả bình dân, có nhu cầu giải trí rất lớn. Đồng thời khuyến khích “nếu các văn hào, thi hào ghi cả lại những dò dẫm về bút pháp của mình, thì bây giờ chúng ta được những bài học quý giá biết bao về nghệ thuật viết văn.” (Luyện văn, tr. 36).

Nhìn lại lịch sử tiếp nhận Edgar Poe ở Việt Nam, đây là bài dịch và phân tích đánh giá đầu tiên về tiểu luận Philosophy of Composition trong 2/3 thế kỉ dịch thuật tác phẩm của Poe. Trước ông - Nguyễn Giang, và sau ông - Hoàng Tố Mai, chỉ chú trọng công việc chuyển ngữ mà thôi. Việc sử dụng phương pháp khoa học: phân tích cẩn trọng, khách quan đi từ khâu tìm hiểu nguyên tác, dịch nghĩa, rồi căn cứ vào văn bản, kết hợp liên hệ với cuộc đời nhà thơ, nhận định của những nhà phê bình Âu Mỹ khác (Jean Barangy, Le grand amour d’Edgar Poe, 1956), sau đó mới đưa ra những kiến giải chủ quan khiến cho ý kiến của Nguyễn Hiến Lê có một độ tin cậy, hợp lý cao như chính kiến thức và tên tuổi của ông.

 

Đó cũng là lý do vì sao qua hơn nửa thế kỉ, tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê vẫn tươi mới và có một vị trí khó thay thế trong văn đàn Việt và nhiều tầng lớp người đọc hôm nay.

 

Sài Gòn, tháng 9.2009

Đọc lại và bổ sung tháng 5. 2015

 

 

 

Hoàng Kim Oanh
Số lần đọc: 1868
Ngày đăng: 09.08.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà thơ Xuân Diệu mà tôi biết : trích hồi ký “Về người cha thi sĩ” - Lâm Bích Thủy
Thái độ của vị kỷ (II) - Võ Công Liêm
Quan niệm nghệ thuật và “triết lý sáng tác’’ của Edgar Allan Poe* - Hoàng Kim Oanh
Chất thơ do cảm nhận vài kiến thức về tư-tưởng của Kant và Hegel - Trần Văn Nam
Thập giá - phận Người… (Mục “ Sống và viết, tập san vhnt Quán Văn 46 ) - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Chủ nghĩa bí truyền - Võ Công Liêm
Lê Hồng Khánh "Sông Trà vẫn một sắc riêng" - Lê Ngọc Trác
Người mù vẽ...người mù - Từ Sâm
Nguyễn Khôi "Sáng ngời, nồng ấm, chân thật - Lê Ngọc Trác
Cái chết của linh hồn - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả