Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
767
116.498.086
 
Bàn tay đáng bắt
Lê Phú Khải

Thường thường các buổi chiều họa sỹ điêu khắc gia Diệp Minh Châu  hay ngồi ở vỉa hè trước cửa nhà ông số 222 đường Pasteur uống cà phê. Đó là một ngôi biệt thự khá đẹp, có vườn trước, sân sau rất rộng rãi. Khi cấp ngôi nhà này cho họa sỹ, đ/c Võ Văn Kiệt trong Ban quân quản lúc đó có ý định để sau này làm nhà lưu niệm bầy tượng và tranh mà ông đã sáng tạo trong cả đời người …

 

Chiều hôm đó cũng như bao buổi chiều khác, đi qua nhà họa sỹ tôi liếc xem  ông có ngồi uống cafê không …Nếu rảnh rang tôi sà vào tán dóc … Nhưng hôm đó thì lạ quá. Tôi thấy họa sỹ chân tay quần áo bê bết bùn đất, còn tệ hơn cả ngươi vừa mới ở ruộng cầy lên, ông ngồi vừa hút thuốc, vừa đăm chiêu suy nghĩ, khác hẳn với mọi lần … Tôi kéo cái ghế thấp ngồi lại  cạnh ông và còn kịp nhận ra đất bám trên áo họa sỹ toàn là thứ đất sét, vàng khè, loang lổ … thứ đất này bám vào quần áo giặt khó sạch lắm …Tôi hỏi ngay : Hôm nay anh Tư đi cầy ruộng ở đâu về vậy, chuyển nghề vẽ rồi sao ?! Họa sỹ Diệp Minh Châu cười ! Ông không nói gì cả, chỉ kêu càfê cho tôi uống. Tôi lại hỏi về vụ quần áo sao mà dơ thế ? Ông vẫn cười, biểu tôi : Cứ uống cafê đi, hôm nay ở đây chơi với tao, có việc tao bàn với mày …Tàn cuộc cafê, ông luồn tay vào khe cổng, gỡ cái xích sắt ra, bầy chó trong nhà nhận ra tín hiệu, chúng ''thừa gió bẻ măng'' uà ra đường tranh thủ rong chơi ít phút, chờ cho đến khi nào ông chủ dễ tính của nó kêu mới ngoan ngoãn vô sân …

 

Anh Tư Diệp Minh Châu đưa tôi lên thẳng cái thềm  rộng của ngôi biệt thự. Bây giờ thì tôi nhận ra tất cả. Một pho tượng phác thảo bằng đất sét đang nặn dở, cao chừng 1 mét. Xung quanh là những khối đất sét nằm la liệt, tiện tay nhà điêu khắc có thể véo một miếng (!). Anh Tư cho tôi hay, tỉnh Tiền Giang (bao gồm hai tỉnh cũ Gò Công và Mỹ Tho) mời ông làm tượng đài Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định để dựng ở Gò Công, nơi người anh hùng dân tộc khởi binh chống Pháp. Tượng sẽ được  làm bằng đá hoa cương trắng cao gần 8 mét, dự kiến phải 3 - 4 năm mới hoàn thành. Tôi thầm phục tỉnh Tiền Giang, vì đây là tỉnh rất chú ý đến việc xây dựng các tượng đài lịch sử, và làm công việc này một cách  bài bản, công phu. Đầu những năm 80, tỉnh đã cho dựng tượng đài Thủ Khoa Huân ở Mỹ Tho bằng đá hoa cương do điêu khắc gia Nguyễn Hải, một trong những học trò xuất sắc của thầy Diệp Minh Châu ở Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Hà Nội năm xưa sáng tác. Tượng Thủ Khoa Huân được dư luận rất chú ý, vì đây là công trình tượng đài vào loại sớm nhất ở Nam Bộ sau giải phóng thành công về nhiều mặt. Có lẽ nhân thắng lợi này, Tỉnh Tiền Giang "thừa thắng xông lên" làm tượng đài Trương Định! Tượng đài Trương Định quy mô lớn hơn tượng Thủ Khoa Huân nhiều, cao tới 8 mét cũng bằng đá hoa cương. Đây là giai đoạn quan trọng nhất của quá trình sáng tạo một tác phẩm điêu khắc. Là lúc nhà điêu khắc đi tìm "tứ" cho tác phẩm của mình. Anh Tư Châu biểu với tôi, cả mấy tháng nay anh đã tìm đọc các sách sử tiếng Tây, tiếng ta về Trương Định. Trong đầu anh lúc nào cũng hình dung ra một vị tướng quân đã không nghe theo lệnh triều đình hàng giặc, quay giáo cùng nhân dân chống lại quân xâm lược. Rồi bỗng một đêm anh vụt ra trong đầu hai chữ : lẫm liệt!

 

…Châm một mồi thuốc, từ từ nhả khói, anh Tư Châu chậm rãi nói  với tôi : Tao đọc sách hình dung lúc tướng quân Trương Định  xung trận rất lẫm liệt ! Tướng quân Trương Định phải lẫm liệt. Lẫm liệt là cái"tứ" cho pho tượng tao phải nặn. Mày là nhà văn, mày thấy thế nào ?!

      

Chao ôi ! Tôi đâu có phải là nhà văn nhà võ gì…Tôi chỉ là thằng chán ngán chốn nha lại, chán cơ chế bao cấp mấy  mươi năm, xin vô Nam "thường trú", đi viết báo dạo kiếm sống qua ngày mười mấy năm qua mà thôi…

 

Nhưng anh Tư Châu đã hỏi thì tôi phải nói. Tôi cho rằng, cái "tứ" mà anh Tư vừa nói chính là chủ đề của pho tượng. Cả một tỉnh người ta nhờ anh làm tượng là nhờ anh nghĩ ra cái chủ đề đó. Anh đã khám phá ra, bây giờ chỉ còn chờ nó hiện lên bằng nghệ thuật tạo hình của anh mà thôi (!).

 

Tôi nói đưa đẩy, để tỏ ra mình cũng không phải là một thằng ngu, thế thôi, chứ tôi đâu có biết gì về điêu khắc, tạo hình… Không ngờ anh Tư vỗ vai tôi đánh đét:

 

- Mầy được lắm ! Mầy thấy không - anh trỏ tay vào những đường lượn sóng vừa được nặn, còn ướt mầu đất sét dưới chân tượng - hào hứng nói tiếp : Đó là những con sóng ở "đám - lá - tối - trời " nơi tướng quân Trương Định náu binh khi ông mới dấy quân chống Pháp. Sau này, khi tượng đài được cắt băng khánh thành ở Gò Công, đứng từ xa, nhìn những lượn sóng bằng đá hoa cương dưới chân tượng, được ánh nắng ban mai chiếu vào, lung linh như sóng vỗ, tôi mới hiểu ý nghĩa của những đường nét đó.

      

Không bao giờ nên "góp ý "với các nghệ sỹ cả ! Đó là một chân lý mà nhiều người đến bây giờ vẫn không thèm hiểu. Sáng tạo nghệ thuật là những phút thăng hoa, vụt sáng trong tâm hồn con người. Các nghệ sỹ danh tiếng, đã được cuộc đời thừa nhận tài năng thì mỗi sáng tạo của họ là lúc con chim đang bay nó chao cánh, con cá đang bơi nó liệng mình, vì thế đã có lần nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện đã nói với tôi rằng : Không ai làm cái việc dớ dẩn là vẽ đường cho chim bay cá lượn cả(!) Nghe đâu ông Nguyễn Khắc Viện sau đó còn viết cả một bài nói về ý kiến này đăng trên một tạp chí ở  Miền Trung được nhiều văn nghệ sỹ ưa thích.

           

Tôi xin mở ngoặc ở đây để kể một vài mẩu chuyện vui có liên quan đến nghệ thuật điêu khắc mà tôi đọc được, nghe được. Hồi Cách mạng tháng Mười mới thành công, người ta có dựng một tượng Marx ở một quảng trường. Khi khánh thành tượng, Lê Nin được mời đến xem. Nhưng khi có người hỏi ý kiến Lê Nin về tượng Marx mới được dựng thì ông trả lời rằng, hãy hỏi ý kiến Lu-na-natxki, vì ông không rành về tượng !(Lu-na-natxki là ủy viên văn hóa, như bộ trưởng bộ văn hóa lúc bấy giờ). Một chuyện khác, ở một thành phố Châu Âu nọ, trong lễ khánh thành một tượng đài, ông thị trưởng thành phố sau khi ngắm nghía pho tượng đã góp ý với nhà điêu khắc rằng, cái mũi của pho tượng hơi dài quá, đề nghị tác giả sửa. Nhà điêu khắc nọ bèn trèo lên tượng đài, tay cầm theo một nắm đá vụn, khi leo lên đến nơi, ông ta chỉ thả tay cho nắm đá vụn bay xuống thôi mà không sửa gì cái mũi của pho tượng. Nhưng khi ông leo xuống rồi thì ngài thị trưởng đã reo lên : Rõ ràng là sửa bớt cái mũi, tượng đẹp hẳn lên (!) (trước sự vui mừng của mọi người!!!)

        

Điêu khắc là như thế. Xin được trở lại với tượng đài Trương Định. Từ đó trở đi, cứ cách ít lâu tôi lại ghé anh Tư để xem tiến độ. Tôi nẩy ra ý định sẽ theo dõi từ A đến Z quá trình sáng tạo tượng đài Trương Định để có hiểu biết về công việc của nhà điêu khắc. Theo năm tháng, tướng quân Trương Định cứ cứ "lớn" dần lên với bàn tay của điêu khắc gia Diệp Minh Châu. (Cứ mỗi một kích cỡ, lại phải nặn một mẫu mới, tính ra đến 11 lần). Cho đến lúc chỉ riêng phần nửa thân trên của tượng đã cao đến 4 - 5 mét, sử dụng đến hàng tấn đất sét thì công việc trở nên nặng nhọc vô cùng. Anh Tư Châu phải bắt giàn giáo để làm việc. Có độ vào mùa mưa, đang làm việc thì trời đổ nước xuống. Tượng đất sét nhão ra, phải căng ni lông che. Tạnh, lại hạ mái ny lông xuống làm việc. Có lần tôi thấy anh Tư tay cầm con dao trèo lên thang sau một trận mưa, chân đi dép dính đất sét ướt, trơn lầy như mỡ, đã thế có lúc anh còn nghiêng hẳn người sang một bên để ngắm nghía, vừa đẽo gọt vừa suy nghĩ… Ở tuổi đã ngoài 70, với dao nhọn trong tay, lại trèo cao trên một cái thang trơn lầy và mải mê làm việc như thế. Tôi rất lo cho sự an toàn của anh Tư. Tôi góp ý về sự không an toàn này nhiều lần nhưng anh Tư đều bỏ ngoài tai. Có bận anh còn đứng trên thang, biểu tôi tung gói ba số lên cho anh hút ! Nhưng sau này, rõ ràng anh Tư phải thuê thêm một vài sinh viên trường Mỹ thuật đến phụ anh làm tượng. Các bạn trẻ giúp anh trèo lên trèo xuống che tượng lúc mưa, vận chuyển nguyên liệu, đục đẽo chỗ này chỗ kia. Cứ mỗi lần đến "theo dõi" làm tượng như thế, tôi ở cả buổi trong cái sân sau biệt thự 222 Pasteur khi ấy như một góc công trường ngổn ngan đất cát. Tôi đã chọn những góc độ khác nhau để chụp anh Tư đang làm tượng trên cao và lựa được những kiểu ảnh rất vừa ý. Cả thảy từ lúc đầu đến ngày khánh thành dựng tượng đá hoa cương Trương Định cao gần 8 mét, ở thị xã Gò Công, tôi đã chụp 10 cuộn phim, tương đương với  chuyến đi dự lễ 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hơn cả những số phim mà tôi đã chụp trong một chuyến đi nước ngoài. Những lúc nghỉ  tay, anh Tư Châu đã kể cho tôi nghe không biết bao nhiêu điều lý thú về cuộc đời nghệ sỹ đầy khát vọng, đầy gian lao và gắn bó với cách mạng, với Bác Hồ của anh. Có lần anh đưa gói thuốc cho tôi rút một điếu và nói: Bác Hồ là người lịch sự lắm. Suốt thời gian tôi ở với Bác, khi nào mở một hộp thuốc mới (thứ hộp tròn đựng 50 điếu thuốc một hộp, loại sang -LPK), Bác cũng mời tôi hút trước ! Tôi nói đùa : Ở trong rừng khí hậu ẩm ướt, chắc là Bác sợ thuốc mốc nên mời anh hút thử trước đó thôi, anh đừng tưởng là mình có giá (!). Anh Tư Châu thích chí cười ngất (!). Cũng trong những lần như thế, tôi hỏi kỹ anh Tư Châu về quy trình làm tượng, đúc tượng bằng các loại vật liệu khác nhau như thạch cao, đá, đồng, ngọc thạch .v.v…vì biết anh Châu là một trong những người Việt Nam am tường nhất về nghệ thuật tạo hình. Anh đã từng tu nghiệp ở Tiệp, ở Ấn Độ…Anh Tư Châu cho biết, với tượng đá hoa cương, như tượng Trương Định đang làm thì đến khi nào mẫu tượng bằng đất sét hoàn chỉnh cả về kích thước và hình khối, đường nét, tượng đất sét đó sẽ được đắp thạch cao bên ngoài. Sau đó bửa khối thạch cao làm đôi, moi hết đất sét ở trong ra, ta sẽ có một cái khuôn bằng thạch cao. Sau đó lại đổ thạch cao vào khuôn, một thời gian sau dỡ khuôn ra, ta sẽ có một tượng mẫu bằng thạch cao. Mẫu tượng thạch cao đó sẽ được đưa đến xí nghiệp điêu khắc để các nghệ nhân điêu khắc sẽ chiếu theo mẫu tượng thạch cao mà đục đá làm tượng. Lúc đó nhà điêu khắc chỉ cần lâu lâu ghé qua xí nghiệp, công trường điêu khắc để theo dõi người ta thi công có đúng với mẫu tượng của mình không ? Do tượng lớn, không thể đục cả khối đá thành tượng, nên phải chia tượng ra làm nhiều phần để thi công. Khi hoàn thành người ta dùng xe tải cỡ lớn chở từng phần của tượng đá đến nơi dựng tượng. Dùng cần cẩu để đặt từng bộ phận của tượng lên bệ. Một  lõi thép xuyên suốt các phần của tượng qua những lỗ hổng được đục sẵn ở giữa giữ cho tượng chắc chắn mà không cần đến các chất kết dính.

           

Mấy năm đã trôi qua và ngày vui đã đến. Tôi theo anh Tư Châu xuống Gò Công để dự lễ khánh thành tượng đài Đại nguyên soái tướng quân Trương Định. Nguyên tắc dựng tượng đài là không thể để hình ảnh người anh hùng thiêng liêng lại là những tảng đá được chở từ đâu tới và câu ghép trước mắt mọi người. Tất cả những việc đó phải được làm một cách "bí mật" trong đêm hôm trước !

           

Ngày khánh thành tượng đài được tổ chức vào ngày giỗ Tướng quân Trương Định lần thứ 131, 20/8/1995 - 25/7 Ất Hợi. Năm nào nhân dân Gò Công cũng làm giỗ Trương Định vào ngày 25/7 âm lịch. Nhưng có thể nói chưa năm nào giỗ to như năm ấy. Các đại biểu được mời nhiều người lập thành đoàn về chơi thị xã từ mấy ngày trước. Dĩ nhiên là anh Tư Châu và chúng tôi cũng phải đến trước. Sau cuộc họp với ban tổ chức lễ hội, tôi cầm tờ thiệp mời dự lễ khánh thành in rất đẹp, có hình tượng đài Trương Định. Vì tượng chưa được dựng nên tấm hình in trên thiệp mời là hình mẫu tượng bằng đất sét mà tôi thấy lần đầu tiên tại thềm nhà anh Tư 3 - 4 năm về trước. Ngắm hình tượng Trương Định trên tờ thiệp mời trong tay, tôi nẩy ra ý định đưa tin trên báo SGGP cùng với hình ảnh vào số báo ngay trong ngày khánh thành tượng đài … làm một món quà nhỏ với tỉnh Tiền Giang, nơi tôi đã làm phóng viên thường trú 11 năm tại tỉnh. Tôi quay về Thành phố Hồ Chí Minh và đến ngay Báo SGGP. Sau khi nghe tôi trình bày ngắn gọn và nói rõ không khí chuẩn bị cho lễ hội của tỉnh, thời tiết lại rất tốt, chắc chắn sẽ không có gì trục trặc về thời gian, anh Tuất Việt đã lắng nghe và không nói gì cả,  anh cầm cái tin ảnh xếp  lên chồng tin ảnh đã duyệt ở góc bàn. Với Tổng biên tập Tuất Việt, tôi biết thế là đã xong ! Tôi lại nhẩy xe đò về Gò Công ngay. Nhưng tối hôm đó không sao ngủ được, lo có gì trục trặc phải hoãn lễ khánh thành tượng đài thì biết nói thế nào về cái tin  đã đưa lên báo !

           

Nhưng mọi việc đã diễn ra như kế hoạch. Sáng hôm đó chủ nhật 20-8-1995, đồng bào thị xã Gò Công và các vùng lân cận đổ về nơi dựng tượng đài như đi trẩy hội. Các bà các cụ đều khăn đóng áo dài, "đồ tế nhiễu của riêng tây" đều đem ra mặc hết ! Chưa bao giờ cái thị xã ven biển này tưng bừng như thế. Tiểu đoàn Trương Định của tỉnh làm một hàng rào danh dự lưỡi lê tuốt trần đón đại biểu từ các nơi. Một tiểu đội "dao tu, nón gõ" như trang phục của binh lính dưới quyền Tướng quân năm xưa đứng gác dưới chân tượng đài. Lồng lộng trên một  bệ đá đen cao 4 mét 5 là tượng Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định cao 8 mét bằng đá hoa cương trong tư thế giận dữ đặt tay vào đốc gươm…Ai cũng trầm trồ khen tướng quân Trương Định thật oai phong lẫm liệt ! Nghe đâu những người họ Trương quê ở Gò Công cũng tìm về dự lễ hội khá đông. Có một vị cao niên vận áo cà sa, tay cầm 1 cây súng dài, tự nhận là hậu  duệ của tướng quân Trương Định với cây súng "của Tướng quân năm xưa" cũng về dự. Vị này được các tay nhiếp ảnh săn sóc nhất ! Thực hư thế nào chưa hay nhưng không khí thì phấn chấn lắm. Sau lễ cắt băng khánh thành tượng đài và diễn văn của bí thư tỉnh ủy, họa sỹ Diệp Minh Châu, tác giả của tượng đài được mời lên diễn đàn. Họa sỹ đã cho rằng, là tác phẩm lớn cuối đời của ông nên ông đã lao động với tinh thần "để lại cho đời "…

           

Tôi rời khỏi khu lễ hội để ra Bưu điện thị xã đọc một cái tin đầy đủ hơn ra Hà Nội, rồi đi tìm một sạp báo. Đây rồi! Tờ báo SGGP chủ nhật 20-8-1995  đã in  lên trang nhất tin ảnh : "Khánh thành tượng đài anh hùng dân tộc Trương Định", đóng khung xanh cẩn thận !Tôi mua hai tờ để tặng anh Tư một tờ. Báo bán hết ngay nhờ có hình tượng tướng quân Trương Định ngay trang nhất. Có lẽ, đây là lần đầu tiên một tờ báo in đưa tin đồng thời với sự kiện, điều chỉ có phát thanh và truyền hình nếu tường thuật trực tiếp mới làm được. Một người xem báo đã nói với người đứng quanh : Đù mẹ! thằng nhà báo nào đưa tin lẹ quá (!) Chưa bao giờ tôi thấy hả hê như thế!!! Tôi thầm cảm ơn Tổng biên tập Tuất Việt đã rất "chịu chơi", tuy có phần hơi "mạo hiểm"!!!

           

Tôi về đến nhà khách ủy ban huyện thì mọi người đang liên hoan vui vẻ. Thấy tôi về muộn, anh Tư "phạt" một ly đế ! Nhưng khi tôi đưa tờ báo có tin - ảnh ra thì anh Tư lại "thưởng"tôi một ly ! Ở cái xứ Gò Công thượng võ này "luật lệ" nghiêm lắm. "Thưởng" "phạt" đều như nhau và không chiếu cố ai, dù là khách (!) Một lúc sau lại có tin Đài TNVN đưa tin khánh thành tượng đài anh hùng dân tộc Trương Định tại Gò Công, đó là cái tin tôi mới đọc ra lúc 10 giờ.. Tôi đoán là hệ thống loa truyền thanh công cộng trong thị xã của đài truyền thanh huyện, tiếp âm chương trình thời sự trưa của đài TNVN đã loan tin…chứ giờ này, nhứt là ở xứ này, không mấy ai nghe đài qua radio…Đây là lần đầu tiên trong đời làm báo, tôi đưa được một cái tin vừa cho báo viết và báo nói, đồng thời với sự kiện, trong một buổi sáng, mà tin trên báo viết còn trước cả báo nói …Tôi lại được "thưởng" cho đến lúc …Anh Tư Diệp Minh Châu  lay tôi dậy !Tôi đinh ninh rằng, anh Tư lay tôi dậy để theo xe về thành phố vì đi đã 2-3 ngày … Nhưng không phải, anh Tư biểu tôi : Đi xem tượng ! Tôi rất ngạc nhiên vì vừa mới tan lễ xong, còn xem gì nữa ! Nhưng khi đã ngồi yên vị ở một quán càfê đầu đường Trương Định, con đường lớn nhất thị xã, nơi đặt tượng đài ở ngã ba mà đường thẳng tới, từ đó nhìn thấy toàn cảnh vườn hoa nơi dựng tượng. Anh Tư Diệp Minh Châu lúc này mới từ tốn giải thích cho tôi : Tượng đài là một nghệ thuật hùng biện trong không gian, phải quan sát nó từ nhiều góc độ, nhiều chế độ ánh sáng khác nhau. Buổi sáng khi mặt trời mọc, buổi chiều, buổi tối dưới ánh đèn cao áp … tất cả đều phải tính toán để khi nào tượng cũng đẹp, lúc nào Tướng quân Trương Định cũng lẫm liệt như lúc ông xung trận … Rồi còn phải lắng nghe ý kiến của nhân dân nữa chứ, nhân dân mới là người xem tượng …

 

Tôi vô cùng xúc động trước những lời lẽ của anh Tư. Tự đáy lòng tôi, họa sỹ Diệp Minh Châu là một nghệ sỹ lớn, một nghệ sỹ từ nhân dân mà ra, vì tổ quốc và nhân dân mà sáng tạo quên mình. Ông đã làm đúng những gì ông đã nói với bạn bè khi học điêu khắc ở Tiệp, rằng, tôi nghiên cứu tất cả các trường phái, cả nghệ thuật cổ kim, Âu, Á … nhưng tôi chọn nghệ thuật cổ điển vì nó diễn tả chân thật nhất, trung thực nhất, tôi học để sau này về nặn tượng những anh hùng có công với Tổ quốc tôi…

 

Buổi tối hôm đó, tôi lại theo anh Tư ra vườn hoa Trương Định để quan sát Tượng đài dưới ánh đèn cao áp. Quả thật dưới những "chế độ ánh sáng khác nhau" pho tượng có những vẻ đẹp khác nhau. Nếu như ban sáng, tuy ánh mặt trời lên, pho tượng đá hoa cương trắng có vẻ đẹp rực rỡ do phản chiếu ánh mặt trời, và in đậm bóng trên nền trời xanh …thì dươi ánh đèn vàng cao áp buổi tối, Tướng quân Trương Định như đang giận dữ nhìn xuống. Bấy giờ, tôi phát hiện cặp lông mày dựng ngược của Tướng quân, khác hẳn với mẫu tượng đất sét trong tấm hình in trên thiệp mời, đăng trên báo … Tôi liền hỏi anh Tư về vụ "lông mày" này! Anh Tư khen : Mày tinh ý đó, mỗi lần làm lại mẫu, tao đều có sửa và cuối cùng, tao quyết định để cặp lông mày của Tướng quân dựng ngược hẳn lên như đang trừng mắt nhìn kẻ thù - thế kia… Anh Tư trỏ tay lên  tượng đài …

 

Thị xã ven biển, 10 giờ khuya đã vắng vẻ lắm rồi. Một bà cụ khom lương quét dọn đám bã mía dưới chân tượng đài, vài cụ ông ngồi hút thuốc… Tôi thấy anh Tư Châu vẫn đăm đăm ngồi ngắm tượng. Tôi biết, đây là phút thảnh thơi nhất đối với anh sau 3 - 4 năm trời lao động nặng  nhọc mà tôi đã chứng kiến từ A đến Z.

 

 

Mặc anh Tư ngồi trầm ngâm ngắm tượng, tôi ngồi lặng lẽ ngắm anh. Ở tuổi ngoài 70, nghệ sỹ Diệp Minh Châu còn phong độ lắm. Với vóc dáng cao lớn, gương mặt đầy đặn, lông mày dậm, hơi xếch, tóc để dài xõa xuống hai vai, họa sỹ Diệp Minh Châu không thể lẫn với ai được. Người dân Tp.HCM rất quen với hình ảnh của họa sỹ trên màn ảnh nhỏ khi ông xuất hiện với tư cách Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố để cắt băng khánh thành một cuộc triển lãm hội họa, mỹ thuật, một công trình kiến trúc nghệ thuật .v.v… Riêng với tôi, hình ảnh của họa sỹ Diệp Minh Châu  ngồi trước mặt lúc này gợi nhớ bao điều về cuộc đời phong trần, bôn tẩu, sóng gió bể dâu của một đời nghệ sỹ… Ông sinh ngày 10.2.1919 tại làng Nhơn Thạch, một làng quê như trăm làng quê khác ở tỉnh Bến Tre có những con kinh đục ngầu phù sa và những hàng dừa xanh biếc. Trời phú cho cậu bé Châu tài vẽ. 7 tuổi, thầy giáo đặt cái mũ cát lên quyển sách, Châu vẽ lại ngon lành theo kiểu phối cảnh khiến thầy sửng sốt! Thầy lại ra đề là một cây dù, Châu lại vẽ xong ngay khiến thầy phải khen thưởng toàn trường ! Rồi Châu vẽ chân dung bạn bè, vẽ phong cảnh cho các gánh hát chợ quê … Phải chăng các họa sỹ tài danh xưa  nay đều có điểm xuất phát từ năng khiếu bẩm sinh, thiên phú. Họa sỹ bậc thầy của nền hội họa cận đại nước ta Nguyễn Phan Chánh, sinh viên khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương, một trong những người Việt Nam đầu tiên có tranh triển lãm tại Paris năm 1932 hồi nhỏ cũng từng đi vẽ tranh bán ở các chợ quê như Diệp Minh Châu … Picasso (1881-1973), họa sỹ thiên tài Tây Ban Nha (sống chủ yếu ở Pháp) 14 tuổi đã làm người ta kinh ngạc khi ông hoàn thành trong 1 ngày bài thi vào Trường Mỹ thuật Baxêlôna (Barcelona) đề thi ra cho thí sinh làm trong 1 tháng ! 16 tuổi, khi còn học ở Học viện Mỹ thuật Hoàng gia San Fernando, Picasso đã vẽ bức tranh nổi tiếng "Khoa học và lòng nhân ái" ! Lê-ô-na-đờ vanh-xi (Léonar de Vinci 1452 - 1579) danh họa Ý trước kia cũng như Van Gogh (1853-1890) danh họa Hà Lan sau này đều xuất hiện những dấu hiệu của tài năng từ bé. Nhưng năng khiếu nào cũng phải khổ học mới thành công, thành danh … Tôi đã đọc nhiều trang tiểu sử của các danh nhân lúc còn hàn vi nhưng quả thực, chưa thấy có cuộc "vạn lý trường chinh" nào gian khổ, bi ai, đầy khát vọng và cảm động như cuộc phiêu lưu đi học để thành tài như cậu bé nhà nghèo Diệp Minh Châu  quê ở Bến Tre. Với hai bàn tay trắng, anh Tư Châu liều mình ra Hà Nội học lớp dự bị trường Mỹ thuật Đông Dương. Vào thời ấy cả Châu Á mới có hai trường mỹ thuật chính quy đào tạo theo phương pháp tiến bộ, khoa học của Châu Âu, một ở Hà Nội, một ở Ấn Độ do người Anh lập ra, đặt nền móng cho sự chuyển tiếp từ nghệ thuật dân gian sang nghệ thuật hiện đại. Ở quê nhà, không ai tin là anh Tư Châu có thể sống nổi nơi đất Bắc khi không có hàng tháng tiền ăn tiền học. Lúc anh tỏ rõ quyết tâm ra đi ; cả nhà đã khóc. Ba anh khóc ấm ức, còn mẹ anh thì gào khóc khiến cả làng cả xóm phải bu đến tưởng như vừa có một tai họa gì khủng khiếp với gia đình anh ! Nhưng rồi chàng trai ấy vẫn cứ lên đường. Để tồn tại được giữa đất Hà Nội, anh Tư đã làm tất cả những gì mà một chàng trai có thể làm được để sống và học trước sự cảm thông và yêu quý của bạn bè và thầy học.

 

Sau một năm dự bị, anh Tư Châu lại trở về quê nhà. Hàng ngày, anh ra bờ sông ngóng trông con thuyền của người đưa thư xứ quê nghèo…  Nhưng rồi một hôm con thuyền đó đã qua sông, thẳng tới bến nhà : Có thư của Đốc học chính Đông Dương gửi về, báo tin thí sinh Diệp Minh Châu đỗ vô trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1940,  mà lại đỗ thủ khoa ! Thế là cả làng, cả xóm lại kéo đến, không phải để "chia buồn" như một năm trước mà để chúc mừng anh thành công bước đầu trên con đường nghệ thuật !

 

Diệp Minh Châu lại lên toa đen (toa hạng bét) để ra Hà Nội học. Anh đến thẳng nhà thầy Tô Ngọc Vân với áo quần lấm lem như người thợ thụt ống khói vì mấy ngày phải nằm toa đen sát cạnh đầu tàu hỏa  chạy than ! Thầy Vân đã chìa tay bắt. Nhưng người học trò nghèo ngần ngại vì tay anh đầy bụi bẩn (!) Thầy Vân đã xiết chặt tay anh và nói :

 

- Không ! Bàn tay này đáng bắt lắm !… Tôi đã dạy 10 năm nay, chưa thấy học trò nào vẽ được như anh, tôi biết anh sẽ đỗ cao, nhưng chưa dám nói trước … anh xứng đáng !

 

Thầy Vân đã quay vào, cho người mẫu khỏa thân nghỉ … để tiếp người học trò từ Nam Bộ xa xôi ra ! Đó là người mẫu khỏa thân của bức họa "Người mẫu với hoa sen" nổi tiếng trong kho tàng hội họa Việt Nam(!)

 

Diệp Minh Châu lại tiếp tục những ngày khổ học. Mang tiếng là sinh viên Cao đẳng mỹ thuật nhưng quanh năm ngày tháng anh chỉ có một bộ đồ Tây duy nhất để đến trường. Đôi giầy của sinh viên Diệp Minh Châu  mòn hết đế, trời nắng thì rát hai bàn chân, trời mưa thì sũng bùn nước ! Nhiều hôm không có cơm ăn, tan học anh phải vô quán cơm xe kéo ăn đĩa xôi lạc hai chinh (lúc đó 1 xu đổi được 6 chinh), trước khi mua đĩa xôi còn ngồi ngắm nghía chọn đĩa nào nhiều hơn một hột lạc mới cầm lên !!! Có bữa phải ăn chịu bánh mì ! Anh Châu có lần tâm sự với người viết cuốn sách nhỏ này rằng, chỉ có tuổi trẻ, chính tuổi trẻ đã giúp anh vượt qua được những ngày gian khổ đó !

 

Giờ thì anh Tư đã già, ở tuổi 76, đang ngồi trước mặt tôi đây … nhưng còn phong độ lắm ! Anh lại châm một mồi thuốc nữa… Cuốn phim về cuộc đời anh lại vẫn chầm chậm hiện ra trong tâm trí tôi… Sau những ngày đời sinh viên gian khổ đó, anh Tư không thi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật được vì Nhật đảo chánh Pháp, bắt hết các giáo sư người Pháp ở trường … Diệp Minh Châu lao vào hoạt động trong phong trào thanh niên trí thức Hà Nội ; tham gia bình dân học vụ, tổ chức triển lãm lấy tiền ủng hộ đồng bào bị nạn đói 45, rồi CM tháng 8 đổi đời cho cả dân tộc, anh quay về quê hương, vào bưng biền chiến khu Đồng Tháp Mười tham gia kháng chiến, vẽ tranh Bác Hồ tặng các má làm ảnh thờ. Vẽ  tranh Bác Hồ bằng máu và được ra Việt Bắc sống bên Bác. Ở gần Bác, bằng trái tim của một nghệ sỹ lớn, anh cảm nhận được cách mạng sẽ thành công và xin Bác cho tiếp tục đi học điêu khắc ở nước ngoài để hy vọng đem nghệ thuật "hùng biện" này phụng sự đất nước mai sau …

 

Khó lắm ! Không phải ai cũng dễ dàng nhìn ra và cảm nhận được, không phải ai cũng biết rằng một đất nước sẽ cần gì trong tương lai giữa chốn rừng sâu Việt Bắc trong lúc cuộc kháng chiến đang cam go. Nhưng Bác Hồ, vị chỉ huy sáng suốt tối cao của đất nước thì nhìn ra. Người đã nói một câu bình dị mà Diệp Minh Châu  nhớ suốt đời : - Chú Châu có chí, để chú ấy đi học …

Cuộc đời Diệp Minh Châu lại sang một trang mới. Đi học nghệ thuật điêu khắc ở Châu Âu. Từ học trò trường Mỹ thuật Đông Dương trong chế độ thực dân nô lệ, họa sỹ Diệp Minh Châu trở thành thầy học của bao lớp sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật VN. Ông đã tham gia đào tạo một lớp điêu khắc gia làm trụ cột cho bộ môn nghệ thuật hiện đại theo phương pháp khoa học này. Trong đó có các điêu khắc gia nổi tiếng sau này như Nguyễn Hải, Phạm Mười, Lê Công Thành, Nguyễn Thiện, Phước Sanh … Tượng đài "Công nhân đấu tranh" ở Ngã Bẩy, tượng Bà mẹ Việt Nam ở Nghĩa trang Thành phố… quen thuộc với người dân Thành phố Hồ Chí Minh do Nguyễn Hải sáng tạo…

 

Họa sỹ Diệp Minh Châu không còn nữa. Riêng tôi, mỗi lần đi qua số nhà 222 đường Pasteur trong lòng thấy tê tái. Đó là nỗi buồn nhất của tôi mỗi khi nghĩ đến nghệ sỹ Diệp Minh Châu. Một nhà lưu niệm với một thế giới tranh tượng phản ánh cả một chặng đường lịch sử vô cùng quan trọng và cảm động của đất nước ; một nhà lưu niệm có đủ gương mặt của bạn bè thế giới do một họa sỹ điêu khắc gia đứng vào hàng tài danh nhất của đất nước đã ghi chép lại… không phải là một địa chỉ văn hóa để các Công ty du lịch mời du khách trong ngoài nước đến tham quan sao ? Tôi cứ hình dung người hướng dẫn viên du lịch của một nước Việt Nam giàu có văn minh mai sau của TP.HCM - một trung tâm kinh tế văn hóa lớn nhất nước mai sau - sẽ hướng dẫn du khách quốc tế thăm các phòng tranh tượng trong ngôi biệt thự sang trọng, do chính quyền cấp, là nơi họa sỹ đã sống và sáng tác tranh tượng tại đây trong nhiều năm cuối đời… và kể về cuộc đời phong trần của họa sỹ, kể về người họa sỹ từng lấy máu để vẽ tranh… không làm say lòng du khách bốn phương hay sao ? Không lẽ không ai trong chúng ta không hình dung ra được điều đó.

 

Vậy mà chỉ vì một lý do thuần túy tiền bạc, những ngày cuối đời  họa sỹ Diệp Minh Châu  phải dọn vô ở trong một cái hẻm ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Tuy căn nhà này cũng rộng rãi nhưng không xứng để làm 1 nhà lưu niệm, một bảo tàng Diệp Minh Châu). Tôi nghe nói người ta đã thu tiền nhà ở 222 Pasteur bạc triệu hàng tháng, đến nỗi có lúc họa sỹ phải chịu cả tiền nhà ! Có người góp ý cho ông, có thể cho thuê mặt bằng rất rộng phía trước thì chẳng những thừa tiền trả tiền nhà mà trong từng ấy năm, còn đủ tiền tích lũy để hóa giá căn nhà đó ! Nhưng họa sỹ Diệp Minh Châu  không làm như vậy, ông để sân vườn bầy tượng… Chao ôi ! Cứ mỗi lần nghĩ đến mảnh vườn trước nhà họa sỹ, nơi ông đặt tượng, trong đó có bức tượng bán thân một phụ nữ Châu Âu, bạn đồng nghiệp của ông… dưới chân tượng, lá vàng rụng đầy…. tôi lại nhớ đến câu chuyện rất lâu rồi, tôi đọc được trên tờ Tin tức Mát-xcơ-va (Nouvelle de Moscou)… Chuyện rằng, có một đôi vợ chồng trẻ người U-ru-goay, chồng làm nghề tài xế tắc - xi, cả hai vợ chồng đều học tiếng Nga và ông chồng trúng giải 1 cuộc thi tìm hiểu về Liên Xô, được đi thăm Liên Xô trong 1 tuần. Anh ta đã đem về cho vợ mình một kỷ niệm đặc biệt (précieux souvenir) là 1 cái lá vàng rụng trên mộ của nhà văn Tôn - xtôi khi đến thăm nhà lưu niệm văn hào !… Tôi lại nghĩ đến Bảo tàng Rô-đanh (Musée de Rodin) ở phố Varenne Paris mà tôi đã tới thăm, nó cũng khiêm tốn như ngôi nhà 222 Pasteur, chỉ là tòa nhà hai tầng, vừa phải, tượng của Rô-đanh đặt rải rác ở ngoài sân, y hệt như trong vườn nhà của Diệp Minh Châu. Ở Paris có nhiều nhà lưu niệm các danh nhân nhân như thế lắm. Nó tạo nên một không khí sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh, cao thượng và là niềm tự hào của Paris, của người Pháp. Và, cũng là nơi đón khách du lịch, một nguồn lợi kinh tế đáng kể. Một thầy giáo trường trung học phổ thông Amsterdam ở Hà Nội là anh Vũ Xuân Túc có dịp đến thăm Paris đã đến thăm nhà lưu niệm Balzac ở Quận 16 vào đúng hôm nhà lưu niệm đóng cửa (!) đã buồn rầu ghi lại như sau : "Ngôi nhà của Balzac (Maison de Balzac) hôm ấy không mở cửa đón khách tham quan, nhưng có thể xin phép vào thăm khu vườn phía ngoài. Một cái cổng nhỏ có  hàng rào sắt, những bực thang đá dẫn xuống sân nhà, sân thấp hẳn so với mặt đường. Nhà một tầng, chỉ vài ba buồng, cửa đóng kín, mái ngói cũ kỹ đen sỉn. Vườn rộng nhưng đạm bạc. Những gốc cây nhỏ ngả nghiêng trên mấy vuông cỏ lợt. Hoa đinh tử hương và các lọai hoa gì không rõ đặt trong các bồn gỗ sát tường rào. Nắng chiều rải một vài khoảng sáng vàng trên hiên nhà và mấy bậc thềm đá đã sứt seo. Bức tượng Balzac đặt khiêm tốn ở một góc vườn râm mát. Gió xào xạc luồn qua mấy bụi dẻ gai. Cảnh đìu hiu quạnh vắng quá. Sinh thời Balzac sống trong cảnh nghèo túng. Không rõ nhà văn sống ở đây trong những năm nào. Đành chụp mấy bức ảnh một chuyến viếng thăm không thành…"

 

Nếu hôm ấy nhà lưu niệm Balzac mở cửa thì người khách du lịch Việt Nam là thầy giáo dạy văn kia không buồn đến thế ! Tôi có lần tiếp môt thầy giáo cấp 3 trường huyện cũng dạy văn ở Miền Bắc vô chơi. Gần 20 năm bạn bè mới gặp nhau, tôi dẫn ông bạn đi thăm nhiều nơi ở TP.HCM và cả miền Tây. Trước hôm bạn tôi về vài ngày, tôi bảo với bạn tôi, ngày mai tôi có một món quà kỷ niệm vơi anh trước khi về. Tôi dẫn anh bạn đến chơi số nhà 222 Pasteur và không nói trước là đến thăm ai. Khi biết người đứng trước mặt mình là họa sỹ Diệp Minh Châu anh bạn tôi cảm động lắm, không nói được câu gì. Anh bạn tôi được họa sỹ Diệp Minh Châu  dẫn đi xem tượng và tranh trong nhà ngoài vườn. Khi xem tượng nhà văn Nguyễn Tuân thì anh bạn tôi cứ trầm trồ mãi. Vì, anh ta mê Nguyễn Tuân từ lâu và làm luận văn tốt nghiệp về nhà văn Nguyễn Tuân. Tôi chụp cho anh bạn tôi tấm hình ngồi nói chuyện, uống bia  với họa sỹ Diệp Minh Châu. Rồi in tráng ngay ảnh, tặng anh. Lúc về đến nhà tôi, anh bạn tôi tâm sự : Lần đầu tiên vô TP.HCM, nhưng mình chẳng cần mua quà gì về làm quà nữa, ngoài Bắc bây giờ cái gì cũng  có như trong này… chỉ cần tấm ảnh ngồi với họa sỹ Diệp Minh Châu  này về khoe với bạn bè là sướng rồi ! Không ngờ chuyến đi này lại "thành công mỹ mãn" đến thế !

Thế đó, một đất nước, một dân tộc, một địa phương, ngay cả đến một dòng họ, một gia đình cũng cần phải có những con người để làm niềm vinh dự - tự hào cho một đất nước, một dân tộc, một thành phố, một gia đình…

 

Vậy mà ngôi nhà 222 đường Pasteur bây giờ đã bị đập đi để xây  vào đó một nhà hàng đỏ choét (!)

Lê Phú Khải
Số lần đọc: 3285
Ngày đăng: 24.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đôi Mắt NgườI Sơn Tây - nàng là ai ? - Nguyễn Duyên
DU TỬ LÊ hay là "NHỮNG VÌ SAO CHƯA BIẾT NGỦ MỘT MÌNH" - Trần Mạnh Hảo
Món ăn Huế trên đất Phương Nam - Tiểu Kiều
Chè HUẾ - Tiểu Kiều
Nhà giáo Vĩ Đại Hồ Chí Minh - Nguyễn Phúc Nghiệp
VĂN HỌC trên KÊNH TRUYỀN HÌNH VTV3 : '' NGÔNG'' là PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT NGUYỄN TUÂN ! - Trần Mạnh Hảo
Bánh bèo Ngự Bình xưa - Tiểu Kiều
Thức ăn theo mùa của Huế - Tiểu Kiều
Qua SỰ KHỦNG HOẢNG của SÁCH GIÁO KHOA, Bàn thêm về TÁC ĐỘNG CỦA XÃ HỘI vào việc DẠY VÀ HỌC MÔN VĂN - Trần Mạnh Hảo
“DÒNG SÔNG MÍA” của ĐÀO THẮNG - Trần Mạnh Hảo