Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
618
115.981.747
 
Chuyện 40 năm sau trong hầm Đờ Cát
Lê Phú Khải

…. Khi vô phòng chờ để lên máy bay đi Điện Biên Phủ, tôi mới ngạc nhiên : lúc mua vé thì người ta biểu đã hết vé (!). Năn nỉ mãi, đưa cả thẻ nhà báo ra cũng bị từ chối. Sau than với cô bán vé …"Tôi từ miền Nam ra, đi Điện Biên Phủ chuyến này là để chuẩn bị bài vở cho báo chí TP.HCM có bài kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ … thế mà!!!". Cô bán vé "động lòng", gọi dây nói vào bên trong, không biết trong ấy nói gì …rồi cô ta vui vẻ bán cho tôi một vé (!). Còn bây giờ, sắp đến giờ lên máy bay E-bút đời mới của Pháp, chở những trên 70 người … mà nhìn quanh chỉ có mấy hành khách …một cô nhà báo nước ngoài, mặc quần soọc …; một thanh niên xách máy quay phim, chắc cũng phóng viên nước ngoài ; hai bố con một ông già …và cuối cùng là một người quen, đại diễn điện ảnh Trí Việt cũng ở miền Nam ra… Vậy mà lúc hỏi mua vé, người ta kêu hết, phải năn nỉ mãi mới bán cho một vé!!!

           

Khi lên máy bay, tôi đã thấy hai vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi từ trước và mấy vị tướng lĩnh. Hỏi ra mới hay đây là chuyến thứ hai, kể từ 1-4-1994, khi đường bay Hà Nội - Điện Biên Phủ được nối lại. Chuyến thứ nhất rất đông khách. Chuyến này đặc biệt chở Đại tướng và phu nhân cùng các vị tướng lĩnh lên thăm lại chiến trường xưa, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Vì thế, hàng không chỉ bán vé thêm cho một số hành khách … đặc biệt (!) Người lái chuyến bay này cũng đặc biệt : ông Nhị, Tổng giám đốc Việt Nam Airlines…

           

Tôi đảo mắt nhìn một lượt, máy bay rộng thênh thang. Vợ chồng Tướng Giáp ngồi thủ thỉ nói chuyện ở khoang giữa. Tôi quay sang làm quen với ông già để râu, mặc áo nâu quần nâu đã trông thấy lúc ở phòng đợi : "Bác quê trên Điện Biên ?". Ông già vui vẻ :"Tôi quê dưới xuôi nhưng là chiến sĩ Điện Biên!". Tôi mừng rỡ : "Lúc đánh Điện Biên, bác ở đơn vị nào?". Ông già hóm hỉnh : "Lúc đó tôi là tư lệnh … một khẩu pháo!!!"

           

Ngay từ cái phút đó, tôi biết là chuyến đi này mình gặp may rồi ! Vậy là ngay trên máy bay, tôi đã được gặp những hai vị tư lệnh, một vị tư lệnh của cả mặt trận Điện Biên Phủ, đang ngồi ở giữa khoang máy bay và tư lệnh … một khẩu pháo, đang ngồi cạnh tôi đây !!! Vị tư lệnh thứ hai này là bác Dư Văn Tư, đã 76 tuổi ta ! Bác Tư kể cho tôi hay, lúc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, bác 34 tuổi, chỉ huy một khẩu pháo 105 ly. Năm giờ chiều ngày 13-3 năm ấy, pháo của bác và đồng đội đã nã vào đồi Him Lam và trung tâm Mường Thanh, mở màn cho chiến dịch Điện Biên lịch sử. Bác nhớ vanh vách trung đoàn trưởng của bác lúc đó là đ/c Bùi Hữu Nghĩa. Sau trận Điện Biên, bác Tư và đồng đội còn ở lại xây dựng Điện Biên Phủ và còn sang Lào giúp bạn. Đến năm 1960, bác về Ninh Bình đưa cả vợ con lên ở hẳn Điện Biên Phủ. Bác có hai gái, một trai. Người đàn ông trẻ tuổi đi cùng với bác là anh con rể, đưa bố vợ về Hà Nội chữa mắt, rồi nhân có đường bay mới mở lại, hai cha con "bay" về Điện Biên !

 

Lúc chia tay ở sân bay Điện Biên, bác Tư còn mời tôi, trong thời gian ở Điện Biên, nhớ ghé chơi thăm cơ ngơi của bác, ở tổ 3, phường Him Lam ! Những ngày ở Điện Biên sau đó, tôi mới hay có cả một "xã hội" của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, sau chiến thắng đã ở lại chiến trường sinh cơ lập nghiệp. Nhiều anh lính trẻ Điện Biên đã bén duyên với các cô gái dân tộc Thái, tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái đến thế hệ thứ ba trên đất này …

 

Lúc này thì tôi đã cùng đoàn của tướng Giáp vô thăm lại hầm của De Castries. Nói là hầm chứ rộng rãi, thoáng mát như một dãy phòng làm việc được xây chìm dưới đất. Phải nói là căn hầm di tích này được tu tạo và giữ gìn cẩn thận. Những bao cát trên nóc hầm đã được đúc lại bằng chất liệu bê tông mang tính vĩnh cửu … Mặc dù đứng ở cuối hầm, tôi vẫn nghe rõ tướng Giáp hỏi những người có trách nhiệm bảo quản các di tích lịch sử : "Chỗ này có cái étagère (giá để sách) của Đờ Cát, bây giờ nó đâu rồi ?!".

           

Mọi người đều sửng sốt về trí nhớ của tướng Giáp. Đã 40 năm rồi, lúc đó ông 44 tuổi, và bây giờ, ở tuổi 84 ông vẫn nhớ rành rẽ từng chi tiết … Bỗng nét mặt tướng Giáp nghiêm lại, ông hỏi.

           

- Hầm tướng giặc thì đây, được giữ gìn cẩn thận, vậy hầm tướng ta ở đâu ? Không lẽ đồng bào cả nước, khách quốc tế lên thăm Điện Biên Phủ chỉ được thấy cái hầm của viên tướng bại trận còn không được thấy hầm chỉ huy của tướng ta ???

           

… Tất cả những người có mặt trong hầm Đờ Cát lúc đó đều lặng đi (!) Tướng Giáp nói đúng quá ! Tại sao lịch sử lại có chuyện trớ trêu như vậy ?! Ai đời chỉ tu tạo cái hầm của tướng giặc bại trận để cho lịch sử ngắm nhìn. Còn hầm của người anh hùng đã chỉ huy đánh thắng giặc trong trận quyết chiến lịch sử này lại không ai biết đến ?!

           

Xin thưa : Hầm của tướng Giáp và bộ chỉ huy quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, cách thung lũng Điện Biên 25km về phía Bắc, nhưng 40 năm nay, nó không phải là địa điểm tham quan nên đến đường đi lên Mường Phăng cũng không còn nguyên vẹn. Chỉ có xe mô-tô Min của Liên Xô và xe com-măng-ca U-oát hai cầu (cũng của Liên Xô) may ra mới leo lên được Mường Phăng.

           

Hôm sau, người ta quyết định đưa tướng Giáp và phu nhân cùng đoàn tùy tùng của ông lên thăm lại chỉ huy sở của ông ở Mường Phăng bằng máy bay lên thẳng (!). Được tin này, hai nhà báo nước ngoài cùng ở khách sạn Mi-ni tư nhân mới xây cất với tôi, đã nhanh chân thuê ngay được một chiếc xe U-oát hai cầu dong lên Mường Phăng từ sáng sớm ! Tôi từ trong Nam ra, vì ngưỡng vọng những người anh hùng đã ngã xuống ở Điện Biên Phủ mà hành hương lên Điện Biên Phủ, bỏ tiền túi ra đi máy bay và thuê khách sạn ở đã là quá rồi, lấy tiền đâu để thuê

 

U-oát mà đi cả ngày, mà có tiền cũng chẳng có xe mà thuê … Cuối cùng, tôi lại phải kiếm con đường "bao cấp" là xin đi nhờ máy bay trực thăng với đoàn của tướng Giáp. Nhưng than ôi ! Máy bay chữa cả buổi sáng, cánh quạt cũng chưa quay được ! Chờ mãi, tôi nản trí đành quay về khách sạn mi-ni nằm đọc cuốn Lịch sử  Đảng bộ Điện Biên vừa mới in ấn nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên. Không ngờ, máy bay trực thăng được Bộ Quốc phòng điều từ Hà Nội lên đã đưa vợ chồng tướng Giáp lên Mường Phăng vào lúc 4 giờ chiều hôm đó ….

           

Đạo diễn Trí Việt, một trong ba chiến sĩ Điện Biên là dân Nam bộ, cùng ở chung khách sạn với tôi đã liều mạng thuê xe mô-tô ôm lên Mường Phăng hôm đó …, kể lại với tôi :"Đường lên Mường Phăng nguy hiểm lắm. Tao ngồi sau xe mà té văng ra ngoài, sứt cả đầu gối !". Rồi anh vén quần cho tôi xem vết thương, lại vui vẻ nói :"Vậy là tao hai lần bị thương ở Điện Biên Phủ, nhưng cách nhau những ….40 năm (!). Trí Việt còn kể cho tôi nghe những chuyện rất cảm động như đồng bào các dân tộc nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm lại Mường Phăng đã kéo cả mường, cả bản … đem mật ong, trứng gà (những thứ quý nhất) ra đón tường Giáp. Đồng bào đã đứng chật một bãi đất rộng chờ trực thăng đáp xuống. Đứng mãi, đứng mãi… từ 5 giờ sáng đến 4 giờ chiều, máy bay mới đáp xuống…., vậy mà không ai bỏ về. Cuộc gặp gỡ này có biết bao giọt nước mắt vì mừng vui.

           

Chưa hết, có một ông già đã suốt 40 năm nay canh giữ hầm của Đại tướng mặc dù không ai giao trách nhiệm cho ông cả !

           

Lịch sử là như thế đó !

 

Viết thêm : Chỉ ít lâu sau, tôi nghe đài, đọc báo, xem ảnh và được biết đường lên Mường Phăng đã được làm, rộng 2 -3 làn xe chạy … Đến nay, sau năm năm kể từ ngày tôi lên Điện Biên, một anh bạn tôi vừa lên Điện Biên về cho hay đường lên Mường Phăng đến nay rất đẹp, trải nhựa phẳng lỳ … Hầm của tướng Giáp được sửa sang kiên cố, có xây dựng tượng đài kỷ niệm tại khu Mường Phăng. Lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay sẽ được tổ chức tại Mường Phăng, chắc là vui lắm !

 

Báo Pháp luật TP.HCM

(4.5.1999)

Lê Phú Khải
Số lần đọc: 3496
Ngày đăng: 24.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một tháng ở Nam kỳ-Phần I - Phạm Quỳnh
Một tháng ở Nam kỳ-Phần II - Phạm Quỳnh
Vĩnh biệt giáo sư Trần Quốc Vượng - Hồ Tĩnh Tâm
Vang dội Cái Ngang - Lê Tương Ứng
Dấu ấn Điện Biên Phủ : Tại sao Điện Biên Phủ ? - Lê Phú Khải
TRẬN ĐÁNH chỉ được THẮNG không được BẠI - Lê Phú Khải
Di tích lịch sử Côn Đảo - - Nguyễn Đình Thống
Tiềm năng biển và đảo - Nguyễn Trọng Tín
THỊ XÃ TRÀ VINH, XƯA & NAY - Trần Dũng
Xem “Những hình ảnh chưa biết về chiến tranh Việt Nam” - Minh Trường