Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
706
115.996.978
 
Về những viên ngọc biết hát...
Phan Nam
 
 
 
 Trong bài viết “thơ là gì”, nhà phê bình Đặng đã dẫn quan điểm về thơ của Jakobson mà theo tôi, ông rất tâm đắc: “Thơ giúp ta khỏi trở thành máy móc, bảo vệ chúng ta chống lại sự han rỉ đang hăm dọa những công thức về tình yêu và thù hận, về phản kháng và hòa giải, về đức tin và phủ nhận”. Đọc lại những bài thơ của tác giả Hào Thiện Chân (tên thật: Hà Duy Tỉnh, sinh năm 1987 tại Quảng Ngãi), tôi càng thêm cảm nhận về sức mạnh kỳ diệu của thi ca, ở tiếng nói của tâm hồn, hình như đã vượt ra khỏi mọi đường biên để hòa nhập vào cõi giới rộng lớn vô cùng. Những dòng thơ “kỳ lạ” như giăng ra hàng hàng trước mắt, chạm vào thức cảm độc giả một cách tự nhiên nhất, chắc chắn là không gò bó, ép buộc. Thú thực, tôi đã đọc đi đọc lại những bài thơ tưởng chừng như không điểm đầu điểm cuối, không có mở đầu chẳng cần kết thúc, cứ thể tạo dựng cho mình một hình hài riêng biệt mà tôi tin chắc, ai rồi cũng sẽ tò mò, khám phá với những cảm nhận cho riêng mình. Thơ anh cất lên tiếng hát của một người trẻ, lắm ưu tư sầu não, đầy cô độc buồn bã, nhiều đau đớn bao dung... Thực khó để diễn tả dụng ý của anh qua mỗi con chữ, mỗi hình ảnh, mỗi bài thơ. Khi chính tác giả đã hoàn toàn nhường chỗ cho sự liên tưởng, tưởng tượng của bạn đọc. Có nội dung không? Có mơ hồ không? Có khó hiểu không? Cho những con đường, những dòng sông, những bông hoa, những chiếc lá, những giọt sương, những đám mây, những mầm sống.... luân phiên nhau chuyển động đi qua cuộc đời, với đầy đủ: mùi vị, âm thanh, màu sắc. Trong sâu thẳm những câu thơ anh viết, có một chút gì đó vang vọng từ trong tiền kiếp, chảy tràn vào ký ức, trong tiếng hát nhạt nhòa và nặng trĩu: “Nếu bạn bảo tôi hát/ tôi sẽ hát cho bạn nghe/ một bài hát về những viên ngọc/ biết hát” (Trích bài thơ Ngọc hát). Nhà thơ Nguyễn Hồng Nhung, khi đọc thơ Hào Thiện Chân, đã cho nhận xét, mà tôi cũng lấy làm thú vị: “Bởi vậy, không thể bảo tâm hồn này đang bế tắc, bởi vì tiếng nói bên trong của bạn ấy mới vững chãi, điềm đạm và dịu dàng biết bao. Những thảng thốt qua từng cảm xúc tinh tế như từng phân tử nước li ti tạo nên làn hơi sương trong các bài thơ này phản ánh một điều khác”. “Điều khác” ở đây là gì, có lẽ chỉ đọc mới biết, ví như bài thơ “sự chân thật của một bông hoa”, tác giả viết:
 
Tôi biết ngày hôm nay mình tàn
cánh hoa của tôi xẹp xuống
héo rũ
 
Kẻ biết khóc về cái chết của tôi
sẽ không bao giờ dùng Hoa Nhựa.
                          (Sự chân thật của một bông hoa)
Những dòng thơ rất ấn tượng của tác giả Hào Thiện Chân, tác giả lấy sự thật từ những điều đang diễn ra để gửi gắm thông điệp đầy nhân văn, sâu sắc. Ở đời, dường như, có một mơ hồ nào đó về ranh giới mong manh giữa thiện-ác, xấu-tốt, thật-giả mà nhiều khi trong cõi mê, người trong cuộc cũng không thể nào dứt ra được. Bông hoa không thể điều khiển sự sống của mình, cũng như không thể nào biết được bao biến đổi khôn lường tác động lên vẻ đẹp đã từng kiêu hãnh, vô biên. Đến đây, hai câu kệ trong bài Cáo tật thị chúng của thiền sư Mãn Giác (1052-1096) hiện ra thật rõ, thật gần: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một cành mai). Ở cõi nhân sinh, thật khó để lường trước tương lai sẽ diễn ra như thế nào, chỉ còn vẻ đẹp thanh khiết ươm mầm, sinh sôi giữa đời. Có một sự đồng điệu của người đời sau đối với chân lý của người muôn năm cũ đã khắc sâu tâm khảm, để rồi chính vẻ đẹp ấy long lanh ánh huyền: “Đêm qua, sân trước một cành mai”. Và đến bài thơ “hoa” tiếp tục khai mở những ánh nhìn khác: “Đời trăm năm, hoa bao lần tàn nở/ kiếp làm hoa chẳng có lợi ích gì/ mua vui nhân thế/ Tôi không nghĩ, đời mình là hoa/ Có những cuốn sách, những vần thơ/ được chiết xuất từ hoa” (Hoa). Tôi tìm được, sự biến chuyển trong tâm tưởng của tác giả, ở vẻ đẹp của những bông hoa, liệu ở đời những lọc lừa, dối trá, phản trắc có chiến thắng được sự yêu thương, lòng chân thành? Cuộc đời phù phiếm gõ vào từng chiếc “lá mơ” vô cùng kỳ lạ nhưng ẩn chứa một khát khao vươn tới những điều tốt đẹp: “Sau nhà tôi/ có một khu vườn mơ/ Đằng sau khu vườn/ Có một ngọn đồi/ mơ/ Trên ngọn đồi/ có một cây/ mơ/ Trên cây/ có một chiếc lá/ mơ/ Tôi đứng dưới đất/ chạm tay/ hái lá mơ” (Lá mơ). Và rất nhiều những ảo hình, luân chuyển, tái tạo trong thơ Hào Thiện Chân, đưa người đọc như lạc vào cõi thiên thai, băng qua khu vườn tràn đầy sắc màu được phối trộn một cách hài hòa, có chủ đích. Những biến ảo bắt nguồn từ con tim nhân hậu, niềm dịu dàng và cõi mơ đến tận cùng của cô độc, liệu có quá bi lụy? Nhưng tôi tin, những kẻ mơ mộng nhiều, thường không bao giờ đánh rơi giấc mơ của mình. Chính vì thế, anh đã đến với thơ, trong một nỗi xúc động dịu dàng. Rất khó, để tìm câu trả lời về những thiên biến vạn hóa của đời sống, bởi vì tất cả đã chuyển hóa vào thơ Hào Thiện Chân, như chính cốt cách, tâm hồn tác giả: 
 
Nhiều người ăn hạt gạo thành cơm
chưa từng nhìn thấy thân cây lúa
họ ảo tưởng về một thế giới không cần người làm ruộng
còng lưng mưa nắng
 
Đời người
một loài cây cần những lần rụng lá...
                                 (Những kẻ ảo tưởng)
Anh vẫn còn viết tiếp, viết cho chính mình, viết cho cơn mơ bắt đầu tượng hình, khai phá mọi ngóc ngách đời sống. Nếu thế gian thực sự hoàn hảo, chắc câu thơ chẳng thể thành dòng, không một vẻ đẹp nào còn ẩn hiện. Tất cả chúng ta rồi sẽ đắm chìm và giải thoát. Như một thiền sư đã viết: “Thời gian với lộ trình vô tận mà sự đổi thay là một thuộc tính bất di bất dịch, sự triển chuyển là cơ sở để có sự phát sinh và cả hoại diệt, sự tăng trưởng sinh sôi cũng đồng thời tàn tạ mỏi mòn” (Thiên Hạnh). 
 
 
Tiên Phước, 05.09.2017
.
 
 
Phan Nam
Số lần đọc: 1209
Ngày đăng: 28.09.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lan man về phong cách bình thơ của Châu Thạch - Đặng Xuân Xuyến
Nhịp thơ như nhịp thở [ Đọc "Huyễn Hoặc Ngày em" - thơ Trần Nhã My - NXB Hội Nhà Văn 2017] - Nguyễn Thánh Ngã
Nhà văn Lữ Quỳnh viết truyện phản chiến ở vị trí và bối cảnh nào? - Trần Văn Nam
Quê nghèo - xót xa những tiếng lòng ! - Đặng Xuân Xuyến
Thường quán, tiếng nói từ bên trong - Nguyễn Đức Tùng
Nhạc bolero lên ngôi, dân trí đi xuống ? - Hồng Anh
Một bữa cơm chiều, - Mang Viên Long
Nguyễn Thy Phương – Thầm lặng duyên quê và lóe sáng một nỗi niềm triết lý - Mai Bá Ấn
Khuynh hướng lý luận - phê bình văn học ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ở miền Nam trước 1975 - Trần Hoài Anh
Đinh Lê Vũ và bài thơ tình già... - Phan Nam