Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
487
115.989.177
 
Trễ tàu
Nguyễn Trọng Nghĩa


Một câu chuyện tình kín đáo, tế nhị thuở học trò song vẫn không kém phần ẩn dụ (hình tượng những con tàu...) Tài nhất là cách đặt tên cho nhân vật thằng “Cờ đỏ”. Một hình ảnh thảm hại của một kẻ hèn hạ trong tình yêu, mặc dù dẫu không có kẻ phá bĩnh này thì vẫn xảy ra việc... “trễ tàu”. Chủ đề của truyện ngắn gói gọn trong một chữ: Hối! Bất ngờ sẽ nằm trong cuốn nhật kí mà dù tác giả chưa mở nó ra, thì người đọc vẫn có thể đoán biết ở trong đó viết gì...

                                                                                             VPL

 

 

Chiều, tôi đi làm về thì thấy có mảnh giấy, ghi: "Nguyễn, ngày mười tám tới tụi bạn cũ lớp mình tổ chức họp mặt. Địa điểm: nhà Băng Châu, Biên Hòa. Cách đi: 8 giờ sáng tập trung tại... sau đó cùng đi. Hôm ấy đông lắm, gần như đủ cả (có danh sách kèm). Mong N. có mặt "cho thêm phần long trọng". Nhờ N. ghé thông báo cho thằng... vì tụi này không biết địa chỉ. Nếu có gì cần trao đổi thì gặp thằng... số nhà... TB: Mười tám tháng mười một cũng là ngày sinh nhật của Băng Châu. Ký tên".

Tôi chưa bao giờ nghĩ tới cuộc họp mặt này bởi tôi học ở trường chỉ một năm, lại trường vẽ, đứa nào cũng đã lớn và đã tập tạnh làm nghệ sĩ chứ chẳng phải loại ngây thơ trong trắng; nên kỷ niệm toàn loại chẳng ra gì. Sau đó tôi tự tiện bỏ trường. Giờ nhớ lại chỉ nhớ nhiều về những cuộc cãi lộn với thầy cô, với lớp, chi đoàn. Còn Băng Châu, nghe mấy đứa bạn nói cô học gần hết năm thứ hai thì bị đuổi vì có dính líu tới một tổ chức phản động.

Thể theo yêu cầu của bạn bè, tôi tới nhà thằng bạn mà họ không biết địa chỉ và trình bày nội dung. Nó dặn sáng ngày mười tám tháng mười một ghé rước nó cùng đi. Tôi gật đầu và giữ đúng lời hứa.

Tại điểm họp mặt tôi được biết thêm chi tiết về trường hợp của Băng Châu: Cô bị đuổi học vì một đoạn nhật ký viết về cô bạn thân sắp vượt biên. Tội là ở chỗ biết có kẻ âm mưu phản quốc (vượt biên) mà không trình báo với chính quyền. Đội Cờ đỏ của trường đã khám phá ra vụ này, mà một thành viên tích cực của đội vừa được tôi chở đến. Bạn bè sau bao năm gặp lại thấy dường như không phải bạn bè mình; đứa nào cũng già, cũng lạ. Vài đứa thành đạt nhất là có tham gia vài cuộc triển lãm, đa số lận đận với công việc chép tranh, vẽ áo dài... Tôi ngồi khựi móng tay nghĩ về quyển nhật ký của Băng Châu bị đội Cờ đỏ tịch thu. Giờ này nó nằm đâu? Chắc trong kho hồ sơ của một cơ quan công an nào đó; tất nhiên là bụi bậm. Băng Châu không biết chính cô đã viết bản án cho mình.

Cả nhóm trùng trình chờ đợi, cuối cùng cũng lên đường, đi bằng xe Honda. Tôi chở thằng Cờ đỏ. Ngoi ngóp cả giờ đồng hồ trong dòng xe cộ, chúng tôi qua cầu Bình Triệu.

?

Hồi đó biết Băng Châu mỗi tuần đi về Sài Gòn - Biên Hòa bằng xe lửa, nên có lần tôi nói tôi chưa bao giờ được nhìn thấy xe lửa thật, có thể một ngày nào đó tôi sẽ lên Biên Hòa chơi, tất nhiên bằng xe lửa. Thật lòng tôi không có ý gì với Băng Châu mà chỉ muốn biết xe lửa thật, nó kích thích tính tò mò của tôi giống như một con thú hoang dã, vừa khỏe mạnh vừa thơ mộng mà tôi chưa được xem. Tiện dịp đó Băng Châu mời tôi, hướng dẫn cách đi đứng. Tôi hứa, nhưng không thực hiện được để Băng Châu phải đợi nhiều ngày chủ nhật. Lý do: tôi không mua được vé vì không đủ sức chen lấn. Một lần thấy mọi người không cần vé cũng có thể lên tàu nên tôi cố bường về phía cái khối chữ nhật khổng lồ theo đám người đó, nhưng sắp đến nơi thì nó chậm chạp bò đi. Vậy là lỡ. Băng Châu nói: "Mẹ em nghe sắp có khách miền Tây đã chuẩn bị đủ thứ để đón anh". Chủ nhật sau cô nói: "Mẹ đợi anh quá chừng!" Chủ nhật sau nữa: "Mẹ thôi đợi anh rồi vì biết anh không đến". Tôi không đến thật, bởi hình ảnh con tàu và sân ga với tôi không còn thi vị như trước.

 

Thằng Cờ Đỏ ngồi sau lưng tôi im lặng. Tôi hỏi nó đã đến nhà Băng Châu bao giờ chưa, nó nói chưa.

 

Băng Châu đón khách một mình trong trạng thái vui buồn lẫn lộn. Nhà cô nuôi đầy chim quí. Chúng tôi trò chuyện trong tiếng chim hót. Tôi hỏi thăm bà mẹ cô, Băng Châu nói là bà mất lâu rồi, một thời gian ngắn sau khi cô thôi học. Tôi chưa bao giờ nghĩ về bà, nhưng bà đã nghĩ về tôi, ít nhất một vài lần bà chuẩn bị đón tôi và trông tôi "quá chừng". Điều nghịch lý này khiến tôi mơ hồ lo sợ. Trong ý thức của bà, tôi từng hiện diện và tồn tại. Có lẽ bà cũng phải tự hỏi, tôi có quan hệ thế nào với con gái bà? Tự nhiên tôi mất vui. Thằng Cờ Đỏ cũng có gương mặt như tôi. Giữa nó và Băng Châu hình như có cái gì?

Mọi người đem quà ra mừng sinh nhật. Thằng Cờ Đỏ cũng đưa một gói vuông vuông như cuốn sách, dặn chỉ được mở sau khi nó đã ra về. Băng Châu ngập ngừng, rồi như đoán được quà gì, mắt cô long lanh. Tôi không có quà. Thật vô duyên và tôi thú thật sự vô duyên của mình. Băng Châu nói không hề gì, chính sự có mặt của tôi đã là món quà lớn. Tôi biết Băng Châu nói thật chứ không khách sáo, điều đó thể hiện qua nét mặt. Như mọi người, Băng Châu cũng già đi, trở nên chững chạc. Tôi xin phép Băng Châu đốt cho bà già cây nhang nhận lỗi. Băng Châu cười. Thằng Cờ đỏ cũng đứng lên với tôi, và khi tôi làm xong phần mình thì đến lượt nó; nó làm mọi động tác hết sức kính cẩn và thiêng liêng.

Khi tôi trở lại ngồi xuống vị trí của mình thì Băng Châu nhìn tôi thật lâu, nói tôi không già mấy. So với các bạn, tôi ít già thật. Cái số tôi lận đận, nhưng đời tôi thì sướng; ít ra đến giờ phút này. Ở đâu, làm gì hầu như "đời" cũng chiều chuộng tôi. Tôi hỏi Băng Châu có lần nào về thăm lại trường cũ không. Cô nói không. Có lúc cũng muốn lắm nhưng nghĩ người ta đối xử với mình tệ quá nên thôi. Băng Châu không ám chỉ tôi nhưng tôi thấy mình cũng nằm trong số "người ta" đó. Cô nói tiếp: "Anh bỏ trường năm trước thì năm sau em cũng "ra trường". Cô cười thành tiếng vui vẻ, chứng tỏ cô không hề mặc cảm về chuyện cũ. Tôi hỏi cô có biết số phận quyển nhật ký giờ ra sao? Nó đang nằm ở đâu? Và cô ghi những gì trong ấy mà tai hại vậy? Cô nói đó là đoạn nhật ký cô viết về đứa bạn thân, giờ đang ở bên Mỹ. Nhưng đấy chỉ là cái cớ để người ta đuổi học cô, còn tai hại thật sự lại nằm ở đoạn khác, mà chắc chưa ai được biết. "Tất nhiên người ta đã tịch thu nó, nhưng may mắn, gần đây Châu tìm lại được. Nếu anh Nguyễn thấy đó là "tư liệu cần thiết" thì Châu sẽ cho anh mượn" - Cô nói lớn rồi ghé sát tai tôi nói nhỏ: "Lát nữa em sẽ đưa cho anh".

Mọi người thật sự ngơ ngác. Mặt thằng Cờ Đỏ sượng trân. Thủ phạm đây rồi.

Anh chồng Băng Châu về. Anh cầm về cho Băng Châu bó hoa. Ít ra anh ta cũng hơn tôi về cái khoản tế nhị này. Anh làm thợ ở lò gốm, sún hai răng cửa, tóc rễ tre, đen. Anh là hội viên Hội chim-cá-kiểng của tỉnh. Băng Châu giới thiệu anh với bạn bè. Nhiều người trong số họ biết anh. Đến lượt thằng Cờ Đỏ thì anh nói: "Lâu quá mới gặp lại anh!" (Vậy là họ đã gặp nhau rồi). Tôi là người được giới thiệu sau cùng. Anh bắt tay tôi hơi lâu, bảo có nghe Băng Châu nói nhiều về tôi. Băng Châu đã nói nhiều về tôi với chồng cô? Nói những gì? Kỷ niệm giữa tôi và Băng Châu ngoài chuyến tàu trượt năm xưa có còn gì nữa đâu? Thậm chí cái ngày tôi bỏ trường không nói được với cô một câu từ giã. Tôi cười, nói giả lả: "Tụi tôi học chung ngày xưa, gần mười lăm năm rồi mới gặp lại". Câu chuyện sau đó nói về chim. Khách săm soi những con chim lộng lẫy nhảy nhót trong những cái lồng lộng lẫy, hỏi về đời sống của chúng. Anh hội viên chim-cá-kiểng giảng giải thông thạo tên từng con, về đặc điểm của chúng: thức ăn, tuổi thọ, sở trường... Sự hiểu biết về chim của khách đối với anh chắc cỡ kiến thức của đám học trò vỡ lòng đối với vị giáo sư. Còn tôi, đến lúc ấy tôi mới biết con nào là vàng anh, họa mi, sơn ca... mà tôi đã lải nhải tên chúng từ khi mới biết nói. Anh hiểu về nghề nghiệp của anh hơn hẳn tôi hiểu về nghề nghiệp của tôi.

Khi khách đã thỏa mãn sự tò mò về chim thì Băng Châu đã kịp bày tiệc. Cô mời mọi người ra nhà sau tiếp tục chuyện trò. Nhà sau của họ là loại nhà mát, cất trong vườn cây, cạnh bờ sông. Từ đây nhìn rõ chiếc cầu sắt nối cù lao với đất liền, giống như một bộ xương khổng lồ. Thỉnh thoảng xe lửa kéo còi chậm chạp bò qua. Ở đây nếu có rảnh ngồi đếm chuyến tàu đi, tàu về cũng là một công việc thú vị. Băng Châu nói với tôi: "Anh xem, tàu bây giờ rất lịch sự mà không mấy người đi. Chẳng bù ngày xưa từ Sài Gòn đến Biên Hòa mà anh đi hoài không tới". Tôi vốn chậm chạp trong cách ứng đáp, nên thay vì nói một câu hay ho, thì tôi lại cười, nụ cười chắc đần độn.

Chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn hình bầu dục. Băng Châu ngồi kế chồng. Thằng Cờ đỏ ngồi kế tôi. Tiệc quá long trọng. Long trọng là phải, cũng do một tay Băng Châu làm. Anh chồng tỏ ra sành về nghề chim của mình bao nhiêu, thì chị vợ cũng tỏ ra sành không kém về nấu nướng. Băng Châu thôi học hóa ra lại may, chứ nếu mọi chuyện suông sẻ thì giờ chắc cô cũng cỡ nghệ sĩ vẽ áo dài. Cả trường vài ngàn đứa có mấy đứa nên thân? Chi bằng cứ khi vui thì nghe chim hót, khi buồn dòm những con tàu chậm chạp bò qua cầu. Tôi thấy đời tôi thua đứt đời họ rồi, thua chỉ vì tính sai bài toán quá đơn giản: tôi đi mà không biết dừng.

Cụng ly đợt thứ nhất sau mấy lời "tuyên bố lý do" của Băng Châu. Rồi lại cụng ly. Thằng Cờ đỏ cũng không vui lên được chút nào. Thấy vậy tôi cầm ly tôi chạm mạnh vào ly nó bên phải, quay sang trái chạm vào ly anh hội viên chim-cá-kiểng rồi giơ ly đề nghị mọi người uống cạn. Băng Châu bảo tôi kể một chuyện gì hay hay ở nước ngoài. Tôi nói với cả bàn: "Các bạn biết không, trước khi về trường tôi là một tên nhà quê, không biết chiếc xe lửa là gì. Nhưng tôi rất mê hình ảnh chiếc xe lửa qua những tác phẩm văn học mà tôi đã đọc. Không thể không mê nếu ai đó có dịp đọc qua thơ Nguyễn Bính viết về những con tàu, những sân ga, những cảnh chia ly... Nhà văn Nguyễn Tuân còn cao thủ hơn: có một nhân vật của ông rất mê đi du lịch, cả quãng đời trai trẻ của nhân vật này gắn liền với xe lửa. Đến lúc già không còn có thể đi đâu được nữa, chiều chiều ông lại một mình ra ga tiễn những con tàu đi! Cho nên hồi ấy biết Băng Châu hằng tuần đi về Sài Gòn - Biên Hòa bằng xe lửa, tôi mê lắm. Một lần tôi nói với Băng Châu là tôi muốn đi xe lửa cho biết, nên Băng Châu có mời tôi lên Biên Hòa. Vậy mà mấy tuần liền tại ga Bình Triệu tôi không thể chen chân lên được toa tàu và mãi đến hôm nay tôi mới có mặt ở đây".

Quay sang Băng Châu tôi nói tiếp: "Ở xứ người xe lửa lịch sự và sang trọng hơn ở xứ ta. Anh đã qua biết bao nhà ga lớn nhỏ nhưng vẫn không sao quên được ga Bình Triệu mười lăm năm trước. Ngày mười tám tháng mười một năm sau anh sẽ đến đây bằng xe lửa!".

Tôi dừng lại và hối hận không sao kể xiết với những lời ba hoa mà tôi không tin là tôi đã thốt ra. Có trời mới hiểu sao tôi lại có thể nói dài và dốt nát như thế. Tôi kín đáo quan sát mọi người rồi mừng rỡ kết luận: chưa có gì nghiêm trọng, thậm chí anh hội viên Hội chim-cá-kiểng còn nhìn tôi với vẻ thán phục, chắc anh đang thèm cái địa vị của tôi. Anh đâu biết rằng những điều tôi vừa nói thuộc vào loại chim sâu, chim sẻ so với kiến thức của anh về chim, và tôi còn thèm cái địa vị hội viên Hội chim-cá-kiểng của anh gấp mười lần anh thèm cái địa vị của tôi.

Băng Châu bảo rằng tôi chỉ nói vậy để vui lòng mọi người chớ thật ra từ ngày đó tôi đã hướng tới những sân ga sang trọng, ồn ào, chứ cái ga xép như của họ thì tôi đâu thèm ghé. Nói chung dù thế nào cô cũng không tránh khỏi cái "nhi nữ thường tình".

Nhưng đến đây thì cô hồn đã "giục" tôi. Tôi không còn biết tôi là ai nữa. Tôi nói, rằng con tàu nào rồi cũng có sân ga (?) mà ví dụ của họ là chứng minh hùng hồn nhất (?). Còn tôi, mười mấy năm qua tôi đã lang thang chắc cỡ mấy vòng trái đất; rằng tôi như cái đầu tàu cũ kỹ thời Pháp thuộc hiện đã mệt mỏi lắm rồi mà không biết dừng lại nơi đâu!

Cái "đầu tàu tôi" không biết sẽ dừng lại nơi đâu nhưng tôi bắt mình phải dừng lại nơi đây, nếu không, sau này tôi không dám tới nhà Băng Châu nữa. Tôi thấy lần này mình thất bại hoàn toàn.

Tiệc tàn. Vui vẻ. Chúng tôi thống nhất với nhau từ nay lớp sẽ họp mặt vào ngày mười tám tháng mười một tại nhà Băng Châu và những năm sau sẽ đi bằng xe lửa. Khi anh hội viên Hội chim-cá-kiểng tiễn khách ra cửa thì Băng Châu kín đáo trao cho tôi gói quà của thằng Cờ đỏ, nói: "Tư liệu" của anh đây. Nhưng năm sau anh phải trả lại cho em nha". Gói giấy vẫn còn nguyên chưa mở. Tôi bỗng lờ mờ đoán một chuyện rắc rối xảy ra giữa chúng tôi.

Chuyến trở về thằng Cờ đỏ vẫn ngồi chung xe với tôi. Cứ như sau lưng tôi là bao gạo chứ không phải là nó. Dọc đường, tôi dừng xe gần con đường sắt đứng chờ, không thèm đếm xỉa gì tới thằng Cờ đỏ. Chờ lâu lắm mới có đoàn tàu chạy ngang qua. Con tàu cũ mèm, toa nào cũng trống hoang, chỉ vài người ngồi lưa thưa. Đúng là tàu chợ, tàu chợ Sài Gòn - Biên Hòa. Tôi đưa tay vẫy. Người đi đường và người ngồi trên tàu ngơ ngác nhìn tôi. Họ đâu biết rằng nếu hồi đó tôi không để trượt con tàu này thì giờ đây đời tôi lại khác?

Nguyễn Trọng Nghĩa
Số lần đọc: 3052
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Lambada (truyện ngắn)
Tình già (truyện ngắn)
Cuốn sách thiếu (truyện ngắn)
Ngón chân cái (truyện ngắn)
Trễ tàu (tuyển truyện)
Trái đắng (truyện ngắn)
15-Khỉ thật! (truyện ngắn)
Thiêu thân truyện (truyện ngắn)
Chết trẻ (truyện ngắn)
Xa xứ (truyện ngắn)