Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.367 tác phẩm
2.747 tác giả
497
116.376.202
 
Đáo [Thô] bỉ ngạn cùng Đỗ Lai Thúy
Đặng Thân
 
 
Đỗ Lai Thúy vừa ra sách mới, Bờ bên kia của viết (NXB Hội Nhà Văn, 2017), cả một cái tên của tuyệt đỉnh chữ. Nhà xuất bản có lời giới thiệu (hơi bị "công chức"):
[...] Chính lý thuyết đã cho Đỗ Lai Thuý nhìn mới đối tượng và, quan trọng hơn, cách tiếp cận đối tượng ấy. Phê bình văn học của ông, do vậy, dù ngắn hay dài đều là phê bình học thuật. Nghĩa là ông thiên về tìm kiếm những giá trị mới, những phương pháp mới, nhất là những thứ có thể tạo ra sự chuyển đổi hệ hình. Tuy say mê lý thuyết như vậy, nhưng, Đỗ Lai Thuý không ứng dụng đơn giản, mà chủ yếu là trải nghiệm lý thuyết qua những thực hành phê bình cụ thể. Tập tiểu luận Bờ bên kia của Viết, tuy là một tập hợp, nhưng là một tập hợp có ý đồ, có cấu trúc. Nó chẳng những bộc lộ ít nhiều viết-Đỗ-Lai-Thuý mà chúng tôi vừa trình bày một cách cô đọng ở trên, mà cả những gì đằng sau viết ấy, tức "bờ bên kia của viết" mong bạn đọc cùng ông "đáo bỉ ngạn".
Mấy dòng ấy chỉ có xác chữ mà chưa có hồn. Các "cách tiếp cận đối tượng" xưa nay đều chưa có cái nào "đáo bỉ ngạn |到彼岸" đâu nhé. Mọi thứ "học thuật", "trải nghiệm lý thuyết qua những thực hành phê bình cụ thể" cũng thế; "có ý đồ, có cấu trúc" càng xa "bỉ ngạn" (pāramitā | 波羅蜜 | ba la mật).
Còn Đỗ Lai Thúy nói gì? Ông tự giới thiệu:
Viết văn, viết văn hoá, viết người viết chung quy là viết bản thân. Nhưng không từ cái ngã còn nhiều rong rêu bám víu, mà là cái bản ngã - vô ngã. Viết, khi ấy đã sang bờ bên kia của viết.
Vậy, đến "bờ bên kia", là do viết được bằng cái "bản ngã - vô ngã"? Dẫu Đỗ Lai Thúy đã gắng nói lòng mình, nhưng e, là ông vẫn bị "lời" nó ám, cho nên lòng ông đã "vô", nhưng vẫn làm người đọc thấy "rong rêu" trong mắt, nên nhẽ vẫn chưa ai thật sự nhìn ra chính ông cho hết nhẽ. Tham khảo "bờ bên kia" trong mắt Tuệ Trung Thượng sỹ,  thì hiển hiện rõ ràng ("sạch sẽ"), như trong bài "Thị chúng" (Bảo mọi người):
示眾 
世間宜妄不宜真, 
真妄之心亦是塵。 
要得一高超彼岸, 
好參童子面前人。
Phiên âm:
Thế gian nghi vọng bất nghi chân,
 
Chân vọng chi tâm diệc thị trần.
 
Yếu đắc nhất cao siêu bỉ ngạn, 
 
Hiếu tham đồng tử diện tiền nhân.
Dịch nghĩa:
Thế gian ưu dối không ưa thực, 
 
Cái tâm thực hay dối cũng đều là bụi cả!
 
Nếu muốn vượt lên cao sang bờ bên kia, 
 
Hãy hỏi đứa trẻ thơ ở ngay trước mặt. 
 
"Chân vọng chi tâm diệc thị trần", nên rằng, "bản ngã"/"vô ngã" thì dường như "cũng đều là bụi cả". Kìa, "hãy hỏi đứa trẻ thơ ở ngay trước mặt". "TRẺ THƠ", chính là cái thể chất chứa đầy trong Đỗ Lai Thúy, và cũng chính điều tôi muốn nói về ông, bút/chữ của ông. 
Đến đây, thì tôi muốn nói ngòi bút của ông không khác con dao của gã đồ tể thực sự "đáo bỉ ngạn" trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Chuyện về gã như vầy: Khi tên bếp của vua Văn Huệ mổ bò gã đưa lưỡi dao xoèn xoẹt, phát ra những thanh âm có tiết tấu của những khúc nhạc như trên thiên giới. Điều quan trọng, là đã 19 năm, đã mổ nhiều ngàn con bò, mà gã chưa hề phải mài dao bao giờ, lưỡi dao vẫn sắc như mới mài. Gã nói, hồi mới học nghề chỉ thấy bò là bò, rồi sau ba năm thì không thấy bò nữa, gã không còn phải dùng mắt hay mọi cảm quan, mà chỉ mổ bò bằng tinh thần. Vấn đề là gã đã biết hết cơ cấu con bò, nên chỉ lách lưỡi dao mỏng vào những chỗ kẽ "hư không" trong thân thể con vật mà không đụng tới kinh lạc, gân, bắp thịt, xương. Gã tâu với vua: "Mỗi khi gặp một khớp xương mà thần thấy khó khăn, thần nín thở, ngẫm kỹ, rồi chầm chậm đưa lưỡi dao thật nhẹ tay, khớp xương rời ra dễ dàng cứ như bùn rơi xuống đất. Rồi thần cầm dao, ngửng lên, nhìn bốn bên, khoan khoái, chùi dao, đút vào vỏ." Ngòi bút của Đỗ Lai Thúy, cũng tương tự. Ông có thể giải quyết mọi vấn đề rất gọn gàng, viết về mọi "người viết" một cách thoải mái nhất có thể mà cứ đâu ra đấy; đưa ra những kiến giải hay ho, sinh động, độc đáo, uyên áo, ngọt ngào... Hãy nghe Đặng Tiến, giảng viên ĐH Thái Nguyên, đưa ra nhận xét giản dị: 
Dầu ai nói ngang hay nói chéo thì tôi vẫn thấy Đỗ Lai Thúy là một trong dăm bảy nhà phê bình văn chương, nghệ thuật, văn hóa... đáng ngưỡng mộ. Ông đọc nhiều, tham bác nhiều học thuyết và ứng dụng thành công.
Cứ thế, ngòi bút ấy đã viết nên [hơn] 11 cuốn sách (trong đó có những tuyệt phẩm như: Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, Chân trời có người bay, Bút pháp của ham muốn, Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy, Thơ như là mỹ học của cái khác, Hé gương cho người đọc...),  ôm chứa hầu khắp mọi "người viết" của văn học/hóa Việt khắp hai bên bờ Thái Bình Dương, trong đó có nhiều tác giả cực kỳ khó nhằn cả về văn phong lẫn quan điểm chính trị. Thế nhưng, "các khớp xương rời ra dễ dàng cứ như bùn rơi xuống đất". Hãy chiêm ngưỡng một đoạn ngắn mở đầu bài "Tô Thùy Yên là hiện tại" của ông trong tập sách mới:
Thơ thành thị miền nam 1954-1975 đa dạng, phong phú. Trong khu rừng nhiệt đới sum suê cá tính ấy nổi lên ba đại thụ: Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Thơ họ hay, khỏi phải nói, đáng nói họ mở ra những con đường sáng tạo khác nhau; đưa thơ Việt cập nhật và cập... thế giới. Thanh Tâm Tuyền, như Trần Dần sau đó, đi hết mình về phía (chủ nghĩa) hiện đại. Bùi Giáng cũng như Lê Đạt sau đó, đặt một chân vào hậu hiện đại. Còn Tô Thùy Yên rẽ ngang vào một hiện đại khác, hiện-đại-cổ-điển.
Chỉ có 6 câu mà "giải | 解 | mổ xẻ" xong các đỉnh núi thơ của 20++ năm!
Xưa, đã có trự "chí thiện đồ ngưu" của Văn Huệ [Vương]; nay, cả mừng mà thấy bậc "cập thiện đồ văn" của vương quốc Văn Chương. Đọc chữ của Đỗ Lai Thúy, cảm quan ban đầu dìu dịu, rồi triển lên ngay rất là mạnh, chắc rằng không khác chi Kinh Kha khi xưa nghe Cao Tiệm Ly gẩy đàn, như Chiến quốc sách đã ghi: "高漸離擊筑, 荊軻和而歌 | Cao Tiệm Ly kích trúc, Kinh Kha hòa nhi ca | Cao Tiệm Ly gẩy đàn trúc, Kinh Kha hòa theo mà ca." Cho nên, đọc Đỗ Lai Thúy, mà không thấy cái sự thúc bách "hòa nhi ca", thì quả là rất mất vệ sinh ("kém tắm").
Gã mổ bò của Văn Huệ "hồi mới học nghề chỉ thấy bò là bò, rồi sau ba năm thì không thấy bò nữa, gã không còn phải dùng mắt hay mọi cảm quan, mà chỉ mổ bò bằng tinh thần"! Ồ, chuyện của gã chính là đỉnh cao của dưỡng sinh, và, nhất là, không khác gì chuyện hệ trọng của các đại sư học đạo: Khi chưa học đạo, chỉ thấy núi là núi; khi dấn thân học đạo, lại thấy núi không phải là núi; lúc ngộ đạo rồi thì lại thấy núi là núi. Sau này, chính Georg Wilhelm Friedrich Hegel lẫm liệt đã học được tinh thần ấy, để đạt đến "tự ý thức" về tính tuyệt đối trong công thức nổi tiếng biện chứng: "thesis - antithesis - synthesis | đề - phản đề - hợp đề". Nên nhớ, "synthesis" của ông chính là "núi" của giai đoạn ba; nôm na thì: núi/sông..., mà không phải là núi/sông..., mới đích thực là núi/sông... Người đọc, dù bình thường đến mấy, sẽ thấy cái thượng thặng chân lý (có vẻ) "đèn cù" ấy trong viết-Đỗ-Lai-Thúy. Ồ, vũ trụ này cũng chính là một cái đèn cù khổng lồ hỗn độn nhất (nhưng "hài hòa"); bỏ qua hiểu biết này mọi người đều rất dễ lãng phí cả cuộc đời. Điều ấy, phản ánh trong thiền và Hegel, chính là tam nguyên luận trong triết học, là cái không những loài người hiện nay hầu như "không thèm biết", mà hầu hết các học giả hàng đầu nhân loại, cũng "đành bỏ qua".
Hành trình viết của Đỗ Lai Thúy (hiếm hoi) còn là một quá trình phản ánh rõ nét nhất tư tưởng của Friedrich Wilhelm Nietzsche hùng tráng, về những chặng đường của một trí giả thực sự: lạc đà, sư tử, trẻ thơ. Bắt đầu như con lạc đà chất lên lưng mà thồ biết bao gánh nặng của tri thức nhân loài, trở thành "sư tử hí cù" cuồng điên tàn hủy tất tật, rồi thanh tẩy tất cả để hóa thành trẻ thơ, từ đây mới có "cá tính sáng tạo", "cái mới", "cái khác". Tiếc thay, trong giới "học giả" nước Nam hiện nay, đa phần thì vẫn chỉ là "lạc đà", chỉ biết è cổ chất chồng (tuy nhiên, tất cả mà được như thế thì đã tốt) mà không sáng tạo (vì chưa từng dám đập phá và trở về hồn nhiên). Đã thế, có những "GSTS" còn thường viết về các thầy mình, hết thầy này đến thầy khác, những bài "nêu công ơn" kiểu như "Thầy tôi, người thồ chữ"!! Thế mà các vị "thò chầy" kia vẫn sung sướng tạc thù được với nhau mới hãi. Ôi, những "lạc [thú] [chốc] đà"!!
Thực ra, Nietzsche cũng còn thiếu, chứ đoạn đầu ắt phải là "trẻ thơ" (ngạc nhiên trước vạn vật), rồi mới đi tiếp chặng "lạc đà", "sư tử", để rồi mới có thể "復歸於嬰兒 | phục qui ư anh nhi | lại trở về với trẻ thơ", như Lão Tử đã truyền trong Đạo Đức Kinh cách nay hàng ngàn năm. Như Phúc Âm đã bảo: "אם לא תחזרו בתשובה ותהיו כמו ילדים קטנים, לא תיכנסו למלכות השמים | Truly I tell you, unless you change and become like little children, you will never enter the kingdom of heaven | Ai không trở nên như trẻ nhỏ không được vào nước Trời." Để rồi mới tới Nietzsche, và sau đó là René Maria Rilke: thơ là tiếng nói của trẻ thơ; nhà thơ ơi, hãy luôn biết cách nhìn mọi vật như kẻ lần đầu trên thế gian nhìn thấy... 
Sáng tạo lớn của Đỗ Lai Thúy, dưới ảnh hưởng của Thomas Samuel Kuhn ("triết gia khoa học" có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20) với thuật ngữ "paradigm shift | chuyển đổi hệ hình", là việc ông (cùng một số ủng hộ viên khác) chia văn học làm ba hệ hình: tiền hiện đại, hiện đại, hậu hiện đại. 
Tổng hợp tất cả các điều trên từ thiền, triết, Lão, Trang, Phúc Âm, Tuệ Trung Thượng sỹ, Hegel, Nietzsche, Rilke, Kuhn, Đỗ Lai Thúy... và, tam nguyên luận, tôi xin được đưa ra sơ đồ tóm lược này:
 
TRIẾT THIỀN HEGEL NIETZSCHE VĂN HỌC TÍNH HỆ HÌNH
Nhất nguyên Núi là núi Thesis [Trẻ thơ] "Dân gian" Tiền hiện đại 
Nhị nguyên Núi không là núi Anti-thesis Lạc đà "Khoa học" Hiện đại 
Sư tử "Tâm linh" Hậu hiện đại 
Tam nguyên Núi lại là núi Syn-thesis Trở về trẻ thơ "Dân gian" của "khoa học" & "tâm linh" ??
 
Vậy thì, thưa tất cả các nhà lý luận văn học Việt Nam rằng, quan điểm của các vị còn chưa trả lời cho câu hỏi của tôi (đã hỏi các vị từ lâu trong các hội thảo), đó là tôi chưa thấy rõ cái "tam nguyên", hay đơn giản là "sự trở về trẻ thơ" đâu (hệ hình? / chủ nghĩa?). Tất nhiên, tôi đã có câu trả lời của mình (và tôi tin chắc đến lúc này thì nhiều người cũng thấy), nhưng nói hết lúc này, hình như là chưa đúng "時|thời" chăng. Một lời đơn giản, thì chỗ có hai dấu hỏi (??) ấy mới thực sự là cú "trở về trẻ thơ" của "tam nguyên", một thứ "dân gian" tái hiện nhưng đầy ắp "khoa học" tính của modernism cùng "tâm linh" tính của postmodernism, sau khi đã vượt vũ môn qua các cửa ải "nhị nguyên" của những "lạc đà" và "sư tử", có thể tạm gọi đó là "transmodernism | xuyên hiện đại" (Đây, cũng là nơi tôi [nhà văn Đặng Thân, như nhiều người vẫn gọi] thường cư, và vẫn gọi là PHẠC-NHIÊN; xin các nhà lý luận phê bình nhỡ quan tâm thì lưu ý, đừng ép uổng tôi đi lung tung).
Tuy nhiên, đối với cả hành trình viết-Đỗ-Lai-Thúy thì ông lại đủ cả bốn chặng đó (trẻ thơ, lạc đà, sư tử, trở về trẻ thơ). Thế nhưng, đề nghị mọi người đừng nhìn các chặng theo kiểu "linear | tuyến tính" (Ôi, biết đến bao giờ các "học giả" nước ta mới hết "máy móc" nhỉ?), mà phải biết nhìn kiểu "nonlinear | phi tuyến tính". Vì thế mà tôi đã nói: "trẻ thơ", chính là cái thể chất chứa đầy trong Đỗ Lai Thúy, và cũng chính điều tôi muốn nói về ông, bút/chữ của ông. Đúng vậy, Đỗ Lai Thúy là một trẻ thơ phi tuyến tính | nonlinear child.
Cập nhật 1: Vừa có một vị tiến sỹ văn học gạo cội nhắc: 
Tôi cho cái được nhất của Đặng Thân là đặt lại vấn đề cho các nhà lý luận văn học Việt Nam rất hay (có thể là mở ra một hệ hình cho nghiên cứu, lý luận văn học). Còn vụ "trẻ thơ phi tuyến tính" mà dành viết về Bùi Giáng thì chắc là cực hay như Đặng Thân đã có một bài thơ rất "thượng thừa" về Bùi Giáng (Thơ Bùi Giáng là một kết hợp cao viễn giữa tinh tuý triết học Đông Tây và tâm hồn Tô Vũ chăn dê nơi miền Trung nước Việt... cùng bao nhiêu kết hợp khác, thật khó nói... Tâm hồn Đặng quân từ một miền văn triết tương tự như thế nào đó đã khóc thi sĩ đười ươi bằng một tuyệt tác xưa nay chưa có).  Mong cho mỗi cú viết của Đặng Thân đều kết thúc bằng cảm hứng "viết đến đây nhẹ cả bìu..." như cao trào huyết lệ về "trung niên thi sỹ"!!!
Thưa anh, thứ nhất, tôi đã có đặt một danh xưng cho Bùi Giáng, là tuyệt-tự-tiên, và, nếu có viết nữa về người, tôi sẽ viết trên tinh thần ấy. Thứ hai, tôi thấy Bùi Giáng đúng là "trẻ thơ", nhưng, ông là "trẻ thơ" cỡ vừa thủy tổ vừa vị lai, đến mức ông đã tự gọi mình là "đười ươi" (Rất chính xác, vì sinh học đã chỉ ra đười ươi và khỉ có bộ não như của đứa trẻ hai tuổi. Bùi Giáng là "trẻ thơ mặc định | default child"). Thứ ba, anh đừng quên Đỗ Lai Thúy đã có một chuyên luận khủng khiếp về Bùi Giáng (đã in trong tập Thơ như là mỹ học của cái Khác), có thể nói đó là bài viết của một nonlinear child về default child vậy.
Cập nhật 2: Nhiều "học giả", cũng như cánh ngộ chữ "loser" vất vưởng, rất phản ứng và căm tức với cái nhan đề "bờ bên kia" mà Đỗ Lai Thúy đã đặt, như thể cái từ đó chỉ dành cho các bậc đại giác ngộ ngất ngưởng. Hỡi ôi, bây giờ là thời nào? Thời phong kiến, chắc rằng không thường dân nào dám tự nhận mình là "vua" trên văn bản nào, tru di cái chắc. Nhưng hiện nay, ta thấy nhan nhản vua: vua dầu mỏ, vua truyền thông, vua bất động sản... cho chí vua bãi rác. Tức là, "vua" đã thành một từ phái sinh, không còn chỉ có mỗi hàm nghĩa "nguyên thủ một quốc gia quân chủ theo chế độ cha truyền con nối" nữa, mà còn chỉ "người đứng đầu và có quyền lực" trong bất cứ lĩnh vực nào. Vậy là, chúng ta ai cũng hoàn toàn có quyền gọi ông là vua, như là "vua đống rác cũ" chẳng hạn (từ này hay). Tương tự, "bờ bên kia" cũng đã thành từ phái sinh; riêng trong phê bình văn học, Đỗ Lai Thúy thực sự "đáo bỉ ngạn" vậy. 
Cũng mạo muội khuyên ông, sao không nghĩ ra từ/ngữ của riêng mình, khỏi phải "ăn lại đờm dãi của người xưa", như Trần Nhân Tông đã "chém". Vì thế, mà tôi "nhún nhường" bảo là "đáo [thô] bỉ ngạn" cùng ông.
PHỤ LỤC
Tôi những tưởng đã viết xong bài, thì gặp câu chuyện này trên FB, giữa một nhà báo (NB) kỳ cựu và một nhà phê bình (NPB) kỳ tài, trao đổi về viết-Đỗ-Lai-Thúy sau khi biết ông vừa in Bờ bên kia của viết:
NB: Trước nay khi đề cập đến văn học Sài Gòn cũ thường thấy hai loại... ứng xử. Một là coi như không có, xem như nửa nước phía nam thời chiến không có văn học; hai là phê phán, có khi hết sức gay gắt, nhập cục tuốt vào cái bị "văn hóa thực dân mới", trừ phần văn học chịu ảnh hưởng của CM gọi là "tiến bộ", tích cực. Trong bối cảnh ấy,những kiến giải khách quan, công bình về văn học Sài Gòn giai đoạn 1954-1975 cũng như văn học hải ngoại sau này mà có người định danh là văn học VNCH... nối dài, thực sự còn hiếm. Vì hiếm nên... quý! 
NPB: Từ 1993 tôi đã nêu vấn đề phải nghiên cứu văn học miền Nam trước 1975 trong một bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ. Và sau đó tôi đã có viết mấy bài. Năm 1994 Trần Mạnh Hảo đã quy kết chính trị tôi việc này trên báo Văn Nghệ sau một bài viết của tôi... Và anh Thúy đã dính việc "copy" một đoạn dài của một nhà nghiên cứu ở Sài Gòn trước 1975 mà không dẫn nguồn trong cuốn Con mắt thơ (sau tái bản đổi là Mắt thơ). Việc này CVS đã có một tố giác cụ thể. Cho nên nói "hiếm" thì không đúng lắm, anh ạ.
Chà, họ làm tôi nhớ cả một đội "kính thưa các loại cá" trong hoạt động văn học đương đại, ở ta. 
NPB ấy nổi tiếng (mặc dù khó xác định được nổi tiếng vì cái gì), mà phát biểu thế thì thật là quá máy móc, như... "cá ướp đá". Đã là "cá ướp đá", làm sao đến được cuộc đời đầy sinh khí và những cuộc văn chương thực sự sinh động?! 
Quả là đã có chuyện "anh Thúy đã dính việc 'copy' một đoạn dài của một nhà nghiên cứu ở Sài Gòn trước 1975 mà không dẫn nguồn trong cuốn Con mắt thơ". Cuốn ấy, đã từng suýt được trao giải thưởng lớn của cái gọi là Hội Nhà Văn Việt Nam. Ái chà, đã có mấy con "cá mương" đến tận nhà trưởng ban xét giải để soi từng câu mà "anh Thúy" đã "copy", để rồi cùng thống nhất rằng cuốn sách ấy là không thể trao giải được (nhưng, cho đến nay, ai cũng thấy tác phẩm đó là cực hay). Việc làm của họ không sai (theo một thứ "[tiệm] lý" nào đó), nhưng dưới ngọn bút của "sử ký", thì cá mương muôn đời vẫn là cá mương. Xưa Khổng Minh giết hết sạch cả một tộc người trong hang, dẫu là việc chiến tranh phải thế, nhưng cái tiếng tàn độc tổn hại âm đức thì không bao giờ phai.
Người ta không chỉ nói Đỗ Lai Thúy "đạo văn". Có NPB hải ngoại còn cất cái giọng "cá mập" viết nhiều bài mang tính tố cáo và luận tội, và đặt tên cách làm của ông là "luộc văn".  Nghe thật là hãi hùng địa ngục. 
Đã là "cá mương", thì làm sao mà có thể tiếp cận những chân trời thơ mộng thơm tho cho được. 
Hãi nhất là, trong một vụ tố cáo gần đây trên báo Đại Đoàn Kết, một "cá mương" khét tiếng "oánh" một giáo sư khả kính hàng đầu cái tội "đạo văn", vì đã "copy" rồi xén tỉa, thêm nếm vào bản gốc (nào đó) cho nó khang khác đi thành ra của mình. Hỡi ôi, "cá mương" ấy đâu biết đó chính là "chiêu pháp" paraphrase (diễn giải cách khác), rất là thông dụng trong các hoạt động academic toàn cầu. Với cách ấy, thì không cần dấu ngoặc kép hay chú thích gì sất. Ngu xuẩn, táng tận như thế mà người ta cũng đưa lên báo ("đại đoàn kết") cho được. Hãi hơn, là giáo sư đó có hàng vạn học trò nay đều là các trí thức ác liệt, thế mà, cho đến nay cũng chả ai lên tiếng. Vì dốt nát, hay vì thực lòng muốn cho thầy chết đi? ("Cha mẹ thói đời ăn ở bạc..." [Tú Xương])
Cũng một NPB khác ở hải ngoại thì lại bênh Đỗ Lai Thúy!! NPB ấy cho rằng ông chưa biết cách "làm chú thích" mà thôi. NPB đó viết thế này: 
Nếu Hoàng Ngọc Hiến nhầm trong việc ghi xuất xứ thì Đỗ Lai Thuý lại thường rất lơ đễnh trong việc ghi nhận các tư liệu mà ông sử dụng. Lơ đễnh đến độ ông thường bị buộc tội là “đạo văn” hay “luộc văn”. Nổi tiếng và tai tiếng nhất là vụ ông lấy nhiều đoạn của Lê Huy Oanh trong cuốn Con mắt thơ, nhiều ý của Nguyễn Văn Trung và, hình như, của bản thân tôi nữa, trong nhiều bài viết về phê bình và lý thuyết văn học. 
Xin nói ngay, tôi không hề có chút ác ý nào khi nhắc lại trường hợp của Hoàng Ngọc Hiến và Đỗ Lai Thuý ở trên. Theo tôi, cả hai người đều là những cây bút thông minh, uyên bác và tài hoa nhất trong thế hệ của họ ở trong nước; cả hai đều có những đóng góp nhất định trong sinh hoạt phê bình và lý luận văn học Việt Nam. Vấn đề của họ, tôi có cảm tưởng, gắn liền với một cái gì sâu rộng hơn, trong đó, điều này không chừng là quan trọng nhất: văn hoá học thuật mà trọng tâm là văn hoá trích dẫn (culture of quotation/citation/reference), một điều hình như chưa bao giờ được lưu ý ở trong nước, ngay cả ở môi trường nó cần được lưu ý nhất: giáo dục.
Quả thật, mấy lâu tôi có dịp được đọc nhiều luận văn, luận án viết về tác phẩm của mình, nên quả có thấy cái sự khủng khiếp của việc trích dẫn và chú thích. Phải nói là kinh hãi. Đúng là, ở Việt Nam, chưa ai dậy ai về việc phải trích dẫn và chú thích sao cho đúng, nhất là ở những văn bản academic. Thậm chí, người ta không hề biết khi nào thì in nghiêng, khi nào dùng ngoặc kép. Một sự kinh tởm tầm quốc gia.
Nhưng mà, "bênh" Đỗ Lai Thúy thì cũng sai nốt. Vì chính ông đã nói (với tôi): "Trong khi viết, thấy có cái gì sẵn mà phục vụ cho mình thì mình cứ dùng thôi."
"Cá ướp đá", "cá mập", hay là "cá mương", "cá b/k-ênh", cũng đều không thể chạm tới sự thật được. Như Bá tước Russell III, OM, FRS (tức ngài Bertrand Arthur William Russell) cao quý đã ngôn: "The whole problem with the world is that fools and fanatics are always so certain of themselves, but wiser people so full of doubts | Toàn bộ vấn đề của thế giới này là ở chỗ bọn ngu xuẩn và cuồng tín thì đều rất tự tin chắc chắn về mình, còn những người khôn ngoan thì lại luôn nghi ngờ tất cả." 
Thế nhé, đừng tin bọn to mồm (cũng như, đừng nên tin ai cứ im lặng). Thế đấy, các "cá" ạ. 
Bertrand Russell có viết trong tự truyện, là hồi vị thành niên cụ thủ dâm rất nhiều, trong nhiều năm. Những người cao quý đều hay thủ dâm. Bởi vì họ sớm lý tưởng hóa sự đời, chỉ đam mê [những phụ nữ] lý tưởng, nên thường thấy đám con gái quanh mình rất phàm tục, khiến họ khó muốn gần. Vì thế ắt thủ dâm nhiều. Những kẻ sát gái sớm, thì đều là lũ bờm xơm, hạ lưu (vì đa phần gái trẻ đều thế), khó có thể trở nên cao quý. Tuy nhiên, người thủ dâm nhiều ắt nhiều ẩn ức. Phải chăng nhỉ, càng nhiều ẩn ức, người ta càng dễ trở nên cao quý. Ai quen phép gọi hồn, hãy hỏi cụ Bertrand Russell cái coi.
Đỗ Lai Thúy cũng gặp những chấn thương tâm lý từ nhỏ, sau những cuộc "cải tạo", "cải cách" ở Bắc Việt. Khi chưa đến 10 tuổi, đang là "con địa chủ" ông đã phải "ra đê" (nghĩa đen) để sống, ông đã "rất hãi người" (nguyên văn lời ông trong một phỏng vấn), không dám gần ai! Có nghĩa, từ bé ông đã tâm niệm mình là kẻ luôn bị tước đoạt tất cả. Như vậy, khi là "trẻ thơ", ông đã là một trẻ-thơ-bị-chấn-thương-tâm-lý, cái mà bây giờ dễ bị quy vào bệnh tự kỷ. Tôi muốn nói, ở chặng 1, "trẻ thơ", ông đã "khác".
Chặng 2, "lạc đà", Đỗ Lai Thúy, sau khi xong đại học, có 10 năm đi lính. Biết mình không hợp tạng lính tráng, và không thể cạnh tranh làm tướng với đám nông phu đeo quân hàm, ông tìm mọi cách để ra. Lại thêm những chấn thương đau đớn mà âm thầm khác. Một nam tử quân dung đẹp đẽ, cốt cách đâu ra đấy, phải qua bao chấn thương như vậy, mà đến nay, vẫn không hề có một câu thù hận nào trong trang viết của mình, chẳng "đáo bỉ ngạn" còn gì?
Một "trẻ thơ", khi không được trọn vẹn sống trong một "thiên đường tuổi thơ", ắt đầy ẩn ức (như hàng triệu trẻ thơ Bắc Việt), và đứa trẻ ấy sẽ mãi là đứa trẻ, vì tuổi thơ [thật] không được như ý. Đỗ Lai Thúy sẽ phải cõng đứa trẻ "chấn thương" ấy trong lòng, mãi suốt cuộc đời.
Người vợ đầu của ông, dám vứt toàn bộ giá sách của ông ra đường, đã bị ông từ bỏ ngay lập tức. Người đàn bà "tần tảo" ấy đâu biết, giá sách ấy là món "đồ chơi" vĩ đại của "trẻ thơ" Đỗ Lai Thúy. Với một đứa trẻ, đồ chơi là tất cả "3000 thế giới", đừng "hồn nhiên" xúc phạm chúng, lũ "người lớn" mà không có khôn kia.
Một "trẻ thơ", khi đến vườn trẻ hay công viên, cái gì nó thích, bất kỳ của ai, nó đều vồ lấy. Nhiều đứa nói ngay và luôn: "Cái này là của tao." Thế thôi, "cái gì tao thích là của tao", thế mới là "trẻ thơ", nhé. Xưa, đã có hiền nhân nói rằng, nếu nhìn đời bằng "con mắt ăn cắp", thì cái gì trên đời chả là ăn cắp; đến cái thân ta thì ta cũng có tự sinh ra đâu, chả phải ăn cắp của cha mẹ và trời đất còn gì?? Mà thôi, chúng ta cũng đừng chấp cái đám "cá ướp đá", "cá mập", "cá mương", "cá b/k-ênh" hay "cá dọn bể" làm gì, chữ "ngư" (cá) đã ẩn tàng chữ "ngu" rồi vậy.
Thưa, đến đây, hy vọng mọi người đã hiểu tại sao Đỗ Lai Thúy hồn nhiên dùng mọi tài liệu có sẵn miễn phục vụ cho mục đích của mình. Và, rất hy vọng, ai cũng hiểu thế nào là trẻ thơ phi tuyến tính.
_____________
Bonus: Ồ, tôi không thể ngờ, là nhiều người lại rất ủng hộ cách nhìn này. Sau đây là vài ý kiến đại diện:
Chánh Nguyễn (chuyên gia điện toán, Mỹ): 
Đọc ĐT quá đã nên dân cao bồi thảo dã phải mạo muội xen vào đàm luận của cao nhân. Đã vì tôi chợt thấy được một góc nhìn khác. Quen với "văn hóa trích dẫn", tôi từng đồng tình với thái độ nhỏ nhen rằng không trích dẫn đàng hoàng là "đạo". Biết đâu có những người hoàn toàn vô tư, bồn chữ chẳng của riêng ai, thấy hay thì dùng. Người khác "đạo" của mình cũng chẳng thèm quan tâm, cứ phơi phới. "Trẻ thơ phi tuyến tính" như thế há không hơn những tay hủ nho, trích cú tầm chương theo giáo điều, chẳng có văn chương ý tưởng gì cho phê, sao? Derivative thinking, chỉ nhai lại mà còn vờ vĩnh làm cao, phê phán nào "luộc" nào "đạo".
Phan Thiết (họa sỹ): 
"Tầm chương trích cú" đúng form đã lộ ngay phần kém cỏi... Càng thuộc càng ngoặc kép thì càng nhốt mình vô ngục, phần viết của hắn chỉ là dựa dẫm và minh chứng ta là bản nhái cái "trích ra" rồi vênh vênh văn hạnh... Còn gì nữa chính kiến thiên kiến...
Còn gì thú bằng khi phát hiện Đỗ Lai Thuý trích dẫn đầy cảm hứng cho việc viết của ông và chả quan trọng, chả đếm xỉa cái chính tắc sáo rỗng cỏn con sốt ruột của việc ngoặc kép... Đỗ Lai Thuý trích những cái thực sự cần để mà ông cuốn phăng trích dẫn kia theo dòng lũ chữ của mình thành Tổng Thể chỉ có thể là Đỗ Lai Thuý.
Võ Việt Linh: 
Khoái quá cái giải nghĩa của Ngài về sự chiếm hữu trẻ thơ và sự tự tin (cận tuyệt đối) của các đ/c ngu ngốc hay cuồng tín... đến nỗi nảy ra một từ mới (?) về một trạng thái tâm sinh lý người: "tín kỷ". Còn vấn đề đang đề cập thì rõ là, chẳng phải mọi sự biết đều là đời sau dùng của đời trước ư. Ngoại trừ những phát kiến, những lập ngôn ...trứ danh, (hoặc bê nguyên một cụm từ hay ho), buộc phải chú thích, chú giải... hoặc nháy nháy... còn thì cứ là tự nhiên sử dụng như vẫn đi trên đường có sẵn là dĩ nhiên thôi. Những kẻ làm ồn, bới móc... óc thực không hề hướng đến học thuật, mà vì một mục tiêu khác... cũng do bị một dạng tín kỷ, chẳng hạn. Ít ra thì họ cũng tỏ ra rất hàn lâm nhưng sức sáng tạo của họ dúm dó, phân mảnh và bị chìm nghỉm trong chính những mớ kinh điển thuộc lòng ấy...
Đặng Xuân Thảo (dịch giả, nhà khoa học, Pháp): 
Thực ra chẳng khó gì nhận ra sự khác biệt giữa đạo văn thô thiển và "đạo văn" tinh tế theo kiểu lấy cảm hứng để tạo ra ý mới. Việc thứ hai là truyền thống học thuật xưa nay, tuy nhiên gần đây do việc đạo kiểu thứ nhất quá tràn lan mà phải đề ra luật và tiêu chuẩn. Nhưng việc trích dẫn ngoài để xác định rõ cái mới (không thì những người đọc qua loa lại không nhìn ra) thì cũng là để tri ân những người mang đến nguồn cảm xúc... Cách tri ân cũng ko nhất thiết cứng nhắc như trong citation ở ngành khoa học, không thì người đọc lại mất hết dòng đọc.
Nguyễn Như Huy (giám tuyển nghệ thuật, NS thị giác): 
Chính ra trích dẫn là một niềm vui đáng kể của việc viết. Mà riêng việc trích dẫn cũng thiên hình vạn trang, cũng là một trò chơi tự thân. 
Nói về trích dẫn, xưa kia kẻ hèn nghe một người bạn vong niên (mà kẻ hèn này coi là thầy) bình về ông Phan Ngọc rằng, không biết ông ấy viết có hay hay không, có giỏi hay không, nhưng mọi công trình sách vở trước tác của ông đó hầu như đều không có trích dẫn của bất kì ai, từ bất kì đâu. Riêng kẻ hèn này sau này đọc Phan Ngọc viết về truyện Kiều thì thấy rất thích thú, tuy nhiên tìm chú thích hay trích dẫn cũng chẳng có đâu hết. Nan giải quá, thưa tiên sinh.
Ấy chà, quả là nan giải...
Phan Ngọc "chích" kiểu phọc ngan
Nhời đâu như "sấm" hỏi han ích gì
Thưa quý vị, Đỗ Lai Thúy đã sang tuổi 70, quả là một người "xưa nay hiếm".
[8-9/2017]
 
Đặng Thân
Số lần đọc: 1938
Ngày đăng: 23.10.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con người khát khao hạnh phúc trần thế trong thơ chữ Hán Nguyễn Du - Phan Đình Dũng
Đối chiếu sứ điệp Truyện Hồng Bàng Thị với sứ điệp các nền văn hóa khác - Nguyễn Đăng Trúc
Ý nghĩa của cuốn tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” thông qua hình ảnh của những bàn tay - Nguyễn Đăng Hưng
Nguyễn Thị Liên Tâm với "Đêm thơm lựng mùi sen" - Lê Ngọc Trác
Thánh địa Mỹ Sơn (kỳ I) - Trần Công Nhung
Mùi hương nằm lại ...bên đời - Từ Sâm
Nguyễn Hiến Lê với “Quan niệm sáng tác của Edgar Poe 5% là hứng” - Hoàng Kim Oanh
Nhà thơ Xuân Diệu mà tôi biết : trích hồi ký “Về người cha thi sĩ” - Lâm Bích Thủy
Thái độ của vị kỷ (II) - Võ Công Liêm
Quan niệm nghệ thuật và “triết lý sáng tác’’ của Edgar Allan Poe* - Hoàng Kim Oanh
Cùng một tác giả
Thùng Thuốc Nổ (truyện ngắn)
Cú Hých Về Nguồn (truyện ngắn)
ngái em (thơ)
Người thầy của em. (truyện ngắn)
Yêu (tuyển truyện)
Ma nhòa (truyện ngắn)
6i +Hi i (thơ)
Đặng Thân: Viết (phỏng vấn)