Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
491
115.866.408
 
Nhà thơ Tố Phang – danh sĩ đất Nam bộ
Nguyễn Thanh
                                   
                Trên con đường theo học văn chương, tôi đã may mắn được học với nhiều nhà giáo mang tâm hồn thi sĩ. Sau khi đậu Trung học Đệ nhất cấp, tiếp tục vào học Đệ Tam trường trung học Phan Thanh Giản, tôi học Việt văn với giáo sư Nguyễn Tri Hựu (1903-1956), bút danh Anh Pha, có thi phẩm “Hoa muộn Tây Đô”. là nhà thơ nổi tiếng với bốn Đường luật “Tứ đỗ tường”. Lên lớp Đệ Nhị (nay là lớp 11), tôi học thầy Phạm Thế Ngũ (1921-2000), tác giả bộ sách “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên” (ba quyển). Sau khi vượt qua cửa ải Tú Tài phần I, lên Sài Gòn học, tôi học môn Triết lớp Đệ Nhất tại trường trung học Chu Văn An với giáo sư Trần Bích Lan, tốt nghiệp Cử nhân Triết từ Pháp mới về. Người thầy có cái tên rất con gái này là Nguyên Sa (1932-1998), là một nhà thơ lãng mạn rất nổi tiếng của tuổi học trò. Khi vào Văn khoa (Faculté de Lettres) tại Cần Thơ, tôi học môn Văn chương bình dân (Văn học dân gian) với giáo sư Ngô Văn Phát tức nhà thơ Tố Phang, - cùng thế hệ với thi sĩ Đông Hồ (1906-1969) - là một nhà thơ, nhà văn đã nổi tiếng lẫy lừng trên văn đàn Nam bộ. 
 
                 Nhà thơ Tố Phang tên thật Ngô Văn Phát (1910-1983), còn ký với bút danh : Thuần Phong, Đồ Mơ, được coi là một trong những nhân vật lịch sử văn hóa nổi tiếng của tỉnh Bạc Liêu, cùng với : nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976), Nhạc Khị (1870- ?), anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng (1925-1968), Hắc Công tử Trần Trinh Huy (1900-1974)…Sinh ra tại Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, trong một gia đình có học, thuở nhỏ, Ngô Văn Phát học chữ Hán ở nhà với cha, tục ngữ, ca dao với mẹ. Học xong bậc tiểu học tại quê nhà, ông lên Sài Gòn học tiếp và đậu bằng Thành Chung (Diplôme d’études primaires supérieures), rồi vào học ngạch Họa đồ và ra làm việc ở ngành Công chánh. Ngô Văn Phát đã sớm yêu thích văn chương thơ phú từ lúc còn thơ ấu. Năm 14 tuổi, ông bắt đầu tìm tòi làm quen văn thơ truyền miệng và đã tự làm một số câu ca dao, bài thơ gởi đăng thường xuyên với báo Phụ nữ Tân văn từ năm 1928 đến năm 1935. Mới 19 tuổi, ông đã gây tiếng vang trong làng văn với 10 bài thơ họa lại 10 bài Khuê phụ thán  của nhà thơ Thương Tân Thị (1888-1966). Dù đã nổi tiếng nhà thơ, ông vẫn đứng ngoài phong tráo thơ mới đang phát triển rầm rộ cả 
                                                                1
nước và các trường phái văn nghệ khác. Không bao lâu sau đó, những thành tựu tốt đẹp dồn dập đến là ông Ngô Văn Phát đã nhận được 6 giải thưởng văn chương. 
                  Với uy tín và tiếng vang tốt có được, năm 1957, ông Ngô Văn Phát được hội Xuất bản Từ điển Bách khoa  Encyclopaedia Britannica ở London (Anh quốc) mời cộng tác. Ông gởi bài “Khảo cứu về Sài Gòn”, và được đăng vào bộ tự điển của hội. Năm 1964, tại Paris, quyển “ Ca dao giảng luận” của ông được nhà nghiên cứu Pháp Maurice Durand lược trình và bình luận trong bộ sách của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (École francaise d’Extrême - Orient). Cùng trong năm này, cơ quan Nghiên cứu Việt học của trường Đại học Sorbonne tại Paris (Pháp) mời nhà thơ Tố Phang Ngô Văn Phát tham gia Dự án  Nguyễn Du (Projet Nguyễn Du) chuẩn bị cho cuộc lễ Kỷ niệm 200 năm Năm sinh Nguyễn Du (1965) . Nhận lời, ông gởi thiên khảo luận “Nguyễn Du et la Métrique populaire” (Nguyễn Du với thể Dân ca) và được đăng vào bộ sách “Mélanges sur Nguyễn Du” (Tạp luận về Nguyễn Du) do Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp xuất bản (năm1966). Bên cạnh những trước tác văn học, bằng tất cả trí tuệ của một học giả uyên bác, nhà văn Ngô Văn Phát còn chủ động, đóng góp lớn trong việc đặt tên bằng tiếng Việt cho những đường phố Sài Gòn (1956) hay thay thế hết các tên đường tiếng Pháp bằng tiếng Việt khi ông là Trưởng phòng Họa đồ thuộc Ty Kỹ thuật Sài Gòn. 
 
                  Với kiến thức uyên thâm, tài năng văn học và nhân cách cao trọng của một học giả, nhà văn Ngô Văn Phát được mời dạy môn Việt văn tại các trường : Pétrus Ký (Sài Gòn), và là giáo sư thỉnh giảng môn Văn chương bình dân (Văn học dân gian) tại các trường : Đại học Văn khoa (Sài Gòn), Đại học Sư phạm Huế, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Cần Thơ… 
 
              Tác phẩm của nhà thơ Tố Phang (nhà văn Thuần Phong Ngô Văn Phát) gồm có : 
1. Cô gái thị thành (tập thơ vui - 1938) ký bút danh Đồ Mơ (Sao Mai xuất bản, 1948 Sài Gòn)
2. Những cuộc biển dâu (tập thơ, làm năm 1938), Sao Mai xuất bản, 1950,  Sài Gòn 
3. Bức tranh vân cẩu (tập thơ, làm từ năm 1930 đến 1944)
4. Hoa gương hương gió (tập thơ, làm từ năm 1929 đến 1960) gồm 3 tập : Bụi ngày xanh, Sóng lòng, Bụi đô thành.
5. Ngụ ngôn Việt Nam I,II (Tập thơ)
                                                                   2
 
6. Bóng người qua (Tập thơ -1928)
7. Giữa Đồng Tháp Mười (Sách thần đồng -1929, NXB Tân Việt Nam)
8. Giọt lệ phòng đào (Tập thơ -1929)
9. Ca dao giảng luận (Khảo luận)  do Maurice Durand viết phần Thay lời tựa,
    NXB Á Châu - 1965, Sài Gòn.
 
              Và nhiều tác phẩm kịch, giáo khoa, khảo luận, chú giảng tác phẩm văn học : Khảo luận về Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm khúc giảng luận, Giảng văn Đệ Tam (Ban văn chương và khoa học …)
 
              Nhìn lại sự nghiệp văn chương của nhà thơ Tố Phang, trước tiên, công chúng văn học Nam bộ giai đoạn này đều công nhận dấu ấn rạng rỡ đầu tiên trong cuộc đời hoạt động văn học của nhà thơ là dư âm tốt về 10 bài thơ họa lại mười bài “Khuê phụ thán” của Thượng Tân Thị (*). Chủ đề mười bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật này kể lại lời than thở thê thiết của một bà phi nhà Nguyễn trong hoàn cảnh đen tối của đất nước. Nhà thơ Tố Phang đã thể hiện sự vững vàng về thi pháp và một hồn thơ giàu cảm xúc, đã làm 10 bài họa thành công một cách xuất sắc. 
 
                 Nhà thơ Tố Phang, với tâm hồn nhạy cảm và tài hoa của ngòi bút thơ thiên phú đã trải lòng mình trong những thi phẩm củ mình để nói lên ký ức về tuổi thơ : “Buổi thơ ấu, những ngày khô ráo/ Anh cùng em ẩn náu sau vườn/ Giả làm một cặp uyên ương/ Biết bao thân ái giữa vườn thanh u/…Buổi thơ ấu đã qua không lại/ Thú trẻ con tìm mãi đâu ra/ Vườn xưa đổi chủ thay hoa/ Người xưa nhớ bạn, tuổi già tiếc xuân” (Buổi thơ ấu - Sóng lòng). Trong tình cảm lứa đôi, có khi nhà thơ cảm nhận cuộc hội ngộ ban đầu là một cung đàn hạnh phúc, thánh thót vọng lên dù trong một không gian mưa gió: “…Tay vòng tay, chân bước theo chân/ Khi lòng chan chứa ái ân/ Đôi ta dừng lại, đôi thân ấp nồng/ Khi gió bấc hơi lồng mạnh thổi/ Ta ép vào dưới cội sum sê/ Hai thân dựa, hai má kề/ Như đôi chim lạnh đề huề ẩn mưa”. Nhưng không hẵn tình yêu nào chung cuộc cũng trọn vẹn một ân tình. Nhà thơ Tố Phang cũng mô tả những cuộc tình tan vỡ, chia xa : “ Một bước đi là một tiếc thương/ Vắng hoa tiều tụy cả khu vườn/ Vầng trăng buồn lạt trời thu quạnh/ Vắng bạn lòng tơ mấy đoạn vương/ Một bước đi là một nhớ nhung/ Xa hoa vườn vắng tiếng côn trùng/ Xa trăng trời vắng mùa thu đẹp/ Xa bạn lòng tơ luống não 
nùng/…(Một bước đi - Sóng lòng). Thơ Tố Phang cũng nói về thế thái nhân tình :
                                                         3
 “…Hương tàn lưu lại nắm tro/ Thi nhân lưu lại nấm mồ câu thi/ Nắm tro gió thổi bay đi/ Nấm mồ ngọn cỏ xanh rì mọc lên/ Câu thi thiên hạ dần quên/ Ngàn thu thi sĩ còn tên tuổi gì ? Mỹ Thuận 22/11/1933 (Nén hương). Đôi khi, tác phẩm Tố Phang nhuốm màu sắc tôn giáo, phảng phất nét tiêu cực bi quan, trước những gian dối, phụ bạc, đổi trắng thay đen của lớp người thực dụng nặng về danh lợi : “Khi các bạn thoát vòng tranh đấu/ Hiểu lẽ Đời lẽ Đạo phân minh/ Gởi hồn trong tiếng chày kình/ Nhắc cho nhân loại nhớ tình tương thân”. Về nghệ thuật bút pháp, Tố Phang viết văn xuôi, văn vần hay viết khảo luận thường theo phong cách viết văn của người Nam bộ. Nhà thơ dùng lời lẽ dung dị, tự nhiên, ít khi tỉa gọt hay sử dụng mỹ từ, ai đọc cũng dễ hiểu và dễ cảm thụ. Các thể loại tác giả hay sử dụng khi là song thất lục bát, lục bát truyền thống và thơ mới bảy chữ. 
 
                Nơi giảng đường Đại học, giáo sư Ngô Văn Phát, luôn thể hiện mẫu mực phong cách một nhà mô phạm đích thực với đồng nghiệp và sinh viên. Thầy cư xử mềm mỏng, lễ độ và khiêm tốn với mọi người, chuẩn bị giáo trình nghiêm túc đầy đủ trước khi lên lớp, sẵn sàng trao đổi, tư vấn cho đám đệ tử chuẩn bị bài thuyết trình tại lớp. Giờ học với nhà thơ Tố Phang thật thú vị. Giáo sư thường cho sinh viên thực hành làm các thể thơ ngay tại trường, sau đó thầy nhận xét và rút kinh nghiệm cho học trò - những kỷ niệm mà sinh viên học Văn chương với thầy vẫn  nhớ hoài về thời còn đi học ở Văn khoa..  
 
                    Là học giả, xuất thân từ một chuyên viên họa đồ, không thuộc vương các nhà khoa bảng có học hàm học vị đàng hoàng nhưng nhà thơ Tố Phang - nhà văn Thuần Phong Ngô Văn Phát vẫn được mọi người ngưỡng mộ và kính trọng như một giáo sư Đại học thực thụ. Ngoài vinh dự được giới trí thức hàn lâm và cơ quan văn hóa nước ngoài mời hợp tác viết tiểu luận văn học, ông còn được bốn trường Đại học lớn trong nước thỉnh giảng để truyền thụ học thuật văn chương cho thế hệ sinh viên đàn em. Trên nền tảng một kiến thức tự học uyên bác, một tấm lòng say mê làm đẹp cho ngôn ngữ nước nhà cọng hưởng với nhân cách cao đẹp của một nghệ sĩ chân chính, một nhà mô phạm đích thực, cùng với khối di sản tác phẩm văn học không nhỏ, nhà thơ Tố Phang - nhà văn Thuần Phong - giáo sư Ngô Văn Phát được coi là một danh sĩ tài hoa của vùng đất mới Nam bộ.
 
           30. 10. 2017
                                                                                            
                                                            
(*) Mười bài Khuê phụ thán xuất hiện lần đầu tiên trên Nam Phong Tạp chí, số tháng 3/1919 , dưới bài ghi : Vĩnh Long nữ học sinh Phan Sơn Đại sao lục. Các ông Lê Dư, Phan Khôi đã nhầm khi cho tác giả 10 bài Khuê phụ thán là bà Nguyễn Hoàng Phi, vợ vua Thành Thái, mẹ vua Duy Tân.
 
 
 
 
5
 
 
Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3060
Ngày đăng: 01.11.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thế giới nguyên vi đêm hoàng lệ. - Phan Đình Dũng
Hoàng Như Thủy An "Từ thơ đến họa" - Vương Kiều
Bob Dylan và những hòn đá lăn - Phan Nam
Những vụ trọng án dưới thời vua Minh Mệnh - Lê Ngọc Trác
Lại nói về Sách : Tin hay Ngờ ? - Phan Văn Thạnh
Loạt suy tư "Thức tỉnh cùng H. Béla" Bài 01: Ánh sáng từ trong tâm hồn - Nguyễn Văn Thượng
Nơi cuối cùng ba tôi đến - Lâm Bích Thủy
Trò chuyện với cây bút nữ Tiểu Nguyệt “Con đường đến với văn chương” - Mang Viên Long
Tổng quan nghệ thuật rối nước - Tuấn Giang
Dọc đường văn nghệ ( phần 20) Ông Khai Trí với tuyển thơ Tình Việt Nam và Thế giới. - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)