Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
695
116.543.943
 
Ăn cơm nhà... (phần 11)
Phạm Lưu Vũ

Người phương Đông xưa chia những con số ra làm hai loại: số cơ (lẻ), số ngẫu (chẵn), cũng là dương, âm; Trời, Đất; Đực, Cái; Nam, Nữ... Thế rồi xắp xếp, đùa bỡn thế nào mà bỗng phát hiện ra rằng những con số tưởng như vô hồn kia lại vốn có một sức mạnh khủng khiếp. Đến nỗi trong đạo Phật, từ cách đây mấy nghìn năm, đã có một môn gọi là: “thần thông đạo pháp”. Đó là chỉ dựa vào những con số mà tu luyện, có thể đạt tới một cảnh giới siêu phàm, muốn gì được nấy, dễ dàng sai khiến cả quỷ thần(!). Về sau, các bậc tu hành chân chính lo rằng cái môn “thần thông đạo pháp” ấy mà lọt vào tay những kẻ kém đức, thì tác hại của nó với loài người sẽ ghê gớm lắm, đại khái chẳng kém gì... bom nguyên tử ngày nay. Từ đó trong đạo Phật cấm tu luyện “thần thông đạo pháp”. Môn ấy đến nay vì thế thất truyền(?). Hay như Kinh Dịch ra đời cách đây đã dăm nghìn năm, là một bộ sách huyền vi mà hơn hai nghìn năm trước đây, Đức Khổng Tử từng phải than rằng: “cho ta sống thêm vài năm nữa, ta sẽ hiểu hết được Kinh Dịch”. Bộ Kinh ấy cũng chính là một bộ sách số học, một khoa học về những con số, dựa vào những con số mà tìm ra quy luật thấu suốt cả thiên địa, nhân tình. Kinh Dịch gồm đủ bách nghệ, môn nào cũng đạt tới trình độ bạt vía kinh hồn. Chỉ riêng một môn gọi là “lý số” (lại vẫn là “số”), đời xưa đã có những bậc kì nhân quán thế như Thiệu Khang Tiết đời Tống, hay như cụ Trạng Trình(1491-1585) ở nước ta. Những bậc “thánh nhân” mà người xưa từng tổng kết rằng phải mấy trăm năm (may ra) thiên hạ mới có được một người...

Người viết những dòng này đang sống trong thời đại gọi là “kĩ thuật số” hiện đại, siêu hiện đại. Thời đại mà khoa học của người phương Tây mới phát hiện ra rằng việc áp dụng điều khiển bằng số trong công nghệ hiện đại là o diệu vô cùng. “Kĩ thuật số” ra đời lập tức đang làm nên một cuộc cách mạng trong mọi lĩnh vực của đời sống hiện đại, từ chiếc nồi cơm điện, máy giặt, máy điện thoại... đến truyền hình, chụp ảnh, công nghệ thông tin... Sắp tới, chắc những lĩnh vực khác như văn chương, thi phú, cả đến yêu đưng, cãi lộn, ngoại tình... rồi cũng sẽ áp dụng... “kĩ thuật số” cho mà xem. Một hôm mơ màng so sánh, bỗng giật mình nhận ra rằng cái gọi là “kĩ thuật số” ngày nay còn lâu mới đạt tới trình độ như của... người xưa. Rằng công dụng của “số” còn lớn đến mức, mà “kĩ thuật số” hiện đang áp dụng chẳng qua mới chỉ là dùng con dao mổ trâu, đi... cạo lông chân những con ruồi. Có người sẽ bảo là nói ngoa. Nhưng quả thực, kiến thức về “số” mà người phương Đông xưa từng đạt tới ví như một trái núi, thì “kĩ thuật số” hiện đại (đang được cả hai phe khủng bố và chống khủng bố sử dụng...) chẳng qua chỉ như vài viên “sỏi” nhỏ bé mà thôi.

Tất nhiên, rồi đây “kĩ thuật số” sẽ không dừng lại, không dẫm chân tại chỗ mà tiếp tục phát triển, thậm chí phát triển với tốc độ vũ bão. Loài người rồi sẽ được chứng kiến những chuyện phải thường mà “kĩ thuật số” mang lại. Bởi nếu quả thực có một “Đấng Tạo hoá” đã sáng tạo ra cả vũ trụ này, thì hẳn là “ngài” đã dùng... “kĩ thuật số” để tạo nên. Vì thế “kĩ thuật số” cũng chính là chiếc “chìa khoá” để thâm nhập trở lại vào vũ trụ ấy của “ngài”. Không phải chuyện khoa học viễn tưởng đâu, mà quả thực, con người có thể di chuyển trong không gian với vận tốc ánh sáng mà không cần đến tàu vũ trụ. Khoa học ngày nay đã chứng minh được bằng lý thuyết rằng có thể phân tích hoàn toàn vật chất thành những tín hiệu, thành... sóng điện từ. Phân tích, rồi tổng hợp... tất nhiên dựa trên “kĩ thuật số”. Đại khái có thể “fax” một đồ vật từ nơi này sang nơi kia, cách xa cả ngàn cây số với vận tốc ánh sáng, chứ không phải chỉ “fax” được hình ảnh như bây giờ. Từ “fax” được đồ vật, đến lúc “fax” được chính... con người nữa thì cũng chỉ là vấn đề thời gian (sẽ liên quan đến cả vấn đề đạo đức, thậm chí tồn, vong của loài người nữa chưa biết chừng). Thế thì cái phép “cân đẩu vân”, trong nháy mắt đã vượt qua mười vạn tám ngàn dặm của Tôn Hành Giả ngày xưa trong sách của cụ Ngô Thừa Ân, xem ra không phải là hoàn toàn bịa tạc.

Nói rằng người xưa từng đạt đến một cảnh giới mà khoa học ngày nay còn lâu mới với tới thì quả có làm nản lòng các nhà khoa học. Nhưng đại khái cũng na ná một câu chuyện khoa học viễn tưởng mà kẻ viết đọc cách đây đã lâu (chừng hơn hai chục năm) như sau:

Chuyện kể rằng có một con tàu vũ trụ xuất phát từ Trái đất, đã mười vạn năm di chuyển trong vũ trụ với vận tốc ánh sáng. Đoàn thám hiểm trong con tàu đó gồm các nhà khoa học không biết đến già là gì (vì với vận tốc ánh sáng, thời gian bằng không). Mười vạn năm lang thang trong vũ trụ, đoàn đã qua rất nhiều thiên hà, gặp gỡ nhiều hành tinh... thu thập bao nhiêu kiến thức về vũ trụ. Phát hiện bao nhiêu hành tinh có sự sống, có các nền văn minh cực kì đa dạng... Đến một ngày kia, đoàn bắt gặp một hệ mặt trời kì lạ, mà quỹ đạo của các hành tinh trong hệ mặt trời đó được xắp xếp một cách đều đặn như thể do bàn tay con người. Đoàn quyết định chọn một hành tinh trong số đó để hạ cánh.

Đó là một hành tinh rất xinh đẹp, cây cối tốt tươi, những dòng sống mát rượi, hiền hoà. Biển xanh ngắt và dập dờn sóng bạc... Những điều kiện lý tưởng cho sự sống, cho một nền văn minh kiểu con người. Nhưng lạ thay, không một bóng người hay bất kì loại động vật nào. Chỉ thỉnh thoảng lại nghe như có tiếng cười giữa không trung, như có tiếng thở dài trong gió, như có những dấu chân trên cát... Nhưng bóng dáng của con người thì tuyệt chẳng thấy đâu.

Đã đến lúc phải trở về Trái đất. Con tàu từ giã hành tinh đó và bay tiếp vào vũ trụ. Đột nhiên, trong các khoang của con tàu xuất hiện những bóng ma lấp lánh ánh bạc. Có kẻ lạ mặt bí ẩn trong vũ trụ đột nhập vào con tàu? Quả là thế thật. Và kẻ lạ mặt đó đã tặng cho đoàn thám hiểm một vật. Đó là một đĩa từ ghi lại những thông tin từ mười vạn năm về trước. Khi những thông tin đó được chiếu lên màn ảnh, đoàn thám hiểm nhận ra đây chính là cảnh xuất phát của chính con tàu vũ trụ của mình từ Trái đất xưa kia. Bấy giờ mọi người mới kinh hoàng nhận ra rằng hành tinh xinh đẹp mà họ vừa hạ cánh chính là Trái đất yêu dấu!. Vậy những con người ở đấy, nền văn minh ấy giờ biến đi đâu?

- Mười vạn năm các anh (các cụ) bay trong vũ trụ thì nền văn minh ở Trái đất không dừng lại mà tiếp tục phát triển. - Kẻ lạ mặt trở lại gii thích - Con người đã xắp xếp lại quỹ đạo của các hành tinh, đã đạt tới trạng thái mà những thành viên trên con tàu - thực chất đã trở thành những người (cổ đại) cách đấy mười vạn năm, không thể nào hiểu được nữa. Mặc dù họ là những nhà khoa học, đã thu thập được biết bao kiến thức về vũ trụ, mặc dù “nền văn minh” của chính đoàn thám hiểm trên con tàu ấy cũng phát triển với tốc độ phi thường... Song so với sự phát triển của chính Trái đất - cái nôi của họ trước kia, thì kiến thức của họ gần như là... dừng lại. 

Trạng thái mà nền văn minh Trái đất đạt tới ấy là gì? Tạm gọi là: “như ý”. Con người có thể tự “phân tích” hoàn toàn thành “sóng”, thành vô hình (chỉ vô hình đối với khả năng của các giác quan hiện tại)... để di chuyển tuỳ ý trong không gian với vận tốc ánh sáng, để hoà mình vào vũ trụ, để... (nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì đó là trạng thái “Như Lai”) trở về với chính cái “bổn lai diện mục” của mình. Đó là cảnh giới “vô thượng Phật”, con người đã ra khỏi ngũ hành, không còn nằm trong vòng sinh tử...

Con tàu vũ trụ đó, đoàn thám hiểm đó... liệu có phải là... khoa học ngày nay?

 

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3475
Ngày đăng: 26.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ăn cơm nhà... (phần 9) “truyện không kể trong truyền kì “ - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 10) (Trích Luận ngữ tân thư) - Phạm Lưu Vũ
Mùa thu tế - Võ Quê
Ăn cơm nhà... (phần 8) - Phạm Lưu Vũ
Nửa điều còn lại - Phạm Lưu Vũ
ăn cơm nhà... (phần 6) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 7) - Phạm Lưu Vũ
Mùa mưa.ra đảo… - Huỳnh Kim
Ăn cơm nhà... (phần 5) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 4) - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)