Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
734
115.996.110
 
15-Khỉ thật!
Nguyễn Trọng Nghĩa

"Sáng nay vào lúc bảy giờ, tại nhà trẻ thực hành "Hoa hồng" người ta phát hiện một con khỉ đã biến thành một em bé trai khoảng ba, bốn tuổi. Đầu đuôi sự việc như sau: Nhà trẻ "Hoa hồng" được thành lập cách nay hai năm bốn tháng, tọa lạc trong một khuôn viên rộng rãi, có bóng cây, nằm ngay trung tâm thành phố. Vì có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát nên Ban giám hiệu đã cho xây một hồ nuôi cá và vài chuồng nuôi súc vật khác, trong đó có một chuồng khỉ - để các cháu làm quen. Con khỉ ấy giống đực, phát triển bình thường, tuổi đời cũng khoảng ba bốn năm, do một phụ huynh tặng lúc nhà trẻ mới thành lập. Tuy nhiên, theo như lời một số phụ huynh có con em gởi ở nhà trẻ này thì thời gian gần đây con khỉ đó tỏ ra buồn; chẳng hạn như trước kia khi người ta cho trái chuối thì nó vội vàng ăn ngay, đôi khi không kịp lột vỏ. Còn gần đây khi người ta cho, nó cũng nhận nhưng không ăn mà cẩn thận lột vỏ rồi ngồi nhìn, như trầm tư, suy nghĩ...

Vì tòa soạn nằm bên cạnh nhà trẻ ấy nên chúng tôi chẳng những chỉ cử phóng viên, mà gần như cả Ban biên tập báo đã chứng kiến. Theo đại diện Ban giám hiệu cho biết, nhà trẻ tạm thời đóng cửa để giới chuyên môn nghiên cứu".

 

Cuối cùng cũng đã có thông tin chính thức. Bài báo trên đã làm dịu bớt mức độ căng thẳng của sự tò mò và góp phần đính chính nguồn tin đồn thất thiệt đang lan nhanh trong cư dân thành phố. Song, nếu ai thật tò mò thì qua bài báo lại càng tò mò thêm, thí dụ khi biến thành người, em bé khỉ ấy có bận quần áo không? Em có nói và nghe được tiếng người? Em ăn uống thế nào? Vị phụ huynh - chủ nhân trước kia của con khỉ là ai, có được nó trong trường hợp nào v.v..., nghĩa là xuất xứ của nó. Rõ ràng ở đây còn nhiều điều cần phải biết.

Sau khi đọc xong bài báo, Thạch rủ người bạn đến nơi xảy ra sự kiện trên để coi. Người bạn lưỡng lự rồi lắc đầu nói, trong chuyện này có cái gì đó hơi rờn rợn nên anh ta không đi. Thạch thấy chẳng có gì rờn rợn cả, bởi loài người vốn cốt khỉ, bây giờ chỉ thêm một con nữa biến thành cũng là điều tự nhiên, cùng giống nòi với nhau cả. Nhưng trên đường đi Thạch nghĩ, quá trình từ khỉ chuyển thành người rất dài, theo các nhà khoa học thì phải đến con số tỉ năm, cụ thể bao nhiêu tỉ thì Thạch không nhớ. Còn con khỉ này chỉ qua một đêm đã biến thành. Khác nhau là ở chỗ đó.

Đúng như bài báo đã viết, nhà trẻ tọa lạc trong một khuôn viên rộng, có bóng cây, nằm ngay trung tâm thành phố. Đó là nhìn từ xa. Còn khi Thạch đến chỉ thấy toàn người. Thạch mạnh dạn chen đến cổng ra vào. Tại đây mỗi người được phát không một chiếc vé. Anh định xem để biết là vé gì nhưng không cách nào đưa cánh tay lên được vì sức chen lấn thật mãnh liệt của con người. Kiểu này thì nguy. Thạch nghĩ rồi nhét vội tờ giấy vé vào túi quần. Liền lúc đó khối người tò mò ào lên đẩy lọt Thạch vào trong cổng. Hóa ra lại may. Thôi kệ, vé gì tính sau. Quyết định xong Thạch nhón chân lên nhìn qua lớp đầu người để quan sát địa hình. Anh chỉ kịp nhận thấy khi vào cổng rồi thì có hai ngả. Tuy nhiên điều đó chẳng có nghĩa lý gì bởi Thạch không thể đi theo ý muốn. Thạch đứng im vì khối người tạm thời ngưng chuyển động. Anh ngửa mặt lên để thở và nhận ra khoảng không gian trên trên đầu mình có một nhánh cây đa gie ra, rễ buông xuống tua tủa. Thạch hỏi một người gần như đang gắn chặt vào mình: "Chuồng khỉ ở hướng nào, ông bạn?". Hỏi xong Thạch biết mình dùng từ không đúng bởi bây giờ đâu thể gọi là chuồng khỉ. Song, "ông bạn" không trả lời mà chỉ đung đưa cằm và lúng liếng mắt.

Khoảng nửa giờ sau, dựa trên cơ sở nhánh cây đa, Thạch biết mình được đẩy về hướng phải. Anh thấy khá mệt, mồ hôi tươm ra, rít rấm khó chịu. "Ông bạn" vẫn gắn chặt vào anh. Thạch chưa từng biết có bao giờ một đám đông người lớn chen nhau đi xem một em bé, xem cái mà hầu như trong mỗi gia đình đều có? Nhưng lần này thì anh biết và thấm thía. Dù vậy anh quyết tâm không từ bỏ ý định.

Thạch cố nhớ lại trong đời đã có cuộc chen lấn nào như thế này chưa, và anh nhớ ra cái đêm nô en năm ấy, lúc Thạch còn là trai tơ ở tuổi mười bảy. Lần đó anh muốn xem chúa Giê-su nằm trong máng cỏ nên mới chen lấn một cách mạnh dạn. Ngay từ buổi chiều Thạch đã có mặt tại quảng trường, phía trước nhà thờ. Đến nửa đêm người ta đẩy anh tới được vòm cổng. Tại đây anh hoàn toàn tuyệt vọng vì anh biết không thể nào vào được mé bên trong. Kể từ lần ấy đến nay, dù còn xảy ra nhiều cuộc chen lấn khác, nhưng mức độ gay cấn chưa cuộc nào bằng cuộc này.

Mặt trời bắt đầu đổ nắng dữ dội xuống đầu mọi người, nghĩa là lại một khoảng thời gian nữa trôi qua, nhưng bao nhiêu phút thì Thạch không biết. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì chẳng những Thạch mà có thể một vài người khác sẽ không đủ sức chịu đựng. Thạch nhờ "ông bạn" quan sát dùm chung quanh tìm một nơi nào khả dĩ có thể thở được vì "ông bạn" cao hơn Thạch một cái đầu. "Ông bạn" lại lúng liếng mắt, đung đưa cằm rồi gần gật tỏ ra tán thành. Hai người làm cuộc đột phá về hướng ấy.

Hóa ra là cái hồ cá mà trong bài báo có đề cập đến, một cái hồ nho nhỏ, ở giữa có hòn non bộ trông như hòn đảo nhỏ. Một hàng rào sắt chắc chắn được bao chung quanh hồ. Thạch nắm một thanh sắt, nhô đầu ra khoảng trống để thở, và phút chốc anh cảm thấy khỏe trở lại.

Cũng bên hồ cá này Thạch được biết thêm những thông tin mới mà bài báo chưa đề cập đến, rằng cô giáo - người đã phát hiện em bé ở trong chuồng thay vào chỗ con khỉ - đã được đưa ngay vào bệnh viện bởi vì cô xỉu tại chỗ. Bà lao công già cũng đột ngột biến mất. Một số cô khác khi biết được sự việc cũng đã tỏ ra sợ sệt tột độ, thần kinh bấn loạn và đều được đưa khỏi nơi đây để nghỉ ngơi. Ban giám hiệu còn ở lại một người - đó là người đàn ông duy nhất trong số thầy cô giáo của trường.

Thạch không nghĩ rằng sự việc có vẻ nghiêm trọng đến mức độ như vậy và anh thắc mắc chẳng hiểu người ta đang làm gì với "nó" ở trong đó. Thạch quyết định nghỉ ngơi thêm vài phút nữa rồi sẽ đi tiếp, mặc dù anh nghe trong mình đã khỏe lại. Anh nhìn xuống hồ. Qua lớp nước mờ đục, những cái bóng vàng dưới đáy hồ (chắc là cá) đang chờn vờn, có cả những cái bóng đen. Phía bên kia hồ, một cái vòi nước kiên nhẫn chảy, nước từ trong vòi thì trong mà nước dưới hồ thì đục. Thạch muốn biết những cái bóng đang chờn vờn dưới đáy hồ có thực là cá? Nhưng anh không có cách nào dụ chúng lên được. Thạch nhổ xuống mặt hồ một chấm nước miếng với hy vọng lừa được chúng. Mặt nước chỉ xao động nhẹ vì sức rơi của chấm nước miếng rồi lại im, dưới đáy nước những cái bóng vẫn cứ chờn vờn. Nếu là cá thì đây quả là những con cá lõi đời, Thạch nghĩ. Anh vẫn chăm chăm nhìn chúng không chịu thua. Chợt anh phát hiện ra một vật tròn tròn trong túi quần. Thì ra là một viên giấy anh vo tròn từ hồi nào (Thạch có thói quen vo tròn bất cứ thứ gì là giấy trong hai túi quần, đôi khi cả tiền và nhiều giấy tờ quan trọng). Thạch ném viên giấy xuống hồ. Nhanh như chớp, một bóng đen lao lên đớp gọn rồi biến mất.

Nghỉ ngơi thêm một lúc nữa, Thạch rủ "ông bạn" tìm cách tiến lên phía trước. "Ông bạn" gật đầu đồng ý. Thạch buông tay khỏi thanh sắt hồ cá, lập tức anh bị trôi theo dòng chảy, dòng chảy bây giờ có vẻ sôi sục hơn. Tuy nhiên Thạch vẫn còn nhìn thấy bóng cây đa, có nghĩa anh tiến chưa được xa lắm, chỉ mươi thước là cùng. Còn bao xa nữa mới tới nơi ấy và anh đã đi được bao nhiêu thời gian thì Thạch không biết. Bài báo nói đây là một khuôn viên rộng nhưng không nói cụ thể rộng bao nhiêu. Song, theo suy luận của Thạch thì chuồng khỉ phải đặt chỗ trung tâm và dễ nhìn thấy - Để các cháu làm quen mà! Thạch đã qua hồ cá, điều đó có nghĩa anh đã vào gần trung tâm của khuôn viên. Thạch hỏi "ông bạn": "Ông nghĩ nó còn xa không?" "Ông bạn" lắc đầu cười. Rõ là cái đầu của "ông bạn" còn kiêm luôn chức năng của cái miệng. Ông chỉ gật hoặc lắc vậy mà hai người hiểu nhau từ đầu cuộc hành trình. Thạch hiểu, cũng như anh, "ông bạn" và có thể mọi người chung quanh nữa cũng không biết khi nào họ sẽ đến nơi. Thạch thấy yên tâm và điều đó càng khích lệ anh chen lấn hăng hái hơn. Nhưng ngay tức thì sát bên cạnh anh có một người lên tiếng: "Anh hỏi cái gì còn xa?" Thạch trả lời rằng, ý anh muốn hỏi nó còn cách họ bao xa, nghĩa là bao giờ thì họ đến nơi. "Đến nơi là đến đâu? Còn nó là ai?" - Người ấy tiếp tục. Thạch ngạc nhiên: "Ủa, vậy chớ anh đi đâu?" "Anh đi đâu? Ha ha! - Người ấy cười ngất - Anh nói sao? Anh hỏi tôi đi đâu à? Chứ anh đi đâu?" Thạch nói: "Trong hoàn cảnh như thế này, tôi nghĩ rằng đùa là không đúng chỗ". "Phải, - hắn nói - đùa ở đây là hoàn toàn không đúng chỗ, anh bạn!" Thạch nghĩ thầm, ai là bạn của mày, cái thằng nửa người nửa khỉ kia. Nhưng anh không nói thành lời. Thạch quyết định chấm dứt cuộc cãi vã ở đây. Anh cố tình chen lên phía trước để tránh dây dưa với người ấy. Anh thấy công việc chen lấn cũng khá dễ dàng, vậy mà từ đầu anh chỉ đứng để cho người ta xô đẩy. Nhánh cây đa vẫn bám theo Thạch, nhưng qua lớp đầu người Thạch đã thấy lờ mờ xuất hiện một mảng lưới mắt cáo, thứ lưới sắt người ta vẫn thường dùng làm chuồng khỉ. Nghĩa là sắp đến nơi. Dù vậy Thạch cũng biết đoạn đường từ nơi Thạch đang đứng đến mảng lưới mắt cáo là đoạn đường gay go nhất.

Do cố gắng của Thạch cũng như của mọi người, khoảng cách được thu ngắn dần. Anh đã nhận ra rõ phần phía trên của cái chuồng bằng lưới sắt, nhưng tất nhiên là chưa thấy "nó". Thạch tự hỏi, chẳng lẽ "nó" lại giống hệt một em bé bình thường? Ở nhà Thạch cũng có thằng cháu trai khoảng ba, bốn tuổi. Thạch đặc biệt mê cái bộ phận giống đực của nó bởi nó nhỏ xíu (tất nhiên) và vô cùng dễ thương. Cháu của Thạch lanh lẹ và leo trèo giỏi như khỉ. Nói chung đó là "một bé trai bình thường". Vậy chẳng lẽ "nó" cũng chỉ giống hệt như cháu của anh? Không, không thể, bởi cháu của Thạch là người (dù cũng cốt khỉ), còn "nó" là khỉ... chính cống.

Bây giờ thì Thạch đã sắp tiếp cận được mục đích. Tất nhiên cái khối người lớn không đơn giản để cho anh ung dung bước đến chiêm ngưỡng "nó". Phút cuối nào cũng thường gay go, vì đến lúc này đồng loại của anh đã để lộ bản chất khỉ mà lâu nay họ tưởng đã mất rồi: họ không còn kiêng nể gì nhau, cứ tự nhiên phát huy hết sức lực của mình, ai mạnh người ấy thắng. Thạch thuộc loại yếu đuối, nhưng nhờ bám sát vào người "ông bạn" nên cuối cùng anh đã với tay nắm được khung lưới sắt mắt cáo.

"Ông bạn" nhìn thấy "nó" trước Thạch. Thạch thấy trên mặt "ông bạn" biểu hiện sự thất vọng. Thạch hỏi tại sao, ông không nói mà chỉ lắc đầu, mặt nhăn nhó tru lên bằng giọng mũi thứ âm thanh không phải của con người. Chợt Thạch cảm thấy nghi ngờ về khả năng hoàn chỉnh của "ông bạn", anh hỏi thêm một câu nữa để xác định mối nghi ngờ của mình thì biết quả thật "ông bạn" bị câm. Bây giờ trên gương mặt của "ông bạn", ngoài nỗi thất vọng còn có thêm sự uất ức, cả hai trạng thái đều ở đỉnh cao. Thạch thấy rờn rợn, không phải vì tin báo chí đã loan mà vì anh sợ những người chung quanh anh, cụ thể là cái "ông bạn" mà anh đã khá gắn bó. Nhưng tại sao "ông bạn" lại thất vọng và giận dữ? Điều này càng làm cho Thạch cố gắng hơn lên. Anh cật lực rúc đầu vào những kẽ hở khả dĩ có thể rúc được, và điều ấy không đơn giản chút nào. Lần thử thách đầu đã không thành công. Lần thứ hai do cố gắng hơn, đầu anh đã phụp vào trong giữa hai bên mông đít của ai đó anh không rõ. Anh dí mắt vào được sát tấm lưới sắt mắt cáo và nhìn thấy một con gà trống. Nếu nói về phương diện thẩm mỹ thì đây là một con gà đẹp: màu đỏ, mỏ vàng, lông sạch sẽ, đôi chân trắng trẻo. Để cho các cháu làm quen thì quả nên chọn những con gà như thế này. Gà ra gà. Thạch đồng ý với quan niệm ấy. Con gà đang ung dung dạo quanh bốn mặt lưới sắt và đưa mắt tò mò nhìn... con người. Cái không gian giam cầm chật hẹp của nó giờ đây đối với con người quả là lý tưởng.

"Ông bạn" thất vọng vì nguyên nhân gì, Thạch đã rõ: ông tưởng rằng người ta lừa ông. Theo Thạch nghĩ, sự thật không phải như vậy, chẳng qua là các anh chưa đến đích. Thạch biết chắc sau con gà trống sẽ là "nó". Nhưng anh đã hết sức rồi. Con người ta hiểu bản thân mình rõ hơn ai hết. Sức của Thạch đến đây đã cạn, cũng như cái lần đi xem Chúa Giê-su, anh chen được tới vòm nhà thờ, và ở đấy Thạch biết mình đã cạn sức.

Trước khi rút lui Thạch ghé mắt ngắm con gà trống một lần nữa. Ngắm xong Thạch kết luận: đây là con gà trống bình thường tuy có trắng trẻo và sạch sẽ hơn đồng loại của nó. Nó đi đứng bình thường như gà và trí óc cũng của gà. Thạch kết luận như vậy bởi nó vẫn ung dung đi dạo trong bốn bề lưới sắt như chẳng có việc gì xảy ra, mà trên thực tế đã có chuyện xảy ra.

Thạch quyết định bỏ "ông bạn" và rút lui. Trên đường trở ra có thể anh sẽ ghé lại hồ cá xem những con cá một lần nữa. Anh thấy có cảm tình với những con cá đó. Thạch nhón chân nhìn qua lớp đầu người để xác định đường ra và anh dễ dàng nhận thấy nhánh cây da. Đường thì gần, nhưng ra tất nhiên là khó. Người ta kéo đến ngày càng đông, và trông họ có vẻ quyết tâm lắm. Còn Thạch thì không. Giờ đây "nó" không làm anh bận tâm. Dù "nó" là người hay là khỉ thì cũng như nhau cả. Thạch nhẹ nhàng gỡ tay "ông bạn" ra khỏi tay mình rồi bí mật chen ngược chiều. Bấy giờ Thạch mới vỡ lẽ: chen ngược chiều khó gấp bội, nghĩa là ra khó gấp bội vào. Nhưng anh phải ra bởi anh đã kiệt sức rồi.

Không hiểu bao lâu sau thì Thạch ra đến cổng. Như vậy là anh đã không thực hiện được việc ghé qua thăm lại hồ cá. Nhưng anh không có lỗi, đây là lý do khách quan. Song anh nghĩ, lẽ ra mình nên cố gắng ghé lại một chút. Nghĩ vậy nhưng Thạch biết anh sẽ không tìm cách trở vào nữa bởi chuyện vào đâu phải đơn giản, vả lại anh đã nghe tiếng còi hụ một cách vội vã và ngày một rõ hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, xe cứu hỏa đang chạy tới mặc dù ở đây không hề có hỏa hoạn. Thạch không muốn để xe cứu hỏa phải nhắc nhở nên anh nhanh nhẹn lách mình qua cánh cổng sắt màu đen. Nhưng một bàn tay đã tóm lấy anh: "Vé đâu?" - Người gác cổng hỏi. Thạch nhớ lại chiếc vé anh được phát không lúc vào, nhưng anh giả đò: "Xin lỗi, anh hỏi cái gì?" "Vé!". Trong lúc ấy Thạch kịp đưa tay kiểm tra túi quần và anh biết, viên giấy ấy anh đã ném xuống hồ cá rồi. Thạch nói: "Vé gì? Mà nó quan trọng không?" Người gác cổng cười ha hả: "Quan trọng không! Chẳng lẽ anh không biết đọc?" Thạch thấy người gác cổng này sao giống cái gã nửa người nửa khỉ đã kiếm chuyện cãi nhau với anh quá. Anh nói: "Tôi cho cá ăn rồi". Nói xong Thạch nghĩ, chắc gã gác cổng không hiểu, bởi thức ăn của cá không phải là giấy. Gã gác cổng không tỏ ra ngạc nhiên. Gã nói lẽ ra anh phải đọc sơ qua mới đúng. Thạch thanh minh rằng anh cũng định đọc qua, nhưng vì hoàn cảnh khách quan không cho phép. Gã gác cổng bỗng sừng sộ: "Anh đừng đổ thừa cho hoàn cảnh. Anh biết vấn đề nghiêm trọng đến mức nào không?". Điều này quả thật Thạch không biết và anh cảm thấy sợ. Nhưng rồi cũng may, đoàn xe cứu hỏa đã đến. Nhân lúc hỗn loạn ấy Thạch quyết chạy thoát thân, và cuối cùng anh đã ra được ngoài đường, thoát khỏi vòng kiểm soát của gã gác cổng.

Trên đường về nhà Thạch đi một cách hăng hái. Anh thấy mọi người vẫn không ngừng kéo nhau về hướng nhà trẻ. Trong số họ rất có thể có cả người bạn của Thạch mà buổi sáng Thạch rủ đã không đi. Nếu vậy thì chiều nay thế nào cũng có cuộc bàn thảo gay gắt giữa Thạch và anh ta. Thạch tin rằng cuộc bàn thảo này sẽ rất thú vị mặc dù phần thắng chưa biết thuộc về ai. Người bạn của anh sẽ đưa ra những nhận định, - điều ấy dĩ nhiên rồi, bởi Thạch biết anh ta không thể đến được chuồng khỉ - chẳng hạn em bé khỉ ấy thực ra là một em bé bình thường. Em chui vào chuồng khỉ chơi vì ngày hôm đó cha mẹ em không đón em như thường lệ, chắc có điều gì không may xảy ra với họ. Còn con khỉ thật thì đang phá phách đâu đó trong thành phố... Giả thuyết này dứt khoát không thuyết phục được anh. Phần anh, anh sẽ kể lại những gì chứng kiến được cho bạn anh nghe, chẳng hạn như "ông bạn", con người không hoàn chỉnh; lão gác cổng sừng sộ làm anh hoảng, hay cái gã nửa người nửa khỉ đã kiếm chuyện gây gổ với anh. Anh thật không hiểu hết ý của thằng cha. Gã cười cái gì mới được chớ? "...Ha ha. Anh hỏi tôi đi đâu à? Chứ anh đi đâu?..." Sự việc quả là rắc rối không thể tưởng nổi.

Nguyễn Trọng Nghĩa
Số lần đọc: 2736
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Lambada (truyện ngắn)
Tình già (truyện ngắn)
Cuốn sách thiếu (truyện ngắn)
Ngón chân cái (truyện ngắn)
Trễ tàu (tuyển truyện)
Trái đắng (truyện ngắn)
15-Khỉ thật! (truyện ngắn)
Thiêu thân truyện (truyện ngắn)
Chết trẻ (truyện ngắn)
Xa xứ (truyện ngắn)