Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
706
116.543.057
 
Về một hướng nghiên cứu văn hóa Việt Nam
Hồ Liên

Văn hóa và khoa học về văn hóa bao gồm những gì còn đang là vấn đề tranh luận. Văn hóa được hiểu là thiên nhiên thứ hai, là toàn bộ hệ thống giá trị vật chất và giá trị tinh thần được con người sáng tạo và lưu giữ trong quá trình lịch sử ...

Thực ra, chúng tôi nghĩ giáo sư G.Bandzeladze đúng khi ông viết: “Sự phân chia các khoa học thành những bộ môn “chuyên môn” và “khái quát”, những bộ môn “thực chứng” (positif) và “trừu tượng” là một quan niệm cổ lỗ từ lâu rồi. Khoa học “chung chung”, “khái quát”, khoa học “trừu tượng” không phải là khoa học. Mỗi khoa học có khách thể và đối tượng nghiên cứu chuyên môn của nó, nhưng các khoa học đều có phương pháp nghiên cứu chung và phương pháp nghiên cứu chuyên môn” (1).

Một bộ môn trong các khoa học về văn hóa có nhiệm vụ nghiên cứu một lĩnh vực văn hóa xác định. Trong bài này chúng tôi muốn nói đến sự khác biệt giữa văn hóa đân tộc (nation) và văn hóa tộc người (ethnie).

1.Từ nhiều thế kỷ trước, cùng với quá trình khám phá những miền đất lạ và mở rộng thuộc địa của các quốc gia châu Âu, bộ môn khoa học miêu tả văn hóa tộc người (ethnography, ethnology) đặc biệt hấp dẫn các học giả phương Tây. Xã hội cổ xưa được miêu tả như là xã hội của các nhóm thổ dân, và bộ môn khoa học ấy có vẻ như chủ yếu dành cho nghiên cứu các xuất hiện ngoài châu Âu và các xã hội sơ khai.

Đối với các quốc gia phương Tây vào thời cận, hiện đại, trọng tâm chú ý của giới nghiên cứu lại là những vấn đề kinh tế và phân tầng xã hội. Văn hóa là một nội dung trong bộ môn xã hội học, thậm chí cả trong kinh tế học.

Vấn đề văn hóa dân tộc ít được giới nghiên cứu phương Tây chú ý. Trong thời đại hiện nay, một số nhà văn hóa học Mỹ nói đến sự đụng độ giữa các nền văn minh mang tính khu vực và tôn giáo, hoặc khích lệ bản sắc tộc người như những lực ly tâm trong mỗi quốc gia, hoặc nhìn nhận văn hóa dân tộc, nguồn lực hướng tâm tạo nên sức bền của nền độc lập quốc gia dân tộc, như là trở ngại của xu hướng toàn cầu hoá.

Người Pháp đem đến Việt Nam môn khoa học mô tả diện mạo tộc người, và theo Giáo sư Từ Chi “vì muốn cai trị Việt Nam nên ngay từ năm 1901 họ đã tập trung nghiên cứu cổ sử Việt Nam và chỉ chú ý nghiên cứu tộc người Việt” (1).

Trên mảnh đất Việt Nam quần tụ hơn 50 tộc người, mỗi tộc người là một sắc thái văn hóa độc đáo tạo thành sự phong phú đa dạng của văn hóa Việt Nam. Thành tựu nghiên cứu của nhiều bộ môn khoa học đã làm sáng tỏ sự phong phú đa dạng này.

Mặt khác, văn hóa Việt Nam cũng là một nền văn hóa quốc gia dân tộc thống nhất. Sự thống nhất ấy là nền tảng tinh thần của xã hội, là chất keo kết dính khối đại đoàn kết toàn dân, là cội nguồn sức mạnh quốc gia dân tộc đã hình thành và phát triển trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước.

Nghiên cứu văn hóa Việt Nam với tư cách một cộng đồng văn hóa quốc gia dân tộc thống nhất là một bộ phận không thể thiếu trong toàn bộ các khoa học về văn hóa. Những công trình nghiên cứu bản sắc văn hóa Việt Nam, phân vùng văn hóa, hay văn hóa Việt Nam đều theo hướng này.

Văn hóa dân tộc và văn hóa tộc người có những điểm khác biệt rõ rệt. Chính những khác biệt này ở đối tượng nghiên cứu dẫn đến những khác biệt về mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu, đòi hỏi mỗi hướng nghiên cứu phải có phương pháp riêng với những khái niệm công cụ cần thiết và thích hợp.

2. Văn hóa tộc người là hiện tượng có từ rất xa xưa, rất lâu trước khi hình thành văn hóa dân tộc. Các học giả phương Tây đã công bố vô số tư liệu về các tộc người ở châu úc, châu á và châu Mỹ, những thổ dân đã sinh sống ở đó nhiều nghìn năm trước khi họ liên kết thành những cộng đồng quốc gia dân tộc sơ khai. Trên giải đất Việt Nam từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau đã có mặt nhiều tộc người Nam á, Nam Đảo, là chủ nhân của lớp văn hóa bản địa thời tiền sử. Tuy nhiên, sự liên kết dân tộc và hình thành các tiểu vương quốc chỉ xuất hiện vào khoảng một vài thế kỷ trước, sau công nguyên.

Sự khác biệt tộc người không chỉ bởi những dấu hiệu văn hóa vật thể hay phi vật thể mà còn là hiện tượng huyết thống. Con cháu của những người Việt Nam định cư lâu đời ở các nước phương Tây, từ cách ăn, mặc, ở, đi lại, văn hóa ứng xử đến ngôn ngữ đều rất “Tây”, thậm chí nhập quốc tịch “Tây”, trở thành công dân “Tây”, nhưng bản sắc tộc người thì không thể thay đổi nếu không có một quá trình hỗn huyết qua nhiều thế hệ.

Ngược lại, hai tộc người chỉ khác nhau bởi những hiện tượng văn hóa bề ngoài, kể cả ngôn ngữ, thì trong quá trình giao lưu tiếp xúc thường xuyên, trực tiếp và lâu dài, khả năng nhất thể hoá là rất lớn (Trường hợp thanh thiếu niên học sinh một số tộc ít người, con em các gia đình công chức, sống ở thành phố khó có thể nhận biết nếu không được giới thiệu hoặc nhìn vào bản khai lý lịch).

Khác với văn hóa tộc người, văn hóa dân tộc là một hiện tượng lịch sử. Các quốc gia dân tộc chỉ mới xuất hiện trên trái đất cách ngày nay dăm bảy ngàn năm, và thường xuyên biến đổi. Nhiều cộng đồng quốc gia dân tộc “vang bóng một thời” trong lịch sử nhân loại, nay không còn trên bản đồ thế giới; mà quá trình “hợp tan, tan hợp” ấy vẫn còn tiếp diễn.

3. Văn hóa tộc người không bị ngăn cách bởi biên giới quốc gia. Người Thái ở bờ bên này hay ở bờ bên kia sông Mê Công, ở Bắc Việt Nam hay ở Nam Trung Hoa vẫn là tộc người Thái. Thậm chí người Việt ở Pháp hay ở Mỹ vẫn là người Việt, người Hoa ở khắp thế giới vẫn là người Hoa. Người Khơme ở Nam Bộ hay ở Campuchia cũng là người Khơme, nhưng văn hóa Campuchia, văn hóa Thái Lan, văn hóa Việt Nam hay văn hóa Trung Hoa thì phải có biên giới hoạch định rõ ràng. Điều ấy Nguyễn Trãi đã nêu thành luận điểm từ thế kỷ XV trong Bình Ngô đại cáo: “Sơn hà cương vực dĩ thù”. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ quyền quốc gia, hình sông thế núi rõ ràng, biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm. Chính vì “Dân tộc” gắn với “Quốc gia” nên vấn đề văn hóa dân tộc không chỉ có nội dung văn hóa mà còn có nội dung chính trị. Nghiên cứu văn hóa dân tộc có những nội dung và định hướng khác với nghiên cứu văn hóa tộc người.

4. Trong sự tồn tại và phát triển của văn hóa tộc người, không nhất thiết mỗi tộc người phải có riêng một nhà nước. Trên giải đất Việt Nam chưa bao giờ và cũng không bao giờ tồn tại 54 nhà nước của 54 tộc người. Nhưng quyền tự chủ dân tộc thì không thể không gắn với vai trò của Nhà nước. Nguyễn Trãi viết về một trong những tiêu chí của nền văn hiến Đại Việt như sau:

Trải Triệu Đinh Lý Trần nối đời dựng nước

Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên làm Đế một phương.

Một nền văn hóa dân tộc gắn liền với tính chất và vai trò của một thể chế chính trị, một bộ máy nhà nước. Nhà nước nào văn hóa ấy. Văn hóa Việt Nam thời Lý Trần khác với văn hóa Việt Nam thời Hậu Lê. Nghiên cứu văn hóa dân tộc không thể không gắn với việc nghiên cứu chính sách văn hóa của Nhà nước qua từng thời đại.

Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Chính sách văn hóa là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại, trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Với Việt Nam, sau Tuyên ngôn Cộng sản năm 1930 là Đề cương văn hóa năm 1943, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam năm 1948, là đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam đi từ nội dung “dân chủ mới” đến “nội dung xã hội chủ nghĩa và hình thức dân tộc” và hiện nay là nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

5. Có thể nói rằng diện mạo chính của văn hóa tộc người là văn hóa dân gian, những giá trị văn hóa vật chất, ăn, mặc, ở, đi lại, những phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, những dị bản văn hóa truyền khẩu, sử thi, cổ tích, ca dao, dân ca, tục ngữ...Nhưng diện mạo văn hóa dân tộc thì không chỉ có vậy. Văn hóa bác học là một bộ phận quan trọng tạo nên diện mạo văn hóa dân tộc. Không thể hình dung một nền văn hóa Việt Nam lại thiếu vắng những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, những Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tố Hữu, những Văn Cao, Đỗ Nhuận, Trịnh Công Sơn, những Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí... Chính những “hiền tài”, những “hào kiệt” là những mốc son ghi dấu bề dày, tầm cao của một nền văn hiến lâu đời.

6. Nhiều người cho rằng một đặc trưng cơ bản của nền văn hóa Việt Nam là tính thống nhất trong đa dạng. Sự thật thì “thống nhất trong đa dạng” là đặc trưng của mọi nền văn hóa quốc gia dân tộc. Hiếm có dân tộc nào chỉ có một tộc người. Chủ nhân của nền văn hóa Trung Hoa là hàng trăm tộc người mà người Hán là chủ thể. Người Việt là chủ thể của văn hóa Việt Nam, một cộng đồng dân tộc 54 tộc người, đồng chủ nhân của một nền văn hóa “thống nhất trong đa dạng”. Như vậy, tính thống nhất của cộng đồng dân tộc dựa trên cơ sở của một tộc người đóng vai trò chủ thể. Tộc người này là hạt nhân cơ bản của nền văn hóa dân tộc. Quá trình hình thành nền văn hóa dân tộc gắn liền với quá trình khẳng định vai trò của tộc người chủ thể. Theo Giáo sư Từ Chi, người Việt tách khỏi người Mường để xuất hiện như một tộc người vào khoảng thế kỷ IX. Tộc người này chủ thể văn hóa Đại Việt từ thế kỷ X, và quá trình khẳng định vai trò chủ thể nền văn hóa Việt Nam từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau là cả một quá trình lịch sử lâu dài. Lần đầu tiên các tiểu vương quốc ở ba miền Bắc, Trung, Nam hợp thành một quốc gia thống nhất được thực hiện vào năm 1802 dưới triều vua Gia Long nhà Nguyễn.

Nền tảng tinh thần gắn kết các tộc người trong cộng đồng dân tộc là một vấn đề phức tạp và không thể nhất thành bất biến. Trong thời đại hiện nay chúng ta khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng trong trường kỳ lịch sử và ở mỗi chặng đường cụ thể thì nền tảng tinh thần ấy là gì. ở thời đại nào thì gia cố khối đại đoàn kết toàn dân cũng là một nội dung quan trọng trong chính sách phát triển nền văn hóa dân tộc.

7. Với những điều trên đây chúng tôi muốn chỉ ra rằng, nghiên cứu văn hóa Việt Nam như một cộng đồng văn hóa quốc gia - dân tộc có đối tượng nghiên cứu của mình. Sự hình thành hướng nghiên cứu này là bước phát triển của khoa học văn hóa, xuất phát từ nhu cầu nhận thức tính thống nhất của một cộng đồng dân tộc đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn.

Giáo sư Trần Văn Giàu nhận định: “Bị đô hộ hàng mấy mươi thế kỷ bởi một nước có văn hóa cao hơn nhiều và số dân đông gấp bội mà sau ngàn năm “ta vẫn là ta”, hẳn không phải vì những mũi tên nhọn hơn, bắp thịt cứng hơn, mà chủ yếu là nhờ văn hóa, nhờ đạo lý, nhờ hệ giá trị tinh thần của riêng mình, chứ lấy sức đọ sức, lấy số đọ số, thì dân Việt Nam, nước Việt Nam chỉ còn là đối tượng của khảo cổ học” (2).

Các nhà khoa học khẳng định rằng sức mạnh thần kỳ ấy chỉ có được khi văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân, khi những giá trị tinh thần đi vào quần chúng, chuyển hoá và nhân lên gấp bội lực lượng vật chất. Cần phải làm gì và làm như thế nào để ngày nay văn hoá thực sự là động lực của phát triển kinh tế xã hội, để văn hóa Việt Nam trong xu thế hội nhập, nhất thể hoá và toàn cầu hoá, tồn tại như một bản sắc độc đáo, một báu vật của cộng đồng nhân loại, để người Việt Nam trong giao lưu tiếp xúc với bạn bè quốc tế tự khẳng định một phong cách, một nhân cách, một bản lĩnh Việt Nam? Hiển nhiên đây không chỉ là bản lĩnh của tộc người Việt, bản sắc của tộc người Thái, tộc người Êđê hay Mông... mà là bản lĩnh Việt Nam, bản sắc Việt Nam. Những câu hỏi ấy, trong khoa học xã hội và nhân văn, hướng nghiên cứu văn hóa Việt Nam trên bình diện một cộng đồng văn hóa quốc gia dân tộc thống nhất phải nhận về mình trách nhiệm góp phần trả lời, trước hết và chủ yếu.

Từ những thập niên cuối thế kỷ XX, vấn đề toàn cầu hoá và xây dựng các bản sắc cộng đồng là một chủ đề lớn của nhiều hội thảo khoa học quốc tế, vấn đề văn hóa và phát triển đã trở thành chiến lược toàn cầu, khoa học về văn hóa rộ lên một trào lưu quốc tế rộng rãi.

Ở nước ta, những vấn đề văn hóa Việt Nam thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học. Môn học Cơ sở văn hóa Việt Nam đã được đưa vào chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được giảng dạy trong một số trường đại học. Tuy vậy, công việc nghiên cứu và giảng dạy môn học này chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, chưa bắt kịp với nhịp mạch của thời cuộc, và vì thế, chưa tương xứng với chức năng và nhiệm vụ của nó.

Môn Văn hóa Việt Nam vốn đã được đưa vào chương trình Cao đẳng tiểu học cho cả ba kỳ (Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ) dưới thời thuộc Pháp. Dẫu là “do chính sách mị dân để xoa dịu và lừa phỉnh của chính phủ chính quốc đối với nhân dân các thuộc địa”, thì chủ trương ấy vẫn là một tiến bộ đáng để các nhà soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta hôm nay lưu tâm (3).

Chúng tôi cho rằng, một ít kiến thức về văn chương, về lịch sử chống ngoại xâm, về địa lý tự nhiên và kinh tế chưa đủ cung cấp cho học sinh phổ thông hiện nay hiểu biết tổng quan về văn hóa Việt Nam. Vào đại học hay trung học chuyên nghiệp, hầu hết sinh viên không gặp lại các môn học này, cũng không tiếp xúc với khảo cổ học, dân tộc học hay văn hóa dân gian. Vì thế, hiểu biết về văn hóa Việt Nam của thanh thiếu niên chúng ta có phần hạn chế. Một mặt, ngoài sinh viên các trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên các trường khác không nhất thiết, dù trong thực tế cũng học thêm môn văn chương hay lịch sử. Nhưng mặt khác, đối với một bác sĩ, một cử nhân kinh tế, một kỹ sư nông nghiệp, một luật sư hay một chuyên gia lập trình, có thể những kiến thức chuyên biệt về văn chương chưa hẳn đã thiết dụng, nhưng vốn hiểu biết cơ bản về văn hóa dân tộc Việt Nam thì chắc chắn là một bộ phận cấu thành tiềm lực chuyên môn. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải xem việc giảng dạy văn hóa Việt Nam như một môn học bắt buộc, chứ không phải là tùy chọn, trong tất cả các trường đại học. Hơn thế nữa, phải chăng chính môn học này sẽ là môn thi đầu vào thích hợp cho hầu hết các trường đại học, nếu như trong chương trình phổ thông được đưa vào môn học Văn hóa Việt Nam như thời cụ Đào Duy Anh?

Văn hóa Việt Nam, chứ không chỉ có văn chương, là nguồn sữa nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của mỗi cá thể trong cộng đồng. Vốn hiểu biết cơ bản và có hệ thống về văn hóa Việt Nam được giảng dạy qua từng cấp học trong chương trình giáo dục là hết sức cần thiết và bổ ích cho sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ. Như vậy, chính sự nghiệp giáo dục và đào tạo đòi hỏi sự hình thành và phát triển hướng nghiên cứu tổng thể cộng đồng văn hóa quốc gia dân tộc Việt Nam.

H.L

_______________

1. Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa thông tin, Tạp chí VHNT, Hà Nội,1996, tr.418.

2. Phương pháp luận về vai trò của văn hóa trong phát triển, UBQG về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993, tr. 56.

3. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, 1998, tr.5.

 

http://www.vanhoanghethuat.org.vn/0304/holien.htm

 

Hồ Liên
Số lần đọc: 4100
Ngày đăng: 05.09.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tâm hồn Việt trong mâm cỗ ngày xuân - Khuyết danh
Bàn thiên Nam bộ - Nguyễn Văn Hoa
Chợ Vàm Cống xưa - Bình Tam Lê
Tính cách con người Nam bộ qua trang văn của các tác giả ĐBSCL - Thu Trang
Văn hóa ẩm thực Nam Bộ - Nguyễn Hữu Hiệp
Ghe xuồng miền Tây Nam Bộ: Nét đẹp văn hoá độc đáo - Khuyết danh
Bắt sấu rừng U Minh hạ - Sơn Nam
CHỢ ÂM DƯƠNG - NƠI - Khuyết danh
Chợ Việt Nam - Khuyết danh
Bảo vật quốc gia ở đâu? - Khuyết danh
Cùng một tác giả