Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
735
116.009.071
 
Ăn cơm nhà... (phần 16)
Phạm Lưu Vũ

Nhân bàn về sách và cái sự đọc sách, có kẻ dẫn một câu nói của người xưa, đại ý: làm ra “sử” cũng bởi lòng người mà làm mất “sử” cũng bởi tại lòng người! (tác sử, vong sử tại nhân tâm). Thì ra không chỉ những “nhân vật lịch sử” mới “làm” nên “sử”. Chính những người viết “sử” cũng góp phần “làm” ra (hoặc “làm” mất) “sử” kia vậy. Ngày xưa, khi giới thiệu, đánh giá một bậc hiền nhân (người tài giỏi), điều cần thiết trước tiên thường chỉ tóm gọn trong bốn chữ: “làu thông kinh sử” Điều đó khẳng định kiến thức về “sử” là một phần không thể thiếu (thậm chí chiếm đến một nửa) của trí khôn. Vì thế Thánh nhân mới có câu: “ôn cố nhi tri tân” (xem việc xưa (để) mà biết được việc nay) vậy. Ôi! Có văn minh, hiện đại đến mấy thì cũng xin đừng bao giờ... tiến tới cái “thời” mà như thi hào Chế Lan Viên từng phải cất tiếng than: “Quanh hồ Gươm không còn ai bàn chuyện vua Lê”...

 

Người làm sách đích thực thì muôn đời cô đơn và cũng muôn đời không tránh khỏi thiếu sót, lầm lẫn, nhất là sách ấy lại thuộc về “sử”. Xin ngả mũ kính trọng và vô cùng biết ơn các vị. Nhưng phần mục đích quan trọng của việc làm ra sách lại không thuộc về phía các vị, mà thuộc về phía chính những người... đọc sách kia. Bởi người làm ra một cuốn sách có thể mắc sai lầm này nọ. Nhưng nhiều người làm ra nhiều cuốn sách, có thể sẽ “đính chính” lại những sai lầm ấy. Vấn đề là người đọc sách có bỏ sót những “đính chính” ấy hay không. Đừng bao giờ nghĩ rằng cái (việc) ấy, chỉ cần đọc trong một cuốn (ấy) là... xong. Tất nhiên, nếu không có cuốn sách nào cùng nói về cái (việc) ấy nữa, thì... đành chịu thôi. Nhưng khi đó, lại có lời khuyên rằng: “(Mỗi khi) đọc xong một cuốn sách, mà không “đọc” lại mình thì cũng như chưa từng đọc (cuốn sách ấy) vậy!”. Thế ra đọc sách cũng chính là một cách “đọc” mình. Không biết “đọc” mình, không bao giờ “đọc” lại mình, thì dẫu có đọc đến thiên kinh vạn quyển, cũng chẳng hơn gì kẻ không bao giờ đọc sách.

 

Hơn thế nữa, đọc sách dù vô cùng cần thiết, không thể thiếu trong đời sống tri thức của con người. Song chẳng qua vẫn chỉ là một quá trình tiếp thu (khi được, khi không) mà thôi. Chính cái sự “đọc” lại mình kia, mới thực sự là một quá trình sáng tạo. Những phát minh vĩ đại của loài người, những tác phẩm nghệ thuật, những áng văn thơ trác tuyệt cổ kim... chẳng phải đã được “sinh” ra trong những lúc “đọc” lại mình của các bậc vĩ nhân đó ư?. Nếu một nhà điêu khắc tài danh từng nói một câu, rằng pho tượng là có sẵn trong tảng đá, tôi chỉ làm cái việc đẽo bỏ đi những chỗ thừa. Thì Nguyễn Du thiên tài cũng có thể nói: “Đọc xong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ta bỗng thấy Truyện Kiều hiện ra trong... bụng. Thế rồi ta... chép lại đấy thôi”. Hoặc Anhxtanh vĩ đại cũng có thể nói: “Đọc sách (khoa học) của các ngài, một hôm tôi chợt thấy thuyết tương đối hiện ra trong óc. Thế là tôi chỉ việc... đọc nó ra”...

 

Đến đây có người hỏi: sao Nguyễn Du lại “đọc” thấy (Truyện Kiều) trong bụng, còn Anhxtanh lại “đọc” thấy (thuyết tương đối) ở trong óc? Ấy là vì “quan điểm” của phương Đông và phương Tây xưa nay vốn khác nhau. Người phương Đông nói: “nghĩ bụng...”, chứ không ai nói “nghĩ óc...” hay “nghĩ đầu...” bao giờ cả, chính là muốn chỉ đến cái “gốc” của sự “nghĩ...”. Còn người phương Tây thì cho rằng “nghĩ trong óc...”, nghĩa là chỉ biết đến cái chỗ “ngọn” của “nghĩ...” đó mà thôi.

 

Về cái sự “đọc” muôn đời ấy, Thánh nhân còn bảo rằng người tốt “dạy” cho mình học làm theo cái tốt đã đành. Song chính kẻ xấu cũng có tác dụng “dạy” cho mình biết thế nào là xấu để tránh cho xa. Nghĩa là về mặt nào đó, cả hai kẻ (tốt, xấu), đều có thể làm “thầy” mình cả. Sách kia cũng là một loại “thầy”. Cho nên, cả sách “hay”, lẫn sách “dở” cũng đều có thể làm “thầy”. Huống chi không có “dở” thì làm gì có “hay” và ngược lại (vì vậy, xin các nhà phê bình đừng bao giờ “mắng” những ai làm ra sách “dở”). Vấn đề là kẻ đọc có phân biệt được hay không. Và một khi đã phân biệt được sách ấy là “hay” hay “dở”, thì lúc đó, hẳn là đã “học” thêm được rất nhiều rồi. Vì thế mới lại có câu rằng: “Đọc sách hay để biết người. Còn đọc sách dở, chính là để biết mình!”. Thế là cả “hay” lẫn “dở”, té ra đều có tác dụng (tích cực). Thậm chí có kẻ “hăng” lên còn bảo (nửa đùa nửa thật) rằng: ở đời, đôi khi lại “học” được nhiều điều từ một cuốn sách dở, hơn là từ một cuốn sách... hay.

 

Thế mới biết, đạt tới cái “đạo” ấy của sự đọc sách, thì ra cũng khốn nạn, công phu lắm, thật chẳng kém gì cái “đạo” của sự làm ra sách tý nào.

 

Thôi thì cứ đơn giản cho là đọc sách vừa để tiếp thu, bổ sung kiến thức, vừa để điều chỉnh lại kiến thức nếu cần. Bởi kiến thức nếu không thường xuyên bổ sung thì sẽ lạc hậu, không thường xuyên điều chỉnh thì sẽ bảo thủ, thậm chí mắc phi sai lầm mà không hề biết. Câu chuyện sau đây (có thể) là một ví dụ cho cái sự “đọc” ấy được chăng:

 

Cách đây hơn ba mưi năm, kẻ viết những dòng này khi ấy mới học lớp 8, lớp 9 phổ thông. May mắn được bố mua cho cuốn “Nguyễn Trãi” của cố học giả Trần Huy Liệu, liền lập tức “ghiền” một cách say sưa. Đó là một cuốn sách nghiên cứu công phu về một nhân vật, một vị anh hùng dân tộc, đồng thời cũng về cả một giai đoạn lịch sử. Giá như kẻ viết những dòng này chỉ dừng lại ở cuốn sách đó, không đọc thêm gì nữa, thì vĩnh viễn mắc phải những sai lầm như chính sai lầm của nhà học giả đáng kính kia. Trộm phép được thắp một nén nhang xin ông tha lỗi. Chắc giờ đây ở dưới suối vàng, gặp lại các vị tiền nhân, ông cũng đã nhận ra. Có điều ông không còn cơ hội để điều chỉnh lại những gì ông đã viết cho hậu thế nữa rồi. Trong cuốn sách đó, ông tả kĩ lưỡng về vụ án vườn Lệ chi, một vụ án oan khốc làm tru di tam tộc cả Nguyễn Trãi vĩ đại và Nguyễn Thị Lộ tài sắc vẹn toàn. Đó là một sự thật. Nhưng những gì ông viết về một nhân vật khác, nhân vật mà ông cho là đích danh thủ phạm, kẻ đóng vai trò chủ mưu vu oan cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ là Tuyên Từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh kia thì trái với sự thật nhiều lắm. Có phải vì ông quá thương xót Nguyễn Trãi, quá giận dữ cái triều đình Lê sơ nọ mà đến nỗi suy luận ra thế chăng? Chẳng lẽ lại còn những “căn nguyên” nào nữa?

 

Sau này, nhân đọc ở nhiều tư liệu khác (kể cả chính sử), người viết mới giật mình nhận ra rằng, Đức Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh là một người độ lượng, nhân từ. Không những thế, Bà còn là một bậc sáng suốt, anh minh, có tài về chính trị, đã chèo chống, duy trì sự thái bình của chế độ (Lê sơ) trong suốt thời gian (hn mười năm) làm phụ chính cho con trai là Lê Bang Cơ (tức vua Lê Nhân Tông), khi được lập làm vua mới có hơn một tuổi. Chính Bà đã đưa Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông sau này, con bà Ngô Thị Ngọc Dao) vừa mới đầy tuồi tôi về cung nuôi dạy. Và chỉ hai năm sau, lúc Tư Thành lên ba tuổi, đã được phong làm Bình Nguyên Vưng. Nếu Bà quả là người có tâm địa độc ác, hay ghen ghét, đã hãm hại mẹ con bà Ngô Thị Ngọc Dao vì sợ tranh mất ngôi thái tử của Lê Bang Cơ(?), đã chủ mưu trả thù Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ nhân xảy ra vụ án vườn Lệ chi(?) như ông đã viết, thì sao lại có những việc làm đó. Về sau Bà và Lê Nhân Tông bị chết thảm vì cái loạn Nghi Dân cũng chính bởi lòng độ lượng, nhân từ đến mức sai lầm ấy, đã không nỡ trừ bỏ sớm kẻ nghịch tử là Nghi Dân, lại cứ để gã làm Lạng Sơn Vương để đến nỗi cả hai mẹ con phải mắc họa vào thân...

 

Và cũng có lần (như chính ông viết trong cuốn sách đó), vua Lê Nhân Tông một hôm lên xem Bí thư Các, đã ngoảnh lại bảo với quần thần đại ý rằng: “Nguyễn Trãi ngày xưa giúp Đức Thái Tổ dẹp giặc cứu nước, giúp Đức Thái Tông sửa nghiệp thái bình... Tài năng và đức độ của Nguyễn Trãi, các danh tướng bản triều không ai sánh bằng”. Thế thì kể từ sau khi Nguyễn Trãi bị cái họa tru di, chính Lê Nhân Tông, con đẻ của Đức Tuyên từ Hoàng Thái hậu, người mà ông cho là có “mối thâm thù” với Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ ấy, chứ không phải ai khác, lại là người đầu tiên đánh giá cao công lao của Nguyễn Trãi... Còn nữa những ngộ nhận, những “thâm ngôn bí tự” của giai đoạn bi tráng này mà người viết (nếu có dịp), sẽ xin được trở lại trong một bài khác, và (có thể) dưới một thể loại khác chưa biết chừng.

 

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3094
Ngày đăng: 26.09.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bông điên điển - Huỳnh Kim
Ăn cơm nhà... (phần 13) Trích Luận ngữ tân thư (tiếp theo) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 14) Trích Luận ngữ tân thư (tiếp theo) - Phạm Lưu Vũ
Dám sống, vượt qua rào cản chính mình - Huỳnh Sơn Phước
Ăn cơm nhà... (phần 11) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 12) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 9) “truyện không kể trong truyền kì “ - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 10) (Trích Luận ngữ tân thư) - Phạm Lưu Vũ
Mùa thu tế - Võ Quê
Ăn cơm nhà... (phần 8) - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)