Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
581
116.535.226
 
Những kho tàng vô giá
Hồ Hùng

“Có những thứ qúi giá mà chúng ta chỉ biết được giá trị thực khi chúng mất đi”- thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, đồng quản lý dự án của chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước lưu vực sông Mêkông (MWBP), âu lo về số phận của những vùng đất ngập nước (ĐNN) hiếm hoi còn lại ở Việt Nam. Đó là những nơi mà lâu nay nhiều người vẫn hình dung như một vùng ẩm thấp, đầy muỗi mòng và không giúp gì cho cuộc sống…

 

Câu chuyện đất ngập nước.

 

        Những tia nắng ban mai hắt nhẹ long lanh trên mặt nước, soi chói từng vạt đọt “cỏ” non nhấp nhô trước những cơn sóng tạo thành từ chiếc tắc ráng. “Cỏ” nhiều vô kể, đầy khắp cả một vùng rộng lớn ngập tràn trong biển nước. Mùa nước nổi năm nay, mực nước ở nhiều khu của vườn quốc gia Tràm Chim (VQGTC), thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, đã cao hơn hai mét, hầu như nhấn chìm mọi thứ, trừ những đọt tràm xa xa và đám “cỏ” này…

- Không phải cỏ - tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hoà An (đại học Cần Thơ), lắc đầu cười: “Chúng là lúa ma - giống lúa hết sức quí hiếm còn sót lại của vùng ĐBSCL đấy”.

           Từ cái thửơ đi khai hoang khẩn đất, những người nông dân nghèo ở vùng Đồng Tháp Mười đã biết biến những thứ lúa hoang này thành lương thực nuôi khoẻ những cánh tay, những ánh mắt khao khát xoá cái đói, cái rách để dần biến những vùng hoang hoá thành đồng lúa vàng thẳng tắp. Cứ độ tháng 10- 11 (âm lịch), họ lại chống xuồng, vác sào tre để đập lúa ma, mót dần từng dúm hạt. Gạo từ lúa ma có màu đo đỏ, thơm dẻo vô kể…

          Lúa ma nuôi sống người dân, để họ khai phá đất hoang. Nhưng “thấy trăng quên đèn”. Khi những giống lúa cao sản xuất hiện, khi diện tích đất hoang ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho những thửa ruộng, cũng là lúc lúa ma bị tiêu diệt dần vì cái “tội” cho năng suất thấp. Âu cũng là lẽ thường tình và đúng quy luật.

          Chỉ có điều, theo tiến sĩ Ni là vẫn còn nhiều nông dân chưa biết chuyện giống lúa ma đã có tên trong bộ gen nguồn qúi hiếm của Viện nghiên cứu Lúa quốc tế. Từ gen của những cây lúa ma cao dỏng, gầy nhom này, các nhà khoa học đã áp dụng công nghệ sinh học để cho ra đời nhiều giống lúa thơm cao sản đã xuất hiện trên đồng ruộng Việt Nam, góp đầy những container gạo xuất khẩu hàng năm. Công ước đa dạng sinh học được 150 nước ký kết vào tháng 6-1992 và đến nay được 188 nước phê chuẩn. Việt Nam cũng đã phê chuẩn vào tháng 10-1994, theo đó việc bảo tồn và chia sẽ lợi ích từ những nguồn gen như vậy đã được đặt ra.

Diện tích lúa ma bây giờ chắc chỉ còn tại VQGTC, với khoảng 200 héc-ta- tiến sĩ Ni cho biết.

         Nhờ chuyến băng đồng, vượt nước xuyên khắp VQGTC, chúng tôi mới vỡ lẽ một điều mà ngay ngày hôm trước vẫn còn mơ hồ khi nghe thạc sĩ Thiện nói: “Hãy nhìn lại bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Từ hạt cơm, con cá, cọng rau…đều có nguồn gốc từ những vùng ĐNN”. Thực vậy. VQGTC với 7.588 héc-ta còn  hơn 120 loài cá nước ngọt, hơn 130 loài thực vật bản địa, hơn 200 loài chim… VQGTC là nơi chúng trú ngụ và sinh sản, để “cung ứng” dần cho thiên nhiên mà con người vẫn hàng ngày, hàng giờ khai thác, sản xuất. Như cá, cứ vào mùa nước nổi đầy đồng, chúng lại kéo từng đàn về VQGTC sinh con đẻ cái. Khi nước rút dần, cũng là lúc hàng đàn cá con kéo nhau theo những con kênh rạch tìm về khắp chốn…Chỉ ngay sát VQGTC, theo anh Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và môi trường (VQGTC) thì người dân khai thác cá đạt doanh thu qui ra 9- 10 tỉ đồng mỗi năm.

           Chiếc tắc ráng cùng đi, cách một vạt tràm khá dày, dù đang mở máy băng bon bon nhưng không hề có một lượn sóng nào lan đến chỗ chúng tôi. Không có gì ngạc nhiên, bởi như anh Hùng từng kể: “Mùa nước nổi năm 1978, khoảng 30 người dân quanh vùng đã thiệt mạng vì dòng nước hung hãn. Nhưng từ khi rừng tràm trong VQGTC được khôi phục, người dân xung quanh không còn phải lo chuyện sóng, chuyện gió trong mùa nước, mùa mưa bão”.

          Âu cũng là điều thiệt thòi cho những vùng ĐNN, bởi trong ánh mắt nhiều người, chúng vẫn là vùng đất vô tri vô giác, là nơi dành cho rừng tràm, rừng đước, cỏ hoang, muỗi mòng…nên có ai bỏ công tính rằng, nhờ chúng mà bao căn nhà khỏi bị nước cuốn trôi, bao người khỏi phải thiệt mạng vì thiên tai…Chưa hết, cứ đến mùa khô, nước thấm dần vào đất. Và khi mực nước tại các vùng ĐNN rút dần, cũng là lúc mạch nước ngầm bên dưới được “tăng cường” một nguồn nước đáng kể đã qua lắng lọc, toả đến phục vụ cho biết bao người dân qua những cái giếng khai thác nước ngầm.

          Theo MWBP, hệ sinh thái ĐNN (có thể là nước mặn, ngọt hoặc lợ…) là một phần cảnh quan tự nhiên, chiếm 45% tổng giá trị các hệ sinh thái tự nhiên trên toàn cầu với giá trị ước tính là 14,9 nghìn tỉ đô la Mỹ. Ở Việt Nam, có 68 vùng ĐNN có tầm giá trị quốc gia, có giá trị cao về đa dạng môi trường và sinh học, trong đó ĐBSCL có chín khu được bảo vệ như VQGTC, U Minh Thượng, khu bảo tồn ĐNN Láng Sen (Long An)…Tại VQGTC, nhờ những cánh đồng năng còn sót lại, hàng năm vẫn thu hút hàng trăm chú hạc (sếu đầu đỏ)- loài có tên trong sách Đỏ, tìm về…

           Sắp tới, MWBP sẽ tiến hành đánh giá một cách đầy đủ giá trị kinh tế của các vùng ĐNN, trước mắt là Tràm Chim. Và đó không đơn thuần chỉ là một gốc tràm quy ra được bao nhiêu, mà cả chuyện lợi ích chắn gió, ngăn sóng, tạo nguồn nước…Có vậy, mới biết quí mà gìn giữ.

           Chiếc tắc ráng lại lướt qua một đồng sen ngút ngàn hàng chục héc-ta. Những chiếc lá nâu xanh nổi đầy trên mặt nước tạo thành một cảnh quan đẹp khó tả. Tiến sĩ Ni nói rằng, giá như đến đúng vào mùa sen nở, chẳng ai tiếc hàng giờ ngồi lặng tại đây ngắm cảnh. Biết bao du khách nước ngoài đã từng trầm trồ, khen ngợi cánh đồng sen quí hiếm còn sót lại của vùng ĐNN Tràm Chim này khi nơi đất nước họ, đồng sen chỉ là một khoảnh nhỏ, lác đác vài chục bụi sen...

          ĐNN là toàn bộ cảnh quan vùng Đồng Tháp Mười khi xưa thu nhỏ, là nơi những đàn chim tíu tít gọi bầy, những cánh rừng tràm và biết bao câu chuyện ly kỳ mà nhiều người từng say mê qua lời câu chữ của nhà văn Sơn Nam trong tác phẩm “Đất rừng phương Nam”… Di sản văn hoá trong các vùng ĐNN là kết quả của mối quan hệ hàng nghìn năm với con người và ĐNN, một mối quan hệ mang lại sự phồn thịnh cho nhiều thế hệ và chính chúng ta phải duy trì cho các thế hệ mai sau.

        Từ trên cao nhìn xuống, VQGTC như một vùng biển, trang điểm bằng những hòn đảo xanh thẫm- những vạt tràm nhô lên. Giả như không còn ĐNN, đồng ruộng sẽ không còn cá, những cánh chim sẽ bay lả chẳng về, mưa bão và mùa nước sẽ hung hãn hơn gấp bội, nước ngầm không còn dồi dào…

“Cuộc chiến” giữ ĐNN

              Màn đêm vắng lặng buông xuống. Trụ sở VQGTC vẫn đầy bóng người. Một cán bộ phòng Nghiên cứu khoa học và môi trường nói rằng, anh không dám ra chợ huyện một mình, dù chỉ cách đó chừng một kilômét. “Mới đây, người dân đập tan tành chiếc xe gắn máy của tôi dựng ngoài quán nước”- anh nói.

        Những người giữ ĐNN đã gặp sự chống đối dai dẵng từ phía người dân. Có lúc, người dân tổ chức đốt rừng, hết khoảng này đến khoảnh khác. Hơn 40.000 người dân sống quanh VQGTC hầu hết sống kham khổ, họ đau đáu nhìn vào khu rừng tràm với đôi mắt tiếc rẻ khi biết bao là cá, là tràm,..giữ khư khư trong đó. Cứ như tiền bỏ trong túi, trong lúc những người khác rất cần. Ai mà không tức! Những giá trị lâu dài, sâu xa của ĐNN có lẽ người dân không quan tâm bằng miếng ăn, cái áo hàng ngày.

            Theo anh Hùng, VQGTC đã kêu gọi tài trợ từ các nước Đan Mạch, Anh…để lập quỹ hỗ trợ xoá đói giảm nghèo cho người dân vay làm vốn. Nhưng mười năm qua, người nghèo vẫn hoàn nghèo. Khi đồng vốn qua đi thì cái nghèo ập đến. Bởi chuyện làm giàu không chỉ cần vốn, mà cần cả tri thức, tài nguyên, cơ hội và cơ sở hạ tầng…

             Cứ như cánh đồng sen gần 100 héc-ta kia. Trong lúc năm nay, nhiều nông dân ở Đồng Tháp thu lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng/ héc-ta/năm từ sen, thì nơi đây, sen vẫn tự nở, tự tàn…Và biết bao loài cá sẽ tự nhiên bị tự diệt khi không kịp theo dòng nước rút cuối mùa nước…

             PGS.TS Đặng Đình Bôi, Chủ nhiệm khoa Lâm nghiệp, đại học Nông Lâm TPHCM, tính rằng: “Trong rừng, ngoài gỗ còn có hàng loạt thứ lâm sản ngoài gỗ như các cây dược liệu, nhánh khô, nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, thuỷ sản, nấm, ong..mà lâu nay con người chỉ sử dụng khoảng 1% dành cho cuộc sống- như mới sử dụng khoảng 7.000 loại thực vật trong khi có tới 75.000 loại có thể làm thức ăn...

            “Bảo tồn chứ không phải bảo tàng. Bảo tồn phải đi kèm với sử dụng hiệu quả”- thạc sĩ Thiện bức xúc. Anh nói, MWBP khi được triển khai tại bốn nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, đã xác định bảo tồn đa dạng sinh học ĐNN không thể thực hiện được nếu chuyện sinh kế và sự nghèo đói của người dân quanh vùng không được giải quyết.

          Với kinh phí hỗ trợ dự kiến trên bảy triệu đô la Mỹ cho VQGTC và khu Láng Sen, anh nói sẽ tiến hành một dự án thử nghiệm nhỏ tại Láng Sen: cho người dân vào khai thác. Khoảng 100 người chia thành mười nhóm, mỗi nhóm phải xác định mình đang cần khai thác gì từ rừng, chẳng hạn là cá, là cỏ để chăn nuôi… Các thành viên trong nhóm và giữa các nhóm sẽ giám sát lẫn nhau, cứ ai khai thác không đúng đối tượng là cả nhóm bị thu hồi giấy phép khai thác. “Ngẫu nhiên, lực lượng bảo vệ được tăng thêm 100 người vì quyền lợi của họ gắn với khu bảo tồn”- anh Thiện tự tin. Nếu thành công, mô hình này sẽ nhân sang VQGTC…

            Cái lẽ và cái lý đôi khi không đi liền nhau. Vẫn nhiều ý kiến chống đối. Ai dám chắc người dân sẽ không thoả thuận ngầm, kể cả chuyện tiêu cực của những người giám sát để khai thác tận diệt? Khu bảo tồn sẽ còn gì sau một năm khi người dân được tự do ra vào với tấm giấy phép? Đã là vườn quốc gia thì phải cấm, người dân làm sao được vào?

            Nhưng liệu có giữ được mãi khi người dân xung quanh vẫn nghèo, vẫn cần cá ăn, cần mật ong để bán lấy tiền, cần củi nhóm lửa…Bằng chứng là cuộc chiến dai dẵng giữa trên 80 cán bộ VQGTC và người dân suốt 15 năm qua.

    Những tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ. Chỉ có điều, theo tiến sĩ Ni: “Hơn mười năm qua, trên 600 vụ xâm nhập trái phép của người dân bị phát hiện. Nhưng mức độ ảnh hưởng đến VQGTC không nhiều”. Như vậy, sự đa giảm phong phú loài, những cánh đồng năn- môi trường thích hợp của đàn sếu, từ 1.000 héc-ta, hiện tại chỉ còn vài trăm héc-ta năng còn cho củ, đồng sen mất 400 héc-ta…của VQGTC là do ai?

 Không ai dám thừa nhận thẳng. Nhưng thực tế hiển hiện. Hàng loạt dự án thuỷ lợi ưu ái cho cây lúa được thực hiện để đồng lúa đầy rẫy vùng Đồng Tháp Mười. Đất phèn bị rửa trôi. Và vào khoảng bốn năm trước, hơn mười con kênh xẻ ngang dọc Tràm Chim được hình thành nhằm mục đích giữ nước, phòng chống cháy rừng. Nhưng tác động phụ? Môi trường sinh thái bị phá vỡ. Tràm khó có thể phát triển khi nước được lưu giữ. Năng không cho củ để giữ sếu. Và kênh xẻ khiến đất phèn bị “ngọt hoá”, kéo theo hàng loạt tác động. Theo các chuyên gia, hạt giống cây mai dương- loại cây ngoại lai mà theo nguyên tắc không thể có mặt ở VQG, hoà nước các dòng kênh này tràn vào sinh sôi tại khu bảo tồn, nâng diện tích xâm nhiễm đến 2.000 héc-ta.

Và nước tràn vào tuyến kênh trị giá một triệu đô la Mỹ, đào quanh khuôn viên VQGTC đã khiến 400 héc-ta sen khô cạn, chết trụi…

             “Nếu đã đào kênh, xẻ dọc ngang khu bảo tồn ĐNN thì nên chuyển sang làm nông trại”- tiến sĩ Ni bức xúc. Ảnh hưởng biên từ các con kênh, sự thay đổi môi trường…sẽ dần phá tan khu bảo tồn… Sâu sa hơn, chuyện phá rừng, xẻ kênh thoát dẫn nước ở các vùng ĐNN khiến chức năng lưu trữ và cung cấp nước vào mùa khô giảm dần. Năm 2004, vùng ĐBSCL gặp cảnh khô kiệt nước sản xuất và sinh hoạt trầm trọng…

            Môi trường và phát triển kinh tế là hai cỗ xe. Nếu xếp cùng chiều, chúng sẽ dẫm chân nhau. Nếu xếp ngược chiều, thông thuờng cỗ xe kinh tế sẽ đè bẹp cỗ xe môi trường”- tiến sĩ Ni phân tích.

               Ngày 23-9-2003, Nghị định 109 của Chính phủ đã chính thức công nhận tên gọi của ĐNN. Trước đó, ngày 2-2-1971, công ước quốc tế về ĐNN đã được ký tại thành phố Ramsar của Iran (gọi tắt là công ước Ramsar) và ngày này được chọn là ngày ĐNN thế giới.

               Nhưng số phận những vùng ĐNN tại Việt Nam sẽ về đâu khi giá trị của chúng vẫn chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ và bị cái nhìn phát triển kinh tế lấn sân?

           “Hãy bỏ quan niệm chỉ nên bảo tồn khi đất nước đã giàu mà đây là việc phải làm ngay để đảm bảo phát triển bền vững”- thạc sĩ Thiện kêu gọi. Lời kêu gọi này, không chỉ nhắm đến những người dân./.

 

          MWBP là chương trình chung của bốn quốc gia thuộc hạ lưu sông Mê Kông là Lào, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan- do chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) điều hành và do tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Uỷ ban sông MêKông (MRC) quản lý. Với nguồn vốn 30 triệu đô la Mỹ dự kiến từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), UNDP, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Ban Thư ký Uỷ hội sông MêKông, Sáng kiến nước và thiên nhiên (WANI) và một số nhà tài trợ khác, chương trình sẽ đề cập đến những vấn đề nghiêm trọng nhất trong hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các vùng đất ngập nước sông MêKông.

Hồ Hùng
Số lần đọc: 2668
Ngày đăng: 30.09.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đến ITALIA: Thăm KÌ QUAN MỚI của THẾ GIỚI HÔM NAY! - Lê Xuân Quang
Lên núi gặp đồng bằng - Huỳnh Kim
Đường về với Bác - Diệp Minh Châu
Trở lại nhà xưa - Trần Thanh Giao
Nhớ Về Thái Ngọc San :Đường đã rõ chân trần ta đi tới - Trần Kiêm Ðoàn
Không thể nào quên - Trần Thôi
PARIS mùa hè không có chiều thời gian - Lê Duy
Ra Phú Quốc - Hồ Hùng
5 Năm tới, VIỆT NAM sẽ phát triển theo CÁCH MỚI - Huỳnh Kim
Trên cao nguyên hóa đá - Hồ Tĩnh Tâm