Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
452
116.603.558
 
Người viết đơn thuê
Nguyễn Đức Thiện

Đúng ra phải phải gọi nơi ấy là ngã tư. Nhưng vì ngay tại đó có một cái cổng thánh thất Cao đài. Một con đường lớn bị chắn ngang bởi cái cổng và chạy thẳng qua cái cổng nên không tính thành đường. Vì thế người ta gọi đó là ngã ba cũng được. Phía cổng thánh thất là tường rào chạy dọc con đường. Phiá bên này chạy dọc con đường là Toà án tỉnh, Viện kiểm sát tỉnh. Xa hơn một chút là Phòng cảnh sát hình sự. Kể ra ngần ấy cơ quan để thấy ngã ba này toàn là những cơ quan hành pháp rất cần cho sự trật tự xã hội, nhưng tốt nhất là không nên có việc liên quan đến trong đó. Thông lệ của những tín đồ Cao đài có những nét riêng. Không phải như những người theo giáo phái khác. Tất cả những ai thực sự là tín đồ Cao đài khi qua đời, trước khi đưa xác ra nghĩa địa đều có một lần dừng trước thánh thất, để bài vị của họ được đưa vào thánh thất cùng với sự kính cẩn cúng tế của những người thân. Làng quê Tây Ninh này nơi nào cũng có thánh thất. Thường thì người ở nơi nào khi chết sẽ được đưa qua thánh thất nơi đó. Nơi có cái ngã ba kể ra trên đây có thánh thất lơn nhất cả nước và đước tín đồ Cao đài cả nước gọi là Toà thánh. Nên khi chết mà bài vị được vào kính thỉnh ở Toà thánh là một niềm an ủi lớn đối với bất cứ tín đồ nào.  Có cả những người chết cách Toà thánh cả trăm cây số, cũng không ngại tốn phí mang linh cữu lên tận đây. Vì vậy con đường chạy qua cổng Toà thánh ngày nào cũng có thuyền bát nhã từ trong toà thánh đi ra. Có lúc bài vị mang vào kính thỉnh phải chờ đợi, phải xếp hàng. Thế nên có lúc thuyền bát nhã nối đuôi nhau ra khỏi cổng và dòng người đi đưa đám ma có khi trắng cả một khúc đường. Những người chết trẻ còn có đôi ba tiếng khóc bi thương, nhưng những tiếng khóc ấy cũng bị chìm đi trong tiếng kèn, tiếng chũm chọe, tiếng phèng la, tiếng đờn cò của phường bát âm. Còn những người chết theo số, chết theo tuổi thì ít thấy ai khóc, thậm chí không thấy ai khóc và rất nhiều tiếng cười . Chết là về, có khóc là khóc vì nhớ nhung. Mà chẳng cần khóc, tiếng kèn , tiếng đờn cò của phường bát âm cũng đủ nẫu ruột rồi.

 

Trụ ngồi ở một góc đường của ngã ba đó. Chiếc máy chữ to tướng che mất một nửa khuôn mặt . Nửa khuôn mặt còn lại , lại bị che bớt bởi một cặp mắt kiếng cận dầy, gọng đen , bự  . Chỉ còn hở ra được cái miệng rộng, nhưng lại bị thêm hàm râu đen che bớt thêm chút nữa. Hàm râu đen,  lúc nào cũng đâm ra tua tủa. Cuối cùng, người ta chỉ còn nhận ra Trụ khi Trụ nói oang oang, cười sảng khoái và bàn tay mổ xuống những con chữ trên máy ào ào …Trụ thuê một góc của cái quán cà phê để hằng ngày nhìn thấy chán vạn sự đời trôi qua trước mặt.

 

Mỗi ngày ít nhất cũng thấy một đám tang. Mỗi ngày có ít nhất dăm sáu người đến kể lể những nỗi oan khuất, nhờ Trụ lọc cọc gõ cho một tờ đơn hoặc là bi ai nhất, hoặc toàn là những lời oan ức, trách giận người này, hờn oán người kia. Ngày mới ra đây hành nghề, mỗi khi thấy đám tang đi qua, Trụ đều khẽ cúi đầu thành kính . Thành kính với những người đã chết đâu có mất mát gì. Nhưng với người sống, Trụ cứ băn khoăn hoài. Không lẽ người  đời cần đến quá nhiều đơn khiếu nại, đơn kêu oan đến như vậy hay sao? Ngày xưa khi còn là một viên chức nhà nước, Trụ không hình dung ra được chuyện này. Nay mới thấy người ta kiện tụng nhau hằng ngày. Thường thì mỗi khi có người đến nhờ Trụ đánh máy một lá đơn kiện, Trụ phải nghe tràng giang đại hải trăm nỗi oan khuất. Lẽ phải bao giờ cũng thuộc về người kể chuyện. Những ngày đầu Trụ ráng lắng nghe, sau đó đúc kết lại thành một văn bản thực ngắn gọn và dễ hiểu. Nhưng người thuê Trụ không muốn như vậy, họ muốn Trụ phải viết trung thành như người ta kể. Nhiều khi bực mình,Trụ muốn xé toạc tất cả những đơn từ, và mắng cho họ mấy câu. Họ làm như những người tiếp nhận những lá đơn nhiều thời gian lắm để mà đọc những chuyện cà kê dây cà, dây muống của họ vậy. Nhưng Trụ phải nén lại, nồi cơm ở nhà, đứa con mới sinh , lương giáo viên của vợ chưa đến kỳ. Thôi đành nhắm mắt làm theo người ta . Vả lại đơn càng dài tiền càng nhiều, mắc mớ gì chê …Anh cứ  mở to cặp mắt sau cặp mắt kiếng cận, và mổ lóc chóc , lóc chóc vào phím chữ trước mặt.

 

Sáng nay, Trụ tính ra ngã ba sớm hơn mọi ngày. Vợ Trụ ở phòng trong gọi với ra :

-Anh hôm nay có về sớm được không?

-Không biết được. Có chuyện chi không em …

-Dạ chú Ba muốn gặp anh .

-Thôi đi. Nói ổng, anh không có thời giờ. Lo kiếm ăn thấy mẹ. Hơi đâu mà đôi co. Chuyện nó qua rồi thì qua đi.

-Thì anh cứ gặp ổng , xem ổng nói gì . Biết đâu ổng lại kêu anh về làm việc lại thì sao.

-Xin lỗi. Em đừng dỡn . Cái mặt ổng …Mà thôi , anh đi đây .

Trụ khoác lên vai cái dỏ, dắt chiếc Babetta, hạ chân chống, ngồi lên guồng một chập cho máy nổ, mới hạ chân chống, cho xe chạy ra đường. Từ ngày ra khỏi cơ quan cũ, Trụ về ở tạm trong một phòng nhỏ của trường, nơi vợ anh đang dậy học. Căn phòng quá nhỏ, lại đâu mặt với cái can-tin. Cứ khi trường mở cổng là có học sinh tụ lại, ồn ào như cái chợ vỡ. Lúc ấy Trụ thấy bất tiện, nên thường tránh ra với cái máy chữ của mình từ  lúc sáng sớm. Nhưng sớm như hôm nay thì cũng ít khi.

 

Chuyện vợ nhắc lúc sắp ra khỏi nhà cứ làm Trụ băn khoăn. Chú Ba  đâu có xa lạ gì. Ba đụng độ với Trụ cách đây không lâu. Mà cũng chẳng thể gọi là đụng độ . Trụ ghét cái thói trước mặt người lớn Ba cứ làm như mình mắc cái chứng lưng gù. Cái cần cổ lúc đó của Ba hình như vươn dài hơn ra phía trước, đủ để cái mặt hất lên một tý cho có thể dòm được người trước mặt. Hai bờ vai Ba nhô ra theo cái cổ. Những lúc như thế hai tay Ba phải nắm lấy nhau, xoay xoay, nếu không, hai tay có thể thừa thãi buông chấm xuống đến đất. Những thằng cha viết văn lắm chuyện nhiều khi mô ta kẻ nịnh thần đến là ngoa ngoắt, nhưng kể từ khi gặp thằng cha Ba, thì Trụ lại trách mấy thằng cha viết văn là không thực tế. Ba vốn là một giáo hữu Cao Đài. Theo đạo Cao Đài mà lên đến Giáo Hữu là loại có chức sắc đáng kính nể đối với bà con tín đồ có đạo. Hồi chưa giải phóng trong Tòa Thánh Cao Đài có một cái Đài phát thanh và có một bộ phận làm báo dành cho đạo. Những bài giao giảng của Ba hồi ấy nghe mượt mà lắm. Đất nước hòa bình thì Ba thấy những bài viết rao giảng trước đây của mình hết chỗ sài. Ba mới xin đi làm nghề khác.. Sau khi nhóm phản động Hồ Tấn đội lốt tôn giáo bại lộ thì Ba công khai chửi Hồ Tấn  là lũ ngu si. Ba chê đám Hội thánh Tân canh một tổ chức phản động khác bị vạch mặt, là lũ người non dại. Tín đồ Cao Đài xứ này có điều rất tế nhị. Hồ Tấn hay Hội Thánh Tân Canh có làm chuyện phản dân hại nước, lôi kéo người theo đạo chống lại nhà nước thì đã có nhà nước tính toán với họ. Còn tất cả xin hai chữ bình yên, làm người dân tốt trước đã. Nhưng Ba thì không. Những bài báo chửi bới Hồ Tấn và Hội Thánh Tân Canh của Ba lừng danh lúc bấy giờ. Có người hỏi Ba: Hình như ngày xưa chính Hồ Tấn phong phẩm Giáo hữu cho ông mà? Ông ta cười, tiếng cười không bao giờ thoát ra nơi cửa miệng mà xì ra bằng đường lỗ mũi: Hồ Tấn có là bố tôi mà phản động tôi cũng từ. Ba lên huyện ủy xin việc. Thấy Ba nói năng xuôn xẻ , lại thông hiểu sách vở đông tây kim cổ , lại có những bài viết phê phán không tiếc lời những kẻ lợi dụng đạo chống phá cách mạng, nên huyện ủy nhận và bố trí ở bộ phận nghiên cứu lịch sử Đảng. Ba trổ hết tài ba ra để hoàn thành sớm nhất cuốn sử Đảng bộ huyện. Nhưng thực không may cho Ba . Khi duyệt chuẩn bị cho in thì người ta phát hiện ra rằng trong lối viết của Ba , đọc từ trang một đến trang cuối cùng thì đó là cuốn lịch sử Đảng bộ huyện. Nhưng nếu đọc từ trang cuối cùng lên trang một thì nó giống giống như một bài giảng đạo thông thường. Người ta thán phục cách viết của Ba. Còn Ba thì ngao ngán. Thì ra bao nhiêu năm nay, đạo đã ngấm vào Ba rồi, ngấm tận vào xương tủy rồi, muốn cách tân có lẽ phải làm như AQ, chặt luôn cái đầu, nghe cái sật, chuyển kiếp luân hồi may ra mới xoá nổi cái căn trong con người Ba. Thất bại cuốn sử, Ba trở thành người thừa ra trong cơ quan huyện ủy. Những lúc ngồi chơi buồn, Ba làm thơ chơi. Ai dè, Ba làm thơ được, mới chết. Ba gởi bài đi in khá nhiều nơi và cái tên Hùynh Ba trở thành quen thuộc với giới văn nghệ sĩ trong tỉnh. Đúng vào lúc Hội văn nghệ tỉnh có sự sục xịch. Một lá đơn thu hút được một số chữ ký gởi đến những nơi có trách nhiệm đề nghị chuyển chức chủ tịch Hội cho người khác. Ba cũng ký vào đó , nhưng ngay sau đó Ba lại đến gặp ông chủ tịch Hội. Ba nói như khóc rằng Ba rất thương ông chủ tịch, Ba sẵn lòng bảo vệ ông chủ tịch và Ba sẵn sàng đầu quân làm việc hết lòng vì ông chủ tịch. Nghe những lời có vị mặn của nước mắt kia, ông chủ tịch Hội sẵn lòng đón nhận Ba về và bổ xung Ba vào cương vị chánh văn phòng, kiêm trưởng ban biên tập, kiêm thư ký tòa soạn… Có nghĩa là Ba làm ráo mọi chuyện của Hội. Kể cả việc khỏi cần cộng tác viên viết bài. Ba làm thơ, viết phê bình, viết truyện ngắn được. Thì ngày xưa Ba cũng đã từng làm báo cho đạo, một mình Ba làm ráo, cần gì phải nhiều người cho rối chuyện.  Con gái Ba cũng làm thơ, viết báo. Vợ Ba cũng làm được khối việc, khi cần cũng có vài bài tứ  tuyệt in trên báo. Cơ quan Hội nhanh chóng trở thành nơi hội tụ theo đúng nghĩa đen của gia đình Ba. Ba có một căn phòng để gia đình ở. Ba và vợ Ba mỗi người một phòng làm việc. Trên mặt báo bài của cả nhà .

Trụ là người phát hiện chuyện đó. Nói cho ngay , hồi đó Trụ cũng là người ở đậu cơ quan Hội. Mà cơ quan Hội lúc đó lại ở trong khuôn viên tòa thánh  Cao đài , nên anh biết điều mà sống . Tinh mơ mờ đất là hai vợ chồng kêu nhau dậy . Mỗi đứa một cây chổi quét sạch sẽ sau trước. Sau đó,  lúc vợ đi dậy học , Trụ múc nước tưới cây . Trong số cây trồng quanh cơ quan Hội , có hai luống hồng thực lớn . Trụ là tác giả của hai luống hồng đó. Ngày nào cũng có hoa nở . Tưới cây xong Trụ cắt mấy bông hồng mới nở mang cắm vào tất cả những bình có sẵn trong cơ quan hội. Những bông hồng tỏa hương thơm ngát . Xem ra cái thuyết mi không đụng đến ta , ta không đụng đến mi vậy mà có lý tồn tại . Những ngày đầu vợ chồng con cái Ba về ở đây không có chuyện gì xẩy ra. Việc ai nấy làm , cơm ai nấy ăn , phòng ai nấy ở . Nhưng rồi lối sống ấy không tồn tại. Trước hết là cô con gái thứ hai của Ba gây chuyện. Cô ta khoảng mười sáu, mười bảy gì đó.  Cô thừa hưởng của mẹ cái dáng cao lênh khênh . Tuổi dậy thì của người ta thì má đỏ , môi hồng , ngực nở …Cô ta thì không. Cao lên , dài ra , ngực lép kẹp và ông bố ban cho nước da ngăm ngăm tái. Hình như cô ta cho rằng mấy cây hồng là của chùa , nên lâu lâu cô ta cắt vài bông mang đi đâu không biết. Ban đầu Trụ cũng mặc, con cháu lấy vài bông nhằm nhò gì? Nhưng đến một lần không chỉ cô ta cắt , mà cả một lũ bạn kéo đến.  Chúng nó nhào vô hai luống hồng . Ngồi trong phòng , Trụ hết chịu nổi , anh buộc phải ra mặt . Anh nhẹ nhàng biểu chúng rằng đây là những bông hồng anh trồng , anh phải tốn công chăm sóc hằng ngày , nếu chúng muốn, anh có thể cắt cho , nhưng đừng phá phách , tội nghiệp . Cô con gái ông Ba nguẩy cái mông cái phạch , bỏ đi và buông lại một câu :" Đất chùa, nước chùa ,bông chùa quyền gì mà giữ chớ". Đêm ấy, một cuộc tàn sát đã diễn ra . Hai cây hồng đẹp nhất bị bứng gốc . Sáng sau, nhìn thấy , Trụ đắng lòng , nhưng cũng đành ngậm tăm mang cây đi trồng lại . May mà người ta chỉ giận có một lần , nên cũng chỉ phá có một lần. Ông Ba còn có hai thằng con trai . Hai đứa sàn sàn bằng tuổi nhau khoảng mười bốn , mười lăm gì đó. Trong cơ quan hội có một phòng dành để khi sinh hoạt câu lạc bộ , có biểu diễn đôi ba tiết mục văn nghệ thì để cho mấy cô , mấy bà thay đồ . Hai thằng nhóc ấy tìm cách khoét ra một cái lỗ . Mỗi khi thấy thoáng bóng phụ nữ vào phòng là chúng máy nhau , chạy lại cái lỗ ấy. Một hôm chúng đang làm cái chuyện bậy bạ kia thì vợ Trụ bắt gặp . Cô không chỉ la lên mà còn điểm mặt chúng , mắng cho một trận thậm tệ. Trong đó có một câu làm cho bà vợ ông Ba phải bước ra. Câu đó nguyên văn như thế này: "Các con có ăn học hẳn hoi , sao lại làm cái việc mất dậy như thế ". Bà vợ ông Ba bước ra, mát mẻ nói:" Nó có mất dậy thì còn cha mẹ nó, không mượn các người làm chuyện bao đồng ". Trụ phải chạy ra nắm tay vợ kéo vào không cho nói tiếp nữa. Nhưng bắt đầu từ hôm đó có những bàn tay ngấm ngầm nào đó cứ xỉa vào cuộc sống thường nhật của gia đình Trụ. Cái nồi bỗng nhiên rớt xuống giếng. Quần áo phơi ngoài dây bay cả trăm mét ra ngoài bờ rào quán cà phê. Cái tủ thuốc bán thêm bỗng nhiên bị bể kiếng. Những chuyện ấy nó chạm nọc Trụ , làm cái máu ngang ngược của anh nổi dậy . Nhiều lúc nghiến răng muốn trẹo quai hàm để khỏi thốt ra những lời chửi thề tục tĩu. Dẫu sao cũng là chuyện con nít và người lớn , tránh được thì tốt . Mình biết thân , biết phận , dọn dẹp gọn gàng , giữ của mình cho tốt , là được.

 

Nhưng sự đời đâu có giản đơn như vậy. Cơ quan hội ngày một thưa vắng người lai vãng.  Anh em cộng tác viên đã gọi tờ Văn nghệ tỉnh là tờ "Văn nghệ Ba gia". Người ta không tham gia vào công việc của hội nữa.  Một hôm trong cuộc họp giao ban cơ quan , Trụ dại dột nêu ý kiến này ra. Anh không ngờ lại bị phản ứng mạnh đến như vậy.

-Cậu không biết rằng anh em văn nghệ đang chĩa mũi tấn công vào chú Sáu Chủ tịch sao. Tôi phải làm nhiệm vụ gác cửa. Thà có ít tác phẩm, hoặc tác phẩm non một chút chứ nhất định không để lọt những bài viết mang tính cơ hội …

-Từ ngày anh về , anh có nhận được bài nào như anh nói không ?

-Không , tất nhiên là không rồi …

-Vậy sao anh bảo người ta cơ hội. Tôi thấy hình như chính anh mới cơ hội . Cơ hội cho in bài của mình , của vợ mình , của con mình . Tờ Văn nghệ địa phương giống như một manh chiếu hẹp , anh ngồi xoạc cẳng ra đó còn ai ngồi được nữa …

-Cậu Trụ !Với tư cách gì cậu nói với tôi như vậy , hả ? Cậu nên nhớ cậu chỉ là nhân viên đánh máy chữ . Tốt số , tôi có thể còn là thầy dậy cậu,  cậu hiểu chưa …

Thế là cuộc chiến giữa hai người chính thức được công bố. Trụ chẳng thiết làm việc nữa, nhưng anh không muốn đi vì cũng tính thử xem ông Ba ổng tính gì với cơ quan này. Anh thường có những cuộc nhậu với đám bạn ngày xưa hay lui tới hội . Bữa nào nhậu về anh cũng kiếm cách nói chuyện với ông Ba. Anh rủ ông Ba nhậu . Ông Ba không nhậu , anh chọc quê. Anh hỏi ông Ba có phải ngày xưa quỳ nhiều quá , lạy nhiều quá đầu gối có chai nhiều lắm không ? Anh lại hỏi bây giờ theo mấy bác, mấy chú có cần phải rao giảng chuyện thờ  phụng kiểu mới hay không . Hoặc vì sao cái lưng ông nó bị nhô cao quá vậy , hay tại cái đầu ông nó nặng nên cứ phải gục xuống . Hay, anh làm sao có thể viết một cuốn sử có một không hai như vậy , có khi nào con người cũng lội từ đầu đời đến cuối đời là con người này , còn ngược lại là con người khác hoàn toàn không ? Hôm hỏi xong câu này Trụ cười ha hả và trả lời ngay , có có , chính ông đó, ông Ba…Toàn là những chuyện xóc hông , ông Ba không giận không được.

 

Cho đến một hôm , đi nhậu về, Trụ tuyên bố với ông Ba: ngày hôm sau Trụ sẽ dọn nhà đi chỗ khác , đồng thời nghỉ việc luôn . Anh cũng tuyên bố không thể sống chung với ông Ba được, hằng ngày nhìn thấy những chuyện diễn ra trước mắt nó ngứa đến con ngươi . Không thèm chơi nữa. Nói , tưởng Trụ nói trong lúc say rượu , ai ngờ sáng sau ,vợ chòng Trụ dọn nhà sang trường vợ Trụ dậy học ở thực. Mất công ông Ba thiết kế một cuộc đuổi việc hợp lý đến đau đớn đối với Trụ. Ông Ba giống như con cọp rình mồi, đến lúc sắp quật đuôi chồm tới thì con mồi thoát ra nhẹ nhàng , còn quay lại háy mắt chọc chơi . Ông nói với vợ con như an ủi :"Hơn gì , cũng là thằng đi ở đậu ". Sau thấy Trụ ngồi đánh máy chữ thuê ở ngã ba kể trên , Ông lại cười :"Không gì khổ bằng thằng có chữ trong đầu mà phải đi đồ lại chữ của người khác ".

Kể lôi thôi dài dòng như vậy,để nói một điều răng giữa ông Ba và Trụ có lẽ hết đời người không còn có thể gặp nhau thêm lần nữa.

Vậy mà hôm nay ông hẹn gặp. Có việc gì chớ.

 

O

 

Ngã ba giấc sáu giờ sáng còn vắng người . Mới chỉ có những người quen uống cà phê sớm . Đôi ba người đi ăn hủ tiếu chay . Đến cả những anh xe ôm cũng chưa cần phải ra đón khách , vì có đón cũng chẳng có ai đi giấc đó. Chỉ có mấy xe bánh mỳ là siêng . Hình như họ bán thông đêm cho khách đi cúng chùa. Trụ biết ra sớm cũng chẳng làm gì, nhưng anh vẫn thích ra. Trước là được tận hưởng một buổi sáng thuần khiết của đường phố. Sau nữa bên cạnh ly cà phê anh có thể thu thập được những thông tin cần thiết cho một ngày. Không thấy những khuôn mặt buồn rầu, căng thẳng vào ra tòa án và viện kiểm sát , không thấy mấy ông cảnh sát hình sự  ra vào, và cũng chưa thấy những chiếc thuyền rồng bát nhã chở người chết qua cổng. Cũng ít ai quấy rầy Trụ vào lúc này. Một ngày chỉ có ngần ấy thời gian thanh thản .

Nhưng hôm nay Trụ không được thanh thản .

Ông Ba đã chờ Trụ tự lúc nào. Trụ ngạc nhiên , tưởng vợ nói dỡn chuyện ông Ba hẹn gặp, ai dè ông ta đến thực . Ông tự kéo ghế ngồi chờ Trụ soạn đồ . Trụ cũng chỉ gật đầu chào xã giao với ông ta , và chẳng thích thú gì phải chuyện trò gì với ông. Trụ ngồi vào bàn  sau cái máy đánh chữ và hỏi ông :

-Có việc gì không ông Ba ?

-Tôi …Tôi muốn hỏi cách đây ít bữa , ông già tôi có đến đây tìm cậu, phải không ?

-Ông già ông ? Ai vậy cà ?

-Một ông già gần tám mươi tuổi , râu dài

-Ông già ông ?-Trụ nói như la lên -Ông cụ ấy là ông già của ông? Còn ông là con của ông già ? Tuyệt vời , thú vị quá …

Cách đây chừng hơn một tuần , khi ra đến bàn máy chữ , có một cụ già chừng bẩy , tám chục tuổi đang chờ anh . Quán cà phê mới mở cửa. Cụ kêu một ly đen , mấy điếu thuốc. Chắc cụ ngồi cũng đã lâu . Ly cà phê đã cạn , thay vào đó là nước trà . Cái gạt tàn thuốc cũng đã có mấy cái đuôi cháy gần hết. Có một cái đầu mẩu đang ngún khói mà trên môi cụ đã có một điếu khác đang nhả khói . Đó là một cụ già khỏe mạnh. Những đường gân trên măt cụ có làm cho cụ khắc khổ chút ít , song lại cho cụ cái nét can trường . Mái tóc cắt gọn , nhưng bộ râu thì lại để dài. Những sợi râu bạc phủ xuống ngực . Nếu như cụ không bị nước da mai mái đen thì người ta có thể mượn cụ đóng vai Thái bạch kim tinh trong các phim thần thoại lắm. Cụ có vẻ nôn nóng , nên khi thấy Trụ bước tới , cụ đã đứng lên , bước những bước dài đến đón Trụ . Trụ thấy ở cụ có cái vẻ quen quen . Một gương mặt chìm sâu đâu đó trong tiềm thức , lâu lâu lại trồi lên trong trí nhớ , cụ già này ở trong trường hợp đó chăng ?

-Cậu là Trụ ? - Cụ hỏi.

-Dạ phải . Cụ tìm con …

-Phải .Tôi chờ cậu từ sớm đến giờ . Không làm phiền cậu đấy chớ ?

-Dạ còn phải xem cụ kiếm con có việc gì không đã chớ . Đâu dám nói cụ làm phiền con .

Cụ già gọi cô chủ quán một ly cà phê sữa nóng làm Trụ phải kêu lại rằng anh chỉ uống cà phê đen . Cụ gọi mấy điếu thuốc ba số 5, cũng làm Trụ phải nhắc anh chỉ hút Hero, loại thuốc rẻ tiền và đủ đô cho anh nghiện . Chờ Trụ bầy biện xong đồ nghề của mình lên bàn , cụ già mới lên tiếng :

-Tôi nhờ cậu soạn cho tôi một tờ đơn kiện. Nghe nói cậu ngồi đánh máy chữ ở chỗ này , quen với Viện Kiểm sát , với Tòa án . Cậu còn biết người ta có thể bắt người vào lúc nào theo đúng luật , vì cậu cũng biết cả lề lối làm việc của công an hình sự . Tôi rất cần một lá đơn thấu hiểu luật pháp như vậy. Người ta mách tôi đến cậu , chắc cậu giúp được tôi chớ.

-Dạ thưa, không biết con có làm được như cụ nói không. Con vốn chỉ biết làm thuê. Người thuê con có thể yêu cầu con viết đơn theo ý muốn của họ…

-Tôi khác - Cụ già ngắt lời Trụ - Tôi muốn cậu viết đơn theo hiểu biết của cậu . Viết sao cho phải thì thôi . Nhưng cậu có thời gian nghe tôi kể chuyện không ?

-Được xin cụ cứ kể . May ra con có thể làm được như cụ muốn.

-Tôi có một thằng con trai . Không phải con một, mà nó chỉ là một trong số những đứa con mà thôi . Nhưng nó là đứa con trai duy nhất.

Mới nói được câu đó thì từ trong cửa Tòa thánh nhô ra một chiếc thuyền bát nhã . Cụ già đứng dậy , kính cẩn nghiêng mình làm Trụ cũng phải đúng lên theo . Chờ cho chiếc thuyền bát nhã chở chiếc quan tài đi được một đoạn dài theo con đường hướng tới nghĩa địa , cụ già mới ngồi xuống tiếp :

-Tôi có một thằng con trai . Ngay từ nhỏ nó đã là một thằng ngoan đạo. Có lẽ nơi tôi ở không đứa trẻ nào ngoan đạo hơn nó. Lũ trẻ như nó ham ăn , ham uống , ham chơi bời . Còn nó, sau giờ học hành nó chuyên chú đọc kinh. Nó đi chùa với tôi ba cữ trong ngày. Sáng đi chùa về mới đi học. Trưa học về , đi chùa tiếp và chiều cho đủ ba cữ một ngày . Nhiều khi nó đi cúng cả vào giờ Tý nữa . Tôi không biết bằng cách nào , nó có thể tỉnh táo giống y như người già đọc kinh khuya ? Nó ăn chay . Chay trường. Tôi lo sức khỏe cho nó kêu nó phải ăn thêm thịt cá , nó không chịu. Lúc đủ khôn nó biểu tôi : Đã chót tu thì tu cho hết kiếp. Ít nhất cũng có thể đứng đầu xứ dân Đạo này. Nghe nó nói mà tôi sợ . Người ta tu cốt ở cái tâm. Hình như nó thì không? Nó tu vì cái trí. Cái trí nó biểu nó  phải có quyền uy hơn người ta. Cái trí mà như thế thì cả đạo cả đời cũng ráng nghĩ ra thủ đoạn mà đạt cho được. Tôi sinh ra người ta chưa ai nhắc đến Đức Chí tôn. Tôi lên mười mới nghe người ta nhắc đến Ngài . Tôi theo Ngài vô tư, làm việc phúc đức , không hề mong Ngài ban cho cái gì ngoài sống vui, sống khoẻ. Tôi muốn tích đức cho con tôi , cháu tôi . Tôi hoảng lắm khi thấy thằng con tôi nói ra cái chí tu hành của nó . Tôi lo không biết Đức Trí Tôn có biết , có trách phạt đứa con tham vọng của tôi không? Cách mạng về, tôi bỗng thấy thằng con tôi đổi khác . Một đêm sau giờ đọc kinh tại gia , nó hùng hồn tuyên bố:  " Theo Đức Chí Tôn còn xa xôi quá , theo cộng sản tốt hơn. Hôm qua cả bọn cộng sản còn ăn hang, ở hố , còn ăn đói mặc rét , vậy mà hôm nay làm vua , làm chúa hết rồi . Từ mai ba đừng kêu tôi đi chùa, đừng kêu tôi đọc kinh nữa nghe."

 Những lời phỉ báng ấy của nó làm tôi mất ba tháng ăn chay trường, mất ba tháng đi chùa bốn cữ . Tôi cầu Đức Chí tôn không nghe được những lời kinh khủng đó. Nó tuyên bố không ở nhà với tôi nữa. Nó mang vợ con nó lên ở cơ quan. Nó làm gì , tôi không cần biết . Đùng một cái mười năm sau nó lại mang vợ con về , không rằng không nói , dọn góc cũ trong nhà để ở. Nó làm như trong nhà không còn ai. Nó làm như tôi đã chết rồi vậy. Hai vợ chồng , hai đứa con gái , hai đứa con trai , chúng chiếm gần hết nhà tôi. Bà ấy nhà tôi chết trước đã vài năm. Chúng dành cho tôi một cái giường nằm ở gian ngoài . Hai đứa em gái đành dồn chung vào một phòng nhỏ kế ngay gian hai vợ chúng chiếm. Nhà tôi kiếm sống bằng nghề phơi cơm dừa. Những đống vỏ dừa , những đống cơm dừa chưa khô chiếm hết những khoảng trống còn lại . Được vài ngày, nó bắt đầu đay nghiến :"Nhà với cửa như cái ổ chuột. Chiụ không nổi". Một bữa tôi nổi quặu, tôi nạt nó: "Nhà ổ chuột mà mi còn chui đầu về làm gì hả?". Tưởng mình làm cha có quyền nạt nó , ai dè nó trì triết : "Ba tưởng tôi cần lắm hả. Với tôi chỉ cần một cái bàn con, một góc lều , đủ rồi . Nhưng còn những đứa cháu nội của ba kìa". "Vậy chớ mày đã làm gì cho chúng nó …". Chuyện ban đầu chỉ có vậy ai dè thành cãi lộn lớn. Hai đứa em gái nó đụng ngay vào những chuyện của nó: Anh đi tu đòi một ngôi vị trong xứ đạo, bao giờ anh ngồi để cả nhà được nhờ. Anh bảo theo cộng sản mau lên vua lên chúa , sao bây giờ anh về chui ở cái ổ chuột này. Cứ thế chuyện mỗi lúc một loang to. Đứa con lớn của nó đang học dưới Thành phố , hôm đó trời xui đất khiến làm sao lại về nghỉ , chứng kiến cảnh anh em ruột thịt nhổ vào mặt nhau như thế, nó lẳng lặng bỏ đi . Ba hôm sau cả nhà choáng váng nghe tin nó buồn quá uống rượu, vỡ tim chết. Cả nhà khóc thương con nhỏ , còn nó thì không . Thiêu con nhỏ xong, mẹ nó mang chút tro tàn xác nó về nhà. Nó gầm lên :"Con bất hiếu, một vụn tro cũng không được phép mang về nhà …" Tôi buộc lòng phải táng cho nó một cái tát và biểu nó: "Nhà này là nhà tao , tao có quyền để vong hồn cháu tao ở trong nhà. Mày không muốn thì mày có thể ra khỏi nhà tao ."

Cụ già kể đến đó , nước mắt vòng quanh :

-Tôi ra đời trước khi người ta biểu có Đức Chí tôn hằng tồn tại. Nhưng tôi tin Ngài mà tu nhân tích đức , sao tôi lại có thằng con như vậy chớ. Hay kiếp trước tôi mắc nợ nó nên Ngài trừng phạt tôi.

-Thưa cụ , xin cụ bình tĩnh - Trụ lựa lời khuyên ngăn -Thế bây giờ cụ muốn con làm đơn thế nào , và làm đơn để làm gì …

- Cậu viết cho tôi cái đơn . Một cái để tôi từ nó. Còn một cái , mai này nếu tôi chết , tôi mang theo để trình Đức chí tôn để người tha thứ cho tôi .

Nếu không tỉnh táo , Trụ có thể nghĩ rằng anh đang tiếp một ông già điên. Làm đơn để vợ chồng ly dị nhau , làm đơn để anh kiện em , để chú kiện cháu , để con kiện cha hoặc cha kiẹn con … Trụ cũng đã từng làm . Rồi sau đó , Trụ cũng đã chứng kiến không ít những tờ đơn kiện mình viết đã thành bút lục trong viện kiểm sát , thậm chí từ tờ đơn kiện của anh khiến cho có kẻ bị công an hình sự bắt , rồi sau đó mang xét xử tại tòa án ngay kế bên chỗ anh ngồi đánh máy chữ . Nhưng làm đơn để cha từ con và làm đơn kính lên Đức Chí tôn , thì chưa từng bao giờ , và cũng chưa ai biểu anh làm đơn như  thế . Anh nhìn cụ già , nhìn mãi mà không biết có nên nhận lời hay không. Cụ già cũng nhìn vào mắt Trụ chờ đợi một câu trả lời.

Đường phố đã đông người . Quán cà phê cũng đã nhiều người hơn. Lâu nay , Trụ không để ý , thấy người ta đến uống cà phê tưởng người ta cũng là để giải quyết một chút nghiền buổi sáng . Nhưng không , cái quán ngay sau lưng Trụ cũng có không khí đặc biệt . Có bàn xúm lại nhỏ to với nhau . Có bàn ngồi bên nhau tư lự, mặt người nào cũng đần ra vẻ thua thiệt lộ ra . Có bàn người ta nói chuyện với nhau như muốn đập nhau tới nơi . Có  bàn thuốc , cà phê trên bàn đều là loại sang cả , ba số năm , sữa chanh đá chẳng hạn …Họ không đến đây uống cà phê giải nghiền mà đến để bàn công việc. Toàn là những việc liên quan đến luật pháp cả . Thường thì sau đó có người sẽ đến bên Trụ và kể cho Trụ nghe những điều oan ức. hờn giận. Rồi mắt hau háu nhìn bàn tay Trụ mổ chữ lóc chóc. Khi nghe Trụ đọc lại những gì đã gõ vào giấy, người ta vểnh tai lên nghe không sót một chữ. Với quyền của người sẽ trả tiền họ  đòi Trụ sửa chỗ này , sửa chỗ kia, phát ghét. Nhưng Trụ phải làm theo. Phải có tiền mua sữa cho đứa con mới đẻ và lương vợ thì chưa đến kỳ. Khi người đánh máy làm xong phận sự của kẻ làm thuê , thì người kia xem Trụ như một vị thần cứu khổ, giải nạn, cung kính đỡ lấy tờ giấy mà Trụ vừa đánh con chữ cuối cùng , đếm trả Trụ những đồng tiền, thường là vụn và cũ nát ,rồi tất tả kêu nhau đi vào Viện Kiểm sát hoặc vào Tòa án . Cũng có hôm gặp tay sộp , nhận đơn xong , đưa vào tay Trụ một xấp tiền mà không cần phải đếm . Hôm nay Trụ mới để ý thấy điều đó . Anh  bỗng thoáng nghĩ , có khi nào anh đánh máy những lá đơn vu oan giá họa cho ai chưa?  Biết đâu đấy . Như cụ già ngồi trước mặt Trụ bây giờ, không lẽ cụ có thể từ con mình được sao? Mà từ đến hai lần từ, lần ở dương gian, lần ở nơi phán xử của Đức Chí nôn, một quyền lực vô hình nhưng trói buộc bởi tâm linh .

-Cậu có thể giúp tôi không ?-Cụ già gặng hỏi Trụ-Tôi nói thêm chuyện này để câu nghe . Một đời tôi ky cóp công đức đã đành , cũng cả một đời tôi ky cóp để có được mái nhà. Vậy mà mới hôm trước đây nó biểu tôi : Ba già rồi , ăn hết nhiều , ngủ không hết bao nhiêu . Có gian nhà trên , để làm nơi tiếp khách lịch sự . Mời ba xuống nhà dưới ở . Nhà dưới nào đâu ? Đó là gian bếp . Một bên bếp , một bên nhà xí , bên kia để cái gióng chén. Còn góc cuối cùng nó mang chiếc giường con kê vào đó và đó là chỗ ở của tôi .Và có thể nay mai thôi , tôi sẽ trút hơi thở cuối cùng tại đó…

Xém chút nữa thì Trụ la lên . Một cụ già có vóc dáng của Thái bạch kim tinh , kiếm để mà thờ còn khó , sao lại có thể ngậm ngùi sống ở xó bếp như vậy được .Thưa cụ , cụ cho con một ngày , con sẽ làm cho cụ một cái đơn , một cái đơn có ngọn có ngành , giống như kể lại đời một con người vậy. Không , Trụ không nói ra bằng lời , nhưng hình như cụ già hiểu được ý của Trụ , cụ đứng dậy , gật đầu chào Trụ rồi thong thả sang bên kia đường, nhập vào dòng người đi vào Tòa thánh . Chợt nhớ ra, chưa hỏi tên cụ là gì . Làm đơn mà không có tên , biết ai kiện ai đây. Nhưng không hiểu sao Trụ cũng nhất quyết phải soạn một lá đơn có một không hai trong đời mình . Trụ bật cười ha hả sau khi có nghĩ ngồ ngộ như thế. Những người xung quanh ngạc nhiên tưởng Trụ phát rồ …

Không thấy cụ già đến hỏi lá đơn mà cụ nhờ Trụ soạn .

Không thấy cụ đến mà ông con của cụ đến . Hôm trước nghe chuyện, Trụ không tin rằng trên đời lại có thằng con dị hợm như vậy. Nay gặp thì anh tin , tin , nhất định đời có những thằng con như thế . May mà cụ già không biết Ba đã mang áo mão gởi lại Hội đồng chưởng quản. May mà không nghe Ba tuyên bố về chuyện Hồ Tấn  …May cho cụ quá . Trụ hỏi ông Ba :

-Có phải cụ nhờ anh ra lấy lá đơn kiện không

-Không phải . Không . Không bao giờ …ba tôi còn cần đến lá đơn kiện ấy nữa .

-Sao ?

-Ba tôi chết rồi …

-Cái gì ?- Trụ xô ghế đứng dậy xốc lấy cổ áo Ba -Và anh để cụ chết trong cái xó bếp ấy , phải  không .

-Không …Lúc ba tôi còn thở , tôi đã đưa ba tôi lên nhà trên …Ổng chết tại chỗ ổng nằm suốt mấy chục năm qua . Cách đây ba ngày , giờ Thìn, tôi đã đưa xác ông viếng qua Tòa Thánh . Đám tang hôm đó đông lắm …

Phải rồi , cách đây ba ngày , giờ Thìn , có một đám tang đông đến ngạc nhiên từ trong Toà thánh đi ra qua cái cổng trước mặt Trụ . Hôm đó Trụ cứ ngắm hoài dòng người áo trắng , trôi trắng con đường ra nghĩa địa. Không thấy mầu cờ của người có chức sắc , thì chắc đó là một tín đồ như bao nhiêu tín đồ khác. Những vành khăn tang không nhiều , tức là con cháu không đông. Vậy mà đám tang quá đông . Chiếc thuyền rồng bát nhã sơn xanh , đỏ và thếp vàng như đang trôi trên dòng sông trắng . Trụ cũng đã đứng lên , khẽ nghiêng mình . Một người chết có đám tang như thế hẳn phải là người đáng kính lắm … Nay mới biết đó là cụ già bữa trước tìm Trụ. Sao mà nhanh thế. Người sống một đời đau khổ , chết mấy hồi. Nhưng chết mà lại sướng , chớ còn sống mà…

- Trước khi chết, ba tôi có nhắc đến lá đơn ông nhờ cậu viết .

- Chẳng có đơn từ nào hết -Trụ ngắt ngang lời ông Ba, giọng cáu bẳn -Bữa đó tôi nghĩ đời làm gì có thằng con như thế , tôi sợ tôi vu oan cho người ta. Tôi không tin. Tôi không ngờ người con ấy lại là anh . Mà là anh thì tôi tin rằng đời có loại con như thế thực. Bữa đó tôi không viết , nhưng hôm nay thì tôi viết. Dẫu ổng chết rồi , nhưng tôi vẫn cứ làm đơn cho ổng , tôi đốt đơn gởi theo cho ổng . Những người như  ổng, nhất định sẽ gặp được Đức Chí tôn và Đức Chí tôn sẽ phán xử anh .

Ông Ba ngồi gục mặt nghe Trụ trách hờn . Lát sau , chờ Trụ vơi những câu nguyền rủa , ông Ba mới lại lên tiếng :

- Đủ rồi , Trụ. Khi đứng chủ tế cho ba tôi , nhìn những người đến lạy trước linh cữu của người tôi mới thấm được điều : con cáo chết để da, người ta chết để tiếng. Một đời ba tôi không ra tới ngoài , mà đâu đâu cũng biết ông là người đức độ . Nếu có Đức Chí tôn thực , đâu cần có lá đơn của ba tôi. Ngài biết hết . Nếu có lá đơn mà ông nhờ cậu viết thì cho tôi xin. Tôi sẽ lộng kiếng để trên bàn thờ mà răn đe tôi , răn đe con cháu …

-Nè , tôi hỏi thiệt , dạo này anh có ăn chay không ?

-Từ hôm ba tôi mất , tôi bắt đầu ăn chay. Tôi tính sẽ ăn chay trường. Ba mươi ngày trong tháng… Cậu có tin tôi không ?

- Tôi tin anh hay không tin anh có mắc mớ gì đến ai …Mà thôi , anh làm mất thời gian của tôi quá nhiều rồi , và cũng đừng nhắc gì đến lá đơn nữa . Sẽ không có nó đâu . Anh ăn chay trường thực hả …

Trụ cười , tiếng cười mạnh mẽ nhưng khó hiểu . Ông Ba đứng dậy, lách ra đường , tắt ngang đi về phía cổng Toà Thánh. Hình như tiếng cười của Trụ đuổi theo ông , khiến ông bước đi vội vã. Bỗng nhiên Trụ thấy cái dáng của ông nó có vẻ hợp khi đi trong khuôn viên Tòa thánh . Ở đấy với sự  tôn nghiêm cần cho những người tín ngưỡng, thờ phụng , thì  cần có những cái đầu cúi xuống .Trụ cười phá lên thêm một lần nữa …

Có người đến bên bàn máy chữ của anh :

-Thưa ông , tôi muốn ông nghe chuyện này rồi viết giùm tôi một lá đơn …

Lại có một chiếc thuyền rồng bát nhã chỡ xác người ra nghĩa địa.

Thuyền rồng bát nhã chở xác người ta ra nghĩa địa , sẽ chở  những oan trái của người ta đi luôn . Ở nơi vĩnh hằng chắc người ta không cần đến những lá đơn , và nhất định sẽ không có ngừơi viết đơn thuê như Trụ.

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 3418
Ngày đăng: 06.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
O chuột và ngôi nhà rỗng - Nguyễn Thị Thu Hiền
Nhân phủ - Nguyễn Ngọc Tư
Tư Biển - Nguyễn Trọng Tín
Chiếc đèn Trung thu - Nguyễn Hòai Ân
Đứa con gái bướng bỉnh. - Hào Vũ
Mùa cá đường hội - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Cơn bão xa đã tan - Hội An
LiLi - Lê Vũ
Con cá kèo - Nguyễn Văn Tâm A
Đôi mắt rắn đỏ và men rượu đàn bà . - Dương Ðình Hùng
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)