Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.381 tác phẩm
2.747 tác giả
414
116.584.428
 
Trần hảo hán
Đỗ Nhựt Thư

 

              Mến tiếc T.H.

 

 

     Hôm qua một đám tang vào loại lớn nhất thị xã chạy trước nhà gã. Dài hàng cây số, xe đưa gần 50 chiếc, người người đông đặc, phải đến 5 xe chở vòng hoa viếng. Nhiều người chép miệng: Sống thế mới đáng. Gã gật gù đồng cảm. Có anh nói đổng:  “Thằng T. lãnh đạo địa phương mình chết lúc 57, công lao xương máu từ 1970 mà nhiều đồng đội cũng không đến thắp cho cây hương, xấu hổ quá.”

    Sáng sau đến quán lão Hà -  bạn từ 1966, uống cà phê, thấy lão buồn rũ rượi, gã đưa mắt dò hỏi, lão nghẹn ngào: - Hùng - bạn chí thân mất, thương tiếc quá, mới đưa tang hôm qua. Rồi buông thỏng: -  Một tay hào kiệt của thị xã này đó ông.

    Gã giật thốt: - Hào kiệt? Ông có nói quá không đấy?

    Chả là lão cũng là một ông thầy đúng nghĩa, có tư cách, nết ăn tiếng nói cẩn trọng có tiếng nên gã chột dạ.

    Lão khẳng định: - Theo tui thì Hùng đúng thế đó ông.

    Gã bán tín bán nghi. Đời này mong có vài anh hảo hán là mừng. Hào kiệt – lão nói vống lên vì ngưỡng mộ bạn quá đấy thôi chứ đâu dễ. “Hào” là mạnh mẽ, thời này mấy ai dám sống được thế? Gã phải tìm cho ra  lẽ, cả tuần cứ dò hỏi mãi, nghe cũng xuôi tai, cho Hùng là hảo hán và ấp ủ viết về nhân vật này cho lớp con cháu gã học hỏi được chút gì là vui. 

 

- Chứ ông không nhớ việc năm 1968 bọn mình đang học lớp đệ ngũ ư? Lão bạn rề rà: - Cả lớp đang học thì cảnh sát đến tận lớp bắt Hùng dẫn đi đó.

    Gã chẳng nhớ nỗi, 50 năm rồi còn gì, thì ra 3 thằng học cùng một lớp. Hùng tuổi Nhâm Thìn 1952, khai man 1954 nên khi bị bắt mới 14.

- Mà sao cảnh sát bắt hắn vậy? Gã ngạc nhiên.

    Lão Hà bùi ngùi: - Quê hắn ở C.T, gia đình sợ hắn chết nên lên ở xóm tui, nhà nghèo rớt, lại có liên hệ chi với Cách mạng. Sáng đó một ông chở hắn bảo đặt cái giỏ ở quán cà phê C. – nơi sáng sáng nhiều Sĩ quan Sài Gòn thường tụ tập, may mà hắn lóng ngóng đặt ngược hướng, mìn nổ nhưng chỉ có vài người bị thương. Lại may là hắn có tờ 500 đồng bỏ túi, bị tra hỏi hắn khai: - Ông nớ không quen biết, rà bên cháu đang đi học bảo chở giúp đến trường và cho 500 đồng bảo để cái giỏ đồ cho quán, cháu nghèo và thấy được số tiền lớn quá nên tham mà làm, lại không biết có chi trong đó hết, đâu biết là mìn.

     Bị bọn chúng cho đi tàu bay, treo lơ lửng rồi hù cắt chim mấy lần, hắn lạy dạ chí chết, bảo không biết chi hết, chúng đi xác minh không tìm ra căn cứ để kết tội. Lại nhìn giấy tờ Hùng mới 14 tuổi bọn chúng hơi tin nhưng không cho về quê, giữ lại quản chế trong cơ quan để sai vặt. Hùng thường viết giấy gởi Hà đưa về cho mẹ an tâm vì trường và Ty cùng tường rào. - Ớn quá nghe ông, tù như chơi. Hà vừa  nói với tôi vừa le lưỡi: - Nhưng thương bạn mà làm đại.  

     Lại may Hùng có khiếu đá bóng, ty cảnh sát có 1 đội bóng thường tranh giải hàng năm với các cơ quan trong tỉnh, cho hắn đi theo phục vụ. Qua vài đường đón, trả bóng cho họ tập luyện, nhận thấy năng khiếu trời cho của hắn họ liền cho tham gia rồi dần dần vào làm chân dự bị. Hắn đá tiền vệ, dẫn bóng lắt léo, vượt qua hàng thủ rồi chuyền cho tiền đạo suýt, thường thành bàn. Nhờ thế năm 17 tuổi được chúng tuyển vào cơ quan để đá bóng, đội cảnh sát thường nhất, nhì tỉnh nên hãnh diện lắm, bọn hắn là lính kiểng, cứ tà tà vừa làm việc lu bu vừa đá bóng. Hùng được cưng chìu và biệt danh “Hùng rê” nỗi tiếng cả tỉnh lỵ từ đó. Nhiều em Nữ trung học ngưỡng mộ đến tận cơ quan hỏi thăm nhưng họ không cho gặp, đều được trả lời là Hùng bận việc.

  

     Tháng ba 1975 cách mạng tiến công đánh chiếm dần tới tỉnh lỵ, các cơ quan của tỉnh gần như rệu rã, lính tráng nháo nhác cho vợ con chạy ra Đ.N, ty cảnh sát lệnh huỷ tài liệu, kho tàng rồi tháo chạy, Hùng bám giữ bảo vệ cơ quan, tự nhận nhiệm vụ đặt mìn để phá huỷ nhưng lại không bấm giờ và bàn giao cho cách mạng gần như nguyên vẹn tài sản, góp công xứng đáng vào sự nghiệp chung của thị xã.

- Hắn thông minh lắm nghe ông, việc gì cũng giải quyết nhanh chóng, phù hợp nên năm 1976 đã phụ trách công tác nhà đất – một việc lớn của thị xã. Hà hồi tưởng.

- Vậy hắn giàu là đúng rồi. Gã bộp chộp: -  Hồi nớ nhà đất xem như cát, số gia đình chính quyền cũ cùng bọn tư sản bỏ đi, số dân tản cư bỏ về quê, sau đó đến Hoa kiều quy cố hương, lại đến số dân không có việc làm đi kinh tế mới. Nhà đất gần như cho không, thông minh mà ở vị trí như hắn kiếm vài cái nhà, vài miếng đất là việc nhỏ, sau này là vàng, hà …

- Ấy thế mà hắn không làm việc đó nghe ông, mà nhiều anh có chức quyền cũng thế, lúc đó họ trong sáng lắm, hết lòng lo việc chung lắm lúc đến quá tả. Các ngôi nhà trong phố đều bố trí cho cán bộ công nhân viên chức các cơ quan nhà nước ở. Hà bần thần tiếp: - Cũng có một số anh nói hắn ưu đãi này nọ giúp họ mà hắn khéo léo cự tuyệt, cứ làm việc đúng chủ trương. Gia đình hắn vẫn ở trong ngôi nhà cấp 4 cũ xập xệ, xong việc tối tối xách giỏ đi mò hến bắt tôm dọc sông để cải thiện bữa ăn vì thời ấy cả xã hội ta đều đói qúa.

    Gã khá ngạc nhiên, nhưng nghĩ lại cũng phải. Ở đơn vị bọn gã là bộ tứ lãnh đạo mà đói xanh mặt, lương thực cán bộ gián tiếp chỉ 13 ký một tháng mà đến 40% là sắn lại trừ hao hụt này nọ, mỗi bữa hơn chén cơm với chút cá và canh “đại dương” thì ốm giơ xương là phải, trong khi lao động trực tiếp được 21 ký. Gã nhìn các anh chỉ huy từ khu V về vẫn sống đàng hoàng mà lòng ngưỡng mộ lắm. 

    Hà như đang sống trong hồi tưởng miên man: - Sau đó mấy năm cũng có lời ong tiếng ve về Hùng như hắn không phải ở trong tổ chức hoạt động lại từng là cảnh sát Sài Gòn. Bực mình năm 1982 Hùng xin nghỉ phắt, được ít đồng trợ cấp thôi việc đem về mua miếng đất đắt địa gần cửa biển chờ thời, đổi mới 1987 hắn liền liên doanh với bên công ty nhà nước chuyên doanh mở cửa hàng bán xăng dầu cho tàu đánh cá, tiền vô như nước.

    Hà lại ngập ngừng: - Ngay thời đó mà hắn đã bán ghi nợ cho ngư dân, khi tàu về họ bán hàng có tiền mới trả. Cô em của hắn khá lên là nhờ bán hải sản của hắn cho hàng ngày vì bà con biếu hải sản để cảm ơn quá nhiều ăn sao cho hết.  

- Đúng là Hùng có cái đầu đi trước thiên hạ. Gã tán thưởng.

   Hà gật gù: - Thì tôi nể hắn mà. Nhưng nghe tiếp nè, có tiền Hùng liền mua đất, chờ có giá thì bán. Đến khi khuyến khích làm du lịch hắn còn dám thuê cả một khu cồn bên kia sông cả 10 héc-ta làm khu du lịch sinh thái to lớn nhất thị xã. Kinh không ông?

   Gã há hốc, Hà bồi tiếp: - 5 năm trước Hùng lập công ty kinh doanh vận chuyển khách du lịch ra đảo, mua 5 chiếc tàu cao tốc đầu tiên của thị xã nữa kìa, đến năm vừa qua khi thành lập Hiệp hội du lịch vùng ấy các đại gia sừng sỏ cũng tôn trọng mà bầu Hùng vào vị trí Chủ tịch đó.

    “Phải là hảo hán thiên hạ mới tôn phục như thế chứ.” Gã nghĩ thầm, lòng đầy trọng vọng.           

 

- Nhưng Hùng hào kiệt ở những việc chi chứ ông Hà?

    Gã hỏi cho ra lẽ vào dịp rượu cuối tuần một đêm thứ bảy có trăng. Nhà Hà ngay ngã ba thoáng đẹp, yên tỉnh, cả khu phố có những hàng cây mướt xanh nở hoa vàng buông rủ đẹp đến nao lòng, và trăng thượng huyền – một lưỡi liềm vàng cao khiết giữa trời cao xanh thẳm khiến lòng người dịu nhẹ.  

    Hà hào hứng: - Chúng tôi có một nhóm bạn chí thân từ khi cùng học lớp năm tại trường Cẩm. Năm 75 tan tác người mỗi ngã, năm sau ổn ổn Hùng liền đi tìm và quy tụ lại, tổ chức gặp mặt hàng năm. Nếu bạn bè vướng mắc gì với Chính quyền là hắn đứng ra giải quyết giúp - mà việc phải đúng đạo lý đó nghe. Một bận có một thằng chưa có nhà phải ở nhờ nhà vợ nhưng không là người nhà nước nói khéo với Hùng nhờ thuê giúp cho cái nhà do nhà nước quản lý, hắn la té tát. Nhưng lần khác một cô bạn giáo viên nhờ Hùng xin lại cái nhà cũ đã bị cho thuê phải ở ghép - chả là cha cô là lính Sài-gòn, ông bà về quê chỉ còn 2 chị em cô ở nên thế, họ ở xứ chó ăn đá gà ăn sỏi ấy đói nhăn răng liền xuống lại thị xã lao động làm thuê kiếm sống, mà ông nội cô là liệt sĩ thời chống Pháp nhưng chưa có bằng chứng nhận, Hùng phải bày làm đơn, xác minh rồi vận động thuyết phục mãi mới xong.

- Ừ, nghe tàm tạm. Gã cười cười.  

    Hà nóng mặt: - Ông nghe đây. Hùng dám làm việc với trên và tích cực bảo vệ trả lại nhà cho những thành phần hạ sĩ quan, công chức lèn quèn của S.G mới là tay đáng nể. Chả là tháng ba 75 họ chạy tuốt vô tận SG rồi sao đó chậm về lại, nhà vô chủ nên bị một số người có dây mơ rễ má với cách mạng vào ở, khi về xảy ra tranh chấp. Hảo hán quá chứ?

    Gã hừng chí nói to: - Thì tui gọi Hùng là hảo hán thôi mà. 

- Này, ngay từ đầu Hùng bao tất cho bè bạn. Khi có tàu, ngày kỷ niệm hắn dùng 1 chiếc đích thân cầm lái đưa anh em đi chơi khắp nơi, tới tận bãi Bàn Than – Núi Thành ông ạ. Còn thằng H. bị ung thư, nhà nghèo, đã 5 năm nay mỗi năm phải đi S.G chữa trị ba bốn lần Hùng cũng lo hết. Mấy ai được thế ông?

    Gã tần ngần rồi sực nhớ: - À, tôi nhớ khi gặp các anh ở nhà hàng K. có anh Hoàng Lộc  - “ông hoàng thơ tình miền Nam” từ Mỹ về thăm quê. Tôi đọc bài: Về Hội An uống rượu đợi người của anh để góp vui, đến mấy câu:

     …  Thế sự nhi nhô loài mắt trắng

           Ngựa què ta cũng mỏi tay cương   …

Rồi thì:     

    …   Nương tử - tài hoa anh đã cạn

          Rượu buồn đâu dám đợi tay em  …

anh Hoàng thì vui đến rưng rưng và cả nhóm tôi quen quen đều hoan hỉ, nhưng có một ông cứ chụp tay tôi rung rung miết, Hùng đó phải không?

- Ừ, hắn đó. Cả bọn tôi đều học luyện thi đệ thất do thầy Hoàng Lộc dạy ở trường Cẩm Hồ niên khoá 65 - 66 ông ạ.    

 

- Còn đường tình sao ông? Tuổi Nhâm Thìn – dương nam, đào hoa. Hùng mạnh mẽ, có tiền lại hào hoa thế thì bà vợ khổ lắm đây. Gã lại cà khịa vào dịp cà phê sáng.

    Hà tán đồng: - Ngẫm lại thấy hình như con người có số mệnh nghe ông. Đúng thế ông ạ. Bà đầu ly dị, sống với bà sau cũng không vui trọn vẹn vì Hùng thường vì công việc đi quan hệ khắp nơi. Ngày Hùng mất có mười mấy giai nhân khắp nước đến viếng, họ đều thương tiếc thật lòng, có người xin chịu tang. Có một cô người Thái trẻ đẹp đến tôi cũng sững sờ, dẫn theo một cháu gái độ 5 tuổi ở tận Sapa vào khóc lóc thảm thiết và xin để tang – nhưng ai chịu. Cô ấy ở lại, hàng ngày ra mộ thắp hương, khi làm tuần 7 ngày xong mẹ con cô mới bịn rịn ra đi. Chuyện này hiếm có nên thiên hạ ngưỡng mộ đồn rần, tán thưởng: sống một đời như Hùng mới đáng.      

    Gã khoái trá vỗ đùi đánh đét: - Hảo hán! Đúng là hảo hán.

 

    Các ông đang cà phê nhìn gã vừa ngạc nhiên vừa có vẻ thèn thẹn. Chợt bà vợ Hà ra, nhìn bọn gã với đôi mắt mang hình viên đạn khiến trời mới hơn 8 giờ đã nóng như càng nóng hơn.                                                                                                                                            

                                                                             

                                                                                  16/08/2017 –  aT.&C.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đỗ Nhựt Thư
Số lần đọc: 1296
Ngày đăng: 25.10.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một người đồng hương - Nguyễn Tiến Nên
Chôn đi quá khứ - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Giấc mơ chiếu manh - Phan Tấn Uẩn
Chiếc trống lủng - Bùi Thanh Xuân
Một giờ ở An Phước Viên - Bùi Thanh Xuân
Chuyến về quê - Phan Tấn Uẩn
Mẫu đơn rừng - Nguyễn Tiến Nên
Phố Cổ, đèn lồng treo cao - Bùi Thanh Xuân
Người khách lạ - Võ Công Liêm
Qua cầu - Trần Yên Hòa