Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
757
115.994.261
 
Trang Văn hóa Văn nghệ của các báo Chính trị Xã hội : CẦN DÀNH VỊ TRÍ TRANG TRỌNG CHO VĂN HỌC
Triệu Xuân

LTS: Nhà văn Triệu Xuân, Trưởng Chi nhánh NXB Văn học, Ủy viên BCH, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Là một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết, làm việc ở một nhà xuất bản Quốc gia chuyên ngành xuất bản sách Văn học, đã kinh qua gần ba chục năm làm báo, từng trực tiếp làm trang, mục văn hóa văn nghệ, ông bày tỏ ý kiến của mình về trang Văn hóa Văn nghệ của các báo Chính trị Xã hội. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 

 

Báo chí, (các phương tiện truyền thông đại chúng) gồm báo viết, báo điện tử, phát thanh, truyền hình…  có tác động rất lớn đối với sự phát triển của xã hội, của đất nước. Nhiệm vụ quan trọng của báo chí là thông tin, phản ánh hiện thực và hướng dẫn dư luận. Thông qua chức năng ấy, báo chí là món ăn tinh thần, giáo dục chân thiện mỹ, đồng thời là nguồn giải trí cho bạn đọc. Xét về những phương diện ấy thì trang Văn hóa Văn nghệ (TVHVN) của các báo Chính trị Xã hội (tôi không đề cập các báo chuyên ngành Văn học Nghệ thuật và các báo Kinh tế) có tầm quan trọng đặc biệt trong cơ cấu của một tờ báo. Trang Văn hóa Văn nghệ những năm qua đã là người bạn không thể thiếu của những người yêu văn chương, nghệ thuật. Nhờ TVHVN, người đọc hiểu được bức tranh tổng thể văn học nghệ thuật của nước nhà và nước ngoài. Qua đó, biết được những tác phẩm nào mới ra lò, những tác phẩm nào cần tìm mua, những tác giả nào cần nghiên cứu tìm hiểu… Nhân đây, tôi xin được chân thành cám ơn các anh, chị ở trang Văn hóa Văn nghệ các báo đã từng thông tin, giới thiệu, bình luận những tác phẩm văn học của tôi khi vừa xuất bản hoặc tái bản.

Để cho TVHVN thỏa mãn nhu cầu của người đọc, xứng đáng là chuyên mục quan trọng của các tờ báo, thiết nghĩ cần một sự đầu tư lớn, căn bản, lâu dài: Trước nhất là con người. Cần một đội ngũ phóng viên, biên tập được đào tạo căn bản, thạo vi tính và ngoại ngữ, giỏi tiếng mẹ đẻ, am tường sâu rộng về văn hóa văn nghệ, có năng khiếu văn chương, ít nhất thì cũng phải có năng khiếu thưởng thức văn học nghệ thuật. Và, trên hết là phải có niềm đam mê văn học nghệ thuật. Một TVHVN không cần nhiều người, nhưng chí ít cũng phải có một nhà văn chuyên nghiệp và vài ba phóng viên biên tập như đã nói ở trên. Những người này trực tiếp săn tin, viết bài, thường là những bài đinh. Nhưng quan trọng hơn cả là họ phải có đủ uy tín, bản lĩnh, năng lực để tổ chức cho được một mạng lưới cộng tác viên sâu rộng trong toàn quốc, và cả ở nước ngoài! Kinh nghiệm của những tờ báo lớn trên thế giới cho thấy họ phản ánh kịp thời những biến chuyển ở toàn cầu là nhờ mạng lưới cộng tác viên này. Cộng tác viên của TVHVN phải là những nhà văn, những giáo sư, chuyên gia trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Chính là nhờ ở đội ngũ này mà tờ báo sinh động, luôn luôn nóng hổi hơi thở của cuộc sống đang vô cùng sôi sục .

Thứ hai là tiêu chí sử dụng bài vở trên trang Văn hóa Văn nghệ. Có một thời, các báo đều dành nhiều số đăng nhiều bài bình luận về các tiểu thuyết như: Cù lao Tràm của Nguyễn  Mạnh Tuấn, Giấy trắng của Triệu Xuân, kịch Tôi và Chúng ta của Lưu Quang Vũ v.v… Bài đăng nhiều tới mức có không ít tờ báo đăng bình luận văn học cả trên trang nhất, và không chỉ thế, còn lấn sân của nhiều trang, mục khác! Thời ấy, văn học trở thành mối quan tâm lớn của công chúng. Thời oanh liệt ấy, nay còn đâu!

Lý do? Trước hết là tại các nhà văn! Nhà văn không đẻ ra được tác phẩm hay thì tại sao lại yêu cầu người khác giới thiệu, bình luận? Quả có như thế. Thế nhưng, nếu xã hội, trong đó có TVHVN , nơi tạo ra dư luận, không săn đón, cổ vũ, không góp ý chân thành, không phê phán thẳng thắn, thì làm sao giúp nhà văn nhận ra chính mình để mà cố gắng vượt lên nhằm đạt tới đỉnh cao. Bằng chứng là mỗi năm, các nhà xuất bản (ở Trung ương) cho ra đời khoảng 500 tiểu thuyết và tập truyện ngắn, (thơ thì bao la!) khoảng 500 tập thơ nữa; Vậy mà số tác phẩm được các TVHVN giới thiệu, bình luận chưa đầy một phần mười. Phần lớn các báo chỉ đưa một cái tin sách chừng 150 đến 200 từ, cùng với tấm ảnh bìa to bằng cỡ con tem trên chai rượu nhập khẩu! Một tác phẩm xuất bản (tác phẩm văn học đích thực) là công sức, tâm huyết của nhà văn trong vài ba năm, thậm chí chín mười năm trường. Vậy mà khi sách ra đời, phần lớn chìm vào quên lãng. Đâu phải nhà văn nào cũng có tiền để làm quảng cáo trên TV? Đâu phải ai cũng có điều kiện lăng xê tác phẩm trên mục Mỗi ngày một cuốn sách của VTV1? Đâu phải ai cũng có tiền để tự tổ chức hội thảo (như một doanh nhân kiêm văn sĩ gần đây, hễ bất cứ ai có ý kiến phát biểu trong hội thảo đó thì tác giả gửi bao thư  500.000đ)! Chín mươi chín phẩy chín phần trăm (99,9%) nhà văn là nghèo! Họ sống cho đàng hoàng, giữ được tư thế, nhân cách là tuyệt rồi! Ra một cuốn sách, in một ngàn bản, tiền nhuận bút không đủ mua sách tặng bạn bè nói chi đến nhậu nhẹt ăn mừng! Nhiều nhà văn viết suốt đời như con trâu cày kiệt sức đến ngã quỵ mà vẫn ở chung cư! Trong tình cảnh như thế, TVHVN nên là người bạn tri âm tri kỷ của nhà văn, khẳng định cái đúng, cái hay, góp ý phê phán cái sai, cái dở, trên tinh thần khoa học. Qua những bài giới thiệu, bình luận như thế, tờ báo đã thực hiện chức năng hướng dẫn dư luận, làm người bạn tin cậy cho bạn đọc khi vào siêu thị sách (như lạc vào rừng), biết mua cuốn sách cần mua. Làm được như thế, tờ báo thực sự giúp đỡ tác giả, cổ vũ tác giả, thực sự chấn hưng nền văn chương nước nhà khi mà văn hóa đọc đang sa sút so với văn hóa nghe nhìn như hiện nay! Viết những dòng này, tôi vô cùng thương nhớ cố nhà văn Vũ Bằng, người làm Tổng thư ký tòa soạn nhiều tờ báo, đã từng phát hiện, nâng đỡ, giúp đỡ nhiều văn tài như Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng, Lý Văn Sâm…!

 

Thực tế thời gian qua cho thấy, trong khi TVHVN dành cả trang để viết bài ca ngợi hoặc phỏng vấn các ca sĩ, diễn viên, các cuộc triển lãm hội họa, những bộ phim đang quay hoặc chuẩn bị thu hình, những vở kịch chuẩn bị dàn dựng… thì lại chỉ dành không quá hai trăm từ cho một tác phẩm văn học. Có tờ báo đăng bài gần ngàn từ với hai tấm ảnh, giới thiệu một ca sĩ với dòng tít: Tôi sống theo bản năng của mình! Thậm chí, còn có tình cảnh thế này: Một tác phẩm ra đời, các báo trung ương lên tiếng khen chê một cách khoa học, thì xuất hiện người của một cơ quan chức năng ở thành phố đến rỉ tai Ban biên tập các báo là cuốn sách ấy có vấn đề! Ngay lập tức, tờ báo ách lại không đăng cả bài khen lẫn bài chê tác phẩm ấy! May mà dư  luận văn học không bị động! Công chúng yêu văn học có con mắt xanh, có trí tuệ độc lập của mình, cho nên tác phẩm nào hay thì luôn luôn có bạn đọc. 

Văn học là nhân học! Nên chăng, cần dành lại vị trí trang trọng cho văn học, cho việc giới thiệu bình luận văn học trên các tờ báo!

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07-11-2005

Triệu Xuân
Số lần đọc: 3842
Ngày đăng: 14.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Chân dung ảo ” khi thơ nhìn nghiêng - Hoàng Công Tâm
Nhân đọc seri tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiêp :Thưa chuyện đàn anh (1) - Lê Anh Thu
Thưa chuyện đàn anh (2) - Lê Anh Thu
TẾ HANH: Từ QUÊ HƯƠNG đến... Nhớ Con Sông Quê Hương... - Lê Xuân Quang
Đi tìm VẺ ĐẸP của CA DAO DÂN CA - Hồ Tĩnh Tâm
Hoàng Trần Cương với “Quà tặng hành tinh” - Phạm Lưu Vũ
Trần Ninh Hồ và “Lữ Thứ với con người” - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)