Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
547
116.597.730
 
Làng ngựa Đức Hoà
Lê Phú Khải

Năm năm trước đây, ở chơi nhà bác Đực, tôi đã có dịp ngắm nghía kỹ con ngựa bạch nổi tiếng khắp vùng Đức Hoà. Lúc đó, Kim Châu vừa tròn 12 tuổi, nó vừa sanh một chú ngựa con vàng hoe. Kim Châu không cao lớn lắm, nhưng rất cân đối và nhìn kỹ. thấy nó tiềm ẩn một sức mạnh khó diễn tả. Kim Châu đã về nhất trong cuộc đua được tổ chức ngay tại trường đua của xã vào năm 1983. Và sau đó, nó nhiều lần về nhất trên đường đua Phú Thọ TP.HCM.

 

Nói như bà con ở Đức Hoà Thượng lúc ấy,Kim Châu “muốn về nhất lúc nào thì về”! Tôi đã được bác Đực tặng cho một tấm hình con Kim Châu đang lao lên dẫn đầu trong cuộc đua tại xã vào năm 1983 và giữ gìn nó cẩn thận cho tới bay giờ!

 

… Nhận ra lối ngõ đầy cát trắng năm xưa, tôi đi thẳng vô sân nhà bác Đực, nhưng mắt không quên liếc ngang qua chuồng ngựa: chuồng chống trơn và chủ nhân thì đi vắng (!) ... Con trai bác Đực cho hay, Kim Châu đã già, không đua được nữa, cũng không đẻ được nữa, đành phải bán nó cho một chủ từ Đà Lạt xuống mua...! Thì ra thế! Cũng giống như con ngựa người, phàm đã nổi tiếng một thời... Khi về già còn có thể… làm cảnh cho thiên hạ! A ha!

 

… Rời nhà bác Đực, tôi phóng ngay đến nhà bác Bảy Đương, một người nuôi ngựa đua có hạng trong xã, sống chết với nghề ày từ năm 23 tưổi, do ông bố vợ cấp vốn và truyền nghề. Bác Bảy đi vắng? Nhưng dòm vô chuồng ngựa tôi thấy những con ngựa đua cao lừng lững, vươn những cái cổ lên như sắp phóng ra khỏi chuồng. Có lẽ, trong những con vật mà tạo hoá sinh ra, con ngựa,… là có vẻ kiêu hùng nhứt.

 

Với những chú ngựa cao lớn như thế này, chỉ đóng một bộ yên cương đẹp lên lưng nó... mỗi chúng ta có thể thấy mình trở thành Hiệp Sĩ khi đứng bên cạnh ngựa! Có lẽ vì không muốn quên quá khứ của mình, nên nghề nuôi ngựa vẫn tồn tại đến hôm nay, mặc dù con người đã có biết bao phương tiện di chuyển hiện đại khác. Tôi bất giác nhớ đến hai câu thơ của cụ Đồ Chiểu năm xưa:

 

Vân Tiên đầu đội kim khôi.

Tay cần siêu bạc, mình ngồi ngưa ô!

 

Anh bạn đồng nghiệp cùng đi với tôi cũng mải mê ngay với những con ngựa đua kiêu kỳ đang rung bờm cao ngạo như không thèm để ý tới những người đang chiêm ngưỡng nó!

 

Với những gì tôi biết về đàn ngựa Đức Hoà Thượng năm năm trước thì rõ ràng nghề nuôi ngựa ở đây đã có một bước tiến lớn! Vóc dáng những con ngựa mà tôi gặp đang quần trên đường làng, cũng như trong chuồng của bác Bảy Đương này đã cao to, đẹp mẽ  hơn hẳn.

Số là, khi nghề nuôi ngựa đua ở đức Hòa Thượng mới được phục hồi (từ năm 1983) và khởi sắc. Tôi đã tới Đức Hoà và ở lại hai đêm để “nghiên cứu” về con ngựa! Tôi đã được các chủ ngựa ở Đức Hoà Thượng “vỡ lòng” cho nhiều điều về nghệ thuật nuôi ngựa. Sở dĩ gọi là nghệ thuật vì nuôi ngựa đua rất công phu và người nuôi phải say nó, thậm trí sống chết với nghề.

 

Chủ ngựa phải dậy từ bốn, năm giờ sáng để ngâm chân ngựa xuống nước lạnh cho nó co gân, không xuống máu. Chân ngựa mà to là vứt đi, chạy không lẹ! Con nào bụng lớn phải ngâm nước lạnh đến sát bụng, nó sợ lạnh thót bụng lên thì bụng mới teo lại! Sau đó là dắt ngựa đi quần (bằng xe đạp, một tay dắt ngựa) ít nhất từ tám dến mười cây số cho nó đổ mồ hôi. Rồi còn phải cà da cho nó. Cà da tức là lấy bàn chải chùi hết bụi, cát dính trong da, trong lông. Khi nào nhìn ánh nắng chiếu vào lưng ngựa mà thấy như nổi sao lên thì cà da mới đạt yêu cầu! Rồi còn phải cậy móng, dầm thuốc chân cho ngựa.

 

Theo các ông thầy xem tướng ngựa ở Đức Hoà Thượng thì con ngựa đua hoàn hảo mặt phải dài, tai nhỏ và đứng, cổ dài, bụng thon hình ống chỉ, sống lưng ngắn, bắp vai và đùi to, dài... nhưng cổ chân phải nhỏ như chân nai. Các thầy ngựa còn đọc cho tôi nghe cả những bài vè xem tướng ngựa:

 

Tai nhỏ, mao to, cể lại dài

Đầu bằng, mũi rộng, ngựa này hay

Mắt tròn, hàm hạ nhiều râu tốt

Vó dưới mao đề lợi lắm thay?

 

Nhìn con ngựa đua đúng kiểu, người ta phải có cảm giác là toàn thân nó từ cổ tới chân là để vươn trong không gian mà bay về phía trước. Nhưng quan trọng nhất đối với con ngựa là chiều cao tính từ móng chân trước lên tới cái xương gồ trên lưng.

 

Đối với làng ngựa đua thì tiêu chuẩn chiều cao này gần như đã được “quốc tế hoá” Cao từ l,13 m đến l,15 m là ngựa  cấp một từ l,16 m đến l,185 m là ngựa cấp hai, từ l,19 m đến  l.21 m là cấp 2A, từ l,22 m đến 1,45 m là cấp ba... cứ thế mà tính lên đến cấp bảy, cấp 7A. Ngựa có chiều cao bằng nhau thì được xếp loại thi đấu với nhau như xếp loại cân nặng hạng ruồi, hạng gà trong thi đấu quyền anh vậy!

 

Khi thi đấu, chủ ngựa phải thuê những thằng bé con chừng chín, mười tuổi để cưỡi ngựa chạy đua. Thằng bé điều khiển ngựa gọi là thằng (nài). “Nài” càng bé, càng nhẹ ký thì ngựa càng có cơ hội chạy lẹ hơn, về đích sớm hơn. Ngoài yếu tố ngựa hay, ăn thua nhau còn ở sự trung thực của thằng “Nài”. Nếu nó “đi đêm” với bọn cá độ để ghìm ngựa lại, chịu thua trong cuộc đua để lấy tiền của kẻ thắng độ, thì chủ ngựa coi như... gặp nạn!

 

Ở Đức Hoà Thượng, nhiều ông thầy ngựa xưa kia rất giỏi chăm sóc ngựa, trị bệnh, luyện ngựa đua gia truyền. Dân Đức Hoà Thượng cũng như các xã Đức Lập Thượng, Mỹ Hạnh Bắc, Mỹ Hạnh Nam , Hoà Khánh của huyện Đức Hoà này có truyền thống nuôi ngựa và rất đam mê môn thể thao này từ nhiều đời nay. Năm 1923, thực dân Pháp đã lập trường đua ở Phú Thọ và không ít dân Đức Hoà đã khuynh gia bại sản vì những trò cờ bạc, cá độ.

 

Ở Đức Hoà cho đến tận bây giờ, khi một con ngựa đua chết, người ta chôn cất tử tế và không bao giờ ăn thịt ngựa! Sau hoà bình 1975, do khó khăn về kinh tế mà đàn ngựa đua ở Đức Hoà có nguy cơ tiệt chủng. Vì, một con ngựa đua mỗi ngày phải cung cấp cho nó ít nhất bảy đến tám lít lúa non. Không kể thuốc bổ, thuốc xoa bóp cho nó trước ngày thi đấu. Nhiều ông già máu mê nghề nuôi ngựa đua ở Đức Hoà những ngày đó đã buồn phiền đến sinh bệnh mà chết!

 

Xét thấy dân bốn xã ở Đức Hoà nuôi ngựa và thiết tha với con ngựa, các nhà lãnh đạo tỉnh Long An đã cho lập trường đua ngay tại xã Đức Hoà Thượng vào năm 1983. Nghề nuôi ngựa ở Đức Hoà từ đó phục hồi mau chóng.

 

Mấy năm gần đây, kinh tế khá hơn, nghề nuôi ngựa đua có phần khởi sắc. Và đến bây giờ thì các cuộc đua lại bị hút lên trường đua Phú Thọ TP.Hồ Chí Minh. Ngày nay dân Đức Hoà còn sưu tầm cả giống ngựa trên Đà Lạt, nghe đâu còn có người cất công ra mãi tận Lạng Sơn để tìm giống mới.

 

Những con ngựa đua của bác Bảy Đương mà chúng tôi đang ngắm nghía đây được xếp vào hạng lớn nhất ở Đức Hoà Thượng, nó không kém gì những con ngựa mà tôi đã thấy trên màn ảnh các phim cao bồi Mỹ! Muốn hỏi chuyện bác Bảy Đương về những chú ngựa mới này nhưng buồn quá! Bác Đương cũng đi vắng! Nhưng kìa! Con trai bác Đương đi quần ngựa đã về... Con ngựa này còn lẫm liệt hơn bất cứ con nào mà tôi gặp từ sớm đến giờ.

 

Cả một thế hệ ngựa đua mới đã xuất hiện ở Đức Hòa Thượng. Nuôi ngựa đua trở thành một nghề truyền thống ở Đức Hoà Thượng đã đành, nó còn đang sinh lời, nhiều chủ ngựa đã có đời sống khá giả nhờ nuôi ngựa trong cơ chế thị trường hiện nay.

 

Chủ tịch Mai Văn Lập cho tôi hay, những người nuôi từ năm con ngựa trở lên như các bác Bảy Đương, Bảy Sầm, Sáu Sực... đều là những gia đình có của ăn của để trong xã... Đàn ngựa đua bảy con của bác Bảy Sầu có con ll tháng đã bán ll triệu!

 

Còn chủ tịch huyện Lâm Thanh Thảo vui vẻ vỗ vai tôi: Hai phần ba ngựa đua trên đường đua Phú Thọ TP.HCM là do đàn ngựa gần 500 con của Đức Hoà chúng tôi cung cấp đó! Ông còn ghé vào tai tôi: Đồng chí Ba Cường, bí thư cũ của huyện tôi, về hưu mua một con ngựa đua năm triệu, ông này giỏi chăm sóc lắm nên bây giờ người ta trả 35 triệu mà chưa thèm bán.

 

… Nhìn những đàn ngựa đi quần trong ánh bình minh làng Thượng, tôi cảm nhận được sự thanh bình của làng quê được mùa! Buồn một nỗi là, còn nhiều người máu mê cờ bạc, cá độ xung quanh mỗi trận đua ngựa đã dẫn đến cảnh phải bán nhà, bán ruộng…

 

… Thấm thoát đã lại gần 10 năm trời, tôi mới có dịp về thăm lại xứ ngựa Đức Hoà. Câu đầu tiên tôi hỏi trưởng phòng nông nghiệp Nguyễn Văn Thé: Đàn ngựa đua của huyện ta hiện là bao nhiêu con? Anh Thé từ tốn nói:

-Ước chừng năm trăm con. Tôi nóng lòng hỏi tiếp: Vậy không nhích lên được à? Thé cười: có bao nhiêu thì trên thành phố về mua hết còn gì (!).

Vậy là mừng. Đức Hoà vẫn là nơi cung cấp ngựa đua ngày một nhiều cho trường đua Phú Thọ TP.HCM và các tay chơi đua ngựa toàn vùng, đồng thời, vẫn duy trì đàn giống khá hùng hậu.

 

Về Đức Hoà Thượng lần thứ ba này người đầu tiên tôi tìm gặp là Bác Sáu Lực, một người đàn ông cốt cách, mặt vuông chữ điền, cánh tay rắn như thép. Theo chủ tịch xã Lê Văn Nghỉnh giới thiệu với tôi hồi sáng thì bác Lực nuôi ngựa đua đã ba đời từ thời ông nội.

 

Bác Lực không ưa cá độ, chỉ nuôi ngựa và lấy nghề nuôi ngựa đua để tồn tại. Tôi đã từng được các sư phụ của nghề nuôi ngựa “vỡ lòng” về sự công phu trong việc chăm sóc con ngựa đua. Nhưng chuyện trò với bác Lực, tôi lại càng thấy niềm say mê nuôi ngựa đã thấm vào máu thịt người Đức Hoà truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bác Lực nói: ngoài tôi ra, tôi không để ai dắt con Thoại Lan! Tôi hỏi:

 

- Sao vậy? Bác Lực giải thích: cái chân con ngựa là quan trọng nhất, để người khác dắt, lỡ hư chân thì còn đua nỗi gì?!!! Tôi cúi xuống để nhìn cho gần cặp chân trước của Thoại Lan. Quả là ống chân dưới của nó nhỏ như chân một con nai! Khi bác Lực tự tay đóng hàm và dắt Thoại Lan ra một bãi đất rộng sau dãy chuồng ngựa, người ta mới thấy hết vẻ đẹp của nó. Với cái cổ dài, cái bụng thon hình ống chỉ, hai chân trước cao, đỡ cái ngực cuộn lên từng thớ thịt... tất cả như muốn nói một điều: chỉ cần hai chân sau của Thoại Lan đạp mạnh... là toàn thân bay về phía trước... Xã đội trưởng Trần Chí cũng là một tay chơi đua ngựa có hạng, ghé vào tai tôi: người thành phố về trả 45 triệu rồi mà anh Sáu chưa chịu bán đó! Tôi hỏi một câu vô duyên khiến mọi người đều cười: Thoại Lan đã thi đấu lần nào chưa? câu trả lời của bác Lựa làm tôi mắc cỡ: Mười lần đua rồi, bốn lần về nhất, ba lần nhì, ba lần té nài, một lần thua?

 

Cứ mỗi lần về nhất trên trường đua Phú Thọ TP.HCM, Con Thoại Lan đem về cho chủ nó phần thưởng hơn năm triệu đồng. Còn nếu chỉ cần nuôi hai ngựa nái như tôi thấy trong chuồng của bác Lực, thì theo bác, mỗi năm cũng lời vài chục triệu mà dễ hơn nuôi ngựa đua rất nhiều! Đa số ngựa nuôi ở Đức Hòa là ngựa cái, kể cả ngựa đua. Điều này có lý do của nó. Vì, nếu đua không lại thiên hạ thì biến con ngựa đua thành ngựa nái, vẫn còn lời.

 

... Rời xã Đức Hoà Thượng, tôi tiếp tục qua xã kế bên Đức Lập Thượng để thăm đàn ngựa nái của bác Chòi. Bác Chòi vốn là một chú Nài từ năm 16 tuổi... Rồi theo nghề nuôi ngựa đến năm nay đã 57 tuổi.

 

Bác Chòi tâm sự: mình không có Nài lên nếu đua thì lỗ nên phải nuôi ngựa nái! Bác Chòi vừa mới bán 2 con ngựa giống được 45 triệu. Trong chuồng của bác tôi thấy còn hai con ngựa đang mang bầu và hai chú ngựa con, một con mới sáu tháng tuổi trông thật dễ thương. Các giống ngựa của Đức Hoà khi phối giống đều phải thuê xe tải mang ngựa mẹ lên tận trường đua Phú Thọ để lấy đực từ giống ngựa ngoại có chiều cao từ 1,6m trở lên, vì thế đàn ngựa Đức Hoà ngày càng được cải thiện đáng kể.

 

Tìm hiểu nghề nuôi ngựa ở Đức Hoà đến giờ phút này, người ta thấy về cơ bản, vẫn là tự phát do sở thích và truyền thống của cộng đồng dân cư ở đây. Sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và nhà nước chưa có gì. Có chủ ngựa nái cho chúng tôi hay, khi ngựa bị bệnh nếu không chữa tri theo lối cổ truyền thì cả huyện chỉ có một bác sĩ thú y đang phải chăm sóc đàn bò thịt, bò sữa đang phát triển, nên ít có thời gian cho đàn ngựa.

 

Nghe đâu có thời gian, nhiều người Đức Hoà ở nước ngoài và TP.HCM có ý định đầu tư xây dựng một trường đua ở ngay Đức Hoà, nhưng ý tưởng đó chưa thành hiện thực. Kinh tế càng phát triển thì môn thể thao đua ngựa có nhiều hứa hẹn và chắc chắn lúc đó đàn ngựa đua Đức Hoà sẽ  khởi sắc.

 

Nhưng dẫu sao, với đàn ngựa đua 500 con hiện có - thì Đức Hòa vẫn là địa phương nuôi ngựa đứng đầu cả nước, và những người say mê nuôi ngựa ở Đức Hòa mà tôi đã gặp thì đã là một điều thú vị đặc biệt rồi!

Lê Phú Khải
Số lần đọc: 3431
Ngày đăng: 16.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về xứ nhãn tiêu hồng - Trần Đổ Liêm
Báo động một tuyến đường huyết mạch - Trần Đổ Liêm
Ghi lại CUỘC TRIỂN LÃM tháng 9 & 10/1996. - Dương Ðình Hùng
Dự đám cưới xứ ngòai… - Dương Ðình Hùng
Về thăm Đất Mũi - Lê Phú Khải
Xa Đầm Thị Tường - Nguyễn Ngọc Tư
Bất ngờ sim - Hồ Hùng
Bức xúc chuyện dạy và học ở miền tây nam bộ - Huỳnh Kim
Chuyện bây giờ mới kể - Vĩnh Nguyên
Món ngon nhớ lâu - 4 - Lê Xuân Quang