Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
583
115.984.443
 
Tân kỳ đồ tể truyện
Nguyễn Đức Thiện

Tin Bỉnh làm tiệc đãi làng nhanh chóng loan truyền . Người ta bàn tán xôn xao. Thằng chả sống như ma xó, tối ngày chỉ biết lo cái lò mổ heo, lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày, nay sao bỗng tử tế ngang xương vậy.

 

Nhà hắn lịch kịch vào lúc nửa đêm về sáng, tiếng heo sặc huyết, tiếng dao, tiếng thớt. Những chiếc xe lôi, xe ôm chạy ra, chạy vào, nẹt ga rát lỗ tai. Sáng ra, tịnh không. Chỉ thấy cô vợ thoắt hiện ra với cái dỏ xách, rồi lại hiện về cũng cái dỏ xách nhưng nặng hơn. Nhà hắn hình như chỉ quan hệ cới mấy lọai người: lái heo, thợ mài dao, ông kiểm dịch động vật, mấy anh lái xe lôi, xe ôm, nhiều lắm là mấy bà bán cháo lòng, tiết canh ngoài con đường hẻm trước mặt. Vậy mà bỗng nhiên hôm nay hắn mở tiệc đãi làng. Chuyện hiếm thấy. Coi chừng năm nay bão chết cò lụt trôi phố xá…

 

Bỉnh là người con trai duy nhất trong nhà thừa hưởng tài sản của ông cha để lại. Tài sản ấy bao gồm cả ngôi nhà cổ, nay dành để thờ tổ tiên ông bà. Còn Bỉnh đã xây một căn nhà hai lầu, lộng lẫy không kém gì những nhà lầu của những người buôn bán giàu có . Tài sản còn có một cái lò mổ với cái bàn pha thịt gỗ trai dầy cả tấc và rộng rinh. Không biết bao nhiêu con heo đã được thanh toán số phận mình trên cái bàn đó mà nó đã khuyết xuống thành một cái lõm rộng bằng cái chiếu con. Theo như Bỉnh biết thì đã ba đời nhà Bỉnh dùng cái bàn mổ heo này rồi. Những chảo gang đặt đúc chứa được tới vài cặp thùng gánh nước . Những con dao lúc nào cũng sáng bóng và sắc lẹm. Nhất là con dao thọc huyết, nó vừa nhọn, vừa sắc. Ai không quen, nhìn thấy Bỉnh cầm con dao lên, nước thép sáng lạnh đủ để làm người ta rùng mình. Trước đây trong danh mục tài sản không có hệ thống thóat nước, và hầm chứa ba cái đồ cặn bã của con heo bị giết. Khi nơi Bỉnh ở , nhà cửa mọc lên nhiều hơn, dân xung quanh bất bình với những muì hôi hám từ lò mổ heo bốc ra. Người ta nói nặng, nói nhẹ hoài, không chuyển, phải kiện, Bỉnh thua kiện, nên mới phải tạo thêm cho mình một hệ thống thải ngầm như thế.

 

 

Bỉnh không chỉ thừa hưởng tài sản của họ. Từ lúc hơn mười tuổi, Bỉnh đã thích ngồi ở góc lò mổ để xem cha làm thịt heo. Trong tài sản thừa kế có một dãy chuồng heo dùng để nhốt heo trước khi mổ. Cứ chiều đến là cha Bỉnh đi dọc chuồng, tai lăm lăm con dấu có phết đẫm mực tím. Ông đóng cái dấu lên con nào là đêm ấy số phận con đó được định đọat. Hồi đó người ta không trích điện như bây giờ. Cứ khuya, nửa đêm. Lò mổ sôi lên sùng sục. Hết con heo này lên bàn lại đến con heo kia lên bàn. Người phụ mổ bắt giữ heo rất tài nghệ. Anh ta chỉ cần huơ tay một cái là con heo ngã vật ra sàn. Thêm một động tác nữa là con heo nằm vắt ngang lên bàn mổ, thân nằm trên bàn, cái đầu thò ra lơ lửng ngòai cạnh bàn. Sau vài gáo nước xối rửa cái cổ, cha Bỉnh thọc gọn gàng mũi dao nhọn vào đấy. Con nào, con nấy chỉ kịp ré lên mấy tiếng kêu thảm thiết rồi sau đó là ằng ặc sặc tiết vì con dao thọc vào cổ. Thợ chỉ vài ba người, một đêm cũng xong cả chục con heo. Đêm, hễ nghe tiếng heo eng éc là Bỉnh dậy. Có lẽ trong đời Bỉnh không thấy gì thú hơn là thấy con heo ra sức giẫy rụa rồi sau đó nằm xuội lơ để thợ xối từng gáo nước sôi lên người.

 

Bỉnh ngồi đến sáng, mặc cho cha đuổi sao, Bỉnh cũng không vào ngủ lại. Thức trắng dờ con mắt, sáng sao còn học hành gì nữa. Bỉnh kiếm chỗ nào kín đáo đánh một giấc ngủ vùi, có khi bỏ cả cơm trưa. Thấy vậy, cha Bỉnh quyết định truyền nghề cho con. Cho đến bây giờ, Bỉnh vẫn còn nhớ bài học đầu tiên của cha. Lạ, Bỉnh đã từng đi học. Học cách mấy cũng không thuộc. Vậy mà bài học của cha, chỉ nói có một lần Bỉnh thuộc như chôn vào ruột. Mầy nhìn con dao thọc huyết đây này - cha anh nói- Đầu thì nhọn phải không? Càng nhọn thì đâm càng ngọt, biết chưa? Khúc giữa con dao thì nó phình ra và lưỡi dao rất bén. Phải không? Khi thọc mũi dao vào cổ con heo rồi, cái bản rộng của con dao sẽ làm cho lỗ ra huyết được mở rộng thêm. Biết chưa? Còn chỗ cuối con dao này có thấy nó nhỏ bớt lại không? Khi thọc sâu con dao vào cổ heo rồi, lỗ ra huyết rộng ra rồi, thì cần phải có chỗ tháo huyết ra chớ. Chỗ này đây. Nhưng mầy phải nhớ. Chỗ cổ heo có một cái lõm, khi thọc huyết, thọc vào đấy. Thọc cho thật mạnh, thật dứt khóat. Hướng mũi dao chếch sang phía trái một chút, như thế mới trúng tim nó. Có trúng tim, nó mới mau chết, không trúng tim, nó dẫy hòai à, tôi nghiệp lắm, Thêm cái này nữa, mày cũng phải nhớ. Khi đã thọc huyết sâu lưỡi dao vào cổ con heo rồi, nhớ ngoáy nhẹ con dao sang trái hay sang phải gì cũng được. Làm gì hả? Cho rộng thêm cái lỗ ra huyết, cho huyết mau chảy ra hết, mầy hiểu chớ?" Người không trong nghề mà nghe bài giảng này chắn ớn sống lưng với những: thọc, ngoáy, lỗ, huyết… nhưng với Bỉnh, nghề ở trong máu (lại máu).

 

Bỉnh nghe tỉnh rụi, và thuộc nằm lòng. Mưòi lăm tuổi, khi cánh tay Bỉnh mới u u lên cái bắp thì con heo thứ nhất chết dưới mũi dao của Bỉnh. Lần đầu tiên Bỉnh cảm nhận thấy một con vật dãy chết dưới bàn tay mình, thấy những tia máu tươi tràn qua bàn tay mình nóng hôi hổi. Cái nghiệp mổ heo bám vào đời Bỉnh kể từ ngày hôm ấy. Hôm đó, sau khi giao hết những tảng thịt cuối cùng, cha Bỉnh giữ lại một khúc thăn, một ít huyết tươi, một khúc phèo, một miếng gan, một quả tim… làm một mâm cúng tổ. Ông bắt Bỉnh cúi lại trước bàn thờ ba lạy. Cho Bỉnh ngồi chung mâm và ấn vào tay Bỉnh một ly rượu, bắt phải uống cho hết. Trong lúc ngà ngà say ông bảo Bỉnh :

-          Mầy có biết gì về con heo không? Không hả? Thì nó được sinh ra, nó cũng lớn lên. Lúc nhỏ, nó cũng biết nô đùa. Nhưng nó lại là miếng ăn cho con người. Khác ở chỗ đó. Mà con ngưòi thì không thể mang cả con heo ra mà gặm. Nên phải có người đâm nó, cạo lông nó, xẻ nó ra làm trăm mảnh. Cái người ăn không có tội. Ba có nghe một chuyện thế này. Có một người nuôi một con chó. Nghe thịt nó rất ngon, muốn làm thịt chó ăn. Nhưng ông ta lại theo chúa Giêsu. Ông ta bèn hỏi Chúa. Chúa Giêsu bảo ông ta: Vạn vật trên đời này chúa sinh ra để cho con người dùng được thì cứ dùng. Ông ta bèn thịt chó ăn. Người ăn không có tội. Nhưng người làm thịt nó …nghĩ nhiều khi cũng không đang tâm. Con nhớ cho ba: Đừng làm con vật đau đớn nhiều trước khi chết nghe con. Nay mai, có thể con chọn nghề khác mà làm, cái nghề này, cực chẳng đã phải theo…

-           

Ngày ấy Bỉnh cứ cho rằng cha say mà cha nói. Nhờ mổ heo mà ông nuôi cả nhà. Anh lớn, chị lớn, lấy vợ, lấy chồng. Lại còn cấp vốn cho ra ở riêng, buôn bán. Bây giờ nhà lộng lẫy ở ngay mặt tiền phố chợ Hợp Long. Bỉnh cũng sẽ làm như thế giống ông.

Cha Bỉnh còn thở dài tiếp:

-Ba cũng cho con đi học. Nhưng con không học, đành vậy. Trong nhà sao cũng có người mang máu nghề gia truyền. Trước đó thì ba không biết, nhưng ông nội con, rồi ba, cũng giống con như bây giờ. Sang nghề từ nhỏ, đành vậy, biết sao giờ…

Bỉnh tiếp nghề rất nhanh . Hơn một năm sau, Bỉnh đã trở thành một tay mổ heo rành nghề. Mười lăm phút cho một con , kể từ lúc vật heo lên bàn cho đến khi xả thịt ra thành từng xúc. Bạn nghề bị hết bất ngờ này sang bất ngờ khác. Anh thực hiện đúng như lời cha dạy: Không làm cho con vật bị đau đớn lâu. Lò mổ của Bỉnh càng ngày càng phát đạt. Đúng số lượng khách hàng cần, cân không sai một gam. Thịt sạch sẽ. Mọi nhu cầu của bạn hàng chỉ cần thông báo vào buổi tối và sáng hôm sau, có đủ .

 

 Nhưng khác hẳn với cha, Bỉnh không giao tiếp với bất cứ ai. Mọi chuyện đều do cô vợ. Vợ Bỉnh là người do cha anh cưới về. Một cô gái đầy đặn về mọi mặt. Khuôn mặt, ngực, mông, tay, chân cái gì cũng xứng đáng được gọi với những từ không hợp với người phụ nữ: lực lưỡng. Nhưng lại xứng với Bỉnh. Ít nhất thì anh cũng to cao hơn vợ và tất nhiên là khỏe mạnh hơn vợ rồi. Nếu anh chịu khó ra ngoài một chút, diện vào một chút nhất định không ai bảo anh làm nghề mổ heo . Cổ cao, cằm nở, gương mặt sáng sủa và bước đi khoan thai, chắc chắn. Cả đời không biết yêu là gì. Cha biểu lấy vợ. Được thôi. Đám cưới chẳng rình rang. Cô con gái bà bán thịt heo ngòai chợ, trước đó cũng nhì nhằng với ai đó, nhưng khi được hỏi cho Bỉnh, thấy Bỉnh ở cái dáng cô chẳng còn mong ước gì hơn. Cô làm quản gia cho Bỉnh kể từ khi cha Bỉnh tuyên bố giải nghệ, nhường gia sản lại cho Bỉnh. Lúc đó Bỉnh hơn hai mươi một chút , còn cô cũng xấp xỉ như thế .Thế là trong nhà có sự phân công rành rọt. Bỉnh, mổ  heo, ra thịt. Vợ Bỉnh , giao thịt, tính đến chợ búa và cơm nước. Có điều vợ chồng ai nấy như hộ pháp mà sao chẳng thấy đẻ đái gì, may  mà có  ông anh trai ngoài chợ con đàn, con đống, đủ trai, đủ gái, nếu không  sẽ có người ác miệng gièm: Làm đồ tể coi chừng tuyệt tự.

 

Đúng như người ta bàn, Bỉnh không đi đâu ra đến ngoài. Vì là lò gia truyền nên mối lái làm ăn cũng có vẻ như gia truyền. Heo có lái mối đến lấy, vậy thì làm gì phải đi đâu. Vả lại đã có cô vợ. Cưới hỏi, giỗ chạp, thôi nôi, đầy tháng ở đâu cũng có cô vợ. Cũng chẳng phải cô ta linh hoạt gì, nhưng chuyện nhà từ hồi nào đến  giờ nó vậy thì cứ cho là vậy đi, xới lộn lên làm gì. Sau một đêm vật lộn với những con heo, Bỉnh làm một xị rượu , bao giờ cũng một xị, không hơn. Sau đó đánh một giấc tới trưa, cho tới khi nào vợ kêu dậy ăn cơm. Cơm xong là đến mài dao. Những con dao sắc lẹm vậy nhưng ngày nào cũng phải mài. Mài dao với Bỉnh giống như một cái thú riêng giống như người nghiện thuốc vậy. Nhiều khi biết là dao bén lắm rồi đó nhưng Bỉnh vẫn ngồi miệt mài chăm chỉ. Lâu lâu mới phải mời ông thợ mài đến, ấy là lúc những con dao mòn khuyết, cần làm lại lưỡi.

 

Mọi chuyện nếu cứ diễn ra bình thường như vậy thì chẳng có gì mà kể cả. Bắt đầu từ hôm Bỉnh giết thịt một con nái xề. Thì cũng giống như những đêm khác, có gì đâu. Nhưng lần này không biết có kẻ ác nhân, ác đức làm sao, lại bán vào lò mổ của Bỉnh một con nái đang mang thai. Từ lúc dí điện cho con heo chết giấc cho đến lúc vật con heo lên bàn, và cho đến khi dội những gáo nứơc sôi đầu tiên lên mình nó, công việc vẫn diễn ra rất bình thường.

 

Nhưng khi bắt đầu mổ, thì Bỉnh choáng váng. Dười đuôi con  heo đã lòi ra một con heo con. Mẹ nó chết, nó cũng đã chết, chỉ lòi ra cái đầu và 2 chân trước. Thấy vậy, Bỉnh xây xẩm mặt mày, bỏ dao và bỏ lên nhà ngồi, ráng định thần. Sao bao nhiêu năm làm nghề, đấy là lần đầu tiên Bỉnh không đủ hàng giao cho khách. Mấy ngày sau, Bỉnh cũng nghỉ việc luôn. Cha Bỉnh đã dặn Bỉnh: nhiều người mê hà nàm ( heo con còn nằm trong bụng mẹ) lắm. Song với nghề mổ heo là tối kỵ. Người ta sao, mặc người ta, còn mình thì ráng giữ. Trước khi mổ heo phải coi cho kỹ, phải heo nái đang có mang thì ráng nuôi cho nó  đẻ. Giết nó, tội lắm. Để cho chắc ăn. Bỉnh đã giao kèo với những người bỏ mối; không nhận heo nái đang mang thai. Vậy mà, vẫn cứ có chuyện. Trước mắt Bỉnh lúc nào cũng hiện ra hình ảnh con heo con đỏ hỏn, nhớt nhao và nhăn nhúm. Bỉnh không nói với ai về nỗi khiếp sợ của mình, kể cả với vợ, để một mình chịu đựng. Tâm thần Bỉnh có lúc hoảng hốt. Bỉnh xòe bàn tay mình ra. Những nốt chai cứng ngắc. Thấm thoát đã  gần hai mươi năm, Bỉnh theo nghề. Từ con heo đầu tiên chết dưới tay Bỉnh. Trời phú cho Bỉnh sức khỏe, cả năm không nghỉ lấy một ngày……Như vậy thì nhiều lắm, nhiều con heo chết lắm rồi.

 

Những ngày trước đây sau lúc mài dao, Bỉnh dành thời gian còn lại cho những cây bông kiểng. Cũng chẳng nhiều nhặn gì, dăm bẩy cây cho đỡ trống ngôi nhà. Còn mấy ngày này Bỉnh như người mất hồn. Bây giờ mới có thời gian Bỉnh nhìn lại đời mình. Nhưng đời Bỉnh cũng đơn giản lắm.Loanh quanh suốt đêm với cái bàn mổ. Sau đó là loanh quanh với ngôi nhà, với những con dao. Cuối cùng là những con heo bị giết mổ. Sinh vì nghệ sống vì nghệ không nghĩ đến con heo thì nghĩ đến cái gì bây giờ?  Bỉnh cứ xòe bàn tay mình ra mà nhìn hòai, bàn tay không biết bao nhiêu lần đẫm máu tươi, không biết bao nhiêu lần nhợt nhạt vì ngâm nước. Trong đời làm nghề chưa bao giờ Bỉnh run tay. Vây mà cũng có lúc sơ xẩy bị dao cứa vào. Những lúc đó máu người máu heo đỏ cũng như nhau trộn lẫn trong chậu huyết. Nghĩ thế, Bỉnh rùng mình. Cũng có lúc cái cổ con heo trắng ởn trước mắt mà Bỉnh thọc trượt đi đâu khiến con heo oằn lên la hét váng trời ; ấy là hồi xưa người ta chưa chế ra bộ trích điện , những lúc như thế phải bạo tay hơn, thọc mạnh và lựa đúng con tim nó mà đâm . Rồi ngóay rộng lỗ ra  huyết cho huyết ra nhanh hơn, ào ào, ọc ọc. Đã có lần người phụ mổ lỏng tay, mũi dao của Bỉnh vừa thọc vào con dao vùng mạnh vuột ra khỏi tay người phụ mổ con heo cứ thế chạy vung mạng quanh lò mặc cho dòng máu tươi xối xả lên mặt đất. Lần ấy Bỉnh đã táng cho thợ phụ mổ một cái bạt tai đau cả tay mình.

 

Trước đây lúc con heo bị thọc huyết nó nhắm nghiền mắt la hét nhưng  khi đã hết máu trong người hai mắt nó mở trừng trừng trắng dã . Còn bây giờ sau cú trích điện nó té cái rật hai mắt he hé mở từ trong đó tuôn ra những giọt nước. Biết có  phải là nước mắt của nó không? Từ ngày phát hiện ra như thế , không bao giờ Bỉnh nhìn vào những cặp mắt của những con heo khi giết mổ. Bây giờ lúc rảnh rỗi bần thần bỗng Bỉnh nhớ lại hết thẩy. Càng nhớ Bỉnh càng nôn nao.

Đến ngày thứ ba thì vợ Bỉnh hỏi:

- Anh làm sao thế? Ngòai chợ người ta hỏi hòai hà.

Bỉnh trầm ngâm, một lát sau mới lên tiếng:

- Nè, nhà mình còn bao nhiêu tiền?

- Tiền gì? Tiền chợ còn trong tủ đó… anh tính mua cái gì?

- Tôi hỏi tiền trong Ngân hàng kìa, còn bao nhiêu?

- Tôi có gởi Ngân hàng hồi nào mà anh hỏi. Còn ít chục cây…

- Cho tôi một ít đi…

- Anh làm gì mới được chớ ?

- Tôi cúng chùa…

- Trời đất ơi . Anh điên rồi !

Cô vợ  vội bưng lấy miệng vì biết mình lỡ lời. Ảnh nói cúng chùa mà mình biểu ảnh điên, có khác nào phỉ báng trời, phật. Có tháng nào mà cô không thay anh đi chùa,và có tháng nào mà cô không bỏ vào thùng công đức của nhà chùa vài chục ngàn. Nay ảnh đòi cúng chùa bằng vàng. Không kêu điên thì  không biết gọi bằng gì đây? Hay anh muốn… anh muốn có tý con, anh muốn cầu tự. Có phải cô không muốn đâu. Đứa con đầu nếu không hư thai , giờ nó cũng gần hai mươi rồi, đã có thể cầm dao thay cha nó rồi. Nó mới có năm tháng, đủ để thành hình hài con người. Nó chưa đủ sức bám lấy cơ thể mẹ nó lỡ lượt chân té trong một ngày trời mưa. Từ đó, Bỉnh không muốn vợ có con nữa. Mỗi lần nhắc đến chuyện có con là Bỉnh né tránh. Không lẽ bây giờ anh đổi ý? Cô đến ngồi bên Bỉnh:

-Cần gì phải làm như vậy, anh muốn có con thì có con, đâu cần phải cúng chùa….

-Không phải thế. Cô không hiểu đâu. Tôi muốn làm chút ít việc công đức.

- Chút ít. Chút ít là bao nhiêu ?

- Một nửa số cô  còn giữ ?

-Anh điên thật rồi, điên thật rồi,

Cô vật Bỉnh xuống giường, lột áo Bỉnh ra và cạo gió. Bỉnh mặc cô muốn làm gì thì làm. Khi cô buông ra, Bỉnh ngồi lên và lại lặng câm không nói thêm câu nào nữa.

 Đàn bà, nói sao bây giờ. Mà Bỉnh thì không muốn nói cho vợ biết. Những ngày sau, Bỉnh cũng muốn bắt tay vào việc, nhưng cứ bước chân đến lò mổ heo, là con heo con đỏ hon hỏn, nhớt nheo và nhăn nhúm lại hiện ra trước mắt, tay Bỉnh lại rung lên, bàn tay cầm con dao của Bỉnh thõng thượt, bất lực.

            *                                  

  *                *

 

Những ngưới thắc mắc đầu tiên là những bạn hàng của Bỉnh. Trứơc hết là những ông lái heo. Đường vào nhà Bỉnh đã quá quen thuộc với họ.Trong số đó có cả những người bỏ mối cho cha Bỉnh trước đây. Bỉnh nghỉ mổ heo  gần nữa tháng rồi, có ông vẫn quen đường chạy vào cổng nhà Bỉnh. Có ông chở vào đến tận nơi rồi, thấy cánh cửa lò mổ của Bỉnh đóng im  ỉm, mới giật mình quay ra.

Những người bán thịt ngòai chợ cũng xôn xao không kém. Họ đã từng nhận từ lò mổ của Bỉnh những xúc thịt món nào ra món đó, bây giờ mới thấy Bỉnh là người làm ăn nghiêm túc. Bán thịt từ lò mổ của Bỉnh, gọi nạc ra nạc, gọi mỡ ra mỡ, người bán cũng dễ và người mua cũng dễ.

Rồi những người hàng xóm của Bỉnh cũng xôn xao. Cái lò mổ mấy đời này gắn bó quá chặt chẽ không chỉ với gia đình Bỉnh, mà còn với cả hàng xóm láng giềng nữa. Khi Bỉnh mổ heo, cũng có lúc người này, người kia bực mình, khó chịu. Khó chịu vì những mùi hôi thối từ lò heo bốc ra. Rồi bực mình vì những tiếng heo la. Bực mình vì những tiếng xe lôi, xe ôm nẹt ga vào lúc tảng sáng nữa. Nay Bỉnh nghỉ, xóm hình như vắng đi một cái gì, hàng xóm nhiều người cứ thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Những buổi chiều rảnh việc , bên bàn nhậu, người ta bàn chuyện Bỉnh. Có mấy ông quen ăn lòng heo tiết canh vào buổi sáng ngoài đầu hẻm, nay không có, lại thấy thèm.

Bỗng nhiên, Bỉnh có thơ mời đãi tiệc. Mời hết những ông xe lôi, xe ôm đã từng chở heo bỏ mối cho  lò của Bỉnh, những ông đến lấy thịt từ lò đi bỏ các chợ. Mời những bà, những cô, những ông bán thịt ở mấy  chợ  quanh vùng. Tất nhiên là tất cả bà con lối xóm, mời hết. Có khác một điều là lần này chính Bỉnh tự đi mời. Hai vợ chồng Bỉnh ngồi trên một chiếc xe máy mới cảo có chữ " xe xin số" ở đuôi, đi vòng vòng hai ngày mới đưa hết thơ mời . Chuyện lạ như thế người không bàn tán sao được. Rồi không hiểu bằng cách nào người ta còn biết được cả chuyện Bỉnh đòi vợ mấy lượng vàng đi cúng chùa nữa. Đúng là giấy không gói được lửa.

Chuyện trong buồng kín nhà người, thiên hạ muốn biết là biết. Muốn người ta không biết thì đừng làm gì cả. Vợ Bỉnh không cho Bỉnh tới mấy lượng như người ta nói, song cũng có gì cả. Vợ Bỉnh không cho Bỉnh nói ra đựơc những điều bứt rứt  ở trong lòng Bỉnh kể chuyện con nái xề cho vợ nghe vào một đêm khuya khoắt. Khi Bỉnh tả ra cái hình con heo con thì vợ Bỉnh không chịu nổi nữa, dơ tay bịt miệng Bỉnh lại không hiểu sao, cô bỗng nhớ đến đứa con bị xẩy. Hồi  đó, cô không thấy được con mình, chỉ được nghe nói lại là con trai, non lắm, mới có năm tháng. Hôm ấy Bỉnh bảo vợ:" Gần hai chục năm trời làm nghề, hôm nay tôi mới biết ớn mình ạ. Mình có biết gì sao khi cha gần chết nhất định không cho mấy anh, mấy chị vào phòng bệnh của cha không? Chỉ một mình tôi được lại gần cha. Cha biểu: tôi theo nghề cha, nên lại gần cha được. Khi cha bệnh nặng, các anh,các chị ngồi nghe cha dặn chuyện cách một cái liếp bồ, mình còn nhớ không? Hồi đó, tôi còn trẻ, tôi mừng vì được cha tin. Bây giờ hình dung lại tôi mới thấy sợ. Cha đâu có chịu nằm thẳng thớm trên giường, giống y như cảnh con heo chờ thọc huyết . Tỉnh táo thì thôi, thiếp đi là cha gọi đưa dao, đưa chậu cho cha. Có lúc mê sảng, thọc huyết heo, sao lại thọc huyết tôi… những chuyện ấy bây giờ nhớ lại, tôi ớn quá mình ơi… Nói thiệt với mình, tôi cũng thích có con lắm, nhưng tôi sợ. Mỗi lần thọc huyết heo,tay tôi vấy đầy máu, tôi sợ mình sinh con ra không lành lặn, như vậy, tội tôi lớn lắm… nay mai làm việc khác, đợi tôi quên mấy con heo đi, mình cũng có con cũng chưa muộn mà . Nghiệp chứơng…

Vợ Bỉnh nằm nép hẳn vào người Bỉnh, thân mình cứ rung lên từng đợt một. Sáng sau, cô móc hộp nữ trang ra, bốc đại, cùng chồng lên chùa, rồi mấy hôm sau cùng chồng đi mời tiệc.

Bữa tiệc nhà Bỉnh chỉ tòan đồ chay. Đậu hũ, tương hạt, bắp cải sào, nấm rơm, nấm đông cô… tiệc không có lấy một miếng thịt. Món chiên, món sào dùng bằng dầu. Hôm làm tiệc, Bỉnh mời mấy người chuyên làm đồ chay trên chùa về phụ giúp. Họ là những chuyên gia đồ chay. Họ bàn nên làm những món như gà hầm, tôm chiên, cúc rô ti… những thứ chế từ đậu hũ ky, nhưng qua tay họ, thành những con vật giống như thiệt .Nhưng Bỉnh không chịu. Đã làm cỗ chay mà còn làm những con vật chẳng quá ra miệng thì ăn chay còn bụng dạ thì vẫn nghĩ đến chuyện sát sinh sao? Lúc từ chối Bỉnh đã nghĩ như vậy. Bất giác Bỉnh lại đưa bàn tay lên. Anh thấy bàn tay mình đỏ tươi những máu.

Hình như không thiếu một ai trong danh sách Bỉnh mời trong lúc mọi người người chờ đợi, Bỉnh quỳ trước bàn thờ tổ. Anh quỳ rất lâu mà lẩm bẩm khấn nguyện rất thành kính.

Hương nhang khói vương vấn bay khắp nhà. Lát sau, Bỉnh cùng vợ dắt tay nhau ra với khách. Những vị khách trẻ ồ lên trầm trồ. Có một cập trai gái nào trên đời đẹp hơn thế không? Bỉnh vững chãi trong bộ áo dài khăn đóng. Gương mặt sáng bừng vẻ thanh tú xen lẫn với những nét đàn ông khóang đạt. Lông mày lưỡi mác, chặn rõ nét trên cặp mắt sáng quắc, tinh nhanh. Sống mũi cao và thẳng. Nhân trung rõ và kẻ mạnh xuống bờ môi trên dầy vừa đủ độ cho người ta xét Bỉnh là người quyết đóan. Đi bên Bỉnh là cô vợ. Từ hồi nào đến giờ, ngưới ta chỉ biết đến cô trong bộ bà ba và cái dỏ xách lúc nào cũng bên mình. Thân hình lực lưỡng của cô thoắt hiện, thoắt ẩn không có nhiều thời gian cho mọi người bình phẩm. Còn hôm nay, cô tươi cười trước mọi người. Chiếc áo dài ai may cho vừa khéo, che hết được vẻ nặng nề thường thấy. Khuôn mặt tròn trịa, xinh xắn và pha một chút hồn nhiên.

Tuy nhiên ở tuổi ngòai ba mươi cô còn có thêm chút từng trải mỗi khi cười chào khách.

Bỉnh tìm được một chỗ thich hợp để mọi người có thể nhìn thấy mình, anh bước lên đó và lên tiếng:

-Thưa bạn hàng,bạn thợ và bà con lối xóm. Hôm nay Bỉnh tôi làm mâm cơm chay, trước là cúng tổ tiên, sau nữa mời bà con dùng, để chứng kiến cho tôi kể từ hôm nay chính thức giải nghệ.

Mọi người ồ lên Những câu hỏi thì thào chuyền nhau suốt các dãy bàn.Bỉnh tiếp:

-Xin con đừng hỏi lý do vì sao? Tôi đã kính trước bàn thờ tổ, với tư cách là con cháu đích tôi của lò mổ này, để xin phép dòng họ mấy đời xin được cáo lỗi cùng bạn hàng, bạn thợ, và bà con lối xóm từ đời nào đến giờ , chúng tôi đã quấy quả. Thôi thì cũng vì đường làm, đường ăn, sao chẳng có lúc nắng, lúc mưa, xin tạ lỗi cùng bà con, xin tạ lỗi …

Nước mắt Bỉnh ứa ra. Làm sao tránh được. Bỗng nhiên rời bỏ một nghề theo đuổi mấy đời, lại đang ăn nên làm ra, hỏi sao không luyến tiếc.

Chuyện đêm ấy trong nhà Bỉnh không hiểu sao cũng lọt được ra ngòai. Người ta thêu dệt thành bao nhiêu chuyện về cái chết của cha Bỉnh. Có người kể gần đúng, nhưng lại thêm chi tiết, một hôm, ông đang ngồi bỗng nghe cái ặc, cổ ổng nghẹo nghiêng, rồi cấm khẩu luôn. Những chuyện còn rùng rợn hơn cũng nhân dịp này được truyền tụng.Như chuyện ông thợ giết bò tài ba, chỉ cần một búa là hạ xong một con bò,lọc thịt, lóc xương xong nhất định phải uống một chén huyết tấp, múc thẳng từ trong bụng con bò mới mổ ra. Lúc sắp chết, hễ người ta kéo lên giường, lại lặn xuống đất , bò lổm ngổm, miệng thì rên ò ò ,khì khì, giống y như con bò mới bị một búa mà chưa chết hẳn, người ta cũng còn kể, có một ông làm nghề mỗ heo trứơc khi về chầu tiên tổ mấy ngày còn kịp kể cho con cháu  nghe một giất mơ kinh hồn. Ông mơ rằng: khi ông vừa thác xuống âm ty địa phủ đã có một bầy heo chờ sẳn. Vừa thấy ông, chúng đã bu lại đòi mạng. Chúng vồ lấy ông,đè xấn ông xuống, cứ ngang cần cổ mà cắn. Hỏang quá sau khi kể chuyện cho con cái nghe, ba hôm sau ông chết Trứơc khi chết, ông cứ sặc lên, và ông khóc, những tiếng nức nở giống hệt những tiếng heo rên.Cứ nghe họ kể chuyện có lẽ phải kết luận rằng, hễ người khi sống giết thịt con gì thì khi chết sẽ kêu tiếng đó chắc. Người giết heo kêu eng éc, ngưới giết bò kêu ò ò ngưới giết gà kêu quang quác, ngưới giết vịt kêu càm cạp… còn giết chuột giết chó, giết mèo…không lẽ cũng kêu những tiếng của co vật đó. Nhưng miệng thế gian, họ nói có ai gang miệng họ ra đâu. Kệ họ.Con người sinh ra mỗi ngày mỗi nhiều hơn càng ngày càng nhiều chợ càng ngày càng nhiều nhà hàng.Bữa ăn người ta đòi nhiều calo hơn, thế thì mất đi một cái lò mổ của Bỉnh có ảnh hưởng gì đến ai, và có thêm người làm nghề mổ heo, cũng chẳn làm thế giới này bận rộn thêm.

Bán tòan bộ tài sản của cái lò mổ, vợ chồng Bỉnh đủ vốn mở một cửa hàng tập hóa ngòai chợ Hợp Long. Tắc teng, ngày cũng kiếm đủ hai bữa ăn. Bận rộn mấy thì vợ chồng Bỉnh cũng dành nguyên ngày chủ nhật để đi chùa. Cúng và cầu đủ ba cữ: sáng sớm mai giờ Mão, giữa trưa giờ Ngọ, và chiều hôm giờ Dậu những kỳ tết, lễ Đoan Ngọ, Nguyên Tiêu thì thêm cử nữa đêm, giờ Tý… thành kính dâng mình cho Đức Chí tôn trong những giờ cầu cúng. Một hôm, sau cúng giờ tý nửa khuya về, vưà mở cưả , Bỉnh thấy cha ngồi  ngay giữa nhà. Ông ngồi giống như quan lớn ngày xưa ngồi trên ghế thờ. Hai chân xọac ra vững chắc một tay gác trên thành nghế tay kia chống một con dao thọc huyết heo, sáng lóang, sắc lẻm và nhọn hoắt. hỏang hốt, Bỉnh quỳ xuống. Cha Bỉnh quát:

-Ngươi biết tội ngươi chưa?

-Dạ thưa,con có tội chi đâu thưa ba.

-Hừ. Tại sao ngươi dám bỏ nghề. Hả? Về dưới kia ta mới biết rằng không chỉ có ta, cha ta ông nội ta, mà cả ông cố, ông sơ, ông tiên sư ta đều làm nghề mổ heo. Ta thương ngươi mới truyền nghề của tổ tiên cho ngươi, vậy mà ngươi khi không bỏ nghề. Ngươi ăn nói sao với tổ tiên đây…

-Thưa cha

- Không thưa gởi gì hết, từ ngày mai, ngươi phải tái lập nghề tổ…

Bỉnh hét lên:

-Không…

-Tại sao?

-Không lẽ ba, ông nội ba, ông cố, ông sơ, ông tiên sư không thấy một điều, chúng ta thì đè cổ con heo xuống mà giết mổ. Vất vả đêm hôm để có những miếng thịt ngon lành. Người ta làm những món ăn và đặt biệt cho những món ăn đó những cái tên thực đẹp đẽ, thực mĩ miều, còn chúng ta, người ta gọi là gì: đồ tể. Đồ tể, có cái tên nào xấu hơn, độc ác, man rợ hơn cái tên ấy không thưa ba…

Như tiếng sấm nổ giữa thinh không. Nam mô bồ tát, ma ha tát.

*

 

Bên cạnh cái lò mổ gia truyền của Bỉnh bây giờ có thêm hai cái lò mổ nữa . Ra vậy . Cuộc đời cứ luân chuyển . Không có Bỉnh này thì có Bỉnh kia . Nghề mà, sao chẳng có người theo .

 

Tháng 5 - 2000

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 4445
Ngày đăng: 22.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài tập về nhà - Phạm Khánh Liêm
Tửu địa - Phạm Lưu Vũ
Trả lại tôi mùa đông - Trần Kim Trắc
Ước mơ trong mỗi cuộc đời - Thảo Bích
Kẻ lạ ở trong nhà - Vũ Đình Giang
Lưới tình - Trương Hoàng Minh
Cái nhìn khắc khoải - Nguyễn Ngọc Tư
Những giọt nước mắt - Ngô Khắc Tài
Kiều Nương - Ngô Khắc Tài
Mơ thấy mùa đang tới - Nguyễn Ngọc Tư
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)