Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
466
115.988.435
 
Người thợ rèn và những vòng hoa tang
Nguyễn Đức Thiện

Cách đây vài năm. Đông có một công việc để làm.Khi mấy đứa con cùng đi vắng. Hai đứa lớn đi bán vé số. Một đứa đi học. Ở nhà chỉ còn có một mình Đông. Trước mặt anh là cây búa nhỏ, chiếc kềm, cây kéo và một mớ những dây kẽm nhỏ. Một đống vỏ hộp lon bia, lon nước ngọt chất ngay trước mặt Đông. Tất cả từ thân xác đến gương mặt anh đều ngây ngô giống như kẻ mất hồn. Hai con mắt chùm bụp với tròng ngươi đờ đẫn. Cái miệng méo xẹo. Lớp da trên mặt dày và cộm lên những vết sần sùi. Anh ngồi trên một chiếc ghế có không ra cao, mà thấp không ra thấp, Vậy mà hai đầu gối vẫn như muốn nhô lên ngang với mặt. Tất cả ngay đơ. Lưng hơi gù xuống. Hai vai nhô lên không động cựa.

 

Trái với khuôn mặt và thân xác, hai bàn tay Đông giống như đang múa. Cây kéo trên tay khoanh một vòng, những hộp lon bia, lon nước ngọt được bổ ra thành từng miếng vuông vắn. Lại thêm những vòng khoanh nữa, tất cả những miếng hộp lon thành những miếng nhỏ hơn. Rồi từ những miếng nhỏ ấy, cây kéo lại biến chúng thành những cánh hoa mỏng manh và những chiếc lá cũng mỏng manh nhưng chưa có hồn. Rồi cây kềm và những vòng dây kẽm. Bàn tay uốn nhẹ, những vòng kẽm đan vào nhau thành những vòng tròn cái lớn, cái nhỏ. Tất cả móc lại với nhau và nằm gọn trong một cái vòng lớn. Đến lúc đó mới dùng đến những miếng vỏ hộp lon. Thêm những cây cọ nhỏ xinh xắn. Cây nhúng trong sơn xanh. Cây nhúng trong sơn vàng. Có những hộp sơn cánh sen, sơn đỏ, sơn lá cây… Những miếng hộp lon một lát sau đã biến mầu nằm rải rác trước mặt. Không ai tin hai bàn tay ấy lại gắn được vào một cơ thể gần như bất động kia. Rất ít những giọt sơn nhểu ra ngoài. Còn những vòng tròn thì có lẽ không thể tròn hơn. Xong tất cả công việc ấy là mất hết một buổi sáng. Đông chống tay đứng dậy. Anh bước những bước nặng nhọc về nhà sau. Giống hết như một rô bốt đang dịch chuyển. Hai chân bước những bước cầm chừng. Hạ chân này xuống đứng cho chắc rồi mới bước thêm bước nữa. Hai tay rất khéo léo trước đó bây giờ ép sát vào người nhúc nhắc theo từng bước chân chậm chạp.

 

Anh vào bếp. Cái bếp được làm vừa với tấm thân thô cứng của anh. Gạo đã gút rồi. Chỉ việc đổ thêm nước vào, đặt lên bếp dầu và đốt lửa. Rau cũng đã rửa rồi, nấu, luộc hay sào chỉ cần nhớ lời vợ dặn mà làm. Thường anh chỉ phải làm hai việc đó. Những món ăn mặn vợ đã làm sẵn để trong cái dóng tre và được đậy điệm kỹ càng. Thừng là cá kho, thịt kho. Thứ gì cũng mặn chát, dù thời tiết có xấu thế nào cũng không thể làm cho những món ăn ấy thiu, thói được. Mà có gì nhiều đâu mà thiu thối. Nhà năm miệng ăn. Anh thế, nhưng ăn vẫn khoẻ. Nhất là những đứa con, sau những giờ lang thanh khắp hang cùng ngõ hẻm ở cái thị xã này, về đến nhà bụng đứa nào cũng trống rỗng, bao nhiêu đồ ăn cũng không đủ lấp đầy những cái bao tử lỏng lẻo của chúng.

 

Cả nhà gặp nhau trong chốc lát vào giấc trưa, để làm cái việc mà ai làm người cũng phải làm. Đó là ăn. Bữa ăn của cả nhà chưa bao giờ được thư thả. Ai cũng vội vội vàng vàng để rồi ai lại vào việc đó. Vợ Đông tranh thủ ra lựa rác. Mấy nhỏ nhanh chóng biến đi để bán cho hết những tờ vé số cho kịp sổ cuối ngày. Chỉ trừ một đứa ở nhà học và phụ Đông công việc còn lại của buổi chiều. Cả nhà chỉ lo được cho nó và mong trong nhà có được người có chữ . Thời buổi này, thiếu chữ giống như một cái tội. Thôi thì cả nhà có được một người là qúy rồi.

 

Đông chỉ ngồi nghỉ chốc lát sau bữa ăn. Anh ngồi lại chiếc ghế đặt riêng cho anh ở hiên nhà. Căn nhà của anh chỉ lớn hơn cái chòi chăn vịt một chút. Mái nhà lợp lá dừa nước. Vách nhà thưng bằng những tấm ván lượm được. Nền nhà có được vài bao xi măng làm cho cứng cáp và cho dễ quét. Trong nhà ngoài hai cái giường, một dành cho hai đứa nhỏ, một dành cho vợ chồng Đông chỉ có thêm những cái móc để treo quần áo, những cái dóng tre để đựng ba thứ đồ dùng hằng ngày. Lâu nay trong nhà có thêm một cái ghế bố để làm chỗ cho Đông ngủ đêm. Anh không còn khả năng làm chồng đã nhiều năm nay. Cái bếp được cơi ra phía sau, che che, đậy bằng những tấm mủ ni lông để không bị nắng, gió và nhất là khi trời mưa nước không tạt vào. Trong nhà vật sang trọng và xa xỉ nhất có lẽ chỉ có cái bếp dầu. Nó được mua cách đây không lâu để Đông tiện cho việc nấu cơm cho cả nhà.

Việc ngồi vào chiếc ghế ngay trước cửa nhà đi với Đông là một phản ứng tự nhiên. Sau bữa ăn, ngồi trên chiếc ghế bố một lát với cây tăm trên tay xong là anh lại lần bước ra cửa. Lúc này, những miếng hộp lon đã khô sơn. Anh bắt đầu công việc của mình. Công việc buổi sáng đã cho thấy được sự khéo léo của bàn tay anh, bây giờ nó còn khéo léo gấp bội. Anh đặt những ngón tay của mình vào những miếng hộp lon, và chỉ trong nháy mắt, những miếng thiếc mỏng dính kia bỗng trở nên sinh động khác thường. Những miếng thiếc từ tay anh rớt xuống giống như những cánh hoa rơi lả tả sau một cơn gió thổi qua. Rồi những cánh hoa ấy được ghép lại với nhau, thành những bông hoa thực mềm mại dưới bàn tay như múa của anh. Những cái nụ nho nhỏ xinh xinh, những bông chớm nở còn đang hàm tiếu. Có những bông xoè ra rực rỡ. Rồi tất cả những bông ấy được kết lại với nhau trên những vòng tròn được uốn lại từ hồi sáng. Một buổi chiều anh có thể hoàn thành được một sản phẩm của mình: một vòng hoa tang. Vành ngoài có những chiếc lá xanh. Vòng trong theo từng lớp một mà có những bông màu vàng, màu đỏ hay trắng. Vòng hoa cao ngang đầu khi anh ngồi trên chiếc ghế của mình. Ai đó có vào nhà lúc đó thì sẽ chẳng thấy anh đâu. Mà chỉ thấy vòng hoa sặc sỡ sắc màu. Mà có gặp anh cũng chẳng thế nói chuyện gì với anh. Bởi nói được một câu với anh còn vất vả hơn cả đánh vật. Vòng hoa đẹp thật không cân xứng với gương mặt đần độn của anh.

 

Đó là công việc của anh cách đây vài năm. Hồi đó, người đặt làm vòng hoa bằng tôn vỏ hộp lon còn nhiều. Tất cả những nhà hàng có liên quan đến người chết đều đến đặt hoa vòng của anh. Họ khen anh làm khéo và lại lấy tiền công khá rẻ. Nhưng dạo này, hình như người ta không còn cần những vòng hoa như thế nữa, khách hàng của anh ít hẳn đi. Bây giờ là hoa tươi. Hoa cưới, hoa sinh nhật, hoa mừng công, hoa tặng nghệ sĩ, hoa mừng hội nghị và ngay cả hoa đám ma, cũng là hoa tươi. Cuộc sống nâng cấp, những bông hoa sặc sỡ sắc màu và có hương thơm trở thành một nhu cầu. Không còn ai nghĩ đến những vòng hoa tang kết bằng vỏ hộp lon bia nữa.

Thế là anh hết việc làm. Anh chỉ còn có việc đoán giấc trưa, nấu một nồi cơm, một nồi rau và chờ vợ con về làm công việc của những người đang sống phải làm. Ăn.

*

 

Có tiếng lạch xạch ngoài cổng. Vợ Đông về. Đó là một người đàn bà nhỏ quắt. Chiếc áo bảo hộ lao động rộng quá khổ so với thân hình chị. Chiếc quần rộng thùng thình. Đến cả đôi giày dưới chân chị hình như cũng lớn hơn bàn chân chị nhiều, nên khi xuống xe đạp bước chân của chị cứ lẹp xẹp quét trên đất. Tiếng bước chân và tiếng chiếc xe đạp xọc xạch đủ báo để Đông biết vợ đã về. Anh nhếch mép vất vả nhả từng chữ mà vẫn không được rõ ràng:

- Má thằ…ng …Bễ về …đó hả?

- Về rồi…

- Cơm… nấ…ấu … ồi … ó…

- Biết rồi…

Chị thở dài nhìn chồng. Tiếng thở dài buột ra khỏi miệng không cầm được. Ai không biết thì ngỡ chị chán cảnh khi thấy chồng ngồi đờ đẫn ở chiếc ghế nơi cửa. Chỉ có chị là tự hiểu mình. Nhiều khi nhìn chồng, chị ứa nước mắt. Cho đến bây giờ chị không có được một phút sống hạnh phúc bên chồng. Đông là một người thợ rèn nổi tiếng ở xóm Lò Rèn này. Xóm Lò Rèn có từ bao đời rồi không ai biết. Có lẽ từ cái nghề cả làng theo mà thành danh cho xóm. Xóm có một con đường chính chạy từ mép đường lớn và tuốt luốt bên trong nơi có những cánh đồng lúa rộng mênh mông. Những nhánh đường xương cá tách từ con đường đó, đi sâu vào những ngôi nhà nằm khuất dưới những rặng dừa. Nhà ở có thể khuất sâu vào trong, còn những cái lán nơi nững người thợ rèn hành nghề thì cứ bám sát mép đường dù lớn hay nhỏ. Suốt ngày từ sáng sớm tinh mơ đến lúc trời nhá nhem tối dọc những con đường rộn lên những tiếng búa nện vào đe và lửa gió thồi vù vù.

Ngày xưa là những cái bễ thụt. Sau đó là đến thời những cái bễ quay tay. Rồi sau đó người ta không còn dùng đến những cái bễ như thế nữa. Đã có những cái quạt máy thay cho người kéo bễ. Chỉ con những tiếng chí chát của búa nện xuống đe là vẫn còn. Từ đầu đường vào xóm đã nghe tiếng chí chát. Tiếng chí chát kéo dài dọc xóm. Sáng ra nghe một nhà chí chát là cả xóm thức dậy, nổi lửa đốt lò, sau đó là tiếng búa, tiếng đe vang lên. Bây giờ. Tiếng búa, tiếng đe đã bớt đi. Trên đồng ruộng người ta ít dùng đến cái liềm. Đã có những chiếc máy chạy lướt một đường là những cây lúa để rạp sang một bên ngay hàng thằng lối. Người ta làm cỏ bằng thuốc. Đâu cần những lưỡi dao phát dài loằng ngoằng. Những cái kéo bây giờ người ta dùng của Trung Quốc, những cái kéo sắc lẻm, sáng choang, bán khắp chợ, khắp phố. Trên đồng ruộng, tiếng máy kéo, máy cày rộn rã bao nhiêu thì người xóm Lò Rèn rầu rĩ bấy nhiêu. Ngày xưa, khách chợ ngày nào cũng đến xóm để đặt hàng. Còn bây giờ lâu lâu mới có người đến. Hàng họ bán ra ngày càng ít đi. Nhưng người xóm Lò Rèn không ai muốn bỏ nghề. Làm nghề bớt đi, chớ thiếu tiếng búa tiếng đe hình như cả xóm không ai ngủ ngon giấc.

 

Hai vợ chồng Đông đều là cư dân sinh ra trong xóm Lò Rèn này. Dân Lò Rèn làm đám cưới của hai người giản dị như bao nhiêu đám khác ở đây. Điều này cũng dễ hiểu. Dân ở đây ngày này sang tháng khác quanh quẩn bên cái bễ, cái lò và đe búa. Mọi thứ giao dịch đều qua những người buôn bán vào ra. Già trẻ, gái trai suốt ngày cắm đầu quanh cái lò, cái bễ nên chẳng ngạc nhiên khi thấy gái trai trong làng nên vợ nên chồng. Trong xóm có ai đó đi lấy vợ hoặc lấy chồng nơi khác là cả một sự kiện làm ầm ĩ cả xóm. Lúc chị mới mười bảy tuổi, cha chị cũng là một thợ rèn có tiếng ở xóm này biểu chị:

- Tư nè. Ngày mơi, bên thằng Đông cho người sang coi mắt mày đó. Lớn rồi. Lấy chồng được rồi đó con.

Chị nóng rần đến tận chân tóc. Đông ư? Còn chê nỗi gì nữa. Nổi tiếng giỏi nghề ngay từ khi mới biết cầm cây búa cái. Lớn lên một chút đã thay cha cầm chiếc búa con điểm nhịp, chỉ cho thợ phụ nện những nhát búa trúng đích. Nhưng thế vẫn chưa đủ. Một thanh niên to cao, khoẻ mạnh. Khi chiếc búa cái trên tay thì những bắp tay cuồn cuộn mỗi khi dơ cây búa lên và quất xuống miếng thép đỏ trên đe. Bàn tay dẻo quẹo như múa khi cầm chiếc búa nhỏ. Mỗi nhát gõ xuống  chỉ cho chiếc búa cái của thợ phụ nện đúng chỗ cần phải dát cho mỏng. Thanh thép đỏ theo cây búa con trên tay Đông nhanh chóng thành liềm, thành dao, thành kéo… Mặt thép phẳng lì . Lưỡi thép rời đe đã muốn sắc lẻm rồi. Người ta tôi thép xem lửa, xem nước, còn Đông ngửi mùi khói biết thép tôi có cứng hay không. Người như thế chê sao được. Không thiếu gì những cô gái bạo dạn trong xóm thường đến lò của Đông để kín đáo liếc nhìn khuôn mặt vuông vức của Đông, liếc khuôn ngực trần căng những múi thịt và bóng lên bởi những giọt mồ hôi. Người như Đông sao lại để ý đến chị? Không được như những người  con gái khác ở xóm Lò Rèn này.

 

Ở đây nhiều cô ở lứa tuổi đó có khi cũng đã tập quai búa như con trai. Trước đây, đàn bà thường hay đứng thụt bễ. Sau này thì ngồi quay quạt gió thổi lửa lò. Tất cả những chuyện giao dịch bán hàng dành cho đàn ông. Nhiều lắm thì bày mấy thứ hàng mẫu trên những cái giá trưng ra ngoài đường. Cũng có đôi ba cô ra đứng ngoài đó bán hàng. Còn chị, không đánh búa, không bán hàng, cũng không quay quạt gió. Chị chỉ có một việc lo cơm nước cho cả nhà và đi học. Chuyện chị đi học cũng là một chuyện lạ trong xóm. Búa, đe, thép và lửa lò là nghề truyền kiếp của xóm này. Chẳng cần chữ nghĩa gì vẫn có con dao, cái kéo mà người ta cần dùng. Thế mà chị lại được đi học. Dù là học chẳng được bao nhiêu nhưng cũng là người có chữ ở trong xóm. Chị không có được thân hình nây nở như những cô gái khác. Mảnh mai, nhẹ nhõm và duyên dáng đến từng bước đi. Đông thích cô chỉ vì thế thôi sao. Đám cưới không dềnh dang theo đúng cách của xóm Lò Rèn này. Một bữa tiệc chỉ hơn bữa ăn hằng ngày một cái lẩu, một con gà và vài chai rượu ở mỗi mâm. Cả hai nhà chung nhau một nơi làm đám. Nơi ấy là mảnh đất bên nhà trai cho chú rể. Còn bên nhà gái thì sắm đủ một bộ đồ nghề của một lò rèn. Một cái lò, một cái bễ, cặp búa cái và búa con. Không thiếu cái đe chưa đụng một nhát búa nào. Hôm đó chị cười tươi lắm. Nhưng ngay đêm tân hôn…

 

Đêm tân hôn với chị là một đêm kinh hoàng. Đông khoẻ khi làm thợ thì cũng khoẻ khi làm chồng. Chị không hề biết đến một cái hôn, không biết đến một bàn tay vuốt ve. Đông ào lên giường và ào ào làm đàn ông và biến chị thành đàn bà. Một đêm vật vã, thức trắng. Chị chỉ thấy đau rát và mùi mồ hôi tanh nồng như mùi thép rỉ. Những gì chị mong ước khi biết mình làm vợ Đông tan biến ngay từ cái đêm đầu tiên ấy. Rồi Đông không cho chị làm bất cứ việc gì, ngoài nấu ba bữa ăn trong nhà. Một việc mà chị phải làm, và làm bất cứ lúc nào đó là làm vợ. Sáng, trưa, chiều, tối. Bất kể lúc nào, Đông muốn là kéo chị lên giường. Quần quật như quai búa. Chi luôn kinh hoàng. Cứ thấy Đông bước chân vào nhà sau, nơi có căn buồng dành cho vợ chồng là chị kinh hoàng. Cũng chính vì thế mà ba đứa con ra đời chóng vánh trong thời gian không đầy ba năm. Hai đứa con đầu, con trai Đông đặt tên một là Bễ, một là Búa. Đứa thứ ba, con gái, Đông đặt cho cái tên nhẹ nhàng hơn: Dao.

Một ngày không thể quên với chị. Hôm ấy đang lo nồi cơm trong nhà, bỗng nghe tiếng la chỏi trời:

- Trời đất ơi, chị Tư ơi, chết anh Tư  rồi…

Chị hoảng hốt chạy ra. Đông nằm bất tỉnh ngay bên cạnh cái lò lửa đang cháy rần rật. Cậu thợ phụ cuống cuồng chạy vòng quanh như không biết làm gì. Thanh thép trên đe vẫn còn ánh lên mầu hồng. Chiếc búa con văng sang một bên. Chị hét lên một tiếng chói tai:

- Anh ơi? Sao lại thế này anh ơi…

- Cây búa cái …

Tiếng cậu thợ phụ hổn hển bên tai chị. Chị loáng thoáng nghe thấy: cây búa cái lỏng từ hôm qua, sáng nay cậu thợ phụ không xem, không chốt lại, khi nó vung lên cái thứ ba thì óc búa tụt ra khỏi cán bay lên cao và rớt xuống trúng đầu anh. May mà không trúng đỉnh đầu mà chệch xuống ót… Một tháng trên giường bệnh. Sau một tháng đó, anh giống như hôm nay. Đờ đẫn, ngây ngô.

Ba đứa con nhỏ. Người chồng sống chẳng ra sống, khoác lên vai chị một gánh nặng. Không biết bao nhiêu đêm chị khóc thầm, thương cho số phận mình. Thương chồng và thương con. Cái lán lò rèn của chị bắt đầu im tiếng, đồng nghĩa với việc trong nhà hết dần đồ ăn. Chị về bên nhà tính bán lại cho cha mình toàn bộ đồ nghề của chồng. Cha chị buồn rầu lắc đầu:

- Mua làm gì nữa con.

Ông dẫn chị ra lán lò rèn của nhà mình. Không còn có thể tin ở mắt mình nữa. Một dãy lò gồm gần một chục cái nay chỉ còn còn hai cái. Trong đó chỉ có năm sáu người thợ làm việc không lấy gì làm thoải mái. Gần hết phần còn lại của cái lán đã biến thành một cái chuồng nuôi cúc. Chị nhìn sang những nhà bên cạnh. Hình như cũng vậy cả. Không chuồng cúc thì chuồng gà, chuồng heo. Có vài chỗ đã bày bán ba thứ hàng lăng nhăng mà chỉ người trong xóm mới dùng, kể cả mắm nuối, tương cà.

- Hàng ế quá con ơi- Cha cô lại rên rẩm. Ruộng đồng người ta không còn cần đến dao, rựa của mình nữa rồi. Hai cái lò mà nhiều khi bán còn không hết hàng. Làm làm gì nhiều con.

Thì ra chị chẳng biết gì về xóm mình hết. Từ ngày lấy chồng, suốt ngày quanh quẩn với cái bếp và những đứa con, chị đâu có biết đến những chuyện xung quanh. Bây giờ ngẫm ra mới thấy. Buổi sáng không còn nghe tiếng búa râm ran như ngày xưa. Tiếng gà gáy bây giờ nghe rộ hơn vào lúc sớm mai. Xóm hình như bây giờ cũng vắng hơn. Vắng cũng phải thôi, khi những lò rèn khép dần lại, người trong xóm phải lo đi kiếm việc làm nơi khác. Chị hỏi cha mình, mới biết phần lớn lớp trai gái trẻ trung đã đi bung đi khắp tỉnh, xuống cả Sài Gòn tìm việc kiếm sống. Không còn thấy những cây dao, cây rựa, luỡi hái chất chồng từng đống trong lò như ngày xưa nữa. Mới chỉ có mấy năm mà đã thay đổi như thế này sao? Chị lẳng lặng nhận từ tay cha một ít tiền rồi về. Tất cả đồ nghề của anh được xếp vào một góc, tháng năm phủ lên đó một lớp bụi dày và chằng chịt váng nhện chăng. Căn nhà biến dạng dần theo những đồng tiền trong nhà mỗi ngày một ít hơn. Khi anh còn khoẻ mạnh dẫu sao căn nhà cũng có cái vẻ vững chãi. Nhưng khi anh nằm xuống, nó nhanh mòn hơn, nhanh rách hơn và bắt đầu có những nơi muốn rã ra. Rồi chị cũng phải kiếm việc làm. Bây giờ ở vài con hẻm của thị xã này nhiều người đã quen hình bóng chị. Một người đàn bà bé nhỏ, quần áo rộng thùng thình, lê đôi giày bảo hộ lao động lơn hơn bàn chân, lẹp xẹp bước dọc đường với mấy cái bao lớn trên vai. Đến trước cửa mỗi nhà, chị cúi xuống lượm những bọc rác mà người trong nhà thải ra, tống vào những chiếc bao bố, vác tiếp lên vai mang ra chiếc xe rác đậu chờ ngoài đầu những con hẻm.

Ở đấy, trước khi trút những thứ không còn sài vào việc gì nữa vào chiếc xe há miệng chờ sẵn, chị làm cái việc mà hình như rất ít người làm. Đó là: lục tung các bọc rác, lượm lại những gì tận dụng được. Mảnh ni lon, cái chai thủy tinh, chai mủ, những hộp lon, những chiếc tách sứt miệng, những cái chén mà nhà người ta chê, những mảnh sắt vụn. Khi về đến nhà, chị phân loại thêm một lần nữa. Thứ nào bán không được thì để ở nhà sài. Thứ bán được thì vài hôm chị mang đến vựa một lần. Thứ năm ngàn, thứ ba ngàn, gom gom cả tháng cũng được năm, bảy chục ngàn. Tháng nào khá thì được hơn trăm ngàn. Năm bảy chục ngàn hay cả trăm ngàn với người khác thì chẳng là bao, nhưng với chị, đó là một tài sản. Nhờ nó mà lâu lâu có bữa ăn tươi cho những đứa con còn nhỏ hoặc chi sài vào những việc mà gia đình nào cũng cần đến như manh quần tấm áo. Còn lương của một công nhân vệ sinh, có đáng là bao. Ngày chị mới đến xin việc, cái việc mà không mấy người muốn xin, công ty vệ sinh thị xã đã xếp cho chị việc như bây giờ chị vẫn làm là gon rác những nhà trong hẻm. Dẫu sao vẫn là công việc làm vào ban ngày. Còn quét rác đêm, bỏ mấy đứa nhỏ cho ai.

Chị dựa chiếc xe treo cồng kềnh mấy cái bao vào cái cọc rào ngay trước cửa nhà. Tiếng anh lại nhắc chị:

- C…ơm nấ…ấu…ồi đó…

- Biết rồi. Để chờ mấy nhỏ về rồi ăn luôn thể

            Chị trả lời và đổ tuông những thứ mang từ những bọc rác về ra ngay giữa sân, ngay trước mặt anh. Bàn tay chị thoăn thoắt nhặt cái này, lượm cái kia chất thành từng đống riêng biệt. Tay chị làm, miệng chị nói. Chị kể tất cả những gì chị thấy trên quãng đường đi trong những con hẻm cho anh nghe. Chị không phải là người nhiều chuyện. Chị nói vì chị thương anh. Suốt một buổi sáng ngồi một mình gần như cố định trên cái ghế trước cửa, trầm mặc, không nói, không cười. Chị biết đầu óc anh vẫn còn tỉnh táo, vẫn có thể tiếp nhận sự thương yêu của vợ con. Có điều, anh không thể thể hiện được những điều mình biết với mọi người trong nhà.  Một lần anh đã làm chị giật mình. Khi tay chị đang lựa từng thứ một trong mớ hổ lốn mang về thì anh bước lại. Chị cảm thấy có một cả giác nóng hổi phía sau lưng. Chị quay lại. Không biết bằng cách nào anh bước được xuống sân và lẳng lặng đến bên chị từ lúc nào. Chị la lên:

            - Trời đất ơi, xuống đây làm gì chớ. Ngồi yên trển cho tôi nhờ…

            Đông không nói không rằng ngồi xuống cạnh chị, lát sau vất vả lên tiếng:

            - Ngh…e , ti…ếng sắt…keng…ke…ng…

            - Sắt thép gì nữa ông nội…

            - Thiệt …mà… sắt… keng…keng… làm đựơ…ợc mà…

            - Làm được là làm gì?

            - Cây…ké…éo…

            - Kéo?

            - Bu..úa…, kề…ềm…

            Chị nghĩ anh bị sảng. Cái búa, cái đe, sắt thép từ thuở nhỏ, những âm thanh của một cái lò rèn đã ngấm vào tiềm thức anh. Nó bám dai dẳng trong con người anh. Có gì khác đâu trong cái xòm Lò Rèn nghèo khổ này của chị, ngoài bú đe sắt thép. Nhỏ một chút đã ngồi bên lò. Tay cầm được đũa đưa cơm vào miệng là biết cầm cây búa, cây kềm. Tay vừa cuộn bắp đã đứng xoạc cẳng, chân trước, chân sau thật vững để quai những nhát búa xuống đe. Đông cũng vậy thôi. Cho đến khi cái óc búa kia rớt xuống ót, Đông chỉ biết thêm một việc nữa là ngủ với vợ và đẻ ra những đứa con. Lúc sinh thằng con đầu, Đông đã la lên: " Rồi, rồi, thêm được thằng thợ cả rồi…Ê , đẻ thêm vài thằng nữa cho đủ nguyên bộ một lò rèn nghe". Nên lúc này, chị nghĩ: nghề rèn ăn sâu vào trí nhớ của Đông nên Đông mới kêu sắt thép, kềm búa thôi. Nhưng không chiều anh sao được. Chị chui vào cái đống đống nghề sét, rỉ, dăng mắc váng nhện kia lôi ra cho anh vài thứ còn ném cả đống trong đó. Anh đòi một cây kéo nhỏ, cây kéo ngày xưa anh đã từng rèn để bán cho người ta. Chị phải thêm một lần nữa rúc vào trong đó. May sao, còn được mấy cây ngày đó rèn dở chưa thành. Chị cũng mang ra cho anh. Chị ngạc nhiên khi thấy anh cầm những thứ chị vừa mang ra. Bàn tay bấy lâu nay chỉ dùng để gãi vu vơ trên đầu, luồn ép vào giữa hai đùi hay nhiều lắm là bắc cái nồi lên bếp của anh sao bỗng linh hoạt hẳn lên. Anh lượm mấy hộp lon bia, gom lại trước mặt. Tất cả ngay đơ, chỉ có hai bàn tay là hoạt động. Ngày xưa làm vợ, có mấy khi chị thấy anh làm việc. Còn hôm ấy, chị mới thấy bàn tay anh thực khéo léo. Những miếng hộp lon rớt lả tả xuống sân. Rồi nó biến thành nhữngchiếc lá, những cánh hoa từ những ngón tay vuốt rất nhẹ của anh. Một cành hoa bằng miếng lon. Những cánh hoa mềm mại, những chiếc lá xinh xinh. Chị không còn tin vào mắt mình nữa. Bàn tay anh giống như có ai đó đang dìu đi, uốn lượn nhẹ nhàng. Và hình như anh cười. Làn da dày trên mặt anh thoáng hừng lên một chút khi sắc của người tỉnh táo.

 

            Chị lượm về cho anh nhiều hộp lon hơn. Không phải chị muốn anh làm việc mà muốn được nhìn thấy thoáng chút thần sắc trên gương mặt anh như hôm đó. Rồi những bông hoa anh làm ra không còn là thứ vô tri vô giác, khi có người gợi ý cho chị, biểu anh kết chúng thành những vòng hoa tang. Lúc đó hoa tang bằng những hộp lon bia còn có thể bán được. Khi những bông hoa tươi còn chưa hợp với túi tiền của nhiều người. Khi nhiều gia đình còn muốn lưu lại những vòng hoa thêm một  thời gian nữa trong nhà để tưởng nhớ đến những người đã mất. Còn bây giờ…anh lại ngồi không trên chiếc ghế trước cửa. Im lặng chờ đến giờ nấu cơm, chờ vợ về và chờ cả những đứa con đang còn lang thang đâu đó để bán từng tấm vé số. Còn chị, chị lại phải nói nhiều mỗi khi về đến nhà để anh nghe được tiếng người. Người sống với người mà không nghe được tiếng nhau thì còn gì là giống người nữa.

            Nhưng hôm nay chị vừa lên tiếng thì nghe tiếng anh:

            - Ki…ếm được…sắ…ắt không…

Hộp lon với anh cũng là sắt thép vậy.

- Không. Làm gì có. Ngày xưa trong cái hẻm số Một bên phường Ba, có một ông vẫn thường gom hộp lon cho tôi. Nhưng bây giờ không có nữa rồi. Anh hỏi vì sao hả? Biết vì sao? Tôi nghe người ta nói ổng đi tù rồi. Lại hỏi nữa? Biết làm sao người ta đi tù? Tội nghiệp thực chớ. Hồi trước, bữa nào nhà ổng nhậu, ổng đều gom hộp lon lại. Sáng sau trao tận tay cho tôi. Ổng biểu: để ra ngoài người ta lượm mất. Thì người ta thường gom rác bỏ vào bịch để ngoài cổng. Tôi chỉ việc gom lại vô bao bố thôi. Anh có biết hồi con Dao còn nhỏ chớ gì? Mấy hộp sữa cho con nhỏ uống hồi đó là ổng cho đó. Người ta quá đát, chớ mình có mà uống là tốt rồi. Người ta nói ổng buôn lậu biên giới. Ui da, làm ăn có trăm đường. Ổng có sai là sai với nhà nước, chớ với tôi, ổng tốt hết sức. Bây giờ qua hẻm đó, tôi vẫn ghé nghe ngóng coi ổng ra sao. Mình thì giúp gì được cho người ta, mà anh hỏi… Mà anh hỏi hộp lon làm cái gì nữa. Hoa bây giờ người ta dùng hoa tươi không hà. Làm rồi bán cho ai. Thấy bây giờ cái gì cũng khác. Hồi xưa cũng ở cái hẻm Một, bên phường Ba đó, rác của mấy ông mấy bà giáo viên thấy toàn là cọng rau không hà. Bây giờ có nhà ngày nào tôi cũng phải dọn cả bao vỏ sầu riêng. An mỗi ngày. Tiền nhiều lắm mới dám ăn thế chớ. Con mình thèm rỏ dãi, cũng có đâu mà ăn. Cả mấy ông thợ hồ nữa. Rác ngày xưa của mấy nhà đó cũng cọng rau. Hôm nào nhậu thì có mấy cái vỏ ốc, vò ổi, vỏ trái me. Thế mà bây giờ thấy có cả mu cua, xương gà nữa đó anh. Thôi mà đừng có hỏi hộp lon nữa. Chẳng làm được cái gì đâu. Ngoài tiệm bán đồ ma chay, mấy vòng hoa của anh làm từ hồi nào đến giờ còn ế đìa. Bán cho ai được đâu. Nhà mấy người hẻm bển làm việc cho công ty này nọ, rác của họ thấy mà ham. Áo quần gì đó, còn lành, hơi sờn sơn chút là bỏ. Thì nhà mình đâu có mặc được. Anh không thấy mấy bữa trước tôi giặt cả mớ đó sao. Tôi gom mấy đồ lành lặn đó chuyển cho bên Chữ thập đỏ. Thiếu gì người mặc còn chưa lành. Bỏ uổng…Thôi mà, anh cứ ngồi trông nhà đi. Trưa về có cơm cho mẹ con tôi là được rồi. Thiệt, tôi gom rác mỗi ngày, nhìn vào những bịch rác là biết nhà người ta giàu nghèo sao rồi. Mà sao anh vẫn cứ đòi phải có hộp lon cho anh ?

 

Vợ Đông nói luôn miệng như mọi ngày. Chẳng biết anh có hỏi hay không , mà chị cũng không nghe tiếng anh hỏi, nhưng chị cứ đặt ra những câu hỏi mơ hồ như vậy mà chuyện trò luôn miệng với anh. Coi như vợ chồng đang tâm sự vậy. Với chị, cả ngày rong duổi trên những con hẻm, trên đường phố, có mấy khi được nói chuyện với ai đâu. Lủi thủi đi, âm thầm cúi xuống lượm những bọc rác, lặng lẽ vác đi, một mình lựa ba thứ còn sài được trong những bọc rác kia. Về đến nhà nói cho đã miệng. Nhưng hôm nay, chị có cảm giác là anh đang hỏi chị thực. Linh cảm của người vợ làm cho chị thấy được điều đó. Nên chị cứ phải ngăn hoài chuyện anh hỏi đến những hộp lon. Rồi hình như không thể chịu được nữa cảm giác bi anh hỏi, chị hỏi lại:

- Nhưng hộp lon bây giờ anh làm gì?

- Ho…a…

- Đã nói hoa bây giờ bán không ai mua còn hỏi.

            - Khô…ô…ông bá…án…

            - Không bán thì làm làm gì?

            - Ch…o… ừơi  ca

            - Trời đất! Cho người ta. Ai người ta lấy mấy cái vòng hoa tang về nhà làm gì chớ?

            - Kh…ôn…ông. Là…uờ …i  …ghè…èo. Có…gừ…ời chê… ết, …ình ch…o. Gư…ời…ghè…èo…ết…c…có ho…a sắ…ắt à qú…ý ồi…

            Vợ Đông ngồi chết lặng đi. Anh biểu làm hoa sắt đem cho nhà người nghèo khi họ có người chết…Thôi được rồi từ ngày mai chị sẽ ráng kiếm cho anh những hộp lon…

            Những ngày sau đó, ai có qua nhà vợ chồng người thợ rèn vẫn thấy một căn nhà vắng bóng người. Đông ngồi như khúc gỗ trên chiếc ghế cao không cao mà thấp cũng chẳng thấp. Trước mặt anh là cái bàn nhỏ. Trên đó có những hộp sơn, mấy cây cọ, cây kéo, chiếc búa nhỏ, những vòng dây kẽm và những hộp lon. Chỉ có hai bàn tay là làm việc. Đôi bàn tay như không phải của anh mà là của một người thợ tài ba nào đó. Rồi những chiếc lá, những bông hoa hiện ra như có một phép thần. Vài hôm lại có thêm một vòng hoa tang. Đúng là bán thì chẳng ai mua, nhưng vẫn cứ có người cần, nên lâu lâu anh lại phải làm thêm một vòng khác. Khi thì chị mang đi viếng ai, khi thì có người đến xin về cho ai đó mới chết. Hầu hết là những người không thể mua được những vòng hoa tươi.

            Những lúc như thế, trên gương mắt có lớp da dày, thô, sần sùi của anh, ánh lên một chút thần sắc.

 

Rạng sáng 25-6-2004

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 3382
Ngày đăng: 30.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người năm cũ - Nguyễn Ngọc Tư
Giận cá chém thớt - Trương Hoàng Minh
12 câu chuyện của những người chăn vịt.(trích chuyện thứ 1) - Vũ Hồng
Tân kỳ đồ tể truyện - Nguyễn Đức Thiện
Bài tập về nhà - Phạm Khánh Liêm
Tửu địa - Phạm Lưu Vũ
Trả lại tôi mùa đông - Trần Kim Trắc
Ước mơ trong mỗi cuộc đời - Thảo Bích
Kẻ lạ ở trong nhà - Vũ Đình Giang
Lưới tình - Trương Hoàng Minh
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)