Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
832
116.622.550
 
Cội nguồn
Dương Ðình Hùng

Cuối thu vùng trời Bắc Mỹ đổi thay sắc lá. Vàng, đỏ, hồng tím phủ hết mọi nơi. Nhựa lá cây như  bị cuốn lui theo dòng nhựa sống, cuốn vào thân, cuốn sâu vào cội rễ dưới lòng đất. Giờ đây lá xanh tươi chuyển màu đổi thay với gió lạnh thu về. Sắc màu óng ánh đổ vàng chuyển đổi theo từng vùng khác nhau tại Canada và Hoa Kỳ.

 

Hàng ngàn ngàn hồ to nhỏ nối liền Ngũ đại hồ, một phần ranh giới giữa hai nước. Cuối thu dưới làn nước trong, từng bầy cá già nua đang tìm kiếm những con suối thân quen kéo nhau về cội nguồn xưa, để sinh sống nẩy nở. Chu kỳ đời cá vài năm, một đời cá qua đi, đôi khi còn sót lại xương trắng trôi theo dòng nước.

 

Hình như tôi đã ngồi khá lâu nhìn cảnh tang thương, cảnh đời cá Vượt giữa công viên Harrison thành phố Owen sound. Thành phố nhỏ hai chục ngàn cư dân, nằm bên bờ hồ Geogre, đông bắc Toronto. Bờ hồ kéo dài xa thẳm, khó thấy bờ bến bên kia, vùng vịnh Parry. Phố nhỏ nằm trong thung lũng được vây kín hàng chục nhà thờ Tin lành, Thiên chúa giáo, có dốc cao nghều nghệu làm phố chính... Người ta làm khá nhiều đập ngăn nước (damp) cao thấp khác nhau, tạo ra dáng dấp khác nhau, cao 2 - 3 mét. Đàn cá vài chục ngàn con, to khoảng chân người ta, lúc nhúc xô đẩy nhau nhảy tràn lên thác trước làn nước hung hãng chảy xiết. Hằng hà lớp cá cuốn cuồn trên sóng nước. Mùa cá Salmon vượt lúc cuối thu. Đời cá chập chờn giống đời người, khi già nua thích lui về chốn cũ. Đám cá đen bóng biểu diễn lộn nhào vui mắt cho đám người nhàn rỗi nhìn ngắm tiêu khiển. Va chạm mạnh trên khối đá, trên tảng xi măng cố hàng rào kẻm, cố gắng trườn tới dưới làn nước chảy xiết. Cá mệt lừ, nằm phơi mình ngửa bên hòn đá xanh, thoi thóp phơi luôn bụng bầu, nhìn trời đất vàng úa. Loài cá này chu kỳ sống khoảng 4 - 5 năm, cuối đời ráng lội về nguồn cội để sinh đẻ, tái sinh một kiếp cá khác ch đời, để rồi chết. Đời cá ngắn ngủi. Xương cá rã rời dưới dòng suối xanh, có luôn chú cá đuối sức mang nhiều đường máu màu tươi đỏ, nhầy nhụa trên mình. Lắng nghe tiếng kêu thảng thốt gọi bầy, âm vang kỳ lạ của loài cá. Am thanh não nùng khác với tiếng ầm ầm dòng thác đổ, khác tiếng chim rối rít trên trời cao. Im lặng ngồi cạnh con suối khu rừng suốt buổi sáng nghe tiếng réo vang động gọi nhau.

 

Cá lặn lội về nguồn. Nguồn cội trong cuối khu rừng sâu thẳm kia. Con suối đang thu hẹp dần, hẹp tận núi xa.

 

Đất nước Canada, người dân ít ăn cá sông hồ, họ chỉ thích ăn cá biển. Cá ngũ đại hồ ít ai thèm ăn, vì ô nhiễm của bao nhiêu nhà máy giấy, máy luyện kim của tiểu bang Newyork, của tiểu bang Outario đổ xuống... Người người đứng dọc theo con suối câu cá, tìm một chút thỏa thích. Cá câu lên vài ký, móc lấy buồng trứng rồi ném cá xuống lại sông nước. Xác lại được trở về vùng đất đã nuôi dưỡng cá lớn lên. Cá chết mốc meo nằm chung với vô số lá khô héo, mới hôm nào nhựa sống xanh non bị hút mất, đổi màu, lá rơi rụng xuống dòng sông suối. Đâu còn vàng xanh đỏ tím, giờ là màu khô héo rã rời. Vài con chim trắng thẫn thờ nhìn cảnh đời trước mặt.

 

Trên trời vô số chim bay về Nam vùng trời ấm áp, trốn trời Đông tuyết sắp về. Vài con chim biếng nhác còn lãng vãng lại. Ccchính phủ khuyến cáo dân không nên ném thực phẩm cho chim ăn, cho chim ăn làm chim biếng nhác, không chịu bay về Nam. Không bay vì chim còn luyến tiếc vùng đất đó, vì tuổi già nua làm sao bay nhảy nữa.

Hàng triệu triệu con cá dưới sông hồ, dân không chịu ăn cũng chẳng biết làm gì. Mùa thu có lắm đổi thay với chim cá cây. Mùa thu này có triệu người tỵ nạn da đen Phi châu vì cái chiến tranh vùng Hutu, Anglola... Cá đen già nua trốn xa những nỗi khổ trên đời thời trai trẻ tung tăng dưới biển hồ, giờ đây lúc nhúc xô đẩy chọn một con đường gian khổ, vượt qua nhiều đập cản quay về cố quận. Người da đen nơi xa kia cũng thế đang nối đuôi nhau tìm lẽ sống. Cảnh tượng lạ lùng chim cá cây lúc cuối thu.

 

Trời đất bao la, hồ George lớn rộng mênh mông. Bề ngang hồ dài vài trăm kilômét. Mất nửa ngày trời lái xe dộc theo bờ hồ, tới được bên kia, vùng Parry sound, vịnh có 30.000 đảo nhỏ. Trên mỗi đảo là giang sơn riêng của từng người nghỉ ngơi khi hè đến, vắng lặng lúc Đông về.

                                                             x

                                                 

Chia tay với suối rừng, với lá cá chim trở về lại thành phố. Dạo phố, lang thang trên phố lạ, nghề của những kẻ nhàn du, thất nghiệp. Dừng lại sau một đoàn người vài trăm người, họ nối đuôi nhau trên con phố Spanida, trước ngôi nhà sang trộng kia. Đường Spanida có phố Tàu Đông, Phố Tàu lớn nhất Torôntô, lắm người Việt nép mình bên dưới, sống hòa lẫn trong phố. Phố có nhiều rác rưởi nhất trên lề đường, trong một thành phố sạch này. Rác, thói quen của khá người châu Á buôn bán tràn trên lối đi, của cá tôm xen lẫn người rau cải trên hè phố. Phố nhìn thấy được lâu đài kiến trúc cổ kính tiêu biểu nằm trung tâm Viện đại học Toronto, phố thấy quán phở hủ tiếu người mình. Phở nơi đây người Việt làm chủ không như ở Paris. Chủ phở Pasteur, phở Bắc trong quận mười ba xứ Tây kia, có trên 80% là người Hoa làm chủ. Họ thuê người mình nấu mây năm đầu, mấy năm sau cho nghỉ việc khỏe người.

 

Một phút rảnh rỗi của ngày tháng nhàn hạ nơi đây, tôi dừng lại xếp hàng theo đoàn người trước mặt. Có cơn mưa bụi, có nhiều tàn úa rơi rụng phủ lối đi.

Có nhiều màu tóc khác nhau trong đoàn người dài hơn 100 mét đó. Tóc nâu, bạc, tóc đen trên những lớp da đen trắng vàng. Trăm cộng đồng khác nhau tới định cư xứ sở an bình này. Nếp nhăn cố nhiều trên khuôn mặt người xếp hàng của một đời lận đận với miếng ăn. Mất nửa giờ tôi tò mò len được đến cổng vào ra của ngôi nhà. Ngôi nhà của chính phủ, nhà hàng ăn dành cho những ai không kiếm được bữa ăn trưa tối khỏi mất tiền. Tách khỏi đám đông và biết được một điều mới mẻ. Chính phủ không muốn nhìn thấy thây ngươi đói ăn chết vất vưỡng trong phố văn minh.

 

Nhớ lại, hơn chục năm trước, lần đầu tiên khi đến Hà Nôi. Thuở đó, tôi đã xếp hàng trên phố Tràng Tiền buổi có mưa Thu. Đoàn người dài lắm, lạ lắm. Cuối cùng khi đến phiên mình, thấy được mặt cô mậu dịch viên, mặt cô lạnh tanh đang bán cho từng người từng cây kem lạnh. Tôi tách ra khỏi đoàn xếp hàng, quay về phía bờ hồ tìm một tách cà phê. Đời sống vật vã, biết được thêm cái gì mới đều tốt cả. Phố Tràng Tiền xưa, làm cây cầu trên sông Hương cũng bị đổi tên, không còn mang tên Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp. Liệu trường học đổi thành tràng học thì khó coi lắm. Thời gian hôm nào đi qua mau. Thành phố Toronto được xếp vào loại có cuộc sống tốt nhất thế giới vẫn không thoát lắm người nghèo khổ.

                                                             x

                                               

Sáng  trời se lạnh, ngồi nhấp nháp bên ly cà phê nhìn ra khung cửa, bên ngoài con đường nhỏ, lá vàng phủ kín. Mấy đứa cháu chạy xuống cầu thang, la lớn từ giã mọi người "Bye, bye..." rồi ù chạy khỏi nhà để đến trường.

Chiều chiều, tụi nó từ trường trở về, lại giơ tay lên trời la "Haii, haii...", rồi chạy vào buồng riêng xem ti vi, học bài. Điệp khúc đám trẻ chỉ là thế.

 

Đời sống cũng lạ, ngay cha mẹ chúng nó cũng bận bịu tối ngày, ít gặp mặt nhau. Kẻ đi làm ngày, người đi làm đêm, đâu có thì giờ dạy con nói tiếng mẹ đẻ. Ngôi nhà nào, có đứa bé nói sỏi tiếng quê mình, là hạnh phúc và lạ lắm. Cứ mỗi lần bảo tụi nhỏ nói thử một câu tiếng Việt, cái cội nguồn cha mẹ nó, đúng là một chuyện cực hình. Tụi nhỏ gần như giống nhau, nhìn láo liêng, ấp a ấp úng, rặng nói vài chữ là mặt đỏ rồi né chạy đi chơi nơi khác. Am thanh "bye, bye... haii, haii, như một điệp khúc mới trong vùng đất mới.

 

Nhớ lại, tuần qua, tôi ghé thăm Quang Hưng người bạn cũ thời đại học. Anh giờ trắng trẻo, người gầy đặc biệt khi nói chuyện đôi mắt anh buồn như ngôi nhà anh ở. Cn chó trắng mập gầm gừ nhìn tôi. Anh đến quàng vai tôi, tâm sự. "Giờ mình đã trên 50, ít người thuê mình đi làm, nên đành thất nghiệp, chỉ có bà xã trẻ nên dễ kiếm việc làm hơn. Suốt ngày loanh quanh trong ngôi nhà này, thật là chán đời !".

 

Anh mời tôi uống ly bia, vừa loay hoay làm cơm chiều cho vợ đi làm về, thỉnh thoảng nhắc chuyện cũ quê nhà anh ở miền Trung. Nhắc lại chuyện xưa hai đứa chạy xe lên đỉnh đèo Yên ngựa nhìn xuống Sông Cầu, rừng dừa chập chờn phủ kín vịnh sâu, nhắc về biển Đại Lãnh được nhìn từ đèo Cả, nhấp nhô sóng biển, xa xa biển chùng chùng như bậc thang, ngăn chia bởi núi. Biển một nơi được xếp vào bậc nhất thế giới vì đẹp, vì khí hậu, vì cát trắng mênh mông...

 

Con chó trắng vụt chạy ra cửa, nó sủa lớn. Cánh cửa mở, nó ùa nhảy vào lòng người đàn bà mặc áo xanh, bà xã anh Quang Hưng đi làm về. Chị hôn hai bên má nó, âu yếm ẵm trên cánh tay mình. Chị chào mọi người, ẵm chó lên lầu thay đồ tắm rửa. Lát sau chị trở xuống rồi hàn huyên tâm sự, ăn cơm tối. Chị cáo từ đi ngủ sớm để ngày mai đi làm sôứm. Tôi phụ Quang Hưng dọn dẹp rửa chén bát lắng nghe anh tâm sự tiếp "Nhờ Toa tới chơi, nên bà xã còn xuống nhà nói chuyện, ăn tối nên bớt buồn. Cố hôm bà về, hôn chó, rồi ẵm nó lên lầu ngủ, không buồn ăn tối, chẳng ngó ngàng gì đến tôi. Nghĩ lại con chó tốt phúc hơn tôi nhiều !".

 

Một tháng trôi qua rồi trong thành phố lạ, chiều tôi và William thường thích ghé lại quán rượu "MaMi" đầu đường phố Kengsinton. Quán nhỏ có hai người phụ nữ Việt Nam làm chủ, cố tyên "MaMi". Chút là lạ trông quán nhỏ.

Tụi Tây ở đây khi vào quán luôn gọi Ma Mi, Ma Mi... đám người uống rượu có khá nhiều nguồn gốc khác nhau : Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, người đen gốc Phi, Comlômbia... những gã đàn ông lớn tuổi ăn trợ cấp chỉ biết uống rượu suốt ngày, rồi nói chuyện tầm phào. Cái chung nhất có lẽ là quán cho đám hưu già thiếu tiền, cuối tháng lãnh trợ cấp rồi mới thanh toán. Chủ quán là người phụ nữ trung niên trên 50, người Việt gốc gác Hải Phòng. Hình như bà ta không biết đọc chữ, nói tiếng Anh học được vài chữ số, nói được tiếng ôkê, hêlô chào nhau...

 

Một gã da đen  bước vào quán, chào MaMi, hắn chỉ trỏ, nói quơ chân tay lên xuống. Tôi nghe giọng trả lời của bà chủ quán "Okê, ôkê". Ma Mi đưa 9 ngón tay về phía trước, rồi chỉ ba ngón tay xuống đất, bàn tay vòng vô như vẽ bùa phép. Không hiểu Ma Mi nối cái gì ? Tôi hỏi Ma Mi :

"Chị nói gì tôi không hiểu".

Ma Mi cười nhếch cái môi đỏ giải thích :

"Hắn mua 9 cái chả giò, 10 chai bia, chia làm 3 túi để đem về".

Đúng là ngôn ngữ riêng trời mới hiểu. Cô cháu đang chùi nền nhà, nhoẻn môi cười. Họ chỉ có hai người trong quán bia phố Tây này. Chất phác ngây ngô từ jhuôn mặt. Sống được giữa phố thị đông người, tiếng Anh - tiếng U không biết là bao, dám mở quán rượu bán cho Tây, thật là tài giỏi. Cô gái nhỏ gọi Ma Mi bằng cô. Tuổi đời khoảng mười bốn, mười lăm. Tôi hỏi :

"Quê em ở đâu".

Coo gái nhỏ cười tươi, giọng nói miền Trung :

"Quê em cách thành phố Đồng Hới khá xa gần Đá Nhảy. Theo Ba ra Bắc, làm cho cô nhiều năm rồi".

Em không đi học ?

Cô gái xinh đẹp lắc đầu, hất tung mái tóc dài buông lơi thấy được cái cổ cao trắng. Sâu trong đôi mắt long lanh, ước mơ một điều gì ? Cô nói :

"Em mong kiếm tiền gởi về cho ngoại và má bớt khổ ở Quảng Bình". Thoáng hiện hình ảnh quê nhà cô gái là vùng đất xa, vùng đất bên này sông Gianh. Sa mạc cát trắng kéo dài hằng mấy chục cây số có người và có rặng phi lao. Biển và dãy Trường Sơn cùng nhau ép chặt con người muốn ngộp thở. Họ bám nhau theo con  lộ một, có con sông Nhật Lệ, gió biển nóng hừng hực đốt cháy da người khi hè về, biển dâng trào lúc đông tới.

 

Hai cô cháu như đôi chim "Rột rột" nhốt trong lồng nhỏ réo gọi cùng nhau suốt ngày giữa thế giới bao la. Họ đôn hậu, thuần lương chất phác  như người đàn bà quê. Nhanh nhẹn nấu ăn, dọn dẹp, thu tiền. Tiếng Anh, tiếng bồi, tiếng Bắc Trung ... cười nói không ngưng. Họ những con người tử tế vui tính.

 

Ngày đầu tiên khi mới gặp tôi, họ không tính tiền ăn tối khi biết là tôi từ Việt Nam qua chơi. Nhiều lần sau họ ân cần mời mọc. Họ muốn nghe chuyện trong nước, chuyện thành phố Nam chưa lần ghé đến. Họ mời ăn cua luộc, con cua lớn bằng bàn tay cô gái nhỏ, họ nhắc đến con cua trên biển Đồ Sơn thuở trước "Ma Mi" sống thời trai trẻ. Ăn cua nhớ sóng vỗ về. Họ mời ăn bánh chưng, bánh tổ nói chuyện đền Hùng ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phú... leo ngọn núi Tam Đảo nhiều sương mù. Họ khác người là không nhắc lại quá khứ thê thảm buồn đau của mình, họ sống hiện tại, mơ ước tương lai có ngày trở lại một lần thăm viếng. Họ hạnh phúc cười ròn rã trong vòm cung quán rượu xứ Tây.

 

Họ mời tôi ăn bánh Trung Thu. Ngày rằm tháng tám mình chẳng hay. Ngoài trời đen tối không sao, nhà ccao cao che hết chị Hằng. Có nhiều đời người nơi đây chẳng bao giờ thấy Trăng. Cuộc sống khó khăn vô ngàn, phải đi làm lúc hừng sáng, phải làm một hai ba jobs. Đêm về ánh đèn đường thế ánh trăng. Đêm về mệt nhoài ngủ cho nagỳ mai. Thú ngắm trăng đi vào quá khứ mất rồi.

 

Bánh Trung Thu nhỏ bằng một phần sáu bánh quê nhà. Để vào microway hâm nóng, ăn một miếng là xong. William và tôi ngồi trên quầy rượu lãng đãng nhìn ra ngoài ô cửa. Cuối quầy có hai lão đang nói chuyện bằng tiếng latin. Họ khách quen thỉnh thoảng nâng ly chào   nhau. Có lão già người Việt tháy mặt nơi đây mỗi ngày. Lão mê mệt "MaMi" rồi. Mở túi da, tôi đưa Ma Mi băng cassette thâu thơ nhạc đem từ trong nước.

"Chị mở nghe cho vui đêm Trung Thu".

 

Âm vang thơ buồn xa vắng, có phần hát Quan họ. Bà chủ lắng nghe im lặng, đứng dậy bước ra ngoài đóng cửa quán, rồi trở lại ngồi sau quầy trầm ngâm lắng nghe thơ. Chẳng đón khách thêm.

Đêm hôm đó ngồi đến khuya. Bên ngoài thu lạnh vắng người. Mấy người  khách Tây im lặng nghe thơ. Khuôn mặt "MaMi" buồn xa vắng, thơ thẩn không nói một lời. Mê lộ kiếp người phải gặp. Giờ là cuối Thu rồi, tôi nhớ lại bầy cá Salmon kéo nhau về nguồn, lá vàng lả tả rụng rơi về cội, đàn chim réo gọi tìm chỗ trú Đông... trong đôi mắt "MaMi" ửng hiện màu đỏ long lanh, có giọt nước mắt trong lăn dài xuống trên đôi má có chút quầng thâm. "MaMi" đang nhớ về cố quận xa.

 

Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 2489
Ngày đăng: 03.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quê hương ở đâu? - Thu Nguyệt
Bạn nhậu cũ - Nguyễn Ngọc Tư
Nhớ tím - Phạm Minh Châu
VIỆT NAM trong tim - Dương Ðình Hùng
Quán nhớ - Nguyễn Ngọc Tư
Sành điệu hay đua đòi - Tâm Việt
Hiên trước nhà một bà già tốt bụng - Nguyễn Ngọc Tư
Lưu lạc một vần thơ - Dương Ðình Hùng
Những đôi mắt ngóng trông - Dương Ðình Hùng
Mật ngọt của rừng - Tạ văn Sĩ