Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
720
116.540.034
 
Ấm Nghi Hưng, Trà Thạch Hãn
Trần Kiêm Ðoàn

Đêm như một tấm màn mỏng của bóng tối.  Gặp người tri kỷ, đêm dài qua nhẹ như sương.  Tiếng gà gáy sáng từ trong xóm lại cất lên.  Một đời vua Nguyễn đi qua nhưng tiếng gà vẫn thế.  Tiếng gà cũng nhắc nhở hương trà buổi sớm mai. Phạm Xảo vốn đã quen với quán tính lâu ngày, sau tiếng gà vừa dứt, ông đứng dậy nhóm lửa pha trà.

 

Trí Hải ngạc nhiên một cách đầy thú vị với bộ khay trà cổ nhưng chưa bao giờ được bày ra.  Một cái ấm cổ có hình một con ngựa, một bên có con khỉ đứng nhìn tổ ong. Trí Hải nhìn say sưa cái ấm cổ và buột miệng:

- Mã thượng phong hầu?! (Con ngựa ở trên con ong và con khỉ).

Phạm Xảo đắc ý, trả lời:

 

- Khen cho con mắt tinh đời! Đúng vậy, hoàng thân ạ. Đây là một ấm trà tử sa Nghi Hưng tối cổ.  "Mã thượng phong hầu" là một câu chỉ để gọi tên ba con vật trên ấm trà, nhưng đấy là một lời chúc ngắn gọn mà cao sang, đầy khí thế của con nhà tướng ngày xưa.

- Tử sa? Tôi chỉ biết Nghi Hưng là một huyện thuộc tỉnh Giang Tô, gần Thượng Hải.  Ở đó có một thứ đất sét rất mịn, chứa nhiều thạch anh và nhiều chất thiên nhiên đặc biệt khác nên được dùng làm ấm trà không tráng men nổi tiếng vào bậc nhất trong nghệ thuật chế tạo ấm trà của Trung Hoa.  Nhưng tử sa là gì?

 

- Tử sa là cát tím. Ấm trà làm tại Nghi Hưng có ba màu chính là màu vàng sậm (màu gan gà), màu đỏ sậm (màu da chu) và màu nâu thẫm ngã đen (tử sa).  Ấm trà chúng ta đang dùng đây thuộc lọai song ẩm, dùng cho hai người uống.  Lục Vũ trong  sách Trà Kinh và cổ nhân viết về trà đã ca tụng ấm tử sa Nghi Hưng có nhiều ưu điểm như: Giữ được hương và vị trà gốc, bình trà dùng lâu chỉ chế nước không cũng ra mùi trà, không bị nứt vì thời tiết quá nóng hay quá lạnh, chế nước nóng bao nhiêu khi cầm ấm trà cũng không bị phỏng tay, bình dùng càng lâu càng lên nước bóng lộn rất đẹp. Và, đặc biệt hơn tất cả là cao trà tụ hội ngày một dày quanh thành ấm bên trong.

 

Trí Hải vui thích một cách tươi mát:

- Hay lắm, huynh ạ.  Nhưng lâu nay huynh dấu trà cụ và ấm trà này ở đâu?

Phạm Xảo cười thích thú:

- Bí mật, bí mật! Sự nghiệp một đời làm tướng chỉ còn cái bình rượu sứt vòi đã đọan tuyệt và cái ấm trà nhếch nhác nầy thôi. Lịch sử bình rượu sứt vòi thì hoàng thân đã biết.  Còn cái ấm trà Nghi Hưng nầy là "chiến lợi phẩm" duy nhất còn lại sau trận Rạch Gầm.  Trên đường tháo quân đang bị truy đuổi rất gấp, chủ tướng Nguyễn Ánh và cận tướng Phạm Xảo phải lánh vào chòi canh trong một đêm trăng.  Thèm một hơi thuốc, khao khát một hương vị trà nhưng chẳng kiếm đâu ra.  Chính lúc đó, cái ấm trà tử sa Nghi Hưng nầy đã cho một bình trà nóng thoang thoảng hương vị trà thơm mà không cần tới một cọng trà.

 

- Tuyệt quá! Gian khổ có khi là một bài thơ không lời.

- Hay nói ngược lại, bài thơ không lời hay nhất thường đến từ những phút giây gian khổ nhất.  Chính sự gian khổ thành anh hùng ca đã giúp nhân vật lịch sử kiên trì Nguyễn Ánh thắng được nhân vật lịch sử anh dũng Nguyễn Huệ.

- Như thế có nghĩa là chỉ có nhân vật Nguyễn Ánh mới chịu đựng nhiều gian khổ trong cuộc tương tranh thôi sao?

- Quang Trung và Gia Long đều thấm đòn gian khổ. Nhưng trong gian khổ, nhiều tướng tài của Quang Trung trở thành nghịch tướng trong khi tướng giỏi của Gia Long vẫn một dạ trung thành.

- Như tướng quân Phạm Xảo?

- Tôi chỉ là một kẻ trung thành với chính mình.

- Thế nghĩa là sao?

- Tôi không sống và hành xử theo nếp sống bầy, đàn.  Tôi chiến đấu cho ngọn triều Nguyễn Ánh vì chỉ đơn giản là "ăn cây nào rào cây ấy".  Nhưng cái chí của tôi chỉ thuộc về lẻ phải trong tâm niệm làm một người ngay thẳng như lời thầy tôi dạy lúc lên đường.  Tôi cảm phục sự can trường của nhân vật Nguyễn Ánh, nhưng cũng tôn sùng sự dũng liệt của nhân vật Nguyễn Huệ. Vì trung thành với chính mình nên cuối đời tôi vẫn là tôi.  Hai bàn tay trắng nhưng đầy ắp một vũ trụ của niềm vui.  Niềm vui của lòng son sắt không bao giờ phản bội chính mình. Và, tôi nghĩ rằng, đấy cũng chính là đạo lý của con nhà tướng trong thiên hạ xưa nay.

 

- A, hay quá! Không ngờ bao năm qua tôi sống bên dãy Trường Sơn trùng điệp mà cứ ngỡ mình sống bên hòn non bộ.  Vậy thì hôm nay huynh mang ấm trà "đế vương" này ra dùng là có ý gì?

Phạm Xảo nhắm mắt, nắm hai bàn tay mình vào nhau, ép lên ngực, nói một cách trang trọng:

- Để mừng cho một lời hứa đã giữ trọn. Và cũng để nghênh đón một nhân vật đối ẩm thứ nhì sau ngày nhân vật đối ẩm thứ nhất không còn nữa.

- Không dám khách sáo nhưng thật là vạn hạnh. Thế hôm nay huynh sẽ chiêu đãi với loại trà gì vậy?

- Vẫn là trà Thạch Hãn.

- Trà Thạch Hãn?  Tôi chưa nghe bao giờ.

- Thạch Hãn là mồ hôi của đá. Tuy không dùng đến, nhưng ấm trà tử sa Nghi Hưng nầy vẫn được ninh trong một lọai trà thơm mỗi tháng hai lần để lớp cao trà trong ấm mỗi ngày một thuần vị và dày hơn.  Khi gặp ngày đại hỷ, đại cát như hôm nay thì đem ra dùng. Tinh hoa của trà đã thấm vào trong vách ấm và lớp cao trà trong ấm ví như những giọt mồ hôi của đá sẽ cung cấp một vị trà độc đáo gọi là Thạch Hãn Cao Trà.

 

Tuy đã quen với mọi hình thức ăn uống cao lương mỹ vị, cực kỳ xa hoa trong nếp sống cung đình, Trí Hải vẫn chưa bao giờ biết được cái hương vị của "Thạch Hãn Cao Trà" như thế nào.  Trí Hải thu hết sức chú ý và mở rộng cảm nhận khi ấm trà đầu tiên đặt trước mặt hai người.

Mùi thơm nhè nhẹ như từ một cõi mơ hồ thoảng đến làm Trí Hải cảm thấy những luồng suy nghĩ trong đầu mình dừng lại. Lòng dâng lên niềm vui và cảm giác bình an thoáng hiện. Im lặng. Theo dấu ra hiệu của Phạm Xảo, cả hai người cùng nâng chén trà.  Trí Hải đột ngột dừng lại vì Phạm Xảo chỉ đưa chén trà lên môi nhưng miệng vẫn ngậm kín. Phạm Xảo chỉ chạm thành tách trà vào môi và từ từ đặt chén trà về lại vào khay.  Trí Hải làm theo. Cảm nhận luồng hơi ấm từ chén trà trong tay truyền vào môi.  Phạm Xảo nói gọn lỏn:

- Ấm.

- Ấm miệng?

- Cửa khẩu đóng kín. Đang ngủ. Thức nó dậy bằng hơi ấm.

Chén trà vẫn còn bốc khói lại được đưa lên miệng.  Phạm Xảo nâng lên gần mũi, hít một hơi dài.  Trí Hải làm theo.  Hương trà thơm lâng lâng chạy vào đôi cánh mũi.  Trí Hải cảm nhận như trí óc mình được đánh thức.  Đôi mắt long lanh dõi tìm đốm sương trong bóng tối.  Phạm Xảo lại nói gọn lỏn:

- Thức.

- Thức gì?

- Cửa khứu giác đóng kín.  Đang ngủ.  Thức nó dậy bằng hương trà.

Chén trà lại được đưa xuống. Nửa chừng lại cầm lên. Phạm Xảo lên tiếng lần thứ ba, cũng cộc lốc và dứt khoát như lệnh ra quân :

- Uống.

- Uống như bình thường?

- Xin mời.

Nhấp chung trà vào miệng, Trí Hải có thể theo dõi được dòng trà thơm nóng đầu tiên chạy vào thân thể mình. Mùi trà hoang dại phảng phất một loài hoa mơ hồ không tên tuổi.  Tuần trà thứ hai, Trí Hải bắt đầu nhận ra vị trà. Vị chát nồng nàn đầu lưỡi nhẹ dần và biến thành vị ngọt êm ả trong cổ họng. Tuần trà thứ ba, Trí Hải cảm thấy cả người nhẹ lâng lâng. Hơi trà như chất men chạy vào mạch sống.  Cả hai lim dim nhìn vào sự lắng đọng trong chính mình...

Phạm Xảo khoát tay:

- Mãn trà.

Tiếng gà gáy lại. Có chút đùa vui vừa nhóm lên trong tòa nhà hiu quạnh của hoàng thân chủ quản Thái ấp.  Phạm Xảo vui vì đã giữ tròn lời hứa và được sống thật, sống ra ngoài lớp vỏ của một loài ốc mượn hồn.  Trí Hải vui vì tin rằng mình sẽ thấy được mình với những con người rất thật đang có mặt ở chung quanh. 

 

                                                                                                                                                    (Trích trong truyện dài "TU BỤI" sắp xuất bản)

 

Trần Kiêm Ðoàn
Số lần đọc: 3367
Ngày đăng: 21.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyến Ðò Tốc Hành - Nguyễn Lê Hồng Hưng
con hoạ mi nông nổi - Minh Chung
Vùng tục lụy - Vũ Đình Giang
Bên khung cửa mùa xuân - Minh Châu
Thằng đức - Trần Hà Lý Thái Bạch
Chuyện tình "Võ Đông Sơ" - Thảo Bích
Thuê bao đang bận - Nguyễn Văn Ninh
Một kiếp tằm - Huỳnh Anh
Chuyện ngày cuối năm - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Câu chuyện tình thời chiến tranh. - Trung Trung Ðỉnh
Cùng một tác giả
Cầm chầu HÁT BỘI (truyện ngắn)
Cơm Hến, (dân gian)
Bờ bên kia (truyện dài)
Duyên Tu-1 (truyện ngắn)
Duyên Tu-2 (truyện ngắn)
“Thế à ! ” (phê bình)
Nam mô A-ME-RI-CA (truyện ngắn)
Xuân trong ta (văn hóa)
Thế Hệ Kế Thừa (đối thoại)