Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
589
115.976.679
 
Người Cơtu Bản Nal đón Tết
Phan Thị Xuân Bốn

Cơtu là một trong 54 dân tộc anh em sống chủ yếu ở Quảng Nam- thuộc hai huyện Đông Giang và Tây Giang (trước là huyện Hiên, được tách thành 2 huyện từ đầu tháng 8 năm 2003), chiếm hơn 29.000 người, tỉ lệ 88% tổng số dân (số liệu của phòng thống kê huyện Hiên năm 2000), cùng sống với người Kinh ở những vùng thấp, vùng cao chỉ có người Cơtu. ở huyện Nam Giang có 11.000 người Cơtu, tỉ lệ 75%, tổng số dân huyện này (số liệu của phòng thống kê huyện Nam Giang năm 2000), cộng cư với các dân tộc anh em khác như người Cor,Tariêng, Bhêê và người Kinh. Ngoài ra người Cơtu có mặt ở Nam Đông và A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế (ước tính khoảng 20.000 người). Người Cơtu còn sống ở 2 tỉnh Savanakhet và Sekong, Lào (trên dưới 20.000 người). Vì sống ở những vùng cao, nơi sườn dốc, lưng đèo khá biệt lập, đi lại khó khăn nên người Cơtu nhất là ở huyện Tây Giang, còn bảo lưu một nền văn hoá dân gian truyền thống rất đặc sắc. Là một trong những rốn mưa của nước ta, hệ thống sông suối chằng chịt nên vào mùa lũ, các con sông hay những con suối nhỏ cũng dâng cao biến mặt đất thành những ốc đảo hẹp (có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người Cơtu chọn những nơi cao để dựng bản). Người viết bài này có lúc đã phải ăn chuối xanh luộc thay cơm trong 3 ngày trời và có khi bị lũ tách khỏi dân, nhạt muối hoa mắt đến nỗi phải rửa cái bàn bằng nứa, trước vẫn đặt các gói muối gói bằng lá chuối, và lấy thứ nước đùng đục ấy quấy hồ ăn thì mới khoẻ lại được. Thế mới hiểu vì sao người Cơtu hay dùng từ ngọt muối thay vì nói là mặn muối (ngam bhooh, ngam: ngọt, bhooh: muối, ngược lại với tabha bhooh: nhạt muối hay là chưa có muối).

 

          Ngày nay, môi trường sống của người Cơtu, nhất là ở 2 huyện Đông Giang và Nam Giang đã đổi thay nhiều. Con đường Hồ Chí Minh đi ngang qua hai huyện này đã kéo người Cơtu gần lại với người Kinh và những đổi thay mang tính hai mặt cùng xuất hiện. Người phụ nữ Cơtu không còn thì thụp bên cối gạo thâu đêm hay còng lưng dưới những gùi nước nặng từ những máng xa. Bể nước sạch đã được xây dựng nhiều nơi. Cầu đã bắc qua những con sông, suối vốn trước đây là những trở lực to lớn vào mùa mưa. Cùng với những đổi thay đáng phấn khởi, những tác động đáng buồn của nền kinh tế thị trường và sự tha hoá trong tầng lớp trẻ, nhất là nam thanh niên làm cho các già làng phải bao phen thao thức. Người Cơtu hiện nay, nhất là ở vùng có nhiều người Kinh cùng sống, đã bắt đầu dựng làng ở những vùng đất bằng dọc theo trục đường giao thông liên thôn, liên xã, thuận tiện cho việc đi lại và trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp, nuôi cá, thậm chí buôn bán.

 

          Trước đây người Cơtu nói chung và người bản Nal nói riêng chỉ vui chơi trong những lễ hội của dân tộc mình, đặc biệt là những lễ hội nông nghiệp hay những lễ thức đánh dấu bước chuyển biến trong vòng đời người. Sau ngày thống nhất đất nước, người Cơtu hân hoan đón Tết, cũng kéo nhau đi chúc Tết đầu Xuân và cũng cữ vào xông đất sáng sớm mồng một Tết.

 

Bản Nal được đặt theo tên con suối hiền hoà quanh co ôm ấp bản nhỏ. Nal trong tiếng Cơtu là thấu hiểu, cảm thông. Bản Nal còn có một tên cũng mộc mạc khác là Cravéh, tiếng Cơtu nghĩa là rau vì bản có những nà rau dớn, rau mặt trăng và mùi tàu tươi tốt. Nal là một trong tám bản thuộc xã Lăng, nơi có con sông Lăng chảy qua và là quê hương của một chàng trai vừa là dũng sĩ săn voi, vừa là dũng sĩ diệt Mỹ. Giống như trong truyện cổ tích của dân tộc mình, chàng đã cưới được cô gái đẹp nhất của hai huyện Đông Giang và Tây Giang: Đhươt. Cô từng là niềm mơ ước và tự hào của các chàng trai làng; họ đã bơboch (một lối hát ứng khẩu, vần vè, được mọi giới sử dụng, thuần tình cảm và được cất lên trong mọi không gian và thời gian; ngược lại với bhrơnoch là một lối hát lí ứng khẩu, vần không chỉnh lắm, thuần lí trí và chỉ được dùng cho nam giới khi thương thuyết chuyện cưới xin hay giải quyết các tranh chấp, chỉ diễn xướng ở trong nhà hay trong đình):

 

Muyzêt pânđil pêê Đhol căh mơ Đhươt zi.

 

Tacool pânđil pêê Dương căh mơ Đhươt zi.

 

(Mười cô gái Đhol các anh không bằng (một) Đhươt chúng tôi

 

Tám cô gái Dương các anh không bằng (một) Đhươt chúng tôi)

 

Liêm, ađhi liêm tiêp mơơ pô lơlang.

 

Ang, ađhi ang tiêp mơơ pô đhavai

(Đẹp, em đẹp như hoa lơlang,

 

Rạng rỡ, em sáng bừng sáng như hoa đhavai)

 

          Và đôi trai gái tài sắc ấy (Nâm cũng là một chàng trai đẹp oai hùng và Đhươt còn là một nghệ nhân dân gian tài năng) đã gợi thi hứng cho bao thi sĩ làng một thời. Đến nay ta còn nghe các cô gái véo von điệu bơboch năm xưa:

 

Acu vốiq chăc đac acu hay anoo Nâm (1)

 

Acu vốiq chăc tâm acu hay ađhi Đhươt

(Tôi đi tìm nước tôi nhớ anh Nâm

 

Tôi đi tìm suối tôi nhớ em Đhươt)

 

Khi tôi đi tìm một sự mát dịu, ngọt ngào, tôi liên tưởng đến anh chị.    

 

Xã Lăng, Bản Nal ngày nay là trung tâm của huyên Tây Giang mới tách từ huyện Hiên vào tháng 8 năm 2003, nơi có một ngôi trường cấp I, II khang trang có chỗ nội trú cho các em học sinh ở xa. Nơi đây mới được xây dựng một bệnh viện huyện khá hiện đại với đội ngũ gồm 4 bác sĩ và hàng chục y tá, y sĩ, dược sĩ thực bụng thương dân. Chính nơi đây là quê hương của một nghệ nhân điêu khắc tài ba đã tự nguyện bỏ ra 3,4 tháng trời chạm trổ cho ngôi đình làng mình (ngôi đình này mới được khánh thành vào ngày 20 tháng 11 năm 2003). Khi mùa đông đến, những con chim nhồng mồi bằng gỗ của anh được cắm trên cây đã khiến cho bao đàn chim bay qua sà xuống thăm bạn và bị dính bẫy nhựa, rơi xuống làm mồi cho người dân ngồi chờ dưới đất. Một bản nhỏ độc đáo như vậy thiển nghĩ cũng đáng cho bạn đọc ghé thăm.

 

Giá rét đã tan dần, ánh nắng ấm áp đang hong khô những mái lá ẩm mục và nhuộm hồng đôi má các cô sơn nữ.Trên đồi hoa lơlang nở trắng xoá. Dọc triền sông Avương, hoa đhavai nhuộm thắm đôi bờ. Chim chóc ríu rít vang lừng. Cây cối đâm chồi nẩy lộc mơn mởn. Công việc nương rẫy tạm xong, ngô thóc đã được phơi khô cất vào nhà kho; người dân bản Nal lục tục rời những ngôi nhà rẫy (Zờng) riêng rẽ trong rừng xa về làng chuẩn bị đón Tết. Người Cơtu Nam Giang gọi ăn Tết là cha Pổiq hay cha Pling còn người Cơtu ở Hiên thì gọi là cha Pruôt. Thực ra Pling hay Pruôt đều không có nghĩa là tết (cha trong tiếng Cơtu nghĩa là ăn), mà có nghĩa là tổng kết, tổng kết một năm bội thu hay tai ương, khoẻ mạnh hay thiên tai, dịch bệnh.

 

          Việc chuẩn bị đón Tết bắt đầu bằng việc ủ rượu cần (chân buah). Nếu các thực phẩm khác càng tươi càng ngon thì rượu cần ủ càng lâu càng nồng đượm, càng được nước, càng thơm ngon. Để có rượu cần hảo hạng, đồng bào phải dùng loại nếp huyết có mầu đỏ thẫm (aví đếp aham: gạo nếp máu) đồ lên ủ với men rượu đặc chủng được làm bằng bột gạo trộn với các loại thực vật phơi khô trên giàn bếp. Nếu không có nếp huyết, đồng bào thay bằng nếp đỏ (aví trnang). Phổ biến hơn người ta ủ bằng sắn. Để rượu có mầu bắt mắt, đồng bào gọt sắn để 2, 3 ngày cho thâm rồi mới nấu. Sắn nấu chín, để nguội, rắc men, trộn với trấu, cho vào gùi đã được lót lá chuối rồi phủ một lớp trấu đáy cỡ 8cm. Gùi này được để gần bếp lửa, 3-4 ngày sau bốc lên mùi thơm như mùi chuối chín thì đổ ra nong cho nguội rồi cho vào ché đã lót một lớp trấu dày, Trên miệng ché rượu người ta lại cho một lớp trấu dày khoảng 8cm. Trấu giữ cho ấm rượu, đảm bảo sự lên men, đồng thời nó còn giữ cho xác sắn không theo ống vào miệng người hút rượu. Nếu ở Tây Nguyên đồng bào uống rượu cần tập thể bằng cách bỏ nhiều cần cùng một lúc vào ché rượu để uống thì người Cơtu chỉ cắm một cái cần duy nhất vào ché rượu để hút rượu ra các vỏ bầu khô, ống nứa, ấm,… và rót ra bát hay cốc để mời khách. Hút hết rượu nước nhất ra lại đổ tiếp nước lã vào, để một chốc lại hút tiếp rượu nước nhì, cứ thế cho đến khi rượu nhạt. Tùy theo mức độ thân, sơ với chủ nhà mà khách được mời loại rượu đậm, nhạt. Rượu nước nhất rất sánh, thơm nồng, uống vào có vị ngọt nhưng uống dễ say và say rất dai dẳng. Ngoài việc ủ rượu, người phụ nữ còn lo giã gạo, nếp, hái lá đót để gói bánh cuốt (một loại bánh có hình tam giác, không có nhân, được sử dụng rất phổ biến); cắt lá chuối rừng để gói bánh hay để dùng thay bát, đĩa khi chia phần thức ăn (đến nay vẫn còn một số hộ chưa đủ khả năng mua bát, chén đủ dùng trong gia đình; chỉ đủ dùng cho khách). Ngày xưa, đồng bào chỉ dùng xôi đồ (avỉđhooh), nướng trong ống nứa tươi (avỉ hor). Ngày nay, cùng ăn tết với người Kinh, đồng bào cũng học gói bánh tét, bánh chưng; tuy không được sắc sảo nhưng hương vị cũng khá ngon. Ngoài những công việc chỉ có phụ nữ đảm nhận, còn có những công việc cần đến sự mưu trí và sức lực dẻo dai của các chàng trai. Do địa hình hiểm trở và rộng nên để săn bắt thú rừng, lấy thịt ăn Tết ngoài việc rình rập đuổi theo dấu chân thú rất nhọc nhằn, các chàng trai Cơtu còn đặt vô số bẫy, chông, thò,… ở những nơi thú rừng thường qua lại và thường xuyên cử người đi thăm. Khi có thú bị mắc bẫy hay có người bắt được thú rừng, cả làng cử người đi khiêng về mang thẳng lên đình, nổi chiêng trống, thui, xẻ ra chế biến, cúng và chia phần đều trên lá chuối cho tất cả mọi người, kể cả khách vãng lai. Để dự trữ, đồng bào thường xẻ thịt ra thành thanh dài và treo trên bếp cho đến khi thịt khô sẽ cất vào các ống nứa có nắp đậy. Khi có khách đến thăm người ta sẽ mang ra nướng qua rồi cắt thành từng khúc ngắn để nấu với rau (xaroong) hoặc nấu với gạo hay sắn bào (pachơơh hay xalua). Thế nhưng nếu khách là họ hàng nhà trai thì được dọn bằng các chế phẩm từ cá, gà, vịt, ếch, chim,… Các loại thịt trâu, heo, dê,… được dùng để dọn cho khách đằng vợ. Nếu không tinh ý đãi khách nhầm lẫm thì sẽ gây ra hiểu lầm đáng tiếc, bị phạt vạ,.. Thịt còn được muối và bảo quản trong ống nứa bịt lá chuối và rắc tro bên ngoài để chống các loại ruồi, nhặng. Ngoài ra, còn có một món rất được người Cơtu ưa thích là thịt nấu đông (htơơr). Với đặc điểm thời tiết mát, lạnh quanh năm, thịt nấu đông được dùng phổ biến trong các lễ hội, ngày thường, khi trong nhà có thịt. Đồng bào cho tất cả các loại thịt (trừ lòng) vào nấu nhừ rồi nêm muối vừa ăn, để qua đêm, khi ăn chỉ xắn thành từng miếng dọn ra đĩa hay lá chuối. Trước Tết độ một tuần, đồng bào thường đánh cá tập thể ở những con sông lớn bằng cách ngâm các loại vỏ cây làm cá say (hcăr chviêng chvâu) và đắp bờ, mở lối thoát cho nước cạn rồi bắt cá gọi là lét viêr. ở các suối nhỏ, phụ nữ và trẻ em xúc cá bằng vợt (tatuuc). Ngày nay, đàn ông Cơtu còn dùng thuốc nổ và kíp để đánh, bắt cá ở các sông lớn như sông AVương, sông Lăng, sông Bung,… Cá thường được nướng chín, rồi xông khô (tpriêng), bỏ vào ống nứa trên giàn bếp và cũng được chế biến như thịt khô. Ngoài ra cá còn được nướng trong ống cho cháy ống, như được phơi, rồi để nguyên như vậy cho đến khi ăn. Ngày nay, để đón tết, các gia đình mua thêm men rượu, bánh kẹo, hương các loại mì khô, bún khô… ở các quán trong địa bàn xã nhưng hầu như ít ai dùng mứt hoặc hạt dưa. Để đón Tết, nhà nhà quét dọn nhà cửa, sân bản. Trong nhà trang trí thật vui mắt bằng các loại vải tự dệt mầu sắc sặc sỡ. Hầu như trên nóc nhà nào cũng treo một lá cờ Tổ quốc và trên bàn thờ Bác Hồ mỉm cười hiền hậu nhìn xuống mọi người. Người Cơtu không thờ tổ tiên. Ngày nay một số gia đình tiến bộ còn ảnh người thân đã quá cố thì đặt chung quanh ảnh Bác. Đêm giao thừa đồng bào nấu cơm hoặc hông xôi, thịt gà, cá, thịt chuột, đưa lên đình để già làng, các đại diện gia đình cúng xin thần linh ban cho một năm mới được mùa, khoẻ mạnh,… Nếu trong lễ hội khác người Cơtu có nhiều kiêng kỵ thì trong dịp Tết đồng bào không có kiêng kỵ gì. Thanh niên có thể đi chơi Tết từ chiều 30 đến mồng 3 Tết mới trở về. Để ngày Tết thêm vui, hầu hết các chi đoàn thanh niên kết hợp tổ chức các hội thi bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ, bắn cung,… ở trung tâm xã Lăng. Ngày nay, dù ăn mặc đã kinh hoá nhưng trang phục dân tộc vẫn được trân trọng. Những cô gái đi chơi Tết trong tấm váy thổ cẩm đến đâu cũng được tán thưởng và nhiều ánh mắt trìu mến đuổi theo.

 

Những hoạt động náo nhiệt, vui tươi, những ngày nhàn nhã, no đủ nhanh chóng trôi qua. Đồng bào lại trở về với cuộc sống lao động nhọc nhằn cố hữu. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, yêu lao động, yêu văn nghệ,… của người Cơtu vẫn âm ỉ nấu nung. Trên nương, bên bờ suối, các cô gái Cơtu vẫn hát véo von:

 

Măt tơngây giở ang, loom ahêê giở Đảng

Cooncoh ting Đảng tất lang

(Mặt trời còn sáng, lòng chúng ta còn Đảng.

Người vùng cao theo Đảng suốt đời)./.

 

_______________

 

1. Xin xem cùng tác giả, chuyên san Ngoklinh, số 3, trang 50, NXB TTKHXHNV Đà Nẵng

 trích vanhoanghethuat.org.vn

Phan Thị Xuân Bốn
Số lần đọc: 3014
Ngày đăng: 01.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thử tìm lại cội nguồn NGƯỜI VIỆT - Hà văn Thùy
Từ sự hủy diệt của văn minh ÓC EO nhìn về ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - Hà văn Thùy
Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa ( Bài hai và hết,) - Hà văn Thùy
Quan điểm NHÂN HỌC - Emily A. Schultz và Robert H. Lavenda
Nhân học văn hóa,một và nhiều - Nicolas Journet
Những quan điểm lý thuyết trong nhân học về vấn đề dân tộc - Phan Ngọc Chiến
Những khía cạnh học thuật trong vấn đề xác định thành phần dân tộc tại Việt Nam - Phan Ngọc Chiến
Nghề ăn ong trong rừng U Minh - Nguyễn Trọng Tín
Về một hướng nghiên cứu văn hóa Việt Nam - Hồ Liên
Tâm hồn Việt trong mâm cỗ ngày xuân - Khuyết danh
Cùng một tác giả