Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.371 tác phẩm
2.747 tác giả
447
116.380.794
 
Bàn lại Về một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử
Hà văn Thùy

Để viết chuyên khảo Về một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử (Talawas.org ) hẳn tác giả Trương Thái Du phải bỏ ra không ít tâm lực. Bài viết chia làm 3 tiết nhưng tựu trung có hai phần: Một phần dùng kiến thức di truyền học chứng minh cội nguồn người Việt. Phần còn lại thì khai thác sách cổ nhằm minh định một số vấn đề trong cổ sử. Chúng tôi xin trao đổi cùng tác giả đôi điều.

 

 

I. VỀ VIỆC SỬ DỤNG GIẢ THUYẾT CỦA SPENCER WELLS.

 

Ông Trương Thái Du viết: "Từ kết luận của Spencer Wells, tôi tính ra: cuộc di dân đầu tiên từ Phi châu diễn ra cách nay 60.000 năm. Đoàn người đi dọc vùng đồng bằng ven biển Nam Á , đến Đông Nam Á. Tại đây một nền văn minh đồ đá đã được hình thành. Từ  9 đến 12 ngàn năm trước, kiến tạo địa chất ở vành đai lửa Indonesia với sóng thần, đất sụt đã nhấn chìm trung tâm văn minh Tiền Đông Nam Á. Những cư dân còn sót lại sau thảm họa đã chia làm hai nhánh, nhánh thứ nhất đến châu Uc, nhánh thứ hai rẽ lên phía Bắc, rồi dừng lại khá lâu bên bờ Nam Trường Giang… Cuộc di dân thứ hai cũng từ châu Phi cách nay 45 ngàn năm. Họ đến Trung Đông, từ Trung Đông hai phân nhóm đã hình thành tiến vào An Độ và vùng tây bắc Trung Hoa." Và "Phân nhánh của đoàn di dân tiến vào trung lưu Hoàng Hà bằng hành lang Cam Túc, xây dựng nền văn minh tạm gọi là Hoa Hạ."

    

Cảm thấy không yên tâm với "tính toán" của tác giả, chúng tôi đọc tài liệu ông dùng để tham khảo. Tiếc thay, đó không phải công trình trọn vẹn mà chỉ là bài điểm sách giới thiệu giả thuyết của Spencer Wells nhan đề  Documentary Redraws Humans' family Tree (Tư liệu truy tìm phả hệ con người) do phóng viên Hillary Mayell viết cho tạp chí National Geographic News số ra ngày 21/3/2003. Đoạn văn bản mà tác giả Trương Thái Du sử dụng nguyên dạng như sau:

" Wells says his evidence based on DNA in the Y-chromosome indicates that the exodus began between 60,000 and 50,000 years ago. In his view, the early travelers followed the southern coastline of Asia, crossed about 250 kilometers [155 miles] of sea, and colonized Australia by around 50,000 years ago. The Aborigines of Australia, Wells says, are the descendants of the first wave of migration out of Africa…"

Và:

" Wells says a second wave of hominids left Africa around 45,000 years ago, reproduced rapidly, and settled in the Middle East; smaller groups went off to India and China." 

  Tạm dịch:  " Wells nói, bằng chứng của ông dựa vào DNA của nhiễm sắc thể Y(Y-chromosome) cho thấy cuộc di cư bắt đầu khoảng 60.000 đến 50.000 năm trước. Theo ý ông, những người ra đi đầu tiên đã theo bờ biển Nam Á, vượt qua 250 km dđường biển (155 dặm) và định cư ở châu Uc vào khoảng 50.000 năm trước. Wells nói, thổ dân Uc là con cháu của làn sóng di cư đầu tiên từ châu Phi."

  

Và: "Wells nói, làn sóng thứ hai của loài người rời châu Phi 45.000 năm trước, sinh sản mau lẹ và định cư tại Trung Đông; một vài nhóm nhỏ hơn tới An Độ và Trung Quốc."

  

So sánh đoạn văn của ông Trương với bản tiếng Anh, chúng tôi thấy có sự mâu thuẫn:

 

1.Theo S. Wells: "những người ra đi đầu tiên đã theo bờ biển Nam Á, vượt qua 250 km đường biển (155 dặm) và chiếm châu Uc vào khoảng 50.000 năm trước." Có nghĩa là đoàn người chỉ đi theo tức là đi lướt qua bờ biển Nam Á rồi vượt biển đến Uc. Không hề có chữ nào nói tới việc dừng lại ở Đông Nam Á.

     

Wells nói người hiện đại định cư ở châu Uc 50.000 năm trước, trong khi đó ông Trương rút lại còn từ  9 đến 12000 năm. Như vậy "tính toán" của ông Trương đã mâu thuẫn với tư liệu ông tham khảo.

 

2.Bản tiếng Anh viết: làn sóng thứ hai tới định cư tại Trung Đông, một nhóm nhỏ hơn đến An Độ và Trung Quốc.

 

Nhóm nhỏ ấy là ai, thuộc tộc người nào? Không thỏa mãn với khái niệm không xác định một nhóm nhỏ, chúng tôi đã tìm hết bài viết, mong biết thêm về cái nhóm nhỏ đó nhưng không có! Vậy họ là ai?

   

Trước đây có giả thuyết cho rằng cộng đồng nói tiếng Altaic sống ở bắc Trung Quốc là quần thể từ Trung Đông sang. Nhưng thành tựu mới nhất của công nghệ genes đã bác bỏ điều này.

   

Xin dẫn ý kiến của một nhà di truyền người Mỹ gốc Hán, G.s Chu trong công trình

Genetic relationship of population in China, một khảo cứu trực tiếp về quan hệ di truyền của người Hán:

 

"The northern populations were under strong genetic influences from Altaic populations from the North. But it is unclear how Altic populations migrated to Northeast Asia. It is possible that ancestral Altic pop. Arrived there from middle Asia, Or alternatively they may have originated from East Asia."

Và:

"Therefore, it is likely that ancestors of Altic speaking people originated from an East Asia population that was originally derived from South Asia, through the current Altaic-speaking population undeniably admixed with later arrivers from mid-Asia and Europe(1)

Tạm dịch:

"Những cộng đồng miền bắc mang đậm ảnh hưởng di truyền của những chủng Altaic từ phía Bắc. Nhưng không rõ người Altaic đã tới Đông Bắc Á bằng cách nào. Có thể là tổ tiên người Altaic đến từ Trung Á, hoặc cũng có thể họ có nguồn gốc từ Đông Á."

  

Nhưng ở đoạn sau, ông nói cả quyết:

 "Như  vậy, có phần chắc là tổ tiên của người nói tiếng Altaic bắt nguồn từ một cộng  đồng Đông Á mà cộng đồng này lại từ Nam Á đi lên, mặc dù không thể phủ nhận là về sau cộng đồng nói tiếng Altaic này có sự hòa huyết với những người từ Trung Á và châu Au tới."

 

Cái "nhóm nhỏ hơn đến Trung Quốc" ấy không phải người Altaic. Vậy phải chăng họ là nhóm Mongoloid phương Bắc mà ông Trương cho là người Hoa Hạ? Sự thực, nhóm này không phải từ Trung Đông sang mà cũng từ Đông Nam Á đi lên. Trong một nghiên cứu trên 150 mẫu của 7 nhóm người châu Á, Ballinger S.W cho rằng người châu Á có nguồn gốc từ dân Mông Cổ phương Nam.(2)

  

Những nghiên cứu trên cho thấy, cái nhóm nhỏ hơn tới Trung Quốc trong phát biểu của S. Wells không dính dáng gì đến cư dân Trung Quốc ở thời điểm chúng ta đang bàn!

   

Từ giả thuyết chưa được kiểm chứng của tài liệu tham khảo, ông Trương đã "tính toán" đưa ra nhận định không phù hợp với thực tế, quả là việc làm chủ quan khinh suất.

  

Trên thực tế thì sự việc thế này: phát biểu của S. Wells một phần còn là giả thuyết đang được tranh cãi (Bài điểm sách có dẫn nhiều ý kiến tranh luận với ông.) Thêm nữa, công trình của S.Wells mang tính đại cương (General genetics), như nhan đề nói rõ truy tìm phả hệ loài người. Sử dụng công trình của S. Wells để có cái nhìn khái quát về nguồn gốc người hiện đại thì được, còn dùng nó để khảo sát một chủng người cụ thể sẽ là bất cập vì không đủ độ tin cậy.

 

Với một vấn đề lớn và còn mới mẻ như nguồn gốc người Việt không thể chỉ dùng một tài liệu tham khảo duy nhất. Đặc biệt khi giả thuyết đó quá tổng quát, ở tầm vĩ mô, lại đang nằm trong tranh luận. Như vậy là, khi dùng giả thuyết của S.Wells làm nền tảng cho khảo cứu của mình, ông Trương Thái Du mắc sai lầm thuộc về phương pháp luận.

 

II- VỀ VIỆC KHAI THÁC THƯ TỊCH CỔ

 

Trong khi chưa quan tâm đủ tới những tư liệu khoa học hiện đại thì có vẻ như ông Trương để nhiều công sức cầy xới nguồn thư tịch cổ. Tuy ít ỏi nhưng thư tịch cổ tàng chứa biết bao thông tin quý mà mỗi ngày hình như con người giải mã thêm được điều gì đó. Đóng góp của ông Trương trong bài viết là tìm đến tận nguồn khái niệm Giao Chỉ và đưa ra những kiến giải thuyết phục. Tuy không mới nhưng ông cũng mạnh dạn nêu lại vấn đề nhân thân của Bà Trưng: ông Thi, việc Bà bị giết… Điều này nhắc với dân chúng cùng những nhà viết sử là : Lịch sử không thể không sáng tỏ !

   

Nếu cứ theo cách làm cẩn trọng ấy thì hẳn với tuổi tác của mình, ông còn thời giờ để phát hiện ra nhiều điều đáng giá. Tiếc rằng trong bài viết, phải chăng vì nóng vội muốn đốt cháy giai đoạn, xong mọi việc ngay một lúc, ông đưa ra không ít suy luận có phần vội vàng thiếu sở cứ.

 

 1.Thử hỏi, dựa vào đâu ông viết: "Từ  9 đến 12 ngàn năm trước, kiến tạo địa chất ở vành đai lửa Indonesia với sóng thần, đất sụt đã nhấn chìm trung tâm văn minh Tiền Đông Nam Á ? ( HVT nhấn mạnh ) " Chưa thấy tài liệu nào nói sóng thần, đất sụt nhấn chìm văn minh tiền Đông Nam Á. Không thể có những tài liệu như thế vì làm gì có chuyện sóng thần đất sụt kéo dài hàng nghìn năm ? Lịch sử khí tượng Trái đất chỉ ghi nhận cuộc biển tiến bắt đầu 18.000 năm và đỉnh cao là 12 đến 8000 năm trước, nhấn chìm đồng bằng Sundaland và Nanhailand mà S. Oppenheimer mô tả rất sinh động trong cuốn Eden in the East.

 

 2. Xin mạo muội lưu ý ông rằng, khái niệm Hoa Hạ do ông đưa ra không phù hợp với từ Hoa Hạ trong quan niệm truyền thống. Theo ý ông thì, người Hoa Hạ là tộc người từ Trung Đông sang định cư ở Cam Túc, Thiểm Tây. Đấy là ngộ nhận kéo dài suốt thế kỷ trước và đã bị bác bỏ. Còn trong quan niệm truyền thống, những người Hoa Hạ tạo nên thời Đường Ngu, rồi được kế tiếp bằng nhà Hạ, mà Hạ Vũ là người Miêu Việt. Tiếp theo là nhà Thương. Thành Thang, ông vua đầu tiên của Trung Quốc là người mang gene châu Phi đen từ Đông Nam Á đi lên, cả đến Lão tử cũng vậy. (The Shang, for example, China's first dynasts are described as having "black and oily skin". The famous Chinese sage Lao-Tze was "black in complexim". (Los Angeles Times, September. 29. 1998) (Thang, ông vua đầu tiên của Trung Hoa được mô tả là có nước da đen bóng. Triết gia nổi tiếng Lão tử cũng có màu da đen). Cố nhiên ta phải hiểu rằng, những vị này không còn là nguyên chất Negritoid Đông Nam Á mà đã qua nhiều đời hòa huyết với chủng da vàng Mongoloid phương Bắc từ Thiểm Tây, Cam Túc xuống. Người Hoa Hạ là người lai Hoa Việt, được gọi là chủng Mongoloid phương Nam.

 

3 - Ông Trương viết : " Nhà nước Văn Lang sơ khai của người Lạc Việt được hình thành tại Động Đình Hồ ( Hồ Nam Trung Quốc ) khoảng năm Nhâm Tuất 1199. Các vua Hùng cuối cùng trong số 18 vua Hùng đã chạy giặc Sở xuống đồng bằng Tây Giang Quảng Tây Trung Quốc và dựng lại phiên bản nhà nước sơ khai như Văn Lang Động Đình Hồ là Văn Lang Tây Giang… Không ít cư dân Văn Lang Động Đình Hồ tiếp tục di chuyển xuống đồng bằng sông Hồng trước và sau thời điểm 179 TCN "

 

Thật khó bàn luận chuyện này bởi nhận định trên chỉ là phỏng đoán mâu thuẫn với thực tế. Khi phát hiện di chỉ Mán Bạc ở Ninh Bình, đầu năm 2005, tiến sĩ Marx Oxenham của Đại học Quốc gia Úc ghi nhận: "Người Việt từ trước thời Đá mới đã có biểu hiện của giống người Úc châu ( Nam Đảo ) hay Đa đảo Melanesian, nhưng người Việt từ thời Đồng thau đã có biểu hiện đặc trưng của giống người Đông Nam Á. Sự hiện diện của cả hai nhóm sắc tộc này sát cánh nhau trong khu mộ táng cho thấy đã có sự hỗn hòa giữa hai chủng ở mức độ đáng kể, có thể là đánh dấu những nguồn gốc sớm nhất về dân cư Việt Nam hiện thời, vốn đã từng ổn định khoảng 2000 năm TCN. " (3)

 

Phát hiện này không mới, nó chỉ khẳng định những nghiên cứu trước đó cho rằng, hơn 2000 năm TCN, người Việt mới (chữ Việt với bộ Tẩu- những người Bách Việt hòa huyết với người Hán chuyển thành nhóm loại hình Đông Nam Á ) bị người Hán xua đuổi, đã trở về quê cũ cộng cư với người Việt gốc ( Việt bộ Mễ- Indonesien, Melanesien ),  làm chuyển hóa hầu hết dân cư  Việt Nam sang loại hình Đông Nam Á. Trong việc di cư này không chỉ có hình thức "cuốn chiếu" tiệm tiến theo đà truy đuổi của người Hán mà có cả hình thức nhảy vọt: người Việt sống ở phía nam Hoàng Hà sau những trận kịch chiến với kẻ xâm lăng đã dông thuyền ra khơi trở về nơi xuất phát cũ là miền Trung Việt ( Rào Rum, ngàn Hống ) . Chính những người này dựng lên nhà nước Văn Lang. Ký ức dân gian ghi nhớ rằng Lạc Long quân cùng bầu đoàn tới vùng sông Lam núi Hồng dựng kinh đô đầu tiên nói lên cuộc hải hành này. Như nhiều sách chép, cương vực Văn Lang vươn tới Động Đình Hồ nhưng trung tâm của nó là trung du Bắc Bộ. Số lượng lớn trống đồng tinh xảo tập trung ở đây cùng với đô thị Làng Cả chứng minh Việt Trì là trung tâm của Nhà nước Văn Lang. Việc ông Trương Thái Du phủ nhận Nhà nước Văn Lang đóng đô ở Việt Trì là giả thuyết không có cơ sở.

 

4 - Ông Trương viết: "Tôi nghĩ có một nhánh nhỏ người Tây Âu Lạc ra đi bằng thuyền đã ghé bờ biển Trung Bộ Việt Nam. Họ trở thành hạt nhân của nền văn minh Chàm…" Suy nghĩ đó không mới bởi từ lâu sử sách ghi nhận rằng nhóm Việt này từ Thiên Sơn xuống, định cư từ cửa sông Thanh Giang tới cửa sông Trường Giang (4). Đấy là hệ quả của thuyết E.Aymonier đầu thế kỷ: Người Việt từ Tây Tạng xuống theo ngọn sông Trường Giang ! Trong khi đó những phát kiến mới nhất về di truyền học cho thấy ngược lại : Người Chăm cũng như người Việt cổ là người bản địa Việt Nam, thuộc chủng Indonesien, Vedoid, là chủ nhân của Văn hóa Sa Huỳnh. Từ đây, tổ tiên người Chăm đi xuống các đảo ngoài khơi như Mã Lai, Indonesia.  Trong hành trình Bắc tiến, tổ tiên người Chăm cùng những dòng Việt khác từ đất Việt Nam đi lên phương Bắc. Khoảng thiên niên kỷ thứ III TCN do người Hán chèn ép đã trở lại Việt Nam. Trong khi người Việt trở về với dân Việt ở đồng bằng trung du Bắc Bộ thì người Chăm trở lại quê cũ miền Trung. Cố nhiên có những nhóm đi xa hơn, tới Indonesia, Malaysia… Sự chuyển hóa di truyền của người Chăm từ  Vedoid sang nhóm loại hình Đông Nam Á trên toàn địa bàn Đông Nam Á chứng tỏ điều này.

 

5 - Ông Trương còn viết: "Chiếu theo bản chất của danh xưng "Vua Hùng" thì bà Trưng Trắc chính là vị Vua Hùng đầu tiên và cũng là cuối cùng của vùng đồng bằng sông Hồng."

Không hiểu căn cứ vào đâu mà ông Trương Thái Du khẳng định như vậy.  Nếu luận lý theo logic thì thế này: thời Hai Bà Trưng là thời của văn tự. Mọi chuyện xảy ra đều được ghi chép. Có thể nảy sinh huyền thoại về sự tuẫn tiết của Bà cùng những vị tướng khác nhưng không thể nào nảy sinh huyền thoại về các vua Hùng ở thời điểm này. Huyền thoại Hùng vương chỉ có thể nảy sinh từ huyền sử. Đúng là thời Hùng vương mang nhiều sắc thái huyền thoại nhưng Nhà nước Văn Lang Phong Châu là có thực, tuy người ta đoán rằng còn là hình thức liên bộ lạc, vua chỉ mang nghĩa tượng trưng như một tù trưởng của liên minh bộ lạc. Phát hiện rồi chứng minh thời Hùng vương dựng nước cùng Văn hóa Đông Sơn là thành quả xuất sắc của khảo cổ và lịch sử Việt Nam, được bạn bè thế giới cùng nhiều trí thức người Việt ở nước ngoài thừa nhận. Ý tưởng phủ định thời Hùng vương của ông Trương không thuyết phục vì thiếu chứng cứ.

   

Suốt thời gian dài, các nhà sử học của chúng ta phải giải bài toán hóc búa hai ẩn số : Vừa tìm nguồn gốc người Việt , vừa phải tìm lịch sử dân tộc. Do vậy những sai sót, ngộ nhận là dễ hiểu. Nhưng may mắn, từ cuối năm 1998 khi các nhà khoa học tham gia Dự án Đa dạng di truyền người Hán (Chinese Human Genome Diversity Project) công bố kết quả nghiên cứu, chúng ta có lời xác nhận khả tín về nguồn gốc người Việt như sau: khoảng 70-60.000 năm trước, Homo Sapiens từ Trung Đông vượt qua Pakistan, Ấn Độ rồi theo bờ biển Nam Á tới định cư ở Trung bộ Việt Nam. Dừng tại đây trong khoảng 10.000 năm, hai đại chủng Mongoloid và Australoid lai giống tạo nên hai chủng Indonesien, Melanesien cùng những chủng hòa huyết giữa chúng (Vedoid, Negritoid), lan tỏa khắp lục địa Đông Nam Á. Khoảng 50.000 năm trước, người từ Đông Nam Á đi tới Uc, 40.000 năm trước tới New Guinea. Khoảng 40.000 năm trước, khi băng hà tan, khí hậu ấm trở lại, người Đông Nam Á đi lên phía Bắc và khoảng 30.000 năm trước vượt Siberia, qua eo Bering sang châu Mỹ. (5)

 

Ẩn số quan trọng nhất của bài toán được khám phá: Người Việt là sắc tộc có mặt sớm nhất ở Đông Á, đã từ Việt Nam lên khai phá đất Trung Hoa. Khi bị người Hán chiếm đất, một phần ở lại xây dựng nước Trung Quốc, một bộ phận trở về nơi phát tích cũ cùng người Việt tại chỗ xây dựng nước Văn Lang.

 

Nếu trước đây chúng ta chỉ biết tới lịch sử 4000 năm Nam tiến ( thực chất là cuộc hồi hương về nguồn ! ) thì bây giờ, ta biết được lịch sử 40.000 năm Bắc tiến: Tổ tiên ta là người chủ đầu tiên của đất nước Trung Hoa ! Lần theo sợi chỉ đỏ này, chúng ta có chìa khóa giải mã những trang sách, những hiện vật khảo cổ, những nghiên cứu xã hội học… Một thời gian và địa bàn mênh mông cho khám phá.

 

III/  ĐIỀU MONG MỎI

 

Hình như có ai đó viết trên mạng Talawas, đại ý: "Người Việt Nam nào cũng là nhà Việt học!" Ngẫm ra, ẩn trong bề ngoài khôi hài, ý này không phải hoàn toàn là sự đùa bỡn. Là con dân của dân tộc có một lịch sử quá nhiều đau khổ mất mát, bị đánh cắp, bị cướp đoạt, bị hủy hoại… đến nỗi không biết tổ tiên là ai ! Vì vậy, mỗi người Việt có suy nghĩ đều mong tìm về nguồn cội, đều muốn viết lại cuốn sử của dân tộc. Do lẽ đó, không ít người đọc qua ít cuốn sách, ít bài báo, "ngộ" ra điều gì tâm đắc đều muốn phô cho đồng bào mình hay. Cố nhiên trong những người nóng rẫy nhiệt tình đó, không khỏi có người nông nổi vội vàng, khảo ít mà biên nhiều; lý ít mà luận nhiều… khiến cho những vấn đề cổ sử Việt Nam ngày thêm rối rắm. Những "nhà Việt Nam học" của chúng ta giống như thày bói xem voi trong truyện ngụ ngôn và chúng ta thành dân Babel càng nói nhiều càng không hiểu nhau…

 

Mong sao những nhà có tri thức có tâm huyết về việc này liên hệ với nhau lập ra một diễn đàn do những người có uy tín có kinh nghiệm chủ trì để cho những người biết chuyện biết việc phát biểu, bàn thảo không tràn lan mà dứt dạt từng chủ đề. Khoảng hai năm một lần tổ chức hội thảo nhỏ, năm năm một lần tổ chức gặp gỡ lớn để "chung khảo" công bố những phát kiến mới. Sau đó tiến hành in bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hoa…. Nếu ta trì chí làm như vậy, chắc sẽ có những thành tựu. Mong thay!

 

Xin đọc:

1. J.Y. Chu & đồng nghiệp: Genetic relationship of population in China. Proc.Natl. Acad. Sci.USA 1998 số 95 tr. 11763-11768.

  - Bing Su & đồng nghiệp: Y-chromosome evidence for a northward migration of modern human into Eastern Asia during the last Ice Age. American Jurnal of Human Genetics 1999; 65; 1718-1724.   

2. S.W. Ballinger&đồng nghiệp: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45

 3/Lê Anh Vũ: Tin Oxenham hay tin BBC. Talawas 3/3/2005

4/ Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB ĐH&THCN H.1983

5/ Xem các tài liệu 1 và nên xem Nguyễn Văn Tuấn: Tìm về nguồn gốc dân tộc Việt Nam qua di truyền học. (Giaodiem.com)

 

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 4942
Ngày đăng: 04.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quang Trung trong tâm trí kẻ sĩ Bắc Hà - Đặng Việt Bích
Phế đô của vương quốc Phù Nam - Nguyễn Trọng Tín
Sài Gòn năm xưa - Phần ba - Vương hồng Sển
Sài Gòn năm xưa - Phần hai - Vương hồng Sển
Đây là Scotland. - Huỳnh Kim
Thông điệp CẦU NGANG - Lê Vũ Tuấn
Sài Gòn năm xưa-Phần một - Vương hồng Sển
Văn minh thắng bạo tàn - Lê Phú Khải
Điện Biện vời vợi nghìn trùng - Lê Phú Khải
Chuyện 40 năm sau trong hầm Đờ Cát - Lê Phú Khải
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)