Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
697
115.996.988
 
Kịch Noh là gì ?
Hạnh Linh

Noh là một dạng nghệ thuật biểu diễn cổ điển Nhật Bản kết hợp những yếu tố của múa, tuồng, âm nhạc và thơ ca vào thành một bộ môn nghệ thuật sân khấu thẩm mĩ cao. Có cơ sở với quy mô rộng lớn tại các thành phố như Tokyo, Osaka và Kyoto, kịch Noh được trình diễn khắp nơi trên đất nước Nhật Bản bởi các nghệ sĩ chuyên nghiệp, chủ yếu là đàn ông, những người đã được kế tục bộ môn nghệ thuật cổ truyền này qua nhiều thế hệ. Thêm vào đó là một lượng lớn các nghệ sĩ không chuyên cả nam lẫn nữ đảm trách nhiệm vụ hát, múa và đàn.

 

Kịch Noh phát triển đến mô hình nghệ thuật như ngày nay từ thế kỉ XIV và XV, dưới sự lãnh đạo của người biểu diễn, nhà soạn kịch thiên tài Kannami (1333-1384) và con trai của ông, Zeami (1363-1443).

 

Kịch Noh bao gồm 2 yếu tố chủ chốt của bộ môn nghệ thuật biểu diễn: múa và diễn kịch bằng điệu bộ. Kanami và Zeami đã hợp nhất hai yếu tố này. Vai trò của Kanami là khởi xướng sự hợp nhất và Zeami là người thể hiện nó thành lý thuyết và nghệ thuật biểu diễn. Đặc biệt, Zeami đã viết hơn 250 vở mà cho đến nay vẫn còn được trình diễn trong các nhà hát cổ điển. Ông còn viết một số tác phẩm giải thích những nguyên tắc thẩm mĩ của kịch Noh và đưa ra những chi tiết cụ thể về sáng tác, chỉ đạo, đào tạo và trình diễn bộ môn nghệ thuật này. Kịch Noh rất thịnh hành vào thời kỳ Zeami, dưới sự bảo trợ của tướng quân Ashikaga Yoshinitsu. Sau này, vào thời kỳ Edo (1603-1868), kịch Noh trở thành một bộ môn nghệ thuật biểu diễn chính thức của chính phủ quân sự. Các quan chức cao cấp quân đội phong kiến trên khắp đất nước Nhật Bản đã ủng hộ cho những đoàn kịch và nhiều người đã học và tham gia biểu diễn bộ môn nghệ thuật này.

 

Với những cải cách về xã hội thời kỳ Meiji (1868-1912), kịch Noh mất sự bảo trợ về tinh thần và buộc phải tự chèo chống. Kịch Noh gần như lụi tàn, chỉ còn một số diễn viên tái hợp thành những nhóm mới, tìm các nhà tài trợ tư và bắt đầu dạy bộ môn nghệ thuật này cho những nghệ sĩ không chuyên. Kịch Noh đã dần dần được củng cố và lại bắt đầu trở nên thịnh vượng. Ngày nay, giống như rất nhiều dạng nghệ thuật biểu diễn cổ điển khác trên thế giới, kịch Noh không được coi như là một bộ môn nghệ thuật phổ biến của người dân Nhật Bản nói chung. Tuy vậy, những người cổ vũ cho bộ môn nghệ thuật này rất nhiệt tình, hăng hái, các diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo cao và rất bận rộn trong việc biểu diễn, đào tạo trên khắp đất nước Nhật Bản. Hiện nay có khoảng 1.500 diễn viên chuyên nghiệp kiếm sống bằng nghề biểu diễn và dạy bộ môn kịch Noh.

 

Có 5 típ kịch Noh. Theo trật tự đó là các vị thần, các chiến binh, những người phụ nữ xinh đẹp, các nhân vật hỗn hợp (đặc biệt là những người đàn bà điên loạn) và các sinh vật siêu nhiên. Vào thời đại Edo, một chương trình đầy đủ cho một buổi biểu diễn bao gồm một vở nghi lễ Okina Sanbaso, tiếp đó là một vở từ mỗi loại kịch theo trật tự trên.

 

Nhân vật kịch Noh chia làm 3 nhóm: Shite, Waki, Kyogen. Nhóm Shite gồm có Shite (nhân vật chính) và các nhân vật khác. Họ thường đeo mặt nạ, đặc biệt trong những vai nhân vật phụ nữ. Shite là nhân vật chính của vở kịch, đôi khi xuất hiện với một hoặc vài nhân vật đi kèm được gọi là "Tsure".. Trong nhiều vở kịch, "Shite" xuất hiện nửa đầu vở kịch như người bình thường, được gọi là "maejite", chết đi, sau đó lại xuất hiện trở lại vào phần hai của vở kịch dưới dạng hồn ma "nochijite" của một người nổi tiếng đã qua đời từ lâu lắm rồi... Cả hai nhân vật thường đều do một diễn viên đảm trách và anh ta thay trang phục giữa hai màn để phù hợp với sự biến hoá (người thành hồn ma, nông dân thành quý tộc...). Nhóm Waki không bao giờ mang mặt nạ. Họ là người làm nền cho Shite, thường là một thầy tu hành khất, có vai trò chất vấn nhân vật chính, và đây là chi tiết quan trọng trong tiến trình phát triển câu chuyện. Thầy tu cũng thường xuất hiện cùng với nhân vật "Wakitsure". Nhóm Kyogen thể hiện những vở hài kịch nhỏ trong thời gian nghỉ giữa hai màn, giúp cho Shite có thời gian để thay quần áo.

 

Tầm quan trọng của âm nhạc là nhịp điệu. Nhịp điệu trong âm nhạc kịch Noh giống như tiếng mưa rơi từ mái hiên xuống. Sự phân chia của 7 âm tiết được gọi là “yo”, sự phân chia của 5 âm tiết là “in”, chiếc trống lớn được gọi là “yo”, và trống nhỏ gọi là “in”. 7 âm tiết là một phần diễn tấu của chiếc trống lớn, 5 âm tiết là một phần diễn tấu của trống nhỏ, nhưng nếu diễn tấu nối tiếp nhau, thì vai trò của chúng đôi khi lại đảo ngược. Dàn nhạc bao gồm những nhạc cụ sau: sáo (nohkan), trống hình đồng hồ cát đeo trên vai của nhạc công (kotsuzumi), trống lớn hơn một chút (okawa) được đặt trong lòng nhạc công, trống hình thùng đặt trên sàn và gõ bằng hai dùi (taiko). Nhịp điệu và giai điệu của những nhạc cụ này phải được thể hiện theo những quy định nghiêm ngặt. Dàn hợp xướng thường bao gồm 8 người, được gọi là “kimi” hay “vua”, và “những chú mèo” hay những nhạc công, được gọi là “thần dân”.

Dàn hợp xướng phụ thuộc vào “Shite”. Truyền thống của dàn hợp xướng ngày nay cũng có một số thay đổi, không còn quá máy móc,  các “chú mèo”, dàn hợp xướng, và nhân vật chính “cảm nhận được tính sáng tạo của mình”, và đáp lại những xúc cảm của chính mình. Thậm chí trong 15 năm sau này, một số thay đổi đã diễn ra một cách vô thức. Mỗi “một chú mèo” của một trường phái có những truyền thống riêng của mình. Khi anh ta bắt đầu học, anh ta viết vào sổ tay của mình những ghi chú cho từng âm tiết trong 12 âm tiết. Mỗi người có lời chú giải riêng để học. Những chi tiết này không bao giờ được truyền cho bất cứ ai. Những diễn viên và những người hát trong dàn hợp xướng bình thường cũng không biết đến chúng.

 

Việc biểu diễn kịch Noh không giống như việc biểu diễn một vở kịch hiện thực. Động tác của nó được cách điệu hoá và mang tính chất miêu tả cao. Một số động tác có ý nghĩa cụ thể, số khác lại như sự thể hiện thẩm mĩ trừu tượng, truyền tải cảm xúc của nhân vật chính. Có thể miêu tả Noh như một điệu múa, đôi khi có rất ít động tác, vì sự căng thẳng kịch tính được xây dựng thông qua việc thuật lại. Có lúc những động tác lại rất mạnh mẽ, đầy sinh lực. Nhìn chung, sự khoan thai, tính khúc chiết, sự kìm nén và tính trừu tượng là những nét quan trọng của động tác kịch Noh.

 

Trong kịch Noh, diễn viên không trang điểm mà sử dụng mặt nạ được làm rất công phu. Những chiếc mặt nạ này được nhìn nhận như những vật thể tuyệt đẹp và là phương tiện diễn cảm tuyệt vời. Bất cứ nhân vật được miêu tả nào không phải là đàn ông trung niên sống trong thời hiện tại, đều đeo mặt nạ. Do đó, tất cả các nhân vật: phụ nữ, đàn ông già cả cũng như bóng ma, các vị thần, quỷ sứ và các sinh vật siêu phàm, đều đeo mặt nạ. Nhìn chung, nhiều hay ít, mặt nạ có  sự biểu cảm trung tính hay mối xúc cảm mạnh mẽ. Thực tế, việc biểu cảm trung tính cho phép mặt nạ có thể thay đổi các hình thức biểu cảm khác nhau với tác động của ánh sáng và bóng tối trên mặt nạ khi diễn viên nghiêng mặt nạ một chút theo nhiều góc độ khác nhau.

 

Trang phục kịch Noh phỏng theo trang phục của thế kỷ XV. Chúng được làm bằng lụa lộng lẫy đủ màu sắc. Những bộ trang phục này biểu lộ típ nhân vật được miêu tả và tuân theo những quy định bắt buộc về việc sử dụng. Một số trang phục, đặc biệt là những bộ của những nhân vật đại diện cho tầng lớp quý tộc, rất lộng lẫy, được may bằng chỉ vàng và bạc. Trang phục trong kịch Noh vô cùng đa dạng. Chi tiết thiết kế, sự phối kết hợp màu sắc, chất liệu vải quý hiếm, và sức mạnh của hình thức mang đến cho khán giả kịch Noh một ấn tượng thật độc đáo, mạnh mẽ. Tất cả các nhân vật, giàu hay nghèo, trẻ hay già, đàn ông hay đàn bà, đều phục trang rất đẹp. Quy trình phục trang cũng rất phức tạp. Người diễn viên không thể tự phục trang được mà phải nhờ 2 đến 3 người khác giúp. Một bộ trang phục không nhất thiết chỉ phục vụ cho một nhân vật cụ thể trong một vở kịch nhất định. Một số bộ trang phục đã được sử dụng cho nhiều nhân vật khác nhau, một số bộ là duy nhất, và mặt nạ dùng cho kịch Noh cũng theo nguyên tắc đó.

 

Màu sắc và ảnh hưởng màu sắc chung của trang phục không thể thay đổi: ví dụ, những hình tròn nhỏ trên nền đen phải giữ nguyên, còn những họa tiết bên trong hình tròn đó như hoa hay những trang trí khác có thể thay đổi. Chiều dài không thể thay đổi, ngoại trừ những chi tiết nhỏ và kích cỡ của trang phục là có thể thay đổi chút xíu.

 

Kịch Noh sử dụng sân khấu không rèm, hình vuông với chiếc cầu nhỏ từ đằng sau sân khấu dẫn lên được dùng cho diễn viên ra vào sân khấu. Sân khấu kịch Noh, theo truyền thống, là ở ngoài trời và được che bằng mái che nghiêng dài. Vào thế kỉ trước, sân khấu đã được chuyển vào trong nhà. Vào thời Ashikaga (thế kỉ XIV), sân khấu được mở về các phía và có hình vuông như hình dạng ngày nay với 4 cột. Khán giả vây quanh sân khấu theo một vòng tròn lớn như sàn đấu Sumo. Dưới gầm sân khấu là 5 chiếc bình đất, được đặt trong vòng bao của các cột với mục đích cộng hưởng âm thanh. Còn có thêm 2 chiếc bình nữa dưới chỗ ngồi của các nhạc công và 3 chiếc nữa dưới chiếc cầu. Việc sắp đặt như thế này đã có từ thời Tokugawa. Mặt đất dưới sân khấu được đào xuống sâu 5 feet. Những chiếc bình không được để thẳng đứng, vì như thế có thể làm nghẽn âm thanh, mà được đặt nghiêng 45 độ. Đôi khi chúng được treo trên những sợi dây và đôi khi đặt trên các cột trụ. Những chiếc bảng được để đằng sau để đẩy âm thanh về phía trước. Sàn sân khấu rất phẳng, nhưng hơi dốc về phía trước một chút. Xây dựng một sân khấu cũng khó như xây dựng đền của đạo Thần Nhật Bản vậy. Cây thông được vẽ trên bức tường phía sau sân khấu mang tính biểu tượng, thể hiện truyền thuyết về kịch Noh đã được truyền từ trên trời xuống cho loài người thông qua cây thông này. Trong văn hoá Nhật Bản, cây thông mãi mãi xanh tươi đã trở thành biểu tượng của sự trường thọ và tính kiên định không gì lay chuyển nổi. Và dọc theo cầu là 3 cây thông nhỏ, cố định, là biểu tượng cho trời, đất và con người. Cây thông biểu tượng cho trời đứng gần sân khấu nhất, tiếp theo là cây biểu tượng cho con người và cuối cùng là cây biểu tượng cho đất.

 

Nhìn chung, việc sử dụng không gian và thời gian không được miêu tả một cách thực tế. Trong kịch Noh có sự tự do miêu tả về không gian và thời gian, đòi hỏi khán giả phải vận đến trí tưởng tượng của mình. Các nhân vật chỉ đi có vài bước và thông qua bài hát của họ hay của dàn hợp xướng, khán giả biết rằng họ đã đi một chặng đường dài. Hai nhân vật có thể xuất hiện trên sân khấu gần như sát bên nhau, nhưng khán giả phải hiểu là họ vẫn chưa nhìn thấy nhau. Trong khi điều này có thể gây bối rối cho những người xem lần đầu, thì đối với nhiều người đã hiểu được những quy ước nhất định, Noh đã tạo ra một bộ môn kịch nghệ truyền cảm và có tác động mạnh hơn rất nhiều kịch nghệ sân khấu hiện thực.

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Shigetoshi K., Yoshio Y. and Takeskoshi K. (1963), Theatre in Japan (Nhà hát Nhật Bản), Japanese Ministry of Finance, Tokyo.

 

Kusano E.(1978), Stories Behind Noh and Kabuki Plays (Những câu chuyện đằng sau những vở kịch Noh và Kabuki), Tokyo News Service.

 

Trích vanhoanghethuat.org.vn

Hạnh Linh
Số lần đọc: 5142
Ngày đăng: 09.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sân khấu phía Nam: Nơi cuộc sống hiện diện - Hòang Kim
Nguyễn Thị Minh Ngọc : "Sân khấu cần một tình yêu lớn..." - Trương Trọng Nghĩa
Xem Trái tim nhảy múa: Thu hút từ sự nhân hậu - Khuyết danh
Một buổi diễn kịch đặc biệt - Khuyết danh
Sân khấu năm 2004: Bức tranh nhiều màu sắc - Khuyết danh
Những vấn đề đặt ra từ thực trạng sân khấu hôm nay - Khuyết danh
Kịch nói Việt Nam: ngoại sinh và nội sinh - Khuyết danh
Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc: Sân khấu kịch là "Lựa chọn cuối cùng của tôi" - Khuyết danh
Bất ngờ giữa dòng chảy sân khấu kịch - Khuyết danh
Nghệ sĩ Hồng Vân:"Tôi luôn đứng phía sau ủng hộ các diễn viên trẻ" - Khuyết danh
Cùng một tác giả