Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
661
115.993.800
 
Khóc nghề
Trọng Huân

Hắn khóc vợ, khóc thảm thiết. Sao trên đời có người đâu khóc vợ thê lương đến vậy! Tiếng khóc khàn khàn, lặng tắc như phát ra không phải trong họng mà từ phổi ruột tim gan. Nghe, chú ý mới rõ lời than khóc. Hà nghệ sĩ, dân làng gọi như vậy, hắn khóc kể về tình cảm buổi ban đầu, kỷ niệm như tươi nguyên nóng hổi. Rồi hắn kể bầy con dại cùng hắn bơ vơ côi cút trên cõi đời này. Đàn bà khóc chồng là thường tình, cảnh đàn ông khóc vợ nghe thật não lòng. Lắm lúc khóc hắn kể cả cái chuyện ái ân, nghe phát ngượng. Nghĩ, ai lại than chuyện ấy làm gì. Nhưng thôi, người ta đận mất vợ, đầu óc không tỉnh táo, biết đâu chọn lựa câu khóc:

          - Hu hu... em ơi, em ơi!... Sao em nỡ chết khi anh còn sống... Hu hu hu...  em ơi tình ta  dang dở!... Hu hu

            “ Choang... choang”- mấy cái bát vỡ tan. “Xoảng”- lại chiếc mâm vèo ra sân. Tiếng trẻ con giật mình ré lên.

          - Ông cấm chúng mày nhặt, đám ăn hại đái nát... kia! Xéo, xéo mẹ chúng mày đi cho khuất mắt ông. Hu hu hu... em ơi! Nếu mai anh chết thì cõi lòng ai tan nát em ơi!

           Thế là bắt đầu kể lể đoạn trường. Hàng xóm  biết hết đoạn này sẽ tới đoạn hắn chửi rồi lại bắt đầu khóc cha, khóc mẹ. Hắn khóc cha mẹ giọng cũng ai oán, lâm li vậy:

          - Hỡi cha mẹ ơi, bao công sinh thành nuôi dưỡng... hơ hơ... Cha ơi mẹ hỡi có hay! Linh hồn xin giáng về ngay linh sàng! Hoặc cha mẹ ở thiên đường cực lạc, xin lệnh trên cưỡi hạc kịp về. Hoặc về địa phủ âm ty, xin đức Địa tạng, hộ trì cho lên... hu hu... cha mẹ hỡi!

       

Hoá ra thằng cha đó bố mẹ đều chết. Thảo nào tiếng khóc nghe buồn thế. Khổ thân hắn thật! Sao có người số phận đến không may. Như hắn chẳng hạn, vợ đã chết, bố mẹ lại cũng chết! Có lẽ chết tai nạn giao thông. Còn giọng hắn chửi phẫn uất, chắc đứa thất nhân nào lừa đảo hắn. Tiếng khóc chửi nhỏ dần, yếu dần, hực cái, hực cái, lịm hẳn. Khốn khổ hắn chưa khóc chửi mệt không còn sức lả đi rồi.

         

Vợ hắn người đàn bà mảnh như dải khoai, xanh như tàu lá, hai tư tuổi mà gặp ai cũng đồ đến ba lăm. Nhìn khuôn mặt cô ta đoán ngay một cuộc đời khổ ải. ánh mắt len lét ngước nhìn vội cụp xuống. Không phải ánh mắt vụng trộm gian giảo, nó tồi tội và khiếp nhược. ở cái làng này, con gái mười sáu mười bảy là lấy chồng, học cao hết cấp hai, đại học chẳng đến lân, có trúng lấy tiền đâu theo đuổi, chưa kể ra trường ngược xuôi chạy việc. Vậy vào cấp ba mà làm gì? Tiền ấy, sức ấy, thời gian ấy, còn ở với bố mẹ, chịu khó đồng áng, khéo léo dành dụm giấu diếm được chỉ vàng là của hồi môn ngày cưới, không đớn hèn thì may lấy vài bộ quần áo, kẻo khi về nhà chồng mang tiếng tay không. Người đàn bà nom như dải khoai kia lúc cưới tròn mười bảy. Đám cưới nhà trai tổ chức to, ngả hai lợn tổng cộng chín mươi mâm, ba ngày ăn chưa hết cỗ. Chú rể, thằng Hà không hiểu tán tỉnh cách nào qua mặt được mấy đứa. Đẹp giai không bằng chai mặt. Giống con gái mới lớn thích ăn bánh phỉnh cộng thêm tính huyếnh, một tấc lên đến giời của thằng Hà và thời buổi yêu đương tự do, tìm hiểu kiểu dấm dúi bờ bụi, bụng phưỡn ra, thằng Hà chứ thằng phát vãng nào chả phải đồng ý.

          

Cưới cỗ bàn chưa ráo mâm bát, ngoài sân người còn dỡ rạp khênh bàn, bố mẹ thằng Hà đã lôi vợ chồng nó vào công khai tài chính, chứng kiến việc bóc phong bì và liệt kê đồ mừng. Tính ra, đồ tiền mừng không đủ khoản vay mượn cưới, lõm một triệu không trăm ba bảy nghìn đồng chẵn. Bố mẹ thằng Hà gàn trước rồi, bảo cưới nhỏ nhưng thằng này hống không nghe, quyết cưới to. May bố mẹ nó mặc cả trước, giao kèo ba mặt một lời hẳn hoi, cưới to, lỗ vợ chồng nó hoàn toàn gánh chịu.“ Vợ chồng mày ăn chung với nhà hết tháng là ra ở riêng. Sau mày còn đống em. Khu đất nhà ngoài trại tao tạm giao cho vợ chồng mày. Ra ở riêng, thế là sướng quá. Ngày trước chúng tao ấy à... tay trắng” Nghe bố nói sốt ruột, thằng Hà nhếch mép cười, kiểu: “Biết rồi, ông bà muốn vỗ tuột thằng tôi cho nhẹ nợ. Đây cũng đếch cần.” Chẳng phải chờ đến cuối tháng, ngay đêm tân hôn thằng chồng quyết, vợ chồng chúng chăn gối nồi xoong tếch thẳng ra trại luôn.      

           

Năm năm ba đứa trẻ liên tiếp ra đời, đứa này nhỉnh hơn đứa kia chỏm tóc. Năm miệng ăn chỉ anh chồng kiếm, thằng Hà lại vốn chơi bời rượu chè  nhà càng thêm túng. Cái làng nó kiếm việc không dễ, quanh đi đội cát, đóng gạch, quẩn lại phụ nề, thồ than... Thằng Hà làm đủ, dăm tháng nó lại bỏ. Cai không thải thì nó chán cũng bỏ, mà chủ yếu là cai bỏ, thằng nghiện ngập cờ bạc, lúc cần thì nó lại say bí tỉ hay dúi ở chiếu bạc. Mấy bận nó suýt ngã trên giáo xây cao tít vì ngái ngủ hoặc lơ mơ say. Giờ ở làng đố ai dám gọi nó đi làm nữa. Thằng Hà đâm thất nghiệp.

          

Cơ may thế nào trong một bận say nó hát, cười, ngâm đủ giọng bi ai hài tiếu.  Hôm ấy là ở đám cưới trong làng. Thành lệ rồi, làng cứ đám xá mời hay không mời dân làng già trẻ tới ăn cỗ ráo. Cỗ bàn thì phải rượu, không rượu thịt tử tế có đứa  đốc chứng cà khịa là khốn. Lâu rồi thằng Hà chưa được bữa rượu nào hả hê vậy, hắn say. Tính thằng này rượu vào là hát, nó trích đủ tuồng, chèo, cải lương. Lão cai Bền khách xã bên sang mừng đám cưới thấy thằng Hà hát đến vỗ vai làm quen. Lão khen: “ Này thằng em,  cái giọng chú mày vang, khoẻ! Hừm... đi làm với anh đi. Ngày cơm nuôi ba bữa, rượu thịt đánh thẳng rốn còn giắt về cho mẹ đĩ mười nghìn. Đấy là mới vào nghề, sau giỏi giang tay nghề lên còn kiếm nhiều, có đám... tiền trăm. Chết đuối vớ được cọc, dù lơ mơ thằng Hà vẫn tỉnh ngay, dỏng tai nghe. Hắn cười hỏi khách, giọng vừa nghi ngờ vừa khấp khởi hy vọng: “Ông anh không đùa thằng em chứ?... hì hì...” Khách liền rỉ tai. Khách nói thằng Hà chưa rõ hỏi lại. Nghe thủng ra mắt nó chợt cụp xuống, lưỡng lự. Vốn lõi đời, khách biết cu cậu sĩ diện, ngượng, liền khích:

          - Xì... Việc quái gì mà ngượng! Có phải đánh đĩ trộm cắp đâu... Khối đứa đánh đĩ ăn cắp đầy ra đấy vẫn vênh váo, diện ngất trời. Chú mày không tin à? Lên thị xã, phố huyện mà xem. Anh hỏi mấy cái quán ka ra ô kê chẳng bán trôn nuôi miệng công khai à! Hò hát gì!

          

Thằng Hà nghĩ: Có lý. Mà thá nó con ông cháu cha gìđâu phải giữ gìn! Hắn bùi tai, nhưng vẫn gãi gãi đầu, làm mẽ với khách:

          - Em là em ô kề... dưng bác thư thư cho thằng em về hỏi thử ý kiến mẹ đĩ...                                                              

          - Vẽ!- ông khách bĩu môi khích-  Đàn ông mà phải hỏi vợ, vứt! Chỗ quý chú anh mới bảo. Giờ ới cái người có cả đống. Nào chú quyết đi, tôi chờ!

           Làm quái gì có chuyện không đồng ý. Khách rút ngay tờ mười nghìn mới khự nhét vào túi thằng Hà,  hợp đồng mồm luôn.

          - Có việc, anh ới chú phải đi ngay. Còn tuần sau sang anh tập trước vài buổi. Tất nhiên tập chỉ cơm nuôi thôi. Không có anh bán xới đi ăn mày à!

          Thằng Hà về bảo vợ. Vừa nghe cô vợ giãy lên như đỉa phải vôi:

           -  Anh không sợ dân làng cười cho à?

           Nghe vợ nói vậy thằng Hà quắc mắt:

           - Thằng nào con nào dám cười tôi. Ông tha cười cho chúng là phúc! Mà tôi nói cho cô hay, tôi biết tỏng ra rồi, nhà cô, bố con cô cười chứ ai. Này, cô đừng tưởng nhà cô danh giá, cành vàng lá ngọc nhé! Bố cô, cái chức chủ tịch xã về hưu chục năm nay, vứt ra đường chó nó không thèm ngửi. Mà thằng này kiếm không đổ riêng lỗ mồm nó. Đổ... đổ cho tất cả lũ lĩ nhà cô kia kìa. Hừ... khóc, ông đã chết đâu mà khóc. Ha ha ha... khóc được đấy, lời dài, gịong khoẻ như chúng nó vừa khen ông!

        

Người đàn bà còn biết nói gì nữa, thằng chồng cô chuẩn bị đi làm nghề khóc mướn. Những giọt nước mắt thánh thót rỏ xuống cái bụng tháng thứ tư, thứ năm nhinh nhỉnh của cô. Hắn đi làm. Buổi đầu gặp người làng hắn cũng sường sượng. ánh mắt họ nhòm ngó, cạnh khoé, mỉa mai. “Chúng mày khinh ông à- hắn nghĩ- Đây thịt xôi giò chả bọc tướng ông mang về, vợ con ông cắn ngập răng. Nhìn thấy, chúng mày lại không thèm rỏ dãi, không ghen lồng lên thì ông đi đầu xuống đất!”. Đám con chầu chực mỗi bận hắn về, hau háu lục ca táp lấy đùi gà, xôi, chân giò ngấu nghiến ăn. Tiền hắn mang về cho vợ nhiều dần, một chục, hai chục, ba chục, có bận cả tờ năm mươi nghìn cạo râu được. Nghe mọi người xỏ xiên gọi mình là Hà nghệ sĩ, Hà nhà báo, hắn chẳng lấy thế làm nhục. “ừ , nghệ sĩ đấy, nhà báo đấy! Được như ông chúng mày đã phúc bảy mươi đời”. Và thế là từ dạo ấy hắn vênh váo hãnh diện luôn với cái danh hiệu nghệ sĩ người làng mát mẻ gắn cho. Hắn là nghệ sĩ khóc mướn. Đi làm chưa đầy nửa năm hắn nổi như cồn. Khắp  huyện, dần dần lan ra cả tỉnh, phường kèn trống lão cai Bền nổi tiếng nhờ tay khóc mướn Hà nghệ sĩ. Tiếng khóc của hắn mới thảm thiết bi ai làm sao, giọng to, lời dài... Từ khi có hắn các phường khác trong huyện vêu mõm, nhìn phường hắn hốt bạc thiên hạ mà tức. Tiếng đồn nhanh thế, đến cái huyện Hải Tiền cuối tỉnh nhà đám cũng lặn lội đến nói khó  rước kỳ được phường kèn trống cai Bền. Hà nghệ sĩ được cả phường trọng vọng. Lão cai Bền nhũn như con chi chi, một điều chú, hai điều anh với hắn. Làm gì không anh anh em em, nhờ hắn mỗi ngày lão đút túi ngon ơ trăm nghìn, chưa kể tiền thướng.

         - Nhìn chú vất vả anh xót quá! Thôi cố mà giữ  cái sức khoẻ chú Hà ạ. Ăn đi, ăn đi em. Này miếng phao câu,... Không không gì cả, anh gắp chú phải cố- đấy là lão cai Bền đang chăm sóc, cởi gan cởi ruột với Hà nghệ sĩ trong bữa ăn khuya nhà đám phục vụ- Bảo việc khác như gánh nặng thì anh em san đỡ , chứ khóc, không năng khiếu, có tài như chú, cứ chịu!

          

Vất vả quá đi chứ, có ngày buổi sáng lăn gô bổ chửng  gào khóc đám này, chiều đã ngồi sau xe lão Bền phi đến hờ đám khác. Ngang diễn viên hát sô, chạy rạp ngoài thành phố. Hắn biết người ta cần, nên cũng làm mình làm mẩy ra phết, yêu sách đủ điều. Mà phải thế nào mới mình mẩy được, không tài như hắn, khóc có mả có nghề, khối ra chúng cầu cạnh. Phải nói thằng cha giỏi. Còn nó thì nghĩ: Trước đây nhờ nghe nhiều nhạc vàng, lại sẵn đầu óc biến báo, mồm miệng ứng khẩu nhanh, mới mấy tháng đã khối kinh nghiệm. Khóc mướn xứ ta đâu có bài bản dạy truyền. Vào nghề học lỏm được câu nào, đoạn nào thì được, như bài khóc bố mấy câu thế này, khóc mẹ  mấy câu thế kia, quanh đi quẩn lại có vậy, đến hắn còn thấy nhàm. Chốn quê đám xá lắm thầy nhiều ma, bình luận khen chê mỗi người một kiểu. Người ta đến nhà đám để ý kỹ lắm. Khóc phải sao cho nó thật, giả mà như thật. Khó là vậy đấy. Cứ xem người đến phúng viếng kia kìa, họ có buồn thương đến vậy đâu, nhưng mặt đều buồn rười rượi. Kẻ cầu cạnh thì đến cốt phúng viếng người sống; còn kẻ tò mò thì đến xem nhiều thứ lắm: chia của; xem anh em mâu thuẫn cạnh qué nhau; xem con cháu đứa nào đóng góp nhiều và ai bài bây, quỵt, không chị đóng góp. Càng có chuyện giật gân càng hay, tỷ như, tự dưng nảy nòi ra đứa nhận bố, nhận mẹ, khăn trắng áo xô chở người khuất. ái chà chà, chuyện ấy tha hồ kháo, cả tháng chưa hết. Đấy người dự nhà đám vậy đó. Mà ở quê đến chỗ ma chay như đi xem tuồng xem hát, cứ mấy lời cũ rích ai người ta còn thiết nghe, thiết rung động buồn thương nữa. Chưa kể đồng tiền bát gạo bỏ ra, nhà đám họ phải gỡ lại cho xứng.

       

Nghĩ vậy nên hắn để ý. Đầu tiên tới nhà đám hắn hỏi tỉ mỉ thân thế, sự nghiệp, nếp ăn nhẽ ở người khuất, tình cảm quan hệ với họ hàng thân tộc ra sao, thế là đầu hắn phác hoạ nhanh sườn bài khóc. Riêng với nhà đám chết trẻ cần nhất cái bi ai. Thứ này lời điệu hắn thiếu giống, cứ mô ni phê anh nhạc vàng, tân cổ giao duyên, miễn đừng bê nguyên xi, như “Nếu mai anh chết em có buồn không...”, lại nữa “Anh đâu ngờ, có ngày đàn đứt dây tơ... hơ hơ”, rồi thì “ Một hôm mưa bay được tin em chết... ớ ơ ”. Vô thiên ủng. Vậy là thằng cha tha hồ thả hồn khóc. Một bận có tay giám đốc già ở thị xã, vợ chết. Thằng cha quá yêu cô vợ trẻ. Đoán trước mỏ vàng thỏi đây, hắn chuẩn bị lời điệu bài khóc rất chi là cẩn thận. Y rằng, lần đó hắn trúng quả đậm. Nhà đám này quan hệ rộng toàn khách khứa sang, tay chồng dù tiếc thương vợ vẫn phải kìm nén đứng gượng đáp lễ người phúng viếng. Thằng cha giàu nên cầu kỳ cho tận xe con về đón phường kèn trống, yêu cầu đích danh Hà nghệ sĩ. ở nhà đám, thằng Hà vừa cất giọng lời khóc khúc mở màn- kể lể nỗi chồng đau mất vợ, gã giám đốc kia đã nức lên, rồi mặc quan khách cứ thế vật vã gọi vợ. Cảnh tượng thương đau đến độ, tự dưng chủ khách- cả rạp tu tu khóc theo. Đám xứ dự nhiều nhưng chưa có bận nào hắn thấy đám tang mà buồn đến thế. Tang ma xong anh chồng ghi công cậu chàng khóc mướn, kẻ thay gã nói lên tấc lòng thương tiếc cô vợ yêu, gã hào phóng thướng riêng Hà nghệ sĩ năm trăm nghìn đồng. Ơ hơ ngon ơ ba tạ thóc, lại còn đánh bạc nhoè! Phường kèn trống mỗi người được năm chục nghìn tiền thướng. Chưa có đám nào công xá hậu hĩnh vậy. Hắn nổi tiếng càng trở nên nổi tiếng. “Cứ đà này chẳng mấy nỗi chú lên rim, có khi tậu cả mô bin phôn đeo đít”- lão cai Bền nịnh hắn. “Chứ không à. Lúc ấy ông thèm vào bám đít cái bảy tám ghẻ của nhà mày”-  thằng Hà nghĩ bụng vậy.

         

Sông có khúc người có lúc, đang lên như diều, đánh đùng cái, giọng như chuông như khánh của hắn tự dưng khàn khàn tịt tịt, tiếng khóc nghe chẳng thấy đâu mà cứ khừng khực. Người ta bảo lộc trời cho hắn thế thôi. Lúc trước tiếng tốt giọng dài lão cai Bền săn đón, phắt cái lạnh nhạt liền. Đến khi giọng hắn khóc không ra hơi, tiếng tắt lịm trong họng, ngay lúc nhận tiền công gia chủ thanh toán, lão Bền gọi thằng Hà tới cắt hợp đồng. Vừa nghe lão cai nói, Hà nghệ sĩ quáng quàng trình bày lẽ thiệt hơn, tình cảm lâu nay và hoàn cảnh gia đình hắn. Lão Bền cười khẩy:

          - Tôi thương cậu nhưng gia chủ người ta không thương tôi. Mà họ không thương là không thương thật! Không kiểu thương vay khóc mướn như  loại nhà cậu. Thôi ông biến cho tôi nhờ. Cắt!

         

Nói tới đây lão tót lên xe, rồ ga phóng thẳng, để lại Hà nghệ sĩ trân trân ngó theo. Cái thá thằng Hà đấu sao lại với cai Bền. Hắn dàn dụa nước mắt, những giọt nước mắt thật hẳn hoi, tuy không lời kể bi ai như lâu nay hắn thường rặn ra ở nhà đám nhưng lòng hắn buồn rười rượi. Lúc kiếm ra tiền ngày hơn bù ngày kém, bình quân tháng già triệu bạc, tưởng là nhiều. Khi thất nghiệp tiêu vèo một cái, tra tiền vợ thấy sạch như chùi. Lâu nay ăn uống ngày ba bốn bữa rượu thịt nhà đám thành quen, tật nghiện rượu của Hà nghệ sĩ càng nặng. Kiếm không ra nhưng sáng trưa chiều tối hắn vẫn phải có chai rượu. Ngồi uống suông một mình thằng cha nghĩ ngợi tợn. Càng nghĩ càng căm lão Bền, đồ bất nhân, phường giả dối, quân khóc thuê hờ mướn. Căm, thằng Hà chửi. Chửi lâu ngày thành tật. Nó nói cũng như chửi, chửi cũng như nói. Chửi chán lão cai nó quay sang chửi vợ, con vợ lười chảy thây, chỉ biết ăn và đẻ, không biết kiếm tiền để hắn khổ. Cho hả cơn giận, hắn lôi vợ ra đánh. Phàm đã say, nó không phân biệt đâu là hiện tại đâu là quá khứ, nhầm lẫn thời nọ, thì kia. Ngồi nhà mà hắn tưởng mình còn đang buổi nổi như cồn- Hà nghệ sĩ khóc mướn, oanh oanh liệt liệt. Cái giống hành nghề, phải bỏ, người ta nhớ nghề ghê lắm. Hắn cũng nhớ nghề khóc mướn của hắn y vậy. Lúc tỉnh còn giữ ý với xóm giềng  hắn chỉ lẩm nhẩm bài khóc trong miệng, song khi say hắn nào biết ý tứ gì, cứ rống lên: Con khóc cha, anh khóc em, vợ khóc chồng. Trong các bài, bài khóc vợ là hắn hay mang ra nhiều nhất.

         

Hôm nay cũng vậy hắn uống rượu và say. Người vợ ngồi trong buồng, cô cho lũ con ăn cơm trưa. Khi đứa  nhỏ mới đầy chín tháng bú xong, lừa nó xuống giường, giao đứa lớn trông, người vợ lén đi ra. Cô định nhân lúc thằng chồng say không để ý mà lẻn ra ngoài. Mấy tháng nay từ khi nó thất nghiệp cô ra bờ sông đội cát thuê kiếm mấy nghìn đong gạo. Không làm chết đói cả nút mất. Vừa mới lò dò bước, thằng Hà nhìn thấy quắc mắt lên, quát:

         - Đi đâu? Mày định... mày bỏ ông... theo giai à... con đĩ kia! Mày... màyđịnh giở mặt như cái thằng phường kèn trống kia phải... kh..ô..ng...?”

          

Vừa nói nó vừa giơ cái chai không lên nhứ nhứ. Người đàn bà rúm lại. Nó phang thật đấy, không đùa đâu. Bao trận đòn thì biết rồi, nó đánh vũ, phu man rợ, khắp người cô còn đầy vết tím bầm. Người vợ lại len lét vào buồng ôm con, nước mắt lưng tròng. Sao ông trời sinh ra giống người lại còn đầy ải, có những kiếp người như mẹ con cô. Cô có thể cắn răng chịu đựng, nhưng lũ trẻ kia chúng có tội tình gì? Như mẹ chúng, đám trẻ nép vào nhau sợ. Chúng biết tý nữa người đàn ông kia sẽ đánh mẹ, đánh đau lắm, có khi còn đánh cả chúng nữa. Người vợ chờ đợi thằng chồng đánh. Càng say nó càng đánh vũ phu. Chờ mãi... chờ mãi nó vẫn chưa vào cô sốt ruột. Cứ vào đi, con cầu Trời cầu Phật nó đánh nhanh lên. Người ta chỉ sợ khi roi giơ lên chứ khi vọt xuống rồi là hết sợ hết đau. Mà cái lệ thằng chồng đánh cô xong, mệt nó lăn ra ngủ. Nó đánh sớm, ngủ sớm, thì cô mới kịp ra đội cát ca chiều. Chủ bãi họ thuê công nhật, không khoán khối khoán thúng, đến làm muộn, chủ bãi cắt buổi ấy liền. Thế là người đàn bà mong thằng chồng vào đánh mình nhanh. Còn điều nữa cô mong hắn vào đánh - tiếng khóc. Tiếng khóc của hắn cô sợ lắm, sợ nhất bài chồng khóc vợ. Thà nó đánh còn hơn.

        

Thằng Hà lại rề rà chưa vào buồng đánh vợ. Người đàn bà đợi hắn đến khi bóng nắng xiên xiên hắn vẫn chưa vào. Hắn còn tiếp tục chửi thằng cha cai phường kèn trống. Rồi bất chợt bặt tiếng. Im lặng...“ Choang... huỵch” Người đàn bà tưởng tượng cảnh thằng chồng đứng lên. Chắc hắn loạng choạng ngả nghiêng, nó đang quơ quéo tìm thứ gì, như đoạn gậy, chiếc cán vồ thậm chí cả cái chày giã cua để vào đánh vợ. Song, sao lâu thế? Chợt giọng hắn hực lên. Trời ơi... thôi chết rồi! Người đàn bà hai tay vội vàng  bịt lấy tai. Thằng say bắt đầu bài chồng khóc vợ. Lời bài khóc và thứ tiếng lờ phờ, lào phào của hắn như tiếng ma tiếng quỷ- thê lương, rùng rợn. Nghe nó người đàn bà kinh hoàng tưởng tượng: Cô và bầy con như đang nằm dưới huyệt sâu; trên kia, nơi trần gian, thằng chồng- một con quỷ- dang tay phủ phục huyệt mộ, gào thét./.

Trọng Huân
Số lần đọc: 3109
Ngày đăng: 26.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tám chữ o tròn - Nguyễn Hồ
Bộ râu thủ trưởng - Kim Tinh
Ao làng - Trọng Huân
Bạn già - Nguyễn Hồ
Cầu thang dốc đứng - Bích Ngân
Biển không có hoa hồng - Bích Ngân
Bão hòa - Kim Tinh
Gío ngược Đồng Vai - Nguyễn Thị Thu Hiền
Kẻ trông chùa - Trọng Huân
Phòng trắng - Nguyễn Văn Ninh
Cùng một tác giả
Kỷ niệm thơ (truyện ngắn)
Lỗi em (truyện ngắn)
Bức hoạ (truyện ngắn)
Thật Mặt (truyện ngắn)
Nhân cách đói (truyện ngắn)
Mất ngựa (truyện ngắn)
Kẻ trông chùa (truyện ngắn)
Ao làng (truyện ngắn)
Khóc nghề (truyện ngắn)
Khi người ta đói (truyện ngắn)
Kỷ vật (truyện ngắn)
Ngõ xóm (tạp văn)
Con nhà sẩm (truyện ngắn)
Hoài niệm... (tạp văn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Cuốn sổ tay (truyện ngắn)
Chuyển nhà (truyện ngắn)
Số kiếp…! (truyện ngắn)
Tôi cưới vợ (truyện ngắn)
Chết… vì nhục (truyện ngắn)
Làng ma (truyện ngắn)
Đêm tân hôn! (truyện ngắn)
Thằng đói (truyện ngắn)
Viếng ma (!) (truyện ngắn)
Vĩ nhân (truyện ngắn)
Cúc ơi! (truyện ngắn)
Hoa cúc quỳ (truyện ngắn)
Sống gửi... (truyện ngắn)
Ông sư… (truyện ngắn)