Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
876
116.511.714
 
Nghệ sĩ BẢO CƯỜNG trên quê người hồn ở tận CỐ ĐÔ
Võ Quê

Lưu lạc, phiêu bồng đó đây khắp chốn. Huế, quê nhà dấu yêu đã và đang trở thành nguồn sáng tạo thơ ca trong tâm thức Bảo Cường. Bảo Cường sinh năm 1943 tại làng Dương Hòa, huyện Hương Thủy, là một địa danh nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp ở thượng nguồn sông Hương xanh trong, hiền hòa, thuần khiết. Từ nơi chốn này, Bảo Cường đã trải qua nhũng tháng năm gian khổ thuở ấu thời. Hồn dân dã, ngọn nguồn ca dao thấm đẩm tình người đã nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm Bảo Cường cho đến ngày rời xa đất mẹ để mưu sinh nơi đất khách.

     

Từ năm 1997 đến nay, Bảo Cường đã liên tục cho xuất bản nhiều tập thơ như Dặm nhớ (NXB Văn Học, 1997); Dòng thời gian (NXB Trẻ, 1999); Bông hồng dâng cha mẹ (NXB Trẻ, 2002); Sáng mãi mùa thu (NXB Văn Nghệ TP.Hồ Chí Minh, 2004); Buồn vui quê người, tập bút ký và thơ viết tại Mỹ (NXB Thanh Niên, 2005); Nỗi niềm với Huế (NXB Thuận Hóa, 2005)…Bên cạnh các tập thơ, nghệ sĩ Bảo Cường còn được Trung tâm băng nhạc Lạc Hồng thực hiện các Album thơ, thơ phổ nhạc, dân ca, ca Huế như CD Tình yêu vỗ cánh (2003); Tiếng hát sông Hương (2004); DVD thơ nhạc Huế tình yêu (2004) CD Quê hương mẹ và tình yêu (2005)…Điều đáng chú ý là thông qua những tác phẩm, giọng ngâm thơ, hát dân ca, ca Huế, nghệ thuật thổi sáo của Bảo Cường, dã có nhiều bài viết của các văn nhân thi sĩ tên tuổi trong nước giới thiệu về nghệ sĩ Bảo Cường, trong đó có GS Hoàng Như Mai, nhà thơ Thu Bồn, nhà văn Vũ Hạnh, Hoài Anh, Tô Kiều Ngân, Hoàng Hương Trang, Trần Nhật Thu, Trần Dzạ Lữ, nhạc sĩ Thế Bảo…Có một bút lực sung mãn đồng điệu với hòa thanh sáo trúc, với giọng ngâm thơ truyền cảm của một Bảo Cường chân thật, đa tài.

    

“ Bảo Cường đam mê thơ, điều đó nhiều người đã biết. Anh có thể thổi sáo ngâm thơ ngày này qua ngày khác mà không biết mệt, đêm về còn làm thơ. Ngôn ngữ thời thượng có một từ khá hay, đó là từ “vô tư”. Tôi nghĩ dùng từ đó để nói về việc làm thơ, ra thơ của Bảo Cường thật quá đúng. Thơ đã hút Bảo Cường như cây kim, hạt cải. Thơ hút hay Bảo Cường lao tới thì cũng thế. Trước thơ, người tình nhân bồng bột, sôi nổi kia đã hồn nhiên bày tỏ, có gì trong lòng đều tuôn ra hết. Đôi khi quên cả việc chọn ý, lựa lời. Khỏi phải trau chuốt, chạm trỗ công phu, những câu thơ hồn nhiên, mộc mạc nhưng dễ làm chúng ta xúc động vì tính chân thành của nó…Ở đó thơ là tất cả, bởi vì người ta yêu thơ chỉ vì quá yêu thương cuộc sống, yêu thương con người” (Tô Kiều Ngân).

    

Nội dung, đề tài sáng tác thơ ca của Bảo Cường thường là những hồi ức thơ về miền đất cội nguồn của tác giả. Nơi đó chân dung, số phận con người Huế, cảnh sắc thiên nhiên Huế được hoài niệm, ngợi ca bằng chính sự rung động, cảm xúc rất thật của một chàng trai Huế với những trăn trở, băn khoăn, dày vò, muộn phiền đầy tâm trạng của Bảo Cường trong suốt cuộc hành trình luân lạc, mưu sinh nơi xa xứ. Và Huế thơ mộng của một thời anh biền biệt không về là chất liệu quý cho anh ươm kết thành thơ: Dặm về hun hút còn xa. Vời trông cố quận diết da tất lòng. Nửa đời mong mãi chờ mong. Người tha phưong vẫn long đong chưa về…    

    

Đồng cảm cùng  những trang viết có chiều sâu nội tâm, người đọc thơ Bảo Cường tìm thấy sự chịu khó, chịu thương của anh trong quá trình sáng tác. Bảo Cường đã chắt chiu từng bóng Huế, đã gạn đục khơi trong từ vốn sống đầy u uất, khổ đau, bất trắc trên bước đường gian nan vạn nẻo; đã biết trân trọng gìn giữ những giá trị tinh thần của Huế yêu thưong từ thuở thiếu thời chăn trâu cắt cỏ, thổi sáo, ca hát trên đồng.

    

“Bảo Cường là người con của Huế. Tiếng sáo - thơ của anh bao giờ cũng gắn bó với quê Huế. Tiếng sáo – thơ của Bảo Cường hòa quyện với nhịp diiệu hò mái nhì dàn trải, chậm rãi, khoan thai, êm ái buông lơi, miên man như đợt sóng vỗ mạn thuyền như mái chèo nhịp nhàng khua nước. Bảo Cường đã viết những câu thơ nặng lòng, nặng nghĩa…Với Bảo Cường thơ chỉ là cái cớ để anh khơi những chuyện lòng về cha mẹ, anh em, thầy bạn, những mối tình cũ và mối tình nay, mối tình cao cả với quê hương đất nước, như tâm nguyện của anh: Kiếp tằm đã trót vương tơ, còn đau thân kén thành thơ tặng người…”(Hoài Anh-Sáo quyện hồn thơ).

      

Bảo Cường đang muốn tìm về cố xứ của mình bằng nghệ thuật thi ca dù Bảo Cường khiêm tốn cho rằng “viết để giải tỏa, trút đi nỗi ưu tư về số phận, vì lúc nào tôi cũng thấy mình đang hoài niệm về quá khứ. Một quá khứ tủi buồn, đầy gian khổ nhọc nhằn. Nhưng nó đã làm men, làm mật cho tôi hiểu thâm sâu hơn những giá trị về cuộc đời, về chân thiện mỹ…”    

      

Từ trong sâu thẳm thầm kín tâm niệm của Bảo Cường, điều cốt lõi của thơ anh chính là Trên quê người hồn ở tận Cố đô!

Võ Quê
Số lần đọc: 3947
Ngày đăng: 02.03.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đôi câu triết luận giữa đời - Nguyễn Thị Thu Hiền
Ghi nhận về Hồ Biểu Chánh - Huỳnh Phan Anh
Tác phẩm của TRIỆU XUÂN những trang viết tâm huyết , giàu tính tư tưởng. - Hoài Anh
Ngày tình yêu, Đọc TÌNH YÊU CỔ ĐIỂN của NHÀ VĂN DƯ HOA (TRUNG QUỐC)-- 3. - Triệu Xuân
Ngày tình yêu, Đọc TÌNH YÊU CỔ ĐIỂN của NHÀ VĂN DƯ HOA (TRUNG QUỐC) -- 4 tiếp theo và hết.. - Triệu Xuân
Ngày tình yêu, Đọc TÌNH YÊU CỔ ĐIỂN của NHÀ VĂN DƯ HOA (TRUNG QUỐC) -- 2. - Triệu Xuân
Những đọan viết ngắn... - Triệu Từ Truyền
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 42 năm ngày mất của nhà văn Lê Văn Trương, Nhà xuất bản Văn học vừa xuất bản bộ sách Lê Văn Trương - Ngô Thanh Hương
Đọc " KỶ VẬT CHO EM " của LINH PHƯƠNG * - Vũ Trọng Quang
Nguyễn Ngọc Tư, chuyện mới nghe qua - Huỳnh Kim
Cùng một tác giả
Thì ra (thơ)
Mùa thu tế (tạp văn)
Em (thơ)
Hoa báo mưa (tạp văn)
Mạ (thơ)
Từ Phố núi (tạp văn)
Giếng nhà Quê (truyện ngắn)