Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
534
115.971.161
 
NGUYỄN BẮC SƠN – Nhà thơ đông phương
Trần Hữu Dũng

Nguyễn Bắc Sơn và thơ anh là một thứ "đặc sản" văn học của Phan Thiết, dân văn nghệ các nơi ghé vào thăm đất nầy thường tìm gặp anh cùng trò chuyện, uống vài ly đế thân tình, xong về nhà ngẫm nghĩ lại thấy "sướng" về đủ mọi thứ trên đời. Vây bọc quanh anh là những câu chuyện "động trời" về vụ mấy lần nhảy lầu tự tử mà không chết, cái anh chàng gàn dở, quen sống phóng túng, một gã du đãng bụi đời làm thơ, la cà với bạn bè mọi nơi, mọi chốn, ai  rủ đi chơi là đi liền, bất kể trong túi có tiền hay không, khiến cho người vợ lặn lội khắp nơi, kiếm đỏ con mắt đưa lên xe chở về nhà…Thế mà khi gặp Nguyễn Bắc Sơn ngoài đời, con người thật lại là một gã ốm tong teo, má hóp, mắt sáng quắc lạ kỳ, hút thuốc liên tục, thân hình chắc nụi. Nghe đồn Nguyễn Bắc Sơn tập võ từ nhỏ, rành về châm cứu, mấy năm gần đây bỏ công nghiên cứu, biên soạn cuốn  "Tiểu luận về Thi đạo", dùng thơ chữa bệnh cho đời, trong đó trích thơ truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ từ tập Mưa nguồn, Lá hoa cồn của Bùi Giáng… Chuyện này làm tôi nhớ đến nhà thơ Phạm Thiên Thư từng tuyên bố mình có khả năng trị bệnh bằng nhân điện và mới cho cho ra mắt cuốn "Tự điển Tiếu liệu pháp" cũng toàn thơ xếp theo vần A, B, C…chắc cũng giúp cho đời thêm vui vẻ.

  

Mấy lần gặp nhau ở Sài Gòn, Nguyễn Bắc Sơn để lại ấn tượng khó quên đối với tôi. Lần thứ nhất ở tòa soạn báo Văn Nghệ TP HCM, lúc đó còn đóng ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, cả bọn gồm nhà thơ Bùi Chí Vinh, nhà thơ Phạm Quốc  Ca, tôi và anh Sơn kéo nhau ra quán Trống Đồng ở góc Nguyễn Du - Cách mạng tháng 8 uống bia hơi.  Trò chuyện bù khú đã đời, đọc thơ vang trời, anh Sơn tự phong thơ mình như Ỷ thiên kiếm có thể chém gãy thơ giang hồ nhuốm màu Đồ long đao của Vinh, nửa chừng tôi phải chở anh về nhà vì anh la đà say quá thể. Lần thứ hai thấy anh lui cui ở hàng sách sôn đường Nguyễn Thị Minh Khai hỏi kiếm gì, anh Sơn  thủng thẳng trả lời rằng đang nghiên cứu về Bùi Giáng nên tìm mua lại hết các sách cũ của ông, anh có một phát hiện sáng giá về tư tưởng của họ Bùi mà chưa ai từng biết. Lần thứ ba tôi và Vũ Trọng Quang vào thăm anh Sơn ở bệnh viện Y học dân tộc của bác sĩ Trương Thìn, sau vụ nhảy lầu ở trụ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận mà không chết nên vào đây chữa trị, tịnh dưỡng. Hỏi anh sao lại thế, hết muốn sống rồi sao, anh hồn nhiên nói đang ngắm mây bay chập chờn, từ lầu nhìn xuống ngõ hẻm thấy hiển hiện con đường giải thoát, tự dưng nghĩ mình là chim nên muốn …bay.

  

Mãi sau này tôi mới có dịp đọc tập thơ "Ở đời như một nhà thơ phương Đông" do NXB Trẻ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1995, do nhà văn Đoàn Thạch Biền cùng thân hữu góp tiền in cho anh. Thơ Nguyễn Bắc Sơn có giọng điệu ngang tàng đượm màu sắc tư tưởng Lão Trang, Phật giáo, có đôi chút lãng mạn nhẹ nhàng theo lối tự sự nên khi nghe ai ngâm hay đọc qua một vài lần là có thể nhớ, đọc lại ngay. Thử đọc bài "Chiêm bao về Đà Lạt" :

  

   Ừ Đà Lạt ngoài khung cửa kính

   Giàn su xanh thuở má em hồng

   Và ta, kẻ mười năm không áo lạnh

….

   Đà Lạt, lạc đà dăm bảy đứa

   Còng lưng ra mà cõng ba lô

   Những hào sĩ đứng bên bờ nhật nguyệt

   Vỗ tay cười thương lớp sóng lô nhô

 

Và anh viết về mối tình cũ, về người con gái mà anh đi ngang qua, không dừng lại trong đời trong bài  "Mùa thu đi ngang qua cây phong du" :

 

   Chiều mù sương vì tình yêu mù sương

…Con phố thân quen bất ngờ con phố lạ

   Nơi hàng cây rụng tiếng tắc kè kêu

   Nơi lầu cao khung cửa sổ đìu hiu

   Soi thấp thoáng ngọn đèn hoa thiếu nữ

…Bầy chim én đã bắt đầu tư lự

   Ngủ âm trên những đường dây cao

   Đi ngang qua, đi ngang qua

                                Đi ngang qua

   Đi ngang qua không dừng trong đời nhau

   Hẹn gặp nhau ở nhất nguyên thế giới

   

Nguyễn Bắc Sơn, tên khai sinh là Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết, Bình Thuận. "Năm mới 15 tuổi, ông đã lên nghĩa địa, cắt gân tay, nằm chờ chết. Không may cho ông là có người vào thăm nghĩa địa, thấy ông nằm, máu me tùm lum tà la, người đó đã cứu ông, cản trở bước đi "phiêu diêu miền cực lạc". Sau đó, ít nhất ông cũng có ba lần nhảy lầu tự tử, nhưng chỉ sứt trán, rụng vài sợi lông, trầy da, tróc vảy chút chút…Thế là ông tiếp tục Ngụp, Lặn, Bơi, Nhảy, Đánh Đu trong bể khổ" [Lê Hồng Lĩnh-phóng bút- Nguyễn Bắc Sơn, chút tình mang xuống mộ chí] *.

    Trước năm 1975 Nguyễn Bắc Sơn là binh nhì, lính địa phương quân của chính quyền Sài Gòn, thời gian này anh có tập thơ in ở Sài Gòn, năm 1972 là "Chiến tranh Việt Nam và tôi", là loại thơ phản chiến  giống như nhạc phản chiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thơ Nguyễn Bắc Sơn từng được nhiều bạn đọc ưa thích, ngâm nga trong các quán văn nghệ ở Đà Lạt, Vũng Tàu, Sài Gòn, Cần Thơ… Có bốn câu mà dân lính Sài Gòn đang chán ngán cuộc chiến tranh vô nghĩa, muốn đào ngũ, buông súng trận thường thuộc nằm lòng ngâm nga khi buồn hiu hắt :

   

    Mai ta đụng trận ta còn sống

    Về ghé sông Mao phá phách chơi

    Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm

    Đốt tiền mua vội một ngày vui

    

Có chuyện kể rằng lúc nhà thơ Hữu Thỉnh ghé Phan Thiết, khi hàn huyên thì Nguyễn Bắc Sơn vỗ ngực, đùa vui : "Các ông thắng nhanh chóng, mau lẹ như thế trong ngày giải phóng đất nước 30/4, phải kể đến công lao…của tôi. Nhờ tôi làm thơ phản chiến, bỏ ngũ mà…".

    

Ông bố Nguyễn Bắc Sơn là dân miền Nam tập kết, mãi đến ngày 30/4/1975 mới trở về đoàn tụ gia đình, mang cấp bậc Đại tá Quân đội nhân dân. Tiếc thay một thời gian ngắn, ông bố của anh lại qua đời vì một tai nạn xe hơi, phần mộ chôn trong khuôn viên nhà Nguyễn Bắc Sơn, năm năm sau anh làm bài thơ "Hai bố con" như nén nhang tâm tưởng gửi cho bố thật cảm động :

 

...Bố tôi qua đời đúng năm năm

   Tôi viết bài thơ này

   Để tâm sự cùng người khuất núi

…Nhưng hai chúng tôi

   Đúng là hai người đàn ông có bề ngoài lãnh đạm

…Bố ơi bố đã ra về

   Con ở lại làm thơ và chữa bịnh

   Chúng ta đến nơi này để phát huy một tấm lòng son

   Thành hay bại chỉ là chuyện vặt.

  

Trong lời tự bạch Nguyễn Bắc Sơn viết : "…Đời kẻ làm thơ thường nhục nhiều hơn vinh, buồn nhiều hơn vui, nhưng kẻ vừa làm thơ vừa hành tập Đông Phương Triết Đạo thì thường thanh thản, thường có những niềm vui nội mật, thường mỉm cười an thân lập mệnh. Khi qua đời, tôi xin được mỉm cười.

   …Còn lòng trần ? Tôi vẫn còn, nói như thiền sư Nhất Hạnh trong "Giấc mơ Việt Nam", tôi vẫn còn "Giấc mơ Việt Nam". Đã biết "nhân sinh nhược đại mông, hồ vi lao kỳ sinh" mà vẫn sống nồng nàn với "Giấc mơ Việt Nam". Ấy là lòng kẻ làm thơ. Ai cũng vậy thôi…" [Tự bạch - Nguyễn Bắc Sơn]. *

     Riêng Nguyễn Bắc Sơn tự họa gương mặt mình qua bài thơ "Chân dung Nguyễn Bắc Sơn" :

 

...Trên trái đất có rừng già, núi non cùng sông biển

   Trong Nguyễn Bắc Sơn có một kẻ làm thơ

   Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng

   Hoặc làm thơ theo khí hậu từng mùa

   

Thơ Nguyễn Bắc Sơn có phong cách riêng rõ nét, có lúc như lời nói, như hát, khá phóng túng không kể hình thức miễn sao biểu đạt  được cái ý, cốt cách của mình là được, dù đôi lúc phảng phất khí vị  Đông phương, tư tưởng Lão, Khổng, Phật, cho nên có nhiều bài thật hay, rung động thấu tâm can, có bài thật oải, thật chán vì lề mề, dong dài vô ích, quả tình thất thường "theo khí hậu từng mùa". Đúng là có thời anh có ý định làm nhà "triết gia" bình luận về thiền, về tư tưởng Bùi Giáng….nhưng may sao anh kịp thời quay về đắm đuối với nàng thơ. Có lúc tôi cảm giác anh rơi vào trạng thái "hoang tưởng" khi cho rằng tranh mình vẽ tranh chân dung Bùi Giáng nguệch ngoạc có giá 10 ngàn đô, lại hỏi mượn ngay người bạn mới đến nhà 10 ngàn, để mua xị  đế  uống lai rai hay định gửi cuốn "Tiểu luận về Thi đạo" qua Canada phổ biến và lãnh giải thưởng lớn. Thật ra con người Nguyễn Bắc Sơn ai từng có tiếp xúc, chơi với anh rồi mới nhận ra anh là người dễ gần, dễ mến, gặp ai là vung tay làm thơ tặng bạn, bất kể trên giấy gì hiện có, đôi khi cao hứng vẽ thêm vào con mắt to để minh họa cho sống động. Ngoài ra anh còn có cái tật dễ thương là đãng trí và dễ tính, có người xáo trộn cả bài thơ nổi tiếng "Mai sao dù có bao giờ" của anh Sơn đọc lại cho chính anh nghe. Anh lắng tai nghe, mở to hai mắt hồn nhiên, thật cảm động, hay ai muốn sửa lại câu thơ Nguyễn Bắc Sơn theo ý riêng, anh cũng chả phản ứng, nói năng gì cả. Có lẽ vì thế anh làm thơ nhiều, vung vãi hào phóng tặng cho bạn bè khắp nơi  mà chẳng còn giữ lại bên mình bao nhiêu.

...Cám ơn ngôi nhà em, ngôi nhà đã bao dung người thiếu nữ

   Vừa ngọt ngào vừa cay đắng như em

   Những đêm mưa em có thắp ngọn đèn

   Để chiếu sáng những góc lòng đen tối

   Thôi câu chuyện tình nói cho nhiều cũng vậy

   Trăm năm dài rồi sẽ đụng ngàn năm

   Tất cả sẽ đi qua điều gì còn ở lại

   Một đóa hoa Quỳnh trong cõi trăm năm

(Thơ tình tháng chạp)

   

Bây giờ ngồi thong thả đọc lại thơ Nguyễn Bắc Sơn tôi vẫn còn giữ y nguyên cái cảm giác anh là gã thiền sư-du dãng mang đầy chất bụi  đời,  mà sao kỳ lạ sao giọng thơ vẫn thấy mới tinh khôi như buổi sáng hôm nay và khép lại tập thơ là ùa ngất cơn "sướng" ngây ngây.

    *[Trích Thư quán Bản thảo - Tập 20 tháng 7-2005]

Trần Hữu Dũng
Số lần đọc: 4149
Ngày đăng: 26.03.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những chữ trôi trên cỏi tâm linh - Triệu Từ Truyền
Vũ Văn Kính : Ngưòi đã xuất bản nhiều đầu sách về Nôm nhất tại Việt nam - Nguyễn Văn Hoa
Cơ sở của mối tương đồng văn hóa Việt - Hàn - Trường Lưu
Về với " Ngã ba sông" - Lê Giang
I love you – dịch và đọc ngang là Tôi cảm Du. - Lê Anh Thu
Trang Thế Hy : Bài thơ cuộc đời và “ chuyễn đi chỗ khác chơi “. - Trần Hữu Dũng
Đọc : Thức đến sáng và mơ. - Vũ Quần Phương
Nhân kỉ niêm 200 năm sinh Andersen: - Trần Quốc Toàn
Nghệ sĩ BẢO CƯỜNG trên quê người hồn ở tận CỐ ĐÔ - Võ Quê
Đôi câu triết luận giữa đời - Nguyễn Thị Thu Hiền
Cùng một tác giả
An Giang (thơ)
Du hành (thơ)
Mưa (thơ)