Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.371 tác phẩm
2.747 tác giả
464
116.377.521
 
4 Truyện cực ngắn
Nguyễn Thị Thu Hiền

Cabinet café

Tặng M

 

Café "Ru tình”. Cabinet "Dìu nhau vào mộng”. Nhạc gấp gáp, hối hả:

"Yêu nhau đi!

Đừng bỏ quên những phút giây…”.

Cô gái:

-  Anh ! Em ngại. Mình ra đi, tìm chỗ khác.

Chàng trai:

- Thôi, em ! Đã vào đây, đã gửi xe, gọi đồ uống, ra sao tiện. Mà em thấy rồi còn gì ! Cả tối ghé hết chỗ này đến chỗ khác cũng không được yên ổn. "Quá tam ba bận". Bây giờ đã là tám rưỡi rồi. Ngồi một lát, anh đưa em về.

Từ bảy giờ tối hẹn hò, chàng trai và cô gái đã thay địa điểm tâm sự hai lần.

Lần thứ nhất: công viên "Ánh sáng" tối đen. Trên các ghế đá : Tình đang say, con nghiện lên cơn, bụi đời ngon giấc. Ba mươi phút bên nhau, sáu người hoặc ăn mày hoặc đánh giầy hoặc bán kẹo cao su tiêu thời gian hộ họ.

- Anh chị đánh giầy cho em đi ạ ! Xi cực xịn.

- Hai em mời kẹo cao su " Kiss my " cho thơm miệng !

- Con lạy trăm nghìn mớ lạy, cô chú thương tình...

- Ôi ! Ôi ! Đừng giập đầu như thế ! Cho cháu tiền đây. Nhưng...

- Tờ năm chục ạ ? Chú đưa con đổi, con chỉ xin chú năm nghìn.

Bị tiêu gần hết thời gian ít ỏi và số tiền lẻ, chàng trai và cô gái đứng dậy, ngõ hầu đi tìm chỗ khác ngồi tâm sự.

Họ qua công viên "Sống đẹp", vũ trường "Tuổi trẻ - văn minh, lành mạnh”. Họ ghé vào rồi ra.

 

Họ thử ghé café "Ru tình", được chủ quán dắt "dìu”... "nhau vào mộng”.

Trong "vườn" có khoảng hai chục cabinet kề nhau sát sạt, vách liền vách bằng gỗ dán, chỉ chừa một lối đi nhỏ ở giữa. Dưới ánh sáng huyền bí, tán lá bàng đen sẫm tỏa đều về mỗi cabinet dăm chiếc lá để minh chứng cho khách cảm giác: café vườn. Mỗi cabinet có diện tích xấp xỉ hai mét vuông. Cửa ra vào che rèm đủ cho một người lách. Chàng trai vào trước. Cô gái vào sau, tim đập thình thịch. Họ hồi hộp như ông bà thuỷ tổ Ađam và Eva bước vào khu vườn Cấm. Mỗi người ngồi vào một chiếc ghế đôi dài bằng chiếc yên xe máy. Họ cố gượng mọi cử động để hạn chế những cú va chạm do nhà tù của thần ái tình xui khiến. Trên bức vách trước mặt là bức tranh điện mờ ảo mô phỏng tư thế nồng thắm của tình yêu phương Tây. Lựa lúc chàng trai cúi xuống ly café, cô gái quay ngược bức tranh lại. Tình yêu phương Tây úp mặt vào vách kín đáo phương Đông.

Đèn phụt tắt. Họ cùng buột miệng:

- Ôi !...

- Hình như mất điện. À không ! Vẫn có nhạc...

Bóng tối đồng lõa với tiếng nhạc cũng nhỏ dần, chuyển sang điệu rên rỉ. Chỉ có điếu thuốc trên môi chàng trai lập lòe đốm đỏ. Chừng như khó cầm lòng được, chàng dụi thuốc, ngập ngừng:

- Anh có thể... ngồi gần em được không ?

- Thì anh vẫn đang ngồi gần đấy ạ !

Giọng cô gái rắn rỏi. Chàng trai ngượng ngùng, thầm trách không gian ma xui quỷ khiến.

 

Rời rạc, họ chuyển sang những câu chuyện từ học hành, công việc đến chuyện thiên hạ. Thậm chí, họ còn đề cập đến thời sự thế giới. Cô gái vẫn học tiếng Nga, họ nói về chủ nghĩa xã hội trong thời điểm hiện tại. Chàng trai học tiếng Anh, họ mủi lòng nhắc đến cái chết của công nương Diana.

Chuyện nọ dắt dây chuyện kia.

Rì rầm. Tranh luận sôi nổi.

 

Cạch ! Cạch ! Tiếng gõ vào tấm vách ngăn cảnh cáo họ.

Im lặng. Hổn hển, ứ hự tứ phía vọng sang. Mồn một.

Cô gái quyết liệt:

- Anh ! Ta về !

Chàng trai dụi điếu thuốc, đứng dậy:

- Ừ ! Mình về.

Họ lần lượt bước ra. Rèm cửa mấy cabinet động đậy. Vài cái đầu ló ra buông theo lời bình phẩm:

- Tẩm ơi là tẩm !

- Làm tụt cả hứng ?

- " Đang vui thì đứt dây đàn ”...

- Vô duyên vô dạng !

- Lần sau phải bảo chủ quán anh ạ ! Vi phạm tự do quá đáng.

- Chấp làm gì, em ! Hai kẻ điên cuối cùng của thế kỷ.

Cô gái bấu vào tay chàng trai đi như bị đuổi trong khu vườn lại chìm vào tiếng nhạc chuyển tiếp sang điệu quằn quại. Chủ quán nhếch mép cười:

- Mới chín rưỡi. Về sớm thế, hai bạn trẻ ?

Chàng trai và cô gái lên xe, vọt ra đường. Họ là "hai kẻ điên cuối cùng của thế kỷ” ?!

 

1999 Hà Nội - Những ngày cuối thế kỷ

 

Café đắng

 

Quán café nghệ sĩ. Ngày nào cũng có mặt đầy đủ các nghệ sĩ : Mãnh, Nhu, Lỏi, Hâm và Choai. Lẽ dĩ nhiên đó là những biệt hiệu ông chủ quán, thiên hạ ngầm đặt cho họ hay có thể là chính những bút danh họ gửi gắm ý tưởng riêng. Câu chuyện bên cốc café xoay quanh đề tài làm văn nghệ.

Nghệ sĩ Mãnh - một nhà phê bình sắc sảo, được ví như quả pháo châm ngòi cho mọi cuộc bàn cãi, tranh luận trên văn đài đương đại :

- Làm văn nghệ phải dũng cảm. Tớ chúa ghét cái kiểu ăn theo, nói leo. Khen ra khen, chê ra chê. Cứ lỡ cỡ, nửa vời là hỏng.

Nói rồi ông khua ba toong như muốn phang cho cái vô hình trước mặt… một hèo.

Nghệ sĩ Nhu hề hề :

- Ông nói thế, thực hiện khó bỏ mẹ !

Nghệ sĩ Lỏi và Hâm trầm ngâm, hôm nay không tham gia ý kiến. Nghệ sĩ Lỏi mới sáng tạo ra một hình thức làm văn nghệ riêng : Có khen, có chê mà cứ tưng tửng, tưng tửng, chẳng rõ xu nịnh, chẳng rõ động chạm ai. Thế mà được, sản phẩm văn nghệ dễ xơi. Ông Hâm đang dằn vặt. Ông thấy mình ngu quá, quá ngu. “Đừng ngọt, người ta không nuốt nổi anh, cũng đừng đắng, người ta sẽ khạc anh ra”. Ông thực hiện phân nửa chính kiến của nghệ sĩ Mãnh - tức chỉ tìm đối tượng để “phê” cho văn nghệ. Có kẻ trầm trồ, có kẻ giật mình đánh thột, có kẻ đang hại ông.

 

Nghệ sĩ Choai mới mon men tới làng văn nghệ, phần lớn chỉ nghe, không ý kiến. Nghe, nghệ sĩ Choai hoang mang : Làm văn nghệ như thế nào ? Biết nhiều quá, nghệ sĩ này sợ không làm nổi…

… Quán nghệ sĩ vắng người. Chủ quán biết tin về các nghệ sĩ : ông Mãnh, ông Hâm bị phang, ông Nhu, ông Choai bỏ nghề, chỉ có ông Lỏi là phất.

Café cho nghệ sĩ vẫn đắng. Không ai thích bỏ đường.

 

Hà Nội, tháng 5 - 1999

 

Lụy nghề

 

Trước khi ra trường, tôi đã loay hoay với hai lối rẽ, chẳng biết được chọn nghề nào. Tôi đang đi theo đường thẳng của cha mẹ, chỉ còn một đoạn nữa là hết. Chẳng biết có cố được không. Tôi chỉ muốn phá ngang. Nhưng nghe chừng không được.

 

Mấy năm trước, tôi đàng hoàng bước chân vào Đại học X. Trong thèm muốn của bạn bè. Trong mừng rỡ của người thân. Mấy ai được như thế. Tốt nghiệp Đại học X loại ưu sẽ là một mảnh bằng có giá. Và tôi đã đạt được. Các công ty chìa tay đón tôi, đặt tôi ngồi vào ghế dành cho kế toán. Có người bảo cứ đà này tôi sẽ lên kế toán trưởng. Lúc ấy tha hồ giầu to.

 

Vậy mà tôi lại giở chứng phá ngang. Ông anh trai làm ở lò mổ gầm lên, tiếng to hơn những con súc vật vẫn đem hành hình. Mẹ tôi gạt phăng: “Nhà này chỉ có mày là nhất. Đừng giở hơi!”. Cha tôi - ông giáo già và cô em gái theo ngành cha chỉ khe khẽ lắc đầu, chẳng ra ngăn, chẳng ra khuyên: “Theo nghiệp ấy khổ”. Em tôi bảo: “Còn khổ hơn cả nghiệp của cha, của em”. Cả nhà nhốn nháo như tôi mắc căn bệnh lạ. Như vẫn xem ti vi chiếu nạn nhân HIV. “Đời thuở nhà tao con gái không theo nghiệp văn” – can không được, mẹ khóc. Đúng là dòng họ tôi chưa một ai. Cả hai bên nội, ngoại, các cô, các dì cứ đến tuổi vội kiếm lấy một nghề bình bình, kiếm lấy một ông chồng giầu. Thế là xong. Mẹ tôi tức tưởi: “Không được đâu con ơi! Bao nhiêu người mong như mày bây giờ. Mày còn mong ngóng gì?”. Ông anh nhìn tôi như nhìn một con vật sắp đem lên bàn mổ, xắn tay áo quát: “Mẹ cứ để nó đấy cho tôi!”, đoạn hất hàm: “Mày muốn bị ế chồng? Không ai lấy một con hâm làm vợ”. Kiểu này, ông anh tôi chơi đòn tâm lý chiến. Tôi đang yêu Tân. Tân mà bỏ tôi… Mẹ to nhỏ: “Cái nghề mày đang làm, lấy ai chẳng được”. Ra vậy. Thế thì tôi phải xem xét lại. Xem Tân yêu tôi, yêu nghề nào của tôi.

 

Tân vào, cả nhà ai cũng tranh nhau kể. Tân nhìn tôi, khôn khéo không phản ứng. Lúc có hai đứa bèn trêu chọc: “Có cần viết truyện trinh thám, anh cung cấp tư liệu”. Tân là công an. Tôi biết thừa Tân nói mỉa. Nhưng có cần? Tụi bạn đọc, vẫn bảo văn chương tôi lành quá, không hấp dẫn. Đứa em gái luôn thèm khát: “Giá em viết được như chị…”. Rồi lại băn khoăn: “Chỉ sợ viết bạo tay, học sinh nó đọc...”. Ừ! Ví dụ tôi làm nghề của nó mà đeo nghiệp này, tôi sẽ viết như thế nào nhỉ? Chắc như những bài đạo đức. Hoặc như những cuốn sách giáo khoa, mở trang đầu ra có thể đoán được ý tưởng giáo dục. Bây giờ, cả nhà đã để cho tôi tạm yên ổn. Nhưng tôi lại phân vân trước lời cha: “Con xem gương chú Vĩ, chú Dũng, chú Luân”. Chú Vĩ trước đây cũng viết văn, nghèo, thường hay ghé nhà tôi ăn bát cơm nguội, quẳng bó sách mới in nhờ mẹ tôi bỏ mối. May, sau chuyển sang làm báo, có đồng ra đồng vào. Chú Dũng phải có người đỡ đầu mới có chỗ đứng trang trọng trong nghề tôi đang mơ ước. Cha tôi bảo được như vậy mới nên đeo đuổi. Còn chú Luân thì bỏ hẳn. Chú xoay sang làm kinh tế, nghe nói mở công ty trách nhiệm hữu hạn gì đó ở thành phố H tương đối phất. “Đất này của người già,không có chỗ đâu mà diễn!” – cha vẫn nhủ. Vô danh tiểu tốt mon men đeo đuổi như tôi chẳng biết có làm nên cơm cháo. Vài ba bài viết được đăng, in một hai đầu sách nhờ tiết kiệm tiền lương còn lại sau khi đã nộp cho mẹ. Sách in ra chất đống. Ông anh đồ tể của tôi bặm trợn: “Mai theo tao ra chợ học lấy vài câu chửi, về nhét vào mớ sách của mày”. Từ nhỏ đến giờ, tôi cực kỳ nhút nhát, chẳng dám chao chát như các bà hàng thịt chỗ anh. Cũng có người khuyên tôi nêm vào văn chương tí thương mại. Cái này nghề kế toán của tôi có thừa. Mẹ khủng khẳng: “Thế sao không thực hiện?” Không hiểu sao lúc viết văn, tôi chậm chạp hơn cộng trừ con số.

 

Cả nhà đã để cho tôi yên ổn. Chẳng đồng tình, cũng chẳng ra ngăn. Tân vẫn đi lại chăm chút cho tôi, thủ thỉ với mẹ tôi rằng sau này cưới sẽ có cách trị. Mẹ yên tâm gật gù: “Chồng con vào, bỏ tất”. Hàng ngày, tôi vẫn đến công ty đảm bảo tròn tám tiếng cho nghề kế toán, đĩnh đạc lướt tay trên bàn phím computer. Tối về, len lén bật đèn, khom lưng…

 

Đại Lải 6 - 1996

 

Cao tốc

 

Sáng, Hoàng dắt xe ra cửa, vội vã hôn Thục rồi phóng như bay. Anh bao giờ cũng vậy, đến cả cái hôn cũng vội vã. Số Hoàng thật vất vả. Mười tuổi, cha mất. Mười hai tuổi, mẹ anh cũng lặng lẽ qua đời. Ba người anh chị trên Hoàng chỉ đợi có vậy là xâu xé nhau chia tài sản. Gia tài cha mẹ để lại khá nhiều, nhưng phần cho Hoàng có lẽ chỉ bằng phần của người em trong “Cây khế”. Mười hai tuổi, Hoàng kể anh cay cực ghê lắm. Nhưng Hoàng chỉ cho phép mình nhìn lên mà không thèm nhìn xuống. Mười tám tuổi, để có tiền đeo đuổi bốn năm đại học, Hoàng làm đủ các nghề. Hoàng nói thời bấy giờ sinh viên ít việc làm thêm như hiện nay, nếu có việc tiếp thị thì chắc chắn anh phải là một chân tiếp thị cừ khôi. Thục tin điều Hoàng nói. Hoàng là người năng động.

Tốt nghiệp đại học, Hoàng cạy cục xin được việc ở Việt Nam Airlines. Trong trăm nghìn người thi tuyển, đó là một điều cực kỳ may mắn. Hoàng mải mê với công việc có thu nhập cao. Dần dần, anh xây được nhà trên mảnh vườn con có cây ổi bo – phần gia tài được chia còn lại. Tậu nhà, tậu vợ. Lúc này Hoàng mới tính đến chuyện lấy vợ. Hoàng ngỏ lời xin cưới Thục. Bạn bè Thục có đứa gàn: “Mày lấy gì thằng cha tứ cố vô thân”. Thục về dò ý tứ cha mẹ mà hồi hộp, thở phào trước cái gật đầu của cha: “Thằng này tự lập!”.

 

Từ khi cưới nhau, hình như Hoàng không phải của Thục nữa. Thục biết anh chẳng bồ bịch gì nhưng lúc nào cũng công việc. Trước đây, khi còn yêu nhau, Hoàng đã khiến Thục có lần phát khóc vì sai hẹn, vì đi chơi với nhau nhưng đầu óc chỉ nghĩ đến “makettinh”, “kinh tế thị trường”. Cũng chưa đến nỗi quay như đèn cù lúc này. Thục vừa giận, vừa thương Hoàng. Thục biết anh đang cố làm tất cả. Đồ đạc đầy dần lên trong căn nhà nhỏ mới xây, những bữa cơm nhiều ca-lo gấp năm, bảy lần những bữa cơm bụi nghèo nàn, khốn khổ thời sinh viên của hai đứa. Thục đã phải hét lên với Hoàng rằng đã quá đủ, rằng Thục chỉ cần có anh. Hoàng vẫn mải miết làm giầu. Dường như trong anh vẫn là sự ấm ức của đứa trẻ lên mười bị tước đoạt tài sản. Vợ chồng Thục giầu lên, ba người anh chị của Hoàng đã niềm nở trở lại. Lòng Hoàng hả hê - cái hả hê tội nghiệp. “Cứ cho là anh đã đạt được ước muốn”. “Chưa đâu!” Hoàng còn mong mua một căn nhà mặt đường, muốn Thục bỏ công việc đang làm để mở cửa hàng. Thục biết Hoàng không muốn vợ anh phải vất vả với đồng lương còm, chẳng mấy lại chình ình cặp kính cận trên mắt. Hoàng thuyết phục Thục bỏ nghề, Thục giãy nảy: “Nghiệp rồi!”. Hoàng lấy lòng vợ bằng cách đem bản thảo của Thục đi in sách. Toàn những nhà xuất bản có tên tuổi. Nhưng sách của Thục không hợp thời, khó bán. Hoàng thản nhiên, coi đó là thứ trang sức tinh thần, cũng như những vòng vèo, nhẫn, lắc anh trang bị cho Thục. Giờ đây, bạn bè Thục bảo: "Mày tốt số!". Có đứa khuyên: "Ở nhà bán hàng cũng được". Hoàng kể:“Vợ thằng bạn anh cũng thế”, lại tần ngần: “Hay em nghĩ rằng phải làm ô sin?”. Thục không sợ làm “ôsin” cho chồng, chỉ mong Hoàng bỏ ý nghĩ cho vợ ở nhà là một cái mốt, một cách giải quyết tốt của người thành đạt. Thục không thể bỏ công việc yêu thích ở tòa soạn, có sách in rồi vẫn mong ngóng một truyện ngắn nhỏ được đăng, vui mừng với những đồng nhuận bút Hoàng chẳng bao giờ đếm xỉa. Thục cố làm đủ việc vặt, nấu những món ăn Hoàng thích dù nguột ngắt khi anh trở về nhà. Hoàng vẫn nhao đi, khao khát làm giàu.

 

Chiều, một người quen mặt tái ngắt đến báo với Thục: Hoàng bị ô tô cán chết trên đường đi làm. Hoàng chết rồi ư? Tại sao lại trên đường đi làm? Thục hoa lên, chẳng còn biết gì nữa. Tỉnh lại, Thục thấy tiếng người lao xao: “Thì ra thằng Hoàng tranh thủ đi làm đêm ở Daewoo…”. Hoàng ơi! Ai bảo anh đi làm thêm. Thảo nào mỗi buổi tối, cứ chín giờ Hoàng mới rã rời về nhà. Người ta nói khoảng thời gian làm việc của Hoàng giữa hai hãng cách nhau gần, con đường lại xa. Con đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài ngày rực rỡ nắng, đêm lung linh điện. Hai đứa yêu nhau, Hoàng vẫn thường đèo Thục trên con đường ấy. Anh vẫn trêu Thục nhát gan khi nhìn những tốc độ chóng mặt. Với Hoàng, ở thời buổi công nghiệp này, tất cả phải là cao tốc. Cuộc đời anh đã là những chuyến đi – về cao tốc, không dám thưởng cho mình một chút dừng chân. Thục thấy thương Hoàng, thương thân, thương đứa con mới thành hình trong bụng Hoàng chưa kịp biết. Lấy nhau đã mấy năm, Hoàng bảo phải kế hoạch để còn làm kinh tế. Thục mong một phút Hoàng thảnh thơi để báo cho anh tin mới. Vậy mà… Thục chợt nghe nhói nơi thắt lưng. Thục biết rồi sẽ phải đi biển một mình, thương con sinh ra lại tự lập. Loa lóa, hun hút muôn vàn nẻo đường. Con đường nào cũng là đường cao tốc.

 

12-1995 Đại Lải – Những ngày tắt nắng.

Nguyễn Thị Thu Hiền
Số lần đọc: 2984
Ngày đăng: 02.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dáng em như cỏ non - Nguyễn Văn Ninh
Đêm kỷ niệm - Nguyễn Hồ
Khúc phụng cầu hoàng - Mặc Tuyền
Rối nước - Nguyễn Văn Ninh
Về đâu hoa phượng - Bùi Công Thuấn
Ổ Chuột và ngai vàng - Hồ Tĩnh Tâm
Nhạt nắng sân trường - Trần Lệ Thường
Ám ảnh - Vinh Huỳnh
Cuối tháng - Nguyễn Văn Ninh
Chuyến Xe Giối Già - Nguyễn Thị Thu Hiền
Cùng một tác giả
Ly (truyện ngắn)
Hai người vợ lính (truyện ngắn)
Gío ngược Đồng Vai (truyện ngắn)
Chuyến Xe Giối Già (truyện ngắn)
4 Truyện cực ngắn (truyện ngắn)
Miền cỏ bên đời (truyện ngắn)
Nghi án Yên Tử (truyện ngắn)
Phố mới (truyện ngắn)