Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
734
115.996.051
 
Cô đơn thời hiện đại
Nguyễn Thị Thu Hiền

Sẽ có người cười: cô đơn bao giờ chẳng là cô đơn, làm gì có “ thời ”. Đúng là cô đơn luôn có mặt, xét về bản chất chỉ tồn tại ở một trạng thái nhưng biểu hiện thì có “ thời”

           

“ Trong đám đông mà không thấy con người”*- câu thơ cô đơn, đúng hơn là cô độc đến tột cùng pha khí phách ngang tàng của một nhà thơ từng khoác áo lính khiến không ít người so vai, gai mình. Nhà thơ đã cô đơn đến thế nào khi viết câu thơ này? Bản chất nghệ sĩ là cô đơn, tất yếu. Cô đơn là một trong những động lực, nguyên cớ khiến người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Sản phẩm nghệ thuật nào nhuốm màu cô đơn cũng hay hơn sản phẩm của tưng bừng, viên mãn? Cô đơn đem dến sự minh triết. Nói thì hay, nhưng biết đâu người chịu và chọn sự cô đơn trong thời nay đã phải trải qua những cay đắng thế nào?...

           

Thiền? Con đường đó quá Đẹp và lạc quan cho cô đơn. Song dũng khí để Thiền không phải ai cũng có được trong cuộc sống ngầy ngật này. Thành ra dầu cô đơn vẫn vô số kẻ sĩ không tách mình ra được, vẫn bị dòng chảy của trăm nghìn thứ xô bồ cuốn theo để rồi đau đớn thay- càng cuốn theo càng thấy cô đơn.

           

Bị cuốn theo hay một số biểu hiện “ tìm quên” của kẻ cô đơn thời nay mới thấy lạ lùng. Thế nên vô số cá thể cô đơn được cộng đồng “ hòa nhập” trong mọi tư thế tròn trịa. Ăn chơi hưởng lạc? Cứ ăn chơi hưởng lạc ! Vỗ tay, gật gù ? Cứ vỗ tay cho to, cứ gật gù thật nhiều, có thể lắc lư người như trong bar cũng được. Vô hình chung, không còn thấy đâu là kẻ kêu cô đơn nữa.

           

Chân dung một số kẻ cô đơn thời hiện đại:

Ca sĩ X.Q vốn xinh đẹp, chủ nhân của một nhan sắc mảnh mai tơ liễu rủ sau 1 thời gian kêu cô đơn, “ tìm vui” bằng con đường ăn uống nay đã mập đến độ phải giảm cân khiến các fan hâm mộ càng hâm mộ “ sự viên mãn” của nàng.

 

“Đông Gioăng” T.D ngụp lặn trong bể tình. Mỗi một “ mối tình” đi qua, T.D thêm trống vắng. Cảm giác lên đến “ đỉnh” không bao giờ được toại nguyện. Oái oăm, T.D thêm “ khát”. Thiên hạ trầm trồ sự đào hoa của chàng.

 

Nghị sĩ V.C lọt thỏm trong chiếc ghế, ngất ngưởng. Trên ông, các quan chức đầu não giơ tay bắt. Dưới ông, thuộc hạ vẫy chào. V.C cười- nói đáp lễ tất. Cô đơn chợt lóe lên khi cô thư kí mặc váy ngắn đi ngang qua. Ông nén nuốt nước bọt, đắm mình vào tiếng vỗ tay.

 

Cũng là tiếng vỗ tay cho nghệ sĩ M.D khi buổi triển lãm nghệ thuật của anh “ thành công mĩ mãn”, dư luận báo chí tung hô rầm trời. Cô đơn, M.D đã lao vào sáng tạo. Thẩm mĩ đơn giản đương đại đã ghi nhận “ thành quả to lớn” . Hơn ai hết, M.D thêm chán mình.

V.v và v.v...

Ôi nỗi niềm cô đơn thời hiện đại!

                                   

*: Trích trường ca “ Câu chuyện của người lính binh nhì”- Văn Lê

 

 

Chết dễ lắm! Sống mới thực khó!

 

Anh bạn tôi- một văn sĩ khật khùng giữa đất Hà thành luôn chán ghét cuộc sống. Anh nói không phải bây giờ mà từ khi sinh ra anh đã chán ghét rồi. Anh chán từ cái tên cha mẹ đặt cho anh, chán tính cách (có phần “mắc bệnh” ) của bản thân, chán mọi trò lố cũng như trò vui của cuộc sống. “ Đời là bể khổ”- câu nói của nhà Phật luôn là câu anh đặt nơi cửa miệng. Khẩu khí của kẻ sĩ, anh bảo khổ nhất là cứ phải nửa đời nửa đoạn. Sống mãi thế này thì chết quách đi còn hơn! Và anh sẽ

chết, mấy năm nữa thôi- khi mẹ già quy tiên để người khỏi chịu cảnh lá vàng khóc lá xanh. Anh chưa có vợ- anh bảo- may thay anh chưa có vợ, và may mắn hơn là chưa dại dột cho ra đời hòn máu rơi nào để chúng phải sống kiếp người trong cuộc đời đầy ô trọc.

           

Tôi hiểu anh- khí chất kẻ sĩ phải chịu cảnh một nửa sống, một nửa sĩ. Cứ chung chung chiêng chiêng “ chẳng ra cái giống gì” như thiên hạ xì xầm. Trong 1 cuộc rượu tàn, nghe anh tâm sự, tôi thương anh, thương thân- thương kiếp người đến rã rượi cả người. Ngay lúc ấy, càng muốn lao luôn vào chiếc xe trên đường hay chạy ngay về nhà kiếm vỉ thuốc ngủ đi luôn vào cõi vĩnh hằng.

           

Chẳng thể thế được!

           

Vì tôi đã có đứa con gái nhỏ của tôi. Phần lớn vì thế. Ai đó đã nói con cái là kiếp sau của cha mẹ, là gánh nặng của đời người. Là gì gì nữa, lí thuyết không bằng cụ thể. Nhìn vào đôi mắt trong veo của trẻ thơ, ai nỡ bỏ lại chúng bơ vơ giữa cuộc đời, nhất là con mắt vần vũ bùn đen của mình đã nhìn nhận rõ cuộc đời ô trọc đến mức nào. 

           

Đôi lúc thèm được thảnh thơi tìm đến cái chết như anh bạn biết bao.

           

Chúng tôi đã từng bảo nhau: tại mình sống không lí tưởng, hoài bão, không lạc quan mà cứ bi quan, quẩn quanh, bế tắc? Ai mà không biết ước mơ, không hoài bão. Thực hiện được hay không, va vấp cũng không tới mức nghĩ đến lối thoát mà người đời vẫn cho là tiêu cực. Anh bạn tôi luôn cười buồn: có đạt được điều gì đó mình mong đợi rồi lại thấy nó vô nghĩa, kể cả khi phải cố gắng bằng mọi cách để đạt được. Tóm lại, Được và Mất đã trở thành vô vi- sắc sắc không không rồi.

           

Vô vi! Trong mớ hỗn độn triết lí của mình, tôi chấp nê vào triết lí nhà Phật và đành lòng “ hô khẩu hiệu”: Chết dễ lắm! Sống mới thực khó!

Nguyễn Thị Thu Hiền
Số lần đọc: 3309
Ngày đăng: 11.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một nơi tôi đã đến - Trinh Công Sơn
Nơi có vùng tâm bão đi qua … - Trần Xuân Linh
Người đang tiếp tục hành trình * - Vinh Huỳnh
Hỏi nhà văn Vũ Bão về câu chuyện Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư và Những vụ án trong làng văn - Hà Nguyễn
Tần ngần giữa chợ - Nguyễn Ngọc Tư
Rơi một chiếc hài - Huỳnh Kim
Kể chuyện ngoài văn chương - Nguyễn Ngọc Tư
Tản mạn đời văn - Vinh Huỳnh
Văn nghệ sĩ ở hải ngoại và một vài kỷ niệm - Nguyễn Thị Thu Hiền
Những điều phiền muộn... - Nguyễn Ngọc Tư
Cùng một tác giả
Ly (truyện ngắn)
Hai người vợ lính (truyện ngắn)
Gío ngược Đồng Vai (truyện ngắn)
Chuyến Xe Giối Già (truyện ngắn)
4 Truyện cực ngắn (truyện ngắn)
Miền cỏ bên đời (truyện ngắn)
Nghi án Yên Tử (truyện ngắn)
Phố mới (truyện ngắn)