Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
746
116.009.995
 
Giây phút nhoáng nhoàng
Nguyễn Đức Thiện

Miên gửi đi tin với một vẻ ngậm ngùi: “ Tại em xấu quá, nên bị người ta coi thường. Nhưng không sao, rồi mọi chuyện sẽ qua thôi”. Cô ngả mình xuống giường. Đã lâu lắm rồi, cô chỉ nằm có một mình. Đứa con hơn hai tuổi bà ngoại nhận trông coi dùm. Ban đầu, đêm đêm Miên còn đón con. Nhưng rồi mẹ Miên không giao con lại cho Miên nữa khi bà thấy cứ đêm về là Miên say lướt khướt. Nhiều khi, bà còn bắt gặp Miên ói mửa khắp nhà. Đó là những ngày khách ép uống, Miên không thể từ chối. 

 

Miên ngả mình xuống giường. Chiếc nệm mỏng áp vào lưng ấm sực. Chưa hôm nào cô thấy chiếc nệm lại ấm như hôm nay. Mỗi ngày mấy lần tiếp khách. Tiếp theo tích kê. Giống như xắp hàng. Lượt ai, người ấy vô phòng. Nhà hàng nơi Miên làm được xem là nhà hàng sang trọng ở một thị xã tỉnh lẻ. Nên khách cũng vào loại không đến nỗi nào. Tiếp xong, ít nhất cũng có trăm ngàn. Ngẫm cho cùng, lướt khướt say mà có được trăm ngàn thì cũng chẳng hại gì. Bán tiếng cười, bán những nụ hôn thoáng qua, bán một vòng tay ôm… Giá ấy cũng được coi là vừa phải. Không bán thân là tốt rồi. Nhưng phải chấp nhận một tai tiếng: gái ôm. Ban đầu, Miên cũng sợ hai tiếng ấy lắm. Nhưng còn có cách nào khác khi đứa con đòi phải có miếng ăn, mà Miên thì thất nghiệp. Chiếc nệm hôm nay như bó lấy Miên chặt hơn, để cô có cái cảm giác bớt cô đơn.

- Em tên gì?

- Tên Miên.

- Em có chồng chưa.

- Dạ, đã một lần.

- Thế em định mấy lần?

- Biết đâu có lần thứ hai thì sao? Đời phải có hy vọng chớ anh.

- Đúng thế. Mà em uống ít thôi. Để anh uống cho. Em có con chưa?

- Một đứa, hai tuổi rồi. Ở với bà ngoại.

- Chồng em có hay thăm con không?

- Em đi làm từ mười giờ sáng, đến mười giờ đêm. Những lúc em vắng nhà, anh ta có đến. Tại sao ư. Anh không dám đối diện với em. Anh là người có lỗi.

- Đàn ông bao giờ chả là người có lỗi. Như anh đang ôm em đây, là đang có lỗi với vợ anh ở nhà. Tha thứ cho người ta đi em.

- Tha thứ? Em có tha thứ anh ta cũng không  dám về gặp em đâu.

- Làm gì mà dữ vậy… Miễn anh ta biết lo cho vợ con là được rồi. Đàn ông tham lam, có một lại muốn có hai. Cái lẽ thường tình mà em…

- Em biết vậy. Nhưng em có đòi anh ta chỉ biết một mình em thôi đâu. Nhưng khốn nạn cho em. Em chỉ là một con cái. Không phải vợ, mà là một con cái. Vì thế mà em thấy nhục. Chính sự nhục nhã khiến em phải chia tay với anh ta.

Màn hình Karaoke êm dịu trong một cảnh biển. Lớp lớp san hô dập dềnh. Những con cá biển đủ màu sắc  lượn lờ trên đám san hô. Miên thốt lên:

- Đẹp quá anh ơi. Người ta quay dưới biển hay trong chậu kiểng vậy anh?

- Dưới biển. Những cảnh lộng lẫy kia chỉ có ở dưới biển.

- Trời đất. Đẹp quá. Chắc là yên bình lắm phải không anh?

- Không. Chẳng ở đâu yên bình cả,  em.

- Anh nói lạ. Anh coi đó, cá đủ mọi loại. Chúng sống với nhau thế kia mà không yên bình sao anh.

- Một, hai, ba… dô…

- Anh dô với người ta đi. Một nửa ly thôi. Em uống nửa ly kia cho anh.

- Thôi để anh uống hết cho. Anh say không sao, em say coi kỳ lắm. Coi thế kia chớ nó cũng không khác gì trên cạn đâu. Cũng có kẻ nham hiểm, cũng có kẻ hiền lành. Chúng dỡn nhau đó, chớ chúng cũng ghen ăn ghét ở vậy…

- Vậy thì sống ở đâu là yên bình, anh.

- Ở ngay trong chính mình. Em cảm thấy yên bình thì nó yên bình. Em bảo nó sóng gió là nó sóng gió thôi.

- Y, anh nói gì mà khó hiểu quá hà. Thôi uống đi anh. Người ta hết chai thứ  tư rồi đó. Anh mới có ba à.

Chiếc nệm hình như xiết chặt người Miên hơn. Chưa bao giờ cô có cái giảm đó. Ngay cả khi ngày xưa sống với chồng. Sống với chồng ra sao há? Tối đến. Tắt đèn. Nằm dài bên nhau. Bỗng bàn tay thô nhám quơ quào. Trên ngực, dưới bụng và dưới nữa. Rồi ào ào tốc ngược áo ngủ lên. Một thân xác đồ xộ phủ lên người. Tất cả thô nhám, vướng víu. Gập chỗ này, ghềng chỗ kia. Chỉ có một chỗ không gập ghềnh mà luồn sâu. Rát rạt. Lần nào cũng luồn sâu, rát rạt. Miên cắn răng chịu, giống hệt như lần đầu cô ráng chịu. Cho đến lúc thân xác kia đổ vật xuống bên cạnh, thở ò è như bị ai bóp cổ. Hơn một năm trời như thế để có được một thằng con trai xinh xắn, khoẻ mạnh và vâm váp giống cha. Từ ngày có nó, Miên càng sợ hơn những lúc chồng lên giường. Vẫn chỉ có như thế. Ào ạt và thở như bị ai bóp cổ. Ậm è. Anh ta biết  Miên làm tiếp viên từ khi mười tám tuổi. Anh ta làm xe ôm cũng ngay từ lúc Miên vô nhà hàng làm tiếp viên. Có một chiếc xe đón ngay ở cổng nhà hàng, Miên chẳng cần đắn đo leo lên và nói nơi cần đến. Chiếc xe lao đi, còn Miên ngất ngưởng phía sau. Vài bữa sau, anh ta kéo tay Miên buộc cô phải ôm lấy lưng anh ta. “ Coi chừng té bỏ mạng à.” Rồi hôm sau, chẳng cần anh ta biểu, lên xe là Miên ôm lấy lưng anh ta cứng ngắc. Cái lưng to bè giống như một tảng đá cho Miên dựa thân lúc chẳng còn biết mình là ai nữa.

 

Một năm, hai năm, hay ba năm. Miên không còn nhận biết được thời gian của mình nữa. Sáng ra, có chút ít thời gian tỉnh táo Miên còn chăm sóc được cho mình. Một khuôn mặt tròn, hai má bầu bĩnh dễ thương như một búp bê xinh. Mái tóc dài chấm ngang lưng. Hai mắt trong veo, sáng hồn nhiên. Chỉ chút buổi sáng thôi, rồi ngay sau đó, anh ta lại đến đón Miên đưa đến nhà hàng. Bán tiếng cười, bán vòng tay ôm, bán những cái hôn hời hợt. Không bán xác. Miên đã giải thích cho anh ta như thế trong những lúc trên đường đến nhà hàng khi Miên còn tỉnh táo. Bằng chứng đó. Ngày nào anh cũng đưa. Cũng vẫn anh đón. Có ai khác đâu. Một hôm. Miên không còn biết gì là trời là đất nữa. Một đám khách sộp, uống toàn rượu mạnh. Sức Miên bia chịu được vài ba chai. Còn rượu mạnh, cái thứ nước bào ruột, bào gan, nóng đến lục phủ, ngũ tạng ấy mà họ bắt Miên trăm phần trăm để họ được cười. Miên cũng cười điên đảo. Cười ra nước mắt. Ban đầu còn biết nhăn mày sợ. Nhưng khi cái thứ nước  găn gắt kia ngấm vào người rồi, Miên sẵn sàng chơi ngang ngửa. Thế nên, khi xách chiếc dỏ ra đường, thì trời tối sầm lại. Miên bước những bước nhẹ lâng. Có ai đó đỡ lấy lưng Miên. Có ai đó dìu Miên. Con đường hoang vắng, lạnh lùng. Chẳng có ai. Chẳng có ai hết. Tất cả mờ ảo. Nhẹ lâng.

 

Miên chẳng còn phải bận tâm đến điều gì. Mẹ ư. Bà ở đâu làm sao Miên biết. Mỗi ngày phải đưa về cho mẹ ít nhất là năm chục ngàn để mẹ xoay xỏa cho cuộc sống gia đình. Mỗi ngày phải đưa cho ba hai chục ngàn để lo mua thuốc trị gút. Cái con Thắm hay ghen tỵ ở đâu cũng mặc nó. Thì khách quen họ gọi tao tiếp, mắc gì đến mày mà mày rên rẩm đến tua không được ra bàn. Có bữa mày còn đổ tội cho tao ăn chặn tiền boa của khách. Nói có đèn trời, tao mà có ăn chặn của đứa nào, tao chết thui, chết rụi cho rồi. Cả con Thắm cũng biến mất. Mà không hình như nó cũng đang nhìn Miên, cười. Nụ cười của con bé đến là dễ thương. Trong lúc bồng bềnh trôi như thế, Miên bỗng thấy mình đau rát rạt. Thân xác bỗng như bị chẻ làm hai. Nước mắt ở đâu mà tuôn ra nhiều thế. Như sông, như suối.

 

Miên tỉnh giấc. Không còn một mảnh vải trên người. Bên cạnh. Một gã đàn ông cũng không mảnh vải. Miên hét lên. Một bàn tay thô, nhám bịt ngay lấy miệng Miên. Cô sặc sụa. “ Cô say quá. Tôi đưa cô về nhà trọ. Cô ói mửa ra khắp nhà. Tôi dọn. Tôi phải thay đồ cho cô. Toàn rượu ói ra. Phát khiếp. Nhưng thay đồ cho cô, thấy cô, tôi không chịu nổi.”  Miên hét lên: “Anh giết tôi rồi” . “ Giết đâu mà giết. Cô còn sống nguây nguẩy đó thôi. Từ hôm nay, cô không đi làm nữa, tôi nuôi. Tôi chạy xe ôm nuôi cô. Tôi tin, cô bán nụ cười, bán cái hôn, bán vòng tay ôm mà không bán thân xác. Tôi tin. Bây giờ cô là vợ tôi. Từ hôm nay…” Miên nhìn anh ta căm giận. Cái thứ mà anh ta cướp đi của cô đã có thằng năn nỉ mua bằng năm chỉ vàng. Cô không bán. Cô chờ có một người như hoàng tử dạo trong vườn hoang chợt nhận ra cô mang về làm đám cưới linh đình. Chớ đâu có chờ một cơn đau rát rạt kia. Miên táng cho anh ta hai cái bạt tai, trước khi khóc nức nở. Bàn tay thô nhám cà cà trên lưng Miên: “ Tôi đã có vợ dưới quê. Nó ngoan lắm. Tôi biểu gì nghe nấy. Nhưng nó không chịu nổi cảnh nghèo của tôi. Tôi chỉ có một căn nhà tấp vách ván bao bì. Một mảnh vừơn không đủ để chó dỡn mèo. Con vợ tôi ngoan thì ngoan thật, nhưng lúc nào mặt nó lúc nào cũng chàm vàm. Đi làm về, mệt. Thấy mặt nó tôi không chịu được. Tôi mới bỏ nó lên đây kiếm sống. Có nghề nào dễ sống hơn nghề xe ôm. Chỉ cần một cái xe. Thế là xong. Không ông chủ, bà chủ. Không lương, không giờ giấc. Mình ta, một trời, một đất. Hôm nay tôi tin cô, bán cười, bán ôm, bán hôn, không bán thân. Hay thật. Từ nay cô không phải đi bán những cái giả dối kia nữa. Ở nhà. Tôi lo…”. Anh ta vùng dậy, đổ ập lên nguời Miên. Thọc sâu. Rát rạt. Nước mắt Miên lại trào ra và không thể làm gì được dưới cái thân xác to như trâu đực kia.

 

Cái nệm xiết vào người cô. Am áp. Cái người đàn ông lúc tối khiến Miên rạo rực.

“ Anh thương bé quá, bé ơi”. Đó là cái tin nhắn sau khi chia tay Miên được vài giờ đồng hồ. Lạ hoắc mà thương nỗi gì? Nhưng quả thực, những giây phút bên nguời ấy, Miên được thư giãn hoàn toàn. Không vồ vập. Không nghiến ngấu như những người khác đã từng đến nhà hàng này. Một cái hôn nhẹ lên má. Hai bàn tay nâng hai má Miên lên, nhìn vào mắt Miên: “ Bé dễ thương quá hà”. “ Mặt em to, xấu hỉn à”. “ Ai biểu em xấu. Tóc em dày quá, để dài ra thì đẹp lắm đó”. “ Tóc em trước dài chấm  ngang lưng đó. Nhưng buồn, cắt đi rồi”.

Miên nhắn tin đi:

“ Anh ơi, em buồn quá. Không biết bạn anh hay đứa nào trong đám tụi em chặn tiền của nhỏ Thắm. Em với nó gây lộn quá chừng. Bà chủ binh nó, mắng em, đòi duổi việc em nữa kìa” .

“ Đừng lo. Chắc bạn anh xỉn qúa quên. Anh làm chứng cho em. Mà thôi quên đi. Đừng buồn làm gì cho chóng già. Nghe cưng”

Những dòng chữ  không dấu trên chiếc điện thoại ấy làm Miên ấm lòng. Mà sao anh ấy không ôm mình như những người đàn ông khác?

Miên trở lại nhà hàng Nhã Trúc sau khi đứa con ra đời chừng hơn một năm tuổi. Ba tháng nằm chỗ, Miên không cho anh ta đụng đến người mình. Sau ba tháng, anh ta lại chồm lên đòi. Bây giờ Miên không còn gì phải sợ nữa. Cô đạp văng anh ta ra. Giá như hôm đó Miên không say xỉn, thì nhất định anh ta phải dính trọn một cú đạp như thế. Biết đâu có một cú đạp, Miên vẫn còn hy vọng tìm thấy hoàng tử của mình. Nhưng không có, nên Miên đành cam chịu thân làm chó cái giữ nhà. Bây giờ thêm cả việc giữ con. Sau cú đạp ấy, anh ta bỏ mặc vợ con, lâu lâu mới về dúi cho vài đồng bạc cáu bẩn lấy từ tay khách đi xe ôm. Những lần về thưa dần. Sau đó thì bằn bặt. Anh ta đã chịu khó đưa đón một cô gái khác ở một nhà hàng khác.  Chỉ có một lời nhắn lại: “ Đừng có làm giá. Rồi cô cũng phải phải bán cả thân khi không có tôi…”. Thế là Miên quay lại nhà hàng Nhã Trúc. Phải tiếp tục bán nụ cười, bán những nụ hôn và bán vòng tay ôm. Không thế làm sao nuôi con, làm sao giúp mẹ, là sao chữa bệnh cho ba. Thế đấy, Miên không chỉ có một mình.  Không còn ai đưa đón. Miên mua một chiếc xe trả góp. Mua thêm chiếc điện thoại di động trả góp. Biết đâu có ai cần đến một vài giờ ân ái. Biết làm sao khác được. Ngày xưa còn gìn giữ. Bây giờ còn gìn giữ cho ai. Miên đã bị cướp. Thì bây giờ cái phần bị cướp ấy còn có giá trị gì đâu. Bán thêm một chút giả dối cho người. Có sao đâu.

 

Khuya quá rồi. Mọi khi Miên đã ngủ, sau những cuộc say thác loạn với khách, về đến căn phòng trọ là Miên lăn ra ngủ. Nhưng sao anh anh ấy lại không ôm mình. Khi chia tay lại nhắn tin lại: “Thương bé quá, bé ơi”. Chiếc nệm như xiết lấy tấm thân đang khao khát nóng hổi của Miên. Một con người như thế, nếu được, Miên cho không…

*

*     *

 

Hắn nhận liên tục hai cái tin nhắn. Năm phút một tin. Hai tin giống y chang nhau nhưng không phải của một người: “ Anh rảnh không? Em muốn gặp anh”. Quả thực hắn không nhận ra ai nhắn tin. Số điện thoại hiện ra đó, nhưng hắn vốn rất kém trí nhớ, nhất là phải nhớ những con số. Chỉ có cách nhắn lại: “ Ở đâu”. Phía bên kia báo lại tên một cái nhà trọ nào đó, hắn mới nhận ra đó là ai. Lâu nay hắn ca ngợi cái khâu nhà trọ này. Hắn gọi đó là công nghệ nhà trọ. Đến cả cái tỉnh lẻ này mà nhà trọ cũng mọc lên như nấm. Một phòng nhỏ chục mét vuông. Một cái giường nệm. Hai cái gối. Phòng tắm kế bên. Phòng nào tốt thì có thêm cái tủ lạnh, cái ti vi, một máy điều hoà nhiệt độ. Không thiếu Ôke đặt ở đâu đó. Rẻ như bèo. Lại kín bưng. Chủ khách chẳng cần biết đến nhau. Vào nộp tiền, nộp giấy. Là xong. Có đến cả chục cái nhà trọ ở đây hắn là khách quen. Hắn vốn là một tay hề xiếc hết thời. Nhưng hắn lại có chút năng khiếu nên hắn có biết chút ít về việc làm thơ. Cứ má phấn, môi hồng, áo bay bay, tóc bay bay, sương buông, mưa sập xùi, vần vần, vè vè… Thế mà được việc. Đời này có nhiều người thích đồ giả, nên hắn mới có đất dung thân. Một cơ quan nhận hắn về làm công tác tuyên truyền. Ông lãnh đạo cơ quan này rất mê thơ. Ông ta giao cho hắn biến tất cả mọi thứ cần nhắn nhủ cấp dưới thành thơ hết. Thơ dễ nhớ, dễ thuộc, dễ ngấm vào người. Khỏi phải mất vải làm băng ron, khỏi phải mua giấy kẻ kẻ, vẽ vẽ tốn kém. “ Một là làm việc đúng giờ/ Hai là tích cực việc cơ quan mình/ Ba là đi đứng phân minh/ Của công để đó không rình lấy riêng/ Bốn là vâng lệnh cấp trên/ năm là đoàn kết dưới trên một lòng…”. Bản nội quy cơ quan ấy tác giả là hắn. Hắn còn nhớ, ông lãnh đạo cơ quan  đã tổ chức ngay một buổi họp để hắn diễn ngâm bản nội quy cơ quan. Hắn diễn ngâm hay thật. Vừa ngâm, vừa pha một chút nghề hề xiếc làm mọi người trong cơ quan cứ ngẩn ra thán phục. Họ thuộc ngay tại chỗ. Thế là hắn có khoản tiền thưởng khá hậu hĩ. Lương thì chẳng bao nhiêu. Nhưng mỗi lần chế được một cái gì đó ra thế là hắn có tiền thưởng. Mà hắn không chịu gọi đó là tiền thưởng. Phải gọi là nhuận bút. Phải là nhuận bút mới ra nhà thơ, nhà báo chớ.

 

Thôi không nhắn hỏi lại hai tin kia. Hắn mở cái tin hắn còn lưu lại cách đây mấy ngày: “ … tại em xấu, nên người ta coi  thường…”. Đó là cái tin của cô bé trong nhà hàng Nhã Trúc. Con bé một con, người nây nẩy, má hây hây, ngực nóng bừng ngồi với hắn lúc nhậu. Không phải hắn không muốn ôm, không nuốn hôn. Mà vì hôm đó hắn vừa mới no nê một cuộc đùa thân xác với một người đàn bà giá tuổi ba lăm còn hừng hực lửa. Trong đời hắn, việc chinh phục đàn bà là việc hắn làm say sưa nhất. “ Tại mình làm người sáng tác. Khí chất con người mình nó thừa thãi khi mình dồn tâm trí cho thơ. Nếu không giải quyết, con người mất cân đối có khi phát điên…” Hắn giải thích với mọi người về những cuộc hành xác mình như vậy. Hắn không bảo đấy là những cuộc chơi. Mà gọi là hành xác. Hành tâm trí ra thơ, hành thân xác để tránh tích tụ tinh khí làm mụ mẫm cái đầu. Hắn có những lý sự rất cù nhầy: “ Một ngàn thằng đàn ông thì có tới chín trăm chín mươi chín thằng rưỡi muốn có nhiều vợ. Thế mà toàn nói đạo lý không hà. Thủy chung. Thủy chung con khỉ. Nhoáy một cái là đi kiếm bồ rồi. Mà cũng lạ. Đời này thiếu gì đàn bà không chồng, muộn chồng hoăc bỏ chồng. Thừa mứa ra. Thế mà đụng đến một cái là đủ mọi chuyện. Nào là quy định một vợ một chồng a. Nào là hủ hoá, thiếu đạo đức a. Nào là đi ngược đạo lý phương Đông a. Ô hay, người đàn bà họ thích mình, họ yêu mình, mà mình không yêu lại mới là thiếu nhân đạo. Của người đàn bà, người ta muốn cho ai thì cho, mắc mớ gì đến ai mà can thiệp vô…” Đại loại thế. Chẳng qua là hắn bao biện cho cái thói ăn chơi của hắn mà thôi. Nhưng hắn được việc. Việc gì giao hắn làm cũng xong. Xong một cách chóng vánh. Vì thế mà hăn trở thành một trợ lý đắc lực cho thủ trưởng cơ quan. Mà thủ trưởng cơ quan chỉ cần ở hắn cái được việc. Còn ăn chơi: thằng ăn chơi được tức là thằng làm việc được… Hắn có vợ già ở quê, tít mù khơi cách đây vài trăm cây số. Con lớn ở quê. Chẳng cần hắn phải lo. Hắn cứ phây phây sống ở Thị xã này. Hắn nói dóc. Lo cho vợ con gì hắn. Bá láp trong những ngày làm hề xiếc. Vợ chán, con chán, chẳng thèm nhắc nhở gì đến hắn. Nên đến khi có tiền, hắn cũng chẳng phải nghĩ đến vợ con. Mặc. Nghe đâu ở quê chúng cũng đủ ăn, đủ mặc, đâu cần đến hắn lo.

 

Hắn đọc đi, đọc lại cái tin của cô bé nhà hàng Nhã Trúc. Ngày xưa chinh phục đàn bà là một chuyện khó khăn. Còn bây giờ, chẳng khó. Vào một nhà hàng, thấy em nào thích mắt là rủ rê. Rủ rê thẳng, chớ chẳng cần phải quanh co, úp mở gì hết. Thuận là đi. Một tiếng. Một trăm ngàn, có khi chỉ là năm chục ngàn. Xong. Mai quên. Hồi còn nhỏ, cạnh nhà hắn có một ông cũng vào loại khá giả. Là khá giả vào lúc đó, khi chiếc xe đạp ngoại còn là một vật hiếm có. Thế mà ông ta có một cái. Ông chăm sóc nó tử tế lắm. Lau chùi mỗi ngày và treo xe lên mỗi khi về đến nhà. Ông ta bảo với hắn: “Thằng đàn ông phải có bộ vó cho ngon. Nhờ nó mà tao biết khối đàn bà đó. Sao hả. Thấy em đi bộ, rước lên, chở đi. Dọc đường buông lời ong bướm, chịu thì đi uống cà phê. Từ uống cà phê lên giường mấy đỗi. Này ta bảo, thằng đàn ông một đời không biết được hai chục cái… đàn bà là thằng đàn ông vứt.” Bây giờ thì chính cái ông dạy hắn bài học đó trở thành vứt, vì con số hai chục của ông ta đã trở nên lỗi thời rồi.

 

Cái tin nhắn của cô bé làm hắn nhớ lại. Phải, bữa đó, hắn mới hành thân xác với người đàn bà ba mươi lăm tuổi bốc lửa, nên hắn bỗng trở nên đạo mạo hết sức.

- Vậy thì thằng chồng em là đồ bỏ. Bỏ hắn là phải. Thằng chồng em là thằng mất dạy. Sinh con ra để lại em nuôi, tếch đi với con khác là không thể chấp nhận.

Bài thuyết giáo của hắn chắc sẽ còn dài nếu không có chuyện tính tiền khi tan cuộc tiệc. Anh bạn hắn chia đều tiền boa cho các em. Hắn kêu:

- Ê, đưa thêm cho tôi một trăm.

Tờ một trăm ngàn vừa chớm đến tay hắn đã luớt ngay sang tay cô bé ngồi bên. Hình như con nhỏ tên Miên thì phải. Phải rồi tên Miên. Hắn nhấn máy nhắn:

-“ Em đang ở đâu”

-“ Em đang ở nhà trọ. Là nhà trọ em mướn tháng. Đừng hiểu lầm em”

Hiểu lầm, hiểu đúng cái quái gì. Những người như cô, tôi còn lạ. Nay với người này, mai với người khác. Thủy chung cái chó gì. Hôm đó, trước khi chia tay, hắn còn ban phát thêm một lời khuyên:

- Đừng làm công việc này nữa. Kiếm chút vốn ra làm ngoài, buôn bán lăng nhăng cũng đủ sống. Thế này khổ lắm em ơi. Anh thương bé qua hà.

Cô bé chắc là xúc động lắm nên cứ đeo dính lấy cánh tay hắn.

- “ Anh đến chỗ em được không” – hắn lại nhắn tin.

Rất lâu sau mới nghe tiếng máy tút tút.

Lại : “ Anh rảnh không, em nhớ anh.” Nhớ cái quái gì anh, nhớ túi tiền của anh thì có, hắn làu bàu và không nhắn tin trả lời. Lại tút tút. Rồi, cô bé đây rồi:

- “ Khuya lắm rồi, đến có tiện cho anh không?”

- “ Có gì mà không tiện. Anh ở một mình, đi lúc nào chả được”

- “ Nhưng chưa có ai đến đây với em cả, em sợ…”

- “ Sợ cái gì? Người sợ là anh. Nhưng anh không sợ. Anh đến nghe. Chỉ đường cho anh đi”

Lần này thì hắn bấm điện thoại. Hắn bỗng mỉm cười nhớ đến cái ông có chiếc xe đạp kia. Ông ta kẹo thấy mẹ. Chiếc xe giống như vật trang sức. Lúc nào cũng bóng nhoáng. Ai muợn cũng không cho. Chỉ ông ta đi. Còn hắn, cũng không hơn gì. Nhắn tin thôi. Năm trăm đồng một cú nhắn tin chất lượng. Còn bây giờ thì phải gọi. Nhắn tin biết đến bao giờ mới hiểu được đường đi. Mà hắn thì đang muốn hành xác. Coi chừng điên vì khí tích đầy phè. Hắn lên xe sau cú điện thoại ấy.

*

*        *

Miên cuốn mình trong chiếc mền. Chiếc mền sực nức mùi nước hoa giống như con quái vật cứ thúc vào cô những thèm khát mơ hồ. Từ bữa gặp  ảnh trong nhà hàng. Từ bữa có được những lời khuyên, cô chỉ nghĩ đến anh. Con người sao mà phúc hậu. Chưa bao giờ cô gặp một người đàn ông như thế trong nhà hàng. Mọi thứ cô bán cho khách đều là của giả hết. Nói cho đúng hơn đồ thì đồ thiệt, nhưng tình cảm là thứ đồ giả hoàn toàn. Nhưng với ảnh, nhất định cô phải cho anh ấy biết đồ thật. Chỉ cần một sự cảm thông, chỉ cần một sự quan tâm, và nhất là khi cạnh anh, anh không một cử chỉ xàm sỡ. Thế là đủ. Cô muốn có một lần hiến dâng trọn vẹn. Trọn vẹn cả những cái cũ mèm. Biết đâu đây sẽ là qúy  nhân của cô. Ảnh có vợ? Có sao đâu. Miên sẽ không làm gì để ảnh hưởng đến gia đình ảnh. Nhưng Miên vẫn có anh là được. Hôm nay, nhất định là hôm nay Miên sẽ chiếm đoạt anh để có anh là chỗ dựa, chí ít là trong một khoảng đời.

 

Tiếng chiếc xe máy tắt ở phía ngoài xa. Ảnh đến. Miên đã dặn vậy. Tắt máy từ ngoài xa rồi dắt xe vào. Miên sẽ mở cửa chở sẵn. Miên mở cửa rồi đó. Chỉ có ánh đèn ngủ lờ mờ. Không chỉ mở cửa. Trong chiếc mền kia, thân xác Miên không còn miếng vải che. Tất cả đang chờ đợi. Những cọng tóc chờ đợi. Cánh mũi phập phồng chờ đợi. Khuôn ngực một lần  cho con bú cứ dềnh lên chờ đợi. Làn da bụng một lần sanh con không một vết rạn căng ra chờ đợi. Phía dưới nữa, Miên thấy rõ nó cũng đang đồng loã với thân xác Miên chờ đợi, phập phồng. Khi hắn vào, Miên tung mền ngồi dậy. Dựa được chiếc xe, quay sang, hắn há hốc miệng kinh ngạc. Chưa bao giờ hắn được như thế. Một thân xác hồng lên dưới ánh đèn ngủ màu hồng. Người đàn  bà nửa ngồi, nửa quỳ vẻ tuân phục. Nhưng không vội. Hắn quay ra bấm khoá, quay lai ngồi xuống mép giường. Bàn tay hắn vuốt lên má Miên, vuốt xuống vai Miên và vuốt xuống nữa. Hắn chậm rãi cởi từng chiếc nút áo, chậm rãi kéo phec mơ tuya, nhẹ nhàng xếp gọn quần áo của mình xuống cuối giường. Xong xuôi, hắn mới kéo Miên nằm xuống và ghé tai cô:

- Đừng vội vàng nghe em. Lần đầu tiên, từ từ để chúng mình tận hưởng, nghe em…

Lần đầu tiên Miên biết được sự diệu kỳ của bàn tay và cặp môi của người đàn ông. Bàn tay hắn, cặp môi hắn luớt trên cơ thể Miên, khiến Miên rùng rùng thèm khát. Không như chồng Miên và cũng không giống những người đàn ông khác, hắn ngồi dậy, đỡ Miên nằm ngay ngắn lại. Hắn không phủ lên mình Miên mà ngồi như thế để bắt đầu cho một cuộc truy hoan. Không còn trời, không còn đất, không còn con nhỏ, không còn người mẹ lam lũ, không còn người cha bệnh hoạn, tất cả biến đi khi ngay giữa thân xác Miên nhận ra sự xuyên suốt ngọt ngào. Không kìm được, Miên rên lên và háo hức đón nhận.

 

Bỗng có tiếng xe máy chạy vào cổng khu nhà trọ. Tiếng xe máy rất quen. Nó đã từng hành trình cùng Miên bao nhiêu ngày tháng từ nhà hàng về nhà trọ. Đã từng làm cho Miên hy vọng trong những ngày ôm con đợi chờ. Anh ta đấy. Chồng Miên. Miên chưa kịp hoảng hồn, thì tiếng chiếc chìa khoá tra vào ổ khoá lạch xạch vang lên. Cánh cử bật ra. Công tác đèn ngay cửa ra vào. Tách. Sáng trưng. Tất cả cùng kinh hoàng. Kinh hoàng hơn khi chồng Miên hét lên:

- Ba.

Miên nghe rất rõ tiếng rên rỉ:

- Sao lại là mày, thằng Tư?

Hai mắt Miên mở to. Trời ơi họ giống nhau thế kia.To lớn. Mặt vuông. Hàm bạnh. Mắt sắc với cặp chân mày rậm. Chỉ khác, người trắng trẻo, tóc phủ buông, nghệ sĩ và pha chút già nua. Người kia đầu đinh , đen đúa bụi đường nhưng còn trẻ. Miên đổ sụp xuống. Tất cả nhoáng nhoàng, nhoáng nhoàng như chớp giật. Miên lịm đi, không còn biết gì nữa.

*

*    *

Họ ngồi với nhau trong một quán cà phê. Giống nhau như tạc. Ngay cả lúc này, với hai mắt tránh nhìn nhau và nhìn đi đâu đó.

- Sao thế ba?  Ba bỏ mặc  đời tôi trôi dạt. Tôi lo cho thân tôi không xong nên chẳng lo được cho ai. Nhưng không thể thiếu đàn bà nên mới nay con này mai con khác mà chẳng phải lo cho đứa nào. Còn ba? Sao lại thế chớ… Dù sao, nó cũng là vợ tôi mà…

- Tao đâu có biết… Tư.

Hắn làm sao biết được. Nhưng hắn quên: hắn không thể từ lỗ nẻ chui ra. Hắn đã dùng đàn bà như một thứ đồ chơi… thì đời hắn  cũng chỉ là một thứ đồ chơi không hơn, không kém. Giống như ngày xưa hắn đi làm trò cười cho thiên hạ, nhưng đến làm trò cười cũng không xong, thì hôm nay hắn chẳng thể cười…

 

Tây Ninh tháng 4-2006
Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 3754
Ngày đăng: 13.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày Trở Về - La Thị Ánh Hường
Một vị Phật khai sinh - Hư Thân
Giỡn chơi - Nguyễn Ngọc Tư
Đi coi bói - Đinh Lê Vũ
Tất cả các giòng sông đều chảy - Trần Lệ Thường
Bồ Tát Quá Giang - Hư Thân
Trinh tiết xóm chùa - Đoàn Lê
Thì thầm trong đêm - Nguyễn Văn Ninh
Đêm ở rừng - Tâm Đào
Chùm truyện rất ngắn của Nguyễn Nguyên An - Nguyễn Nguyên An
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)