Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
580
115.979.301
 
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 2
William Saroyan

Tim tôi ở Cao nguyên -phần 2

 

 

MACGREGOR:            Cái thùng xanh ở đàng kia có gì bên trong vậy, Johnny ?

            JOHNNY:                     Mấy viên bi.

MACGREGOR:            Cái bình, Johnny. Trong đó có gì ăn được hay không?

            JOHNNY:                     Mấy con dế.

MACGREGOR:            Còn cái chậu ở góc nhà. Trong đó có gì vui vẻ chứ, Johnny?

            JOHNNY:                     Cháu nuôi một con rắn nước trong đó.

MACGREGOR:            Tốt, ta rất khoái được thưởng thức một ít thịt rắn luộc đấy, Johnny.

JOHNNY:            (ngang bướng, người bảo vệ thú vật)  Không có gì cả, ông Macgregor.

MACGREGOR:            Tại sao không, Johnny ? Vì cái lý do chết tiệt nào vậy, con trai? Ta có nghe nói rằng những thổ dân của đảo Borneo xinh đẹp thường ăn rắn và cào cào. Chắc là con phải có nửa tá cào cào mập ú quanh đâu đây nữa phải không, Johnny?

JOHNNY :            Chỉ có bốn con thôi.

MACGREGOR:            Ồ, mang chúng ra đây, con trai, và sau khi chúng ta no bụng, ta sẽ chơi bài “Đôi mắt em là nguồn hạnh phúc”  cho con nghe. Ta hãy còn đói lắm, Johnny.

JOHNNY:            Cháu cũng vậy, nhưng cháu không muốn bất kỳ ai giết những con vật vô tội này. Chúng cũng có quyền sống như  bất cứ người nào khác.

BỐ JOHNNY:            Ông sẽ chơi một lát chứ. Tôi đoán là thằng bé  sẽ rất vui sướng.

JOHNNY:            (nhảy cẩng lên) Chắc chắn là cháu rất vui, ông Macgregor.

 

MACGREGOR:            Thôi được, Johnny. Bánh mì. Bánh mì. Lạy Chúa, sao mà nó gây hấn với trái tim mới hung hăng làm vậy. (Ông ta đứng lên và bắt đầu thổi vào ống sáo. Ông thổi lớn hơn, tuyệt diệu hơn và buồn thảm hơn bất cứ người nào từng thổi sáo. Mười tám người hàng xóm tụ tập phiá trước cổng reo lên hoan hô khi ông kết thúc bài nhạc solo “ Đôi mắt em là nguồn hạnh phúc”)

BỐ JOHNNY:            (vui sướng, hài hước) Tôi muốn ông tiếp xúc với những khán giả của ông. ( Họ đi ra cổng)

 

Căn nhà. Đám đông hướng về bố Johnny, Macgregor và Johnny.

BỐ JOHNNY:            Hỡi những láng giềng và bạn tốt của tôi, tôi muốn các bạn gặp gỡ ông Macgregor, nhà kịch sĩ  Shakespeare vĩ đại nhất của thời đại chúng ta. ( dừng lại)  Tôi tin như thế.

MACGREGOR:            (nhà nghệ sĩ)  Tôi còn nhớ lần ra mắt đầu tiên của tôi ở London vào năm 1891 như thể nó vừa xảy ra ngày hôm qua. Lúc đó, tôi là một thằng nhóc xuất thân từ khu ổ chuột Glasgow. Vai đầu tiên của tôi là một gã liên lạc trong một vở kịch mà không may tôi quên mất tên rồi. Tôi chẳng được nói một câu thoại nào, nhưng di chuyển khá là nhộn, chạy từ quan chức này tới quan chức kia, từ một kẻ đang yêu tới người y yêu dấu, rồi ngược lại, và cứ chạy đi chạy lại mãi như thế.

RUFE  APLEY:            ( Tiếc vì phải cắt ngang lời diễn thuyết hùng hồn) Ông sẽ chơi thêm một bài khác chứ, ông Macgregor?

MACGREGOR:            Anh còn quả trứng nào ở nhà chứ ?

RUFE APLEY:            Chắc chắn là có.  Ở nhà tôi còn một tá trứng.

MACGREGOR:            Thế có tiện cho anh không nếu quay về và mang tới đây một trong số chục trứng đó? Khi anh trở lại, ta sẽ chơi một bài làm cho tim anh run lên vì thảm sầu và vui sướng.

RUFE APLEY:            Tôi sẽ đi ngay. ( anh ta đi)

MACGREGOR:            ( với đám đông) Các bạn của tôi, tôi rất vui lòng chơi một bài khác bằng cái ống sáo khảm vàng này, nhưng thời gian và quảng đường xa từ quê nhà tới đây đã làm tôi mệt mỏi. Nếu các bạn sẵn lòng để trở về nhà, từng bạn một, và rồi quay lại đây với một thứ thức ăn gì đó, tôi sẽ lấy làm tự hào mà tập trung hồn phách lại để chơi một bài nhạc, mà tôi biết sẽ làm đổi hướng cuộc đời các bạn, và xin hãy nhớ, là thay đổi nó, theo hướng tốt hơn. ( Mọi người đi. Người cuối cùng là Esther Kosak, nó nghe cho đến hết bài diễn thuyết rồi chạy đi. Macgregor, hai bố con Johnny  ngồi trên bậc thềm, yên lặng. Rồi lần lượt từng người quay trở lại, mang theo thức ăn cho Macgregor : một quả trứng, một thỏi xúc xích, một tá củ hành, hai thứ phó mát, bơ, hai thứ bánh mì, khoai luộc, cà chua tươi, một trái dưa hấu, trà, và nhiều món ăn ngon lành khác)  Cám ơn, các bạn của tôi, cám ơn. ( Ông lão đứng trang nghiêm, chờ cho im lặng hoàn toàn, người vươn thẳng, nhìn quanh một cách giận dữ, đưa ống sáo lên môi và bực dọc vì Esther trở lại một cách vội vã, ồn ào, nó mang tới một trái cà tím. Khi đã lặng im, ông ta chơi bài “Tim tôi ở Cao nguyên, tim tôi không ở nơi này”. Mọi người khóc nức nở, quỳ xuống, đồng ca, rồi ra về. Macgregor quay sang hai bố con. Trang trọng.) Thưa ông, nếu tất cả những thứ này cũng là của ông, tôi mong sẽ được tá túc thêm một ít lâu ở nhà ông trước lúc lên đường.

 

BỐ JOHNNY:            (vui sướng và bối rối) Thưa ông, nhà tôi cũng là nhà của ông. (Họ đi vào nhà)

 

Phòng ăn. Mười tám ngày sau, Macgregor nằm ngủa mặt trên sàn nhà, đang ngủ. Johnny lặng lẽ đi lại trong phòng, nhìn mọi người. Bố nó ngồi ở bàn, làm thơ. Bà nội nó đang ngồi trên chiếc ghế đu. Có tiếng gỏ cửa, mọi người nhổm lên chạy tới cửa, trừ Macgregor.

 

BỐ JOHNNY:            Sao, ai đó?

CHÀNG TRAI:            Tôi tới tìm ông Macgregor, nhà nghệ sĩ.

BỐ JOHNNY:            Ông muốn gì?

JOHNNY:            Phải đấy, bố, dù sao cũng phải hỏi anh ta.

BỐ JOHNNY:            Ờ, tất nhiên rồi. Xin lỗi, mời ông vào nhà. (Chàng trai đi vào.)

CHÀNG TRAI:            Tôi là Philip Carmichael. Tôi đến từ viện dưỡng lão. Người ta cử tôi đến để đưa ông Macgregor về nhà.

MACGREGOR:            (thức giấc và ngồi dậy) Nhà ? Có ai vừa nói tới nhà, phải không ? (gầm lên) Ta  cách xa nhà năm ngàn dặm, đã luôn luôn như thế, và cũng sẽ là thế mãi. Chàng trai trẻ này là  ai?

CHÀNG TRAI:            Ông Macgregor, tôi là Philip Carmichael, người của Viện dưỡng lão. Họ cử tôi đến để đưa ông về. Hai tuần nữa chúng tôi sẽ tiến hành cuộc trình diễn thường niên và cần có ông đóng vai chủ đạo.

MACGREGOR:            (đứng lên với sự giúp đỡ của hai bố con Johnny) Đó là loại vai gì thế? Ta không còn đóng được những vai trẻ trung mạo hiểm đâu.

 

CHÀNG TRAI:            Đó là vai Vua Lear, ông Macgregor. Nó rất hợp với ông.

MACGREGOR:            (nhà nghệ sĩ có việc làm trở lại)  Tạm biệt, các bạn yêu dấu của ta. (Ông ta  quay lại từ cổng)  Trong tất cả những khoảnh khắc của đời ta, ở tất cả mọi nơi ta từng đến, chưa bao giờ và không có nơi nào ta từng có niềm vinh hạnh và nỗi sướng vui được tiếp xúc với những tâm hồn cao quý, trong sạch và dào dạt niềm vui như ở nhà các bạn. Tạm biệt.

( Ông lão và chàng trai rời khỏi căn nhà. Một khoảnh khắc im lặng đầy tiếc nuối và cô đơn.)

BỐ JOHNNY:            (đói, lớn tiếng)  Johnny, đi xuống tiệm ông Kosak và mang về chút gì   ăn. Ta biết con làm được mà, Johnny. Hãy mang về bất cứ cái gì.

JOHNNY:            (đói, lớn tiếng, giận dữ)  Ông Kosak muốn có 85 xu. Ông ta sẽ không cho mua chịu bất cứ thứ gì nữa.

BỐ JOHNNY:            Hãy đi đi, Johnny. Con biết là con sẽ làm cho nhà quý tộc tốt bụng người Slovak đó đưa cho chúng ta chút gì để ăn mà.

JOHNNY:            (tuyệt vọng)  Ồ, bố.

BỐ JOHNNY:            (kinh ngạc, gầm lên) Sao? Mày, con trai của ta, lại có cái vẻ yếu đuối như vậy! Thôi nào. Ta đã chiến đấu với thế giới theo cách đó trước khi con ra đời. Sau khi con sinh ra, chúng ta cùng nhau chiến đấu, và chúng ta sẽ còn tiếp tục chiến đấu với nó như thế mãi. Người ta yêu thơ, nhưng không hiểu nó, chỉ có vậy thôi. Không có cái gì ngăn cản được chúng ta, Johnny. Đi xuống dưới đó ngay, và kiếm gì về để chúng ta ăn.

 

JOHNNY:            Được rồi, bố. Con sẽ cố hết sức. ( Nó chạy ra cửa.)

 

Căn nhà. Giờ có treo một tấm biển lớn: “Cho thuê”. Đó là một khoảnh khắc trước lúc rạng đông của một ngày đầu tháng 11 năm 1914. Đã có những dấu hiệu của mùa Đông đang tới. Cao cao trên bầu trời một đàn ngỗng bay về Nam kêu líu ríu. Johnny ngồi phiá trước cổng, tay chống vào cằm. Nó nghe thấy tiếng ngỗng kêu, chăm chú lắng nghe, nhổm lên và ngẫng đầu nhìn chúng. Tiếng kêu nhỏ dần rồi tắt hẳn. Johnny quay lại chiếc cổng, ngồi xuống. Khi mặt trời mọc, một nụ cười trang trọng, rạng rỡ hiện lên trên nét mặt nó. Nó liếc nhìn tia nắng qua khoé mắt như thể đó là một người bạn thân lặng lẽ mà nó hoàn toàn thấu hiểu. Khi ánh sáng rạng dần, trò chơi giữa  Johnny và mặt trời cũng tăng theo, như một chuỗi nhạc, làm nó nhón chân lên, quay mặt về phiá ánh sáng. Nó giơ cao đôi cánh tay, và rất nghiêm trang khởi sự thực hiện một cú nhào lộn. Rồi nó chạy tung tăng vòng quanh nhà và trở lại từ phiá bên kia, gần như đang nhảy muá.

 

Một chuyến tàu chở hàng chạy qua, không xa lắm, làm rung động mặt đất. Ánh bình minh rạng dần.

 

Một thằng bé giao báo sáng đang vừa đi bộ tới, vừa huýt sáo. Nó là một kiểu mẫu của những tay giao báo sáng vùng tỉnh lẻ : khoảng mười ba tuổi. Nó có vẻ già dặn và  đàng hoàng của những người đã mang trọng trách. Các túi báo đã rỗng không. Đêm đã qua rồi.  Nó đã kiếm được khoản tiền công nhật. Những tờ báo đã được đặt trên thềm cửa của các bạn đọc. Một ngày mới đã tới với trần gian. Nó đã đi bộ suốt hai tiếng đồng hồ cho đến sáng qua những đường phố tối. Khúc nhạc nó huýt sáo thật dịu dàng và đầy thông cảm. Đó là một khúc nhạc do nó tự ứng tác, một khúc ca chào buổi sáng.

 

JOHNNY:                      (chạy xuống bậc thềm) Chào cậu.

THẰNG BÉ:                   (đứng lại) Chào cậu.   

JOHNNY:                      Đó là bài gì vậy?

THẰNG BÉ:                   Bài nào?

JOHNNY:                      Bài cậu vừa huýt sáo đấy.

THẰNG BÉ:                   Tớ  vừa huýt sáo à?

JOHNNY:                      Thật mà. Cậu không biết hay sao?

THẰNG BÉ:            Tớ cho là mình thường huýt sáo luôn mồm.

JOHNNY:                      Thế đó là bài gì?

THẰNG BÉ:                   Tớ không biết.

JOHNNY:                      Tớ ước gì tớ cũng huýt sáo được.

THẰNG BÉ:                   Ai cũng có thể huýt sáo được.

JOHNNY :                     Tớ không thể. Cậu làm như thế nào?

THẰNG BÉ:            Không làm thế nào cả. Cậu chỉ việc huýt thôi.

JOHNNY:                      Như thế nào?

THẰNG BÉ:            Như thế này. ( Nó huýt một lúc, rõ là đã ứng khẩu một cách tài tình)    

JOHNNY:            (thán phục)  Ước gì tớ có thể làm như thế.

THẰNG BÉ:            (hài lòng và nôn nóng gây một ấn tượng mạnh hơn)  Có gì đâu. Hãy nghe đây nhé. (Nó huýt một điệu nhạc vui có bè hai giọng và có nhấn nhịp)

JOHNNY:            Cậu dạy cho tớ chứ ?

THẰNG BÉ:            Người ta không thể dạy huýt sáo. Cậu chỉ việc huýt thôi.  Đây là một kiểu khác. ( Nó huýt một điệu khúc vui, theo phong cách ồn ào của giới trẻ hiện đại, nhưng nó làm cho dịu nhẹ đi.)

JOHNNY:            (cố thử huýt) Như thế này à?

THẰNG BÉ:            Đó là cách khởi đầu. Cậu cứ giữ như thế, một lúc sau miệng cậu sẽ có hình dáng đúng và cậu sẽ huýt được mà không tự biết nữa kia.

JOHNNY:            Thật chứ ?

THẰNG BÉ:            Chắc chắn mà.

JOHNNY:            Mẹ cậu chết rồi phải không?

THẰNG BÉ:            Sao cậu biết?

JOHNNY:            Mẹ tớ cũng đã chết.

THẰNG BÉ:            Thế à?

JOHNNY:            (thở dài)  Vâng. Bà đã chết rồi.

THẰNG BÉ:            Tớ không nhớ mẹ tớ. Cậu nhớ mẹ cậu chứ?

JOHNNY:            Không chính xác là nhớ. Đôi khi tớ nằm mơ thấy mẹ tớ.

THẰNG BÉ:            Trước kia tớ cũng vậy.

JOHNNY:            Thế cậu không còn mơ thấy mẹ nữa sao ?

THẰNG BÉ:            (người không còn ảo tưởng) À... à... vâng. Thế các giấc mơ tốt cho cậu chứ ?

JOHNNY:            Mẹ tớ chắc chắn là rất xinh đẹp.

THẰNG BÉ:            Vâng, tớ biết. Tớ nhớ. Cậu có bố chứ ?

JOHNNY:            (tự hào) Ồ, chắc chắn rồi. Ông ấy đang ở trong nhà, đang ngủ.

THẰNG BÉ:            Bố tớ cũng đã chết rồi.

JOHNNY:            Cả bố cậu nữa sao?

THẰNG BÉ:            (xác nhận) Vâng. (Chúng bắt đầu chuyền cho nhau một quả tennis cũ.)

JOHNNY:            Thế cậu còn có ai thân thích nữa không?

THẰNG BÉ:            Tớ có một bà cô, nhưng bà ấy không thực sự là cô tớ. Tớ lớn lên ở trại mồ côi. Tớ được nhận làm con nuôi.

JOHNNY:            Trại mồ côi là gì?

THẰNG BÉ:            Đó là một nơi mà bọn trẻ con không cha không mẹ sống cho đến lúc chúng được ai đó nhận làm con nuôi.

JOHNNY:            Cậu nói nhận làm con nuôi, nghĩa là sao?

THẰNG BÉ:            Một người nào đó muốn có một thằng bé hay con bé sẽ đến trại mồ côi và ngắm nghiá chọn lựa, sau đó họ mang theo một đưá mà họ thích. Nếu họ chọn cậu, cậu đến ở với họ.

 

 

 

JOHNNY:            Cậu có thích điều đó không?

THẰNG BÉ:            Thế cũng tốt thôi. ( Nó cất quả bóng)

JOHNNY:            Tên cậu là gì?

THẰNG BÉ:            Henry. Còn cậu?

JOHNNY:            Johnny.

THẰNG BÉ:            Cậu muốn lấy một tờ báo không? Đang có chiến tranh ở Châu Âu đấy.

JOHNNY:            Tớ không có tiền. Chúng tớ không giàu. Chúng tớ không làm việc. Bố tớ làm thơ.

THẰNG BÉ:            (đưa cho Johnny tờ báo thừa)  Ồ, chả sao đâu, cậu đã bao giờ có tiền chưa?

JOHNNY:            Lâu lâu. Có lần tớ nhặt được đồng 25 xu. Nó nằm trên lề đường, ngay phiá trước tớ. Lần khác, bố tớ nhận một tờ séc 10 đô la từ New York gửi tới. Nhà tớ mua một con gà và thật nhiều tem, giấy và phong bì. Thế nhưng con gà không đẻ trứng, vì vậy bà tớ thịt nó cho cả nhà ăn. Cậu có bao giờ ăn thịt gà chưa?

THẰNG BÉ:            Chắc chắn rồi. Tớ cho là tớ đã ăn thịt gà sáu bảy lần rồi.

JOHNNY:            Sau này lớn lên cậu sẽ làm gì?

THẰNG BÉ:            Chậc. Tớ cũng không biết nữa. Tớ không biết tớ sẽ làm gì.

JOHNNY:            (tự hào) Tớ sẽ là nhà thơ như bố tớ. Bố tớ bảo thế.

THẰNG BÉ:            Tớ cho là tớ phải đi giao báo một thời gian nữa.( Nó cất bước) Thôi, chào nhé.

JOHNNY:            Cậu có tới đây nữa không?

THẰNG BÉ:            Sáng nào tớ cũng đi ngang qua đây, khoảng giờ này. Nhưng trước đây tớ chưa bao giờ gặp cậu.

JOHNNY:            (mỉm cười) Tớ nằm mơ, rồi khi thức giấc tớ không muốn ngủ nữa. Tớ muốn dậy và ra ngoài này. Tớ đã mơ thấy mẹ tớ.

THẰNG BÉ:            Có thể tớ sẽ gặp lại cậu một sớm mai nào đó khi cậu không ngủ được.

JOHNNY:            Tớ hy vọng là thế. Chào nhé.

THẰNG BÉ:            Chào cậu. Cứ cố như thế và cậu sẽ biết huýt sáo trước khi cậu nhận ra.

JOHNNY:            Cám ơn. ( Thằng bé vừa đi vừa huýt sáo. Johnny tung cuộn báo lên chỗ cổng rồi ngồi xuống bậc thềm. Bà nội nó ra với một cây chổi và bắt đầu quét.)

BÀ NỘI JOHNNY:            (nói tiếng Armenia, là thứ tiếng duy nhất bà biết, với một số từ pha trộn tiếng Thổ, Kudish và vài từ Ả rập, mà dường như không ai xung quanh hiểu cả.) Cháu khỏe chứ, cháu cưng?

JOHNNY:            (biết tiếng Armenia, nhưng hầu như chưa bao giờ nói, nói tiếng Anh) Cháu khỏe.

BÀ NỘI JOHNNY:            Còn bố cháu?

JOHNNY:            Cháu không biết. ( gọi to) Ồ, bố ơi, bố khỏe không? (ngừng, gọi tiếp) Bố ơi. (ngừng.Im lặng) Cháu cho là bố còn đang ngủ.

BÀ NỘI JOHNNY:            Còn tí tiền nào không?

JOHNNY:            Tiền à? ( lắc đầu) Không.

BỐ JOHNNY:            (từ phiá trong nhà) Johnny?

JOHNNY:            (nhổm lên) Bố ạ?

 

 

BỐ JOHNNY:            Con vừa gọi phải không?

JOHNNY:            Vâng. Bố khỏe không?

BỐ JOHNNY:            Tốt. Còn con?

JOHNNY:            Tốt, bố ạ.

BỐ JOHNNY:            Con đánh thức bố chỉ vì thế thôi sao?

JOHNNY:            (với bà) Bố cháu khỏe. (Nói to với bố) Quý phu nhân già muốn biết bố có khỏe không.

BỐ JOHNNY:            (nói tiếng Armenia với bà cụ) Chào mẹ. (với Johnny bằng tiếng Anh) Con nói già là sao? Bà chưa già lắm đâu.

JOHNNY:            Con không có ý nói là già. Bố biết ý con mà.

 

(Bố Johnny vừa đi ra cổng, vừa cài nút áo, gật đầu chào bà  cụ, nhìn mặt trời qua khoé mắt hệt như kiểu của Johnny, mỉm cười cũng theo kiểu của nó, duỗi chân tay, quay mặt về hướng mặt trời và làm một cú lộn nhào, nhưng không khá lắm. Cú lộn nhào làm ông té ngửa ra.)

 

JOHNNY:            Bố cần tập thể dục nhiều thêm một chút bố ạ. Bố cứ ngồi suốt buổi.

BỐ JOHNNY:            (nằm ngửa) Johnny, bố của con là một nhà thơ lớn. Ta có thể không nhào lộn giỏi bằng con, nhưng nếu con muốn biết ta là một vận động viên cừ khôi cỡ nào, cứ đọc bài thơ ta vừa viết hôm qua.

JOHNNY:            Nó hay thật hở bố ?

BỐ JOHNNY:            Hay à? ( Ông ta nhổm lên như một vận động viên nhào lộn) Phải nói là tuyệt vời. Ta cũng sẽ gửi nó cho tờ nguyệt san Atlantic.

JOHNNY:            Ồ, con quên khuấy mất, bố, trên cổng có một tờ báo đấy.

BỐ JOHNNY:            Ý con là một tờ báo buổi sáng hở Johnny?

JOHNNY:            Vâng ạ.

BỐ JOHNNY:            Chà, thật là một sự bất ngờ thú vị. Con đào đâu ra vậy?

JOHNNY:            Henry cho con.

BỐ JOHNNY:            Henry? Henry là ai thế ?

JOHNNY:            Cậu ấy là người không cha không mẹ. Cậu ấy còn biết huýt sáo nữa cơ.

BỐ JOHNNY:            (nhặt tờ báo, mở ra) Hẳn nhiên đó là một cậu bé tốt bụng. ( Ông ta chìm vào các đề mục của tờ báo)

BÀ NỘI JOHNNY:            (với cả hai bố con, với chính mình, với cả thế giới)  Cái ông già ấy đâu rồi?

BỐ JOHNNY:            Dạ..ạ ?

JOHNNY:            Ai ạ?

BÀ NỘI JOHNNY:            Cháu biết mà. Cái ông lão thổi tù và ấy mà. ( Bà làm điệu bộ thổi tù và)

JOHNNY:            A, ông Macgregor phải không? Họ mang ông ấy về viện dưỡng lão rồi bà ạ.

BỐ JOHNNY:            (đọc thành tiếng) Áo. Đức. Pháp. Anh. Nga. Tàu chiến. Tàu ngầm, Xe tăng. Súng máy. Bom. ( lắc đầu) Bọn chúng lại nổi điên nữa rồi.

BÀ NỘI JOHNNY:            (với Johnny, vẻ khiển trách) Bé con, sao con không nói tiếng Armenia?

JOHNNY:            Cháu nói không được, bà ạ.

BỐ JOHNNY:            (với Johnny) Có chuyện gì?

JOHNNY:            Bà muốn hỏi về ông Macgregor.

BÀ NỘI JOHNNY:            (với bố Johnny) Ông ta đâu?

BỐ JOHNNY:           (tiếng Armenia)  Ông ấy đã trở lại viện dưỡng  lão.

 

BỐ JOHNNY:            (lắc đầu) Ôi chao, tên tù nhân già tội nghiệp.

JOHNNY:                  Nó giống như nhà tù hở bố ?

BỐ JOHNNY:            Ta không biết chắc, con trai ạ.

BÀ NỘI JOHNNY:            (phẫn nộ, giống kiểu của con trai và cháu của bà khi bực tức) Tại sao ông ấy không quay lại sống ở đây, nơi đây mới là chỗ của ông ta ? ( Bà đi vào nhà.)

JOHNNY:            Phải đấy, bố. Sao ông Macgregor không quay lại và sống ở đây. Ông ấy có bắt buộc phải ở chỗ đó không ?

BỐ JOHNNY:            Nếu con là một ông già, rất già, và không có ai thân thuộc, cũng chẳng có tiền, con phải sống ở đó, Johnny ạ.

JOHNNY:            Con đoán là đôi khi ông ấy thấy cô đơn lắm. Bố có cho là vậy không, bố ?

BỐ JOHNNY:           Thực lòng ta cho là vậy, Johnny.

JOHNNY:            Lúc nào con cũng nhớ ông, nhất là tiếng nhạc. Cả cái cách ông uống nước nữa.

BỐ JOHNNY:           Ông  ấy là một con người vĩ đại.

JOHNNY:            Có thật là tim của ông ấy để ở cao nguyên như ông ấy nói không bố?

BỐ JOHNNY:            Không chính xác là như thế.

JOHNNY:            Thế có thật là ông ở cách xa nhà năm ngàn dặm?

BỐ JOHNNY:            Ít nhất cũng như thế con ạ.

JOHNNY:            Bố có nghĩ là một ngày nào đó ông ấy sẽ trở về nhà không?

BỐ JOHNNY:            Ông ấy đã già, Johnny, ông ấy sẽ trở về nhà.

JOHNNY:            Ý bố là ông sẽ lên một chiếc tàu hoả, một con tàu và quay lại chốn cao nguyên ấy, có phải không?

BỐ JOHNNY:            Không phải thế, Johnny. Có một chút xíu khác biệt. Ông ấy sẽ chết.

JOHNNY:            Đó là cách duy nhất để một người trở về nhà sao bố?

BỐ JOHNNY:            Đó là cách duy nhất.

 

( Suốt thời gian đó, dĩ nhiên là bố Johnny tiếp tục lật tờ báo, và Johnny vẫn nhào lộn theo nhiều kiểu, đi lắt lẻo trên đường ray cổng, nhảy xuống, nhào lộn, trồng cây chuối và cứ như vậy. Một số câu hỏi của nó đặt ra trong lúc nó đang trồng chuối ngược. Từ xa, có tiếng còi vọng đến.)

 

JOHNNY:            (nôn nóng) Đó là ông Wiley, người phát thư, bố ạ. (Bố Johnny nhổm lên, đánh rơi tờ báo.)

JOHNNY:            Bố có nghĩ là mình sẽ nhận được một lá thư từ New York không bố, có lẽ còn kèm theo một tờ chi phiếu nữa.

 BỐ JOHNNY:            Bố không biết, Johnny.

William Saroyan
Số lần đọc: 2135
Ngày đăng: 03.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ðôi điều về phát triển kịch múa - Trần Phú
Kịch Noh là gì ? - Hạnh Linh
Sân khấu phía Nam: Nơi cuộc sống hiện diện - Hòang Kim
Nguyễn Thị Minh Ngọc : "Sân khấu cần một tình yêu lớn..." - Trương Trọng Nghĩa
Xem Trái tim nhảy múa: Thu hút từ sự nhân hậu - Khuyết danh
Một buổi diễn kịch đặc biệt - Khuyết danh
Sân khấu năm 2004: Bức tranh nhiều màu sắc - Khuyết danh
Những vấn đề đặt ra từ thực trạng sân khấu hôm nay - Khuyết danh
Kịch nói Việt Nam: ngoại sinh và nội sinh - Khuyết danh
Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc: Sân khấu kịch là "Lựa chọn cuối cùng của tôi" - Khuyết danh