Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
798
116.012.250
 
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 3
William Saroyan

(Ông Wiley chạy xe đạp tới, ông ta gần như dừng xe ngay sát bên hai bố con Johnny.)

WILEY: (nhảy xuống xe như thể nó là một con ngựa) Chào ông, Alexander.

BỐ JOHNNY:            Chào ông, ông Wiley.

JOHNNY:            Có thư nào cho chúng cháu không ông Wiley?

WILEY: (lôi một xấp thư từ cái túi ra, tháo dây và tìm kiếm) Ồ, để xem, Johnny. Bác cho là bác có một thứ mang đến cho bố cháu.

JOHNNY:            Có phải từ New York không ạ?

 

WILEY: (cầm một phong bì dày ) Phải, Johnny. Chà, ông Alexander, có vẻ là mùa đông đã đến rồi. Sáng nay có một bầy ngỗng bay qua.

BỐ JOHNNY:            (kích động, nôn nóng, cố giữ vẻ  bình thường) Vâng, tôi biết. (tự nhủ) Ta biết. Ta biết.

JOHNNY:            Nếu cháu nhận được lá thư nào từ New York, cháu sẽ  cất giữ nó mãi.

WILEY: (muốn chuyện trò)  Mọi chuyện thế nào, ông Alexander?

BỐ JOHNNY:            Tôi đã có nhiều may mắn trong công việc, cám ơn ông, Wiley.

JOHNNY:            Bố cháu đã từng ở New York. Phải không, bố ?

BỐ JOHNNY:            Phải, Johnny. Gia đình ông ra sao, Wiley?

WILEY: Tất cả đều khoẻ, trừ đưá út, thằng Joe. Nó cứ khóc mãi. Đó là cái tôi không sao chịu nổi. Tôi không biết đích xác là sao, nhưng nó làm tôi mất hết niềm tin vào mọi sự. Khi thằng bé khóc, tôi tự nhủ : Ồ, để làm gì  kia chứ ?

JOHNNY:            Cháu cho là một ngày nào đó cháu sẽ tới New York trước khi chết.

BỐ JOHNNY:            Không sao đâu, ông Wiley. Rồi ít nữa nó sẽ thôi không khóc mà.

WILEY: Chà, tôi cũng mong là thế, và càng sớm càng tốt. (Ông ta định đi mang theo chiếc phong bì) Tạm biệt, ông Alexander. Tạm biệt, Johnny.

 

 

BỐ JOHNNY:                Ông Wiley.

(Wiley trao phong thư. Họ chào nhau, Wiley đạp xe đi. Bố Johnny đưa phong thư về trước, rõ ràng là muốn mở ra, nhưng lại e dè.)

 

JOHNNY:            (mất kiên nhẫn) Thôi mà, bố. Nào, hãy mở nó ra đi. Bố còn chờ gì nữa?

BỐ JOHNNY:    (nổi giận, gầm lên) Johnny, ta sợ. Ta không hiểu tại sao ta, bố của con, lại có thể sợ hãi như thế.

JOHNNY:            Giọng của bố không có vẻ gì sợ sệt cả, bố ạ. Từ đâu gửi thế ?

BỐ JOHNNY:            Hẳn là từ tờ nguyệt san Atlantic rồi. Con có nhớ mấy bài thơ bố đã viết sau khi ông Macgregor tới ở đây không?

             JOHNNY:                     Có lẽ họ đã mua mấy bài thơ đó.

BỐ JOHNNY:            Mua chúng. Không đâu. Họ không mua con ạ. Họ đe dọa chúng ta cho tới chết. (đọc tên và địa chỉ của mình với vẻ nghiêm trang, căng thẳng và cuồng giận kinh khủng ) Ben Alexander, 2226 San Benito, Fresno, California.

JOHNNY:            Đúng là gửi cho bố, bố ạ. Sao bố không mở nó ra đi?

BỐ JOHNNY:            (gầm lên) Ta sợ, ta đã bảo con mà. Ta sợ và xấu hổ. Những bài thơ này thật tuyệt. Sao ta lại có thể sợ hãi thế này?

JOHNNY:            (thách thức) Đừng sợ, bố.

BỐ JOHNNY:            (giận dữ) Tại sao họ rêu rao cho mọi thứ trừ những gì hay nhất? Tại sao họ tự hủy hoại chính mình bằng cách chạy theo đuôi những thứ thuộc về cái chết, và ném bỏ bên lề mọi thứ của cuộc đời? Ta không sao hiểu nổi. Không còn hy vọng cho bất kỳ ai nữa rồi.

 

JOHNNY:            Chắc chắn là còn mà, bố ( giận dữ)  Tờ nguyệt san Atlantic là cái thá gì kia chứ ?

BỐ JOHNNY:            (nổi giận) Cút đi, Johnny. Cút đi. Hãy cút đi.

JOHNNY:            (cũng nổi giận) Được rồi, bố. ( Nó đi vòng ra sau nhà, xuất hiện ở phiá bên kia, nhìn bố nó một lúc, rồi hiểu là nó nên tránh xa ông ấy là hơn.)

 ( Rõ ràng là bố Johnny biết tờ nguyệt san Atlantic đã gửi trả lại ông ta những bài thơ. Rõ ràng là ông ta không tài nào tin nổi những bài thơ lại bị gửi trả. Cũng rõ ràng là đó thật sự là những bài thơ lớn, bởi vì tác giả của chúng là một nhà thơ lớn. Ông ta lồng lộn như một con hổ. Dường như ông muốn kêu lên với toàn thế giới, dù đôi môi ngậm chặt. Cuối cùng, ông xé phong bì trong cơn cuồng giận. Chiếc phong bì rơi xuống. Ông mở xấp bản thảo thơ ra. Một cuộn giấy trắng, nặng, xổ xuống tới thềm cổng. Ông ta đứng, rất cao, rất đỗi tự hào, tự đọc cho mình nghe, lật nhanh những tờ giấy.)

 

BỐ JOHNNY:            (cuồng nộ) A ! Lũ điên chúng mày, những tên ngu ngốc đáng thương. (Ông ngồi trên bậc thềm, hai tay bưng lấy mặt. Xấp bản thảo nằm trên thềm cổng. Sau nhiều phút, ông ta đá hất xấp bản thảo khỏi thềm cổng rơi xuống đất, cầm lại tờ báo, đọc các tựa đề. Lặng lẽ, với cơn cuồng giận khôn cùng, tiếng ông rền rỉ sôi sục) Tiến lên đi, giết hết mọi người đi. Khiêu chiến với nhau. Mang hàng ngàn người ra và nghiền nát họ đi. Cả trái tim tội nghiệp, cả linh hồn khốn khổ và thân xác đáng thương của họ. Trao cho họ những kinh tởm xấu xa. Hủy hoại những giấc mơ của họ. Làm cho họ kinh hoàng. Bóp méo họ đi với lòng căm hận thù ghét lẫn nhau. Để viết nên huyền thoại của cuộc đời, lũ điên khùng các ngươi, những kẻ mà sự vĩ đại được đo bằng chính những gì các ngươi hủy diệt. ( Johnny lại xuất hiện ở phiá bên kia, không bị bố phát hiện. Nó đứng chôn chân, lắng nghe bố nó. Trời bắt đầu xẩm tối.)  Bọn lừa đảo các ngươi. Bọn đớn hèn và không còn lòng kính Chuá các ngươi. ( Ông đứng, chỉ ngón tay ra, như muốn xuyên nó qua cả thế gian) Tiến lên đi. Nổ những khẩu súng yếu hèn của các ngươi đi. Lũ các ngươi sẽ không giết được mọi thứ đâu. ( Lặng lẽ, mỉm cười) Những nhà thơ sẽ còn sống mãi với trần gian.                                  

( Nhiều tia chớp lóe lên trong im lặng)

 

Căn nhà. Bầu trời tối sầm như lúc bắt đầu của một cơn giông. Từ phiá rất xa thỉnh thoảng có tiếng sấm rền rền, và những tia chớp giật. Bố Johnny đứng trên thềm cổng, mỉm cười, một nụ cười ngây ngô, bi thảm, cô quạnh, lẻ loi. Mọi thứ vẫn như trước; xấp bản thảo trên mặt đất, phong bì  trên thềm, và cả tờ  báo. Đã nhiều giờ trôi qua.)

                                     

BỐ JOHNNY:            (lắc đầu một cách ngờ nghệch, không thể chấp nhận sự thật.) Johnny. (ngưng, to hơn một tí). Johnny (ngưng, dịu dàng hơn) Johnny. (gầm lên) Johnny. ( Thằng bé chạy từ sau vòng ra, bẽn lẽn, tới đứng trước mặt bố nó. Bố nó nhìn lên, có ánh lửa trong đáy mắt, thách thức, đắng cay, bướng bỉnh và tràn đầy sức mạnh.)

BỐ JOHNNY:            (dịu dàng nhưng đầy sức mạnh ) Con đã ăn sáng chưa?

JOHNNY:            (bẽn lẽn)  Con không đói, bố ạ.

BỐ JOHNNY:            Hãy vào nhà ăn đi con.

JOHNNY:            Con không đói mà.

BỐ JOHNNY:            Hãy làm như ta bảo.

JOHNNY:            Con không ăn đâu, trừ phi bố cũng ăn.

BỐ JOHNNY:            Ta không đói.

JOHNNY:            Con sẽ chạy xuống tiệm ông Kosak xem có kiếm được chút gì không nhé.

BỐ JOHNNY:            ( vẻ ê chề. Nắm lấy tay Johnny)  Không, Johnny. ( Ông ngưng lại, rõ ràng đang tìm cách diễn đạt về họ và về ông chủ tiệm) Johnny? Ta nghĩ chúng ta cần phải có tiền, con à. Ta không thể tiếp tục như thế này được nữa. Nào, giờ đi vào nhà ăn đi con.

JOHNNY:            (đi lên bậc thềm) Bố cũng phải ăn đấy nhé. (Nó đi vào nhà)

 (Một tia chớp lóe lên trong im lặng. Một người đàn ông vận âu phục, một đôi vợ chồng trẻ và một em bé trên tay người vợ bước tới.)

 

NGƯỜI ĐẠI DIỆN:    Đây là căn nhà. Giá cho thuê là 6 đô mỗi tháng. Thật sự nó không tốt lắm, nhưng cũng ngăn được mưa gió đấy.

 

(Bố Johnny nhìn sững mọi người, ánh mắt ông đông cứng lại.)

 

NGƯỜI ĐẠI DIỆN:    (bước tới gần bố Johnny, chìa tay ra, trong lúc đó những người kia tụm lại) Còn nhớ tôi chứ ? Tôi đã đến treo tấm biển đấy mà.

BỐ JOHNNY:            ( vươn thẳng người ) Tôi nhớ. Chào ông.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN:    (bối rối) À, ông Corey chủ nhà đi ra thị trấn. Và những người này đang tìm thuê một căn nhà. Ngay bây giờ.

BỐ JOHNNY:            Tất nhiên rồi. Tôi có thể dọn đi bất cứ lúc nào. Họ có đồ đạc gì không?

NGƯỜI ĐẠI DIỆN:    (với gia đình khốn khổ)  Ông bà có đồ đạc gì không?

NGƯỜI CHỒNG:            Không.

BỐ JOHNNY:            (với đôi vợ chồng)  Các bạn có thể lấy đồ đạc của tôi dùng. Không nhiều nhặn gì, nhưng sẽ cần đến đấy. Có một cái bếp lò còn khá tốt.

NGƯỜI VỢ:            (với phẩm cách của người nghèo)  Chúng tôi không muốn lấy đồ dùng của ông đâu.

BỐ JOHNNY:            Thôi được. Tôi còn nợ ba tháng tiền nhà. Tôi để lại số đồ dùng này thay cho số tiền nợ vậy. ( Người đại diện cố lên tiếng.)

 

BỐ JOHNNY:            Thế được rồi mà. Tôi rất tiếc không có 18 đô tiền thuê nhà. Số đồ dùng còn đáng giá hơn thế. Ông có thể để cho đôi vợ chồng này dùng cho tới khi ông Corey trở về. (với hai vợ chồng) Ông bà muốn xem qua căn nhà không?

NGƯỜI CHỒNG:            Nhìn cũng được lắm.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN:    (cất bước) Thế là nhất trí nhé. ( với hai vợ chồng) Giá tiền thuê là 6 đô mỗi tháng. Chúng tôi sẽ trả tiền nước.

BỐ JOHNNY:            (với hai vợ chồng) Ông bà có thể dọn tới bất cứ lúc nào.

NGƯỜI CHỒNG:            Cám ơn ông rất nhiều. Chúng tôi sẽ quay lại vào chiều nay hoặc ngày mai. (Họ đi, Johnny bước ra với một cái dĩa đựng hai lát bánh mì và một chùm nho nhỏ )

JOHNNY:            Những người này là ai thế bố ?

BỐ JOHNNY:            Chỉ là những người ghé ngang qua thôi.

JOHNNY:            Thế bố đã nói chuyện gì với họ?

BỐ JOHNNY:            Chỉ trò chuyện vậy thôi, Johnny.

JOHNNY:            (hét lên, rất giận)  Đừng buồn, bố ạ.

BỐ JOHNNY:            (quay lại nhìn nó với vẻ trìu mến, kinh ngạc, thán phục và sung sướng, cười lên đột ngột ) Ta không buồn, Johnny.  Cứ để thế gian là thế gian, và Chuá yêu thương tất cả mọi người.

JOHNNY:            ( vui vẻ) Vậy thì tốt lắm. Chúng ta ăn đi bố. ( Nó đặt cái dĩa trên bậc thềm cao nhất. Họ ngồi xuống bên nhau và bắt đầu ăn trong im lặng, nhìn nhau. Thằng bé nhìn bố nó qua khóe mắt như lúc nó nhìn mặt trời, bố nó nhìn lại nó cũng theo kiểu đó. Thằng bé mỉm cười. Người bố cũng mỉm cười.)

JOHNNY:            Bố thích nho chứ bố ?

BỐ JOHNNY:            Dĩ nhiên là thích.

JOHNNY:            Bố ?

BỐ JOHNNY:            Gì vậy con?

JOHNNY:            Thật sự nó giống như nhà tù hở bố ? [1]

BỐ JOHNNY:            Có lúc bố chắc là như thế. Có lúc bố lại biết là không phải.

JOHNNY:            Là sao bố ?

BỐ JOHNNY:            Ta cho là nó chỉ 50 phần trăm như thế thôi, Johnny. Con biết không. Nó là cả hai.

JOHNNY:            Ý con là, bố có nghĩ rằng có đôi lúc ông ấy sẽ nhớ nhà không bố?

BỐ JOHNNY:            Ta chắc là như thế.

JOHNNY:            Con ước gì ông quay lại đây.

BỐ JOHNNY:            Ta muốn gặp lại ông ấy.

JOHNNY:            Lúc nào con cũng nhớ ông.

BỐ JOHNNY:            Ta cũng thế. Ta sẽ nhớ tới ông mãi.

JONNNY:            Con cũng sẽ nhớ mãi. Ông ấy buộc phải trở về đó hở bố ?

BỐ JOHNNY:            Ta đoán là như vậy.

JOHNNY:            Hình như ông thích chàng trai đó.

BỐ JOHNNY:            Ý con muốn nói chàng trai đã tới đưa ông ấy đi phải không ?

JOHNNY:            Vâng, bố biết không. Cái anh chàng đó ăn nói khéo léo cứ  như là anh ta đang đứng trước một đám khán giả vậy.

BỐ JOHNNY:            Anh ta tốt thôi. ( Chỉ còn một trái nho trong dĩa)

JOHNNY:            Nào, cầm lấy đi bố.

BỐ JOHNNY:            (vui vẻ) Không, của con đấy Johnny. Ta đã đếm rồi.

JOHNNY:            Được rồi, bố. ( Nó cầm trái nho cuối cùng cho vào miệng) Có phải thế là ăn cắp không bố ?

BỐ JOHNNY:            (châm biếm) Có người nói là phải, có người nói là không phải. (bi kịch) Ta cho là không phải. ( Hét lên) Con đã hái nó ở vườn nho, phải không?

JOHNNY:            Đúng là con hái nó ở vườn nho, bố ạ.

BỐ JOHNNY:            (châm biếm) Vậy thì rất không thể xem đó là ăn cắp.

JOHNNY:            Vậy khi nào thì là ăn cắp hở bố ?

BỐ JOHNNY:            Cách mà ta nhìn nhận nó, Johnny ạ, chỉ là trộm cắp ở nơi nào có sự  phá hoại không cần thiết hay sự độc ác đối với một người vô tội, bởi thế, một người không phải là vô tội thì không xứng đáng dược hưởng lợi hay quyền gì hết.

JOHNNY:            Ồ, (ngưng) Tốt, nếu đó không phải là ăn cắp, con nghĩ là con sẽ đi tìm thêm một ít. (Nó đứng lên) Chẳng bao lâu nữa sẽ chẳng còn gì hết (đi ra)

BỐ JOHNNY:            (khi thằng bé đã đi, cười lên) Ôi, con trai của ta. Lạy Chuá, ta thật may mắn. Ta thật là hạnh phúc. ( Ông nhặt xấp bản thảo lên, nhét vào túi áo khoác và đi xuống phố.)

 

Trong cửa tiệm của Kosak. Kosak lại cũng đang gối đầu vào cánh tay ngủ gật. Cửa tiệm trông có vẻ nghèo nàn hơn trước. Gia đình này có lẽ đã phải ăn cả các hàng hoá   dành để bán. Bố Johnny bước vào lặng lẽ, gần như hổ thẹn. Kosak ngẫng đầu lên, chớp mắt, đứng dậy.)

 

BỐ JOHNNY:            (kẻ có lỗi) Tôi là bố thằng Johnny.

 

 

(Hai người đàn ông chăm chú nhìn nhau một lúc, mỗi người đều có vẻ vui sướng, bối rối, xúc động,hài lòng và giận dữ vì cùng những điều xấu của thế gian : sự tham lam, lừa lọc, xấu bụng, bất công. Họ bắt đầu mỉm cười, rồi bắt tay nhau nồng nhiệt.)

KOSAK:            Tôi nhận ra ông. Johnny có nói cho tôi nghe về ông. Đó là một niềm vinh dự.

BỐ JOHNNY:            Ông thật là tốt bụng.

KOSAK:            Tôi không biết.

BỐ JOHNNY:            (chậm rãi)  Tôi đến để chia tay. Để xin lỗi. Để cám ơn ông.

KOSAK:            (hối hả)  Ông sẽ không đi xa chứ ?

BỐ JOHNNY:            Tôi rất tiếc là có.

KOSAK:            Tất cả chúng tôi sẽ nhớ Johnny.

BỐ JOHNNY:            Tôi không có tiền. Tôi còn thiếu nợ ông.

KOSAK:            Không sao đâu.

BỐ  JOHNNY:            Có thể tôi không gặp lại ông nữa. (Ông lôi xấp bản thảo thơ ra khỏi túi. Vẻ đầy sức mạnh.) Tôi là một nhà thơ. Đây là một số thơ của tôi. Tôi không đưa nó cho ông để gán vào số tiền nợ. Tiền là chuyện khác. (khẩn khoản) Ông có vui lòng nhận nó không?

KOSAK:            (thành thật) Tôi không thể nhận thơ của ông được. (ngưng)

BỐ  JOHNNY:            Tôi mong ông làm ăn phát đạt.

KOSAK:            Mọi người không có tiền. Tôi không biết tôi sẽ làm sao để lấy thêm hàng đây nữa.

BỐ  JOHNNY:            Tôi rất tiếc.

KOSAK:            Vào mùa đông còn tệ hơn. Những hộ đóng gói đều đóng cửa. Không có việc làm. Lẽ ra tôi phải làm cho họ cái gì đó nếu có thể, nhưng mùa đông này tôi không có tiền để lấy hàng mới. Có thể tôi sẽ đóng cửa tiệm. Hầu như không còn đủ cho gia đình chúng tôi.

BỐ  JOHNNY:   (xúc động, giận)  Những bài thơ này, để tôi nói cho ông biết, là những bài hay nhất mà tôi từng viết, tôi muốn để nó lại cho ông.

 

(Esther, con gái Kosak, một cô bé xinh đẹp 7 tuổi, đi vào phòng từ phiá sau )

KOSAK:            Đây là Esther, con gái tôi. Esther, đây là bố của Johnny.

ESTHER:            Johnny có kể về bác cho cháu nghe.

BỐ  JOHNNY:            (thật sự hài lòng nhưng xấu hổ) Chào cháu.

KOSAK:            Họ sẽ đi xa.

ESTHER:            Ồ!

BỐ  JOHNNY:            Johnny sẽ nhớ đến cháu.            

 

(Đôi môi cô bé run run, nước mắt trào ra. Nó quay lưng chạy ra khỏi cửa tiệm.)

KOSAK:            Mọi thứ đều như thế cả.

BỐ  JOHNNY:            Chúng là trẻ con mà.

KOSAK:            Vâng, nhưng  đó  là cách khởi đầu, và nó không bao giờ thay đổi. Chỉ có phụ nữ là không bao giờ học được cách tin vào nó.

BỐ JOHNNY:            Ông sẽ đưa những bài thơ này cho nó nhé.

KOSAK:            Xin sẵn lòng. Không sao đâu. Nó sẽ khóc một lúc, nhưng không sao đâu.

BỐ  JOHNNY:            Đây (đưa Kosak tập thơ) Ông giữ những bài thơ này là làm một điều tốt cho tôi. (nói to, với Chuá và toàn nhân thế ) Ông thấy không, thơ phải được đọc mới là thơ. Có lẽ tôi chỉ xứng đáng có một độc giả. Nếu là như vậy, tôi muốn người đó chính là ông.

KOSAK:            Cám ơn ông. Tôi không xứng đáng đâu.

BỐ  JOHNNY:            (mỉm cười) Tạm biệt.

KOSAK:            Tạm biệt.

(Bố Johnny ra khỏi cửa tiệm. Người chủ tiệm lấy đôi kính ra khỏi túi, mang vào, mở xấp giấy ra, và đứng giữa gian phòng, bắt đầu đọc, dịu dàng, thì thầm, môi mấp máp. Những biểu hiện trên nét mặt ông thay đổi. Mưa bắt đầu rơi. Esther, con gái của ông quay lại)

 

             KOSAK: (đọc một trong số những bài thơ một cách lặng lẽ)

            Từ lòng đất thẳm sâu

            Giữa muôn trùng nước biếc

            Thân ta trói buộc vào

            Đá hoa cương thảm thiết

 

Ta vẫn nhớ, nhớ hoài

Em hiền dịu ngày qua

Và em hãy nhớ  ta

Và em, hãy nhớ ta...

 

(Cô bé khóc lên nức nở, người cha quay lại, bước tới vỗ về nó.)



[1] Nó đưa câu chuyện quay về với Macgregor. Bà nó lúc trước đã gọi ông lão là tên tù nhân già ở viện dưỡng lão.

William Saroyan
Số lần đọc: 2046
Ngày đăng: 03.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ðôi điều về phát triển kịch múa - Trần Phú
Kịch Noh là gì ? - Hạnh Linh
Sân khấu phía Nam: Nơi cuộc sống hiện diện - Hòang Kim
Nguyễn Thị Minh Ngọc : "Sân khấu cần một tình yêu lớn..." - Trương Trọng Nghĩa
Xem Trái tim nhảy múa: Thu hút từ sự nhân hậu - Khuyết danh
Một buổi diễn kịch đặc biệt - Khuyết danh
Sân khấu năm 2004: Bức tranh nhiều màu sắc - Khuyết danh
Những vấn đề đặt ra từ thực trạng sân khấu hôm nay - Khuyết danh
Kịch nói Việt Nam: ngoại sinh và nội sinh - Khuyết danh
Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc: Sân khấu kịch là "Lựa chọn cuối cùng của tôi" - Khuyết danh