Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
750
116.504.571
 
Tưng bừng lễ hội lung linh huyền ảo Huế
Nguyễn Nguyên An

Những ngày đầu tháng sáu bầu trời Huế trong xanh, nồng nàn, dòng Hương rỡ ràng như cô gái xinh đẹp thuỳ mị khép chút dịu dàng đài các, khoác lên bộ cánh xì tin, vén màn cổ tích bước ra với dòng đời huyên náo, với nắng gió lao xao 37, 38 độ nóng, để đến với phố xá tưng bừng mùa lễ hội. Những con đường của Huế bỗng xanh, đẹp đến bất ngờ, tôi ngẫu hứng mấy vần thơ : "Vỉa hè  ốp lát đá núi/ Con đường xanh như đêm/ Nằm nghe phố xá thở/ Dòng sông như đuờng khuya/ Đựng đầy đêm lễ hội...

 

Không như đêm khai mạc Festival Huế 2004 sướt mướt những cơn mưa trái mùa, khai mạc Festival năm này, đêm càng xuống Huế càng nóng lên bởi hơn mười lăm vạn người rộn ràng, lũ lượt từ các nẻo đường đổ dồn về Quảng trường Ngọ Môn. Người và người chật ních cầu Phú Xuân, tràn ra các con đường quanh Đại Nội và lan qua bên bờ Nam sông Hương. Ai cũng hân hoan đón mừng giờ phút lễ khai mạc Festival Huế 2006, mở đầu cho một mùa lễ hội hoành tráng thăng hoa và huyền ảo Huế. Đêm khai mạc bắt đầu từ hợp xướng và múa "Đồng vọng" do Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và Trường ĐHNT Huế biểu diễn. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc : "…Festival Huế lần thứ tư 2006 với chủ đề 700 năm Thuận Hoá - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế - Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển. Tôi xin nhiệt liệt chào mừng và chân thành cám ơn sự hội tụ đầy tấm lòng của 22 đoàn nghệ thuật trong nước và 22 đoàn nghệ thuật Quốc tế, của các nghệ sĩ biểu diễn, các hoạ sĩ, các nhà điêu khắc đã đến với Huế từ mọi miền đất nước Việt Nam thân yêu và đến từ 19 đất nước anh em trên thế giới. Tôi nhiệt liệt chào mừng đồng bào, đồng chí  và các bạn đã đến với Festival Huế lần thứ tư. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tôi xin long trọng tuyên bố khai mạc Festival Huế 2006. Xin chân thành cám ơn", bầu trời Đại Nội Huế bừng sáng bởi dàn pháo hoa của nghệ sĩ pháo hoa Hubert người Pháp. Tiếp đến "Trống hội ngàn năm" do Đoàn Ca múa Quân đội vang lên thật hùng hồn, uy nghi và dũng mãnh. Chương trình lần lượt tiếp nối :  "Chầu văn Huế", "Ai tư văn", hoà tấu "Cồng chiêng Tây Nguyên", múa "Gọi mưa", làn điệu dân ca "Dòng sông quê" và "Nước non ngàn dặm" do các đoàn :  Ban ca Mặt trời đỏ TP Hồ Chí Minh, Tấn Minh và Nhà hát Thăng Long Hà Nội, Nghệ nhân tỉnh Daklak, Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và Trường ĐHNT Huế và Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế trình diễn. Không khí ở Quảng trường bỗng sôi động lên khi những tiết mục xiếc đi cà kheo, nhào lộn, nhảy dây khéo léo tuyệt vời của Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn trong "Hội làng quê tôi" rồi đến tiếng ngựa phi lóc cóc phấn chấn trong tiết mục "Đoàn lữ nhạc" do nghệ sĩ, ca sĩ Ánh Tuyết và Ban nhạc ATB TP Hồ Chí Minh và sau cùng là màn hoạt cảnh "Huế nghĩa tình" do NSƯT Tố Uyên, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế cùng các đoàn tham gia biểu diễn. Rồi người và người lại chen chúc nhau lũ lượt ra về hoặc tiếp tục vào Đại Nội dự Đêm Hoàng Cung trong sự hài lòng thú vị khi được tham dự buổi lễ khai mạc Festival Huế 2006 hoành tráng, uy nghi và rực rỡ muôn màu trong một không gian văn hoá rộng lớn vừa cổ kính vừa hiện đại ; vừa lung linh huyền ảo Huế.

 

Tôi cùng đoàn GD&ĐT thành phố Rạch Giá vào Đại Nội dự Đêm Hoàng cung. Trong khuôn viên rộng chừng 36.000m2 của Đại Nội Huế lung linh rực rỡ đèn hoa. Nào là cấm vệ quân lăm lăm thập bát binh khí đi tuần quanh Hoàng thành, các đoàn kiệu rước với lọng và đèn của quý bà, quý cung tần mỹ nữ đi bên cửa Chương Đức và quý ông, vương tước, quan lại đi bên cửa Hiển Nhơn… Vua quan, công hầu khanh tướng, cung nữ đều sặc sỡ áo mũ, cân đai, xiêm y lộng lẫy… Chị giáo viên Rạch Giá nói : "Festival Huế năm nay quá là hoành tráng, quá đẹp ! Chúng tôi chỉ muốn được ở lại lâu dài để thưởng thức tất cả các hoạt động của lễ hội".  Đây là lần đầu tiên Đêm Hoàng cung được phục dựng trong không gian văn hóa Hoàng cung của vương triều nhà Nguyễn. Sức hấp dẫn bởi những sinh hoạt xa hoa về đêm, chỉ có vua chúa mới được hưởng thụ, gần như tái hiện đầy đủ, như dạ yến cung đình với 7 món ăn kỳ trân dị bảo có binh lính, cung nữ chầu hầu phục dịch xướng ca. Dù khách ngợp trong cảnh sắc xa xưa của đời sống cung đình lại được thưởng thức trực tiếp các hoạt động văn hóa nghệ thuật cung đình như : nhã nhạc, xem cung tần mỹ nữ múa cung đình, hát tuồng, ca Huế và một số loại hình nghệ thuật đặc sắc ; các trò tiêu khiển cung đình như chơi : đầu hồ, thả thơ đố chữ, đề thơ trên lồng đèn, viết thư pháp ; uống rượu thưởng hoa, uống trà thưởng thức bánh Huế và dạ nhạc tiệc... du khách còn có cảm giác được ngấm mình vào một không gian văn hoá vàng son, diễm lệ của vương triều một thời vang bóng. Đạo diễn Lê Quý Dương, tác giả chính của lễ hội Đêm Hoàng cung cho biết: "Tiền đề triết học của kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật và đời sống của hoàng cung Huế được xây dựng và áp dụng theo nguyên tắc dịch học phương Đông. Cung đình Huế và triều đại nhà Nguyễn đã trở thành một huyền thoại mang tính lịch sử gắn với di tích cố đô".  .

 

Hôm sau, theo câu ca : "Ai về cầu ngoái Thanh Toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui..." tôi tìm về Cầu Ngói Thanh Toàn thuộc xã Thuỷ Thanh, cách Huế bảy ki-lô-mét, đến với Chợ quê ngày hội Festival Huế 2006. Thuỷ Thanh hiện ra với vóc dáng trù phú vùng trọng điểm lúa của huyện Hương Thuỷ. Một vùng trũng được bọc quanh đường biên bởi dòng sông Như Ý. Nhờ vậy, cây lá nơi đây bốn mùa xanh tốt, không khí thoáng đãng trong lành, một miền quê còn lưu giữ, bảo tồn nhiều vốn cổ lịch sử, văn hoá như phủ thờ Tôn Thất Thuyết, đình làng Vân Thê, Cầu Ngói Thanh Toàn… mà mỗi năm bà con đều đặn tổ chức kỵ bà Trần Thị Đạo người có công xây dựng Cầu Ngói cách đây hơn 200 năm để bà con đi lại giữa đồng không mông quạnh gặp cơn nắng quái mưa dầm có nơi trú chân, nghỉ tạm.

 

Khu chợ quê đang rậm rịch đông vui bởi du khách trong ngoài nước và cư dân trong vùng hội tụ về xem đua ghe, chơi bài chòi, cờ  tướng, thi đập om, mua trái cây, cau tươi cầu lộc và tham quan Cầu Ngói Thanh Toàn cùng các dụng cụ nhà nông. Cả một gian sảnh rộng của đình làng trưng bày nào chum, ghè, lu, dũi, giần sàng, bừa, cày, gàu tát nước, máy quạt lúa, cối đá, cào tre, chày giã gạo…tuổi vật nào cũng lên bậc cụ. Đây là một phiên chợ quê ngày hội họp bên Cầu Ngói Thanh Toàn, bên dòng Như Ý, cho du khách không chỉ mua sắm những sản phẩm trong vùng, mà còn được tham gia các trò chơi dân gian, ngoạn cảnh đồng quê, xay lúa, nghe hò giã gạo… Đến nổi nhiều người trẻ tuổi, xa quê trầm trồ ngạc nhiên khi thấy những dụng cụ thân quen làm ra hạt gạo, đánh bắt con cá trong sông của bà con nông dân ta từ thế kỷ trước… Ông Phạm Tứ, Chủ tịch UBND xã Thuỷ Thanh phát biểu : "Lễ hội chợ quê Cầu Ngói Thanh Toàn diễn ra hai năm một lần trong chương trình OFF của Festival Huế... Lễ hội Chợ quê ngày hội Cầu Ngói Thanh Toàn đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước. Lễ hội Chợ quê Cầu Ngói Thanh Toàn Festival Huế 2006 với chủ đề : Tôn vinh các giá trị văn hoá trong đời sống lao động sản xuất nông nghiệp, trong đời sống tinh thần của cộng đồng người dân vùng quê lúa nước…". 18 giờ cùng ngày, chúng tôi quay về Huế để kịp dự "Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên" và sáng hôm sau thưởng thức Lễ hội săn bắt voi rừng tại Thiên An cách trung tâm Tp Huế 7km. Trên đường về, chạy xe trong lồng lộng gió chiều, trong mênh mang đồng quê yên ả, trong tôi vẫn còn lưu luyến cảnh sinh hoạt thôn dã và những trò chơi dân gian đặc sắc, độc đáo của bà con nông thôn ta…

 

"Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" tái hiện gần như nguyên bản một góc núi rừng Tây Nguyên âm u, huyền thoại trong bạt ngàn rừng thông Thiên An. Đây một trong những nét văn hóa độc đáo nhất của vùng đất đại ngàn Tây Nguyên, vừa được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Du khách được chứng kliến một bản làng người Ê-đê với ngôi nhà Rông truyền thống, ghế kpan, cột lễ mừng mùa M'Nông, cột lễ đâm trâu Bản Đôn (Đắk Lắk), cột Gơng Drai Ê-đê, 4 dàn chiêng cổ, trống da voi, ché rượu cần và các nhạc cụ gõ truyền thống của đồng bào Tây Nguyên. Đêm khai mạc mang tên Lễ hội lửa được tổ chức trước nhà Rông với các chương trình diễn xướng cồng chiêng, đàn đá, diễn tấu Tưng gơr, múa lửa. Đặc biệt lần đầu tiên du khách được chứng kiến dàn chiêng đồng, chiêng tre với những âm thanh độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Sáng hôm sau còn được thoả mãn thị hiếu khi đến với Lễ hội săn voi đầy kịch tính và sôi động, được dàn dựng bởi nhóm nhóm Gru và đội voi 6 con của Trung tâm du lịch sinh thái Bản Đôn thực hiện, dưới sự tổng chỉ huy tâm huyết tài năng của nghệ nhân nổi tiếng 92 tuổi Ama Công - người từng bắt được 297 con voi rừng. 

 

Người ta xôn xao bàn tán các vở kịch Vòng cát Pháp Việt, múa Nga và lời tự sự trên giây của Anh… nằm trong Chương trình nghệ thuật nước ngoài tại Festival Huế 2006, tôi lại làm một chuyến hồi cung để tự mình chứng kiến thực hư. Vòng Cát sinh ra từ lần gặp gỡ giữa Nhà hát tuồng Việt Nam và Nhà hát Monte Charge Pháp. Sự khát khao hoà trộn tiếng nói của Pháp và Việt mà chỉ nhờ vào đối thoại không phiên dịch, trong phối cảnh sân khấu cách điệu và tài diễn xuất của các diễn viên hai Nhà hát, người xem gần như hiểu được toàn bộ vở kịch Vòng cát. Tuồng được trình diễn với những chiếc mặt nạ phương Tây và trang phục do nhà tạo mẫu Minh Hạnh thiết kế. Một nghệ sĩ Việt tâm sự với tôi : "… tuy khán giả không đông bằng Hà Nội, nhưng có thể nói, thành công rất lớn, bởi vì khán giả đến xem hầu như ngồi từ đầu cho tới cuối, không ai về giữa chừng. Tôi cho đây là một thắng lợi rất lớn của vở diễn đã có sức hút nhất định đối với khán giả Việt và du khách các nước đến Huế". Tôi tiếp tục chờ xem Đoàn nghệ thuật Anh quốc trình diễn sân khấu hình thể với tác phẩm Dòng đời, Điểm chết. Dòng đời là lời tự sự trên dây do nghệ sĩ Anh Matilda Leyser kết hợp giữa nghệ thuật múa và kỹ xảo xiếc trên một chiếc dây thừng treo lơ lửng giữa sân khấu rất ngoạn mục. Với sự khéo léo phi thường của một nghệ sĩ xiếc và chỉ bằng quấn, lộn, leo trèo, ngồi đứng, đu lên xuống tài tình trên một chiếc dây thừng tượng trưng cho con đường sống duy nhất của một đời người, nhưng cô đã kể cho khán giả một câu chuyện dài từ thơ ấu đến trưởng thành, đến sinh con, ôm ấp, nâng niu, nuôi nấng, cho đến khi một mình một bóng lầm lũi đi vào chốn vĩnh hằng. Điểm chết lại diễn tả trạng thái chờ đợi, phân vân trong hy vọng và tuyệt vọng, khi xôn xao khi im lặng. Chính lặng im là điểm chết nhưng chính trong Điểm chết lại sinh ra sự sống Dòng đời chảy dài mãi với thời gian… Và tôi đến với Đoàn múa Divertismen của đất nước Nga xa xôi một lần lỡ hẹn với Festival Huế 2004. Bằng những trình diễn vui tươi, duyên dáng, khi dịu dàng, khi day dứt của những điệu múa dân ca Nga truyền thống, diễn viên múa còn thể hiện lối chơi ngẫu hứng táo bạo pha trộn âm hưởng dân ca Nga với vũ điệu flamenco của châu Mỹ sôi động đã được đông đảo người xem vỗ tay tán thưởng…

 

Suốt chín ngày đêm tôi lặn lội với nắng gió giữa hạ, khi lên rừng với Âm vang Trường Sơn, khi xuống biển với Lăng cô huyền thoại biển,Thụân An biển gọi, khi về quê với Chợ quê ngày hội, Làng cổ Phước Tích và loanh quanh phố chợ với Chương trình OFF diễn ra khắp nơi trong thành phố, không quên đến với đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, với Vườn lục lạc gồm cả ngàn gương sen của hoạ sĩ Đinh Khắc Thịnh và ca nhạc trên đường phố của Đoàn nghệ thuật đường phố Anh biểu diễn. Rồi Nam giao, Vỹ Dạ, Đại Nội, Đông Ba, Cung An Định với Hội chợ Festival Huế, Trung tâm triển lãm mỹ thuật Lê Bá Đảng, Lễ hội Truyền lô, Vinh quy bái tổ, Lễ hội áo dài, Lễ hội Nam Giao, Ngày hội đua trải trên sông Hương và Đêm hoa đăng, tôi muốn mệt đừ. Bụng nghĩ, chị giáo viên Rạch Giá ở lại  9 ngày đêm với Huế, chị cũng không thể tận hưởng hết các chương trình lễ hội, tiết mục ca múa nhạc kịch, vui chơi, thăm thú nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2006. Bởi các Chương trình IN và OFF của Festivsal Huế 2006 đã biến Huế và các huyện vệ tinh luôn rộn ràng, sôi động ; thành phố Huế vốn xanh mát tĩnh lặng thành một "sàn diễn" hoành tráng rực rỡ đèn hoa, toả rộng một không gian văn hóa nghệ thuật đậm đặc vừa cổ kính, vừa uy nghi, vừa hiện đại, bề thế…

 

Trước bế mạc, Ban tổ chức đọc 6 Sáng lập Kỷ lục Việt Nam.

1/ Festival Huế Festival Quốc tế đầu tiên của Việt Nam

2/ Hoàng thành Huế và các kiến trúc liên quan - Di tích kinh thành còn nguyên vẹn nhất Việt Nam

3/ Tháp chuông chùa Thiên Mụ, tháp bát giác trụ và cao nhất Việt Nam

4 Nhã nhạc cung đình Huế - Di sản văn hoá phi vật thể phi đâu tiên của Việt Nam, được UNESCO công nhận

5/ Quyển thư pháp tuyển thơ Lục Vân Tiên viết trên giấy dó dài nhất Việt Nam

6/ Chiếc nón bay lớn nhất Việt Nam

Đêm bế mạc diẽn ra hào hứng và sôi động bởi các Tiết mục Múa rồng phượng, Pháo hoa ngôi sao, Hợp xướng Ánh Tuyết Một trái tim, một quê hương, Rồng phượng đi từ chân kỳ đài đến Phú Văn Lâu, Phó An Mi với Vó ngựa truờng chinh, Nhã nhạc, Phú lục dịch cùng với pháo hoa. Múa Lục triệt hoa mã đăng, rước lồng đèn - đồng ca thiếu nhi cầm hoa thanh thiên, 100 cô gái đi đến Nghinh Lương Đình với Rồng Phụng, Pháo hoa… Nếu như bế mạc Festival Huế 2004 Thắp sáng sông Hương, thì bế mạc Festival Huế 2006 là Đêm hoa đăng với hàng ngàn lồng đèn phát sáng bay lên kỳ đài, cùng với pháo hoa lung linh lấp lánh bầu trời cố đô. Ngay sau khi bế mạc, ông Ngô Hoà, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2006 đã long trọng tuyên bố ngày 3 tháng 6 năm 2008 khai mạc Festival Huế 2008.

 

Phải nói rằng sự thành công của Festival 2006 không thể thiếu sự góp phần tích cực của lực lưọng vũ trang, dân phòng, anh em bảo vệ, thanh niên tình nguyện. Nhất là chiến sĩ, các cán bộ cho đến lãnh đạo Công an tỉnh thành luôn túc trực sẵn sàng canh gác bảo vệ sự bình yên cho du khách trong ngoài nước đến Huế và cả bà con địa phương. 9 ngày đêm Festival Huế 2004 thu hút 1, 2 triệu lượt người, thì Festival Huế 2006 có hơn 1, 5  triệu lượt người đến với lễ hội. Ngoài ra còn hơn 500.000 lượt người đến tham gia các hoạt động lễ hội và có gần một 150 ngàn người của hơn 50 quốc gia đếm tham dự Fsstival Huế 2006. Hằng đêm hàng chục vạn người tràn ra đường phố, dập dìu khắp nẻo, chen nhau trong Đại Nội, đông đảo bên Cung An Định, quán Bar, nhà hàng khách sạn, nhưng không xảy ra vụ việc nào đáng kể. Mọi người đều được yên ổn từ mọi phía. Tôi xúc động khi thấy Trung uý Phan Quốc Hải Công an tỉnh và Thiếu tá Trần Văn Bộ Công an thành phố Huế lui cui chữa xích cho một cô nữ sinh thứ 50, khi cô đạp xe đạp, chở pháo hoa qua cầu Trường Tiền bị trật xích, kịp về với đoàn dự Lễ hội áo dài trên dòng Hương Giang. Festival Huế 2006 không những có thêm nhiều Chương trình Lễ hội quy mô hoành tráng, trải rộng dài đến chân đèo Hải Vân và các huyện vùng núi, vùng xa, vùng sâu của tỉnh. Festival năm này đã được công chúng đánh giá một Festival truyền thống, hiện đại, hoành tráng, hấp đãn và an toàn.  Ban tổ chức Fsstival Huế 2006 và nhân dân Thừa Thiên Huế đã xây dựng được một thương hiệu Festival Việt Nam trong lòng mọi người. Thật là một mùa lễ hội đặc sắc và hấp dẫn từ khu vực kinh thành, lăng tẩm cổ kính đến các Quảng trường, nhà văn hóa, các làng quê của Thừa Thiên Huế, cho đến tận muôn ngàn ánh mắt vui tươi, hồ hởi của nhân dân Huế và du khách trong ngoài nước.

 

Huế, đêm bế mạc Festival Huế 11/6/2006

Nguyễn Nguyên An
Số lần đọc: 3326
Ngày đăng: 12.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhớ hai nữ sĩ họ Đoàn - Phan Hoàng
Những dòng sông . Làng. Và những người con gái… - Lê Hoài Lương
Gã giang hồ lương thiện - Võ Ðắc Danh
Đi tìm muà len trâu - Võ Ðắc Danh
Làng Dơi ở Đồng Tháp Mười - Bùi Văn Bồng
Những Đứa Trẻ Bị Ruồng Bỏ - Nguyễn Nguyên An
Họa sĩ CHÓE - HÍ HỌA, VAI HỀ ở SÂN KHẤU BI KỊCH - Trần Hữu Dũng
Tháng sáu trời mưa - Triệu Xuân
Kỷ niệm một chuyến đi - Nắng Xuân
Nhà văn Vũ Bão như tôi biết - Nguyễn Thị Thu Hiền
Cùng một tác giả
Hai Bà Mẹ (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Ăn chay (truyện ngắn)
Kim (truyện ngắn)
Cổ Tích Thời Nay (truyện ngắn)
Con Trai Miền Gió Cát (truyện ngắn)
Đất sau mưa (truyện ngắn)
Bầu bí nương nhau (truyện ngắn)
Ánh mắt trẻ thơ (nhiếp ảnh)
Nỗi Buồn rực rỡ (truyện ngắn)
Ngôi mả đá (truyện ngắn)
Huyền Anh Quán (tạp văn)
Mẹ (thơ)
Ngọn Đèn Tỏ Mãi (truyện ngắn)
Thăm chồng (truyện ngắn)
Bức Tường (truyện ngắn)
Nhân Cách Thơ (truyện ngắn)
Trâu ở chùa (truyện ngắn)
Tình Cỏ Lau (truyện ngắn)
Nhỏ ơi (truyện ngắn)
Chị em sinh đôi (truyện ngắn)
Tráo ông địa (truyện ngắn)
Hai lần khóc... (truyện ngắn)
Thầy cũ (truyện ngắn)
Tin Buồn (văn hóa)
Bao Dung (truyện ngắn)
Người Thầy Thuốc (truyện ngắn)
Biếc tình (tạp văn)