Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.371 tác phẩm
2.747 tác giả
361
116.385.039
 
Ngày xưa viết báo học trò
Nguyễn Thanh Mừng

Tôi mê văn chương chữ nghĩa từ nhỏ, ngay ở bậc tiểu học. Ở vùng gò núi Hoài An những năm sáu mươi đầy máu lửa, kiếm miếng ăn đã khó, nói chi đến chuyện thong dong ra hiệu lựa chọn mua sách mua báo. Vậy mà trong  thời buổi ấy, hoàn cảnh ấy, giữa khó khăn tôi cũng có những thuận lợi riêng, tận dụng để trang bị tài sản tinh thần cho mình. Nếu theo cách  của bây giờ thì có lẽ với hoàn cảnh như vậy, tôi không tiếp cận được Truyện Kiều, Lục Vân Tiên và một số tác phẩm lừng danh của văn học cổ sớm đến thế. Tôi học những tác phẩm này qua lời đọc truyền miệng của bà nội tôi, học cổ tích, thần thoại, ca dao, tục ngữ là ở ba má tôi và những người dân một nắng hai sương luôn mở lòng cùng nhau, tình làng nghĩa xóm như bát nước đầy. Cái xóm núi heo hút chim kêu vượn hú ấy đã không cô đơn vì những con người chân lấm tay bùn đã lưu giữ ở mức độ nào đấy, những mảnh hồn thiêng dân tộc.

 

Mỗi thời mỗi khác. Lớp trẻ bây giờ được trang bị nhiều điều kiện hơn, nhiều sách vở cũng như các phương tiện học tập tối ưu. Họ xứng đáng được hưởng thành quả  của nền văn minh nhân loại đem đến trong hoàn cảnh đất nước hòa bình. Nhưng chúng tôi cũng đôi khi tự an ủi rằng mình ngày xưa được nhiều thứ quý giá mà bọn nhóc bây giờ ít có được.

 

Lũ chúng tôi hồi ấy, í ới rủ nhau đến trường, không có người đưa đón. Đứa nào trốn học, thầy cắt cử một đội mấy đứa nhỉnh xác, khỏe mạnh, xách thúng đi…khiêng. Bởi có lệ đó, nên đứa nào cũng sợ xấu hổ, ít dám giỡn mặt. Lúc ra chơi, vào nhà quen kiếm ít củ mì củ lang hoặc xoài, mít lót dạ. Đôi khi nổi hứng nhảy ùm xuống sông bơi vài vòng cho mát. Thước kẻ, ê-ke, com-pa tự tạo bằng tre gỗ. Bìa vở tự tìm bao lấy bằng đủ loại giấy. Nhãn tự kẻ lấy. Khi đi học, ngoài mấy quyển vở và quản bút có ngòi viết bầu hoặc ngòi viết lá tre, đứa nào cũng mang theo một bình mực tím. Hình như  thái độ quả quyết, ý thức độc lập, chưa bao giờ là món xa xỉ so với tầm tay chúng tôi.

 

Điều này, tôi và bạn bè tôi, lứa học trò lớn lên trong gian khổ cơ cực hồi ấy hết sức thấm thía. Tôi cố gắng học hành giữa vùng quê “xôi đỗ”, tối tối nghe tiếng súng là xuống hầm, sáng ra bạn bè từ các xóm tụ về ngôi trường mái lá ngoài bờ sông kể cho nhau nghe những diễn biến của đêm hôm qua, cuộc chạm súng như thế nào, ai chết, ai bị thương. Việc máy bay Mỹ từ quận bay lên thôn, vào một nhà ai đó bị nghi kỵ để đập phá hay cảnh dàn lính rượt đuổi nông dân trên đồng lúa để bắt chở đi là việc xảy ra thường tình như cơm bữa ở làng tôi. Một thanh niên leo hái ổi bị hai tên lính cá cược bắn rơi xuống chết tức tưởi. Một gia đình bị ca-nông sát hại người vợ và năm con, chỉ mỗi ông chồng bị trưng dụng ra ngủ ở trụ sở nên còn ở lại trần gian với nỗi đau muôn đời không phai nổi. Đó cũng không phải là những chuyện hi hữu.

 

Cuộc chiến tranh lưu lại qua con mắt trẻ thơ có những tình tiết riêng, ấn tượng riêng. Ví như sau này hòa bình, đến giai đoạn Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, thấy các cựu binh Mỹ trở lại thăm chiến trường xưa với tư cách khách du lịch, tôi cứ thầm hỏi trong số kia kẻ nào đã từng đi càn lên vườn tược làng tôi, ngang nhiên chỉa súng thị uy bắn rớt cả buồng dừa lẫn tổ chim dồng dộc, hái cà chua chín (do chính tôi trồng) nhai rau ráu (mà không một lời xin phép)? Nhà tôi lâm cảnh bị giặc đốt ba lần cháy rụi, cứ an ủi lẫn nhau may mà người còn là quý rồi. Nào ai đong được giá của chiến tranh, từ mỗi đời người, mỗi gia đình, mỗi làng quê, mỗi huyện mỗi tỉnh cho đến toàn bộ đất nước mình. Trong đó, chỉ mới tính giá của những giấc ngủ trẻ thơ nằm hầm ngủ hố, thấp thỏm vì bom rơi đạn nổ, Nhà trắng và Lầu Năm góc đã không bao giờ trả nổi.

 

Nhưng đó là chuyện dài, tôi sẽ mô tả kỹ lưỡng hơn trong một dịp khác. Trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến ước mơ chữ nghĩa, ước mơ làm văn làm báo đã hình thành trong tôi thời thơ ấu. Hồi ấy, chúng tôi đâu có tờ báo nào để đọc, còn radio thì nhà nào khá giả một chút mới có. Ti-vi thì chịu. Như trên đã nói, việc làng việc xóm được thông tin cập nhật bằng cách truyền miệng. Có lẽ đó là hình thức báo chí nguyên thủy loài người có được từ thời mông muội cho đến ngày nơi nào còn thiếu vắng sự hưởng thụ thành quả báo chí chuyên nghiệp thì hình thức trên vẫn hãy phát huy tác dụng.

 

Đó không chỉ là việc phổ biến những thông tin mang tính cập nhật mà cả về việc phổ biến tác phẩm văn học. Tất nhiên, văn học dân gian thì vốn dĩ rồi, mà cả văn chương bác học cũng thế, lưu hành qua hình thức truyền miệng. Từ thực tế trên, tôi hoài thai khát vọng ghi lại những hình ảnh, những mẩu chuyện của đời tôi và bạn bè tôi, làng xóm tôi từ ngày ấy. Để làm gì? Vì tôi thực sự  có nhu cầu là qua lời kể của mình để mọi người cùng biết, cùng đồng cảm, cùng chia sẻ. Thế thôi. Ước mơ trở thành nhà văn nhà báo trong tôi hình thành theo nhu cầu tự nhiên như vậy.

 

Công việc ấy thực sự tôi làm được chút đỉnh qua các tờ báo tường (hồi ấy quen gọi là bích báo) mang tên HOA NIÊN và tờ đặc san mang tên NÉT BÚT TUỔI THƠ rồi NÉT BÚT HỌC TRÒ, thời những năm đầu bậc trung học. Lúc này, tôi đã vào Quy Nhơn học trung học Cường Đễ, ngôi trường vào loại sang trọng nhất tỉnh. Trên các tờ báo học trò này, bài viết đậm đặc những dư vị cay đắng của quê hương thân thiết đang ngập tràn trong khói lửa điêu linh, thống khổ. Có lẽ, lòng yêu Tổ quốc, yêu dân tộc, yêu quê hương của mỗi đời người đã có những cách thể hiện khác nhau tùy hoàn cảnh, như những mạch nước, lúc thì ngấm ngầm trong lòng đất, lúc thì tung sóng ngất trời cùng mây gió. Tôi đã từng hồi tưởng điều này trong một bài viết, in trong quyển “Các nhà văn Việt Nam thời đi học đã học văn …  bộc bạch về hoàn cảnh của mình và tâm thế khát khao đón nhận hòa bình như thế nào. Những tờ báo học trò trong những năm đất nước chiến tranh đã giúp tôi khá nhiều việc chuyển tải tình yêu quê nhà lên trang viết, cũng như xây đắp bước đầu cho nghề nghiệp làm văn làm báo mà tôi sẽ đi trọn cuộc đời với lòng thủy chung bền bỉ. Thật kỳ diệu là tuổi học trò, chúng tôi vẫn có một tòa soạn với bao nhiêu phóng viên, cộng tác viên, xúm xít đọc, biên tập, tuyển chọn rồi nắn nót thể hiện sao cho đẹp, gây ấn tượng giữa bao nhiêu tờ báo lớp trong một mái trường. Tờ báo của lớp tôi nhiều lần có thành tích dẫn đầu toàn khối rồi được chọn trưng bày suốt năm trong văn phòng đã đem lại nhiều phấn hứng cho Ban biên tập cũng như tập thể lớp. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn rất tự hào, niềm tự hào trong trẻo của quãng đời đi học, được tập dượt và thể hiện nỗi đam mê của mình trong bước đầu đến với làng văn làng báo.

 

Tôi có một vài kỷ niệm không thể nào quên. Tôi đã viết một bài đăng báo tường về  cảnh đi học với áo tơi nón lá, bờ ruộng mấp mô, những đêm nghe trọng pháo, lăn xả xuống hầm. Nhà nào cũng có một hầm chất bao bố quanh phản gõ để nấp tạm thời rồi tùy tình hình, nếu thấy ác liệt quá thì bò ra vườn xuống hầm kèo dưới bụi tre, kiên cố hơn nhiều. Hầm kèo đôi khi dùng chung cho vài ba nhà. Nhất thiết, hầm nào cũng có củ nén để xua rắn độc. Xuống đó, được hít mùi rễ cây và đất ẩm sực nức, đôi khi còn  nghe tiếng dế gáy ran trên nắp. Mùa hạ còn đỡ, mùa mưa thì khỏi nói. Tôi đã từng bị lóp ngóp trong nước ngập dưới lòng hầm nhão nhoét, sau đó cảm sốt mất mấy ngày. Lại có hôm, chiến sự kéo dài, khi bước ra bất chợt gặp trời tảng sáng, một bông hoa dong riềng nở rực rỡ trên miệng hầm với tiếng chích chòe ban mai trong suốt. Vừa đến trường vừa  giở vở học vội vàng, vậy mà cũng thuộc bài, cũng được thầy giáo khen. Bài báo đơn giản vậy nhưng gây cảm động mạnh cho các bạn đọc, nhất là những người bạn phố phường, hồi nào đến giờ chưa từng sống ở nhà quê, không tưởng tượng nổi. Sau bài báo, tôi có thêm một số bạn khác lớp đến làm quen, tỏ rõ mối thiện cảm. Một kỷ niệm khác, tôi viết một bài về cảm nhận tác phẩm Chiều hôm nhớ nhà, thơ  Bà Huyện Thanh Quan. Tôi không đi vào phân tích bài bản kiểu học đường mà chỉ qua âm hưởng nhớ thương ngui ngút đó gửi gắm ít tâm sự của mình về làng quê rồi kết luận bằng một câu nghẹn ngào về cảnh ly hương của chính mình. Mấy bạn trong Ban biên tập bảo tự nhiên đọc thấy rơm rớm nước mắt. Tôi xúc động trước tình cảm các bạn và như được tiếp thêm sức mạnh để thấy mơ ước làm văn làm báo của mình hoàn toàn có cơ sở, thật trân trọng và đầy ý nghĩa.

 

Chữ nghĩa đã đem đến cho tôi niềm hạnh phúc thánh thần của tuổi thơ, ấy là sự níu kéo những tâm hồn đồng điệu, xa lạ thành gần gũi, thân thiết rồi càng thân thiết hơn.

Việc hoạt động báo lớp, báo trường đã gắn bó với đời tôi, từ trung học cho đến sau này, lên đại học. Tôi nghiệm ra, làng văn làng báo học trò tuy nhỏ hẹp mà mênh mông, đơn giản mà phong phú, nó chắp cánh cho những ước mơ đầu đời để khi ra trường thêm nhiều lý do để tự tin, bớt đi rất nhiều bỡ ngỡ. Ngoảnh lại năm tháng học trò, tôi thầm cảm ơn biết bao gương mặt thân yêu, từ quê nhà đến trường ốc, thầy cô, bè bạn, những trang viết thấm đẫm tình yêu ban sơ, tín nghĩa, bao dung, khát vọng…

 

Nếu ví đời mình như một dòng sông thì đoạn đường đó là những mạch suối róc rách, hương vị và âm thanh của nó mãi mãi tinh khôi, mãi mãi thôi thúc cho sự dâng tràn và lan tỏa… 
Nguyễn Thanh Mừng
Số lần đọc: 3109
Ngày đăng: 22.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ai xui con sáo - Phan Thành Minh
Hoài Ân,tấc đất ngọn rau.... - Nguyễn Thanh Mừng
Dấu ấn khoai lang - Võ Ðắc Danh
Đông tay thi vỗ ...không kêu - Lê Duy
Phố bàng - Hoàng Hùng Hà
Học... Nghỉ hè - Lê Duy
Bà già vui vẻ - Nguyễn Ngọc Tư
Bát ngát thương yêu - Nguyễn Nguyên An
Ngày xử tộI Quan Kim - Nguyễn Hàn Chung
Vương vấn Đồng bằng - Bích Ngân