Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
747
116.616.265
 
Gã khùng
Võ Ðắc Danh

TÔI KHÔNG CÓ Ý NÊU GƯƠNG NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT ĐỂ ĐỘNG VIÊN CHÚNG TA HỌC TẬP, BỞI SẼ VÔ CÙNG PHI LÝ NẾU CHÚNG TA ĐI HỌC TẬP NHỮNG ĐIỀU HAY LẼ PHẢI Ở MỘT THẰNG KHÙNG. NHƯNG TRONG THỜI BUỔI HÃY CÒN LẮM CHUYỆN NHIỄU NHƯƠNG NÀY, Ở HẮN CÒN CÓ NHIỀU ĐIỀU ĐÁNG ĐỂ CHÚNG TA SUY NGẪM!

 

 

            Suốt cả tuần lễ, cứ mỗi ngày hai lần, ngày nào tôi cũng vào bệnh viện tìm hắn, có khi gặp, có khi không. Mà thật ra, khi gặp hắn thì cũng chẳng hỏi han được điều gì, bởi hắn là một thằng khùng. Vậy là mỗi lần vào bệnh viện, tôi lại ngồi uống cà phê với dì Sáu Trân - chủ căng - tin - người đã từng bảo bọc hai cha con hắn, hoặc trò chuyện với mấy anh bảo vệ, các y, bác sĩ, kể cả ông giám đốc bệnh viện để nghe họ kể những câu chuyện về hắn.

 

            Điều làm tôi suy nghĩ là cả trăm cán bộ, nhân viên và y, bác sĩ trong bệnh viện này đều xem hắn một cách thân thiện như người nhà. Hỏi thì ai cũng trả lời một câu ngắn gọn rằng tuy hắn khùng nhưng lại là người tốt. Dì Sáu Trân thỉnh thoảng rầy la hắn như một người mẹ mắng con: Khởi, mày có chịu đi hớt tóc không? Hoặc: Ở dơ như thế mà chịu được hả?  Các bác sĩ trưởng khoa, phó khoa nói rằng khi họ mới ra trường về đây thì đã thấy thằng Khởi ở trong bệnh viện này, có nghĩa là hắn đã cư trú ở đây trên mười năm. Nhưng không ai biết hắn họ gì, bao nhiêu tuổi. Qua diện mạo, người ta đoán chừng hắn khoảng ba mươi lăm hoặc bốn mươi, hoặc trên bốn mươi, tùy theo từng lúc, nghĩa là lúc hắn tắm rửa sạch sẽ, mặc áo mới, hớt tóc cao thì trông hắn cỡ ba lăm, còn lúc hắn ở dơ, tóc vón cục như lông nhím, mặt mày quằn quện, quần áo lem luốc thì trông hắn cỡ bốn lăm. Lai lịch của hắn cũng rất mơ hồ, người ta chỉ biết đại khái rằng quê hắn ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Cha mẹ hắn ly dị, cha lấy vợ khác, mẹ lấy chồng khác. Hắn theo mẹ thì không ở được với dượng ghẻ, còn theo cha thì không ở được với dì ghẻ, đó là lý do để hắn cư trú trong cái bệnh viện này.

 

            Bác sĩ Việt nói có lần anh nghe một bệnh nhân quê ở Đầm Dơi kể lại rằng, một hôm ông ta chứng kiến thằng Khởi mang cái tổ ong vò vẽ về nhà để tấn công dì ghẻ. Không hiểu bằng cách nào, hắn lấy đất bùn ém bít các cửa sổ trên tổ ong rồi mang về xóm, cái tổ ong to bằng cái thúng, ai thấy cũng hoảng hồn bỏ chạy, chỉ cần sơ sẩy một chút thì có thể mất mạng biết bao nhiêu người. Cuối cùng chỉ có cha hắn ra dỗ ngọt, năn nỉ hắn cho cái tổ ong vào một cái bao rồi đem nhận nước. Sau đó thằng Khởi bỏ xứ ra đi. Bác sĩ Việt nói rằng thằng Khởi chỉ nổi cơn khi bị người ta xúc phạm hoặc đụng chạm đến thằng con trai của hắn, còn bình thường hắn rất hiền, không quậy phá, không trộm cắp, không xin xỏ của ai. Ngược lại, hắn rất căm ghét bọn móc túi và trộm cắp. Có lần trong bệnh viện xảy ra vụ trộm, hắn cùng với đội bảo vệ rượt bắt, tên trộm cùng đường nhảy xuống ém dưới cái ao lục bình phía sau bệnh viện. Vì đây là cái ao nước thảy rất dơ nên mấy anh bảo vệ không dám xuống, thế là thằng Khởi nhảy đùng xuống ao nắm đầu tên trộm lôi lên. Đêm hôm sau, trên đường đi móc bọc, thằng Khởi bị đồng bọn của tên trộm trả thù bằng một trận đòn. Lúc ấy chỉ có một mình hắn chịu đựng.

 Hắn có nhiều cách để mưu sinh, ban đêm hắn quẩy cái bao đi nhặt phế liệu, sáng sớm mang đi bán cho vựa, xong hắn đến các cửa hàng thu mua thủy sản đứng chờ người ta sai khuân vác, có người thì cho tiền, có người thì cho cá. Cho bao nhiêu lấy bấy nhiêu, hắn không đòi hỏi. Ở bệnh viện, có việc gì nặng nhọc thì có mặt thằng Khởi, kể cả những công việc trong nhà xác. Thỉnh thoảng hắn cũng trúng đậm khi người ta sai hắn dọn dẹp kho hoặc khuân vác thuốc, ngoài tiền công, hắn được hưởng tất cả thùng giấy và chai lọ, có khi hắn bán được mấy trăm ngàn. Có tiền, hắn mua một chiếc xe đạp, hắn đi "cua" gái, cũng là những cô gái lang thang, tưng tửng ở hè phố, ở công viên. Đời hắn có nhiều mối tình, nhưng có hai mối tình lâm ly bi đát nhất.

 

            Ở Cà Mau hồi ấy có cô Bích mắc bệnh điên vì bị người yêu phản bội. Ban đêm, cô hay đến trước cửa nhà người yêu cũ, cởi hết quần áo và gào thét, khóc lóc gọi tên anh. Gia đình đưa cô vào trại tâm thần trong bệnh viện. Ở đây cô gặp thằng Khởi. Không hiểu sao thằng Khởi lại có uy ở trại tâm thần. Cứ mỗi lần có bệnh nhân lên cơn quậy phá thì người ta hay gọi thằng Khởi đến dàn xếp, hắn chỉ cần lườm một cái là tất cả im re. Thế rồi hắn yêu cô Bích, hắn lo cho cô từ ly sữa, ổ bánh mì, dĩa cơm, tô cháo... Sau cái tết, cô Bích về nhà và không thấy vào trại, nghe người ta nói cô đã chết. Thế là hắn khóc như đám tang. Cứ nửa đêm, hắn nằm úp mặt trên chiếu, hắn gào thét, rên rỉ, hắn gọi tên cô Bích, ai thấy cũng mủi lòng cho mối tình của một người điên.

 

            Gần một năm sau hắn lấy vợ, cô ấy tên Thanh, cũng mắc bệnh tâm thần, bụng đang mang thai - tất nhiên là không phải bào thai của hắn. Câu chuyện này được dì Sáu Trân kể khá tỉ mỉ: Cách nay khoảng bảy tám năm, cô Thanh từ Bạc Liêu trôi dạt xuống, cô bị tâm thần trong lúc đang mang thai, bị chồng bỏ rơi, cô đến gánh nước mướn cho các quán cà phê ở ngang bệnh viện. Một hôm đang ngồi ăn cháo trong căng - tin thì bỗng dưng cô ngất xỉu, người ta khiêng cô vào trại cấp cứu. Nghe tin ấy thằng Khởi vào thăm, thế rồi hắn yêu, người ta thấy hắn lo cho cô Thanh như chồng lo cho vợ. Khi cô Thanh xuất viện thì cũng sắp đến ngày sanh nở, người ta đưa cô qua khoa sản nằm chờ, thằng Khởi cũng theo qua bên ấy. Trong những ngày chờ sanh, hắn mua chiếu, mua mùng, mua mền, mua gối... và hằng đêm hắn ngủ với cô ngoài hành lang khoa sản. Khi cô Thanh sanh ra một thằng con trai, hắn mừng như một người cha, hắn cũng lăng xăng, bận rộn như bao nhiêu người cha khác.

 

            Khoảng cách giữa các khoa trong bệnh viện là những nền xi măng sạch sẽ, dưới những tàn cây cổ thụ, hắn chọn một mái hiên làm nơi tá túc. Hắn đi chợ mua về một cái bếp dầu, vài cái xoong, vài cái chén... cô Thanh tuy tưng tửng nhưng cũng còn nhớ công việc làm bếp. Còn hắn lúc nào cũng ôm ấp, nâng niu đứa con như báu vật, hắn đặt tên: thằng Cu Đen. Trong lúc ăn cơm, hắn bảo cô Thanh đẻ cho hắn thêm một đứa con gái, cô Thanh gõ đôi đũa lên đầu hắn, hắn cười...

 

            Một hôm, có một bà già và một thanh niên từ Bạc Liêu đến tìm cô Thanh, đó chính là bà nội và cha của đứa bé, họ đòi bắt nó về để nối dõi tông đường. Cô Thanh hốt hoảng ẵm thằng Cu Đen chạy trốn, thằng Khởi đứng ra đối phó, lúc ấy người ta thấy hắn nổi cơn điên, hắn hầm hừ nói: Ai bắt con tui, tui đâm bằng dao cán vàng cho mà coi! Thấy tình thế không ổn, dì Sáu Trân và mấy anh bảo vệ đứng ra giải quyết, họ nói thằng Khởi đã nuôi đứa bé từ lúc còn trong bụng mẹ, vậy coi như con của nó, không ai có quyền bắt đi. Hai mẹ con người ấy đuối lý đành im lặng ra về. Mấy hôm sau, họ đến ăn cắp thằng Cu Đen vào lúc nửa đêm. Sáng ra, thằng Khởi lầm bầm chửi rủa, cô Thanh dẫn hắn lên xe đò đi Bạc Liêu tìm lại. Ngày sau, họ ẵm thằng bé trở về.

 

            Thằng Khởi sống trong cái hạnh phúc ấy được bốn năm thì cô Thanh đột ngột qua đời, tự nhiên cô ngã lăn ra mà chết, không kịp cấp cứu. Bệnh viện đứng ra lo hòm rương và chôn cất cô, thằng Khởi suốt ngày ngồi ôm con buồn cú rũ, có khi hắn khóc ấm ức, có khi hắn khóc rống lên. Một hôm, mấy anh bảo vệ méc dì Sáu Trân rằng nửa đêm nửa hôm mà thằng Khởi dẫn thằng Cu Đen đi móc bọc. Sáng hôm sau dì Sáu la cho hắn một trận, dì nói thằng nhỏ mới có ba lớn mà mày không để cho nó ngủ yên lại dẫn đi ban đêm ban hôm làm sao nó chịu nổi? Sau đó dì Sáu lót một cái giường nhỏ ngay trong phòng của dì và mua một cái mùng cho thằng Cu Đen ngủ trong ấy. Nhưng lại không ổn, đêm nào thằng Khởi cũng mò vô nựng nịu, chọc léc thằng nhỏ, rồi hai cha con cười sặc sụa làm mất giấc ngủ dì Sáu, buộc dì phải trả thằng Cu Đen lại cho hắn. Hằng đêm, hai cha con hắn nằm ôm nhau ngủ trên ghế bố ngoài hành lang, dì Sáu nhìn thấy cảnh ấy mà chạnh lòng, hôm sau dì dọn một góc căng - tin bảo hắn vô đó giăng mùng mà ngủ, được vài hôm, hắn lại trở ra hành lang. Dường như cha con hắn đã quen với sương gió lâu rồi.

 

            Cũng theo dì Sáu Trân kể, có một người đàn bà ở Bến Tre đến năn nỉ thằng Khởi xin thằng Cu Đen, bà ta sẽ cho hắn hai chỉ vàng, hắn quát:  Hông à! Hông à! Bao nhiêu cũng hổng được! Cứ thế, bà ta càng năn nỉ, hắn càng lớn tiếng. Nhân viên của làng SOS Cà Mau đến đòi bắt thằng Cu Đen về nuôi, hắn cũng trả lời như thế. Dì Sáu Trân giải thích với hắn:  Cho nó vô làng SOS ở, nó sẽ được ăn mặc sung sướng, được học hành, thỉnh thoảng mày cũng được vào thăm, còn ở với mày, thằng nhỏ suốt đời vất vả lại dốt nát. Hắn cũng bảo hông à, hông à rồi ôm chặt thằng Cu Đen vào lòng. Mấy hôm sau, người ta ngạc nhiên thấy hắn mua cho thằng Cu Đen bộ quần áo mới, một cái cặp và mấy quyển tập rồi chở nó trên xe đạp đưa nó đi học. Thì ra, không biết bằng cách nào, hắn đã xin cho thằng Cu Đen vào lớp học tình thương ở bên nhà thờ. Hắn không biết xem đồng hồ nhưng có một linh tính nào đó khiến hắn đưa rước con rất đúng giờ giấc. Và hắn cũng không biết xem lịch, không biết ngày tháng nhưng dì Sáu Trân nói năm nào cũng vậy, cứ đến ngày hai mươi lăm tết là hắn chở thằng Cu

Đen đi thăm mộ cô Thanh. Hắn cũng làm cỏ, cũng đốt nhang, cũng bánh trái như bao nhiêu người khác.

 

            Có lần tôi gặp hai cha con hắn ngồi ăn mì trong Hội chợ Thương mại Cà Mau, tôi hỏi hắn làm gì ở đây, hắn nói: Làm việc ở trong công ty đằng kia, hắn chỉ tay về phía mấy gian hàng. Tôi cảm thấy buồn cười, nhưng vài giờ sau tôi phát hiện ra rằng, hắn đến khuân vác cho mấy gian hàng trong hội chợ để xin thùng giấy đem đi bán.

 

            Lần sau cùng đi tìm hắn trong bệnh viện, thấy hai cha con hắn ngồi trên ghế đá trước căng - tin của dì Sáu Trân, tôi nói với hắn rằng tôi là nhân viên của làng SOS đến đem thằng Cu Đen về nuôi, hắn hốt hoảng ôm thằng nhỏ vào lòng và nói lia nói lịa: Hông à! Hông à! Có hai cha con hủ hỉ hủ hỉ. Tôi lấy máy ra chụp hình, hắn cũng ngồi yên cho tôi chụp. Một lát sau, hắn bảo tôi: Vô bắt nhỏ con gái trong khoa sản kìa, đã lắm, mới sanh bị mẹ nó bỏ, tôi mới mua cho nó chai sữa. Rồi hắn dẫn tôi vào xem, đúng y như lời hắn nói, chai sữa hắn mua còn bên cạnh đứa bé. Bà hộ lý đùa với hắn: Mày đem con nhỏ này ra nuôi luôn đi Khởi, cho có trai có gái. Hắn nói: Nuôi được nhưng không có ai giữ.

 

            Tôi đến từ giã dì Sáu Trân, dì hỏi tôi có cách nào đưa thằng Cu Đen vô làng SOS không, hay là lén thằng Khởi bắt đi, chớ để như thế này tội nghiệp cho tương lai thằng nhỏ. Tôi hiểu tình cảm của dì Sáu, chính dì đã từng là chỗ dựa cho cha con thằng Khởi suốt mấy năm qua, từng dẫn hắn đi hớt tóc, từng tắm rửa, giặt quần áo cho thằng Cu Đen, cho nên dì xốn xang cho tương lai của nó cũng là điều tất yếu. Nói đi rồi dì cũng suy nghĩ lại: Nói thì nói vậy chớ làm sao cắt đứt tình cha con nó được. Thằng Khởi tuy khùng nhưng nó sống có tình thương, nếu mất thằng Cu Đen, nó không thể nào chịu đựng nổi. Rồi dì lại thở dài: Đành vậy chớ biết làm sao!

 

                                          Cần Thơ, ngày 29 tháng11 năm 2001

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3426
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)