Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
680
116.607.716
 
Những ảo ảnh và giấc mơ từ chối tỉnh táo
Lê Anh Hoài

Đọc số 35 trong tập III Do đó nó lại đến (Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý - NXB Trẻ 2006) của Nguyễn Thuý Hằng (xin phép được gọi tắt một cách thân mật là Hằng), Hà Hữu Nga (HHN) viết "Một siêu ngữ cảnh - một siêu VĂN bản", anh nhấn mạnh: 

"Không có ý định làm thầy chúng ta, nhưng cô (Hằng) đã chỉ chỗ để chúng ta học được ở cuộc đời một ý nghĩa duy nhất: tỉnh táo! Như vậy, cùng với cô đã có hàng nghìn văn bản khác được tạo dựng, và chính văn bản gốc của cô đã tạo thành một siêu văn bản bằng những cách chơi và người chơi duy lý" (từ đây về sau, chữ in nghiêng trong ngoặc kép là những từ, đoạn trích trong bài đã dẫn).

Anh rất nhấn mạnh sự "tỉnh táo" và phát biểu:

"Tôi thật sự bất ngờ khi phát hiện ra một chiều góc khác - chiều góc duy lý đáng kinh ngạc – trong thi pháp của Nguyễn Thuý Hằng. Tôi sẽ cố gắng, mà không dám chắc, thể hiện cái chiều góc duy lý đó trong thế giới siêu ngã của cô...".

Tôi cho rằng cần có thao tác đọc khác Hà Hữu Nga, thao tác ấy phản ứng với tính duy lý, bởi vậy tôi mạn phép tranh luận với anh - dù điều này xét đến cùng là vô nghĩa, bởi cách đọc, cách cảm ứng văn bản, tạo tác văn bản của mỗi cá nhân với loại tác phẩm như của Hằng là hoàn toàn cô đơn và dị biệt.

Vậy trước hết, ta hãy bắt đầu từ số 35.  

Ăn cắp được 7 nắp cống

1 và 2     3 và 4     5      6 và 7: mở nắp cống lên thấy tôi nằm dưới lỗ

Trước hết, tôi đi ngay vào bức ảnh - một thành phần chính yếu, quan trọng của 35. Nó không phải cái hình minh họa "kèm theo" cho chữ, không phải cái để "khẳng định xem những khía cạnh liên quan (...) có chính xác không", không phải "dữ liệu kiểm định" mà nó chính là tác phẩm.

Bức ảnh này, cũng như đa số các bức ảnh chụp tác phẩm sắp đặt bằng nhiều chất liệu của Hằng, đòi hỏi được tiếp nhận, đầu tiên bằng trực giác mỹ cảm, chứ không bằng lý trí phân tích.

Với nó - cũng như với rất nhiều tác phẩm tạo hình khác của Hằng, tôi thấy ngay một cảm giác về sự vô dụng, hỗn độn và tàn tạ, suy huỷ. Trên hết là cảm giác đụng chạm đến cái - phản - lý.

Xin không nhiều lời để diễn giải:

- Toàn bộ những vật dụng trên đều vô dụng trong tư thế riêng và tập hợp giữa chúng.

- Chúng là mớ đồ bẩn thỉu, xấu xí, có hơi hướng rác thải/đồ bỏ. Sự sắp xếp và chụp ảnh chúng (theo chuẩn về cái đẹp và lý lẽ thông thường) đã là hành động ngược với lý tính, là phản - lý.

Bởi vậy, tôi cho rằng, áp vào đây cái lý lẽ thông thường là xa rời với bản chất sáng tạo những tác phẩm sắp đặt của Hằng.

Có thể phản bác một vài diễn giải của Hà Hữu Nga:

- Xem bức ảnh, anh mong muốn những tính toán chính xác: "thước tỷ lệ", "tả lại một cách chính xác các chi tiết", "chất liệu, màu sắc, kích thước, hiện trạng của những cấu phần tạo nên tác phẩm"...

Anh khảo sát tác phẩm này với một tinh thần mổ xẻ, đo đếm. Đây là quyền của HHN, nhưng tôi thì tự hỏi đây có phải là cách xem tác phẩm nghệ thuật hay không?

"... Trên bề mặt tấm ván xếp đều đặn 7 chiếc nắp cống bằng sắt hoặc gang, màu xám xẫm; mỗi chiếc cách nhau từ 20 – 25cm; (...) Tất cả các nắp cống đều trổ lỗ tròn để thoát nước, nắp vuông 16 lỗ; nắp tròn 21 lỗ...". 

Thế rồi, HHN "cảm nhận": "hình ảnh trời (tròn), đất (vuông) do các nắp cống gây ra. Chúng được đặt theo trật tự: 1: địa – 2: thiên – 3: địa – 4: thiên – 5: địa – 6: thiên – 7: địa (...) Như vậy, nắp cống thứ 5 là địa, hành thổ; (...) tấm ván đã mục cho người ta một cảm thức rõ ràng về chiều thời gian, về sức mạnh làm thay đổi (hay tàn phá) của thời gian"; "khung sắt sơn trắng, nhẹ nhàng, với những thanh sắt nhỏ được xếp đều đặn khoảng 5cm/thanh tạo ấn tượng tỉnh thức, duy lý, vĩnh hằng và bình yên, bất khả huỷ"; "4 thớt xi măng tròn, đỡ lấy toàn bộ các yếu tố sắp đặt được mô tả ở trên, tạo ấn tượng vận động phát triển, nhưng vững chắc, đáng tin cậy, giống như một cột vũ trụ, một thứ vũ trụ luận vừa nguyên thuỷ, vừa vô hạn"...

 Chỉ mới là "cảm nhận" thôi mà đã dày đặc những quy kết như thế đấy!

Nhân tiện xin hỏi HHN một chi tiết trong lập luận của anh, "nắp cống thứ 5 là địa, hành thổ", "là một con số trọng đại, nó là yếu tố trung tâm trong âm dương ngũ hành, nó hình vuông, màu vàng,  nó là biểu tượng của hoàng đế..." v.v. - vậy các nắp cống từ 1 đến 4 ắt phải là thuỷ hoả mộc kim, ứng với 4 phương bắc nam đông tây, với màu đen đỏ xanh trắng? Mà đã thế thì nắp cống thứ 6 và 7 thuộc hành nào phương nao màu gì trong cái mê trận địa thiên thiên địa của anh?

Những cảm nhận (nhưng thực ra là suy lý) về cái giá, miếng gỗ, những thớt kê; những suy diễn như: Đám nắp cống là "ẩn dụ con đường". "Con đường xuống cống của cô, nói theo cách của các nhà phân tâm học là con đường “thăm dò tiềm thức”. (...) thăm dò tiềm thức để hoà đồng với tha nhân, để cả mình và họ cùng “khỏi bệnh” vô minh (theo ngôn ngữ thông thường là ngu dốt). Vì vậy, mỗi lần mở nắp cống là mỗi lần cô thăng tiến thêm trí tuệ của mình"... đều cùng một kiểu, và - thành thực xin lỗi HHN - đều phản cảm. Tôi cũng xin không dài lời ở đây.

Nếu xem tác phẩm sắp đặt nói riêng và tác phẩm tạo hình nói chung theo cách như thế, tôi e là không ổn. Và nhân tiện, tôi xin anh khảo sát mấy bức khác của Hằng (tôi lật ngẫu nhiên ở tập III): 151, 146, 144, 139, 133... Rất mong anh "cảm nhận" và chỉ giáo.

Tôi xin quay lại phần chữ viết trong 35.

Ăn cắp được 7 nắp cống

1 và 2     3 và 4     5      6 và 7: mở nắp cống lên thấy tôi nằm dưới lỗ

Với tôi, phần chữ này cũng như đa số phần chữ trong tác phẩm của Hằng, cần được xem, như xem tác phẩm nghệ thuật hay xem nghệ thuật biểu diễn. ở đây, phương tiện truyền tải là những con chữ, bởi thế, đương nhiên đầu tiên vẫn là đọc chúng, nhưng ngay lập tức, hãy dùng trực giác bắt lấy những hình ảnh/ấn tượng mà chúng gợi ra. Hãy huy động tối đa cảm giác và tưởng tượng, giảm thiểu đến mức thấp nhất cái gọi là tư duy logic!

Đoạn văn bản trên của 35, tôi bắt được mấy từ/ cụm từ:

Ăn cắp, nắp cống, tôi nằm dưới lỗ và một đám con số.

Chúng tạo ấn tượng: hành động vô nghĩa, đồ vật vô dụng, không/thời gian vô định. Chúng gây cảm giác chẳng khác gì bức ảnh nói trên: giác quan đập ngay vào caí - phản - lý. Tính chất này càng thể hiện rõ với những thứ tạo ấn tượng "tạp nham" có mặt trong Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý - đặc biệt đậm đặc trong phần III. Có thể thấy: công thức nấu ăn “Fishsnack- Ingredients: fish meat, potato starsch, milk calcium, salt, sugar…”; ý tưởng bìa sách, ý tưởng cải tạo một chiếc xe hơi, "những thứ cần mua cho 'Tĩnh vật mùa hè'" (37, III) và những phần nguyên vẹn (hoàn toàn bình đẳng và có giá trị ngang với 35) như:

7

đã đọc

KVN_

(7, III)

9

một người thích bệnh, luôn tìm lý do để bệnh. từ bệnh này sang bệnh khác

(9, III)

Nhiều người hoang mang với những cấu phần này. Bởi theo cách nhìn duy lý/ duy mỹ thông thường, theo cách phân tích để tìm ra những ý nghĩa sâu xa hay những vẻ đẹp toàn bích, vĩnh hằng thì chúng là những đồ bỏ/phần nháp. Nhưng nhìn trên tổng thể tác phẩm, chúng hoàn toàn có giá trị nếu bắt lấy hình ảnh, ấn tượng mà chúng tạo ra. Những hình ảnh, ấn tượng này kết hợp, hoà trộn với hình ảnh, ấn tượng của cấu phần khác trong thế hỗn mang; đôi khi chỉ có thể bắt được thần của chúng chứ không bắt nổi hình dong.

Bởi vậy, với Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý, có thể xem từ đâu cũng được, xem lúc nào cũng được, chỗ nào không thích bỏ qua cũng chẳng sao.

Quan trọng hơn, trên hết, tác phẩm của Hằng tạo ấn tượng ảo giác/mơ/á- ý - thức.

Hằng đã bộc lộ một ám ảnh hình ảnh trong đoạn sau:

"... Con bé không thích âm thanh ấy nữa, tình cờ nó cũng rơi vào thời kỳ hình ảnh như tôi, cần một người biết chụp ảnh và thu âm(...) giống như việc nó tắm và kỳ cọ như thế này, tư thế cúi xuống không đẹp, nhưng việc nằm im như con cá chết ươn người dính đầy cà phê thì tuyệt vời quá đi mất..."

(nắp cống. đi đi giọng nói bị hỏng - II)

Cô cũng phô diễn những ám ảnh hình ảnh trong (và như) giấc mơ":

"... Đêm qua, lần đầu tiên mơ thi thể một người đàn ông băng qua đường, màu xám ngoét và đầy vết xước ấy dừng ngay ngã tư. Ông ta giơ hai bàn tay cào cấu khắp cổ họng và moi ra bằng được thức ăn cùng dây thanh quản để vào lòng bàn tay, thắt bím chúng rồi chậm rãi ăn trở lại.(...) Tủ lạnh bỗng ngập tràn một màu đỏ kỳ dị, trôi từ tảng thịt tới quả cà chua, người đàn ông xám ngoét tay bưng một màu đỏ ối gục xuống ngã tư..."

(Thời kỳ thuốc ho - những đường gân thắt bím - giữa 6 và 7 - III)

Tôi ngờ rằng, Hằng đã tạo ra khá nhiều hợp phần trong tác phẩm của mình trong trạng thái tinh thần: say/phê, dồn nén, sắp hoặc vừa vỡ tung; hoang mang bất định; ức chế hoặc hưng phấn/cực khoái mức độ cao.

Tất cả những sản phẩm của sự ức chế/dồn nén/thăng hoa/đột khởi ấy khước từ lý lẽ. Sự thăng hoa ấy, được biểu hiện ra dù là hình hay chữ, chủ yếu hướng đến cái đẹp hình thức.

Chỉ với lý giải như vậy, mới xem được đoạn sau:

“... hôm nay gà trống tơ có quá nhiều con quỉ đến uống nước và trao đổi suy nghĩ cho nhau, chúng đánh đổi trái tim nhàu nát hoặc quả thận đã thối rữa chỉ dùng cho sáu ngày. Tôi ngồi giữa những con quỉ đó quan sát tuần hoàn máu của nó. Lại một lần nữa màu đỏ có sức quyến rũ dữ dội, bên dưới chiếc mông của nó, một màu đỏ cũng lặng lẽ chảy êm đềm, cuốn hút say mê, nệm ghế và quần lót cũng màu đỏ nốt. Tôi phải pha loại cà phê gì đây? Người đứng trong quầy hỏi, đến giờ này cà phê cũng có chung một màu đặc sệt. Tôi nói, cà phê dành cho tiểu đường, thật nhiều đường, máu. Những con bò trôi lượn lờ dưới chân bàn, thả tiếng kêu trong lỗ tai, bọn chúng lại hỏi: đối lập với bí mật là gì…?” *

(Thời kỳ thuốc ho - những đường gân thắt bím - giữa 6 và 7 - III)

Thật ra, hãy bắt và xem hình ảnh, sẽ thấy ở đây một bức tranh phá bỏ mọi quy tắc logic hình thức cổ điển, đầy ấn tượng, huyền hoặc, phi lý.

Tương tự, ta có thể thấy những bức tranh với tinh thần đó trong:

"Trưa và tối bò song song cùng một lúc trong mùa địa ngục. Hai dải vàng, đen cùng lướt trên tay. Một bên kêu lên "hãy chạy đi". Một bên lại gầm lên nho nhỏ "hãy đi bộ về trò hề của mình". Cuối cùng, những con bướm lại nuốt hết những tiếng kêu đó, nó ăn giải vàng và đen, làm đôi cánh sặc sỡ thêm.

Đi đến cuối đường vẫn là một chuỗi âm thanh nằm. Như một chiếc gương để lấy lại toàn bộ diện mạo trước khi bước vào cái vật - điên cuồng đó".

(Một mùa địa ngục - I)

"Thành phố, thập kỷ của những em bé, phụ nữ, dân quyền, kết hôn đồng tính, cây cối mọc lan nhanh, chặt bỏ cành dương vật xanh um nẻo đường. Rồi nhà cửa, xe cộ và từng nhà máy rác sạch sẽ bỗng lớn nhanh vùn vụt, ùn ùn xô đẩy những thứ thừa thãi vào một hố chôn sâu nhất".

(Tôi, vị thần ngủ quên - I)

Cái đẹp của Hằng là cái đẹp trực giác, mong manh và bất định. Nó hoàn toàn xa lạ với những logic và triết luận.

Tôi hiểu "cách chơi duy lý" chỉ là cách nhìn, cách tạo văn bản riêng của HHN - một trong số văn bản được anh tạo dựng từ văn bản gốc của Hằng. Tôi trân trọng HHN khi anh viết "không ai cấm tôi liên tưởng đến tất cả những gì mà tôi có trong đầu, mà tôi tin tưởng, v.v.". Về phần mình, tôi cũng khẳng định cách xem văn bản của Hằng đã trình bày trên hoàn toàn mang tính cá nhân. Bài viết này không hề mang tinh thần tranh cạnh hay độc quyền chân lý, rất mong anh lượng thứ và chỉ giáo.

Hình ảnh minh họa

Lê Anh Hoài
Số lần đọc: 2936
Ngày đăng: 01.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thử khảo sát hai thái độ với truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu - Lê Anh Hoài
Mượn rìu để múa . . . - Dư Thị Hoàn
Cái cũ trong một truyện ngắn mới đoạt giải - Lê Anh Hoài
Khi những quả mìn ý tưởng phát nổ - Lê Anh Hoài
Rộn ràng ơi , những ý nghĩa rời : Đọc tập thơ “Vạn Xuân” của Trần Hữu Lục – NXB Trẻ 2006 - Lê Thiếu Nhơn
Nghe ấm một tình yêu : Đọc tập thơ Phía sau tôi của Nguyễn Đông Nhật - Huỳnh Minh Tâm
Nhà văn Đồng bằng sông Cửu Long đang cần liên kết lại - Tường Vi
Nỗi niềm tha hương, tha nhân trong thơ Đặng Ca Việt (*) - Thai Sắc
Hoa xuân Trong tĩnh lặng : Đọc tập thơ Trong tĩnh lặng của Trần Thị Huyền Trang . - Trương Tham
Dặm đường văn học: Nguyễn Lương Ngọc , sự sống hát lời lửa nước. - Nguyễn Thanh Mừng
Cùng một tác giả
Tìh êu (truyện dài)
(thơ)
Lời (thơ)
Thẩm tranh (tuyển truyện)
Khóc (thơ)
Bộ râu (tuyển truyện)
Viên đạn lạc (truyện ngắn)
Lưỡng lự * (truyện ngắn)
Lãnh đạo cười (truyện ngắn)
Tìh êu (kịch)