Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
641
116.002.358
 
Nỗi buồn sông
Lê Huỳnh Lâm

Sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam - Trung Quốc, nước sông Hồng đỏ ngầu, cuồn cuộn chảy mang theo rất nhiều phù sa, tạo nên nền văn minh sông nước và phát triển ở miền Bắc nước ta. Miền Bắc đã có những dòng sông làm sáng ngời sử sách của dân tộc: Bạch Đằng giang nơi đã ghi dấu những chiến công lẫy lừng của những vị anh hùng kiệt xuất như: Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo.

 

Cửu Long giang có nguồn gốc từ sông Mê Kông. Theo giới thám hiểm, sông Mê Kông có thể bắt nguồn từ vùng núi cao Tây Tạng. Sông Cửu Long lãng du, cởi mở như đời sống người dân Nam Bộ. Tất cả những nhiểm ô, đã được gạn lọc suốt cuộc hành trình gian lao để rồi trước khi hoà nhập vào đại dương bao la sông đã trầm mình lại một cách thư thái để nhận ra hình hài của chính mình và ngoảnh lại lần cuối nhìn về cội nguồn tận những vùng núi Tây Tạng xa xôi trùng điệp và kỳ bí.

 

Nhà tôi xây trên vùng đất bồi của miền hạ lưu sông Hương, phía trước là dải Cồn Hến án ngự. Thời thơ ấu tôi thường tắm sông, đứng trên chiếc cầu tre trước nhà nhìn dòng sông xuôi theo miền hạ lưu chỉ thấy một vùng trời trắng xoá xa xăm, hồi đó tôi cứ ngỡ rằng nơi vùng trời xa xôi đó là cửa biển Thuận An. Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, vượt qua những núi rừng, trải qua bao gian nan,… để đem về thị thành những dòng nước ngời xanh, tươi mát, chảy du dương ngân vang những tiết nhịp trữ tình, mang mang nỗi niềm sông núi. Đến mùa lũ lụt, nước sông Hương chảy mạnh, mang theo phù sa làm cho dòng sông đổi màu trở thành người hùng da đỏ của núi rừng, hào phóng, lực lưỡng, cuồn cuộn cơ bắp như đại diện cho thần Núi về miền đồng bằng giúp dân làng đánh hạ thần Nước.

 

Ai đã từng lang thang trên sông Hương mới có thể cảm được thần thái của dòng sông, và thưởng thức hương vị đặc biệt của dòng Hương vào sáng sớm tinh mơ trong màn sương mềm mại như lụa là, khi bầu không khí chưa bị nhiễm ô bởi thế giới trần gian, lúc này lênh đênh trên sông mà như đang bềnh bồng trên tận cõi mây trời. Có thể nói thời gian này là thời khắc chào đời đầu ngày của dòng sông trinh nguyên. Vào một buổi trưa hè oi bức, tôi lang thang dọc theo dòng Hương để hưởng những cơn gió thoang thoảng mang theo hơi nước mát và bất chợt kinh ngạc nhận ra “Thanh kiếm dựng trời xanh” của cụ Cao Bá Quát, tôi chìm mình trong vệt sáng loang loáng thẳng tắp trên dòng sông và xa tít như dài đến tận trời xanh. Phải chăng ngày xưa Cao Bá Quát đã dừng chân nơi này vào giờ ngọ thiêng, dưới bầu trời xanh đang đổ bóng xuống dòng sông và đã phát hiện “Trường giang như kiếm lập thanh thiên” với sự phản chiếu của ánh mặt trời với mặt nước xanh biếc của dòng sông, và sự nhạy cảm về màu sắc của dòng Hương cùng với sự trực cảm của một tâm hồn thi nhân đang nung nấu bầu nhiệt huyết? Những buổi chiều trời trở gió, nước sông Hương cuồn cuộn từ phía hạ lưu lên, lúc này Hương giang như dậy sóng, gợi lên hình ảnh những thuỷ quân Tây Sơn trên đoàn chiến thuyền hùng hậu đang cỡi sóng tiến vào thành Phú Xuân. Khi chiều xuống dòng Hương tĩnh lặng như vị thiền sư để soi lại một ngày lao động trôi qua êm ả và chuẩn bị cho cuộc công phu trước khi chìm vào giấc sâu của màn đêm bí hiểm. Theo dõi màu sắc trên sông Hương mới thấy được sự thay đổi về sắc độ của sông đối với từng khoảng thời gian từ xanh trong, đến ửng hồng, rồi dát bạc, đến vàng cam, lam dụ pha lẫn xanh chàm,… và trước khi nhường lại cho màn đêm thì sông chuyển sang màu tím thuỷ chung phủ nhẹ trên mặt sông thật lung linh, huyền ảo. Những chiều mưa giông, vô vàn hạt nước tạt vào sông, toé lên những đoá hoa mưa trắng xoá cả mặt sông, dòng sông như một dải khăn nhung mượt mà được gắn kết vô số hoa huệ trắng, ngát hương tiễn đưa những phận đời phiêu bạt về nơi chốn xa xôi.

 

Những đêm trăng lênh đênh trên dòng Hương, nghe những điệu hò xứ Huế buồn man mác, gợi lên cảm giác não lòng về kiếp nhân sinh, bỗng những câu thơ của cụ Nguyễn Du vọng về du dương theo nhịp sông “Hương giang nhất phiến nguyệt, kim cổ hứa đa sầu“ đã dẫn dắt tôi vào cõi “thanh sắc thi ca” của miền sông Hương núi Ngự. Cái thú thưởng thức ca Huế không phải lúc nào cũng nghe được, phải có sự kết hợp giữa không gian, thời gian, và điều chính yếu là tâm trạng của người nghe.

 

Vào mùa đông, những ngày mưa dầm dề trắng đất trắng trời, cùng dư âm của những trận chiến vì người đẹp giữa Thuỷ Tinh và Sơn Tinh còn phảng phất trong màu nước đục buồn chưa lắng bùn non. Lúc này sông Hương như dòng tóc thiếu phụ rủ dài trong nỗi nhớ lê thê theo những cơn mưa ngút ngàn, mùa đông dòng Hương giang trở nên cô quạnh, lạnh lẽo bởi từng cơn gió bấc rét đậm quất vào sông làm bầm những vệt dài trên thân thể nàng và đôi môi lạnh cóng tím đen như đang chờ đợi chút hơi ấm của tình người.

 

Lạ thay, kể từ năm ngoái sông Hương trở nên lạ lùng, đang giữa mùa nước trong xanh bỗng nhiên sông chuyển sang màu nước bạc, ngầu đục một cách nhanh chóng khác thường và vô cớ. Tôi tự hỏi, phải chăng đời sông cũng như đời người?

 

Thời gian này tôi không còn ở ven bờ sông Hương đầy thơ mộng, nơi đã lưu lại những kỷ niệm của tuổi thơ hồn nhiên, đường vào nhà tôi bây giờ đi ngang qua dòng Ngự Hà, con sông này được đào dưới thời triều Nguyễn chảy du dương Hoàng thành, mỗi lần ngang qua dòng Ngự Hà nhìn những luống rau muốn phủ đầy sông mà lòng buồn vô tận, đứng trông về phía Tây chập chùng dãy Trường Sơn xa xăm mịt mù chìm trong màu chiều cô tịch gợi lên cảm giác nao nao cõi lòng, rồi chợt nghĩ đến một ngày nào đó dòng Ngự Hà biến thành những dải đất, núi rừng trở thành đồi trọc và tất cả những dòng sông đều cạn kiệt, ngừng chảy bỗng nhiên tôi rùng mình và toàn thân ớn lạnh. Ôi sông ơi! Có thể lúc đó loài người không còn nữa và sông sẽ buồn lắm, bởi lẽ không còn ai tôn vinh vẻ đẹp vĩ hùng của núi sông!

 

Nói đến sông mà chợt nhớ Câu chuyện dòng sông của nhà văn Hermann Hesse, ôi đời sông gắn bó suốt đời cùng sự sống của nhân loại và có lẽ trong mỗi người chúng ta đều có một dòng sông thầm lặng, dòng sông của tâm tưởng đang âm ỉ, trôi bồng bềnh, lênh đênh vào chốn xa xăm bất tận, và mãi trôi trong cuộc đời đầy sóng gió, giông tố, nắng mưa và hương thơm, nước mát,… để rồi bất giác một hôm nào đó trong chuỗi thời gian vô tận của kiếp sống lữ đày và huyền nhiệm, người hoà mình vào dòng chảy của sông để nhận ra bản thể của chính mình chỉ là một giọt nước nhỏ nhoi của dòng sông, như những câu thơ trong bài Giọt nước Hương giang của Phương Xích lô, một đời người đã tan vào thơ, hoà vào sông mãi mãi, mãi mãi...

...Dừng lại bên cầu nghe nước chảy

           Chợt thấy mình:

một giọt nước Hương giang.

Phải chăng tất cả các dòng sông đều đổ ra biển cả rồi nhập vào đại dương bao la, hãi hùng và bí ẩn để tham dự “Hội Trùng Dương”, một lễ hội của những dòng sông trên hành tinh xanh này, mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã mời gọi “Tiếng sông Hồng”, “Tiếng sông Hương” và “Tiếng sông Cửu Long” hoà chung vào tiếng hát tự tình và đầy hào khí của dân tộc trong ngày hội cùng xuôi về biển Đông, những con sông xuôi về biển phải chăng chính là hình ảnh Âu Cơ từ miền núi cao thăm thẳm đã không quản ngại dặm trường gian nan, vượt qua bao thử thách, cam go,… đêm ngày  lặn lội về thăm Lạc Long Quân, đây là đức tính cao quý của dân tộc Việt Nam về sự chung thuỷ, về tấm lòng hiếu thảo của những người con Việt Nam luôn hướng về quê cha, đất tổ theo con đường mà Âu Cơ đã chỉ lối.

Lê Huỳnh Lâm
Số lần đọc: 3394
Ngày đăng: 06.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
41 giai thoại làng Văn nghệ Đồng Tháp những năm cuối thế kỷ XX-1 - Thai Sắc
41 giai thoại làng Văn nghệ Đồng Tháp những năm cuối thế kỷ XX-2 - Thai Sắc
Tiếng gà gáy trong tâm thức Người Việt - Lê Huỳnh Lâm
Xưa là chợ rượu - Nguyễn Thanh Mừng
Ngó về quê Mẹ… - Lê Huỳnh Lâm
Mùa hoa giữa phố - Nguyễn Ngọc Tư
Tôi đến với Hội Bảo Trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi (NTT&TMC) Thừa Thiên Huế - Nguyễn Nguyên An
Thành phố bây giờ... - Phạm Lưu Vũ
Bóng tối - Bích Ngân
Mẹ Ca Dao - Trần hữu Lục
Cùng một tác giả
Đêm (thơ)
Chết (thơ)
Huế (thơ)
Đông ngàn (tạp văn)
Thu Xưa (tạp văn)
Tùy bút cho H. (tạp văn)
Online (thơ)