Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
641
116.001.874
 
Hà Tiên thập vịnh-1
Hùynh Công Tín

1. “Chiêu Anh Các” là tổ chức văn chương ra đời đầu tiên ở Nam Bộ (1736). Tổ chức này do Mặc Thiên Tứ, tức Mạc Thiên Tích (1706 - 1780), con trai Mạc Cửu (1655 - 1736), người có công khai phá đất Hà Tiên, đứng ra thành lập. Trong hoạt động văn chương của Chiêu Anh Các, người đời hay nhắc tới hoạt động ngâm vịnh xướng họa có liên quan tới 10 cảnh đẹp của Hà Tiên mà các văn nhân thi sĩ ngày ấy đã làm. Khởi đầu là những bài xướng của người chủ soái tao đàn Chiêu Anh Các Mạc Thiên Tích. Sau đó là mấy trăm bài họa về mười cảnh đẹp này, gồm cả thơ chữ Hán lẫn chữ Nôm (có hơn 300 bài họa). Rất tiếc, không có sách nào in đủ các bài thơ ngâm vịnh xướng họa này. Trong bài viết, chúng tôi muốn giới thiệu đôi nét về phong cảnh hữu tình của đất Hà Tiên nên chỉ xin đề cập đến các bài xướng chữ Hán, các bài thơ họa chữ Nôm và những bài khúc vịnh được ghi nhận là của người chủ soái Tao đàn Chiêu Anh Các Mạc Thiên Tích.

 

2. Mười bài thơ ngâm vịnh miêu tả lại mười vị trí đẹp, nên thơ bậc nhất của đất Hà Tiên ngày ấy (Hà Tiên thập cảnh) gọi là “Hà Tiên thập vịnh”, gồm các bài thơ được viết theo thể thơ Đường, dưới dạng chữ Hán, được xếp theo thứ tự từng đôi một. Có 5 đôi như sau:

 

  1. Kim dữ lan đào                           Bình san điệp thúy

    Tiêu tự thần chung                     Giang thành dạ cổ

  1.  Thạch động thôn vân                  Châu nham lạc lộ

    Đông hồ ấn nguyệt                     Nam phố trừng ba

  1.  Lộc trĩ   thôn                             khê   ngư  bạc

 

Ngoài 10 bài thơ Đường xướng chữ Hán, Mạc Thiên Tích còn làm 10 bài thơ Đường họa chữ Nôm.

 

Trước mỗi bài thơ chữ Nôm có một khúc đoạn song thất lục bát, gọi là khúc vịnh. Tổng số mười khúc vịnh, gọi “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh”, được Mạc Thiên Tích làm để đề dẫn cho cả 10 bài thơ Đường họa Nôm của mình, có tất cả 334 câu, được phân bố như sau:

 

1. Bài “Giang thành dạ cổ” có một khúc vịnh 36 câu, gồm: 1 cặp lục bát, 8 đoạn song thất lục bát và 1 cặp song thất.

2. Các bài “Kim dữ lan đào”, “Lộc trĩ thôn cư”, “Lư khê ngư bạc”, mỗi bài có một khúc vịnh 34 câu, gồm: 1 cặp lục bát và 8 đoạn song thất lục bát.

3. Bài “Tiêu tự thần chung” có một khúc vịnh 34 câu, gồm: 8 đoạn song thất lục bát và 1 cặp song thất.

4. Bài “Châu nham lạc lộ” có một khúc vịnh 34 câu, gồm: 1 cặp lục bát, 2 đoạn song thất lục bát, rồi 1 cặp lục bát, 5 đoạn song thất lục bát, và 1 cặp song thất.

5. Bài “Đông hồ ấn nguyệt” có một khúc vịnh 34 câu, gồm: 1 cặp lục bát, 3 đoạn song thất lục bát, rồi 1 cặp lục bát, 4 đoạn song thất lục bát, và 1 cặp song thất.

6. Các bài “Thạch động thôn vân”, “Nam phố trừng ba”, mỗi bài có một khúc vịnh 32 câu, gồm: 1 cặp lục bát, 7 đoạn song thất lục bát, và 1 cặp song thất.

7. Bài “Bình san điệp thúy” có một khúc vịnh 30 câu, gồm: 1 cặp lục bát và 7 đoạn song thất lục bát.

 

Sau “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh”, Mạc Thiên Tích còn làm một bài thơ Đường Nôm với tên tựa là “Hà Tiên thập cảnh tổng vịnh”. Bài thơ như một thư mục giới thiệu chung về “Hà Tiên thập cảnh” mà ông đã giới thiệu qua thơ vịnh của mình.

 

Giá trị nội dung và nghệ thuật của các bài thơ này được ghi nhận như sau:

 

2.1. Bài 1. “Kim dữ lan đào” cũng viết “Kim dự lan đào” (Đảo vàng chắn sóng) là bài thơ được xếp đầu trong bộ sưu tập thập cảnh, đề cập tới cảnh đẹp của hòn đảo nhỏ ngay cửa biển Hà Tiên. Ở vị trí này, hòn đảo đã làm giảm bớt sự “hung hãn” của những ngọn sóng lớn ngoài khơi khi vào đến cửa biển Hà Tiên. Hơn nữa, về chiều lúc mặt trời sắp lặn xuống biển, không gian ở đây có một màu vàng đỏ, nên gọi “đảo vàng chắn sóng” thì quá hợp lí. Người dân còn gọi “Kim dữ” là pháo đài, bởi nó còn là nơi có pháo đài canh giữ cửa biển, bảo vệ trấn Hà Tiên. Ngày nay chiếc cầu Tô Châu đã nối liền hòn đảo này với Quốc lộ 80 để du khách khi đến Hà Tiên có thể đặt chân ngay lên hòn đảo xinh đẹp và thơ mộng này.

 

Cảnh “Đảo vàng chắn sóng”, được khắc họa có hồn qua bốn câu thơ chữ Hán trong bài xướng “Kim dữ lan đào”, tạo nên hình thái đất trời của cả một vùng Hà Tiên đã hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi”:

                                    Ba đào thế tiệt đông nam hải

                                    Nhật nguyệt quang hồi thượng hạ thiên

Đắc thủy ngư long tùy biến hóa

Bàng nhai thạch thụ tự liên phiên.”

 “Thiên thời” là ở chỗ: “Nhật nguyệt quang hồi thượng hạ thiên. Đắc thủy ngư long tùy biến hóa”; còn “Địa lợi” là ở chỗ: “Ba đào thế tiệt đông nam hải. Bàng nhai thạch thụ tự liên phiên.”. Hai câu thơ đắc nhất trong đoạn thơ để nói về sự giao hòa của trời đất là: “Nhật nguyệt quang hồi thượng hạ thiên. Bàng nhai thạch thụ tự liên phiên.”. Sự hòa hợp giữa thời gian và không gian nơi đây là tuyệt vời, nên đã tạo cho vùng hải đảo này một sự phồn thịnh, sung túc, mà Mạc Thiên Tích đã dùng chữ “thạch thụ tự liên phiên”.

 

Trong bài họa, Mạc Thiên Tích lại nói về “Kim dữ lan đào” với yếu tố “nhân hòa” cùng các khía cạnh của nó. Đó là sự quan tâm chăm sóc cho dân: “Ngăn ngừa nước dữ khôn vùng vẫy, Che chở dân lành khỏi ngửa nghiêng.”. Đó vừa là thế của tự nhiên vừa là thế của chính trị: “Nước an chẳng chút lòng thu động. Rộng bủa nhơn ra tiếp bá xuyên.”.  

 

Còn ở bài khúc vịnh, ông lại viết về cảnh đẹp này như sau:

Hết ruổi giong gặp ngày ca khải.

Thu quân về cảng hải dưỡng an.

Một tay vững đặt giang san,

Danh phong Kim Dữ, tước ban Lan Đào” (câu 23-26)

 

            Cảnh ở đây không thuần túy là cảnh thiên nhiên để thưởng ngoạn, mà còn là cuộc đời ở trong cảnh để con người phải quan tâm. Bởi đó mà “đảo vàng chắn sóng” mới được Mạc Thiên Tích phong danh tước “Kim Dữ Lan Đào” và được lưu truyền đến ngày nay.

 

2.2. Bài 2. “Bình San điệp thúy” hay “Bình Sơn điệp thúy”, cũng viết “Bình Sơn điệp túy” là bài thơ được xếp cặp với “Kim dữ lan đào”. Bài thơ vịnh về cảnh đẹp của một dãy núi nối liền với “Kim dữ lan đào”. Dãy núi này có một màu xanh cây lá trùng điệp và là nơi có khu lăng mộ vị khai quốc công thần Mạc Cửu; vị tướng kiêm nhà thơ, con trai Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích và các vị quan văn võ khác, được xây dựng đã hơn 300 năm. Người dân quen gọi núi Lăng là vì vậy. Đây là một dãy núi nằm ở phía Tây dựng lên như một bức bình phong thiên nhiên che chắn cho thị trấn Hà Tiên, bảo vệ cho một cõi biên thùy, chống lại với những thế lực ngoại xâm đến bằng đường biển.

 

Cảnh đẹp thiên nhiên của “Bình san điệp thúy” được Mạc Thiên Tích mô tả như sau:

                                    Long thông thảo mộc tự thiều nghiêu

                                    Điệp lĩnh bình khai tử thúy kiều.”

                 

 

            Hai câu thơ miêu tả được sức sống của núi rừng, sự vươn lên mạnh mẽ của cây cối, mở ra một màu xanh mượt mà, mềm mại, bao phủ một dãi núi dựng như một bức bình phong che chắn cho đất và người ở nơi đây. Hai câu thơ đã nêu bật được đầu đề “Bình san điệp thúy” của bài thơ vịnh về cảnh thiên nhiên nơi đây.

 

            Thiên nhiên ở đây không chỉ gợi trong con người thú thưởng ngoạn, tiêu dao; mà còn tạo một ấn tượng phồn thịnh, bền vững, trường cửu... Riêng điều này cũng làm cho lòng người vương mang một hoài bão, ước vọng cao xa:

                                    Lão đồng thiên địa chung linh cửu.

                                    Vinh cộng yên hà chúc vọng diêu.”

 

            Ở bài họa Nôm, Mạc Thiên Tích cũng rung động thật sự trước cái đẹp của thiên nhiên nơi đây, nên đã không ngần ngại bày tỏ niềm cảm mến và sự thán phục của mình:

                                    Một bước càng thêm một thú yêu,

Lằn cây vít đá vẽ hay thêu?

 

            Đặc biệt ở hai câu kết của bài thơ Nôm, Mạc Thiên Tích muốn nhấn mạnh tới sự quyến rũ, cuốn hút của thiên nhiên một cách kì lạ, đến độ như ông ngộ ra và chia sẻ được nỗi niềm của Sào Phủ, Hứa Do, khi hai ông này chán ghét chốn thành thị, công danh:

                                    Đến đây mới biết lâm tuyền quý.

                                    Chẳng trách Sào Do lánh đế Nghiêu.”

 

            Còn ở bài khúc vịnh, mở đầu tác giả nói về cảnh đẹp của núi Lăng như sau:

Sau Thành, dựng núi Bình San

Cao kỳ một khóm, an nhàn bốn dân.

Đúc tinh thần, ngọc lành cảnh tốt;

Cao thấp đều trọn một thức xanh.

Thợ trời sao khéo tạo hình,

Đá giăng lưng hạm, cây đoanh khúc rồng.” (câu 35-40)

 

            Cái đẹp của tự nhiên ở đây không thuần túy là cái đẹp thiên nhiên mà còn ẩn chứa nét đẹp của tình người và sự gắn kết của trời-người tạo nên. Nếu chẳng thế thì ông không viết: “Cao kỳ một khóm, an nhàn bốn dân. Đúc tinh thần, ngọc lành cảnh tốt.”. Ở nơi đây còn hội đủ sinh hoạt của một nơi “tiên cảnh”:

Cách bên khe, tiếng ngư ra rả;

Gõ be thuyền, ca vã đòi cung.

Dưới rừng, mấy trẻ mục đồng,

Lưng trâu thổi địch, gió lồng theo khe.

Tiều đi về dùng dằng chẳng dứt;

Cày lân la trưa mặt còn chơi.

Từng kia mây bức xanh tươi;

Đòi thanh đòi nhã, một nơi một nhàn.” (câu 49-56)

 

            Một bức tranh cảnh sinh động như ở “non tiên” nhàn nhã, an bình. Có đủ “ngư, tiều, canh, mục”, “tứ mùa, tứ quý”, “Đòi thanh đòi nhã, một nơi một nhàn.”.       

2.3. Bài 3. “Tiêu tự thần chung” không thuần túy là một cảnh tĩnh mà là một bức tranh động, có cảnh chùa nhưng cũng có tiếng chuông chùa buổi sớm mai vang lên từ khung cảnh tịch mịch ấy. Ngôi chùa này được gọi là chùa Tiêu hay “Tiêu tự”. Trải qua bao thăng trầm biến đổi của lịch sử, ngôi chùa Tiêu không còn, nhưng trên nền chùa ấy có một ngôi chùa khác được dựng lên, đó là chùa Tam Bảo hiện nay. Có thể khẳng định được điều ấy vì bên cạnh chùa còn có ngôi mộ của mẹ Mạc Cửu (Thái Bà Bà) mà khi bà còn sống, Mạc Cửu đã cho xây dựng để mẹ tu hành và khi bà chết thì được chôn ở đây. Khi bà qua đời, Mạc Cửu cũng cho đúc đại hồng chung để sớm chiều tưởng niệm công lao của đấng sanh thành. 

 

            Trong hai cặp “thực, luận” của bài xướng, Mạc Thiên Tích cảm nhận được cái đẹp của tiếng chuông chùa hòa quyện trong một không gian và thời gian thích hợp, tạo nên cảnh sắc riêng của “Tiêu tự thần chung”, làm cho vạn vật không những thức tỉnh trước cảnh tình, mà còn làm cho con người ngộ ra cuộc đời này:

Tịnh cảnh nhân duyên tỉnh thế giới

 

Cô thinh thanh việt xuất giang giao

 

Hốt kinh hạc lệ nhiễu phong thụ

Hựu súc ô đề ỷ nguyệt sao

 

            Ở bài họa, Mạc Thiên Tích nói rõ sự tỉnh ngộ về cuộc đời, từ sự tác động của “Tiêu tự thần chung” một cách rõ ràng hơn:

Não phiền kẻ nấu sôi như vạc

Trí huệ người mài sắc tợ dao.

Mờ mệt gẫm đường say mới tỉnh

Phù sanh trong một giấc chiêm bao.”

 

            Còn ở bài khúc vịnh, Mạc Thiên Tích cũng nêu lên tâm trạng của con người trước cảnh chùa và tiếng chuông cũng làm tâm hồn họ lâng lâng một nỗi niềm nhân thế khó tả, khôn phân:

Khách chùa Tiêu, ân cần Phật sự;

Đêm đêm hằng phân thứ âm dương.

Giấc hòe hồn bướm mơ màng,

Lầu quân, trống đã điểm sang năm dùi.

Nỗi buồn vui, mặc lòng nhộn nhã,

Gối chưa êm chưa hả sự lòng.

Gió đưa mấy tiếng thần chung,

Lóng tai nghe lọt, bên lòng vơi vơi.” (câu 65-72)

 

            Ai trong chúng ta một lần vãng chùa được nghe chuông sớm, chắc tâm hồn cũng bớt xao động, bon chen; mà để thế sự “mặc lòng nhộn nhã”, hay tâm tư “bên lòng vơi vơi”.

Hùynh Công Tín
Số lần đọc: 5542
Ngày đăng: 07.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những bài thơ mới tìm thấy của Lưu Trọng Lư - Thi Nhân
Tản mạn cùng Văn nghệ Sĩ miền nam của Nguyễn Tý,nxb Hội Nhà Văn.Lời giới thiệu của Nhà thơ Hoài Anh. - Hoài Anh
Thi sỹ Đông Hồ [ Hà Tiên] đã có công “ phục sinh” tác phẩm lục bát thế kỷ 18 ( Truyện Song Tinh của Nguyễn Hũu Hào ). - Nguyễn Văn Hoa
Trong tác phẩm nghệ thuật, sự kế thừa tinh hoa của quá khứ, còn ý nghĩa nữa hay không ? - Dư Thị Hoàn
Vài cảm nhận về văn phê bình của Xuân Diệu qua “ Các Nhà thơ cổ điển Việt Nam”. - Trần Thị Huyền Trang
Rừng Nauy, thực tại ngọt ngào, bí ẩn… - Khánh Phương
Lưu vong, một nỗi niềm từ quá khứ đến tương lai - Trương Thái Du
Đã tỏa sáng Huyền tích Kinh xưa - Trần Đương
Văn hóa truyền thống dân tộc Khmer trong dịp Lễ hội . - Trần Bắt Gặp
Dấu ấn văn hoá Việt trong kinh Thi - Hà văn Thùy